Hôm nay,  

Tulsa, Bước Đầu Trên Đất Mỹ

28/09/201900:00:00(Xem: 16672)

Bài số: 5797-20-31603-vb7092819

 

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019.  Là con  của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động,  kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa; Sau đó, cùng mẹ đến chứng kiến cái chết của người cha trong trại tù. Và chưa đầy 3 năm sau, cùng mẹ đi lấy xương cốt người cha, bằng  cách trở lại trại tù bốc mộ trộm. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 

 ***

 

Sau 23 năm chờ đợi, ngày 20 tháng 12 năm 1998, gia đình chúng tôi được qua Mỹ định cư theo diện ODP. Đứa con trai đầu của một gia đình có cha là sĩ quan cảnh sát chết trong trại cải tạo cuối cùng cũng được đoàn tụ với mẹ và 8 em trên một đất nước thật xa quê nhà. Chuyến đi chính thức nên không có những gian truân, khổ cực và bi thảm như những người vượt biển, vượt biên nhưng cũng đẫm đầy nước mắt của tiễn đưa. Với gia đình chồng là đoàn viên nhưng với gia đình vợ là một cuộc chia ly không biết ngày gặp lại. Theo chồng nàng đành bỏ lại quê nhà một mẹ già và một em gái. Ngày trở về chắc chắn sẽ còn xa lắc xa lơ.

Sau khi đổi 3 chuyến bay tại các phi trường Taiwan, Los Angeles, và Dallas, chiếc máy bay của hãng hàng không American Airline cuối cùng cũng đã đáp xuống phi trường Tulsa lúc nửa đêm trong cái lành lạnh của những ngày cuối năm.

Trái ngược với cái hào nhoáng và nhộn nhịp của các phi trường trung chuyển, Tulsa International Airport, điểm đến cuối cùng của một cuộc ra đi đoàn tụ là một phi trường nhỏ, hoang vắng và cái ảm đảm của một đêm mùa đông mưa tuyết làm tăng thêm nỗi buồn của những đứa con mới rời xa quê hương. Dù đã không còn lưu luyến cái mãnh đất có quá nhiều kỹ niệm đau buồn, nhưng đêm đầu tiên trên quê người, vẫn không khỏi chạnh lòng xót xa khi nhớ đến ba, vẫn còn nằm lại một mình sau vườn quê ngoại.

Mẹ cùng các em đã chờ sẵn tại phi trường và đưa thẳng chúng tôi về nhà cô em gái út. Mặc dầu đang choáng ngợp trong cái hạnh phúc được gặp lại mẹ và các em sau một thời gian dài xa cách, nhưng quả thật đêm đầu tiên trên nước Mỹ đã làm tôi thực sự bị hụt hẫng. Đường về nhà em gái ở thành phố Broken Arrow là một con đường 2 lane nhỏ xíu. Ánh đèn đỏ mờ hiu hắt làm tăng thêm cái hiu quạnh của một miền đất mới. Một nước Mỹ mà gia đình tôi sẽ sống, là như vậy sao?

Những ngày sau đó tôi sống với những niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Mặc dù từ những năm 1975, Sài Gòn, Đà Nẳng, Huế đã không còn là những thành phố hoa mộng của tôi thuở nhỏ, đã có quá nhiều đắng cay, tủi nhục trong đời đứa con người tù cải tạo, những vẫn là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Có quá nhiều kỹ niệm. Nhớ những niềm vui và nhớ cả những nỗi buồn. Dễ gì cũng đã sống với nó suốt một chặng đường dài đến nửa đời người. Đã quá quen thuộc từng ngõ ngách. Quen luôn cái ồn ào, cái vất vã của những năm tháng lăn lóc, cho nên qua bên này ban ngày với tôi là hạnh phúc nhưng ban đêm là những giọt nước mắt nhớ quê, nhớ bạn bè, nhớ những người thân còn ở lại. Cái tĩnh lặng của một thành phố nhỏ an bình, cái rãnh rỗi của những ngày đầu càng làm tăng thêm nỗi nhớ, nhất là với vợ tôi, nỗi buồn xa mẹ, xa em.

Nhưng rồi, sau vài tuần nghỉ ngơi làm xong mọi thủ tục giấy tờ, thẻ xanh, cũng đã đến lúc chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc sinh sống trên miền đất mới. Làm lại cuộc đời khi tuổi đã gần 50, chính xác 47 năm 4 tháng, chắc chắn sẽ không bao giờ dễ dàng.

Thấy tôi mới qua Mỹ, lớn tuổi lại có 3 con nhỏ, bạn bè khuyên tôi không cần đi làm, nộp đơn theo diện low income, xin housing và những trợ cấp khác của chính phủ. Mặc dầu qua đây theo diện bảo lãnh nhưng hồi đó Tulsa đất rộng người thưa, ngân sách tiểu bang  dồi dào nên cũng dễ xin.

Mới đầu nghe cũng hợp lý, xiêu lòng tôi định chọn con đường dễ dàng như thế để tồn tại. Đâu phải ai cũng có đủ điều kiện như gia đình chúng tôi. Tuổi già, con đông, không tài sản. Vất vã quá nửa đời người rồi, dại gì có cơ hội được chính phủ lo, không nắm lấy, để sống an nhàn. Nhưng rồi, với cái tính không bao giờ chịu ngồi yên của tôi, nghĩ đến tương lai của những đứa con sau này, nghĩ đến ba, chúng tôi quyết định chọn con đường mặc dầu có thể sẽ dài hơn, sẽ gian khổ hơn nhưng chắc chắn sẽ làm ba tôi hãnh diện, con cái sẽ tự hào hơn.

Thế là cả nhà quyết định đi kiếm việc làm. Một bước khởi đầu của đứa con tuổi không còn trẻ, nhưng cũng chưa phải quá già để có thể sống bám một cách lặng lẽ trên xứ người.

Vợ tôi xin vào làm phụ bếp một nhà hàng Việt Nam, tôi và cháu đầu, có TOEFL, ghi danh tiếp tục học đại học. Hai đứa nhỏ một đứa học lớp 2, đứa học lớp 8. Chưa có bằng lái xe, mấy đứa em rễ và em gái thay phiên nhau đưa đón đi học đi làm. Có khi đi bằng xe bus. Thành phố Tulsa, nhỏ nhưng hiền hoà, người Việt không nhiều nhưng cũng có chùa, nhà thờ và chợ Việt Nam. Hàng hoá không phong phú nhưng cũng có tương cà, mắm muối, đủ làm vơi bớt nỗi thèm đồ ăn quê nhà.

Ở với em út một thời gian ngắn, sau khi thi đậu bằng lái xe, chúng tôi chuyển về ở với mẹ trong căn apartment 2 phòng thuộc khu phố Meadow dành cho người lợi tức thấp. Mẹ với cháu gái một phòng, hai vợ chồng một phòng, hai thằng con trai chia nhau phòng khách. Chật chội cho một gia đình 6 người nhưng ấm áp và hạnh phúc. Và mẹ cũng vui hơn nhiều. Tôi biết, khi thay ba, một mình đem được toàn bộ những đứa con qua, mẹ đã rất mãn nguyện.  Nhưng qua bên này, theo thời gian mẹ biết cái mong ước được sống cùng nhau tưởng chừng như rất bình thường lại quá đỗi khó khăn. Cuộc sống đã không như ngày xưa của mẹ. Những đứa con lần lượt rời xa, mỗi đứa một phương trời. Đứa New York, đứa North Calorina, đứa Dallas… Ba đứa còn lại ngay tại Oklahoma này, thì mỗi đứa cũng một gia đình, cũng một mái nhà riêng. Đã không còn cái thời mười một, mười hai người chen chúc trong căn nhà nhỏ xíu của mẹ. Cái ước muốn được ấp ủ và che chở những đứa con mãi mãi nhỏ bé như ngày xưa của mẹ đã không còn thực hiện được nửa. Mẹ thèm da diết cái hơi ấm của gia đình. Cho nên khi chúng tôi về ở chung, mẹ vui lắm. Lâu lắm rồi chúng tôi mới ở bên nhau. Có nhiều đêm hai mẹ con thức trắng chỉ để ngồi nói chuyện ngày xưa. Chuyện của ba. Chuyện của ngoại. Lại nhắc đến cái ngày gặp ba lần cuối cùng. Hồi đó mẹ chưa bị mất trí nhớ, mỗi khi nhắc đến ba mẹ lại khóc. Mẹ hay nhắc đến lần ôm xác ba trong bệnh xá hay là cái đêm hai mẹ con đi đào mộ chui ngoài bắc. Mẹ nhớ như in những ngày đó. Qua đây, mẹ lãnh tiền già, ở nhà chính phủ, mẹ không phải làm việc cực nhọc như hồi quê nhà, sự rãnh rỗi làm nỗi nhớ càng nhiều hơn và càng làm mẹ buồn hơn. Khi chúng tôi về ở chung, mẹ vui hơn nhiều nhưng tôi biết nỗi đau mất chồng trong mẹ vẫn không bao giờ nhạt phai.

Đi học một thời gian, tôi xin vào làm cho Compusa, một cửa hàng chuyên bán đồ điện tử, máy tính. ửa máy tính là nghề của chàng nên phỏng vấn một lần là được nhận ngay. Tôi là người Việt Nam duy nhất làm ở bộ phận sửa chửa và phục vụ khách hàng. Biết thêm tiếng Việt nên có nhiều lợi điểm. Mỗi khi có người Việt Nam đem máy tới, tôi là người trực tiếp nhận máy, giải thích, sửa và giao trả. Lương cũng chỉ bình thường 13-14 một giờ nhưng công việc nhẹ nhàng, nhờ đó tôi vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình vừa có thì giờ chuyên tâm tiếp tục con đường đại học của mình.

Tôi luôn tin ba luôn ở bên cạnh chúng tôi. Cuộc hội nhập tiến triễn một cách thuận lợi. Có lẽ những năm dài gian khổ dưới chế độ cộng sản đã làm gia đình tôi dễ dàng thích ứng với mọi hoàn cảnh và cuộc sống xứ người. Vì vậy, chính tại cái thành phố mà chúng tôi thường hay nói vui, nhỏ như cái lỗ mũi và quê mùa như làng Nam Phổ Thượng (quê nội tôi ờ Huế), lại là một nơi khởi đầu đầy may mắn cho gia đình chúng tôi. Qua trễ cũng có cái lợi của nó, đở bở ngở hơn. Thành phố nhỏ cũng có cái hay của nó, ít tội phạm hơn, ít cám dỗ hơn. Tulsa hiền hoà, tụi tôi hay nói vui cái xứ nhà thờ nhiều hơn nhà dân (vì hầu như cách vài block đường lại có một nhà thờ), cộng đồng người Việt ít nên hầu như ai cũng biết nhau. Ở đây hình như ai cũng biết đến câu chuyện của người đàn bà goá chồng có 9 đứa con người Huế. Cái tin toàn bộ đại gia đình chúng tôi đoàn tụ tại thành phố Tulsa sau 23 năm dưới chế độ cộng sản không những lan tuyền trong cộng đồng người Việt mà còn được nhiều người bản xứ biết đến nhờ bài viết được đăng trên tờ báo ngày duy nhất tại Tulsa thời bấy giờ. Nhờ vậy gia đình cũng nhận được sự giúp đở nhiều hơn từ các hội đoàn và đoàn thể.

Ở với mẹ chưa đầy một năm, dành đủ tiền down payment, tôi mua nhà ra ở riêng. Nhà cửa bên này quá rẽ. Chỉ sáu đến bảy chục ngàn cho một căn nhà 4 phòng ngủ. Con cái đã lớn cần có chỗ học hành, sinh hoạt. Hơn nữa ở quá nhiều người trong căn nhà housing của mẹ là không hợp pháp. Muốn mẹ về ở chung nhưng mẹ nói, mẹ quen sống một mình tự do, không muốn làm phiền đứa nào, muốn ăn muốn uống gì cũng được. Về với tụi bây, lại chê hôi chê hám.  Mẹ nói cũng phải, hơn nữa nhà cũng gần nên mỗi ngày chúng tôi đều ghé thăm mẹ.

Một năm, rồi hai năm trôi qua. Chúng tôi sống ổn định và an bình trong cái thành phố yên lành đó. Chúng tôi đã quen dần với cái mùa đông đầy tuyết, cái mùa hè nắng gay gắt. Đã quá quen với những cơn mưa long trời lỡ đất và quen cả với những cơn gió xoáy khủng khiếp của tiểu bang miền nam nước Mỹ này. Tôi nhớ có lần, thèm một tô phở ngon chỉ có ở thủ phủ tiểu bang, vợ chồng con cái lên xe Oklahoma City trực chỉ. Chuyến đi buổi sáng ghé ngang một cái Mall thật lớn mua sắm, nghĩ ngơi, chụp hình. Buổi chiều về chỉ còn là một bãi đất trống ngổn ngang nhà cửa cây cối và xe cộ lật ngang lật dọc la liệt. Một cơn gió xoáy vừa ghé qua, đã cuốn đi sạch sẽ cả một khu shopping sầm uất.

Ai ở tiểu bang Oklahoma, đều quen với cái tiếng còi báo động, cái tiếng rít ghê người, cái cảnh tượng khủng khiếp của các miển đất mỗi khi có những cơn gió xoáy ngang qua. Và chắc cũng đã quen với những trận mưa tuyết ngập trắng mái nhà, những con đường đông đá trơn trợt. Khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng ở lâu rồi cũng quen. Có khó khăn, có vất vã nhưng vẫn là thời gian hạnh phúc bên vợ con, bên mẹ và bên các em. Đã không còn những đêm dài lo sợ, những giờ phút chầu chực lãnh từng miếng thịt heo, từng khẩu phần bobo, khoai mì …không còn những ngày tháng lăn lóc trên những chuyến tàu, chuyến xe xuyên Việt. Có gian khổ nào bằng những ngày tháng đó, phải không em?

Chúng tôi bằng lòng cái bình an hiện có và luôn nghĩ rằng có lẽ sẽ sống cho đến cuối đời trên cái thành phố nhỏ bé này.

Nhưng, lại cái chữ nhưng định mệnh suốt đời quyện chặt vào cuộc đời vốn không bao giờ yên lặng của tôi. Năm 2000, được một người bạn giới thiệu, tôi nộp đơn xin việc tại Kla-Tencor, một công ty chuyên sản xuất máy test silicon wafer tại San Jose. Nộp vậy thôi chứ tôi cũng không suy nghĩ gì về nó nhiều. Được cũng tốt mà không được cũng không sao. Cuộc sống ở Tulsa đang bình an và dễ chịu.  Không ngờ khoảng độ 2 tuần sau tôi nhận được giấy gọi đi phỏng vấn. Phải nói là rất bất ngờ vì không ngờ đơn xin việc được cứu xét nhanh như thế. Lại kèm theo tấm vé máy bay khứ hồi nửa chứ. Thế là xin nghĩ phép một tuần để đi Cali. Được hay không tính sau. Mọi công việc thường ngày đều được gác lại, tôi tập trung tất cả vào chuyến đi sắp tới. Ôn lại các kiến thức đã học. Dợt lại vốn liếng ngoại ngữ. Lần đầu tiên kể từ khi qua Mỹ, sắp sửa được tiếp xúc một công ty lớn, của một thành phố nổi tiếng là thung lũng điện tử, nên cũng hơi lo nhưng vô cùng háo hức. Và đó là một chuyến đi làm thay đổi cả một cuộc đời của tôi sau này.

Người phỏng vấn tôi đầu tiên là một kỹ sư Việt Nam. Mừng vì tưởng gặp đồng hương tha hồ trao đổi những vấn đề liên quan đến kỹ thuật bằng tiếng mẹ đẽ. Dân bách khoa mà,  chuyên môn kỹ thuật tôi không ngán. Trả lời bằng giấy bút cũng không lo. Sợ nhất là khi phải trình bày bằng cái tiếng Anh giọng Huế nặng trịch của mình. Ai ngờ, mới vừa gặp nhau tay này xổ luôn một tràng bằng tiếng Anh. Tưởng chỉ vài câu xã giao thôi, ai ngờ suốt buổi phỏng vấn không thèm nói một câu tiếng Việt. May là tiếng Anh chuẩn Cali (lai lai châu Á nên dễ nghe) chứ cái âm tiếng Mỹ country vô cùng khó nghe của xứ da đỏ Oklahoma thì bỏ xừ. Tiếng Anh thì tiếng Anh, sợ gì. Nói chuyện văn chương, chữ nghĩa thì còn sợ chứ chỉ loay hoay trong tính với toán, với mạch điện phương trình thì cũng OK. Có lẽ đã đọc lý lịch tôi từ trước, biết dân bách khoa phú thọ trước 1975 cũng thuộc hạng khá, nên sau một vài câu hỏi nặng về chuyên môn, ông này chuyển sang giới thiệu những công việc của bộ phận sản xuất trong công ty sau đó hẹn tôi ngày mai trở lại.

Ngày hôm sau, tiếp tôi là một ông người Phi. Tự giới thiệu là manager của toàn bộ phận nơi tôi sẽ làm việc nếu được mướn, ông không hỏi tôi về kỹ thuật mà toàn những câu không dính dáng đến chuyên môn. Nào là từ đâu anh biết về Kla-Tencor, tại sao nộp đơn xin vào làm việc cho công ty, nếu được chấp thuận sẽ làm gì để đóng góp cho sự thành công của công ty…. Cứ nghĩ sao trả lời vậy. Nhờ mấy thằng bạn đã từng đi interview bên này mách nước, tôi nhìn thẳng mặt xếp, trả lời chậm rãi rõ ràng và tự tin. Thích làm cho công ty quá đi chứ, tại sao ư, vì đúng với chuyên môn của mình. Biết công ty vì bạn giới thiệu. Nếu được nhận vào sẽ làm hết sức mình, cái chưa biết sẽ tìm hiểu học hỏi thêm…vân vân và vân. Đại để chỉ là những câu hỏi thông thường, có lẽ đã quyết định nhận tôi vào làm việc nên ông manager đến để chỉ xem mặt mũi, cách ăn nói, và trình độ tiếng anh của tôi là chính. Thế là xong buổi phỏng vấn.

Khoảng một tuần sau, tôi nhận email đề nghị của công ty với tiền lương tháng hơn gấp ba số tiền tôi đang làm ở Compusa kèm thêm tiền trợ cấp di chuyển chỗ ở. Dĩ nhiên là tôi trả lời chấp nhận ngay, không điều đình gì lôi thôi, cứ sợ công ty đổi ý. Sau này mấy người bạn cùng công ty nói, đúng ra đừng bao giờ nhận lời ngay, phải email qua lại vài lần, điều đình thế nào cũng được mức lương cao hơn.

Nhưng phải nói lúc đó lần đầu tiên nhận việc làm từ một công ty lớn của Mỹ tại Silicon Valey nổi tiếng thế giới, công việc phù hợp với chuyên môn, manufacturing engineer, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ tới. Cho nên nhận được offer là accept ngay. Thì giờ đâu mà tính với toán, lợi với hại. Thật ra mức lương có thấp hơn tôi cũng sẽ nhận lời. Với tôi môi trường làm việc mới là điều quan trọng nhất. 

Nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty cũ, trừ ông xếp người Mỹ: good lucks, congratulations, còn bạn bè người thân toàn bàn ra. Người nào cũng cản. Người thì nói lương cao, nhưng vật giá, nhà cửa tại San Jose rất đắt đỏ, sống nổi không, hay vài tháng lại bò về. Mấy đứa em thì nói, bên này có nhà cửa ổn định, có đồng lương của hai vợ chồng, qua đó chỉ mình anh, dễ gì chị kiếm được việc làm. Chưa kể bán nhà mấy chục ngàn đô bên này, qua đó chắc chỉ mua được cái garage. Rồi chưa kể còn việc học của mấy cháu…

Nói chung toàn chỉ thấy khó khăn. Nghe riết cũng cảm thấy nản. Nhưng thật ra, nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi chính là mẹ. Chưa chi bà đã khóc nức nở. Tưởng qua đây để mẹ con đoàn tụ, giờ con đi xa, mẹ làm sao chịu nổi. Bà còn nói lẫy: biết vậy tao ở lại Việt Nam với ba tụi mày, qua đây con cái không có đứa nào nghe lời. Mỗi đứa mỗi ngả. Mấy đứa em đã vậy, bây giờ thằng con trai lớn cũng vậy.

Tôi là đứa mẹ thương nhất. Hai năm qua mẹ đã rất vui, vẫn luôn kỳ vọng vợ chồng tôi ở mãi bên bà cho đến cuối đời. Mỗi lần gặp mẹ, nghe khóc mủi lòng, càng không nỡ rời xa. Nhìn mẹ khóc tôi lại nhớ đến cái ngày mẹ ôm xác ba trong trại cải tạo. Cũng tội cho bà, cả đời chưa một ngày sống cho riêng mình, tưởng qua đây sẽ sống gần với 9 đứa con như hồi còn ở quê hương. Thế mà đoàn tụ chưa bao lâu, hết đứa này đứa khác lần lượt xa bà, chỉ còn 4 đứa ở quanh quẩn. Bây giờ thằng con trai lớn cũng tính chuyện ra đi.

Cứ vậy mà tôi chần chờ không quyết định được. Muốn đem mẹ đi theo thì bà không muốn. Còn 3 đứa em còn ở lại, đi sao được. Xin công ty trình diện trễ để lo việc gia đình nhưng cũng chỉ hoãn được 1, 2 tuần, thêm nữa là không xong. Người ta cần mới mướn, công việc không lẽ cứ đợi mình mãi. Nhiều khi quá rối trí định buông. Hay thôi, cứ an phận cho khoẻ. Cũng đã lớn tuổi rồi, còn bay nhảy gì nửa. Nghĩ vậy nhưng rồi lại thấy tiếc cái cơ hội mà tôi biết nếu bỏ qua, sẽ không bao giờ trở lại. Đi cũng đúng mà ở lại cũng không sai. Nhiều đêm đã cầu xin ba một lời khuyên, một giải pháp thật vẹn toàn. Cuối cùng vợ tôi góp ý:

- Anh cứ nói mạ đi thử việc tạm thời, 6 tháng hay một năm. Anh đi một mình lên San Jose. Em biết công việc này rất phù hợp với anh. Và anh cũng rất thích nó. Nếu mọi chuyện ổn, anh kiếm nhà kiếm cửa, mùa hè sang năm mẹ con em sẽ qua sau, lúc đó cũng tiện cho việc học của mấy đứa nhỏ. Còn nếu thấy cuộc sống khó khăn thì trở về. Em sẽ cố gắng thuyết phục mẹ, từ từ mọi chuyện rổi cũng sẽ ổn thôi. Mấy năm trước mình chưa qua Mỹ, mẹ cũng chịu được thì bây giờ chắc cũng sẽ không sao. Hơn nửa khi nào ổn định chổ ăn chổ ở, đem bà qua chơi một thời gian. Biết đâu lúc đó bà lại thích cái khí hậu bên đó chịu ở luôn cũng không chừng

Giải pháp quá dễ dàng, tại sao không nghĩ ra. Thế là tháng 6 năm 2000, tôi một mình khăn gói lên San Jose California lập nghiệp. Lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên một thành phố mới, xa lạ, đắt đỏ và nhộn nhịp khác xa cái thành phố nhỏ yên bình đang sống.

Giã biệt Tulsa. Xin cám ơn mảnh đất đã cưu mang tôi những năm tháng đầu định cư trên xứ người. Không biết khi nào trở lại, không biết rồi cuộc đời ngày sau sẽ ra sao, nhưng thôi thì lòng đã quyết cứ mạnh dạn bước tới, rủi hay may phó mặc  cho số phận. 

Nước Mỹ là đất nước của cơ hội mà cơ hội trong cuộc đời, đôi khi chỉ đến có một lần. Tại sao không nắm lấy?

 

Lê Xuân Mỹ

 

Ý kiến bạn đọc
05/10/201901:04:48
Khách
Xin cám ơn anh Chung
Tôi đã liên lạc được với anh Định và Anh Lân
Hy vọng được gặp anh
Kính
Xuân Mỹ
04/10/201920:27:44
Khách
Mến chào ông Lê Xuân Mỹ,
Chúng tôi xin chuyển đến ông email của một người thân quen với ông:
Duy Dinh (davis.d.phung@gmail.com) is not on your Guest List | Approve sender | Approve domain
nhân đọc hồi ký "Tôi, con người tù cải tạo" của tác giả Lê Xuân Mỹ, mới biết anh từng dạy trường Quốc Gia Bưu Điện - nếu toà soạn có thể chuyễn giúp mesage sau đây đến tác giả thì rất cám ơn
" Xin anh Lê Xuân Mỹ liên lạc với hội ái hữu trường Quốc Gia Bưu Điện của anh Phùng Duy Định và anh Ngô Thuỵ Lân dùng email sau đây
davis.d.phung@gmail.com hoặc ngothuylaan@yahoo.com, rất mong"
Lần nữa xin cám ơn toà soạn
04/10/201920:21:56
Khách
Mến chào ông Lê Xuân Mỹ,
Chúng tôi xin chuyển đến ông emial của một người thân quen với ông:
Duy Dinh (davis.d.phung@gmail.com) is not on your Guest List | Approve sender | Approve domain
nhân đọc hồi ký "Tôi, con người tù cải tạo" của tác giả Lê Xuân Mỹ, mới biết anh từng dạy trường Quốc Gia Bưu Điện - nếu toà soạn có thể chuyễn giúp mesage sau đây đến tác giả thì rất cám ơn
" Xin anh Lê Xuân Mỹ liên lạc với hội ái hữu trường Quốc Gia Bưu Điện của anh Phùng Duy Định và anh Ngô Thuỵ Lân dùng email sau đây
davis.d.phung@gmail.com hoặc ngothuylaan@yahoo.com, rất mong"
Lần nữa xin cám ơn toà soạn
02/10/201901:25:03
Khách
Cám ơn anh Hoà đã đọc và chia sẻ . Thật ra mình ở đâu quen đó. Mỗi nơi có một cái hay riêng .Nhưng nói về êm đềm và bình an thì những thành phố nhỏ như Tulsa là rốt nhất. Đôi khi tôi cũng có những suy nghĩ không biết mình quyết định rời Tulsa là đúng hay sai?
01/10/201920:36:38
Khách
Đọc bài viết của bạn thấy hoàn cảnh gia đình của bạn gần giống như của mình, gọi là gần giống vì những điểm chính là giống nhau, nhưng giống nhau một cách trái ngược, thường gọi là "tương phản". Mình ở CA được mấy năm, sau khi có quốc tịch rồi thì dò hỏi bạn bè về giá nhà, sinh hoạt...Thấy ở Bethany OK giá nhà quá rẻ so với CA. Dân số OK chưa đầy 4 triệu dân, cho nên mình dọn về OK ngay khi đã xác định được những điều kiện ưng ý. Gần 20 năm vẫn ở Bethany OK cho đến nay. Nhà mình đi mấy dặm là đến dinh thống đốc.Từ Bethany OK đi đến Tulsa mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Có mấy lần mình đi công tác đến Tulsa, đúng là thành phố bình an. Ở Oklahoma City này đúng như bạn nói, hầu như nhà thờ có ở mỗi góc đường, đa số là Baptist. Ở OKC có nhiều bệnh viện, nhưng 3 bệnh viện lớn nhất thì 2 là của HT Baptist, 1 của Catholic. Chuyện OKC dài vô tận như bạn đã biết, ở đâu quen đấy... Tạm biệt.
01/10/201917:23:33
Khách
Cám ơn Liên Ngô ,nhưng thật ra theo lý là như vậy ,nhưng những năm 1998 đã có những trường hợp nhu vậy vì hồi đó Tulsa rất dễ xin trợ cấp chính phủ chứ khong nhu ở Cali. Có bao giờ bạn thấy ngay ở Cali có nhung người moi qua chưa đến 5 năm mả vẫn có housing ? Toi thay có
01/10/201916:59:43
Khách
Anh nói vì mới được bảo lảnh qua Mỹ mà đã lớn tuổi với ba con còn nhỏ bạn bè khuyên xin trợ cấp của chính phủ để đời sống dễ dàng hơn thì tôi nghĩ đơn xin sẽ bị bát bỏ. Vì theo luật di dân của Mỹ, người được bảo lảnh phải hoàn toàn tự túc 5 năm đầu, sau đó mới được quyền xin trợ cấp - nếu hội đủ điều kiện.
30/09/201916:13:55
Khách
Câu chuyện của ông bạn hay quá. Nó làm tui liên tưởng tới tốc độ xe hơi trên freeway càng ngày càng tăng dần. Nhớ để ý đồng hồ tốc độ nghe ông bạn. Xe tui thì cũ xì, yếu xìu...
30/09/201905:03:13
Khách
Vâng, anh Chương và sau đó mẹ qua ở với tôi cho đến hôm nay
30/09/201903:58:25
Khách
Và anh ở San Jose từ đó tới nay, đem cả nha qua luôn?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,179
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến