Hôm nay,  

18 Năm ở Mỹ và Con Bé Tuổi Mùi

04/07/201900:00:00(Xem: 10099)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves
Bài số: 5730-20-31537-vb5070419

Mừng nước Mỹ tuyên bố  Độc Lập từ 1776,  mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho  thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”.  Mong bà tiếp tục.

July Fourth
***

I. Chuyện Con Bé Tuổi Mùi

Hắn sinh năm Mùi.

Khi Mẹ ly dị Ba thì hắn được 5 tuổi. Nhưng thật ra Mẹ đã dọn ra khỏi nhà của Ba cả năm trước lận, thành ra coi như hắn xa Mẹ từ lúc 4 tuổi thì chính xác hơn.

Thời gian đầu, em gái, nhỏ thua hắn 2 tuổi, cũng ở chung với Ba và hắn- vì Ba muốn vậy- nhưng rồi, không phải cái gì Ba muốn cũng được (!) vì Toà quyết định, "Mẹ được nuôi em."

Nhà giờ chỉ còn Mệ, Ba, Cô và hắn. Ba hắn ít nói, chỉ thích đọc sách và uống rượu, hoặc chơi cờ tướng. Mệ đi buôn bán suốt ngày. Cô có cái quán bán hàng tạp hoá nhỏ trước nhà, còn hắn dĩ nhiên là đi học nửa buổi, nữa buổi còn lại ở nhà chơi.

Hàng ngày trước khi đi mua bán, Mệ thường nấu cơm để lại cho hai cha con ăn. Cô tuy ở chung nhà nhưng ăn riêng.

Hắn quanh quẩn chơi trước sân, thỉnh thoảng qua nhà hàng xóm. Có hôm, con chó nhà Mệ T. chạy ra cắn hắn một phát. Hắn khóc thét chạy về nhà; nhưng không dám kể với Ba, hắn chạy vô giường Mệ lấy chai dầu Gió xức cho đỡ đau.

Cuối tuần Mẹ ra thăm, hắn méc lại.

Mẹ hỏi Ba, “Đã chích ngừa dại cho con bé chưa?”

Ba nói, “Chưa!”

Vậy là Mẹ đem hắn đi chích ngừa “dại.” Rồi có bữa vô tình Mẹ nói chuyện với Cô, mới biết là Cô cũng đã dắt hắn đi chích ngừa rồi nhưng Cô quên nói cho Ba hắn!

Rứa là hắn chích ngừa chó dại tới 2 lần luôn! Không biết có phải vì thuốc quá mạnh, hay vì ăn uống không đầy đủ; mà hắn ốm tong ốm teo như cái gậy tre khô.

Mẹ thấy hắn ốm quá thì lo, nên dẫn đi bác sĩ, họ nói hắn thiếu dinh dưỡng nặng, phải chích vitamine B12 bổ máu, uống thêm sữa, ăn thêm chất đạm như Cá; thịt các loại và uống thêm thuốc bổ dành cho trẻ em. Sau ba tháng Hè bồi dưỡng, hắn tăng cân trở lại.

Có bữa Mẹ tới trường đón hắn đi học về, Mẹ kêu “Bé ơi, Mẹ đây nè.” Nhưng hắn không thấy Mẹ, hai mắt hắn nheo nheo như bị chói nắng. Mẹ nói “Con không thấy Mẹ thiệt hả? Rứa ở trong lớp, có thấy chữ cô giáo viết trên bảng không?” Hắn nói “Không, con không thấy rõ; nhưng con không dám nói.”

Mẹ hắn bảo, "Chắc mắt con có vấn đề rồi, để Mẹ đưa đi bác sĩ."

Hôm sau, Mẹ đến gặp cô giáo để hỏi thực hư ra răng. Cô bảo “Chị cũng thấy lạ, vì hắn ngồi bàn đầu, mà mắt khi mô cũng nheo nheo, hay nhíu mày như mấy ông già đang suy tư chi nhiều lắm. Chừ em cho cháu đi kiểm tra mắt là đúng rồi.”

Mẹ dẫn qua bệnh viện khám, rồi ra tiệm ở ngoài phố để làm gương. Vừa bước vô tiệm, trong khi Mẹ hắn lục ví để tìm cái toa thuốc, thì chú bán hàng nói “Anh biết cháu bị gì rồi, loạn thị, đúng chưa?”

Mẹ cười, “Dạ đúng rồi, anh tài thiệt a, chưa coi toa thuốc mà đã biết bệnh rồi.”

Chú cười lại, “Thì ngó cái mặt hắn nhăn nhăn như ông già rứa là biết chơ khó chi mô.”

Đúng là hắn bị loạn thị, gương mắc tiền hơn gương cận hay viễn vì phải làm khó hơn; và cũng đợi lâu hơn. Vậy là từ nay đi đâu hắn cũng có cái gương trên mắt, Mẹ bảo “Uổng quá, cặp mắt đẹp rứa mà chừ đeo gương là hết đẹp rồi.”

Tuy phải đeo gương, nhưng hắn chơi bắn bi rất giỏi, bắn đâu trúng đó; bọn con trai “đứng xa mà ngó nhé!” Hắn cũng thích chơi chuyền banh, hắn chạy nhanh như sóc, hễ có hắn ở đội nào thì đội đó thắng! Hắn còn thích chơi thả diều, nhìn cánh diều bay bổng trên bầu trời cao, hắn mơ mộng vẩn vơ…

Chuyện học hành của hắn thì coi như “được được” thôi. Hắn không hứng thú lắm với bài vở, bởi vì ở lớp thì đông quá, cô không làm sao mà để ý đến từng đứa; còn ở nhà thì cũng chả có ai "kèm cặp" giúp hắn làm bài tập. Mẹ đọc quyển sổ học bạ cuối học kỳ, thấy lo, nên đưa hắn tới nhà cô giáo để gởi gắm và nhờ cô kèm thêm cho hắn. Khổ nỗi, cô thì sẵn lòng dạy thêm buổi chiều ở nhà cho hắn, nhưng không ai chở hắn đi mỗi ngày. Mẹ phải đi làm, ba thì bận đánh cờ tướng!

Nhà gần trường, nên hắn đi bộ đến trường. Buổi sáng thức dậy; hắn tự thay áo quần đi học. Trên đường tới trường, hắn sẽ dừng lại ở O bán bánh mì, mua một ổ mì kẹp với trứng đổ ốp-la. Hắn không phải trả tiền, vì Mẹ đã dặn O rồi, cuối tuần nếu mẹ không gặp O để trả tiền thì qua nhà dì G., bạn thân của mẹ, dì sẽ trả cho.

Có lần, hắn nghịch, hỏi O bán bánh mì, “Cho con lật cái trứng được không?”

O nói “Không!”

Hắn năn nỉ, “Cho con lật coi cho vui, cho con thử một lần thôi. Con năn nỉ O mà.”

O thấy tội nghiệp, xiêu lòng, đưa đôi đũa dài cho hắn. Hắn loay hoay tìm cách lật ngược cái trứng lại, (Hắn thấy O làm dễ ợt hà!) thì lớ quớ, đôi đũa trượt khỏi tay, cái trứng cũng…“chạy” xuống đất nằm luôn!

O hốt hoảng, “Thôi, chết rồi, mi can chi không?” Thấy hắn đứng im ngơ ngác, thì O mới nhìn lại cái chảo không, lo lắng “Trứng rớt xuống đất rồi, chừ mi ăn bánh mì không hay răng đây?”

Hắn lắc đầu nguầy nguậy, “Con thích ăn bánh mì với trứng ốp-la thôi.”

O vừa làm lại cái trứng khác vừa ca cẩm; “Tau khổ theo mi ghê, không biết bữa mô nói Mạ mi có chịu trả thêm tiền cho tau không đây! Khi không xui, từ ni về sau mi không được xin làm trứng nữa hí.”

Hắn không hiểu vì sao O bán bánh mì lại lo lắng, hắn nói, “O đừng lo, Mẹ con nói Mẹ con trả tiền mà!”

Hắn kể lại, Mẹ cười; “Tội nghiệp O bán bánh mì chưa nợ. Mà lần sau con đừng làm rứa nữa nghe.”

Nhà Ba của hắn ở gần cầu An Hoà, buổi chiều thường Ba bắt hắn đi ngũ sớm lắm, có ngày mới có 4; 5 giờ chiều đã bắt hắn vô giường. Lý do? Vì Ba hắn say.

Vậy là có một hôm, đợi cho Ba hắn ngủ, hắn "thẹ thẹ” đi ra khỏi phòng. Đứng ngoài sân; nhìn lui nhìn tới chẳng có chi chơi. Hắn chạy băng qua đường, rồi bước đi lững thững tới cửa Chánh Tây. Hắn nghĩ, “Đi vô nhà Mẹ chơi chắc vui hơn? Không biết mình có nhớ đường không hè? Mẹ dặn mình nhiều lần rồi, đi thử thì biết chơ lo chi.”

Trời tối dần. Hắn cứ bước dọc con đường nối dài từ cửa Chánh Tây, tới ngã ba đường Nguyễn Trãi, hắn dừng lại. Hắn thấy dì M., bạn của Mẹ, đang đi lui đi tới trong cái nhà ở góc đường. Hắn nhớ Mẹ nói dì M. bán cà phê nhà ở đây. Rứa là hắn đi trúng đường rồi!

Hắn rẽ phải, tiếp tục đi qua cống Vĩnh lợi, hắn hơi mệt vì cống dốc đứng lắm. Nhưng vượt qua dốc rồi thì thấy vui, vì đi mà giống như chạy rứa. Hắn thấy cái hồ nước; và tiệm rửa xe. Nhiều lần Mẹ chở hắn đi chơi, đã dừng lại đây để rửa xe.

Hắn đi tiếp tới ngã ba Lê Huân thì hơi phân vân. Không biết nên rẽ trái hay rẽ phải? Hắn cố nhớ coi Mẹ có dặn gì mà hắn quên không? À, hắn nhớ Mẹ nói nhà ở gần Đại nội, có bức thành to lắm. Vậy là hắn rẽ phải, vì hắn có thể thấy cái thành từ đầu ngã ba này.

Hắn cứ đi, không thấy mỏi chân, chỉ hơi đói bụng thôi. Càng gần cuối đường Đặng thái Thân, hắn càng thấy cảnh vật rất quen thuộc. Cuối cùng thì hắn thấy ngã ba Đoàn thị Điểm. "Nhà Mẹ ở đầu nớ rồi, …” Hắn reo lên.

Hắn đứng ngoài lề đường, nhìn vào trong nhà của Mẹ, thấy Mẹ và em đang ngồi ăn bữa tối. Mẹ ngồi quay lưng ra đường nên không thấy hắn, nhưng em thì nhìn ra hắn ngay. Hắn vẫy tay; em vẫy tay lại. Rồi em nói chi với Mẹ, nên thấy Mẹ quay người lại, hết sức ngạc nhiên, Mẹ vội vàng ra mở cửa lôi hắn vào trong.

“Ai đem con vô đây?” Mẹ hỏi.

“Con tự đi vô.” Hắn nói.

"Rứa con có nói cho ai ở ngoài nhà Ba biết không?” Mẹ lo lắng.

“Không.” Hắn đáp gọn lỏn.

Mẹ gọi điện thoại cho nhà hàng xóm của hắn, xin nói chuyện với Ba; Mệ hay Cô của hắn. Nhưng ba hắn thì say; Cô đi lấy hàng ở chợ, Mệ chưa về. “Được rồi, Dì sẽ nhắn lại cho, đừng lo.” Bà hàng xóm tốt bụng hứa.

Chuyện của hắn thì còn nhiều lắm! Mẹ hứa, mỗi năm; sinh nhật hắn, Mẹ sẽ viết một ít để cho hắn giữ làm kỷ niệm.

Tháng 10 sinh nhật hắn sắp tới rồi, hèn chi mấy bữa ni cứ thấy Mẹ ngồi trước cái laptop gõ gõ.

. . .

Có nhiều điều nó không hiểu.

Ngày 15 tháng 12, nó tốt nghiệp đại học. Nó sẽ mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình (oai lắm!) và đội mũ đồng phục của trường. Mẹ nó vui mừng ra mặt, mẹ còn cho nó thêm tiền để mua giày, áo quần mới để mặc ở trong. Mẹ và ba dượng sẽ đến, em gái thì không đi vì buổi sáng có bài thi cuối khoá; không vắng được. Mẹ hỏi nó có muốn mời thêm ai đến dự không, nó trả lời không. Thật ra; có một người nó rất muốn có mặt trong ngày trọng đại đó, nhưng chắc chắn không thể được. Nó không hiểu vì sao?

Cha và mẹ nó ly dị 19 năm trước. Nó ở với ba; còn em gái thì ở với mẹ. Mẹ thường ra thăm nó, nếu không nói là mỗi ngày, mẹ đem đồ chơi; đồ ăn; nhưng ba nó vứt hết. Ba giận mẹ đã bỏ đi, còn nó thì tiếc món đồ chơi bị ba vứt, tiếc cái bánh ngon không được ăn. Nó không hiểu vì sao ba không cho nó giữ đồ của mẹ cho đưa nhỉ?

Khi vui thì ba cho nó ra ngồi nói chuyện với mẹ, còn như lúc ba không vui thì ba bảo nó ở trong phòng. Nhìn lén qua khe cửa sổ; nó khóc vì không được ngồi chơi với mẹ, nó thấy mẹ dắt xe ra cổng vừa đi vừa khóc. Nó không hiểu vì sao mẹ nó khóc?

Nó nghịch như con trai (là nó nghe mọi người nói vậy.) Nó thích xe đạp; nhưng nó không thích chiếc xe đạp nhỏ có ba cái "lốp" (bánh xe) mẹ mua cho, nó muốn đi chiếc xe cao của ba kia. Thế rồi một hôm; không có ai ở nhà; nó lấy chiếc xe đạp của ba nó ra sân. Nó thấp, vói không tới. Xe chao đảo; khiến nó té và bị gãy cánh tay!

"Ôi! ôi! đau quá!" Nó khóc ré.

O (Cô) nó quay số điện thoại chỗ mẹ làm, báo cho mẹ biết.

Nó khóc "Đau quá mẹ ơi!"

Mẹ nó cũng khóc. Mẹ có gãy tay đâu mà mẹ khóc? Nó không hiểu?

Còn có lần nó nghịch cái cây khô, bị ba nó la "Vứt đi, coi chừng đâm vô mắt."

Nó không nghe, cứ cầm cái cây khô chạy quanh trước sân, giả làm ngựa. Ba giận, ba "rượt" nó chạy. Mệ nội thương cháu cũng chạy theo can. Rồi O nó sợ mệ ngã nên chạy theo để đỡ. Bốn người chạy trong sân như mấy người chơi trò "Rồng Rắn lên mây!"

Ba giận quá, đem sách vở, áo quần nó ra sân, châm lửa đốt. Nhìn ngọn lửa cháy nó gào khóc,

"Sách của cô, vở của con, hu hu hu. Biết nói răng với cô ngày mai đi học?" Nó sợ cô la.

"Hu hu hu, "Nó khóc càng lúc càng to hơn,

"Áo quần cháy hết rồi, mai lấy đồ chi mặc tới trường? Hu hu hu."

Bà hàng xóm tốt bụng bảo nó "Muốn gọi cho mẹ thì qua dùng phone của bà."

Nó vừa khóc vừa kể lể cho mẹ nghe. Đầu dây kia, nó nghe tiếng mẹ khóc. Nó khóc vì bị đốt mất hết đồ, mẹ nó mất cái gì đâu mà cũng khóc? Nó không hiểu.

Rồi một ngày nọ, mẹ nói với ba là nên để cho nó đi Mỹ với mẹ và em. Mẹ cũng hỏi nếu ba muốn đi cùng thì đi luôn. Ba không muốn đi, nhưng ba đồng ý để mẹ làm giấy tờ cho nó đi với một lời hứa rằng mẹ sẽ cho tụi nó về thăm ba mỗi khi có thể.

Ngày ra đi; ba vào tiễn, nhưng ba không muốn đi lên ga tàu lữa, ba chỉ tiễn ở nhà của mẹ thôi. Xe taxi chạy; nó nhìn qua khung cửa sau xe; lần đầu tiên trong đời nó thấy ba khóc. Vì răng? Nó không hiểu.

(Còn tiếp một kỳ)

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
23/07/201922:14:36
Khách
Đọc bài biết ngay là mẹ của "Cô bé tuổi Mùi viết, vì toàn là nói xấu Ba. Tội nghiệp, chắc là cô bé mang toàn ký ức xấu về cha, vì người ngoài mà còn thấy toàn những chuyện không hay về Cha như vậy! Trong bất cứ chuyện gì thì cũng có hai mặt; mà truyện này thì không nghe người Cha bước thêm bước nữa như mẹ!
04/07/201921:53:50
Khách
Sao mấy lúc này cứ chuyện 2 kỳ o nhỉ . Mà toàn người viết gạo cội , bị ngưng ngang toàn chỗ hấp dẫn . Yêu cầu VB làm ơn bỏ vụ này đi nha . Chơi kiểu này o “ chỉnh “ o hài lòng tí nào cả !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,393,888
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến