Hôm nay,  

Xuân Mơ

19/06/201900:00:00(Xem: 27343)
Tác giả: Orchid Thanh Le
Bài số: 5716-20-31523-vb3061819

Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ.  Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.  Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ  năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.

***

Một hôm, người anh cả gọi ông đến nói chuyện:

- Này chú, con bé nhà anh chị và đứa con nó được bảo lãnh sắp sang đây. Anh chị lớn tuổi nên chẳng giúp được cho con cho cháu là bao. Anh tính thế này: con bé là mẹ đơn thân, tuổi còn trẻ, phần nó phải tự lo kiếm việc làm ổn định để may ra còn tìm hạnh phúc riêng. Còn thằng cháu ngoại, anh gửi nó đến ở với chú hòng còn học hành đến nơi đến chốn.

Do quen tuân thủ “quyền huynh thế phụ”, ông chỉ vâng dạ. Anh cả lại nói thêm:

- Chú sống một mình, có thằng nhóc hủ hỉ thêm vui. Còn khi chú nghĩ chuyện lập gia đình, anh lại tính tiếp.

Hôm chân ướt chân ráo mới sang, cô cháu gái và đứa con được đưa đến chào ông. Thằng nhóc mặt mũi sáng sủa, tuổi trạc mười hai, mười ba; cái tuổi mới lớn với tính cách nông nổi, ương bướng, thích tìm tòi, khám phá điều mới. Không đợi mẹ nhắc, nó đã khoanh tay thưa “Ông Trẻ”. Chạy tung tăng khắp nhà và mượn mẹ nó chiếc điện thoại di động, thằng nhóc nghiêng đầu lễ phép:

- Ông Trẻ nhích sang một bên! Cho con tự sướng một chút.

Ông hết hồn:

- Sướng cái gì?

- Dạ, con muốn tự chụp ảnh mình đó mà.

Khi nhìn vào màn hình vi tính trên chiếc bàn nhỏ của ông, thằng nhóc đề nghị ông Trẻ nên đổi “giao diện” cho khác lạ. Ông ậm ừ cho qua bởi mấy chữ tiếng Việt của thằng nhóc khiến ông lạ lẫm. Cô cháu gái đe nẹt con:

- Ở đây ông Trẻ dạy con học tiếng Mỹ nhưng về thăm mẹ thì phải nói tiếng Việt nghe chưa!

Cái thằng luôn dạ nhịp; còn nó có làm theo lời người lớn hay không thì trời biết. Ở được với ông vài tuần, thằng nhóc xem chừng quen nếp. Nó hỏi đủ chuyện nơi xứ người và rủ ông Trẻ đi ra ngoài xem thứ này thứ kia.

Ông ngại!

Cái điệp ngữ “ông ngại” được thốt ra thường xuyên, nhất là khi trời rét mướt. Hình như càng lớn tuổi thì con người ta lại càng muốn thu nhỏ thế giới sinh hoạt của mình lại. Đôi lúc ông thấy áy náy. Thằng nhóc sống thiếu cha từ bé, ngoài lúc học hành thì chỉ còn biết gọi điện thoại thăm mẹ. Dù không cố ý nghe, cuộc chuyện trò của mẹ con nó vẫn lọt vào tai ông bởi thằng nhóc quen mở loa điện thoại:

- Hôm nay con gặp một counsellor người Việt, mẹ à. Bà chỉ con nhiều thứ.

- Counsellor là gì, con?

- Là người cố vấn chuyện học cho con đó mẹ. Bà cũng dạy môn ESL cho con nữa.

Rồi thằng nhóc hạ thấp giọng:

- Bà đó là bà Trẻ, mẹ à.

- Bậy nà, ông Trẻ nghe được là rầy rà con đó.

- Thiệt mà, mẹ. Con nghe người ta gọi bà là Ms Young thì tức là bà Trẻ rồi.

Đầu điện thoại bên kia có tiếng mẹ thằng nhóc cười khúc khích. Hôm khác nó gọi:

- Mẹ, bà Trẻ nói sẽ gặp phụ huynh để thảo luận về chuyện học của con.

- Con ở với ông Trẻ nên ông đi họp thay cho mẹ, hiểu chưa?

- Dạ, mà ông Trẻ có chịu đi không mẹ?

Mẹ con thằng nhóc nói chuyện vô thiên lủng. Bữa thì nó khoe cùng mấy trò Việt khác được bà Trẻ tập tiết mục văn nghệ để đón Tết. Lại có bữa nhóc ta khoái chí khoe với mẹ là nó “chỉnh” bà Trẻ vì chẳng hạn bà quen nói “ba chấm sáu phần trăm” mà lẽ ra phải là ““ba phẩy sáu phần trăm” mới ra tiếng Việt, vân vân và vân vân.

Đến lạ! Câu chuyện vụn vặt về cái bà Young nào đó tiếp nối ngày qua ngày như thể “xin hẹn kỳ sau”. Chẳng thế mà cứ cuối tuần mẹ nó đón về chơi, ông lại ngóng nó trở qua.

Một buổi chiều từ sở làm về nhà, ông chưa thấy thằng nhóc vì nó thường tan học về nhà trước ông. Thấy tờ giấy gấp đôi dằn dưới cái chặn giấy nơi góc bàn ông thường đọc sách, ông mở đọc: “Bà Trẻ bị mất mạng. Con chạy sang xem sao nha ông Trẻ.”

Ông thất kinh rụng rời. Mới hôm qua đây thằng nhóc còn kể chuyện rôm rả cho mẹ nó nghe về bà Trẻ mà sao đến nông nỗi gì lại qua đời chóng vánh đến như vậy? Ôi cuộc đời vô thường quá! Ông bồn chồn với biết bao câu hỏi trong đầu. Thằng nhóc chưa được phép có điện thoại riêng nên ông chẳng sao liên lạc với nó. Chỉ còn biết chờ. Mà chờ cũng chẳng xong vì biết chờ bao lâu. Ông vùng dậy lấy chìa khóa xe đi tìm.

Nhớ mang máng thằng nhóc nói ông Trẻ chỉ cần biết (quẹo) “phải, trái” là đến nhà bà Trẻ, cái nhà duy nhất có bụi cây hoa vàng nở rộ mùa này. Hoa vàng lại trông giống hoa mai Việt nên thằng nhóc gọi là mai Mỹ.  

Bước ra khỏi xe, ông đứng tần ngần nhìn bụi cây hoa vàng của căn nhà nhỏ có hàng rào trắng bao quanh thì nghe giọng nói Việt đâu đó cất lên:

- Con đổi mạng cho bà được rồi, ông Trẻ!

Ông chết trân, ú ớ không thằng tiếng. Cái thằng bé nhe răng cười xuất hiện trước mặt ông có phải là thằng nhóc cháu của ông không vậy hay hồn của nó mượn xác phàm nào nhập vào sau khi nó đã đổi mạng?

- Mạng là cái quái gì, nói ngay!

Thằng nhóc chưa lúc nào thấy ông lên giọng bực bội như vậy. Đang từ vẻ tơn hớn nó đâm ra tiu nghỉu:

- Dạ, internet bên bà Trẻ bị mất chắc do mưa gió lớn…

Hóa ra là vậy! Thằng chết tiệt, mày có tin là tao có thể véo tai mày đến đỏ bừng mặt, chảy nước mắt như lão ngoại mày đã làm khi tao hồi nhỏ không thuộc bài không hả nhóc? Quỷ tha ma bắt mày đi! Ông Trẻ ắt đứng tim với tiếng Việt của mày mất thôi.

- Chắc đây là ông Trẻ? Xin lỗi ông anh phải lo lắng khi cháu chạy sang giúp tôi.

Một thiếu phụ Á Đông đang bước vội từ bên trong nhà ra với nụ cười và cái gật đầu nhẹ. Chưa kịp xóa đi nét mặt bực dọc nên ông đâm lúng túng:

- Chào bà Young. Cháu mới sang Mỹ, tôi sợ nó đi lạc.

Đã nóng ruột lại thêm phần quýnh quáng nên một bên mắt cá chân của ông va đau điếng vào cái chân bàn lúc ở nhà khiến ông bước đi có phần khập khiễng. Bà lo lắng, chuyển ánh nhìn xuống chân ông như muốn hỏi. Ông vội trấn an:

- Tôi mới bị bong gân.

- Ủa vậy chớ ông anh còn gân mà bong sao?

Lời trêu chọc duyên dáng từ người mới gặp đã không làm ông giận mà trái lại còn phì cười trong lúc nhăn nhó. Ông đánh trống lảng:

- Thằng nhóc nói ở đây chỉ có nhà bà trồng mai Mỹ nên tôi đoán chừng là nhà này, thì ra đó là Forsythia.

- Vậy ông anh có biết Forsythia trong tiếng Việt được gọi là Nghinh Xuân?

Ông ngẩn ngơ. Cái tên Nghinh Xuân mang ý nghĩa hy vọng. Loài cây mọc thành cụm đã trút hết lá trong khí trời giá lạnh, thay vào đó bằng những bông hoa bốn cánh duỗi mỏng khoe tâm nhụy. Trời cuối đông khi mây còn lấn lướt nắng, khi mưa tuyết còn dùng dằng, lòng người thấy hân hoan trước cụm hoa bền màu nở vàng dọc suốt những nhánh cây màu nâu non để đón chào tiết lập xuân.

Nghe đâu những cành mai Mỹ suông đuột này được đảo ngược nhập về Việt Nam với giá ngất ngưởng để phục vụ thú chơi hoa Tết của giới hám của lạ ở Sài Gòn, Hà Nội. Ông chạnh lòng nhớ thời xưa dân miền Nam chơi Tết sàn sàn như nhau: một cành mai hoặc một cặp chậu cây cảnh khắp nhà nhà là dấu hiệu của điềm lành cho một năm mới an khang và thịnh vượng. Mức sang, nghèo có thể nhỉnh hơn ở chỗ người khá giả thì mua sớm từ hăm ba tháng Chạp trở đi để chọn được cây, cành vừa ý trong khi người chật vật đợi đến chợ chiều ba mươi với hy vọng mua được giá hời. Có đâu những cảnh săn lùng “hàng độc” đem về chưng Tết như một sự khoe mẽ của giới giàu có như bây giờ.

Tiếng thằng nhóc reo lên hớn hở:

- Bà Trẻ có biết tên Việt của ông con là Xuân không? Bà trồng bụi Nghinh Xuân đón ông con là đúng rồi.

Cái thằng sao mà hóng hớt. Sự bạo miệng của nó khiến ông đâm ngượng nghịu. Cái tên tươi trẻ bố mẹ đặt cho ông như vận vào số phận. Cái tên chùng chình không chịu già khi tuổi ông càng lớn. Nhân gian ngắm xuân đất trời mà lòng lại băn khoăn nghĩ đến xuân đời người. Nhưng mỗi năm xuân lại đến thì lo gì mà tàn xuân!

Bà nghe thì chỉ tủm tỉm cười, chỉ thấy sự láu táu của thằng nhóc phá tan sự ngượng ngập giữa hai người lớn.

- Bà Trẻ đừng nói với con tên Việt của bà là Nghinh đó nghen.

- Tên của bà không là Nghinh, mà là Mai.

- Ý a, bà Trẻ nói giỡn hay nói chơi đó?

Đưa thằng nhóc trở về nhà, ông thấy lòng vui vui, kịp nhớ nụ cười của bà rạng rỡ tựa hoa mai. Ngó bộ ông không còn giận, thằng nhóc nhắc ông đừng quên gọi điện thoại đến trường xin phép cho nó nghỉ một ngày học kết hợp với cuối tuần để về đón Tết với mẹ. Ông bảo với nó làm gì mà có chuyện quên vì năm nào ông cũng nghỉ phép vào dịp này. Ông còn hứa sẽ tập dần cho nó đi xe điện một mình để sau này tự về thăm mẹ.

Chuyến xe điện ngầm sớm nhất trong ngày chưa đến nỗi đông nghẹt. Ông nhắc thằng cháu phải xuống trước ông hai trạm để ghé về mẹ nó. Thằng nhóc châm bẩm đứng lên, chào ông rồi bước ra khỏi hàng ghế khi xe đến trạm ngừng. Nhanh nhẩu quá thành ra đoảng, thằng nhóc vô tình đụng vào ống quần của một người khách ngồi gác chân lên hàng ghế trống phía trước. Ông khách làu bàu:

- Đụng chân tao rồi im re hả?

Thằng bé dường như chưa kịp hiểu câu ông khách Mỹ nói, chỉ mỉm cười đáp lại. Ông ta gầm lên:

- Không biết xin lỗi nữa sao?

Đang ngồi, ông vội đứng chồm lên nhắc thằng nhóc:

- Nói câu xin lỗi tiếng Mỹ cho yên chuyện đi!

Thằng bé ấp úng nói lời xin lỗi ông khách rồi bước vội ra phía đầu toa để bước xuống. Ông thở phào nhẹ nhõm, thầm nhủ: “Có gì đâu mà khó dễ vậy chớ? Người gì mà cứ như chưa tỉnh rượu của đêm hôm trước.”

Xe điện ngầm sắp dừng tại trạm ông muốn xuống. Lần này ông chuẩn bị bước ra và tự dặn mình phải hết sức cẩn thận kẻo phiền hà. Ấy vậy mà khi bước lách ra cái chân ghếch lên gây sự của ông khách khó tính, ông vẫn nghe lời to tiếng:

- Ê, cái túi của anh bạn đụng vào chân tôi!

Tức thôi là tức, muốn sinh sự thì có sự sinh:

- Cái ông nói không phải là cái túi, mà là cái ba-lô.

- Cái gì thì cái nhưng nó đã đụng vào chân tôi. Có xin lỗi không thì bảo.

- Được, thế thì cho tôi xin lỗi vì đã trót đụng vào chân ông. Nhưng ông có xin lỗi tôi không vì ông nói nhầm đó là cái túi trong khi nó là cái ba-lô?

Nói xong là ông quay ngoắt người giấu nhanh nụ cười, đoạn lách qua hàng người để bước xuống xe điện ngầm trong khi tai vẫn còn nghe loáng thoáng tiếng hầm hè bực tức của ông khách gây sự. Ông lẩm bẩm: “Tết cận kề, tiếc gì nụ cười chào nhau.” Bất chợt nhớ ra mình đang ở xứ người, Tết trong lòng đã khó huống hồ gì!


Tiếng chân ai rảo theo sau ông và một giọng nói Việt cất lên:

- Ông anh đối đáp thiệt hay!

Cái chữ “ông anh” nghe quen quen. Ông quay ngoắt người, bất ngờ trước sự xuất hiện của bà. Trong chiếc áo choàng dầy tím sẫm cùng màu với đôi găng tay và mái tóc hơi xoăn nhuộm màu hạt dẻ thả lơi trên vai, bà trông đằm thắm.

Như biết được điều ông đang thắc mắc, bà cho biết đã đáp chuyến xe điện từ ga phố chợ nên nhìn thấy hai ông cháu bước lên sau bà vài trạm. Cũng đoán bà sẽ hỏi tại sao hai ông cháu xuống hai trạm khác nhau nên ông giải thích luôn:

- Thằng nhóc về ăn Tết với mẹ nó. Còn tôi nghe nói có ngôi chùa Việt gần đây nên ghé thăm cho biết.

Bà hơi khựng lại khi nghe ông nói nhưng mỉm cười ngay rồi đều bước đi bên ông:

- Vậy là ta đến cùng một nơi. Chùa đang thiếu người giúp dựng sân khấu thì ông anh đến đúng lúc. Riêng tôi được sư cô dặn ghé sớm phụ nấu bữa cơm chay tất niên rồi chờ đón giao thừa luôn thể.

Vui lây với lối trò chuyện của bà như thể hai người đã biết nhau từ lâu, ông nói trêu:

- Bà đi có một mình, tôi tưởng phải đi một rưỡi chứ!

- Vậy là sao ha, ông anh nói hơi khó hiểu?

- Khó hiểu gì đâu, há chẳng phải người mình thương là một nửa của mình đó sao?

- Ra là vậy. Ông chồng Mỹ của tôi mất ba năm rồi. Lúc xưa chúng tôi ở Lũng Sầu. Khi xin được việc ở trường của cháu là tôi chuyển về đây.

Ông thi thoảng lái xe ngang Lũng Sầu nhưng chưa lần nào dừng chân. Cái tên đặt cho địa danh xứ người chẳng qua là do người Việt cảm tác mà gọi. Mưa kia gió kia nơi Lũng Sầu đồng điệu với sự cô quạnh. Lũng Sầu quanh năm mây mù và sương quàng khói quyện, buồn vô thời hạn. Chỉ đến khi xuất hiện những dải hoa nhuộm tím Lũng Sầu thì mới nhận ra mùa xuân. Không biết bà là người thứ bao nhiêu bỏ Lũng Sầu mà đi.

Có khoảng im lặng giữa hai người. Ông thầm trách mình nói đùa vô ý. Nhưng hình như bà cũng chẳng để tâm mà hờn. Đến chùa, ông và bà chào tạm biệt mà lo phần việc mình. Khoảng gần giờ ngọ, ông gặp lại bà trong chiếc áo lam, tóc bới gọn ghẽ. Bà tặng ông nụ cười hóm hỉnh:

Các cụ cao niên được sắp ngồi hàng gần sân khấu để dễ xem nhưng sao thấy ông anh cứ đi vòng vòng.

Bà muốn hỏi tuổi tôi thì hỏi đại đi chớ nói quanh co là tôi không biết đối đáp.

- Nghe cháu gọi ông anh là “ông Trẻ”, vậy chắc còn trẻ lắm.

- Tôi trẻ gì đâu! Chẳng qua tôi là em của ông ngoại nó mà còn độc thân nên được gọi là “ông Trẻ”.

Nói đến đó ông vụt ngưng. Chẳng ai khảo mà tự xưng với người dưng khác họ! Rồi ông lại buột miệng:

- Tôi sáu mấy rồi chứ ít gì…

- Sáu mấy là sáu mốt hay sáu chín, ông anh?

Bà đoán non đoán già gì cũng bù trất hết.

- Tuổi Mỹ thì sáu hai. Tuổi Tây thì sáu ba. Còn tuổi Ta thì sắp sáu tư.

Phức tạp dữ vậy ta! Còn tôi cũng chưa đến nỗi cao niên để được sắp ngồi với các cụ.

- Nếu bà không muốn tôi gọi là “cô thêm dấu sắc” thì cho tôi gọi bằng “cô” nhé!

Xem ra hai người biết ghẹo nhau mà. Họ tự điều chỉnh cách xưng hô “anh” và “cô” thay vì “ông anh” và “bà” như lúc mới quen.

Mặc cho trời lúc mưa lúc gió, người Việt vẫn đổ đến ngôi chùa sư nữ để dự tất niên. Mọi người chen chúc bước vào chánh điện lễ Phật. Ngoài sự ấm áp hơn bên ngoài, ai nấy còn cảm được thời khắc năm mới đang đến gần hơn, từ mùi nhang trầm đến chiếc độc bình chưng cành mai đang khoe nụ đơm dày đặc, cái thì chúm chím, cái thì hớn hở bung hoa hứa hẹn duyên lành. Trong lần mới nhất đi Phật sự tại một tiểu bang nắng ấm, sư cô đã gắng sức đem về chùa nơi bờ đông một cành mai vàng với hoa năm cánh truyền thống. Cành mềm, lá biếc, hoa vàng tươi rực rỡ. Hoa mai là biểu tượng của nắng đẹp miền Nam nước Việt. Vượt hàng ngàn dặm đến đây để khoe sắc, cành mai len lỏi niềm hoài cựu vào lòng người xa xứ. Nghe nói ông có thú chơi mai, bà hỏi:

- Cành mà có nhiều lộc non sẽ hứa hẹn đơm hoa, phải không anh?

Ông gật gù:

- Đúng một phần. Chọn được cành mà có nhiều nụ là tốt nhưng phải biết đó là những nụ chờ thì chúng mới hứa hẹn nở hoa.

- Còn những nụ khác thì sao?

- Chúng chỉ là những nụ non. Tuy cùng kích cỡ và màu sắc như nụ chờ nhưng các nụ non ấy vẫn khép, không thể nở nổi dù có làm đủ mọi cách đi chăng nữa.

Ông giải thích cho bà rằng thú chơi mai thanh tao nhưng khá tỉ mỉ bởi mai thuộc loại khó trồng và cũng khó chăm sóc. Loại cây này hợp đất ẩm và ánh sáng nhưng lại không chịu được úng. Ngoài việc chăm tưới cũng như bón phân và thay đất hàng năm, còn phải chú ý cắt nhánh, uốn cành, tạo dáng để chậu mai trở nên độc đáo, mang đậm triết lý đông phương. Ấy là chưa kể phải canh thời tiết mà tuốt lá sao cho hoa có thể nở thêm nhiều vào lúc đón giao thừa hoặc sáng sớm ngày mùng một Tết thì mới là điềm may. Và may mắn hơn nữa khi trên cành mai có được một hoặc vài bông hoa sáu cánh.

Tuy nhiên, các Phật tử được nhắc rằng họ không cần chờ tìm sự may mắn mà hãy tận hưởng sự an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại dù chỉ là qua bữa cơm chay tất niên. Phải chăng những món ăn đời thường đã quá quen thuộc nhưng đối với người xa xứ trong những dịp này mới may ra tìm được cái hồn Tết lưu luyến đọng lại. Lần đầu tiên ăn món canh khổ qua, ông nếm thấy nhân nhẫn đăng đắng.

Anh cứ ăn để rồi ngẫm xem nếu cứ than thở nỗi khổ đau của mình thì cũng chẳng ai chia sẻ được; chi bằng biến khổ đau bằng sự chấp nhận ngọt ngào thì xem ra dễ vượt qua hơn.

Trước lời lẽ giản dị của bà, ông nhìn ra một con người biết đặt mình vào người khác mà suy nghĩ. Từ món canh khổ qua truyền thống, bà gửi gắm một nhắc nhớ rằng cuộc sống luôn có những khổ đau như trong Tứ diệu đế Phật đã dạy chúng sinh từ nghìn năm trước. Cái khổ đến và ai cũng mong mình vượt qua được. Còn vượt bằng cách nào thì tự thân mỗi người. Dễ mấy ai nghiệm được bài học cuộc sống của canh khổ qua!

Trong lúc chờ đón giao thừa, ông và bà kể về Tết xưa cho nhau nghe. Vẫn là ký ức Tết của những đứa trẻ được mẹ sắm cho bộ quần áo mới xúng xính với bạn bè cùng lứa và được ăn bữa cơm ngon hơn ngày thường. Quanh năm vất vả kiếm sống nên người xưa chỉ ăn uống dư thừa trong ba ngày Tết. Giò thủ hay thịt đông, lúc xưa chỉ có mặt trên các mâm cỗ Tết nhưng bây giờ nếu thích, thèm lúc nào thì tự gói, tự làm chứ không phải đợi đến Tết mới có mà ăn. Chính vì những thứ mong đợi không còn là quí hiếm nữa nên sự háo hức trở thành tẻ nhạt. Những món ăn truyền thống của ngày Tết dần dần phôi pha ý nghĩa. Vả lại, khẩu vị cũng thay đổi theo thời gian. Bây giờ ít người ăn ngọt nên bánh mứt làm ra cũng để đem biếu theo tục lệ chứ thực tình có ăn là bao. “Hồi xưa” và “bây giờ” liên tục được đem ra đối sánh. “Hồi xưa” trở thành huyền thoại còn “bây giờ” là thực tế. Biết rằng không thể nào quay lại những Tết xưa thiếu thốn mà ấm cúng được nữa nên lòng người cứ vấn vương! Đôi mắt của người đàn bà xa xứ chỉ thoáng ngấn ánh nước đủ để ai đó mềm lòng.

Đón giao thừa xong, người Việt có tục hái lộc. Thường thì họ bẻ lấy một cành nhỏ thuộc những loại cây quanh năm tươi tốt mang về cắm ở bàn thờ lấy may, lấy phước.

Tôi mong sẽ không còn tục hái lộc đầu năm nữa để cây cối trong chùa vẫn giữ nguyên vẻ xanh tươi. Ai đời lại vặt trụi cành lá để đón xuân đâu?

Ông ngẫm bà nói phải. Con người ta mải mê giành giật lợi lộc cho bản thân nên đâm ra ngược đãi những gì thiên nhiên ban tặng. Nhân đứng xem những người lễ chùa lầm thầm khấn bái, ông cao hứng rủ bà xin thần linh một quẻ thẻ đầu năm để biết “kiết, hung”.

Không ai đi xem đoán số mạng khi mà mình có cuộc sống tương đối đủ đầy.

Ông chặc lưỡi:

 - Chẳng sai, nhưng phàm khi một nét văn hóa nào đó tồn tại hằng bao năm mà không mai một, tức là nó vẫn có giá trị ít nhất về mặt tinh thần.

Xem ra ông vẫn thích bói quẻ, nên bà dặn:

- Nếu muốn xin xăm, anh phải thành tâm khấn nguyện còn không thì xăm không linh đâu. Khi anh trúng quẻ xăm nào thì nên nhận quẻ đó chớ đừng lắc đi lắc lại cho đến khi được quẻ xăm tốt mới thôi là không được.

Thì ra nãy giờ đứng xem, bà quan sát thấy không ít người kỳ nài với thần linh xin xóc xăm lại nếu chẳng may bắt phải quẻ hạ hạ. Hên hay xui tùy thuộc chuyện làm điều lành hay dữ trong cuộc sống chứ nào phải tùy thuộc nơi quẻ xăm. Thế mới biết chỉ vì một mảnh giấy vỏn vẹn bằng bàn tay, một câu nói, một nụ cười, một cái chau mày của ông thầy đoán quẻ mà có thể tạo quá nhiều cảm giác vui, buồn, may, rủi trong suốt một năm cho con người ta.

Quẻ chữ Nôm khó hiểu hết ý nghĩa, cô ạ.

Mặt sau tờ giấy có lời bàn tiếng Việt. Nhưng lời bàn chẳng qua cũng chỉ mang tính tương đối, ý chừng muốn ngăn ngừa sự ỷ lại vào người xin được quẻ xăm tốt và khích lệ những người xin quẻ xăm xấu phải bình tâm, kiên trì vượt qua khổ nạn. Đối với tôi, quẻ xăm nào cũng mang một triết lý nhân sinh mà người xưa gửi gắm để mình suy gẫm.

Bà nhận được quẻ “Tích thụ sinh hoa”. Cây xưa nay lại trổ hoa, chắc hẳn một niềm vui từ bao lâu nay trở về với bà, đúng là đại cát. Riêng ông, quẻ xăm trung bình “Ma chứ thành kim” đã khiến ông mơ màng liên tưởng đến duyên phần nếu cất công mài sắt thành kim.

Đưa bà về nhà rồi quay lại nhà mình, ông vẩn vơ nghĩ đến hai câu thơ của Lô Đồng trong Sở Hữu Tư:

Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo song tiền nghi thị quân

Một đêm nhớ nhau, mai nở hoa. Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ bóng nàng. Ừ thì nhớ! Nỗi nhớ chỉ nhẹ nhàng, song quấn quýt. Có gì mà lạ? Con người ta đi đến ga cuối của cuộc đời thì ngoảnh lại thấy tâm hồn họ cần thanh lọc để được hòa mình trong những tình cảm chân thành. Sống trên đời, ai cũng mong tìm cho mình một tri âm, tri kỷ. Được gặp một người có thể chia sẻ, ôn lại bao chuyện cũ của mình cho người ấy nghe hoặc nhắc lại những hoài bão, ngần đó thứ đủ giúp tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống.

Nhấc ngay điện thoại gọi đến bà, ông nhỏ nhẹ hỏi rằng ngày mùng một Tết bà vẫn thích đi chùa đấy chứ. Dường như từ đầu điện thoại bên kia bà đang giấu nụ cười mùa xuân trong lời thầm thì:

- Mai, mai nhé!

Ông nhắm mắt mường tượng một sớm ngày đầu năm. Lúc đó sẽ chỉ có một ít hoa tuyết lắc rắc như hôn vào môi, vào má ai đó. Lại như thấy trên trời có đám mây trôi bồng bềnh xếp thành những cánh hoa mai thật ngộ nghĩnh.

Bà tặng ông một nụ chờ. Nụ chờ mai này sẽ nở hoa, ông thầm mơ!

Orchid Thanh Le

Ý kiến bạn đọc
31/01/202002:31:54
Khách
“Bà Trẻ bị mất mạng"
"Con đổi mạng bà Trẻ được rồi... "
Ha.. ha.. cười bể bụng...
Tác giả Orchid có khiếu khôi hài!
Mong được đọc truyện mới của tác giả Orchid.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,263,648
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2017 và thêm giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại University of California, Riverside và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnamese: An Intro-ductory Reader” do Viện Việt Học và Đại học Riverside xuấn bản năm 2008. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện là cư dân Bắc California.
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, xin mời đọc bài viết của Susan Nguyễn. Bà là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, tác giả đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân.
Khiếu.Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến