Hôm nay,  

Tâm Tình Bạn Già

26/09/201900:00:00(Xem: 13313)

Bài số: 5795-20-31601-vb5092619

 

Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt 2016. Giải Danh Dự 2017,  giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018. Bài viết mới của bà được viết nhân kỷ niệm 18 năm nước Mỹ bị khủng bố tấn công.

 

***

 

Cuối hạ mà nắng Cali vẫn gay gắt. Tưới xong đám cỏ trước nhà, ông Tài bước vào nhà tránh nắng. Ngồi chưa nóng chỗ đã nghe tiếng chuông reo. Lững thững ra xem ai, thì ra ông Bảy Roi. Mời bạn vào phòng khách, ông Tài mừng lắm.

Bên ly nước táo mát lạnh bổ dưỡng cho người già, hai ông tán gẫu, thì thào đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, lại quay qua bàn chuyện thời sư, thể thao bóng đá. Như một điều thú vị của tuổi về chiều.

Ông Tài than thở: “Năm nay là năm Kỷ Hợi, năm tuổi của tui, xui quá trời! Bệnh rề rề hoài!”

Ông Bảy Roi đặt ly nước xuống bàn trả lời:

-“Người ta nói bệnh tật thường đi đôi với tuổi già, chẳng phải hên xui gì đâu! Theo tôi thấy tuổi gì mà đến Mỹ, cũng thành tuổi con trâu đi cày! Mà cho dù máy móc sài một thời gian dài cũng hư hỏng. Còn con người sáu bảy chục năm trời làm sao không “hỏng hóc”. Nên già thì bệnh hoạn là vậy”.

Ông Tài và ông Bảy Roi là đôi bạn già thâm niên, thân nhau từ ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Sau Tết Mậu Thân, theo lệnh tổng động viên, hai chàng sinh viên cùng “xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Cho đến ngày tan hàng, cả hai bị lừa vào tù “cải tạo”, kẻ Bắc người Nam.

  Sau thời gian tốt nghiệp “đại học cải tạo”. Ông Tài được thả từ Gia Rây cuối năm 1980, về quê ở một xứ đạo, huyện Hốc Môn. Còn ông Bảy Roi gần Tết 1982 mới lếch thếch về từ núi rừng Việt Bắc, xa lắc xa lơ. Tìm đến nhà ở sau chợ Tân Bình vào một buổi chiều ảm đạm. Đón ông là ba đứa con thơ trên đầu còn đội tấm khăn tang, vì mẹ chúng mới qua đời hai tháng trước, sau một cơn bệnh ngặt nghèo. Ông Bảy Roi dắt đàn con về Hốc Môn nương nhờ cha mẹ. Hai ông  gặp lại nhau trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, càng thương nhau hơn.

 Sau hơn mười năm, sống dưới nền “kinh tế xã hội chủ nghĩa”, đầu tắt mặt tối vẫn không đủ sống. Nhờ cái bằng “ra trại” là một tờ pelure mỏng dính vàng khè, có đóng mộc và ký tên của trưởng trại tù “cải tạo”. Ông Tài đem được một vợ ba con sang Hoa Kỳ định cư diện HO 22.  Cũng vậy một năm sau gia đình ông Bảy Roi, một bố và ba con, hai gái một trai diện HO 24.

Sang đến xứ Mỹ, ở tuổi “Tri Thiện Mệnh”, hai ông lại còng lưng đi làm với đồng lương căn bản, cho đến tuổi 65, thì chính phủ xác nhận cho quyền được nghỉ hưu, được lãnh một khoản tiền đủ sống, không mặc cảm là mình phải ăn bám xã hội hoặc con cái, như những người già ở Việt Nam.

 “Tha hương ngộ cố tri” cùng quê hương xứ sở, lại hạp nhau. Giờ đây hai ông đã qua “thất thập” mắt mờ tai lãng, tóc “hai lai”. Hôm nay vợ con ông Tài đi vắng, hai ông tha hồ tố khổ. Một ông bị vợ chê. Một ông mồ côi vợ, cũng rổ rá cạp lại hai ba lần, nhưng trớt guớt. Hai ông hai hoàn cảnh khác nhau, mà tâm trạng lại giống nhau, thật là tri âm tri kỷ.

 Ông Tài nói: “Từ ngày sống ở Mỹ, chức “gia trưởng” của tui đâm ra xuống cấp. Luật lệ kỳ cục, cái gì cũng ưu tiên cho phụ nữ “Lady first”. Bởi vậy các bà qua đây khoái chí, đì cánh đàn ông không ngóc đầu lên được. Ông coi! Bả cứ kêu ca phàn nàn vì tiếng ngáy cù… cưa… như kéo gỗ bên tai, tôi phải từ giã chiếc giường êm ái, để chuyển ra sofa ngoài phòng family room dỗ giấc qua đêm. Đã thế có lúc còn nhìn mặt tôi chê: “Người gì vừa già vừa xấu, ăn mặc lè phè”. Theo quy luật lão hóa, mấy bả cũng đâu trẻ trung gì, nhờ vào nghệ thuật trang điểm, với kem nền, phấn sáp che giấu vết chân chim, nâng  hai cái má xệ xuống đến cằm, chứ “Người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân,  bóc trần ai cũng như ai” phải không ông?”.

Nghe vậy, ông Bảy Roi cười ha… hả! Mà rằng: “Thôi thì “đất lề quê thói” một sự nhịn là chín sự lành! Ráng vun đắp cái hạnh phúc gừng cay muối mặn cuối đời cho xong “Vợ giận thì chồng bớt lời. Cơm sôi bớt lửa.…”. Rồi hạ giọng ngậm ngùi: “Ông còn có bả mà nhất với nhì, chứ tui đây ngó trước nhìn sau cũng chỉ “mình ên”, chẳng có khuôn mặt dễ ghét nào mà lườm với nguýt. Phải chi hồi đó tui được về sớm hơn vài tháng, thì vợ tui đâu có chết. Nhiều lúc dạy bảo con mà nó không nghe lời, tủi cái thân ‘gà trồng nuôi con’ lắm ông ơi!”.

Trong lúc ông Bảy Roi đang nhớ tới người vợ mà ông thương yêu hết lòng, đã bỏ cha con ông đi “bán muối” ở thế giới bên kia. Thì ông Tài lại nhắc đến những năm tháng tù đày, đói xanh mặt thắt lòng, làm ảnh hưởng sức khỏe suốt đời.

Bù lại gia đình hai ông qua Mỹ bằng những vé máy bay một chiều, do cơ quan Di Dân Quốc Tế Hoa Kỳ IOM (International Orgnization for Migration) bảo trợ, cho ký vay nợ trước. Sáu tháng sau khi định cư, có công ăn việc làm ổn định thì trả góp hàng tháng.

 

*

Phần lớn người Việt định cư tại Mỹ, thường tập trung ở các tiểu bang có khí hậu ấm áp giống như quê nhà, trong đó có tiểu bang California.

Được sống tại tiểu bang Cali là điều may mắn, lại còn ở Quận Cam thì thật tuyệt vời. Gia đình  ông Bảy Roi được Hội Thánh Tin Lành bảo trợ về thành phố Garden Grove. Còn ông Tài nhờ có người em bảo trợ về thành phố Westminster (Orange County). Tại đây người Việt tập trung sinh sống và làm ăn đông đúc. Nổi bật nhất là khu Little Saigon, còn được mệnh danh là “Thủ đô của người Việt tỵ nạn”.

Thỉnh thoảng hai ông rủ nhau đến trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, ngồi nhâm nhi ly cà phê ngắm người tấp nập qua lại trên Đại lộ Bolsa, còn gọi là Đại Lộ Trần Hưng Đạo, là con đường sầm uất nhất vì có nhiều khu thương mại lớn, mua bán trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tiệm ăn, chợ búa bán đầy đủ thức ăn Việt Nam. Con đường nhỏ nằm phía bên phải Phước Lộc Thọ, được đặt tên là SAIGON tuy không dài lắm, nhưng nó nằm ngay giao điểm của ngã tư BOLSA – SAIGON trên bản đồ của thành phố Westminster. Nên mỗi lần có dịp đến đây, người người cảm nhận như đang  đứng giữa Saigon năm xưa, đã từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” cho vơi bớt nỗi nhớ về cố hương.

Tại đây phố xá cũng có những con đường ngang dọc, chợ chiều, chợ đêm. Cuối tuần các con ông Bảy Roi thay phiên chở bố đến phố Bolsa vừa để gặp bạn bè, và thưởng thức những món mà bố ưa thích. Thế nên ông Tài hay nói với ông Bảy Roi rằng, bây giờ bạn đã qua rồi một thời gian khổ!

 Thật vậy, hai cô con gái ông Bảy Roi, nay đã là những người vợ đảm đang. Người con trai út đã trở thành một trung niên chững chạc. Chúng cũng gánh trên vai trách nhiệm và bổn phận gia đình “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Chúng đã hiểu thế nào là sự hy sinh của bố khi xưa, đã lặng lẽ nuốt nỗi đau, sau bao năm xa cách. Vừa mới thoát khỏi ngục tù Cộng Sản, thì ngày về nhận một tin đau buồn là người vợ thủy chung, đã ra đi không kịp lời trăn trối. Cho đến khi đem các con sang đất khách quê người, trong muôn vàn khó khăn, ông đã dồn hết tâm huyết sức lực dưỡng dục chúng nên người.

 Bây giờ các con mỗi đứa một cơ ngơi riêng, chúng năn nỉ ông đến sống chung, nhưng ông Bảy Roi không muốn phiền con cái, ông đã chọn cho mình căn phòng trong Seniors Apartment. Ban ngày ông đến đón các cháu đi học về, rồi chăm nom coi sóc, ngoài vườn thì ông trồng cây tưới cỏ cho các con. Vốn gốc nhà nông nên ông khéo cấy, khéo trồng, giàn mướp, giàn bầu nặng trĩu quả, ông mang biếu bạn bè ăn lấy thảo, như một niềm vui cuối đời.

Tuy không sống chung nhưng các con luôn quan tâm, biết bố mê bóng đá, liền mua Cable cho ông coi đủ các trận đấu trên toàn thế giới, để bố sống lạc quan, yêu đời hơn. Khi nào có đội bóng Mỹ, nam cũng như nữ đấu với các nước khác, hai ông hẹn bạn bè tập trung đến để theo dõi, cổ vũ, hồi hộp rồi vui mừng la lên sung sướng khi đội Mỹ thắng, buồn thiu khi đội Mỹ thua.

Còn ông Tài, không được các con thương chiều như bạn. Vì còn đủ vợ đủ chồng ít lệ thuộc vào con cái, nhưng bi quan hơn. Ở Mỹ vậy mà đã  28 năm, hơn một phần tư thế kỷ. Ông đã cần cù làm lụng, tham công tiếc việc quên cả nghỉ ngơi. Nên đến tuổi hưu, thì bệnh hoạn, đau lưng nhức khớp.

Dù sao ông cũng tạo dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống sung túc. Con cái học hành thành công, có công ăn việc làm ổn định, tương lai đầy triển vọng. Con cháu ông, thế hệ tiếp nối lớn lên tại Mỹ, chúng như cây bén rễ đâm hoa kết trái, tạo dựng một cuộc sống vững bền, tương lai sẽ đóng góp tài năng, vật lực cho quê hương đã cưu mang mình.

                                                *

Nhớ lại hồi ông Tài mới định cư tại Mỹ, ông bị trầm uất. Vì tự ti mặc cảm, thân phận mình từng là người lính của một quân đội đã bị bức tử trong uất ức. Nước Mỹ vì quyền lợi riêng tư, trong chiến lược toàn cầu và sự sắp xếp trên bàn cờ thế giới đã an bài. Bỏ rơi đồng minh nhược tiểu VNCH “Đứt gánh giữa đường” trong đơn độc, để rồi bị tù tội… bị hành hạ… Ông không muốn nhớ những chuyện đã quên. Mà tuổi đời thì chồng chất, lòng mãi vương vấn lẫn lộn hiện tại với quá khứ.

Thế rồi, cái ngày kinh hoàng trong lịch sử Hoa Kỳ. Biến cố 9/11 đã làm ông Tài thức tỉnh, để hiểu biết hơn về chính mình trong hiện hữu.

 Ông Tài còn nhớ như in, buổi sáng hôm ấy ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông thức dậy vào lúc 6:30 như thường lệ, để sửa soạn chở con đi học, rồi mới quay về ăn sáng và đi làm. lúc đi ngang chiếc TV kê ngoài phòng khách mẹ vợ ông đang ngồi coi tin tức, ông Tài đã không tin vào mắt mình khi trên màn hình hiện ra thảm cảnh, tòa tháp đôi bị đánh sập bởi  bọn khủng bố không còn tính người, đã đồng loạt cướp máy bay lao vào. Cú va chạm tạo thành một quả cầu lửa khổng lồ giữa không trung. Rồi từ từ sụp xuống, khói đen cuồn cuộn, bụi tro bay ngập trời, hòa lẫn với tiếng còi hụ inh ỏi, hàng trăm lính cứu hỏa là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường, xông vào cứu người để rồi đã hy sinh vì nhiệm vụ.

Nhìn cảnh sụp đổ Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, biểu tượng sức mạnh tuyệt đối và văn minh của Hoa Kỳ. Ông Tài sửng sốt bàng hoàng đau nhói trong tim.

Vì tiểu bang New York đi trước Cali ba tiếng đồng hồ, lúc lái xe đi làm, ông Tài mở radio theo dõi tin tức, được biết. Một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách, hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa. Hai chiếc máy bay lần lượt đâm vào tòa tháp đôi. Chiếc  thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc Phòng tại Ngũ Giác Đài ở Virginia. Chiếc thứ tư nhắm mục tiêu khác ở thủ đô Washington, nhưng đã bị các hành khách trên máy bay, tìm cách kháng cự lại những tên không tặc, nên máy bay rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset.

Nghe tới đây, tim ông như ngừng đập, tuy ở xa không bị nguy hiểm, nhưng ông nhận ra rằng quê hương thứ hai cũng muôn vàn dấu yêu trong lòng mình. Ông thâm cảm nỗi đau của những gia đình mất người thân, như chính mình. Với lời khấn nguyện thầm kín, “Xin Thượng Đế phù trợ và ban ơn lành cho dân tộc và đất nước Mỹ thân yêu.”

 Ông Tài còn nhớ, ngay sau biến cố đó, lòng yêu nước của người dân Mỹ nổi lên, bằng chứng là rất nhiều xe chạy ngoài đường, gắn cờ Mỹ một cách hãnh diện. Ông Bảy Roi cũng đau lòng không kém, khi thấy nước Mỹ bị khủng bố bất ngờ như vậy, ông nói với ông Tài rằng, tuy nước Mỹ không phải nơi mình sinh ra, nhưng sống ở đây thì hãy xem như quê hương thứ hai, phải có nghĩa vụ với ân nhân mình.  Những đứa con các ông thì rủ nhau đi hiến máu. Nhiều chương trình văn nghệ gây quỹ, hay Hồng Thập Tự tổ chức quyên góp, hai ông đều tham dự và tích cực đóng góp, để yểm trợ các nạn nhân.

Một lần nữa kỷ niệm 18 năm, ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố lại về. Năm nay vào thứ tư ngày 11 tháng 9, các buổi lễ tưởng niệm chú trọng vào việc nhớ tới những nạn nhân, ở Ngũ Giác Đài, và ở cánh đồng Pennsylvania.

Tại đài tưởng niệm ở New York hàng năm các gia đình có thân nhân thiệt mạng, đã tập trung tại đây để nghe đọc tên những người tử nạn, với buổi lễ trang nghiêm đầy xúc động, bắt đầu bằng các hồi chuông, đổ vào lúc 8 giờ 46 phút sáng, thời khắc phi cơ bị không tặc đâm vào tòa tháp, góc phía Bắc của Trung Tâm Thương Mại Thế giới. Sau nhiều năm đến đây dự lễ tưởng niệm, các gia đình cùng cảnh ngộ đã quen nhau, có những nụ cười theo dòng nước mắt đầy xúc động, họ cùng nắm tay và tự nhủ sẽ “Không bao giờ quên”.

“God Bless America”.

Hai ông bạn tâm giao nói với nhau rằng, nước Mỹ là  “Ngôi nhà ngọt ngào” nơi mà hầu hết những ai tìm đến nương tựa. Bất kể giầu, nghèo, không phân biệt sắc dân hay chủng tộc, đều nhận được những ưu đãi như nhau, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Yêu thương đền đáp lại thương yêu. Cho đến bây giờ hai ông minh định rằng mình đã yêu nước Mỹ với cả trái tim.

 

Năng Khiếu

 

Ý kiến bạn đọc
26/09/201921:51:44
Khách
Cám ơn Pt Kim Dung, đã đọc bài và chia sẻ.
Chúc Kim Dung luôn mạnh khỏe vui vẻ.
26/09/201917:31:56
Khách
Chào chị Tác Giả Năng Khiếu,
Cám ơn chị cho em đọc một bài tâm tình của hai người bạn già thật hay và xúc động. Kính chúc quý ông được nhiều sức khoẻ tuổi hạc, để được hưởng trọn vẹn tình yêu thương thảo hiếu của các con cháu nhé.
Không ai có thể quên ngày September 11, ngày sửng sốt bàng hoàng chấn động cả thế giới, và cũng là ngày đau buồn kinh hoàng nơi quê hương thứ hai của người Việt tị nạn cs.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến