Hôm nay,  

Mùa Đông... Tết Cũng Cận Kề

31/12/201300:00:00(Xem: 41720)
Tác giả: Song Lam
Bài số 4100-14-29500vb3123113


Tác giả 65 tuổi, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ chín của tác giả.

* * *

Mới hôm nào "Tháng Ba trời đất vào Xuân" mà bây giờ tháng 12 đang qua, năm mới sắp đến. Vài tuần trước đây, mùa thu còn thật đẹp ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, nhất là ở New England và New Jersey. Những hàng lá phong đỏ rực, vàng óng đẹp lạ lùng. Không còn chiếc lá nào xanh. Người viết đề nghị ông xã ra park chụp cho tấm hình mùa thu thì ổng nói "Cảnh của người ta đẹp vậy, bà đứng vô làm chi cho nó hết… đẹp!" Thiệt là… tức cành hông!

Bây giờ lá bắt đầu rụng nhiều, rụng tơi tả theo cơn gió dữ, và tôi thấy mình cũng gần giống như chiếc lá. Thời gian trôi nhanh hơn sự suy tưởng của con người. Mượn lời than thở của thi sĩ Vũ Hoàng Chương tôi tự hỏi "Ta đã làm chi đời ta?"

Từ tháng 3/2013 đến nay, thời gian đủ thai nghén cho một đứa trẻ góp tiếng khóc chào đời. Và tôi, thời gian ấy đã gởi đến Việt Báo một chục "trơn" bài viết (Chục trơn theo người miền Nam là 10, chục có đầu là 12 hoặc 14.) Hơn 20 năm bỏ sách vở văn chương, 20 năm nằm co, bây giờ bật dậy như cái lò xo cắm điện. Trên dưới 10 bài viết, bạn đọc khen cũng có mà "sỉ vả" cũng đôi lần, lý do tôi hay "quên", cứ bỏ tiếng Anh đan xen với tiếng Việt. Đó cũng là thói quen cố hữu vì làm việc với người bản xứ lâu quá nên bị… nhiễm. Cám ơn bạn đã "rầy rà" và nói theo truyện kiếm hiệp của Kim Dung thì xin vòng tay "vãn bối xin bái lĩnh tôn ý."

Nếu nói văn chương là cái nghiệp thì tôi vướng nặng cái nghiệp này từ tuổi 12. Tâm hồn tôi như sợi dây đàn, chỉ cần ngón tay bấm nhẹ cũng rung tơ. Tôi là người đa cảm (nhưng chẳng đa tình) bề ngoài cứng cỏi như nam giới và có sự quyết liệt, dứt khoát trong tình cảm. Hiện giờ tuổi chưa đầy bảy chục mà nghe cõi lòng rệu rã tám mươi. Chỉ những ngày đến với Việt Báo là những ngày hạnh phúc của riêng tôi. Đặt bút vào trang giấy là trao gởi ân cần tình yêu thương của mình với bạn đọc, vì quanh tôi thiếu vắng bạn bè. Những sự việc phô diễn qua bài viết là những mảng đời thực của chính tôi hay của những người quanh tôi. Tấm chân tình của người viết chắc bạn đọc đã cảm nhận được?

Tôi không có cao vọng trở thành nhà văn, tôi biết mình không đủ sức. Hồi xưa Nguyễn Vỹ trong cơn say đã nói rằng "Nhà văn An Nam khổ như chó." Mọi người phàn nàn. Ông nói như vậy là chó nó xấu hổ chứ đâu phải mình. Và Tản Đà cũng đã viết: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo."

Hồi mới qua Mỹ, tôi dự định sẽ hoàn thành hai tiểu phẩm: "Người Đàn Bà Châu Á" và "Vầng trăng trước mặt" nhưng nợ áo cơm làm tôi chùn tay, buông bỏ mọi sự. Mùa đông ở đây lạnh cả đất trời, và trăng cũng không ngoại lệ. Vì thế, tâm hồn tôi tê lạnh từ đó.

Phan Nhật Nam vừa phát hành hai quyển sách mới "Chuyện dọc đường" và "Vận nước, phận người." Thú thật, đọc văn của Phan Nhật Nam, tôi nằm xuống với cơn mộng dữ, và sáng ra thức giấc nhìn quanh một mình rời rã tay chân. Phan Nhật Nam viết rất nhiều nhưng vẫn khiêm tốn nói rằng ông không là nhà văn mà chỉ là "người lính viết văn", còn tôi, nếu tôi là "người vợ lính viết văn" thì còn khổ sở hơn nhiều. Quá khứ trùng điệp đau thương, tôi muốn lãng quên đời, chỉ muốn chia xẻ với bạn đọc, bạn văn, đồng hương tình người còn xót lại, hay niềm tin và ý sống ở tương lai.

Bây giờ Giáng sinh đã về nhưng mùa đông đã đến sớm từ đầu tháng 12. Từ đầu tháng mọi người ở đây đã sùm sụp cái nón len trên đầu, khăn quấn cổ, vớ tay vớ chân dày cộm, áo len áo coast dài lòng thòng. Nhiệt độ về đêm chỉ 15 độ F, có khi xuống 10 độ F. Mỗi lần ra đường đi làm đi chợ, nội cái chuyện bận vào cởi ra cũng tốn 10 phút.

Ở đây, mọi người sẽ có 4 tháng ngủ vùi như loài dơi từ tháng 12 đến hết tháng 3. Giữa tháng 3 mới có dấu hiệu mùa xuân. Đó là vận hành của đất trời, hết ngày dài rồi lại đêm thâu, hết Đông rồi lại sang Xuân, hết xuân hoa nở tưng bừng, lại đến mùa hè rực rỡ nắng ấm! Còn đời người?

Đời người chỉ có một lần Xuân, Xuân ra đi không bao giờ trở lại: Anh biết em đi chẳng trở về. Dặm ngàn liễu rủ với sương che… Mùa xuân tuổi trẻ của chúng ta đã bị cuốn hút trong chiến tranh, sau đó là tù tội, và ngày trở về rời rã ước mơ! Sống dở, chết dở, lăn lóc giữa chợ đời, vật vã giữa chợ trời bôn ba kiếm sống… Cũng còn một chút may mắn bám vào mạn thuyền cơn vật vã bôn ba với sóng dữ biển khơi, nỗi chết trăm phần, sống chỉ có một.

Rồi sao nữa? Rồi nhìn hai bàn tay trống trơn, phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, nuôi con. Vừa mới thấy tóc xanh đang độ, chợt nhìn lại mình mái đầu đã lấm tấm điểm sương, cho nên mỗi tháng phải một lần nhuộm tóc.

Dĩ vãng là bóng ma cứ ẩn hiện chập chùng. Tuổi già có được bao nhiêu hạnh phúc? Thôi thì được nhiêu hay nhiêu, tất cả do "thiên duyên tiền định" rồi mà…

Năm nào cũng vậy, vào đông lạnh cóng với những ngày lễ lớn của Mỹ: Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch. Tiếp theo đó là Tết Nguyên Đán theo chân. Năm đầu tiên qua Mỹ, lúc đó tôi còn trẻ, thỉnh thoảng cũng ư a vài bài nhạc tủ. Nghe tôi hát: "Xuân này con không về" của Nhật Ngân, ông xã chảy nước mắt âm thầm nên la tôi: "Bà hát bài khác đi." Dĩ nhiên tôi cũng buồn rơi lệ. Riết rồi quen, chai đá hồi nào không hay!

Có những năm, mồng Một Tết rơi vào ngày tuyết đậm. Năm giờ sáng phải bật dậy cào tuyết, tay chân lạnh cóng, lùi lủi đi làm, âm thầm nhớ tiếng pháo, nhớ những ngày an vui thanh bình với cha mẹ, với các em, chờ Tết mới có được tiền lì-xì, chờ Tết để có được quần áo mới. Ở miền này, từ lâu chúng tôi không có Tết, không có mùa Xuân. Những chiếc áo dài truyền thống lấp ló trong va-li, đôi khi muốn mặc lại nhưng mặc lúc nào, ở đâu, với ai? Nhớ áo dài quá chừng. Hồi xưa, mỗi ngày mặc áo dài lên lớp tha thướt, dịu dàng, thanh lịch. Học sinh nhà quê sáng nào cũng bu ở bến xe chờ các cô giáo ở Sài Gòn đi xe đò xuống, để xem các cô mặc áo dài đẹp rồi bình phẩm, tuyển chọn hoa hậu trong ngày. Giở những chiếc áo ngày xưa, tôi nghe lòng buồn héo. Bây giờ già rồi, mặc áo dài "coi không được" Theo tôi, áo dài Việt Nam là cái "style" rất khó mặc. Không phải ai mặc cũng được. Hồi trước, mấy ông đồng nghiệp của tôi thường nói tôi đi sau lưng cô, muốn con đường từ văn phòng đến lớp dài ra vì cô mặc áo dài đẹp quá, chỉ nhìn ở sau lưng là muốn… chết rồi.

Đã từ quá lâu, tôi đã giã từ áo dài, giã từ trường lớp, giã từ luôn thời tuổi trẻ bình yên. Bây giờ, sóng cứ dậy ở trong lòng, trong cuộc đời chìm nổi lênh đênh. Nhìn những tấm ảnh cũ cứ tưởng là ai chứ không phải mình. Năm nào vợ cũng nói với chồng tối nay là giao thừa đó ông. Chồng ậm ừ bùi ngùi, Tết nhất gì bà ơi… Sáng mồng Một đi làm, trời lạnh căm căm, nhớ quá những ngày tuổi nhỏ với phong bao lì-xì, chợ hoa Nguyễn Huệ dập dìu trai thanh gái lịch. Nhớ thời khắc bình yên, nửa đêm Má la đừng giỡn tụi con, im lặng đi 12 giờ đêm rồi để nghe con gì ra đời!

Ngày đầu năm chúc non nước thanh bình
Ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình
Ngày mồng ba anh chúc cho má em xinh


Trong nhà, ngoài ngõ chỗ nào cũng râm ran nhạc xuân, nghe lòng vui lung lắm. Những bài nhạc đó đã sống trên 50 năm, hôm nay ở Mỹ hay trong nước vẫn còn được yêu quí, trọng dụng. Nó xô đẩy, lấn át hết, tiêu diệt hết "Bác đang cùng chúng cháu hành quân, hay tiếng chày trên Sóc Bom Bo…" Sự thật bao giờ cũng vĩnh cữu. Những bài thơ, bài nhạc phát xuất từ trái tim sống mãi trong lòng người. Những bài thơ, bài nhạc khiên cưỡng, sáng tác theo đơn đặt hàng sẽ chết non, chết yểu!

Ngày Tết mấy mẹ con chúng tôi cực lắm nhưng vui lắm. Mọi sự phải sạch sẽ từ trong ra ngoài. Nước phải đầy lu, gạo phải đầy khạp, không được quét nhà trong ba ngày Tết, chị em không được cãi vả nhau, không được nói lớn tiếng trong ngày đầu năm. Cúng giao thừa xong, Ba cho ăn mứt bí, mứt gừng. Sáng ra lạy bàn thờ xong, mừng tuổi Ba Má, Ba Má lì-xì mỗi đứa một phong bao đỏ. Mừng lắm, vui tràn ra mặt. Mỗi đứa được ba bộ quần áo mới mặc trong ba ngày Tết, ve vuốt xếp cẩn thận để dưới gối nằm cho thẳng. Trời ơi! Chỉ là hồi tưởng sao nghe lòng rộn rã ấu thơ? Tuổi trẻ trong nước hiện nay mất hết nỗi vui như chị em tôi hồi nhỏ, thời buổi a cồng văn minh trượt dốc, mất hết phong cách, lề thói văn hóa. Bây giờ, ngày Tết người ta để mồ hoang mả lạnh, bày ra lắm trò chơi nhảm nhí, dung tục… cho nên tuổi trẻ mất hồn nhiên, tuổi già mất nhân cách!

Mùa Đông. Mọi sự tê lạnh như tình người không có giờ gặp nhau, chỉ gọi phone chúc Tết, chỉ bấm bóp gõ vào Keyboard, chỉ Email cho nhau. Mọi người chụm đầu vào Computer, iPhone, iPad. Bất cứ nơi đâu cũng đều thấy mọi người nhìn vào iPhone quẹt qua quẹt lại. Già như trẻ. Im re. Tuổi trẻ gặp nhau hỏi thăm bồ bịch, chồng con, nhà cửa, xe cộ. Tuổi già gặp nhau hỏi bệnh gì, uống thuốc gì, ở đâu, với con hay với dâu rể, hay ở nhà dưỡng lão quạnh hiu?...

Tôi rất ngớ ngẩn, sống trong cái vỏ cổ điển của mình. Ủa, sao tao gặp chồng con như mấy năm trước, bây giờ gặp lại nó khác quá, lạ hoắc… Trời ơi, không phải bác ơi, thằng này là chồng sau, chồng trước nó bỏ rồi!!! Thì ra muốn theo kịp trào lưu văn minh hiện đại, phải thay chồng đổi vợ cho "hợp thời trang", cho giống Mỹ. Những đứa Mỹ làm chung với tôi hơn 50% ly dị. Sao kỳ vậy cà? Mới đây, khi nghe tôi nói tháng 12 này là 40 năm ngày cưới của chúng tôi, mấy đứa Mỹ nói sao lâu vậy, bộ mày không chán sao? Người Mỹ một chồng một vợ sống năm sáu chục năm vẫn có, nhưng rất ít.

Trời ơi, 40 năm chồng vợ, với gần 10 năm chồng phải học tập đường xa trong núi rừng Việt Bắc, 10 năm lăn lóc chợ trời có cái gì trong nhà cũng đem ra bán, chỉ còn giữ lại tấm tình chung, còn tình riêng thì đã "rã rời, tơi ống ngoáy". Chút tình riêng ấy là chút tình với văn chương chữ nghĩa "hết thời" vì bản thân mình cũng sắp sửa "hết sức"

Tiếng Việt thật lạ lùng. Khi tôi nói "thiệt hết sức nói" nghĩa là không còn gì, không có gì để nói nữa, hết thuốc chữa, bó tay, bó hàng. Nhưng nếu tôi nói: "Cô ấy đẹp hết sức nói" là đẹp quá chừng, không tả nổi. Đó là chút tình riêng với tiếng Việt mà người viết ngày đêm chăm chắm ưu tư muốn gìn giữ, quảng bá… chỉ sợ nó mất đi…

Mùa Đông. Mang giày 6 rưỡi phải mua bãy rưỡi vì dành chổ cho hai đôi vớ dày. Nhìn xuống đôi tay da nhăn nheo khô cứng, những đầu ngón tay nứt nẻ, rướm máu. Buổi sáng ấm áp chút với ly cà phê tự pha ở nhà hay chén canh rau tập tàng bốc khói. Gió rít mạnh qua cửa sổ. Cành cây trơ xương. Tuyết dầy thành icy mọi lối!

Mùa Đông lạnh cả đất trời.
Gởi em chút nắng thay lời cảm ơn.


Người già gặp nhau không còn nói chuyện chồng con nhà cửa xe cộ gì nữa. Buông hết rồi. Bây giờ hỏi nhau đang dùng thuốc gì, bác sĩ nào, ăn tiền già chưa, ở với cháu con hay trong nhà dưỡng lão. Người như tôi thì thấp chủm mà lại có đủ ba cao: cao máu, cao mỡ, cao đường. Ngày xưa thịt da săn chắc nõn nường, bây giờ nhăn nheo nhão nhoẹt. Ít ngày nữa, thêm cái gậy hoặc cái bàn đi bốn cẳng (walker) hay là cái xe lăn (wheel-chair)… Đường về La-mã đang gần!

Mùa Đông đến sớm ở nơi này. Mùa Đông cũng đến sớm cho tuổi già ưu tư, liệu có nấn ná ở đây với cháu con hay đang tìm nơi ấm áp để quay về làm "con chim trốn tuyết?"

Như dòng sông mãi mãi xuôi dòng, tôi cũng trôi theo năm tháng già nua, cũng trồi lên hụp xuống bao lần. Đôi lúc cũng muốn buông tay. Chút gì còn vướng vít? Đó là tình yêu chữ nghĩa và chút tình còn sót lại ở nơi này.

Mùa Xuân. Ngày Tết truyền thống đang lấp ló ngoài kia. Giáng Sinh đã về. Năm 2014 sẽ mở đầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với nhân loại, xóa bỏ đau buồn năm cũ. Trong niềm tin yêu đó, người viết xin được phép gởi đến quí bạn văn, bạn đọc, đồng hương xa gần lời chúc tốt đẹp, may mắn cho mùa lễ này. Chúc quí vị thật nhiều may mắn, hạnh phúc và bình an.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
07/06/201709:30:13
Khách
tôi nhẩm tính thì cô Song Lam năm 2017 đã được 69 tuổi, cô Song Lam sinh năm 1948 tuổi Mậu tý
Tôi là đàn em của cô Song Lam , tôi sinh 1953 Năm 1973 tôi học giáo viên tiểu học Sư Phạm Sài gòn ( 1973_ 1975 ) hệ 12+ 2 chỉ số lương 380 ( mức lương của giáo viên đệ nhất cấp sau giải phóng tương đương giáo viên cấp 2 nhưng vẫn đi dạy tiểu học
Tôi ghi danh ban việt văn đại học văn khoa Sài Gòn năm 1973
Năm 1974 tôi đậu dự bị việt văn
Năm 1975 Giải phóng nên tôi không được thi ngữ học và văn chương quốc âm
Sau 1975 tôi bỏ hẳn văn khoa lúc này đổi tên là đại học nhân văn
Tôi dạy tiểu học từ 1976 đến 1998 ( 22 năm )
Tôi vẫn còn ở VN Khác với chị song Lam là tôi không lập gia đình Cu li ở VN 22 năm khác cu li ở Mỹ 22 năm đâu mà
16/02/201712:34:44
Khách
Cam ơn cô Song Lam ,cô viết hay lắm.Những thăng trầm của đất nước đã chất quá đầy khổ nạn trên đôi vai của người dân Miền Nam nói chung và riêng các bà Mẹ Miền Nam có chồng con bị đi ''cải tạo" thì vạn phần khốn khổ ,họ phải gánh thay chồng để vượt lên.Dù nhà nước cs luôn cố tình vùi dập họ.Kính chúc cô và gia đình luôn an lành nơi đất khách quê người.
30/01/201722:51:18
Khách
Chị Song Lam mến
Đọc xong bài này nghe như có tiếng sóng thỗn thức trong tâm làm Mùa Xuân tha huon hương càng buồn thêm
28/01/201710:39:00
Khách
Cô giáo mới 22 tuổi đã Cử Nhân Văn Chương ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn VNCH càng viết càng hay. Nghe Cô mới về hưu nên viết nhiều thêm nữa cho mọi người cùng đọc với. Cảm ơn Cô Cử Song Lam.
08/01/201705:51:04
Khách
Song Lam viết văn rất hay. Cảm ơn và mong sáng tác mới
21/02/201408:00:00
Khách
Cô Song Lam viết hay lắm. Một chút bâng khuâng. Một chút bùi ngùi. Chúc cô khoẻ mạnh và viết nhiều thêm nữa!
26/01/201416:59:44
Khách
Bài viết đọc xong nghe lòng buồn buồn. Chắc là cuộc đời của người Việt, lứa tuổi sống qua buổi giao thời của 2 chế độ tương phản đa phần nhuốm đầy đau thương, mất mát...ại còn sống tha hương nữa chứ. Hy vọng đám con cháu sau này khỏi phải sống trong bom đạn chiến tranh may ra...?!
Cám ơn tác giả, mong bài viết sau của cô.
10/01/201408:00:00
Khách
Hay qua co oi! Co da noi len duoc tat ca nhung uu tu ve nhung doi thay cua xa hoi, van hoa trong va ngoai nuoc voi nhung nhan xet that sac sao nhung day tinh nguoi. Xin chuc co nam moi tran day hanh phuc, suc khoe va tinh yeu voi van chuong se thang hoa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,808,140
Tác giả cho biết cô họ Đoàn, đang ngụ cư ở Austin, TX, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn liên tục góp bài trong nhiều năm.
Việt Báo Foundation, tổ chức điều hành Giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000 tới nay, vừa loan tin như sau:
Tác giả là một nhà báo quen biết, từng trong nhóm chủ biên một số tạp chí, tuần báo tại Dallas.
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose người được cử chăm sóc Bà Trùng Quang liên tục hơn 6 năm cuối đời. Bà Trùng Quang sinh ngày 1 tháng Một 1912, từ trần ngày 6 Tháng Chín 2012, hưởng đại thọ 101 tuổi. Deborah Tường Vân viết về Bà với lời ghi “Để tưởng nhớ Cụ, vị nữ lưu kính mến mà tôi được vinh dự chăm sócï.” Bài được viết ngay sau hôm “Đưa Bà Ra Biển” mùa thu 1012, nhưng theo sự dặn bảo của Cố nữ sĩ Trùng Quang, tới nay mới được phép phổ biến.
Bà Trùng Quang, vị tác giả trưởng thượng của làng vàng báo Việt Nam, đã từ trần. Trong số ngân khoản giới hạn Bà đề lại, có khoản 10,000 Mỹ kim được quyết định tặng giải thưởng Việt Báo. Gia đình cố nữ sĩ Trùng Quang mới đây đã chuyển đến Việt Báo Foundation khoản tặng dữ này.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo
Tác giả lần đầu góp bài cho Viết Về Nước Mỹ. Theo một tài liệu kèm theo, cô chuyên tu học về Kim Cang Thừa của Tây Tạng,
Với bài viết tựa đề “Viện Dưỡng lão và Viện Mồ Côi”, Trần Thiện Phi Hùng có tên trong danh sách nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2013.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến