Hôm nay,  

Uống “Nước Xổ” Đi Soi Ruột

22/10/201900:00:00(Xem: 17747)

Bài số 5816-20-31618-vb3102219

 

Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.

 

***

Hồi nhỏ ở miền Nam, các bạn còn nhớ câu quảng cáo của một nhà thuốc đông y gia truyền nổi tiếng, ( hình như là nhà thuốc Võ Văn Vân góc đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn thái Học), chỉ một câu hỏi bệnh vui vui thôi mà ghi vào ký ức tuổi thơ của nhiều người “Ai đau khổ vì bệnh trĩ ”?

Bệnh trĩ là bệnh lòi dom do táo bón kinh niên. Các mô quanh hậu môn co dãn làm sưng, mỗi lần đi cầu rặn rát đít, đau... “thấy ông bà cố nội”, máu tươi lẫn với phân trông thấy phát gớm!

 Có “đau” là có “khổ”. Tôi đâu có bị bệnh trĩ mà biết cái “đau khổ” của người bị bệnh trĩ. Chẳng qua chỉ là tưởng tượng thôi. Nhưng khi đi soi ruột, “Ai đau khổ vì “nước xổ”. “Nước xổ” nó hành cái “cửa sau” làm tôi liên tưởng đến  bệnh trĩ.

 “Nước xổ” là tiếng tôi đặt cho nước có pha thuốc nhuận tràng, một thứ dung dịch có tên là Electrolytes dành cho người sắp đi soi ruột già (colonoscopy). Người đi soi ruột phải uống trước một ngày. Ông bác sĩ dặn phải  kiêng ăn vài thứ rau có chất xơ và vài loại hạt như hạt bắp. Vì có hẹn soi ruột vào sáng sớm hôm sau nên bữa ăn chót của tôi là bữa trưa ngày hôm trước và nhịn đói qua đêm. Cái tật hay quên, bữa trưa hôm đó tại quán bánh xèo Mi, “mãi ...ăn quên mất lời... anh dặn dò”, tôi ăn thả giàn,  bù lỗ cho  buổi tối phải nhịn cho đến trưa hôm sau. Cũng  bởi, tại , bị, vì, là do... dĩa rau xanh tươi ngon quá lại có thêm rau cải non ăn với bánh xèo đúng gu, tôi đã quất hết dĩa rau sống.

Chiều về, trước khi uống thuốc, tôi xem lại bảng chỉ dẫn của ông bác sĩ mới giật mình, vừa rầu rĩ vừa hối hận. Lỡ ăn rồi biết làm sao đây ? “Cái miệng làm hại cái thân”. Sáng mai, nếu  bốn lít “nước xổ”  này không “quét” hết ba cái chất xơ trong rau xanh ra thì tôi phải đi soi lại.  Chưa thấy “đau” đã thấy “khổ” rồi.

Năm  năm về trước tôi nghe lời bác sĩ gia đình đi soi ruột già. Ông bác sĩ soi ruột khám phá có vài cục bướu nằm chơi trong đó .Thế là trong khi bệnh nhân còn “phê”, nửa mê nửa tỉnh, ông cắt phăng mấy cái bướu (polyp) nhỏ cỡ vài ba mi-li-mét rồi cho đi làm sinh thiết (biopsy). Hú hồn. Các bướu này hiền, ngủ trong đống hôi thúi mà không quậy phá gì.

 Lần đó, đối với tôi đi soi ruột già  vừa có lợi cho sức khỏe vừa là  một khám phá bất ngờ và thú vị. Nghe kể  ông bác sĩ dùng sợi dây giống như cái thòng lọng quấn vào cái polyp rồi cắt , sau đó dùng điện đốt cái cuống cho khỏi mọc bướu mới. Giống như tình cờ mình bắt gặp kẻ gian trong nhà, đuổi chúng đi, lòng nhẹ nhàng, thư thái, bình an. Hồ sơ bệnh án còn đó, năm năm sau, tôi vẫn nghe lời ông bác sĩ khuyên nên đi soi lại dù chả có triệu chứng gì về đường ruột. Chỉ là “Cẩn tắc vô...áy náy”. Thận trọng thì khỏi lo.

Bây giờ thì tôi lo thật vì dĩa rau xanh hồi trưa. Ngẫm nghĩ ông bác sĩ dặn không ăn rau cải và bắp hạt cũng có cái lý. Rau cải nhiều chất xơ, bắp có vỏ cứng khó tiêu. Hai thứ “rác” này tiêu hóa chậm, e rằng “nước xổ” đẩy ra không hết, “rác” bám vào niêm mạc ruột, cản đường lưu thông, ống soi đưa vào không thấy rõ . Lòng thầm nghĩ  thôi đành cứ uống hết bốn lít nước xổ này, sau đó  quan sát “hiện trường” trong toilet   thì biết ruột đã  sạch chưa ?

Thường ngày tôi ít uống nước, khi nào khát mới uống, không như lão gia  đi đâu cũng kè kè chai nước lọc . Nước có pha thuốc càng khó uống hơn. Nhìn cái bình nhựa màu trắng Electrolytes trong đó đầy nước  pha hai gói bột gồm sáu thứ thuốc mà tôi ...ngán ngẩm cuộc đời. Lại thêm một cái khổ nữa đây. Cái gì bất như ý, không hài lòng là khổ.  Lần này nhớ lời ông bác sĩ dặn “ Cách dùng thuốc xổ Moviprep trước khi soi ruột già”, tôi sẽ  phải uống  từ từ, chậm rãi, liên tục nửa bình hai lít từ  bốn  đến bảy giờ chiều. Hai lít còn lại để trong tủ lạnh, uống tiếp từ chín giờ tối cho đến hết.

Ông chồng tôi pha thuốc vào bình nước, để sẵn cái ly và bảng chỉ dẫn trên bàn. “Nào , uống đi “hó- ni”. Tôi đi ra đi vào, nhìn mãi cái bình to tổ bố , chần chờ và vặn vẹo mãi mới mở  được cái nắp. Hàng ngày tôi có thói quen uống nước trái cây và  vài ly nước lạnh gọi là giải khát. Bây giờ không “khát” mà phải “giải” liên tục từng ly vào  bụng rồi đi... xả. Tuy không lòi dom chảy máu “đau” như bệnh trĩ  nhưng cái tâm “khổ” vì  vướng mắc sự đời là bốn lít nước cho cái thân này.

Nước gì mùi  tanh tanh, lờ lợ, càng uống chậm, cảm giác mằn mặn càng tăng trên đầu lưỡi. Lại còn  tưởng tượng trong nước này có các thứ thuốc hòa tan làm cho tôi có cảm giác ghê ghê phát rùng mình, ợ lên ợ xuống, ói vài trận ra nước. Thảo nào bảng chỉ dẫn có ghi rõ phản ứng phụ là ói mửa.  Tôi nghe kể có người uống nửa bình rồi đầu hàng. Tôi thắc mắc không biết nếu không uống hết bình bốn lít này ruột có sạch nổi không? Ông bác sĩ hăm nếu  không theo bảng chỉ dẫn, ruột không sạch, phải đi soi lại. Thôi thì đàng nào cũng phải uống cho hết để thanh toán món nợ “sinh, lão, bệnh, tử” này. Chạy đâu cho thoát.

Đó là chuyện của người ta. Trước mắt chuyện của mình là tối nay phải uống từng ly, từng ly cho hết bình nước . Ôi, những cọng rau cải xanh hồi trưa làm hại tôi, vẫn ám ảnh tôi nhưng không đủ làm cho tôi hăng hái hay mạnh dạn hơn được chút nào.

Tôi đếm từng ly. Đổ đầy ly, lần này tôi nhắm mắt uống thử một hơi cho mau hết nhưng “tham thì thâm”, bác sĩ dặn phải uống từ từ, tôi bị sặc, ho, ói hộc cả ra nước, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Đổ lưng chừng ly hay đầy ly thì cũng là lượng bốn lít  nước thế thôi. Chỉ là mình tự đánh lừa mình.

Tôi nghĩ ra vài chiêu để uống. Mỗi lần cầm ly nước trong tay tôi  tự nhủ lòng: “Ráng đi ráng đi. Chỉ là nước thôi mà”. Có khi tôi  đổi chiêu, tập cho mình một suy nghĩ tích cực  như mình đang lạc vào sa mạc không có nước, mình đang khát nước. Nước quý hơn vàng. Nước là sự sống. Dân Phi Châu thiếu nước. Trời nắng chang chang, họ phải đi bộ, xếp hàng, hứng nước và  khuân nước phèn về làm nước uống chứ có được nước trong đâu. 

Thời gian chầm chậm trôi . Cứ tự kỷ ám thị và suy nghĩ như thế , dù nhăn mày méo mặt, ực lên ực xuống, ói cũng vài phen, cuối cùng hơn hai mươi ly nước dần dần trôi tuột vào bụng cho đến quá nửa đêm.  Thế là… thành công mỹ mãn .Cơn “đau khổ” nào, dù thân hay tâm, nhiều hay ít  rồi cũng qua. Luật vô thường giúp cho người ta còn chút lạc quan trong cuộc sống.

 Chưa hết đâu .Tôi không ngạc nhiên khi bảng chỉ dẫn ghi rõ sẽ đi cầu phân lỏng hay tiêu chảy nhiều tiếng đồng hồ. Mới uống được vài ly thì tôi phải vào toilet rồi. Từ đó việc ra vào toilet thường xuyên hơn làm tôi mệt đứ đừ. Nhờ dĩa rau xanh hồi trưa ám ảnh nên tôi có dịp quan sát cái chất phế thải hôi thúi trong cái bồn cầu, “hiện trường”của cái ruột già  để xem nó được tiêu hóa tới đâu, biến chất thế nào trước khi  tôi xả nước.

Con người ta ăn uống thật cầu kỳ và phức tạp. Bao nhiêu của ngon vật lạ, sơn hào hải vị thơm tho, hấp dẫn, hiếm có cỡ nào trên cõi đời này, khi vào cái máy nghiền là cái bao tử, xuống cái ruột non cũng thành nước, rồi vào cái ruột già là cái thùng rác. Ngẫm nghĩ màu xanh tươi của các loại rau thơm ấy, mới hồi trưa nhai rau ráu ngon lành, bây giờ  chỉ còn là một đống lụn vụn, lợn cợn, vàng, đen lẫn lộn, trôi nổi bồng bềnh trong đống nước bốc mùi hôi thúi. Mùi này là... của mình chứ của ai mà bịt mũi gớm ghiếc? Nghĩ đến  đây tôi liên tưởng đến những cô y tá hay y công làm  vệ sinh hàng ngày cho các bệnh nhân hay người già trong nhà thương hoặc các viện dưỡng lão, tôi lấy làm thương và thật lòng khâm phục cũng như quý trọng tinh thần làm việc và nghề nghiệp của họ, lúc nào cũng phải giữ gìn bản thân sạch sẽ trong khi phải làm những việc dơ bẩn nhất của người khác.

Cứ uống xong một, hai ly “nước xổ”, tôi có cảm giác cái bụng  nó đang “bành trướng”, lình sình như người ăn không tiêu, vỗ bụng nghe bành bạch như tiếng trống. Tiếp theo là đủ thứ âm thanh ọt ọt, lục sục, tôi mau mau “chạy” ngay vào toilet liền nếu không là phải thay quần. Vì chạy “cấp cứu” nên tiếng Việt mới có thành ngữ “Tào Tháo đuổi” kể chuyện hai lần Tào Tháo thua chạy trối chết. Lần thứ nhất trong trận Xích Bích, chạy tới Hoa Dung tiểu lộ may nhờ Quan Vân Trường tha mạng. Lần thứ hai bị Mã Siêu đánh đuổi chạy tan tác. Cũng nhờ bị tiêu chảy mà ngồi lâu nhớ chuyện Tam Quốc Chí ngày xưa.

Những lúc khó khăn ngặt nghèo liên tục như thế, tôi ước gì  có vài cái băng vệ sinh thì đỡ quá. Nhắc đến bông băng vệ sinh phụ nữ, tôi nhớ cái hộp giấy hình cô Bạch Tuyết xài từ năm mười bốn tuổi  ở Việt Nam. Sang đến  Mỹ vẫn tiếp tục “cầm cờ đỏ” mỗi tháng cho đến khi  lên đến “ngũ thập”, thân thể đã  “tri thiên  mệnh”,  nó an bài cho tôi  được “giã từ vũ khí ” sớm sủa lắm. Vì vậy  đâu có hàng sẵn trong lúc này để tôi xài.

Tào Tháo hết đuổi rồi rượt tới rượt lui làm tôi phải thay liên tục mấy cái quần. Tôi lại nghĩ đến  phải chi có vài cái tã em bé thì đỡ cho cái thân già trong lúc này biết mấy. Người già và em bé giống nhau ở cái tã. Tôi lại chưa đủ già để  mặc tã. Không có hai cái vật dụng cần thiết và tiện lợi ấy, tôi bèn chế biến bằng cách lấy giấy thấm “towel” xếp thành nhiều lớp dầy để lót, ngăn nước lũ tràn ra từ cái “cửa sau”.

Không biết người bị bệnh trĩ “đau khổ” như thế nào nhưng  khi bị tiêu chảy cứ năm mười phút một lần, cái “cửa sau” đau rát  thật là khó chịu.  Nó phải làm việc liên tục, phải co dãn, có khi sưng đỏ nên mình mới có cảm giác đau rát như thế.  Mỗi lần nước thoát ra, dù chùi rửa khô hay ướt, cách nào cũng làm cho nó càng rát thêm. Tôi nghĩ ra cách hay là lấy thuốc bôi mỡ có kháng sinh phết  nhè nhẹ vào, biết đâu nó sẽ  êm, vừa đề phòng nhiễm trùng, vừa mau lành vết đau. Thế là tôi làm đốc- tờ Mom. Kiến thức về y tế của tôi trong lúc này chỉ ló ra có thế.

Nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, chín giờ tối tôi bắt đầu uống hai lít nước còn lại trong tủ lạnh. Càng uống, tôi có cảm giác nước càng  mặn như nước muối đậm đặc. Lạ thật. Xem lại bảng chỉ dẫn phải lắc bình trước khi uống. Thôi rồi. Hai lít nước sau mặn vì  tôi không có lắc bình  từ lúc đầu. Các loại muối sodium chloride, sodium bicarbonate, sodium sulfate đọng dưới đáy bình. Lão gia nhà tôi hăng hái cãi khi cho thuốc vào nước, chàng ta đã quậy  kỹ. Người uống phải  nhớ lắc trước khi rót chớ.  Bảng chỉ dẫn ghi rành rành đừng có mà đổ thừa. Có lắc thì cũng muộn rồi.  

Thế là tôi lại nhắm mắt ực ực uống  hai lít nước muối mặn chát, ngồi riết trên bồn cầu ôm bụng chờ nghe tiếng rột rột rồi nhìn xuống quan sát “rác”. “Rác” bây giờ  là chất cặn  đọng dưới đáy nước vàng đậm. Dĩa rau sống hồi trưa coi như tiêu tùng rồi nhưng cái bụng lâm râm đau nhiều hơn làm tôi lo không biết có phải  vì tôi uống nước muối mặn quá không? Lại thêm một cái khổ nữa. Đời là bể khổ mà!

Ngồi yên lặng trên bồn cầu, lắng nghe thân thể của mình làm cho tôi trở thành “triết gia” về bệnh tật hồi nào không biết. Táo bón hay tiêu chảy khác nhau về hình thức như “tiến trình” nhanh hay chậm, chất tiêu hóa  cứng hay lỏng nhưng cảm giác  của người bị táo bón “đau”  rát và “khổ” hơn người bị tiêu chảy nhiều. Tôi có kinh nghiệm  nhớ đời hồi mới qua Mỹ, lần đầu tiên biết trái hồng dòn lạ, ăn sừng sựt, ngòn ngọt, thay cơm, tính ra tôi chơi cả chục trái. Tôi bị táo bón mấy mấy ngày. Cảm giác  “Ai đau khổ vì táo bón” tôi đã trải qua nên không bao giờ để “Ai đau khổ vì bệnh trĩ”. 

Từ ngữ “restroom” tiếng Mỹ bây giờ thật hay và vô cùng ý nghĩa trong lúc này , nó diễn tả hết sức trọn vẹn một nơi “room” để  được “rest” nghỉ ngơi. Không còn mùi hôi, một nơi yên tĩnh, sạch sẽ và rất  sáng đèn để tôi kiên nhẫn ngồi lắng nghe tiếng chột bụng rọt rẹt và tiếng rào rào của dòng nước thoát ra từ “cửa sau”, một nơi để tôi ngồi nhớ chuyện quá khứ, hiện tại, tương lai, để  triết lý ba xu, nhất là để nghĩ đến và biết  thương cái “cửa sau”  bị bỏ quên từ nhiều năm nay.

Người ta có thói quen nhìn, ngắm, quan tâm, chăm sóc những cái gì đẹp lộ ra hình thức bên ngoài. Cái “cửa sau” của con người hiền hòa  và an phận, nằm khiêm nhường khuất trong bóng tối nên ít ai để ý. Khi bị bệnh trĩ thì nó nóng rát kêu đau, khi uống “nước xổ” hành hạ nó tiêu điều thì nó biểu tình nhắc nhở. Lúc đó mới thấm thía, nghĩ lại  những lúc nó bình thường, khỏe mạnh, trung thành làm nhiệm vụ công dân đổ “rác” ngày đêm, đó là niềm hạnh phúc hiện tại mà mình vô tình  không biết quý biết hưởng,

Tôi đoán uống hai lít nước muối sai nguyên tắc này hèn chi cái bụng đau lâm râm. “Cái khó nó ló cái khôn”. Tôi nghĩ ra  một cách hay là mình thử uống thêm nước lọc để “flush” các chất muối còn đọng trong ruột. Ông bác sĩ dặn khi nào khát nước chỉ được uống nước lọc.  Nước lọc đâu có sao. Gần hai giờ sáng, mắt lờ đờ, cơ thể lừ đừ vì vài chục lần đi xả nhưng tôi vẫn ráng thức, tự động uống thêm nửa lít nước lọc. Thế rồi mệt quá, tôi đi vào giấc ngủ hồi nào không hay. Khi tôi thức dậy, cái “cửa sau” đã bớt rát, cái bụng  cũng êm êm không còn kêu rột rột nữa. Hú hồn. Tôi đói bụng muốn ăn một món gì nhưng  nghĩ đến dĩa rau sống và  trận “nước xổ” hôm qua mà ớn lạnh da gà, bèn lên đường  cho mau đến bệnh viện, hẹn với ông bác sĩ bảy giờ rưỡi có mặt để làm thủ tục soi ruột.

                                          ***

 Lâu lắm tôi mới trở lại Trung Tâm Y Tế  Cộng Đồng  Magnolia Surgery Center đa số các bác sĩ là người Việt phục vụ cho  đồng hương là người Việt. Làm thủ tục đúng giờ, tinh thần phục vụ vui vẻ, chu đáo, tận tình, lịch sự  là những phẩm chất đáng khen của các cô y tá bệnh viện này.

Thay chiếc áo bệnh viện xong, tôi nằm nghiêng bên trái, chừa cái “cửa sau” cho bác sĩ và y tá làm việc. Trên người tôi dây nhợ chằng chịt  nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi quấn mình trong chiếc chăn ấm. Trong một không gian nhỏ quây bằng chiếc màn, ba cô y tá, cô  Mỹ trắng  tên là Linda, cô Mỹ đen tên là Christine và cô người Việt tên là Tina thoăn thoắt làm việc. Các cô theo dõi nhịp tim, huyết áp trên màn hình, cho ngửi oxy, truyền nước biển, chích thuốc, hỏi han bệnh lý, dặn dò việc ăn uống, nghỉ ngơi và biến chứng bất thường nếu có sau khi soi ruột.  Sau đó cô Tina đẩy tôi vào phòng đầy máy móc  nơi đó có ông bác sĩ đang bận rộn trước máy truyền hình . Trong khi chờ đợi, tôi mơ màng nghe tiếng ông đến chào hỏi vài câu rồi tôi không biết gì nữa. Đến khi mở mắt ra thì mình đang nằm ở  phòng khác.

 Cô Tina giúp  tôi thay quần áo vì cái đầu tôi lúc đó còn quay mòng mòng, đi đứng ngã nghiêng chưa vững vì ảnh hưởng của thuốc mê. Tôi được chuyển qua chiếc xe lăn. Nghe tôi hỏi về bác sĩ đã dùng kỹ thuật gì để săm soi cái “cửa sau” này, cô  vui vẻ và tận tình giải thích việc làm  của bác sĩ là dùng một cái ống dài thụt vào cái “cửa sau” qua toàn bộ ruột già đến chỗ nối với ruột non. Có một máy quay phim nhỏ và một cái đèn soi đặt ở đầu ống, thu được hình ảnh của niêm mạc ruột già. Hình ảnh này được phóng lớn trên màn hình nhờ đó bác sĩ tìm ra các thương tổn của ruột già như bướu, viêm, ung thư, teo ruột…. Nếu có bướu, bác sĩ sẽ cắt luôn.Thời gian soi ruột tùy theo ruột dài ngắn, tình trạng của ruột có bướu hay viêm sẽ lâu hơn, dài nhất cho một ca soi ruột  khoảng bốn mươi lăm phút và  ngắn nhất như trường hợp của tôi chỉ mất hai mươi phút.

Ba mươi lăm tấm ảnh màu in ra trên giấy hình các khúc ruột được soi rọi với lời chú thích phía dưới hầu hết là “normal”. Cô nói mấy cái bướu nhỏ năm năm về trước không còn xuất hiện nữa là điều đáng mừng. Dù sao hai tuần nữa tôi sẽ lấy hẹn để gặp bác sĩ. Cô đẩy xe lăn chở tôi ra tận cửa xe hơi, giao “hàng” tận tay cho lão gia ký tên rồi mới đi vào. Trên đường về nhà, tôi uống một ly sữa nóng và ăn điểm tâm  trưa khúc bánh mì ngon như chưa bao giờ  được ăn ngon như thế.

 Hai ngày sau cô y tá  tại Trung Tâm Y Tế gọi lại hỏi thăm sức khỏe ồn không ? Có biến chứng đau đớn hay chảy máu  gì không? Ăn ngủ có bình thường không? Một bản survey sẽ gửi cho tôi trả lời các câu hỏi,qua đó họ sẽ  rút kinh nghiệm và phục vụ tốt hơn.

Nếu trả tiền mặt, một ca soi ruột này phải mất cả bạc ngàn nhưng tôi không phải trả xu nào nhờ hệ thống y tế medicare và medical của  nước Mỹ  dành cho người cao niên. Đây là phúc lợi về an sinh xã hội của  một phó thường dân như tôi được là công dân của một nước giàu lòng bao dung những người di dân tị nạn từ nhà tù Cộng sản. 

Đi soi ruột ở xứ Mỹ an toàn và  miễn phí, được phục vụ chu đáo, tôi không biết phải  dùng chữ gì ngoài  hai chữ “cảm ơn”. “Cảm ơn nước Mỹ” nghe quen  và thường quá. “Tri ân nước Mỹ” hay “Biết ơn nước Mỹ” chưa đủ. Hay là thêm hai chữ “thành” biểu lộ tấm lòng “có sao nói vậy” của tôi, “kính” diễn tả sự trang trọng đối với quê hương thứ hai này? “Thành kính tri ân nước Mỹ” đọc  nghe khách sáo và kiểu cách mặc dù đã có  chữ “thành” trong đó rồi. Thôi thì tôi xin được ngỏ lời “mang ơn nước Mỹ”. Dù sao chữ “mang” nghe có một cái gì …nằng nặng cảm nhận trong lòng, nhắc nhở mình luôn luôn ghi nhớ.

 Với các bạn cao niên  của tôi, nếu chưa  bao giờ đi soi ruột  già thì nên đến các Trung Tâm Y Tế chăm sóc cái thùng rác  cũ kỹ này. Cơ thể mỗi người mỗi khác. Chỉ cần ghi  nhớ  lời chỉ dẫn của bác sĩ là an toàn. Đừng có  quên giống tôi  như  ăn rau cải trước khi soi, đừng uống “nước xổ” nhanh quá dễ bị ói, đừng quên lắc bình thuốc trước khi uống, đừng làm đốc- tờ Mom  tự động chữa cái ‘cửa sau”,  đừng tự động tấn vô nửa lít nước lọc. May mà mọi chuyện đều êm xuôi.

Đó là những kinh nghiệm uống “nước xổ” khi tôi đi soi ruột. Những kinh nghiệm  ấy chắc không trở lại lần thứ hai vì… mười năm nữa mới có hẹn tái khám để soi ruột lại. Lúc đó chắc  tôi đã đi chầu ông bà ông vải rồi.

 

Cali ngày 6 tháng 9 năm 2019

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
29/10/201922:24:44
Khách
Thưa chị, em mới đọc bài chị kể chuyện đi Bhutan. Đọc đoạn chị leo lên, leo xuống “Trường Thành” của Bhutan làm em cảm động. Bài viết thật dài như gợi mở trong em sự an lạc, thiền định.

Còn về phần bài viết này, thường thì hiếm ai kể chuyện đi đại tiện vì vấn đề tế nhị. Chị thật gan cùng mình chẳng những dám kể mà còn tiểu tiết, chi ly. Xin được... “bó tay” và bái phục.
Chuyện là, chuyện chị kể mất vệ sinh vậy mà không thấy gớm, em chỉ thấy mình tủm tỉm cười từ đầu đến đuôi.
Em cũng bắt chước chị, không “chân” cũng chẳng “thành”. Chỉ xin được cám ơn chị về hai bài viết. Giúp soi rọi một chữ An trong em.
25/10/201903:40:31
Khách
Có vài thứ nước uồng cho mình chọn ngày hôm trước khi đi soi ruột,thích thứ nào thì hỏi pharmacy bán cho thứ đó.
Giá colonoscopy trả cash , bill gưi tới 4000 $ mấy lận,không phải 1000 đâu.
Có medicare thì họ cover hết. Bác sĩ khuyên 50 tuổi bắt đầu đi soi ruột rồi,10 năm sau soi lại. Sau đó mỗi 5 năm soi lại cho chắc ăn.
23/10/201916:54:33
Khách
Sao chị phải uống đến 4 lít nước lận? Bác sĩ của chị chắc không up date theo loại "nước xổ" mới rồi. Em vừa đi soi ruột xong và chỉ uống có 2 lít mà vị dễ uống lắm. Mấy người bạn đi soi ở nhà thương khác cũng uống loại tương tự như em. Còn uống loại khó uống như của chị xưa lắm rồi. Hình như ít nơi dùng nữa. Bạn Van Tran nói đúng đó.
23/10/201914:45:31
Khách
Khi đi khám bác sĩ hàng năm, tờ kết quả của thử máu của bạn có thể có luôn cả con số về creatinine - liên quan đến tình trạng thận . Đối với phụ nữ, nếu con số nằm giữa khoảng 0.5- 1.1 thì là thận tốt. Đối với phái nam, thì giữa khoảng 0.6- 1.2 là thận bình thường :

https://www.medicinenet.com/creatinine_blood_test/article.htm
23/10/201905:47:22
Khách
Một bài viết hay với nhiều câu văn dí dỏm !

Tôi được biết qua bạn bè rằng không phải bác sĩ nào cũng bắt uống cùng một thứ " nước xổ". Có bác sĩ kê đơn thứ "nước xổ " khó uống, có bác sĩ kê đơn thứ dễ uống.

Nếu vẫn còn đi làm thì nên xin lấy ngày nghỉ vào ngày uống "nước xổ ".
23/10/201902:25:48
Khách
Trích: “Thường ngày tôi ít uống nước, khi nào khát mới uống”
Tác giả nên uống nước nhiều. Ít uống nước dễ gây sạn thận, bón và ruột hay bị bứu. Tôi cũng đi soi ruột, khám thận ba năm trước đây. Ông bác sĩ nói trở lại 15 năm sau vì ruột rất sạch. Ông nói nhờ tôi uống nước nhiều nên ruột và thận rất tốt.
Những năm sau này đi làm, vào phòng họp tôi thấy ai ai cũng cầm theo bình nước lọc to. Trong sở tôi làm một lon Coke chỉ có 60 xu, nhưng một chai nước lọc giá 1 đô la. Nhà tôi ở lúc nào cũng gắn hệ thống lọc nước ngay bếp. Không có gì tốt bằng uống nhiều nước và tập thể dục mỗi ngày.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến