Hôm nay,  

Tôi Đi Câu Cá Mái Chèo

20/05/201300:00:00(Xem: 296646)
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện câu cá đủ loại, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, sang Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm hùm, và đi săn “hàng khủng” cá Tầm (Sturgeon) trên Delta Bắc Cali. Sau đây là bài mới của ông.

-I. Gian nan đường đi câu

Loay hoay mãi tôi mới tìm được trên mạng cái vé máy bay mà người Mỹ thường gọi là "red eyes fly", loại vé rẻ tiền có thời gian đi về đêm hôm khuya khoắt không ai thèm đi. Nói rẻ là rẻ vậy chứ nó cũng làm tôi tốn hết $500 để bay từ Los Angeles tới Tulsa, Oaklahoma. Nơi mà Tôi hen gặp Jim, người sẽ dắt tôi đi săn lùng loài thủy quái có cái tên gọi là Paddlefish mà tôi tạm dịch ra tiếng Việt mình là Cá Mái Chèo.

Cuối cùng rồi cái ngày mong đợi cũng tới, tôi như đứa trẻ chờ quà của mẹ sau mỗi phiên chợ về, chỉ mong sao thời gian qua nhanh để tôi được nhìn tận mắt, bắt tận tay loài cá quý hiếm này. Đang soạn đồ bỏ vào balô để ra phi trường thì tôi nhận được điện thoại của Jim. Tưởng rằng hắn gọi tôi để confirm về chuyến đi ngày mai, ai ngờ lại gọi để báo cho tôi biết là chuyến đi câu của tôi có thể bị hủy bỏ vì lý do thời tiết. Nghe hắn nói làm tôi lo lắng và hoang mang vô cùng, vì mọi thứ bây giờ đã quá trễ để tôi hủy bỏ chuyến đi. Ngay cả cái vé máy bay, vì vé tôi mua là loại rẻ tiền nên không thể thay đổi ngày giờ được, nếu tôi không đi ngày hôm nay thì coi như mất vé. Thế là tôi nói với Jim từ giờ cho đến sáng mai, nếu thời tiết có thay đổi và nếu hắn vẫn đi với tôi thì tôi sẽ trả cho hắn thêm tiền. Rồi tôi bảo có gì mới thì cứ liên lạc với tôi bằng tin nhắn, vì từ giờ tới tối tôi sẽ ở trên máy bay nên điện thoại sẽ không liên lạc được.

Theo lịch trình thì máy bay của tôi sẽ rời LAX vào lúc 6 giờ 10 chiều và sẽ đến phi trường Tulsa vào lúc 12 giờ 30 sáng hôm sau. Nhưng vì lý do thời tiết, phi trường Tulsa bị đóng cửa nên mãi gần 2 giờ sáng, máy bay của tôi mới đáp xuống Tulsa. Khi xuống phi trường thì các chỗ cho thuê xe đã đóng cửa, hỏi thăm mấy người xung quanh thì họ nói nó sẽ mở cửa lại vào lúc 6 giờ 30 sáng. Thế là tôi đành làm bụi đời Cali, ngủ gà ngủ gật tại phi trường vì giờ này cũng đã quá trễ để về khách sạn và ngoài kia thì trời đang mưa bão, nếu có đi thì tôi cũng không có xe và tôi cũng không biết đi đâu tại cái thành phố xa lạ này.

Tôi cảm thấy chán nản vô cùng, đúng là "cái kiếp trời đày" chăn êm nệm ấm không chịu mà cứ tự làm khổ mình. Điều duy nhất làm tôi thấy an ủi được phần nào là khi mở điện thoại lên thi nhận được tin nhắn của Jim, hắn bảo tôi ngày mai sẽ đi với tôi vì thời tiết báo là bão sẽ tan vào lúc 9 giờ sáng.

Chẳng mấy chốc người hành khách cuối cùng rời khỏi sân ga trả lại cho phi trường sự im lặng đến đáng sợ và cái sân ga rộng thênh thang vắng hoe không một bóng người. Tôi chon một cái ghế dài nằm sát bờ tường, trong khu vực dành cho hành khách ngồi đợi chuẩn bị lên xuống máy bay để ngủ qua đêm. Lấy cái ba lô để ở đầu nằm vừa để làm gối, vừa coi như trông chừng để khỏi bị mất trong lúc tôi ngủ. Vừa đặt lưng xuống cái ghế dài chưa kịp yên giấc thì có ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt tôi. Lồm cồm ngồi dậy thì tôi thấy một gã security ngưới da trắng có thân hình đồ sộ như con bò mộng, đang đứng nhìn tôi với ánh mắt không được thân thiện cho lắm. Với chất giọng lơ lớ đầy accents của người miền trung nước Mỹ, hắn hỏi tôi sao không về nhà hay vào khách sạn mà lại tính ngủ ở đây. Tôi nói với hắn là tôi đến đây để đi câu cá và do máy bay của tôi tới trễ, chỗ của tôi đặt thuê xe đã đóng cửa và tôi không quen biết ai tại thành phố này, nên tôi dự định ngủ lại nơi đây đêm nay rồi chờ đến sáng mai sẽ mướn xe đi tiếp.

Sau khi ghe câu chuyện, gương mặt hắn có vẻ dịu đi một chút, nhưng lại nói là tôi không thể ngủ ở đây được vì hắn phải đóng cửa. Nếu muốn thì tôi có thể ngủ tạm ở nhà ga phía ngoài nơi khu vực người ta dành cho đưa đón thân nhân, chứ không được ngủ lại ở khu vưc đã được cách ly này.

Thế là tôi đành lủi thủi đi theo hắn ra khu vực phía bên ngoài. Loay hoay một hồi tôi mới tìm được một chỗ vừa ý để ngủ qua đêm. Vì nơi đây không có những băng ghế dài dành cho người ta ngồi đợi như trong khu vực cách ly, mà thay vào đó là những băng ghế có tay vịn nên tôi không thể nằm trên ghế được. Thôi đành nằm dưới đất vậy, tôi lấy cái khăn tắm trong ba lô ra trải lên sàn gạch cho đỡ lạnh, rồi cái balo lại gối đầu...

Nằm một mình trong nhà ga rộng mênh mông với những hàng ghế trống rỗng làm tôi thấy cô đơn lạnh lẽo vô cùng, nhưng nghĩ đi rồi cũng phải nghỉ lại, dầu sao đi nữa tôi cũng cảm thấy mình may mắn hơn những người homeless đang sống vô gia cư ngoài kia, vào những đêm đông gió rét như thế này, họ phải nằm co ro ở một vỉa hè hay một gầm cầu nào đó, còn ướt át và lạnh lẽo hơn tôi. Mãi theo đuổi những ý nghĩ vẩn vơ, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay....

Tôi thức giấc vì tiếng bước chân của người ta đi lại, nhìn đồng hồ đã gần sáu giờ rưỡi sáng nhưng ngoài kia trời còn tối om và mưa vẫn rơi lất phất. Tôi lồm cồm ngồi dậy dọn dẹp chỗ ngủ, rồi xách túi đồ của mình đi vào toilet phi trường để làm vệ sinh, sau đó liền đi đến chỗ cho mướn xe. Cầm chìa khóa của chiếc xe vừa thuê được trên tay, tôi di ra đến bãi đậu xe thì đã quá bảy giờ. Và từ đây tôi còn phải lái xe thêm 2 tiếng nữa mới đến điểm hẹn với Jim là cái khách sạn mà đáng lẽ hồi tối tôi sẽ nghỉ qua đêm. Bỏ vội đồ vào trong xe rồi theo sự hướng đẫn của bộ phận JPS chỉ đường trong Iphone, tôi cho xe chạy ra khỏi phi trường một cách vội vã.
acavit22_2_
Mr Bond bay đêm từ Los Angeles sang Oklahoma để đi câu.
Khác với Los Angeles nơi có những tòa nhà chọc trời và cảnh nhộn nhịp của một thành phố phồn hoa vào bậc nhất của Hoa Kỳ, thì nơi đây đường sá khá nhỏ và nhà cửa xe cộ cũng thưa thớt... chẳng mấy chốc xung quanh tôi chỉ còn là đồng không mông quạnh. Quang cảnh hai bên đường bây giờ chỉ là những những rừng cây gầy trơ xương đang đứng run rẩy ướt át trong cái gió rét của buổi sáng sớm. Lâu lâu tôi mới thấy một vài mái nhà cũ kỹ được cất theo kiểu nông trại nằm khuất sau những hàng cây đã trụi lá, đang đứng oằn mình trong cơn mưa bão làm tôi tự nghĩ "Cái xứ sở gì mà coi bộ khỉ ho cò gáy vậy trời!".

Trời vẫn còn mưa lất phất nhưng đã bớt nặng hạt hơn hồi nãy, xe tôi đã đi được gần 1 tiếng thì cái Iphone của tôi báo tín hiệu xắp hết pin... Không sao, tôi có đem theo đồ xạc pin dành cho phone trên xe mà. Thế là với tay lấy cái ba lô đang để trên ghế ngồi bên cạnh lục tìm cái đồ xạc rồi cắm nó vào chỗ xạc pin được thiết kế sẵn trên xe. Cái xạc pin không work, tôi lấy ra rồi cắm nó lại cho chặt một lần nữa.... vẫn không có điện vào cái xạc pin. Tôi nhớ mới hôm qua tôi đã dùng nó và nó vẫn còn OK, vậy mà giờ đây nó cứ nằm trơ ra không điện đóm gì cả.

Trời ơi, thế là tiêu tán thoòng rồi, đường đi của tôi tất cả là phụ thuộc vào sự chỉ đẫn của JPS trong cái điện thoại, bây giờ nó hết pin giữa chừng thì tôi biết đường đâu mà chay???. Loay hoay với cái xạc pin, tôi không để ý đã đến lúc mình phải rẽ vào Hwy khác để đi tiếp, đến khi nhận ra thì nó đã nằm sau lưng.

Không sao, tôi tự nhủ, mình chạy thêm tí nữa tìm exit kế tiếp để quay lại mấy hồi.

Xe chay gần 20 phút rồi mà tôi vẫn chưa thấy cái exit nào để quay đầu xe trở lại, điệu này không biết phải chạy mãi đến bao giờ. Ở Cali, có đi lạc cao lắm thì năm ba phút sau đã có exit để quay đầu lại, bên đây mình chạy cũng gần mười mấy miles mà chưa tìm thấy cái nào. Thôi đành liều vậy...xe chùa mà, thế là tôi giảm dần tốc độ cho xe chạy vào dãy phân cách tìm chỗ trống, rồi cho xe băng ngang để sang bên phía bên kia đường.

Dây rồi, một bãi cỏ trống có ít bụi cây khá lý tưởng, tôi có thể cho xe chạy qua nó để sang phía bên kia. Ban đầu tưởng mọi việc êm xuôi, ai ngờ xe vừa chạy qua được giữa đám cỏ thì bị lún....de tới de lui thì nó càng lún sâu hơn, nhìn quanh thì chỉ toàn là rừng cây hoang vắng chẳng có con ma nào trên đường để giúp mình. Thế là tôi phải ra khỏi xe để xem xét tình hình, rồi đi bẻ mấy cái nhánh cây và bụi cây dại mọc xung quanh để quăng vào chỗ bánh xe bi lún, lai de tới de lui cũng gần 10 phút sau tôi mới bò được qua mé bên kia đường để quay đầu lại...

Hú hồn! Cũng may là tôi ra được chỗ lún nhưng người và xe dính đầy bùn đất, bực mình tôi lầm bầm trong miệng, "đúng là mở đầu một ngày mới, toàn là chuyện không may...!".

Điện thoại bắt đầu hiện lên dấu hiệu pin còn 20%,10% rồi 5%, tôi cho xe tắp vào vệ đường. Việc đầu tiên tôi cần làm là gọi cho Jim dể báo cho hắn biết là tôi sẽ đến trễ, là phôn tôi gần hết pin nên hắn sẽ không liên lạc được, rồi bảo hắn kiên nhẫn chờ. Sau đó thì tôi tìm cây viết để gi lại những đoạn đường cuối cùng tôi cần đi qua, đang hiện trên bản đồ của màn hình của điện thoại. Tìm mãi trên xe cũng như trong túi đồ của tôi không có cây viết nào, mà xung quanh thì toàn là đồng không mông quạnh cũng chẳng hỏi mượn ai được. Đúng là họa vô đơn chí, thôi đành nhớ trong đầu mình những đoạn đường mà mình phải đi. Xem lai thấy tôi đã đi được trên quá hai phần ba đoạn đường, nên từ đây tôi phải đi xuống exit 302 đi về hướng U.S. 59/ U.S. 60/ Afton/Fiarland/Grove, sau đó thì vào US-60E, đi thẳng rồi quẹo phải vào OK-10S, Quẹo trái 14 St, sau đó trái on Tuplin Rd rồi phải on Turnpike St thì đến nơi. Tôi phải nhớ tất cả những thứ này trong đầu, vì bây giờ nó là sự sống còn của tôi để đi đến điểm hẹn. Nhưng khi vào đến 14 St thì trí nhớ cúa tôi bắt đầu bị lẫn lộn, may là tôi đã vào được thị trấn nên tôi có thể dừng lại để hỏi đường, nhằm cái khách sạn tôi ở là Best Western Timberidge Inn, là cái hotel bự nhất ở thị trấn đèo heo hút gió này, nên hỏi đường đến đó ai cũng biết. Thế là cuối cùng rồi tôi cũng đến được điểm hẹn.
acavit12
Cô thổ dân da đỏ Oologah và con cá mái chèo.
II. Cô thổ dân Da Đỏ

Tôi đến muộn hơn dự đinh khoảng một tiếng vì bị lạc đường. Từ xa tôi đã thấy chiếc xe của Jim đằng sau có kéo chiếc tàu câu đang đậu trước cửa khách sạn. Jim bước ra đón tôi với câu chào xã giao và nụ cười rất tươi. Hắn hỏi tôi mọi việc ok chứ? Tôi trả lời từ khi tôi đến đây thì gặp toàn là bad luck... Hắn tươi cười nói không sao, hắn sẽ cố gắng bắt cho tôi một con cá mái chèo thật bự ngày hôm nay để xua đuổi những chuyện sui sẻo. Nghe hắn nói vậy làm tôi cũng thấy vui vui và an ủi được phần nào.

Chào hỏi xong tôi quay lại xe lấy những thứ cần thiết rồi theo Jim đi đến xe của hắn. Khi bước lên xe tôi ngạc nhiên quá, vì trong xe ngoài Jim ra còn có một cô gái mà hắn giới thiệu với tôi là con gái riêng của hắn với người vợ trước. Hắn nói là cô ấy sẽ đi với chúng tôi ngày hôm nay để giúp tôi bắt được cá to... Nghe hắn nói mà tôi hơi nghi ngờ, không biết thằng này có nói thật không đây? Thôi thì có thêm một người nữa đi cũng vui, nhứt là người đó lại là một cô gái khá xinh, chứ đi câu chỉ có 2 người, Jim với Tôi rồi Tôi với Jim thì chán chết...hihi.

Cô gái có cái tên rất lạ...Oologah, cùng tên với dòng sông trong vùng. Theo tiếng thổ dân Da đỏ thuộc bộ tôc Cherokee thì nó có nghĩa là Dark Clouds mà tôi tạm dịch từ Anh sang Việt là Huyền Vân như tên con gái của ký giả thể thao Huyền Vũ. Sau này khi ngồi trên xe, nghe Jim kể thì Oologah, tôi mới biết cô ta là kết quả của cuộc tình ngang trái của Jim và một cô gái thổ dân Da đỏ thuộc bộ lạc trên, trong một lần đi câu cách đây gần 30 năm, khi mà sự phân biệt chủng tộc vẫn còn nhiều, và sự đố ky còn khá rõ nét giữa người da đỏ và người da trắng ở cái tiểu bang khỉ ho cò gáy này.


Theo Jim, sở dĩ Oologah có cái tên này là do bà ngoại của cô ấy đặt, vì từ khi mẹ của cô ta mang bầu với Jim thì bà ta đã phải sống trong tủi nhục, bị mọi người trong bộ lạc khinh miệt và xa lánh chỉ vì Jim là một người da trắng, rồi đến khi Oologah được sinh ra đời thì mẹ của cô ấy mất. Vì quá đau buồn nên bà đặt cho cô cháu gái của mình cái tên Oologah, để tưởng niệm một ngày u ám khi bà mất đi người con gái xấu số và chỉ còn lại đứa cháu gái bất hạnh vừa mới ra đời. Từ đó Oologah sống với bà ngoại trong khu tự trị của người Da đỏ từ nhỏ đến lớn. Đến năm mười tám tuổi thì cô ta đi tìm tới Jim và anh ta đã nhận lại đứa con rơi của mình.

Việc đầu tiên khi tôi lên xe của Jim là tôi coi xạc lại pin cái điện thoại của tôi, thì ra cái bộ phận dùng dể xac pin trên chiếc xe tôi mướn bị hư, chứ không phải cục xạc pin của tôi hư. Từ khách sạn, Jim cho xe chạy ra khỏi thị trấn Grove để rồi chạy lòng vòng trong mấy đường rừng, vừa lái hắn vừa kể về cuộc đời của mình cho tôi nghe.

Điều Jim làm tôi ngạc nhiên nhất là hắn hỏi tôi là người VN hả, tôi ghe hắn nói mà giựt mình và hỏi sao hắn biết, thì hắn bảo qua chất giọng của tôi hắn biết tôi là người Việt, vì vào cuối thập niên 60 hắn có đóng quân tại Đà Nẵng khoảng 2 năm. Tôi hỏi hắn có biết Saigon không, hắn bảo chỉ biết qua sách báo vì tuy đóng quân tại Đà Nẵng nhưng hắn chưa một lần vào Saigon, mỗi lần nghĩ phép là hắn được máy bay trực thăng chở ra hạm đội bảy đậu ngoài khơi biển đông rồi chở sang Thailand hay Philipine để nghỉ ngơi chứ không có đưa vào Saigon.

Xe chạy lòng vòng trong rừng khoảng một tiếng thì ra đến điểm câu. Jim cho xe de xuống chỗ thả tàu rồi bảo tôi giúp hắn lái chiếc Truck có kéo cái rờ mọt đậu vào bãi đất trống, mà hắn chỉ cho tôi ở phía trước mặt, trong lúc Oologah giúp hắn đẩy chiếc tàu ra ngoài rồi cột dây ngồi đợi tôi.

Trời vẫn còn rét căm căm, nhìn những hàng cây gầy trơ xương đứng run rẩy ướt át sau cơn mưa tối qua, đây đó còn đọng lại những mảnh tuyết nhỏ đang tan thành nước khi nhiệt độ đang ấm dần, tạo nên những dòng chảy nhỏ đổ vào Grand Lake. Cơn mưa vào lúc sáng đã dừng hẳn nhưng bầu trời còn rất u ám, có nhiều mây và nhiệt độ vẫn còn lạnh, khiến tôi phải lấy trong cái ba lô ra cái quần dài, loại quần ấm không thấm nước người ta dùng để mặc khi trượt tuyết để mặc vào, vì mọi lần trước tôi đi câu toàn mặc tà lỏn. Chỉ có nơi đây nhiệt độ lạnh quá khiến một thằng chuyên luyện "hàn băng chưởng" như tôi cũng chịu không nổi.

Jim nói vói tôi đây là đoạn cửa của sông Oologah đổ vào Grand Lake. Nhìn đoạn sông đang cuồn cuộn chảy đục màu cà phê sữa, một phần do phù sa ở thượng nguồn đổ về và một phần do bùn đất bị cuốn trôi bởi cơn mưa tối qua đổ thêm vào, làm tôi không khỏi lo lắng tự hỏi, không biết hôm nay mình có bắt được cá hay không. Như thầm đoán được ý nghĩ trong đầu của tôi Jim quay qua bảo, mày đừng có lo, có sự giúp sức của Oologah, bọn mình sẽ chắc chắn bắt được con cá mái chèo ngày hôm nay.

Oologah giúp tôi cột cái thẻo, nhìn cái tay cô thoăn thoắt túm cái lưỡi câu theo kiểu Snelling A Hook vào sợi dây khoảng 80 bls, bây giờ tôi mới tin vào lời nói của Jim là hôm nay tôi đi câu không thể nào không bắt được cá. Thẻo được túm bởi một cái lưỡi ba tiêu to chà bá có cọng to bằng cây đũa chứ chẳng chơi. Phía dưới lưỡi câu một đoạn dài khoảng một xải tay người lớn, thì Oologah cột một cục chì nặng khoảng 16 ounce vào đó.

Vậy là xong cái thẻo, ngồi nhìn cái thẻo tôi không khỏi thắc mắc, cột kiểu này thì làm sao con cá nó ăn ta? Định hỏi Oologah nhưng lại thôi, trước sau gì thì tôi cũng biết cách câu nó như thế nào rồi, vì bây giờ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các thứ để ra khơi.

Sau khi ra đến điểm câu đầu tiên, Jim cho tàu chạy chầm chậm theo hình chữ S, Oologah và tôi mỗi đứa ngồi một bên phía sau tàu, thả dây để cục chì chạm xuống đáy sông rồi lấy hết sức bình sinh mà giật, sau đó lại thả dây cho cục chì chạm xuống đáy sông một lần nữa rồi lại giật tiếp… cứ như vậy, giật rồi thả, giật rồi thả, chúng tôi sẽ làm động tác này cả ngày cho tới khi tình cờ sóc được con cá bơi ngang qua mới thôi.

Thì ra cái kiểu câu này người Mỹ họ gọi là snagg con cá, còn theo tiếng VN mình người ta gọi là câu sóc lưỡi hay câu luc, nhưng cái khác ở đây là chúng tôi vừa trolling vừa snagg chứ không phải ngồi một chỗ, xả mồi dụ cá đến rồi snagg. Vì snagg không quen nên chưa đầy 30 phút sau 2 cánh tay tôi mỏi rã rời. Ban đầu tôi giật cần còn mạnh còn bây giờ thì giật cho có lệ vì tay quá mỏi, đúng là câu cá kiểu này chua thật.

Thấy vậy Jim quay sang nói với tôi: Mày ráng đi, vì đây là cách duy nhất để câu được cá. Hắn nói loại cá này nhìn ngầu vậy chứ nó chỉ ăn toàn rong rêu và các vi sinh vật nhỏ sống trong nước, không có mồi dùng để câu nó, vì vậy mình cũng sẽ không bao giờ có thể câu được nó bằng cách câu thông thường. Hắn còn nói thêm, đây cũng là loại cá duy nhất được luật pháp cho phép câu bằng phương pháp snagging (dùng lưỡi câu xóc cá) chứ ở cái xứ Mẽo này, mình mà câu cá mà snagg như vậy, cảnh sát thấy được họ phạt cho ba má nhìn không ra.
acavit30
Thành tích của Mr. Bond và bố con Jim - Oologah.
Cũng nên nói về luật câu cá mái chèo tại tiểu bang Oklahoma một chút, theo luật thì họ cho phép câu loại cá này bằng phương pháp snagging và người câu phải mua thêm giấy phép dành riêng để câu nó. Loai này chỉ được bắt theo mùa, thường thì từ tháng 2 đến tháng 4. Còn về tiêu chuẩn thì mỗi ngày chỉ bắt được một con, và khi câu được cá rồi thì mọi việc câu cá này phải dừng lại. Ngoài ra họ còn có thêm một cái luật nữa mà tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu, đó là nếu bạn đi câu cá mái chèo vào ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần, thì luật pháp cho phép câu được đến 5 con, với điều kiện bạn câu nó lên rồi thì phải thả xuống chứ không được phép giữ cá.

Thấy luật câu cũng khá dễ nhưng để bắt được con cá này không dễ chút nào, vì con sông nơi đàn cá này thường sinh sống rộng mênh mông như biển cả, bạn đâu có biết con cá nằm ở nơi nào mà xóc lưỡi nó. Gần 2 tiếng đồng hồ câu tại cửa sông Oologah thì cô gái da đỏ dính được con cá đầu tiên, cô liền đưa cần cho tôi kéo. Thế là tôi đã thấy được mặt mũi con quái vật hồ Grand Lake bằng xương bằng thịt, nhưng bắt được con cá này đâu có vẻ vang gì vì con này đâu phải do tôi câu.

Còn về phần tôi, trong suốt hai tiếng đồng hồ snagging, tôi dính được một con cá catfish to bằng cườm tay người lớn, làm Oologah và Jim cười vỡ cả bụng, vì theo họ, snagged được con cá này còn khó hơn là bắt được con mái chèo nữa, vì con cá bé tí teo không hiểu tại sao tôi lại xóc lưỡi được nó...

Nhìn mặt mày tôi phờ phạc, tay thì giật cái cần hết muốn nổi, Oologah quay sang nói với Jim điều gì đó. Thế là Jim bảo tôi cuốn cần, rồi cho tàu quay đầu phóng ngược về phía thượng nguồn. Con tàu lướt trên mặt nước như bay, bỏ lại sau lưng một chuỗi nước bọt dài trắng xóa. Tàu chạy như vậy khoảng 2 tiếng thì chúng tôi đến được chỗ câu mới.

Đoạn sông nơi đây được thu hẹp chỉ còn khoảng vài trăm mét chiều ngang, với hai bên bờ là những vách đá thẳng đứng. Jim cho tàu chạy chầm chậm dọc theo những vách đá này, khiến tôi có thể thấy cả mấy con sơn dương đứng trên những mỏm đá cheo leo, đang rướn mình tìm ăn những dây leo mọc len lỏi trong những khe đá. Cảnh vật hai bên bờ thật đẹp, làm tôi cứ tưởng là mình đang đi lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Jim quay sang nói với tôi: Đây là khu vực thuộc vùng tự trị của bộ lạc Cherokee. Chúng tôi vào đây thì những giấy phép câu cá của tôi do tiểu bang Oklahoma cấp chỉ còn là giấy lộn, chúng tôi có thể câu cá thoải mái và muốn làm gì thì làm, vì không bị ràng buộc bởi luật pháp của tiểu bang nữa. Rồi hắn nói thêm, để vào được đây không phải dễ, vì đây là khu vực cấm chi dành riêng cho bộ lạc Cherokee, người ngoài không được phép vào.... nhưng với chúng tôi thì được vì đã có Oolagah làm bùa hộ mạng.

Jim lại cho tàu chạy vòng vèo theo hình chữ S còn chúng tôi thì lại thả cần rồi giật, giật lên rồi thả xuống, người cứ ngúc nga ngúc ngắc như con bửa củi. Tôi vừa giật cần vừa tán chuyện với Oologha về khu tự trị của dân tộc cô, thì đột nhiên cái cần trên tay tôi khựng lại một cái kịch, vì đang lơ là không để ý nên tôi bị mất thăng bằng khiến cả người chúi về phía trước, mém chút nữa là cắm đầu xuống sông. Cũng may là Oologah nhanh tay quăng cái cần trên tay cô xuống sàn tàu rồi nắm áo kéo tôi lại, nếu không là tôi đã rơi tõm nguyên con xuống dòng nước đá đang tan lạnh như cắt da cắt thịt dưới kia rồi.

Cái cần trên tay bắt đầu tuôn dây, dây này có sức chịu lực 80 bls đã được tôi cân dây và để độ hãm máy khá chặt, nhưng nó vẫn tuôn ra rèn rẹt không kiểm soát nổi. Rồi như hoả tiễn tomahawk địa đối địa của tàu ngầm Mỹ, con cá phóng thẳng từ dưới nước lên trời rồi rớt xuống một cái ầm làm nước văng tung tóe. Tôi biết con cá ở đầu dây bên kia bị sóc lưỡi đau lắm, còn tôi thì lại đang sướng mê tơi trong sự đau khổ của nó.... đúng là chuyện đời không hiểu nổi, nhiều khi nỗi đau của kẻ này lại là niềm hạnh phúc sung sướng của người kia.

Thế là tôi câu được con cá mái chèo to đến cả trăm mấy pound chứ chẳng chơi. Con cá to chà bá bị tôi xóc lưỡi dính vào phần đuôi nên nó chạy khỏe như con trâu nước, khiến tôi mất gần cả tiếng đồng hồ mới diù nó tới gần và đem được lên tàu.

Sau khi Jim và Oologah giúp tôi đem con cá lên tàu và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, Jim quay sang hỏi tôi có muốn giữ nó, xẻ thịt đem về Cali không? Tôi nói hôm nay là thứ Sáu cá câu không được lấy, thì Jim phì cười bảo đây là khu vực tự trị của người Da đỏ, luật đó đâu có áp dụng.

Nhìn con cá nằm một đống trắng phau, to như một con heo nái trên sàn tàu, nó đang đưa đôi mắt như van lơn nhìn về phía tôi làm tôi thấy tội nghiệp. Tôi hỏi Jim và Oologah có muốn lấy nó không, còn tôi thì tôi không lấy vì với tôi đã bắt được con thủy quái của hồ Grand Lake và có hình chụp chung với nó là quá đủ rồi. Jim cười bảo: ”Tao cũng không muốn lấy nó làm gì, vì câu con nào mà cũng bắt thì khúc sông này riết sẽ hết cá, tao sẽ thất nghiệp là cái chắc”.

Oologah quay sang nhìn tôi với đôi mắt đầy trìu mến, cô bảo với tôi rằng tôi đã làm một điều tốt vì từ nhỏ cô đã được Bà của cô dạy "Những gì lấy của mẹ thiên nhiên thì lấy vừa đủ ăn chứ không phung phí, vì có làm vậy thì mình mới bảo tồn được những thứ đó cho con cháu mai sau".

Rồi cô nói tiếp là sẽ tặng cho tôi vài kí cá mái chèo được hun khói do chính tay cô làm để mang về Cali làm quà cho gia đình tôi.

Thả lại con cá xuống sông một cách an toàn, Jim quay sang tôi hỏi có muốn câu thêm cá nữa không? Tôi nói với tôi như vậy đã quá đủ, vì tôi có muốn câu nữa thì cũng câu chả nổi, khì hai cách tay của tôi giờ đây đã mỏi nhừ khiến tôi không còn cảm giác chi nữa.

Thế là tôi lại câu được một loài cá quý hiếm mới, một loài cá cũng có mặt trong sách đỏ và được chính phủ Mỹ bảo vệ khá chặt chẽ.

Kết thúc chuyến đi, xin hẹn với các bạn tôi sẽ trở lại với những chuyến du câu săn lùng những loài thủy quái mới.

Cali 04/2013.

Mr. Bond

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,752,103
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools.
Tác giả là cư dân San Jose, cơng việc: Income Tax Services. Ông góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007, với bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Bài viết mới của tác giả có kèm theo hình ảnh minh họa trích từ nguồn Chicago Museum.
Tác giả hiện định cư tại Philadelphia. đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA. Đã giữ chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS. Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài viết mới của ông là một tự truyện, nhiều hồi tưởng về gia đình, quê hương.
Theo bài viết, đây là tự sự một người con lai Mỹ đen, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới sinh, được “ghép hộ” để định cư tại Mỹ, và rồi cũng bị cha mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông được chuyển đến bằng email. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của Minh Nghĩa.
Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả là cư dân hưu trí tạ tiểu bang Oklahoma, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Cha Con Mỹ Hoá." Bài mới lần này là một truyện vui gia đình. Mong bà tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến