Hôm nay,  

Tiễn Biệt Một Ân Nhân

22/07/201900:00:00(Xem: 13491)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh
Bài số: 5743-20-31550-vb2072219

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.

Kính dâng hương hồn Bác Nguyễn Hữu Thanh

Thieu Ta Nguyen Huu Thanh

***

Năm 1992 khi ba tôi làm hồ sơ đi định cư theo diện H. O thì gia đình tôi không biết một người quen nào tại Mỹ để điền vào mục thân nhân bảo trợ. Tiếng lóng thời đó gọi là diện “đầu trọc”. Thật ra nếu có cũng chẳng liên lạc được mà xin địa chỉ, và chưa chắc người ta sẵn lòng giúp; có nghĩa là sẽ chẳng có ai để nhờ vả trong những ngày đầu chân ướt chân ráo tha phương, tất cả phải nhờ các hội đoàn từ thiện giúp đở.

Trong trường hợp này khi phỏng vấn nếu gặp may mắn, tuỳ theo nguyện vọng của mình nhân viên phái đoàn sẽ điền tên đưa mình đến vùng đất mới theo ý; cũng có khi họ tự đưa mình đến tiểu bang ít người để... cân bằng dân số. Đa số người Việt Nam mình xin đi Cali, Texas, Florida... những cái tên rất quen thuộc và có đông đảo người Việt Nam sinh sống.

Bạn tôi khi biết gia đình tôi nộp được đơn đi định cư bèn liên lạc với gia đình đang sống ở Mỹ để nhờ bảo trợ, dù sao cũng là hàng xóm; hai gia đình cùng hoàn cảnh cũng biết nhau khá rõ. Khi bạn đưa cái địa chỉ... tôi thật muốn té ngửa.

Ôi Trời, thành  phố Atlanta tiểu bang Georgia! Cái địa chỉ lạ hoắc, tên tiểu bang cũng chưa từng nghe, đến cách phát âm sao cho đúng cũng không biết. Tuy nhiên như người sắp chết đuối vớ phải cây củi, dù muốn dù không cũng phải nắm lấy cơ hội.

Thế là sau khi liên lạc tới lui vài lần. Bác trai, ba của bạn đã nhờ một người cháu họ, đi làm có income đứng tên chung để bảo trợ cho sáu người nhà tôi có địa chỉ để định cư, đồng thời các con của bác cũng cho chúng tôi mướn một căn chung cư ở downtown Atlanta để ở tạm. Sau đó  bác cũng đã liên lạc với các hội bảo trợ từ thiện để chúng tôi được hưởng 6 tháng tiền nhà đầu tiên.

Buổi chiều một ngày tháng Bảy năm 1994; gia đình tôi đặt chân đến vùng đất tự do Hoa kỳ. Bác và một số bạn bè đi đón, tám giờ mà trời còn hanh nắng. Chúng tôi về đến nhà thì tất cả đã có sẵn: chén bát, một nồi cơm mới nấu, hai chai nước mắm, bao gạo made in Thái Lan, thịt xúc xích trong tủ lạnh, một hộp trứng ... và vài thứ rau củ. Nhà có 3 phòng với 3 tấm nệm cũ nhưng sạch sẽ; với chúng tôi thế đã là thiên đường!

Tiếp theo là những ngày tập hoà nhập với cuộc sống phương tây. Chính các con của bác đã hướng dẫn các em tôi cách ghi danh đến trường và bày vẽ nhiều kinh nghiệm về giấy tờ, đơn từ. Khi chúng tôi chưa biết lái xe, cứ mỗi cuối tuần là bác trai đem xe đến chở đi chợ, bác chỉ cho tôi cách lựa rau quả; thuở đó chưa có nhiều chợ bán thức ăn Á đông nên đi chợ Mỹ là chính. Bác dặn dò những luật lệ cơ bản của đời sống xứ người, luôn dặn dò chị em tôi phải biết “nhập gia tuỳ tục”.

Nhớ lần bác chở mấy chị em đến một gian hàng, sau khi đưa cho nhân viên ở tiệm giấy tờ chứng nhận là “Những người mới nhập cư diện Bảo trợ Nhân Đạo”. Bác dặn mỗi đứa được tự ý chọn các món đồ trong tiệm, từ áo quần giày dép, đồ chơi, vật dụng bếp núc ... miễn sao cho đầy một cái túi nylon mà nhân viên cửa tiệm đã phát cho. Bác dặn tới dặn lui là món gì cần, vừa ý thì lấy; đừng lấy quá trớn, tuy người ta cho nhưng không nên tuỳ tiện tham lam.

Sau này chúng tôi mới biết đó là cửa hàng Donation Good Will. Vậy mà số áo quần cũ, đồ đạc đó cũng đem lại cho chúng tôi niềm hạnh phúc thời mới qua còn đi học, chưa có thu nhập gì. Và những lời dặn dò của bác là bài học về tánh tự trọng và cách biết chia sẻ mà chúng tôi luôn ghi nhớ.

Bác là người xuất thân từ quân đội, sau tháng Ba 1975 bác cũng như bao nhiêu quân nhân quân lực VNCH khác, phải đi tù. Tù nam, tù bắc, lạnh lẽo đói khổ hơn mười năm. Ở nhà, bác gái lam lũ lo cho đàn con, năm đứa đi vượt biển trót lọt, chỉ có bạn tôi là con gái đầu và một cậu em trai út còn ở lại quê nhà. Theo bạn tôi kể, mỗi đợt đi thăm nuôi bác trai đều kín đáo nhắc nhở bác gái dặn các con phải lo học hành đàng hoàng.

Lúc gia đình tôi đến Mỹ thì thật sự đàn con năm đứa của bác đã công thành danh toại. Anh trai lớn lập gia đình nhưng vẫn để mắt đến các em đúng như truyền thống một gia đình  Việt Nam ngày trước.

Từ tình cảm bạn bè, gia đình tôi và bác dần dà thân thiết như họ hàng. Bác trai và ba tôi cùng tuổi nên hai ông sinh hoạt trong Hội Quảng Nam khá thân thiết. Tất cả đám cưới bên gia đình tôi hai bác đều đứng đầu danh sách đi họ; và ngược lại. Đến khi em gái lớn của tôi lập gia đình, có thai con đầu lòng thì cũng chính con trai bác giúp đưa đi bác sĩ vì đôi vợ chồng trẻ còn quá lạ nước lạ cái, đâu có biết gì về cách chăm lo cho bà bầu. Cả gia đình bác dường như đã xem chị em chúng tôi như người một nhà.

Với riêng tôi thì có nhiều kỷ niệm với Bác, thời tôi mười mấy tuổi chơi thân với bạn, có lần hai đứa đi coi xi nê, lúc đó tôi tóc tém ngổ ngáo như con trai, bạn tóc dài liễu yếu như tiểu thư. Không biết có chú nào là lính đàn em của bác đã thấy hai đứa trong rạp xi nê; tiếng dữ đồn xa. Bạn tôi về nhà bị bác trai la cho một trận; hỏi cho ra lẽ là: “Xin đi xi nê mà vô rạp ôm eo thằng nào?”.


Bạn tôi oan Thị Kính cãi cách nào ông ba cũng không tin bèn cho người chạy ra nhà kêu tôi vô trình diện “ngài Thiếu Tá”. Tôi hết hồn, vội vàng diện nguyên cái quần jean và áo pull over như hôm đi xem xi nê với bạn, Bác trai nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi lắc đầu, bãi triều!

Hơn mười năm sau khi tôi đến Mỹ thì bạn tôi mới được gia đình bảo lãnh qua đoàn tụ muộn màng ở cái tuổi 50. Bác trai đặc biệt chăm sóc đứa con gái đầu vốn yếu ớt và ít may mắn này. Bác thường xuyên gọi điện thoại xem chừng giờ giấc đi đứng của bạn. Đôi khi tôi và bạn cùng đi tiểu bang khác chơi vài ngày; bác không gặp mặt thì thắc mắc vô cùng. Đến khi mấy người em thông báo: “Chị Tư đi chơi với chị AT”. Thế là bác mới yên tâm không hỏi gì thêm.

Sau này, bác gái lâm bịnh, đi đứng khó khăn bác trai là người 24/24 chăm nom vợ, có thể nói chưa có người đàn ông nào tỉ mỉ lo cho vợ như bác. Mỗi dịp lễ Tết hay đi các sinh hoạt cộng đồng, hội đồng hương... bác trai luôn là người đẩy xe lăn đưa bác gái đi, hình ảnh này đã trở thành quen thuộc đối với cộng đồng người Việt ở Atlanta.

Có khi cuối tuần bác trai lái xe xuống nhà tôi, để bác gái ngoài xe vào mời cho được ba má tôi đi ăn phở. Ba má tôi dù không muốn đi nhưng cũng nể nang, sợ bác gái chờ ngoài xe lâu nên vội vàng “tuân lệnh”.

Các con của bác luôn cảm thấy may mắn vì có ông ba lo cho má chu đáo từ miếng ăn; giấc ngủ, thuốc men. Theo tôi thì tất cả những gì bác làm ngoài tình yêu thương còn hàm ý biết ơn người phụ nữ của đời mình đã chăm lo cho đàn con không những thành danh mà còn thành nhân; có bác sĩ, có nha sĩ, có tiến sĩ,cử nhân...

Sức khỏe của bác gái ngày càng ổn định, chỉ có căn bệnh lãng của tuổi già là khó lòng hồi phục.

Cho đến một ngày, bác trai đi lạc đường; gia đình phải nhờ cảnh sát đi kiếm. Sau việc này, các con đã bàn bạc với nhau sẽ không cho bác trai lái xe mà anh em sẽ chia nhau chở hai bác đi khi cần thiết. Thế là ngày ngày ông bà quanh quẩn trong nhà, cơm nước có con gái, con dâu lo, bịnh hoạn thuốc men có nhân viên y tế của homecare chăm sóc.

Tháng ngày trôi qua, thỉnh thoảng tôi hỏi thăm bạn thì được biết hai bác tuy đã lãng nhưng ăn uống rất tốt, thuốc men chu đáo thì những chứng bịnh thường có của tuổi già cũng không gì đáng ngại. Những ngày tuổi già hai bác đều lẩm cẩm, mất trí nhớ. Cả hai vẫn không rời nhau một bước, vẫn sống với vợ chồng cậu con trai út. Vợ chồng em đều trong ngành Y nên các anh chị em rất yên tâm.

Thỉnh thoảng đến dịp giỗ Tết thì cả nhà lại tập trung đến nhà cậu út, tính ra con cháu nhà hai bác cũng rất đông, thế hệ cháu của bác đến nay cũng có vài cháu học xong đại học ra trường, đi làm. Nói chung, ở tiểu bang GA này gia đình hai bác có thể nói là một gia đình thành công hoàn toàn, bảy người con của hai bác đều có gia đình và sinh sống đoàn kết, có tiếng tăm trong nhiều lãnh vực ở Atlanta.

Bác gái từ ngày đến Mỹ thì bịnh tật liên miên nhưng bác vẫn là một niềm hãnh diện, một hình ảnh ngưỡng mộ trong lòng các con trai con gái của mình. Nhờ có sự chăm sóc của bác trai nên bà vẫn an vui trong thế giới quên quên nhớ nhớ. Ai cũng nghĩ ngày bác gái yên ngủ thì bác trai sẽ được thảnh thơi hơn.

Chẳng ai ngờ, sáng nay bạn gọi tôi: “T ơi, Ba ta mất rồi, ông chỉ đau bụng sơ sơ vào cuối tuần, con cháu về thăm thì sáng nay ông ngủ, rồi ngủ luôn”. Tôi khá bàng hoàng, cảm giác như nghe tin ba mình mất, dù cách ra đi của bác quá êm ái. Tôi nói vài câu an ủi bạn mà nghe lòng mình nhói đau.

Với tôi và cả gia đình mình bác là một ân nhân, đã lui tới giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu lập nghiệp. Bác nghiêm túc và có tác phong của một quân nhân, một cấp chỉ huy. Bác ít khi nói đùa với con cháu. Bạn tôi thường nói: “Chỉ có mi là ưa giỡn mặt với ông Ba tau.”

Một cuộc đời trai trẻ bác đã hiến dâng cho đất nước, bao nhiêu năm tù tội đến lúc hưởng nhàn thì bù đắp cho bạn đời bằng cách chăm sóc bà những ngày xế bóng. Nhiệm vụ và tình yêu thương của bác đã hoàn thành trọn vẹn. Bác đã thanh thản về với ông bà, thương bác gái tuy ngơ ngác nhưng dường như cảm giác được sự ra đi của người bạn đời nên đôi mắt cứ buồn rưng rưng. Thêm một chim sáo lẻ đôi.

Thưa Bác Nguyễn Hữu Thanh,

Con thành tâm cầu nguyện cho Bác sớm siêu thoát, chân thành biết ơn những chuyện lớn chuyện nhỏ bác đã ân cần giúp đỡ gia đình con như người thân trong gia đình từ hơn hai mươi lăm năm nay.

Nhớ cách đây không lâu khi cộng đồng người Việt ở Atlanta tổ chức đi lên DC tham dự các cuộc biểu tình, ba con còn lăng xăng quần short áo thun đeo máy ảnh chạy tới chạy lui chụp hình. Bác thì luôn cận kề chiếc xe lăn có cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ. Bác luôn tươi vui đẩy bác gái đi khắp nơi, hình ảnh khiến bao người ngưỡng mộ. Nay còn đâu? Ba con nay đã lụm cụm ngơ ngẩn không thích đi đâu ra khỏi nhà, bác đi trước một bước rồi, chỉ còn bác gái lẻ loi.

Tháng bảy năm xưa bác đón gia đình con đến Atlanta. Tháng Bảy năm nay con kính thắp nén nhang tiễn biệt bác: Một người chồng, một người cha mẫu mực, một đồng hương sốt sắng đầy từ tâm và đã từng là một cấp chỉ huy đáng kính của Quân lực VNCH.

Kính mong Bác an nghỉ, bác ơi!

Atlanta GA, tháng Bảy 2019
Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
21/01/202023:12:53
Khách
Cám ơn Tác Giả về bài viết thật hay. Xin thành kính nghiêng minh chào vị sĩ quan đáng kính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. ông thật la một người chồng, một người cha mẫu mực, một đồng hương sốt sắng đầy từ tâm.
Nguyện cầu hương linh Người sớm duoc siêu thoát.
26/07/201918:23:35
Khách
Kính chia buồn
Bài viết thể hiện đức tính nhân nghĩa lễ trí tín của người viết lẫn nhân vật. Đọc thật cảm động
23/07/201906:42:19
Khách
Bài viết cảm động quá!
22/07/201918:19:02
Khách
Cám ơn Tác Giả Nguyễn Diệu Anh Trinh đã chia sẻ một bài viết thật quý giá, kể về vị Sĩ Quan cấp chỉ huy đáng kính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã ra đi, hẳn ông đã đem theo niềm mơ ước quang phục Quê Hương Việt Nam về miền miên viễn xa xăm.
Xin gởi lời Thành Kính Phân Ưu đến toàn tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh người Sĩ Quan VNCH sớm siêu thoát về nơi miền tịnh độ.
Ptkd
22/07/201917:32:49
Khách
Xin kính cẩn đứng nghiêm chào.
Người lính Nguyễn Viết Tân
22/07/201911:21:13
Khách
Nhìn hình người sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ra đi buồn như nhìn quê hương đã mất.
Bao năm qua rồi người Việt chúng ta chỉ có một ước mơ thật nhỏ bé và tầm thường được sống trong tự do “Nhà có 3 phòng với 3 tấm nệm cũ nhưng sạch sẽ; với chúng tôi thế đã là thiên đường“ mà cũng không yên với giống lang sói.
Mỗi ngày mỗi người lại ra đi mang theo niềm u buồn cho quê hương. Gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt nhưng nỗi đau của người tỵ nạn nhìn về quê hương vẫn mãi âm ỉ như ngày ra đi.
Xin thành kính chia buồn cho đất nước và cho người lính VNCH.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,231,200
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến