Hôm nay,  

Những Tháng Ngày Đen Tối /kỲ 2

06/09/201900:00:00(Xem: 14513)

Bài số: 5781-20-31588-vb5090519

 

 Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019.  Là con  của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động,  kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa; Sau đó, cùng mẹ đến chứng kiến cái chết của người cha trong trại tù. Và chưa đầy 3 năm sau, cùng mẹ đi lấy xương cốt người cha, bằng  cách trở lại trại tù bốc mộ trộm. Bài mới nhất  là câu chuyện gia đình, từ cuối tháng Tư 1975, cho tới khi mẹ và các em được định cư tại Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

 

***

Một ngày đầu tháng 2 năm 1978, bỗng nhiên chúng tôi nhận được thư ba, lần đầu tiên. Góc thư tôi còn nhớ rõ địa chỉ Trại K2 Tân Lập, Vĩnh Phú. Trong thơ ba hỏi thăm mẹ và các em. Ba kể ba đang học tập cải tạo tốt. Thư ngắn chưa đầy một trang giấy. Ba nhắc tôi ráng chăm sóc mẹ và các em. Đợi ngày ba về. Miền bắc lúc đó đối với tôi vô cùng xa lạ. Nếu có biết cũng chỉ biết qua sách vở. Vĩnh Phú ở đâu, ra sao, xa xôi như thế nào, không quan trọng, ít nhất là ba vẫn còn sống.

​Thế là đủ. Quá mừng rỡ mẹ biểu tôi viết thư thăm ba và mỗi đứa em viết một câu cho ba. Mẹ nói tôi kể cho ba về cuộc sống ngoài này. Tôi ầm ừ cho qua chuyện, trong thư chỉ viết là nhớ ba, mong ba “học tập” tiến bộ để sớm về với gia đình. Tôi không kể về cuộc sống gia đình từ ngày ba đi. Không lẽ cho ba hay rằng căn nhà đã bị tịch thu, gia đình suýt nữa bị đi “kinh tế mới”, hay lại kể với ba rằng mẹ mỗi ngày đang bán từng chiếc áo cũ của ba ngoài lề đường. Hoặc kể cho ba chuyện 2 cây vàng. Thôi thì cứ để ba vui khi nghĩ rằng vợ và các con của ba dù là con của sĩ quan “chế độ Mỹ ngụỵ, vẫn được cách mạng đùm bọc thương yêu”. Thôi thì cứ như vậy cho ba yên lòng và ít nhất thư cũng đến được với ba. Kể từ hôm đó khoảng hơn mỗi tháng một lần gia đình tiếp tục nhận được thư ba. Mỗi lần chỉ hơn một trang giấy, nhưng cũng mang đến cho chúng tôi một niềm vui và hy vọng. Hy vọng sẽ có ngày ba trở về.

Nhưng rồi ba đã mãi mãi không trở về với mẹ con chúng tôi. Ngày 10 tháng 2 năm 1979, đúng lúc hai mẹ con đang ở phòng khách K2 trại cải tạo Tân Lập, ba đã tức tưởi ra đi không kịp nhìn mặt vợ con một lần cuối cùng, chấm dứt quảng thời gian hai năm 6 tháng tủi nhục và bi thảm.

Chưa đến 3 năm sau, thương mẹ suốt ngày than ngắn thở dài, xót xa cho ba nằm cô độc nơi đất khổ xa xôi, tôi đã cùng mẹ lén lút đào mộ đem ba về nằm chung với ông bà gia tộc trong vườn nhà dưới chân núi Ngự Bình, Huế

Tôi tin là có một thế giới, nơi ba đang sống, thật gần với chúng tôi, luôn theo dõi phù hộ chúng tôi. Khoảng 3 tháng sau ngày đem ba về Huế, gia đình tôi bỗng nhận được tin tức của đưá em gái kế. Người duy nhất trong các anh em tôi ra đi tại bến Bạch Đằng 6 năm về trước. Chúng tôi nhận được thư của em gái kèm tờ giấy bạc 50 dollars. Không thể nào kể hết được nỗi xúc động và sung sướng của gia đình chúng tôi lúc đó. Đã sáu năm trôi qua, không một manh mối của em, tưởng chừng như đã thất lạc em vĩnh viễn. Lần đầu tiên sau ngày ba mất mới thấy lại nụ cười của mẹ.

​Ngoài niềm vui tìm lại em gái, số tiền 50 dollar đối với gia đình tôi hồi đó là một tài sản đáng kể. Kể từ ngày liên lạc được với gia đình, thỉnh thoảng, em tôi gửi về lúc thì tiền lúc thì xà phòng, kẹo bánh, đồ dùng điện tử. Quà nhận được, hầu như tất cả đều được đem bán thành tiền để chi dùng trong gia đình. Họa hoằn lắm thì chúng tôi mới giữ lại một vài gói kẹo M&M. Chia cho các em thì mỗi đứa cũng được độ 5-10 viên nhỏ xíu. Hồi đó cái gì từ Mỹ cũng vô cùng qúy giá.

​Cuộc sống gia đình chúng tôi những ngày sau đó trở nên bớt cơ cực hơn. Vợ tôi nhờ được chỉ định dạy tiếng anh vỡ lòng cho các cán bộ trong trường, nên được ưu tiên trong vấn đề mua nhu yếu phẩm. Khi thì được mua thêm gạo, khi thì mua thêm thịt, các bữa ăn trong gia đình cũng được khá hơn lên.

​Các em, kể từ ngày ba “được trả quyền công dân”, sự phân biệt đối xử tuy vẫn còn nhưng không quá khắc nghiệt như những ngày đầu sau 1975. Mẹ tôi mở gánh bán bún bò tại nhà. Gia đình không dư giả giàu có gì nhưng cũng sống được qua ngày một cách lương thiện. Sau ngày ba mất, chú tôi thi thoảng có ghé thăm nhưng tôi vẫn cảm thấy một nỗi ngượng ngùng nào đó trong quan hệ của chú cháu chúng tôi.

Mỗi lần nhìn hình ba trên bàn thờ tôi lại nhớ đến khuôn mặt gầy gò, râu tóc bạc phơ ngày nào trong trại K2 Vĩnh phú. Đôi mắt trừng trừng tức tưởi của ba cứ ám ảnh trong tôi hằng đêm. Giá mà ngày đó chú thu xếp để mẹ tôi ra thăm ba sớm hơn thì có lẽ ba sẽ không ra đi sớm như thế. Nhưng cũng khó trách được chú, dù có thương ba bao nhiêu, chú cũng không thể làm gì khác được. Con đường của chú chọn ngay từ đầu đã quá khác nhau với con đường của ba.

​Trong những đứa em của tôi, đứa thứ ba là đứa ít nói nhưng căm thù chế độ Cộng Sản nhiều nhất. Thái độ bất mãn trong học hành và trong sinh hoạt hàng ngày nhất là với các “cán bộ” miền Bắc khiến tôi vô cùng lo lắng, bất an. Em thường có những lời nói và biểu hiện mà các “cán bộ” cho là phản động. Có khuyên mấy cũng không được. Lo sợ em gặp sự không may, tôi bàn với mẹ đưa em ra Đà Nẵng sống với gia đình người chị con bà dì ruột. Và từ Đà Nẵng em là người đầu tiên trong gia đình tôi vượt biên sang Mỹ sau 1975.

​Năm 1982, chúng tôi nhận giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Chúng tôi nộp đơn xin đi Mỹ và ngay năm đó cả hai vợ chồng cùng nhận giấy tờ cho thôi việc. Lý do: “anh chị đã nộp đơn đi nước ngoài, không còn đủ tư cách làm việc tại cơ quan Bưu Điện được nữa”. Đây là điều chúng tôi đã luờng trước nhưng không ngờ đến quá nhanh như vậy. Vào những năm 81-82, gia đình có thân nhân ở nước ngoài được xem là “phản quốc”. Nhất là với những người đã nộp đơn xin đi định cư ở nước ngoài như chúng tôi. Chấp nhận bị đuổi việc môt cách bình thản, vợ chồng chúng tôi một lần nửa lăn lóc vào đời với đủ thứ nghề để kiếm sống và tồn tại.

​Thời đó nhờ những lần đi chầu chực lãnh quà từ nước ngoài tại phi trường Tân Sơn Nhất rồi đem bán tại chợ đồ ngoại cuối đường Nguyễn Thông, tôi làm quen với nhiều bạn hàng và cả những người đi lãnh quà như tôi. Mới đầu bán đồ của mình, sau đó mua lại của những người khác, tôi bắt đầu gia nhập hàng ngũ những người mua đi bán lại. Có mặt từ sáng sớm tại phi trường, theo chân những người lãnh hàng về tận nhà, mua hàng hoá gửi về từ nước ngoài rồi đem ra chợ bán kiếm chênh lệch. Hàng hoá từ kẹo, bánh đến nước hoa, đồ điện tử. Thượng vàng hạ cám, bất kỳ thứ gì miễn là của Mỹ, từ Mỹ là mua, là bán. Làm cái công việc không dính dáng gì đến cái chuyên môn tốt nghiệp của mình. Một đôi khi rãnh rỗi ngồi một mình nhớ lại những ngày tháng trước ngày mất nước, thật buồn, thật xót xa. Thấy mình thay đổi nhiều quá. Cái hiền lành chơn chất thuở nào không còn nữa. Quá buồn và quá tiếc nuối.

​Cũng may, cùng với một người bạn làm chung trường chúng tôi mở thêm lớp dạy sửa chữa Radio TV tại nhà vào buổi tối. Lớp chỉ độ mươi học sinh. Thu nhập cũng không nhiều nhưng đó là thời khắc vui nhất trong ngày của tôi. Dạy học cho đỡ nhớ nghề và ít nhất là lúc đó tôi còn thấy mình còn có ích, còn giống đứa con của ba mẹ thuở nào.

​Trong những năm giữa thập niên 80, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện hàng điện tử second hand. Đây là những mặt hàng điện tử như truyền hình, tủ lạnh, radio cassette hư cũ đã qua xử dụng được các thủy thủ tàu viễn dương đem về bán lại. Các tàu chở hàng đậu ngoài cảng xa. Mỗi khi có hàng về, chúng tôi đi từng nhóm dùng thuyền nhỏ cặp ra tàu lớn mua mỗi lúc từ 10 đến 20 cái. Dĩ nhiên đây là buôn bán “trái pháp luật nhà nước”. Bị bắt thì hàng bị tịch thu, phạt tiền và ở tù. Nhưng nếu thoát được thì kiếm tiền nhiều. Đem về sửa lại rồi đem ra chợ bán.

Thời đó có ăn nhất là chuyển hệ từ NTSC sang PAL để xem hình có màu trên TV. Dĩ nhiên không đẹp và rõ như bây giờ nhưng thời đó truyền hình màu là cái mốt của các “cán bộ” miền Bắc có tiền có của. Chợ trời điện tử Huỳnh Thúc Kháng hình thành và lớn mạnh trong khoảng thời gian đó. Sau đó là một loạt các chợ trời Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Chợ Lớn được mở ra giúp những người có một chút tay nghề về điện tử như tôi sống sót và tồn tại.

​Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Lúc đầu, buôn bán rất khá, lợi nhuận cao, sau đó càng ngày việc buôn bán càng khó khăn khi mà có nhiều tay trùm nhiều tiền nhảy vào. Họ không mua vài chục như chúng tôi mà họ mua cả vài tram có khi nguyên cả tàu khi vừa cập cảng. Những tay trùm cán bộ vừa có tiền vừa có thế lực. Họ có quan hệ và quyền lực mà những người bình thường như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Phải là con ông cháu cha. Thế là phải mua lại hàng hoá từ những trùm lớn hơn. Đôi khi phải qua trung gian 2, 3 cấp. “Chất lượng hàng cũng kém đi rất nhiều mà thu nhập càng ngày càng ít đi. Nhưng lỡ theo nghề, bỏ đi đâu dễ. Không buôn đường ngắn, chuyển sang đường dài. Tôi đem hàng điện tử đến bán các tỉnh xa như Qui Nhơn và Đà Nẵng. Có nhà bà chị con bà dì ruột ở Đà Nẳng nên cũng đỡ chi phí ăn ở và thời gian đầu cũng kiếm được nhiều tiền. Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian, một ngày trong một chuyến đem hang về Đà Nẳng, ham rẻ mua nhằm một cặp loa Sansui là đồ ăn trộm bán tại chợ trời. Công an tới nhà giải đi. Một ngày ngồi bó gối trong trại giam suy ngẫm chuyện đời. May mà người chị quen công an, được bảo lãnh ra nhưng cặp loa đắt tiền bị tịch thu.

Ra khỏi trại giam, nghe lời khuyên của thằng bạn nối khố còn ở lại Đà Nẳng, bỏ nghề buôn đồ điện tử nhiều vốn ít lời, tôi nhảy qua nghề buôn trầm từ Đà Nẵng về Saigon và các tỉnh miền tây. Nói là buôn trầm cho oai chứ mình làm gì có tiền nhiều như thế. Trầm hoặc kỳ nam được đào lên ở các tỉnh miền trung và tiêu thụ nhiều ở các tỉnh phía nam. Nhận trầm từ Đà Nẵng, đem vào Sài Gòn giao cho mối, ăn tiền chênh lệch. Đi đuợc chục chuyến tiền công khá dù cũng rất vất vả và hiểm nguy. Lúc thì lăn lóc trên xe đò khi thì la lết trên các chuyến tàu chợ nam bắc. Hàng quốc cấm nên đâu phải đi như người bình thường.  Phải chọn những chuyến xe, chuyến tàu chạy vào ban đêm, ít bị kiểm soát. Trầm được bó vào các tàu lá chuối xấy khô để bớt mùi thơm. Trả thêm tiền để lơ xe nhét vào gầm xe vào những nơi kín đáo trên toa tàu. Thoát được chuyến nào là mừng chuyến đó. Tôi càng ngày càng ốm nhom ốm nhách. Mặt mũi đen thui. Chỉ lạ một điều là thời đó dù đi nhiều, tôi lại rất ít gặp người quen, bạn bè. Nếu có gặp, bạn bè chắc cũng không nhận ra chàng kỹ sư hiền lành chơn chất trắng trẻo thư sinh thuở nào.

​Đi thoát được khoảng chục chuyến, đến lần thứ 11 thì tôi bị “quản lý thị trường” bắt. Trầm bị tịch thu, riêng tôi bị giam tại công an Quảng Ngãi. 2 ngày trong trại tạm giam tôi đã suy nghĩ thật nhiều về những ngày tháng đã qua trong cuộc đời. Nhớ vợ, nhớ con, nhớ mẹ và các em. Chợt nhận ra mình đã thay đổi quá nhiều. Đã không còn là tôi của năm xưa. Cái được thì quá ít, cái mất đi thì quá nhiều. Tôi cay đắng nhận ra rằng nếu tôi không dừng lại, tôi cũng sẽ mất tôi vĩnh viễn trong một thế giới đã từ lâu không thuộc về mình. Một thế giới bụi bặm, luờng gạt và xảo trá khác xa với thế giới ngày tôi được sinh ra, lớn lên. Tôi biết, ba ở một nơi nào đó chắc chắn đã rất buồn.

​Từ trại giam trở về, bỏ nghề buôn bán, bỏ qua ý tưởng kiếm tiền nhanh chóng, tôi quay lại nghề dạy điện tử của mình. Vẫn là nghề phù hợp vói mình nhất, dù sẽ không có nhiều tiền. Vẫn là vợ tôi bên cạnh trong những thời khắc khó khăn với những an ủi và chia sẻ. Nàng luôn ủng hộ tôi trong những quyết định quan trọng nhất và chúng tôi có đứa con thứ nhì. Con gái. Tôi thầm nghĩ, ba đã cầm tay, dẫn dắt tôi bắt đầu làm lại cuộc đời.

Thời gian này vợ tôi đang làm kế toán ở hợp tác xã dệt Thiện Chí tại ngã tư  Bảy Hiền. Một khu phố có nhiều khung cưởi dệt nhỏ của người Quảng Nam. Lương của hai vợ chồng gộp không nhiều nhỏi gì, nhưng xoay sở cũng tạm đủ cho gia đình mười mấy miệng ăn.

​Đầu năm 1991, gia đình được gọi đi phỏng vấn ở Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài gòn. Cuộc phỏng  vấn đang diễn ra một cách như bình thường đột nhiên bị dừng lại khi có phái đoàn người Mỹ cấp cao từ Thái Lan ghé thăm. Vị trưởng đoàn có vẻ ngạc nhiên khi đọc hồ sơ của gia đình, chuyện liên quan đến ba tôi, người Sĩ quan Cảnh sát chết trong trại cải tạo sau 2 năm 6 tháng học tập. Ông ta có vẻ ngạc nhiên về tờ “giấy trả quyền công dân của ba tôi”. Có lẽ là lần đầu tiên ông thấy được một loại giấy tờ như vậy. Giấy trả quyền công dân cho một người đã chết.

​Mẹ tôi vừa khóc vừa kể chuyện của ba. Câu chuyện về một chuyến đi thăm nuôi gian khổ của vợ con và cái chết tức tưởi của một sĩ quan tù cải tạo đã làm người lãnh đạo đoàn thanh tra cảm động. Ông nói vài câu an ủi mẹ. Trao đổi với người nhân viên phụ trách một lúc, sau đó cuộc phỏng vấn được kết thúc mau chóng. Chỉ một thời gian ngắn mẹ và các em tôi được giấy chấp thuận đi Mỹ theo diện HO thay vì theo diện đoàn tụ gia đình dù rằng ba tôi ở tù chưa đến 3 năm. Tôi biết có sự can thiệp đặc biệt của phái đoàn Mỹ từ Thailand và tôi thầm tin có sự phù hộ của ba, của ơn trên. Vì hồ sơ xuất cảnh  được tách riêng nên vợ chồng tôi còn phải sống với chế độ Cộng Sản thêm 8 năm nửa.

​Năm 1991, sau 16 năm sống những tháng ngày đen tối, mẹ đã cùng 6 em tôi qua Mỹ định cư. Cùng với 2 em qua trước, mẹ và 8 em đoàn tụ cùng nhau tại đất nước Hoa Kỳ xa xôi nhưng tự do và ấm áp tình người.

Niềm vui vẫn chưa thật hoàn toàn vì đứa con trai đầu vẫn còn kẹt lại quê nhà, nhưng chắc chắn nơi thiên đường ba đã nở một nụ cười mãn nguyện, phải không ba?

 

Lê Xuân Mỹ

Ý kiến bạn đọc
07/09/201901:32:13
Khách
Anh đừng giận em nha! Là... chia sẻ.
Trân trọng.
06/09/201920:21:13
Khách
Cám ơn bạn đã đọc và chia sẽ
06/09/201920:01:33
Khách
Đọc thích quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,177
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.