Hôm nay,  

San Jose, Làm Lại Từ Đầu Ơ Tuổi 50

05/11/201900:00:00(Xem: 23991)

Bài số 5828-10-31618-vb311519

 

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa

 

****

 

Tháng 6 năm 2000, nhận việc làm tại Kla-Tencor, tôi một mình tôi khăn gói về sống tại San Jose, California. Được mệnh danh là thung lũng điện tử, Silicon Valley là headquarters rất của rất nhiều công ty nỗi tiếng thế giới. Từ, IBM, Google, Apple, Cisco...đến những công ty, hảng xưởng nhỏ hơn. Phải nói là nhiều vô số. Công ăn việc làm nhiều, hot nhất là trong lãnh vực điện tử và máy tính. Lại thêm cái khí hậu ấm áp, người nhập cư nhiều nên giá nhà cao chóng mặt. Gía thuê nhà cũng lên cao ngất ngưởng. Tôi thuê một studio được xây thêm phía sau căn nhà của một người quen. Có cầu tiêu, bếp và lối đi riêng. 700 USD/tháng còn cao hơn giá thuê nguyên một căn nhà 3 phòng ngủ ở Tulsa. Dù sao cũng có chỗ ăn chỗ ở để bắt đầu một cuộc đời mới vào cái tuổi 50.

Không muốn bỏ phí thời gian, không có vợ con bên cạnh, tôi hối hả lao vào công việc. Lần đầu tiên được làm việc trong một công ty lớn tại Mỹ, kỹ thuật hiện đại và mới mẽ, mọi thứ với tôi như trở lại từ điểm khởi đầu. Ôn lại kiến thức đã học, nghiên cứu những bo mạch tân tiến, hoàn thiện vốn liếng tiếng anh...biết bao nhiêu chuyện cần phải làm. Nói là ngày làm việc 8 tiếng, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng ở lại công ty đến khuya khi ca làm việc chiều vừa chấm dứt. Nhờ vậy tôi  làm quen rất nhanh với môi trường làm việc mới. Cái kiến thức từ những năm tháng đại học, cái thời gian lăn lóc sửa chửa hàng second hand điện tử, khoảng thời gian làm cho các công ty nước ngoài trước khi qua Mỹ đã giúp tôi hội nhập rất nhanh vào công việc. Thật ra công ty càng lớn thì công việc càng dể dàng vì các phần việc được chia nhỏ. Mỗi người chỉ cần thật giỏi trong lãnh vực của mình. Tôi phụ trách phần bo mạch điện tử. Đúng với chuyên môn của một kỹ sư điện tử.

Vào làm rồi mới thấy thằng bạn nói đúng. Xin được việc mới là vấn đề, chứ làm thì không quá khó. Chỉ cần chịu khó học hỏi và siêng năng. Gì chứ cái khoảng cần cù và khéo tay thì người Việt Nam mình là số một. Đã vậy chịu khó cày overtime nên mấy ông xếp rất khoái dân mit làm trong các dây chuyền kỹ thuật lắp ráp và sửa chửa

Hình như cha mẹ đặt tên tôi là Mỹ, nên mọi chuyện từ khi qua Mỹ đều tốt đẹp và may mắn. Tulsa cũng vậy mà San Jose cũng vậy. May mắn lớn nhất khi vào làm việc tại Kla-Tencor chính là được làm việc chung với những người bạn cùng lớp thời đại học. Phải nói là ơn trên đã phù hộ, là ba tôi luôn bênh cạnh đứa con trai đầu. Không thể có một tình cờ nào có thể tốt đẹp hơn khi mà trong bộ phận kỹ thuật của chúng tôi có đến 4 thằng bạn học cùng khoá. Bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết khoá 2 điện tử chúng tôi ra trường 14 đứa, 5 đứa còn kẹt lại quê nhà, trong 9 đứa định cư quê người, hết 4 đứa làm việc cho Kla-Tencor. Đặc biệt hơn là cả 4 đứa cùng làm trong một bộ phận sản xuất. 1 đứa làm thiết kế, một đứa là trưởng dây chuyền sửa mạch, một đứa làm bên hệ thống. Tôi là đứa vào công ty sau cùng, phụ trách những vấn đề liên quan đến mạch điện tử.  Toàn phe ta.

 

Trong công ty tôi, cũng giống như đa số công ty điện tử khác ở Thung Lũng Điện Tử này, có một sự sắp xếp tương tự nhau về nhân sự.  Lãnh vực computer đa số toàn dân Ấn Độ, bộ phận thiết kế thường là từ Châu Âu, Trung Hoa, Liên Sô, quản lý thường là Mỹ, riêng ở bộ phận lắp ráp, sửa chửa, chạy máy hầu như toàn người Việt. Tụi tôi hay nói đùa với nhau, nhớ bảo vệ vương quốc của mình, đừng để kẽ địch xâm nhập. Có một Việt Nam nhỏ trong lòng một công ty lớn. Nhờ vậy đở nhớ nhà, đở nhớ quê hương.

Công ty có nhà hàng riêng nhưng nhóm dân tech Vietnam chúng tôi ít khi ăn trưa tại đó. Một phần vì giá mắc, phần vì không hợp khẩu vị. Healthy thì có healthy nhưng cái kiểu ăn gắp từng món như xà lách, thịt gà, bacon, trứng luộc... rồi bỏ vô hộp đem cân tính tiền là không hợp với dân mít tụi tôi rồi. Thế là không hẹn hầu như dân mít tập trung ăn trưa ngay tại phòng ăn của bộ phận sản xuất. Người mì gói, người cơm hộp, người bánh mì...Hâm nóng có microwave, lò nướng. Người hâm cá, kẽ nướng thịt người hâm cơm. Nói thiệt chứ tụi nhân viên nước ngoài ít khi đến phòng ăn của dân tech chúng tôi vào buổi trưa. Nội cái mùi cá kho, thịt kho, đôi khi hoà quyện thêm mùi mắm quê nhà là đủ cho các ông bạn tây mũi lõ chạy dài.

Buổi trưa trong công ty là thời gian vui nhất trong ngày. Như một nước Việt nam thu nhỏ. Đủ mọi thành phần: lắp ráp, kỹ thuật, kỹ sư, thiết kế.... Từ đủ mọi miền đất nước: Nam, Trung, Bắc. Thức ăn đủ mùi đủ vị. Vừa ăn vừa tha hồ bàn chuyện thời sự, chuyện gia đình, chuyện trên trời dưới đất. Ăn xong còn có cà phê, trà nóng. Đứa ra xe, bật máy lạnh ngã lưng, những tay còn ghiền "khói thuốc" rũ nhau ra mấy gốc cây, nhâm nhi vài điếu. Cuối tháng vào tuần lãnh lương, cùng nhau kéo ra nhà hàng tàu ăn trưa. Dĩ nhiên là chia nhau trả tiền theo lối Mỹ, sòng phẳng. Vậy mà vui.

Sau một thời gian làm quen với công việc, tôi quyết định chọn nơi này sẽ là nơi định cư lâu dài.

Thế là đầu hè năm 2001, vợ tôi nghĩ việc, thu xếp nhà cửa, cùng 3 con qua San Jose. Tạm thời, gia đình 5 người cùng ở chung trong căn studio xây thêm đó. Chật chội một tý nhưng xoay xở cũng tạm được. Vợ và con gái ngủ trong phòng riêng, ba cha con chia nhau phòng khách. Cũng phải cùng nhau chịu thương chịu khó, tiết kiệm được một ít tiền rồi mới tính chuyện mua nhà.

Đến đây vào cái thời chồng tách "technician" vợ ly "assembly", nên kiếm được một việc làm trong ngành kỹ thuật không phải quá khó khăn. Vợ tôi được tuyển vào làm cho hãng 3Com, cũng là một công ty về kỹ thuật lớn. Công việc không khó, biết xử dụng computer để vận hành máy test bo mạch điện tử là được, nhưng rắc rối là làm sao đi đến chỗ làm. Công ty ở xa, vợ tôi lại không dám lái freeway, đi đường trong dài hơn nhưng cũng còn loạng quạng vì không biết đường. Thế là thời gian đầu tôi kiêm nhiệm phần việc lái xe đi trước dẫn đường. Cứ như cho phái đoàn VIP, phải đi lane trong chầm chậm. Kẹt đèn đỏ bà tôi không theo kịp, lại phải tấp vô lề đợi. Phải mất cả tháng mới dám lái xe đi làm một mình.

Nhưng cũng đâu hết khổ, thời đó GPS chưa thịnh hành, mở yahoo in bản đồ chỉ đường đem theo cho khỏi quên. Đến đâu, qụeo trái, quẹo phải nhớ trước. Nhưng đâu có yên cho cái thân già tui, có lần con đường rẽ quen thuộc bị đóng để sửa chửa, thế là phải đi thẳng và...dừng lại vì đường lạ. Lại tạm ngừng công việc chạy ra dẫn đường.

Chuyện lái xe của vợ tôi ở cái thành phố san jose này, nói hoài không hết. Có lần đang đi, bỗng dưng thấy cái đèn báo hết xăng đỏ lên, luýnh quýnh tắp xe vô lề gọi cầu cứu. Tôi bảo, nó báo nhưng em chạy thêm cả 20 miles nửa chưa hết xăng đâu. Vậy mà dứt khoát không dám đi. Có lần không biết đi cái kiểu gì, leo tuốt vào đường ra free way. Thấy xe cộ chạy ào ào, sợ quá tấp vào lề. Báo hại lần đó đang họp với xếp lớn, phải nhờ đến 2 thằng bạn ra đem xe về.

Trong khi việc làm, đi lại được được sắp xếp dần dần vào nề nếp thì chuyện ở lại trở thành một vấn đề lớn.

Mới tạm ổn định được vài tháng, chưa hết mùa hè, chủ nhà thông báo xin tăng tiền nhà. Lý do lúc đầu chỉ một, bây giờ cả gia đình 5 người, điện nước cái gì cũng nhiều hơn. Tôi đồng ý trả thêm nhưng 1200 thì nhiều quá, xin bớt nhưng chủ nhà không chịu. Nói nghe thấy ghét: nếu thấy cao quá thì thôi, cho người khác thuê. Tưởng người quen tình cảm, ai ngờ lại cái kiểu "đồng hương gặp đồng hương, đồng tiền là trên hết". Chán tình đời, tôi quyết định sẽ dọn đi kịp trước khi hết hè để còn xin trường cho hai cháu nhỏ. Thuê nhà cũng không phải dể. Tìm được căn vừa ý chưa kịp đặt cọc đã có người khác nhảy vô. Có cái như ý muốn thì giá thuê cao quá, có cái giá được được thì nhỏ qua. Có lần tìm được căn nhà 3 phòng vừa ý giá được thì nằm ngay trong khu Mễ, ông hàng xóm là thợ sửa xe, suốt ngày hết nẹt bô đến xã khói, chịu gì nỗi. Đi mòn chân, gần hết hè vẫn chưa tìm được nhà, sốt ruột

Nhưng rồi trời vẫn còn thương, cuối cùng cũng tìm được một căn nhà gần trường trung học Independence. Nhà 4 phòng với giá 1800 một tháng. Với thời giá lúc bây giờ, ai cũng khen rẽ mặc dù tính đi tính lại mất toi gần ½ tháng lương của tôi. Cũng phải cắn răng bấm bụng ký hợp đồng thuê nhà nhưng lòng cứ ấm ức. Cái này ở Tulsa có ma mà thèm ở. 

Đúng thật cũng đúng như ông bà mình hay nói, như tiền nào của nấy. Của rẽ là của ôi. Căn nhà đầy gián và nhện, bếp núc củ kỷ. Ổ điện thì sập xệ. Tủ bếp xộc xệch. Căn nhà chuyên để cho thuê nên cửa ngỏ không có cái nào ra hồn. Mới mở miệng than phiền bị chủ nhà phán một câu xanh rờn. Thì nhà tôi như vậy nên mới cho thuê giá đó, ông bà không thuê, có khối người nhảy vào. Đúng là thời của mấy vị chủ nhà giàu. Vậy mà cứ tưởng gặp đồng hương tốt bụng. Lúc xem nhà, cái miệng ngọt như mía lùi: tại thấy ông bà mới qua lại quen với cháu nên lấy rẽ. Đúng là "miệng lưỡi không xương".  Qua sông phải luỵ đò. Không lý mất toi một tháng tiền cọc, thời gian lại cấp bách. Thế là vợ chồng con cái xắn tay, hì hà hì hục clean up, xịt gián diệt chuột. Ông anh tới giúp đóng lại mấy cái cửa tủ, sơn lại vách tường. Thằng bạn cho mượn xe truck, hai chuyến đi về thế là tạm xong việc chuyển nhà.

Trả 1800 cho tiền thuê nhà chưa kể điện nước, bao thứ linh tinh khác kể ra cũng quá căng thẳng, gia đình thu gọn lại ở trong hai phòng ngủ, cho 2 người làm chung công ty share 2 phòng còn lại. Mỗi tháng tiết kiệm cũng được thêm 800. Vậy là ổn. Làm cùng chung cơ quan, nên cũng tiện. Dĩ nhiên có người lạ ở chung cũng có nhiều bất tiện, nhưng để trụ được tại thành phố đắc đỏ này vẫn là ưu tiên số 1.

Những tháng ngày sau đó, mọi chuyện diễn suông sẻ. Chưa bao giờ làm trong lãnh vực kỹ thuật, nhưng vợ tôi cũng đã quen dần với cái cái dây chuyền gắn từng con chip, test từng bo mạch. Đồng lương hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ vừa đủ trang trải mọi chi phí của gia đình. Hèn chi mấy thằng bạn nói, lớn thuyền lớn sóng, lương có gấp 3 lần chưa chắc đã có dư như hồi ở thành phố nhà nghèo Tulsa. Suy nghĩ vậy thôi chứ, không mang nợ là OK. Quan trọng là được làm công việc trong ngành nghề mình yêu thích. Bước khởi đầu trên thành phố mới như thế là quá tốt. Bây giờ có biểu về lại, cũng nói không.

Nhưng, lại cái chữ nhưng muôn đời. Mới ở nhà thuê 1 năm, hết hạn hợp đồng, nhà cửa càng ngày càng khan hiếm, chủ nhà đòi tăng tiền thuê. Từ 1800 lên một mạch đến 2400. Năn nĩ lên 2000 thôi, không được. Lại là câu nói của người có tiền. Không thích thì dọn đi cho người khác vào. Hồi đó mình mới qua cũng hiền, chỉ làm hợp đồng qua loa. Cứ nghĩ một cách tình cảm kiểu Việt Nam, đồng hương giúp đở đồng hương đâu có đọc kỹ giấy trắng mực đen ghi rõ chủ nhà có thể lấy lại nhà sau 1 năm.

Thế là lại chạy đôn chạy đáo đi tìm nhà khác. Tìm mãi không ra, định bấm bụng thuê thêm một năm rồi tính sau. Gặp chủ nhà mắc dịch đòi ký hợp đồng 3 năm mới chịu gia hạn. Mua nhà thì lúc đó quá mắc, bán nhà Tulsa đem qua không đủ down payment, đang bí, bỗng nhiên thằng em út cho ý kiến. Hay là mua mobile home. Trả tiền đất nhưng dù sao cũng là nhà của mình. Nó cũng đang ở mobile. Khu tốt, trường học tốt, trả hàng tháng 1000 cộng tiền đất 800. Tổng cộng cũng bằng tiền thuê nhà hiện nay, nhưng khỏi sợ chủ nhà làm khó làm dễ. Nghe cũng có lý, hơn nữa không còn cách nào khác, vậy là mua một căn mobile home củ vùng Sunnyvale giá chưa đến trăm ngàn. Lại dọn nhà lần thứ hai. Bây giờ mới thấm câu hai lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà. Lần đầu chỉ một cái giường queen một sofa. Lần này 3 giường ngủ, sofa, love seat thêm bàn ăn, bàn làm việc, tủ sách... Không biết bao nhiêu là đồ đạc lĩnh ca lĩnh kỉnh. Chỉ mới một năm, đồ đạc không biết từ đâu ra, nhiều quá là nhiều. Cái này đúng là cái bịnh của người Việt mình. Thấy cái gì cũng rẽ cũng tha về. Mới có, củ có, đồ Macy  s, đồ sale, đồ garage sale. Mạnh ai nấy mua. Vợ mua, con mua, cha mua. Trên đầu tủ, dưới gầm giường. Bình thường nhét đâu đó không thấy, dọn nhà mới lòi ra. Hai chuyến xe Uhaul, thêm 3, 4 chuyến xe truck mượn của thằng em cũng chở chưa hết.

Dọn dẹp cho xong để trả nhà, đem về mobile home chất đại một đống. Mới hết cực nhà củ, qua nhà mới khổ tiếp. Mobile home nhỏ chỉ hai phòng lại không có garage. Chỗ nào chứa cho đủ. Ông anh sửa cái hành lang thành một phòng phía ngoài, dĩ nhiên không có sưởi và máy lạnh, ở tạm cũng được nhưng trước mắt để chứa đồ. May mà mobilehome có cái basement, nơi có cái bánh xe để di chuyển đến để lắp ráp (bởi rứa mới gọi là mobile home), khá rộng. Thế là lại nhét, lại dồn đồ đạc (tiếc của giữ vậy lại vậy thôi chứ chắc là sẽ không bao giờ đem ra sử dụng). Thôi kệ cho yên với bà nhà. Cũng tội cái gì cũng tiếc. Mà không phải chỉ mình vợ tôi đâu nhé, hình như bà nào qua đây cũng y chang. Cả mấy bà Mỹ, bà Mễ cũng vậy. Garage không dùng để xe mà để chứa đồ. Chiếc xe mới cáu cạnh 20-30 ngàn đô để ngoài phơi nắng chơi, trong khi garage thì chứa toàn đồ tạp nham.

Trở lại chuyện nhà. Về ở căn mobile home nhỏ 2 phòng, thế là phải đành lưu luyến chia tay hai ông bạn share phòng. Cũng tiếc cái khoảng tiền 800 đô phụ thêm nhưng đành chịu, không lý cho share cái master bedroom, rồi hai vợ chồng ra hành lang ngủ.

Nhưng, lại chữ nhưng. Mình tuổi con mèo mà sao giống như số con ngựa. Cuộc đời cứ xoay qua xoay lại như chong chóng. Chưa tới hai năm lại thay đổi chổ ở. Vốn là khi mới về Kla-Tencor làm việc, gần công ty có một khu nhà đang xây dựng. Để giúp đở cho những người mới mua nhà lần đầu, builder có để dành bán một số căn townhouse với giá rẽ hơn thị trường để giúp cho người chưa có nhà. Ưu tiên cho những người đang làm việc tại Milpitas, và chỉ cần trả trước 5%. Nghe lời bạn bè tôi cũng nộp đơn nhưng không hy vọng lắm vì chỉ có 2 căn dành cho công ty tôi trong khi số người đủ điều kiện xin mua cả trăm.

Không ngờ tôi là một trong hai người được lá thăm may mắn. Căn nhà 3 phòng mới tinh. Không trả tiền đất nhưng phải trả tiền quản lý HOA, cộng lại vẫn rẽ hơn và tự do không gò bó như ở mobilehome.  Không tin cũng phải tin có sự sắp đặt của ơn trên và sự dỏi theo phù hộ của ba tôi.

Thế là năm 2003, một lần nửa tôi lại dọn nhà. Kỳ này rút kinh nghiệm của lần trước, chúng tôi chỉ đem theo những thứ cần dùng. Nhà mới rộng hơn nên cũng đủ chứa các đồ dùng từ nhà cũ. Các vật dụng dưới basement, đã lâu không dùng, đem bán garage sale cũng được cả ngàn bạc mà khỏi phải tốn tiền vận chuyển.

Vừa lo chuyển nhà vừa phải lo chuyển trường cho hai đứa nhỏ. Vất vả nhưng rồi cũng xong. Nhà mới gần công ty nên thuận tiện cho tôi. Đôi khi tôi đi bộ đi làm. Trưa thỉnh thoảng còn chạy về nhà ăn cơm. Căn nhà chưa thật sự là của mình, vẫn còn nợ ngân hàng nhưng dù sao đây vẫn là lần đầu tiên tôi thực hiện được giấc mơ "American dream" trên đất Cali. An cư để lập nghiệp.

Vậy đó rồi thời gian cũng qua mau. Thấm thoát cũng đã 20 năm trên cái thành phố thung lũng này.  Các con tôi đều đã tốt nghiệp đại học, có gia đình và có công ăn việc làm lương thiện. Nhà cửa ngày càng đắt đỏ, toàn bộ gia đình chúng tôi vẫn ở chung với nhau trong một căn nhà. Có thể một ngày nào đó sẽ có những đứa tách ra riêng, nhưng cho đến lúc này, 10 người thuộc 4 thế hệ vẫn sống cùng nhau hạnh phúc. Vẫn còn một mẹ già để lo lắng, những đứa cháu để yêu thương và những đứa con để chia sẻ vui buồn. Vẫn còn đó những lo toan của những tháng ngày về hưu, những gập ghềnh trong cuộc đời vẫn sẽ luôn mãi còn, nhưng tôi tin rồi chúng tôi cũng sẽ cùng nhau vượt qua như đã từng vượt qua trong quá khứ.

Khi viết về bài này, tôi muốn chia sẻ với những đứa con và những đứa cháu của tôi về những thăng trầm của cuộc đời tôi. Muốn các cháu hiểu rằng nếu đã trải qua những năm tháng đen tối tại quê nhà thì những khó khan, vất vả tại quê người chỉ là những hạt cát. Để sống lương thiện trong bất kỳ xã hội nào cũng luôn luôn không dễ dàng nhưng nếu để so sánh với cái thời của cha của ông thì con đường của các con, các cháu quá đổi bình yên.

Đã 20 năm trôi qua. Sẽ không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình tôi nếu ngày đó tôi quyết định ở lại Tulsa. Hạnh phúc hay bất hạnh hơn, vui hay buồn hơn, không thể nào có một câu trả lời chính xác. Nhưng chắc chắn một điều nếu phải bắt đầu trở lại tôi cũng sẽ chọn Silicon Valley này làm nơi khởi nghiệp.

 

Lê Xuân Mỹ

San Jose tháng 10/2019

Ý kiến bạn đọc
12/11/201923:38:18
Khách
Là cư dân San Jose, rất đau lòng khi có người chê thành phố của mình!
11/11/201923:04:46
Khách
Cám ơn anh Tâm . Sau 1975 tôi làm việc với Tôn Thất Nghiêm một thời gian
Tôi đang ở gần Trí và Luân . Cũng gặp nhau thường
Mong gặp anh
11/11/201912:36:31
Khách
Hai người đó là bạn học cùng lớp với tôi. Không biết anh còn nhớ Tôn Thất Nghiêm không? Đổ Đại Trí hình như ở gần chỗ anh lắm. Chuyện anh viết đọc rất cảm động và rất hay. Anh học kỹ thuật mà cây bút của rất giỏi. Chúc anh mạnh khỏe và tiếp tục viết thêm những bài viết có giá trị về một giai đoạn khó trong đời anh cũng như của triệu người khác. Cám ơn Anh trước.
11/11/201900:19:51
Khách
Cám ơn anh Lê như Đức. Mông Có dịp gặp anh tai Tulsa
Cám ơn anh Đặng Quang Tâm . Vậy là anh biết Đổ Đại Trí và Tôn Thất Luân
Hy vọng có dịp gặp anh
10/11/201913:41:18
Khách
Không ngờ anh Mỹ viết văn hay quá. Tôi học khóa 1 trước anh một năm. Lớp anh có Trần văn Luân là bạn thân của tôi. Bài nào anh viết đọc cũng rất hay và cảm động. Chúc anh nhiều sức khỏe. Đặng quang Tâm.
08/11/201902:59:29
Khách
Nếu tôi không lầm thì Việt Báo không có điều lệ cấm những bài đã đăng trên báo hay online khác. Việt Báo cũng không có điều lệ cấm những bài được đọc trên radio.
Bài hay đọc lại hay nghe lại cũng vẫn hay.
Xin đừng để ý quá nhiều tới tiền thưởng hay danh hiệu mà hãy nghĩ tới cốt truyện và tấm lòng.
07/11/201911:33:23
Khách
Kính gởi chú Lê Xuân Mỹ ,

Cháu đọc bài viết của chú , thấy thật hay và rất cảm động , nhất là hai hồi ký "Tôi, đứa con .... cải tạo ". Cháu có một thằng bạn cùng có cha học tập và mất ở ngoài Bắc , nên cháu nói nó đọc hai bài viết này của chú , nhưng thật bất ngờ , nó cười cười nói bài viết này nó đọc từ lâu rồi và ĐÃ ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN RẤT NHIỀU BÁO từ năm 2017 !

Ngay hôm đó , nó đã gởi cho cháu những thông tin về bài viết này của chú:
1. Bài được đăng trên Phố Nhỏ Online ngày Nov 2017.
2. Bài được đọc hai kỳ trên " Chương Trình Đọc Truyện Radio Tiếng Nước Tôi " do Nam Phong và Phượng Dung đọc ngày Dec 15 và Dec 17 , 2017
3. Bài vừa được đăng trên mạng Không Quân VNCH ( Hội Quán Phi Dũng ) ngày Sept 18 , 2019.
Bạn cháu còn nói hình như hồi ký này của chú còn được đăng trên Hồn Việt và một vài trang báo khác , nếu cháu muốn thì cứ tự ... research !

Cháu thật sự " sốc " vì những thông tin này !
Dĩ nhiên cháu và rất nhiều độc giả cảm ơn chú vì đây là một hồi ký rất hay , rất cảm động cần được phổ biến sâu rộng cho mọi người cùng đọc để hiểu rõ hơn bộ mặt thật vô cùng tàn ác , bất nhân của nhà cầm quyền Cộng Sản VN , nhưng chú lại gửi tới VVNM là một đề mục có tính cách ... dự thi , Dù cho điều lệ Việt Báo đặt ra cho VVNM không thấy đề cập đến việc ' Bài viết chưa được đăng ở đâu " , nhưng theo suy nghĩ nông cạn của cháu , thì không nên gửi một bài viết đã được quảng bá sâu rộng , đã được mọi người đọc , vào đề mục có tính cách dự thi , .. tranh giải như VVNM này ..
Vài lời thô thiển cháu mong VB và chú không giận , cầu chúc chú luôn có thêm nhiều bài viết mới ,
Trần Huy
06/11/201905:47:19
Khách
Cám ơn anh Như Đức
Đôi khi trong đời có những chuyện đưa đẩy, có nhiều lý do để đưa đến một quyết định . Anh nói rất đúng về nhà cửa và vật giá của San Jose.Tulsa bình yên và Dể sống hơn nhiều
06/11/201905:01:47
Khách
Tôi đi ngược đường với tác giả nên không bị tiền nhà hành. Năm 2007 gia đình tôi thiên cư lên Tulsa mua nhà thấy rẻ hơn cả bên Houston. Thành phố nhỏ, ít băng đảng vì đường phố hay đóng băng nên con cái chỉ muốn nằm nhà học chứ không chịu ra đường hứng tuyết. Học nhiều, chúng lại được học bổng cao nên chúng tôi lại càng đỡ tốn tiền.
Năm 1997, Boeing gửi gia đình tôi qua nam Cali làm. Thấy thời tiết tốt, đông người Việt, hàng quán khắp nơi nên có ý muốn đóng đô. Cũng may đi coi nhà thấy giá hết hồn nên dzọt gấp về lại Houston. Bạn tôi mua nhà mà cứ phải share với gia đình khác làm vợ chồng tôi ớn lạnh. Mùa Giáng Sinh năm ngoái ghé qua Cali thăm người quen, thấy bốn gia đình share trong một căn nhà nhỏ bằng nửa căn nhà tôi đang ở, vợ tôi nói với tôi thà ra mua cái lều nằm ngủ cắm trong park thấy thoải mái hơn ở chung với ba gia đình khác. Học ở Cali, chắc chắn con cái tôi cũng khó được nhiều học bổng như ở Oklahoma đâu. Con gái tôi được học bổng toàn phần 5 năm. Học bốn năm xong, vào trường thuốc còn được trừ bớt thêm một năm dư lại. Trong khi UC berkeley chỉ cho có 5 ngàn một năm, mà tiền học đóng khoảng 70 ngàn một năm.
Đậu lành chim đậu. Những ai có con nhỏ nên nghĩ đến chuyện con cái sau này vào đại học.
06/11/201903:50:17
Khách
Xin Cám ơn sự chia sẻ của các anh chị . Anh Chương nói rất đúng . Sản Jose đắc đỏ nhat là về nhà cửa . Cái máy mắn là nếu có nhà ở đây bây giờ bán đi về các tiểu bang khác để sống thì dễ dàng. Nhưng nếu về miền nam Cali thì cũng same không dư bao nhiêu . Nói thật lòng khi về hưu tới thích ở miền nam hơn . Bắc Cali thì có nhiều job về tech hơn
Nhưng bây giờ đây mơ rễ má đều ở đây . Con cháu ở đây cả cũng khó mà đi đâu
Có dịp về Nam Cali sẽ xin đến thăm anh
Kính
X.Mỹ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,316,019
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến