Hôm nay,  

Tuổi Thơ Và “Hiện Tượng Thời Đại” (Kỳ 2)

02/07/201900:00:00(Xem: 12408)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số: 5728-20-31535-vb3070219

Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

***

Đang ấm ức chuyện mấy đứa cháu, bà Tâm bắt đầu thao thao bất tuyệt.  Bà kể cho mấy bà bạn nghe những thông tin mà bà tìm hiểu trong mấy ngày qua.

Theo đó, ông Andy Kiersz của Business Insider cho biết, kể từ tháng 1, 2017 đến tháng 7, 2017 ông Donald Trump đã gửi 920 tweets (những lời viết đăng trên mạng xã hội Twitter), trung bình hơn 5 tweets một ngày (1).

Mạng xã hội chính là công cụ hữu hiệu giúp ông Trump trong việc tranh cử, trong lúc truyền thông đa phần không đứng về phía ông.

Ra vẻ thành thạo, bà nói tiếp, ông Nicholas Carr của Politico Magazine còn cho biết, trong một bài diễn văn ở Rhode Island ngày 22 tháng 4 năm 2016, ông Trump tuyên bố sau khi trở thành Tổng Thống sẽ từ bỏ, không tweet nữa, thế mà chỉ một giờ sau khi làm Lễ Tuyên Thệ nhậm chức, ông đã gửi cái tweet đầu tiên với tư cách của Tổng Thống. (2)  

Điều này cho thấy sự hấp dẫn và cái bệnh “nghiện” mạng xã hội nó ăn sâu như thế nào, cho dù đối với một nguyên thủ quốc gia. Bà kết luận, rồi nói:

- Theo tôi thấy, người lớn hiểu biết và có kinh nghiệm để tự chọn lựa và quyết định những gì mình muốn làm, tôi không cần quan tâm. Tôi chỉ ưu tư đến đám con cháu các thế hệ sau này của chúng ta mà thôi.

Bà Quỳnh cũng phụ họa:    

- Bây giờ ta thường bắt gặp những em bé mới ba, bốn tuổi đã dùng iPhone, iPad một cách thông thạo rồi các bà ơi.

Bà Mai cho biết:

- Tại trường học, trong giờ break, tôi thấy học sinh cũng chúi mũi vào cái iPhone nhỏ bé để text, chơi game, hoặc liên lạc về gia đình, bạn bè...thậm chí thay vì mang những cuốn sách to, nặng đến lớp, chúng chỉ copy những chapter, hoặc phần của bài học để đọc khi cần đến.

Bà Ngà nghe vậy gật gù:

- Truyền thông mạng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện tại với những thăng trầm và chúng ta phải đối phó nó với tất cả khả năng của mình. Không ai chối bỏ sự đắc lực, hữu hiệu, sinh động và phong phú của truyền thông xã hội. Nó có khả năng gần như thay thế được rất nhiều phương tiện thông tin khác mà ngày xưa chúng ta chỉ có thể tìm thấy trên sách vở, báo chí, hay đài phát thanh, truyền hình. Ngày nay, bạn có thể nhắn tin trên mạng, xem xin tức, đọc truyện, nghe nhạc, xem kịch, mua sắm, hẹn hò, chuyện trò, tâm sự với bạn bè hay cả người không quen. Bạn cũng có thể vào “Yahoo” hoặc “Google” để tìm hiểu về bất cứ chuyện trên trời dưới đất từ ngày xửa ngày xưa.

Bà Hồng cũng ra vẻ hùng hồn:

- Trong cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay, chúng ta những người lớn, là bà nội bà ngoại thì phải làm sao cho việc bảo vệ con cháu sử dụng mạng xã hội là ưu tiên hàng đầu! Việc đó không đồng nghĩa với cấm đoán trẻ em tuyệt đối việc dùng những thiết bị điện tử, mà chỉ nên tìm cách giới hạn thôi, vì càng cấm đoán tụi nhóc càng phản ứng mạnh và ngược lại, nên sẽ nguy hiểm hơn. Điều quan trọng là phải giải thích cho chúng hiểu sự nguy hiểm của việc chia sẻ những tin tức cá nhân trên mạng vì lũ trẻ chưa đủ khả năng để có thể sàng lọc những thông tin hữu ích hoặc sai lạc.

Bà Tâm càng hào hứng hơn, vừa nói tay bà vừa lướt nhanh trên mạng internet:

- Có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về những hệ lụy của việc đam mê sử dụng thiết bị điện tử. Để xem trên mạng họ nói những gì nào.

Thế là lập tức năm lão bà bà đều dán mắt vào điện thoại của mình.

Bà Tâm mở đầu:

- À đây rồi, phe chống đối cho rằng bỏ quá nhiều thì giờ vào thiết bị điện tử khiến các em xao lãng chuyện chú tâm vào việc học hỏi những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Tệ hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe vì thiếu vận động. Nhất là ngồi dán mắt vào màn hình sẽ làm hại mắt và não bộ của các em.

Bà Mai tiếp theo:

- Đây, đây là nghiên cứu tôi kiếm được, họ cho thấy xử dụng mạng nhiều và ít giao tiếp với người chung quanh có những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực cho các em như lo âu, trầm cảm và thấy cô đơn. Nhất là chỉ nói chuyện bằng máy và với máy, sẽ làm giảm khả năng đối đáp lanh lợi khi giao tiếp và phải đối diện với một người bằng xương bằng thịt. Sự đối mặt giúp con người ta đọc và hiểu được tâm ý của người đối diện, cho ta những cảm xúc chân thật và thân thiết hơn.

Tới lượt bà Quỳnh:

- Trong quyển sách iGen, Twenge cho biết những đứa trẻ bỏ quá nhiều thì giờ vào điện thoại và mạng xã hội không cảm thấy hạnh phúc bằng các em theo đuổi những hoạt động ngoài trời, đọc sách hay giao tiếp với bạn bè.  Tôi tuyệt đối tin vào điều này!

Bà Tâm chợt la lên:

- Nữa nè! Ông Jim Steyer, sáng lập viên của Common Sense Media đã cho biết trong bài nghiên cứu của ông là: “Các em thiếu niên đã thú nhận rằng chúng đã rối trí và xao lãng việc học, nghỉ ngơi và ngay cả xa cách bạn bè. Nhiều em cảm thấy đã ‘nghiện’ truyền thông xã hội. Nó đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người nhất là thanh thiếu niên.”

Trên thực tế, lâu nay ông Jim Steyer cũng thường nói, người ta cứ tưởng là các em không lưu ý đến những hệ lụy của việc dùng quá nhiều thì giờ trên internet, nhưng trên thực tế cuộc khảo sát đã cho thấy là các em rất hiểu cái sức hấp dẫn của những thiết bị điện tử đã khiến các em xao lãng những ưu tiên quan trọng như làm bài tập ở nhà, ngủ và dành thì giờ cho gia đình, bè bạn. Các em thích text hơn là nói chuyện mặt đối mặt hay trên điện thoại.

Bà Hồng tán đồng:

- Phải, phải, tôi cũng có đọc, có một số em cho biết là chúng rất bực mình với những người bạn đã cứ chúi mũi vào chiếc điện thoại khi nhóm bạn gặp nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên đổ bao thứ tội cho chiếc điện thoại một cách oan uổng, nhất là nó không phải là thủ phạm của sự xuống dốc của một thế hệ, như đã bị buộc tội, mà là do sự lạm dụng của con người. Điều quan trọng là phải tìm cách nào để giảm bớt sự say mê đến nỗi ảnh hưởng đến việc học hành và sự phát triển của bọn trẻ.

Bà Mai cãi:

- Nhưng nhóm ủng hộ thì căn cứ vào những cuộc nghiên cứu của Sierra Filucci, Tổng Biên Tập của Common Sense cho thấy kết quả ngược lại. Sự hữu dụng của thiết bị điện tử và dùng mạng xã hội đã được một số các em cho biết là làm giảm thiểu sự lo lắng, buồn rầu và cô đơn. Biết tin ai đây trời! Hãy nghe đây: “Nhiều nghiên cứu khác thì cho thấy, chiếc điện thoại đã tăng cường sự liên hệ với gia đình và bạn bè vì các em “thư từ” và “nói chuyện” nhiều hơn khiến cho các em bớt cảm thấy cô đơn, và các em cũng hiểu được sự nguy hại của việc xao lãng việc học và không gặp mặt gia đình và bạn bè. Nó đặc biệt hữu hiệu góp ích trong trường hơp đi lạc hay tai nạn nơi vắng vẻ. Chiếc điện thoại là phương tiện duy nhất để cầu cứu. Common Sense cũng cho biết là các em thiếu niên cũng cố gắng tự kiềm chế và tuân theo lời khuyên của cha mẹ trong việc sử dụng điện thoại trong lúc ăn uống cùng gia đình, lúc gặp bạn bè hay giờ đi ngủ. Có lý quá đi chứ.

Bà Tâm bỗng cắt ngang:

- Trời đất! Phe ủng hộ thì còn có Mizuko Ito của trường Đại Học California nói rằng: “Dùng thì giờ trên mạng rất cần thiết cho trẻ em thâu lượm được kỹ năng xã hội và công nghệ cần thiết để trở thành một công dân có khả năng trong thời đại kỹ thuật số và có thể hoàn toàn tham dự vào xã hội tân tiến ngày nay. Thầy cô và người lớn không còn là nguồn hiểu biết duy nhất nữa mà mạng xã hội đã giúp các em kết nối hơn bao giờ hết và làm bạn với nhiều người trên toàn thế giới, chuyện này không thể nào xẩy ra nếu không có những tiến bộ công nghệ này.”

Bà Ngà cộng thêm:

- Các bà ơi! Họ nói dịch vụ trực tuyến cũng đem lại nhiều chương trình giáo dục và phim tài liệu hữu ích cho các em. Điện thoại không còn là một xa xỉ phẩm mà là một dụng cụ cần thiết, giúp bảo vệ sự an toàn cho con người, nhất là nó giúp ta định vị được người dùng điện thoại đang ở đâu trong trường hợp tai nạn hay khẩn cấp. Người ta thấy yên tâm hơn khi có thể liên lạc với con em bất cứ lúc nào...

Bà Mai nối lời:

- Chuyện này có lý nè! Theo như bác sĩ Candice Dye, Giáo Sư Trường Đại Học Alabama, để có thể bảo vệ sự an toàn cho con trẻ, điều quan trọng nhất là đối thoại với con về việc sử dụng truyền thông và để ý xem chúng làm gì và dùng bộ lọc để chặn đứng những nội dung không thích hợp, cũng như thiết lập sự riêng tư nghiêm nhặt để theo dõi và giám sát những hoạt động của con em. Nên có những cuộc đối thoại thường xuyên với con để đặt giới hạn mà con nên tuân thủ và cho con cảm giác là lúc nào cũng có thể bàn bạc hay tâm sự với cha mẹ khi có điều muốn nói hay phiền lòng.

Nên dạy bảo con cái rằng:

- Không nhận lời xin làm bạn của người nào con không biết rõ về họ.

- Nếu thấy hoặc biết người nào nói hoặc làm những chuyện không đúng thì phải chấm dứt liên lạc ngay.

- Không bao giờ chia sẻ tin tức cá nhân, ký hiệu và mật khẩu với ai, đó là chuyện riêng tư của từng cá nhân,

- Tránh dùng điện thoại trong bữa ơm gia đình hay bữa tiệc với bạn bè.

- Tuyệt đối tuân thủ luật lái xe, không điện thoại hoặc text khi đang lái xe.

- Phải cất điện thoại một tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ và không được để nó trên giường.

- Giới hạn thời gian và nội dung truy cập trên mạng...

Bà Quỳnh a vào chận ngang:

- Phần cha mẹ chúng ta cũng nên bỏ chút thời giờ trong cuộc sống tất bật hằng ngày để ngồi xuống chuyện trò tạo niềm thông cảm với các con, và thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động gia đình như cắm trại, câu cá, thả diều, đi du thuyền, nghỉ phép đi thăm thắng cảnh, thăm bà con… khiến các em cảm thấy gần gũi và dễ tâm sự với gia đình hơn. Những kỷ niệm này sẽ tồn tại lâu dài trong trí óc non nớt của các em. Tôi thấy điều này hay đó!

Bà Ngà phụ họa:

- Tôi thấy mình nên khuyến khích các em tham dự vào những sinh hoạt hằng ngày, như con trai có thể cùng với bố lắp ráp hoặc sửa chữa những đồ dùng như máy hát, máy cắt cỏ, vòi tưới cây, con gái phụ mẹ việc bếp núc như thái thịt, nhặt rau, rửa bát… Nếu không thì sau này ra đời các em sẽ lúng túng khi phải làm những việc nhỏ nhặt này.

Cuối cùng, bà Tâm nói với một vẻ chắc chắn:

- Kết luận cuộc bàn luận này là chúng ta đã hiểu được cái lợi cái hại, điều tốt điều xấu của việc dùng truyền thông xã hội. Dù thế nào chúng ta cũng không thể tách rời mà phải sống theo văn minh nhân loại mà không thê cổ lỗ sĩ và lạc hậu. Cho nên chỉ còn có cách là người lớn phải thường xuyên nói chuyện với con em để chúng hiểu và giúp chúng tiết chế sinh hoạt truyền thông để giữ gìn sức khỏe và sự minh mẫn, cũng như tránh khỏi cạm bẫy của kẻ gian. Nhất là sự thường xuyên liên lạc, trao đổi tâm tình, gần gũi với những bọn xấu sẽ khiến các em dễ bày tỏ và tâm sự những điều muốn chia sẻ.

Năm bà nội, bà ngoại, đã đem những ưu tư lo lắng của mình về “chứng bệnh thời đại” làm ảnh hưởng đến các con cháu ra bàn cãi, tìm mưu tính kế để… dẹp giặc giúp các cháu.  

Các bà đã tìm tòi, dẫn chứng mạnh mẽ những lời ủng hộ cũng như phản đối và chia sẻ cảm nghĩ của mình một cách hào hứng. Sau đó thấy nhẹ nhõm trong lòng và hân hoan chia tay ra về.

Các bà cũng quên là chính các bà cũng bị “dính” cái chứng bệnh thời đại này, bởi vì suốt buổi hôm ấy, chính các bà cũng đã “ôm phone” của mình và dán mắt vào đó không rời, ngay cả khi tìm chứng cớ để chống lại bệnh... ôm phone.

*

Mấy bà bạn đi rồi, bà Tâm ngồi lại một mình tiếp tục mơ về thời tuổi nhỏ. Bà ước gì các cháu bà không vội vã lăn theo thời đại mà thong thả hưởng thụ tuổi hồn nhiên. Bà ước gì tụi nhỏ có thêm thời gian để thỉnh thoảng cùng gia đình thưởng thức mùi hương phảng phất trong gió từ những khóm hoa sau vườn hay trong công viên vào những ngày lễ, buổi nghỉ hè hay họp mặt cùng gia đình nướng thịt ngoài trời và cùng nhau tham dự những cuộc vui chơi lành mạnh như thả diều, đá banh, câu cá, những chuyến dã ngoại thảnh thơi, hấp dẫn, giúp chúng khám phá mở mang hiểu biết, gần gũi và yêu mến thiên nhiên, cái đẹp của đất trời… như thuở xưa.

Vì những kỷ niệm tuyệt vời này sẽ là niềm hạnh phúc sống mãi trong lòng các cháu.  Bà cầu mong tuổi thơ của các cháu, của các thế hệ sau sẽ đầy an lành và hạnh phúc, sẽ mãi mãi là ngưỡng cửa vào đời cho một tương lai sáng lạn.

Tháng 6, 2019

Lê Nguyễn Hằng

Tài liệu tham khảo:
https://www.businessinsider.com/president-trump-twitter-by-subject-2017-7
https://www.politico.com/magazine/story/2018/01/26/donald-trump-twitter-addiction-216530

Ý kiến bạn đọc
08/07/201916:42:22
Khách
Cảm ơn tác giả về một bài viết về "căn bệnh thời đại" này. Quả thật can bệnh này chính là nôi lo lắng lớn nhất cho các bậc làm cha mẹ đối với những đứa con còn nhỏ ngày hôm nay. Cảm ơn tác giả đã phân tích một cách chính xác và thuyết phục về hai mặt của vấn đề này. Thật đúng như vậy tốt và xấu điều có cả, vâ'n để khó nhất của cha mẹ là làm sao cân bằng giữa hai cái? Thật không dễ chút nào, thật là tội nghiệp cho lớp nhỏ, đã mất đi những cái thú vui của trẻ thơ mà lớp cha mẹ chúng đã trải qua, những thứ vui thật lành mạnh, không biết chúng nó có nghĩ như vậy không? Cảm ơn tác giả đã cống hiến bạn đọc một bài viết vô cùng hữu ích và nóng hổi của xã hội ngày hôm nay. Chúc tác giả và GĐ luôn khỏe mạnh để công hien cho độc giả nhiều bài viết hay và hữu ích như vậy.
04/07/201915:19:07
Khách
Cám ơn bạn Duke Tin đã cho mọi người đọc một bài thơ vui và rất hay. Mong bạn tiếp tục sáng tác và đăng trên VVNM cho độc giả cùng thưởng thức.
03/07/201917:17:18
Khách
Chào tác gỉa & các bạn,
Tôi có bài viết vui ngắn về nhữn ưu tư gần giống như tác gỉa từ năm 2013 khi iPhone5 mới ra lò.
Đây là bài thơ con cóc trong bài viết đó.
Thân mến,
Duke Tin.
-----------------------
Kiếp Sau

Bà xã tui hổm rày
Tậu được ai-phôn phai (1)
Mua warranty xẹt vít (2)
Kèm luôn cái vỏ dày (3)

Sáng ôm phôn làu làu
Chiều gác cẳng thao thao
Từ khi có bạn mới
Chồng con tui lao đao

Nếu tui có cằn nhằn
Con cái gặp khó khăn
Lúc nào nàng hết bận
Ai-phone xong mới bàn

Có hôm tủi thân này
Gọi phôn bả cầm tay
Bả kêu: Chờ chút xíu.
Để em xem phôn ai !

Nếu ai hỏi nay mai
Khi chết muốn đầu thai
Làm gì? Tôi trả lời:
Làm cái ai-phôn phai

Tôi sẽ réo tối ngày
Ðể được em kề vai
Và nâng niu chìu chuộng
Ôm ấp trong vòng taỵ

(1) iPhone-5
(2) Warranty Service
(3) Otto Cover
03/07/201902:47:27
Khách
Xin chân thành cám ơn các bạn Diệu Hiền, Người Nha Trang, Tiên, Phạm Thị Kim Dung và Khách đã đọc, cho ý kiến và những lời khích lệ.
Chúc quý bạn được mọi sự an lành.
03/07/201901:58:01
Khách
Công nhận là tác giả nói đúng quá không sai vào đâu, nhưng nếu không cắm đầu vô internet thì đâu có đọc được bài này và các bài khác của mục "viết về nước Mỹ" chứ (haha)
02/07/201918:36:50
Khách
Cám ơn Tác Giả Lê Nguyễn Hằng về một đề tài hay và hữu ích cho thế hệ trẻ, con cháu của chúng ta. KD đồng ý là những bậc cha mẹ, ông bà chỉ nên lưu tâm dạy dỗ và chia sẻ những điều hay lẽ thiệt để giúp cho các con em của mình hiểu biết, để chúng có thể phân biệt được điều tốt hay xấu mà tránh. Chứ không nên cấm đoán, vì làm như thế con cháu mình sẽ làm ngược lại mình một cách mạnh mẽ hơn. Việc cấm đoán sẽ không mang lại kết quả mỹ mãn cho tất cả. Khoa học càng ngày càng tiến bộ, tiện ích cho nhân loại, không thể đi ngược lại đà tiến triến văn minh của xã hội. Tuy nhiên, trong cái ưu điểm, vẫn có phần khuyết điểm của nó. Một hiện tượng thời đại đã và đang đi xuyên qua trong đời sống của nhân loại trên thế giới. Rất mong những vị ông bà cha mẹ sáng suốt để dìu dắt con trẻ đi đúng đường, để chúng có được đời sống tốt đẹp.
Chúc chị Hằng được nhiều sức khoẻ và niềm vui tuổi hạc bên quý quyến thương yêu.
Ptkd
02/07/201915:16:53
Khách
Đọc tiếp phần hai, rất hấp dẫn vì những lời đối thoại rất thực tế cho nhũng bậc cha me luôn quan tâm đến thế hệ con em. Nột căn bệnh thời đại mà tất cả mọi lứa tuổi có thể dễ dàng bị lôi cuốn vào. Cám ơn tác giả.
02/07/201914:24:32
Khách
Bravo tác giả Lễ Nguyễn Hằng!
Một bài viết hữu ích về căn bệnh thời đại hiện nay! Tác giả và các bà bạn già đã băn khoăn lo láng cho tương lai của các thế hệ sau này là đúng lắm! Vì nếu con người không nói chuyện với nhau riết rồi ngon ngữ mất mà... tiếng nói cũng mất luôn! Kinh khủng quá!☹️☹️
Cám ơn tác giả đã nhắc nhờ Động hương Việt của mình!
Người Nha Trang
02/07/201913:29:19
Khách
Câu truyện quá hay về sự lợi, hại của điện thoại cầm tay, khoa học càng tiến bộ càng mang đến tiện lợi cho nhân loại nếu chúng ta biết dừng lại trước sự lệ thuộc hoàn toàn vào phương tiện giao tế này.
Cảm ơn chị Hằng có những bài viết vui và hữu ích.
Chúc chị và gia quyến luôn vui khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,345,485
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi, Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến