Hôm nay,  

Biên Giới Mong Manh

05/08/201900:00:00(Xem: 16144)

Biên Giới Mong Manh    

Tác giả: Nguyễn Văn Tới

Bài số: 5755-20-31562-vb2080519

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển. Định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại Philippinnes, giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Sau đây, thêm bài viết mới nhất.

***

Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết, giữa sự tự do và tù tội, giữa thời gian và không gian, và còn rất nhiều những biên giới khác nhau hữu hình và vô hình. Có những biên giới mà tôi đã đi qua rất dễ dàng khi du lịch hay đi công tác qua các lục địa khác nhau. Lại có những biên giới khi vượt qua đã để lại trong tôi những khắc khoải, thổn thức sâu đậm, không dễ gì quên và nó cứ sống lại mỗi khi tôi nghe, thấy, hoặc đọc được trên tin tức hay truyền hình hằng ngày.

Thập niên 80 ở Việt Nam, biên giới của Sống hay Chết và của Tự Do hay Tù Tội là những chuyến vượt biên đường biển âm thầm mà dữ dội với những tin vui lẫn tin chết chóc bay về các gia đình còn ở trong nước. Cũng cái biên giới mong manh đó, ngày nay đang lập lại ở phía Nam nước Mỹ, đang nóng lên từng ngày nơi bức tường ngăn cách mà những di dân Nam Mỹ đang kiếm đường vượt qua để đi về phía Bắc mà họ gọi là El Norte hay Đường về phương Bắc (The North). 

Mới đây, vào cuối tháng 6 năm 2019 một thảm kịch đau lòng xảy ra tại tại con sông Rio Grande (nghĩa là  Sông Lớn) đã làm bàng hoàng người dân hai bên bờ đất nước. Con sông ranh giới giữa 2 nước Mễ và Mỹ, gần thị trấn Brownsville, tiểu bang Texas. Hình ảnh xác hai cha con nằm úp mặt xuống nước, bé gái được kẹp bên trong lưng áo thun bố, cánh tay của đứa bé chưa đầy 2 tuổi này vẫn quàng qua cổ cha như cố bám vào sự che chở cuối cùng. Bức hình đã làm rung động sâu sắc và chạm đến từng con tim của nhân loại khiến người ta phải đặt lại vấn đề lương tâm và lòng nhân đạo của con người(1).

Con sông này bắt nguồn từ tiểu bang Colorado, từ trên dãy núi Rocky Mountains, chảy ngang qua tiểu bang New Mexico, xuôi Nam xuống đến tiểu bang Texas, rồi đổ ra vùng biển Gulf of Mexico. Tổng cộng chiều dài khoảng 1900 miles. Được coi là ranh giới tự nhiên giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ, giòng sông này nước chảy xiết, lòng sông rộng, những khúc hẹp nhất (khoảng 100-150 ft.) được những “coyote”, người đưa lậu dân vượt biên, dùng thuyền nhỏ đưa người qua sông, hoặc những người trẻ, khỏe mạnh, thường tự mình bơi qua để vào nước Mỹ. Ca nô của lực lượng biên phòng Mỹ thường xuyên đi tuần nhưng cũng không thể kiểm soát được hết mọi nơi.

Hơn ai hết, vì từng là người tỵ nạn, tôi xúc động đến bàng hoàng. Tôi nhìn thấy trong bức hình đó cái biên giới mong manh giữa cái sống và cái chết của con người. Không biết người cha trẻ từ El Salvador này nghĩ gì khi chỉ còn vài sải tay nữa, anh và con gái sẽ chạm được bến bờ tự do ở bên kia sông, trước khi đuối sức bị giòng nước cuốn đi. Con sông là một biên giới giữa tương lai đầy hứa hẹn và quá khứ nghèo khổ, bạo lực mà cha con anh bỏ lại sau lưng.

Tôi như nghe và thấy hình ảnh người cha trẻ đang ngụp lặn, tuyệt vọng chiến đấu với giòng nước chảy xiết, dùng hết sức bình sinh, nhét con mình vào bên trong lưng áo dặn dò phải bám chặt cổ cha, đừng buông tay nghe con. Con chào đời trong nhọc nhằn nước mắt yêu thương của cha mẹ, cha sẽ đưa con đến bến bờ bình yên. Dù giòng đời, giòng nước nổi trôi, dù thân phận con người bấp bênh, cha vẫn luôn là chỗ dựa để con nương vào, cùng cha đi đến cuối cuộc đời, con nhé.

 Đoạn cuối của cuộc hành trình, hai cha con người di dân mãi mãi vẫn không đến được bến bờ bên kia, người ta tìm thấy thi thể của họ dật dờ ở bên này biên giới, cạnh đám lau sậy thưa thớt ven bờ sông. Theo lời kể của người vợ, anh đã đưa con gái an toàn qua bên kia bờ, định trở lại để tiếp tục đưa vợ qua; đứa bé gái, vì sợ hãi tưởng bị cha bỏ, chạy trở lại xuống sông rồi bị nước cuốn đi. Anh vội lao theo để cứu con. Thế là cả một giấc mơ chưa trọn đã bị giòng nước cuốn trôi, đem theo cả cái biên giới mong manh gia đình anh tưởng sắp sửa chạm tới.

Vẫn trong tôi chưa phai, ngày chiếc tàu Berge Helene, một tàu chở bột mì của Na-Uy đang trên đường đến Saudi Arabia, sau khi ra tay cứu vớt, họ đã đưa chúng tôi vào hải cảng Singapore. Chính phủ nước này từ chối không cho chúng tôi lên bờ dù con tàu được phép cặp bến. Họ thông báo trại tỵ nạn đã đóng cửa, rồi gởi đến một toán cảnh sát biên phòng với súng lăm lăm trên tay, mắt lúc nào cũng nhìn về chiếc tàu để chắc chắn rằng không ai trong chúng tôi có thể tìm cách đặt chân lên đất nước họ. 

Khi ánh nắng chiều nhạt dần, không khí mát dịu lại, cả tàu chúng tôi đổ ra boong nhìn xuống cảng Singapore đèn đuốc sáng rực, xe cộ qua lại như mắc cửi, với cặp mắt thèm thuồng cái tự do vô cùng bình thường ấy. Biên giới ngay trước mặt mà hình như rất xa, chỉ vài mươi thước mà chúng tôi không thể nào đặt chân lên được. Những con người của thế giới tự do dưới kia, họ vẫn vô tư, từng đôi nắm tay nhau đi dạo trên bến cảng. Vài em bé vẫn hồn nhiên chạy đùa trong công viên bên kia đường. 

Cả đêm, tôi và những người bạn cùng ghe, ngồi trên boong tầu với điếu thuốc cháy đỏ trên môi, mắt nhìn xuống đường phố mà như không thấy gì, với một tâm trạng ngổn ngang tơi bời. Năm đó (1989) các trại tỵ nạn Đông Nam Á đã và đang đóng cửa mà chúng tôi không biết, vẫn còn bám víu vào lòng nhân đạo của thế giới đối với thuyền nhân tỵ nạn. Số phận 48 người chúng tôi đang nằm trong tay chính phủ Singapore, như tử tù dưới tay ông quan tòa, sống chết do họ quyết định. 

Chỉ khi bị cướp mất sự tự do, quyền được sống, chúng tôi mới biết trân quý tất cả những gì mình vừa đánh mất. Để trốn chạy bạo quyền, chúng tôi liều chết ra đi, vượt bao hải lý, đến được một đất nước dân chủ, hít thở không khí tự do chung với họ mà vẫn không được quyền bước vào. Cái giá của tự do thật không dễ dàng chút nào! Chúng tôi thẫn thờ, bất lực nhìn cái biên giới bi hài của chính chúng tôi, một nhóm người vừa bỏ nước ra đi, sẽ lang thang lưu đày trong sự im lặng nhẫn tâm của loài người. 

Sáng hôm sau, một phái đoàn gồm nhiều người ăn mặc rất đẹp bước lên tàu, họ đại diện cho cao ủy liên hiệp quốc về người tỵ nạn, lên tàu vấn an và đem một số tặng phẩm đến cho chúng tôi, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ. Trong đoàn có 2 người thông dịch viên Việt Nam, một nam và một nữ. Đầy vẻ tự tin, da dẻ hồng hào, không còn gì sót lại của một thuyền nhân tỵ nạn, họ cho biết họ cũng là người vượt biển Việt Nam trong trại tỵ nạn Singapore, đang chờ ngày lên đường định cư ở nước thứ ba.  

Cả hai đều ăn mặc rất đẹp, hợp thời, và thơm phức “mùi”văn minh, mùi của sự tự do so với những khuôn mặt ngơ ngác, khắc khổ, và những bồ quần áo nhăn nhúm trên cơ thể hôi hám của chúng tôi. Họ đứng đó cười nói với chúng tôi mà sao nghe xa lạ quá. Họ như đến từ một thế giới khác. Cùng tiếng nói, cùng dân tộc mà như bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình, mong manh nhưng không chạm tới được, một biên giới mà mới đây không lâu, họ vừa vượt qua một mốc thời gian “trước khi đóng cửa”, và chúng tôi “sau khi đóng cửa”. Họ đã lột xác khi bước qua ngưỡng cửa của thế giới tự do, trong khi chúng tôi vẫn còn lay hoay trong biên giới của lưu đày, và lạc hậu. 

Khi biết không thể nào thuyết phục được chính phủ Singapore, thuyền trưởng tàu Na-Uy liên lạc với chính phủ của ông ta, xin đất nước Bắc  u này hãy đón nhận chúng tôi. Đồng thời ông cũng xin Singapore cho chúng tôi tạm dung, công ty của ông sẽ trả tiền cho thời gian chúng tôi ở trại tỵ nạn, sau đó sẽ đón chúng tôi đến đất nước Na-Uy.

Tàu phải chờ thêm 1 ngày nữa để đợi quyết định chính thức của hai quốc gia về số phận của chúng tôi. Cuối cùng, giờ “phán xét” lên thiên đàng hay xuống địa ngục cũng đến, chính phủ của cả hai nước không muốn nhận thêm người tỵ nạn. Lòng nhân đạo của con người đã cạn và trái tim của họ đã đóng cửa. Chúng tôi phải rời Singapore ngay chiều nay, tiếp tục trở ra biển khơi.

Để lại sau lưng ánh đèn rực rỡ của hải cảng Singapore mà lòng nặng trĩu âu lo, chúng tôi nhìn ra mênh mông phía biển, trời tối đen, mịt mù như tương lai của chúng tôi ở phía trước. Tàu chạy một hồi lâu, ông thuyền trưởng xuất hiện với một nụ cười tươi tắn rất khác với khuôn mặt lo âu hai hôm nay, ông thông báo “có tin vui trong giờ tuyệt vọng”, trại tỵ nạn Philippines còn mở cửa. 

Tin vui như những giọt nước Cam Lồ tưới lên những đôi môi rạn nứt, khô cằn. Ông đã mang lại cho chúng tôi một sự hồi sinh và cả một trời hy vọng mà chúng tôi tưởng không còn nữa. Ông cho biết vừa liên lạc và mướn được một chiếc tàu hàng Pháp để chở chúng tôi đến thẳng Philippines, còn tàu của ông phải tiếp tục cuộc hành trình để không bị trễ hẹn thêm với khách hàng. 

Nửa đêm hôm đó, hai tàu cặp vào nhau ở một điểm “Rendez-vous” giữa biển khơi. Trời đổ mưa và sóng khá to, nên chúng tôi được chuyển qua tàu bên kia thật là vất vả. Nhiều người lại ói mửa đến mật xanh vì tàu Pháp là một tàu chở hàng rất nhỏ so với chiếc tàu chở bột mì khổng lồ của Na-Uy. Chúng tôi nằm la liệt trong khoang chứa hàng, và hơn 1 ngày sau, tàu cặp bến Puerto Princesa, Philippines. 

Chúng tôi vui mừng chưa được bao lâu thì 10 ngày sau đó chính phủ Philippines cũng tuyên bố chính thức đóng cửa trại tỵ nạn PFAC. Lần này cái lằn ranh thời gian, lại một lần nữa lại giăng lên ngăn chia những đồng bào của tôi, những người đến trại sau ngày đóng cửa. Họ bị cách ly trong một hàng rào kẽm gai để chờ làm giấy tờ phân loại PA (Philippines Asylum) và PS (Philippines Screening). 

Những người tỵ nạn khốn khổ, trong đó có những người anh, người chị, người em, cha mẹ, vợ chồng, và con cái, khi nhận ra gia đình mình đang ở ngoài hàng rào cách ly, chỉ biết hoang mang, ngơ ngác nhìn nhau với những cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Có những người yêu nhau trước ở Việt Nam, mà người đi trước, kẻ đi sau, cũng chỉ ngậm ngùi tìm tay nhau qua hàng rào kẽm gai. Cái biên giới không gian rất gần, bàn tay nắm được bàn tay, nhìn thấy nhau mà cái biên giới thời gian sao mà cách xa nhau diệu vợi. Giữa hai người bây giờ là một lằn ranh vô hình của việc thanh lọc những người không may mang số PS. 

Chúng tôi thực sự biết ơn và suốt đời ghi tạc tấm lòng của vị thuyền trưởng người Na-Uy đã vì những người tỵ nạn chúng tôi, những người xa lạ, không cùng chủng tộc, ngôn ngữ; ông đã đưa cánh tay ra cứu vớt chúng tôi, trong khi những người cùng tiếng nói, màu da, mang tiếng là đồng bào đã ra tay tận diệt người dân của họ, đẩy chúng tôi đi tìm cái chết ngoài biển khơi. 

Sau này, nhờ internet, rồi qua tòa đại sứ Na-Uy ở Washington DC, tôi liên lạc được với ông. Lần đầu gọi phone cho ông, giọng xúc động, tôi chỉ nói được hai chữ cám ơn ông mãi mãi và mãi mãi. Tôi có hỏi hai ngày đậu ở cảng Singapore, chắc ông và công ty thiệt hại số tiền đến khoảng trên dưới $200,000.00 phải không? Ông chỉ nhỏ nhẹ khuyên tôi đừng bận tâm hay lo lắng, vì mọi chuyện đã là dĩ vãng, hãy tập trung cho tương lai. 

Vâng, chúng tôi đã và vẫn đang tập trung cho tương lai của chúng tôi và các thế hệ con cháu chúng tôi bằng cách làm việc chăm chỉ, hòa nhập vào đời sống ở đất nước tươi đẹp này. Chúng tôi phá vỡ được những biên giới ngăn cách về khác biệt văn hóa và thành kiến chủng tộc để có được một cuộc sống tốt hơn nơi quê hương thứ hai này.

Chúng tôi tin vào nước Mỹ vì chúng tôi có những ước mơ cháy bỏng và vì chúng tôi có cơ hội để biến những ước mơ đó thành sự thật. Vì thế chúng tôi có cái nhìn bao dung, luôn trân trọng ước mơ của tất cả những người di dân khác, những người bị chà đạp bởi độc tài, bạo lực, không có cơ hội sống một đời đúng nghĩa. Nhà thơ nổi tiếng Khalil Gibran, người Lebanese, đã viết: Cuộc sống không có tự do là một thể xác không có tâm hồn. Life without Liberty is like a body without a Spirit.

Nước Mỹ trở nên vĩ đại và tuyệt vời là do sự kết hợp của nhiều sắc tộc di dân khác nhau làm nên một quốc gia cường thịnh ngày nay. Đừng quá tự hào cho rằng mình xứng đáng hơn những dân tộc khác vì mình phải vượt biển trên những con thuyền mong manh, đối diện với sóng to gió lớn, nhiều rủi ro hơn. Bất cứ di dân nào cũng là những con người khát vọng tự do, họ tìm kiếm một cơ hội đổi đời trên một vùng đất mới, một xứ sở an bình với ước mong sẽ không còn bạo lực và nghèo đói triền miên đe dọa lên gia đình họ. Họ đang cố vượt qua những cái biên giới mong manh đó, những biên giới tưởng gần mà hóa ra rất xa.

Tháng 7, 2019 viết từ Philippines.

Nguyễn Văn Tới

Ý kiến bạn đọc
10/08/201917:22:29
Khách
Bài viết hay quá!!
Xin cảm on tác giả.
06/08/201919:00:27
Khách
Đa tạ chú P.H. Chương cho lời khích lệ thật ấm áp. Anh Từ Huy ơi, chắc anh nói đúng, đến 1 tuổi nào đó...thì phải xảy ra.
06/08/201917:51:13
Khách
Biên giới mong manh !

Gần cuối tháng Ba năm 75, báo chí ở Sài gòn đăng hình rất nhiều trẻ em nằm chết chất thành từng đống trên bãi biển Đà Nẵng. Các em này tử nạn trên đường trốn chạy giặc Cộng , rồi xác tấp trôi vào bờ. Ấy vậy mà chẳng thấy bất cứ quốc gia nào trong số những nước từng ký vào Hiệp Định Ba Lê 1973 - như Hoa kỳ, Nam Dương, Hung gia Lợi , Ba Lan, Pháp, Anh, Ái nhĩ Lan, Gia nã Đại, Nga, Tàu cộng - lên tiếng?!

Khi đề cập đến " Pháp nạn 1963" ,Đức đệ ngũ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thích Quảng Độ thuật lại rằng ” trong Pháp Nạn 1963, hằng trăm Tăng Ni và Phật Tử đã hy sinh thân mạng, vị Pháp thiêu thân, để bảo vệ Đạo Pháp và Dân Tộc “. Bộ trưởng Robert McNamara thuật lại phản ứng của Kennedy khi nghe tin thượng tọa Thích quảng Đức tự thiêu “... mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế ".

Tuy nhiên, theo trang mạng wikipedia và phóng viên Hoa kỳ Josh Sanburn viết trong tạp chí Time đầu năm 2011 thì dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm ,chỉ có 6 sư và ni cô tự thiêu - sau khi Thích quảng Đức tự thiêu chỉ có thêm 4 sư và một ni cô nối gót mà thôi " Afterward, four more monks and a nun set themselves ablaze protesting Diem before his regime finally fell in 1963".

Hiện nay , đã có 144 người Tây Tạng - đa số là sư sãi - tự thiêu chống độc tài Tàu cộng. Và Tàu cộng cũng đã phá hủy hơn 6500 tu viện và Học viện Phật Giáo lớn nhất Larung Gar của Tây Tạng, giết chết, bỏ tù hàng ngàn nhà sư và ni cô Tây Tạng , v...v...Ấy vậy mà các nước trên thế giới- kể cả Mỹ và đảng Cộng sản Việt nam- vẫn điềm nhiên giao thương vui vẻ với Tàu cộng. Còn thượng tọa Thích trí Quang, Phật giáo phe Ấn Quang, Phật giáo Việt hải ngoại thì im miệng như thóc ! Chẳng thấy tự thiêu, biểu tình xuống đường, họp hành tố cáo chi sất !

Trump thì ca ngợi chủ tịch đảng Cộng sản Tàu Tập cận Bình là " một nhà lãnh đạo rất tài ba, là một người rất tốt, là một người ái quốc muốn làm những gì tốt cho Trung quốc " - trong cuộc họp báo với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13 tháng 7, 17 !
06/08/201901:48:04
Khách
Bài viết kỳ này của anh Tói rất cảm động và tha thiết, nói dùm cho tâm trạng lo lắng của vô sô người liều mình vuợt biển năm xưa, tâm trạng tuyệt vọng của người bỏ xứ ra đi chỉ mơ ước đuợc bàn tay ân nhân giúp đỡ nhận cho lên đất liền . Cảm ơn anh.
06/08/201900:34:10
Khách
“Giờ này còn gần nhau
Gần thắm thiết trong nỗi sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau...

Ngày mai ta không còn thấy nhau...!”
(...)

Anh Nguyễn Văn Tới ơi, bài viết của anh làm sống lại trong tui hình ảnh 38 năm về trước khi tui đặt chân lên trại tỵ nạn Mã Lai...

Có mấy chị chừng 17, 18 tuổi ở chuyến tàu kế bị hải tặc xâm phạm, không thể tự mình đi được nữa, phải nhờ hai người kè hai bên dìu lên bờ...
Lại có chuyến tàu sau đó một đôi tuần, rời Việt Nam cả trăm người hơn nhưng sau những lần bị hải tặc cướp bóc, giết chóc chỉ còn duy nhất một người sống sót đặt chân đến bến bờ tự do.

Anh làm tui ngạc nhiên, thắc mắc lẫn lộn. Mấy bài gần đây của anh luôn gây cho tui thật nhiều cảm xúc. Có phải đến một cái tuổi nào đó tâm tình của một con người cô đọng lại thành một điểm son và chỉ cần búng nhẹ tay là có thể điểm ngay... tâm huyệt của người khác🤔⁉️
Tự nhiên anh làm tui mong được đọc bài viết mới của anh!
Thân ái.
05/08/201922:23:28
Khách
Tới đang sử dụng những nén bạc mà Ông chủ đã giao một cách hiệu quả. Cầu chúc nhiều sức khỏe và luôn sung sức để tiếp tục viết...
05/08/201920:59:23
Khách
Thành thật cám ơn anh LN Đức, 1 cựu tác giả VVNM. Tôi có đọc 1 vài bài của anh trước đây khi tôi chưa bắt đầu viết. Anh khích lệ tinh thần nhiều tác giả lắm. Cái bọn đánh dân mình, anh cũng thừa biết chúng đến từ "trại súc vật" Animal Farm của George Orwell.
Chị Mai Hồng, tên tôi là Tới nhưng trong đời hay bị "Lui" nhiều lắm chị à. Cám ơn chị đã cùng thổn thức với nhiều người kể cả bản thân tôi. Đã có dịp đi công tác Singapore, nhưng tôi từ chối vì không thích đất nước này, dù rằng cũng chẳng ghét họ. Đơn giản là không thích, thế thôi. Họ có gởi nhiều Pilot qua Mỹ học, tôi có dịp gặp gỡ nhưng không bao giờ trò chuyện, ngoài businesses.
Anh TriL, xin check email. Tôi mất cả tháng mới liên lạc được với thuyền trưởng. Xúc động lắm anh. Tôi có gởi tặng ông và ông chief engineer, mỗi người 1 món quà, hứa có dịp sẽ bay qua Norway, nhưng bận chưa đi được. Chớ lâu, sợ 2 vị này còn sống khỏe hay không. Will see them soon.
Cũng cám ơn anh NV Tố bên phương trời Âu, Thụy Sỹ và anh TanXdoai đã ghé nhà thăm đọc.TanX- Doai tạm đọc là Do I. Yes I Do.
05/08/201920:48:49
Khách
Cai hinh anh hai cha con cua ban thay no khong dau thuong nhu canh tau ty nan bi hai tac thai can chim xac noi lenh khenh tren bien, luc do neu co mot nha van chac ho mo ta dia nguc la day, tat ca vo vong chi con lai nhu nhung tieng noi vang vong trong coi vo hinh, toi la nguyen long nha o ------ neu ai con song xin bao ve nha toi biet de lam dam gio cung la bau troi the luong am dam ma khong thay mot nha bao nao bay ra chup anh, tai vi quoc te muon cham dut ty nan dong duong. roi cung mot ba sour Loretta doc toi cai ten la ba biet nguoi o dau roi, voi ly thuyet cua Sour da dung o van phong hoi huong nguoi ty nan, Sour phu trach van de minor cua trai, da len an nhung ba me bat nhan vo nhan dao de con vuot bien, (no giong nhu DACA sau nay) the la Sour thay vi tro ve My hay canada kiem nguoi bao lanh, SOur lay di lam chuyen trai voi long nguoi di ve Viet Nam cheo ghe vo trong nhung vung hoc bo to cua vn bat ho ky nhan con ve, nay tai sao Sour do van con song o Canada Tai sao SOur khong ra lam chuyen nay nua di, biet dau nuoc My cam on Sour lam
05/08/201920:14:00
Khách
Bài viết đầy cảm xúc chân thật! Cám ơn tác giả
05/08/201918:41:25
Khách
Bài hay nhất của Nguyễn văn Tới , tràn đày cảm xúc , một chút mỉa mai , không khôi hài như những bài trước .
Tanxdoai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Nhạc sĩ Cung Tiến