Hôm nay,  

Nước Mỹ Đón Chờ: (2)

18/05/201900:00:00(Xem: 10526)
Tác giả: VuongVu

Bài số  5691-20-31498-vb7051819

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết  tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

 
***
 

Đây  là lần đầu tiên tôi được tiếp đón như một công dân Mỹ tương lai: chỉ là những con sóng dập dềnh, tiếng loa xua đuổi và cả những tràng đạn.

Người ta kể Mỹ không cho lên tàu vì họ đã đón qúa nhiều người rồi và trong đêm không thể kiểm soát được.  Hình như có nhiều tàu khác lớn nhỏ bao vây và xin họ cho lên cũng không được.  Khi tàu chúng tôi giả bộ bị chết máy thả tàu tới gần thì bị cảnh cáo bằng loa và một tràng đạn át tiếng sóng biển khiến chúng tôi phải lùi lại chờ sáng.

Lúc đó tôi mới thấy rõ ràng quả thật có nhiều tàu lớn nhỏ xung quanh, trong đó có một xà lan với nhiều bao cát chống đạn chất cao ngang ngực, trên đó có vài người nằm không biết chết hay sống.  Chiếc xà lan có vị linh mục chỉ huy và họ là những người đầu tiên được vớt.  Tàu Mỹ không chịu vớt chúng tôi và nhiều tàu, ghe khác.

Không làm gì hơn được chúng tôi phải nghe lời khuyên đi tiếp tới Singapore sẽ được tiếp tế lương thực, nhiên liệu và tin tức.  Nhân viên trợ giúp người tị nạn ở Singapore vừa đe dọa vừa khuyên bảo để phân chia đồng đều, hợp lý số người tị nạn trên các tàu, và cung cấp thêm thức ăn, nước uống, nhờ đó mà chúng tôi được ăn uống đủ no và có chỗ nằm thoải mái.  Họ cũng san sẻ tài công kinh nghiệm để điều khiển những con tàu khốn khổ tới Guam, điều đó rất cần thiết cho chuyến đi xa vì tàu của chúng tôi đã được điều khiển bởi những tài công nghiệp dư.

Trong thời gian qua Guam, tôi thưởng thức cái cảm giác sống lại, dấu nỗi buồn vì thất lạc người nhà, tạm ngưng những lo âu trong lòng.  Mọi người trên tàu vừa chắc chắn đã qua nguy hiểm, không còn sợ chết đói, chết khát,..., chúng tôi dễ dàng bỏ qua những điều khiếm khuyết hàng ngày như những tấm giấy vệ sinh bay lạc vào bữa ăn, “Ê, ê, đừng đi cầu lúc người ta ăn uống chớ, nhịn một chút đâu có chết.”  Những câu nói đại loại như vậy mà lại gây ra nhiều tràng cười lây lan trong gió biển.

Chúng tôi thường chỉ nói với nhau về những ước vọng về tương lai, tưởng tượng ra những gì mình sẽ làm để sinh sống trong một xã hội mới hoàn toàn xa lạ---từ thức ăn đến tiếng nói.  Có một lần bạn anh tôi bảo chắc chúng tôi sẽ xin được những việc liên quan đến vệ sinh như đổ rác chẳng hạn, “...những công việc dơ dáy đó chắc người Mỹ không ai muốn làm, chỉ cần mình cố gắng không ngại dơ bẩn là dư sức kiếm sống…”.

 

Những Bước Chân Đầu Tiên

                 

Cuối cùng Guam cũng hiện ra, chúng tôi đi hàng một, trước khi vào trại mỗi người được phun lên khắp người một thứ bột trắng để khử vi trùng.  Mặc dù phần lớn hiểu sự cần thiết nhưng vẫn có nhiều lời than phiền rằng người Mỹ đã kỳ thị, coi chúng ta như những kẻ dơ bẩn,...  Tôi không nhớ rõ nhưng hình như chúng tôi được bố trí ở trên lầu một căn trại lính.  Đời sống mới từ từ thành hình, suy tư và lo âu bắt đầu quay trở lại.  Dư bệnh đứt mạch máu của mẹ tôi quay trở lại, và bà được bệnh viện trong trại tị nạn điều trị, tạm thời không phải lo ngại nhiều.  Tôi rất cám ơn lòng can đảm của mẹ đã không tỏ lộ sự đau đớn vì thất lạc chồng, con và cháu mà làm cho chúng tôi phải trầm cảm hơn.  Bệnh viện lính ở đây cũng đã mổ cho tôi một mụn nhọt lớn ở cườm tay trái.  Tôi không hài lòng mấy khi biết rằng họ nhét một miếng gạc nhỏ phía trong rồi băng lại phía ngoài.  Tôi nghĩ họ phải săn sóc nó đàng hoàng hơn chứ không phải nhét một miếng gạc sau khi mổ.  Tôi luôn nghĩ mình phải được tôn trọng hơn, may mắn hơn dù tận thâm tâm tôi biết tôi đã rất may mắn.

Chỉ trong vài ngày ở đây ngủ giường có nệm, ăn cơm gà nướng, thịt cá, uống sữa,..., là tôi quên cái mừng rỡ chạy thoát VC, ngủ ngồi, thiếu ăn trên chiếc tàu đầu tiên.

Chúng tôi không được phép ra khỏi trại lính.  Mỗi lần bước tới hàng rào ngăn cách, tôi mong muốn được ra ngoài, dù là ra một thành phố nhỏ xíu, dù là không biết mình sẽ làm gì ở đó.  Tôi mong muốn mau được thoát ra khỏi tình trạng tạm bợ này càng sớm càng tốt, nhưng đã chẳng giúp được gì, mọi chuyện đã có anh tôi lo.  Khi người ta đặt càng nhiều trách nhiệm lên vai người đàn ông thì càng làm họ trở lên mạnh mẽ hơn, nhưng chúng có thể làm gãy vai nhiều thanh niên.


Chúng tôi được phát thêm quần áo, những món đồ cũ được bày ra trên đất cho chúng tôi tha hồ lựa chọn mỗi người vài cái.  Phần lớn là mặc không vừa, nhưng với sự sáng tạo của người tị nạn chúng lại thành một thứ giúp chúng tôi có việc làm.  Buổi tối khi lên đèn, chúng tôi mang số quần áo không vừa đó ra con đường chính, trao đổi, hay bán lại.

Hai bên con đường dưới ánh đèn, vài chục người ngồi dọc hai bên bày bán, không những quần áo mà còn những thứ họ mang theo nay không cần nữa.  Có lẽ thực sự bán mua chỉ là cái cớ, chợ đêm diễn ra khá lặng lẽ, nhưng cũng đủ làm chúng tôi tìm lại chút bình thường trong cuộc sống.  Chúng tôi không có tiền để mua gì cả, nhưng bán được ít tiền, tôi được vài chục xu, và anh tôi cho thêm một ít nữa.  Tổng cộng tôi có 35 xu, đủ mua một gói thuốc trong cái máy kéo, nhưng sau khi bỏ đủ tiền vào, tôi kéo không được gói nào.  Tôi cứ đứng tần ngần tiếc nuối trước máy kéo mãi đến khi người đứng sau hỏi và giải thích là máy không nhận tiền 1 xu.  Đó là tất cả số tiền tôi có, ngày hôm sau tôi mon men lại những anh có vẻ khá giả xin thuốc.

Mỗi ngày chúng tôi ra lắng nghe loa phóng thanh, đọc thông báo dán trên một cái bảng, và tìm hỏi những người có vẻ quen biết về những người còn lại.  Mỗi khi nghe tin có người tị nạn mới chúng tôi ùa ra xem, hỏi thăm ơi ới, trông đợi, trông đợi... cho đến khi người cuối cùng đã vào từ lâu.

Trong trại có một số người tới hơi lâu mở tiệm hớt tóc, vừa có tí tiền, vừa bớt lo mà lại biết thêm nhiều tin tức.  Hầu hết chúng tôi hỏi han nhau về cách ra khỏi trại sớm, về cách kiếm việc làm,...; những người có thân nhân đã ra khỏi trại, hay ở Mỹ đã lâu được đặt biệt săn đón.  Phần lớn nhìn về tương lai phía trước ở nước Mỹ, nhưng không phải ai cũng vậy.

Sau một thời gian ngắn ở đây có nhiều người muốn về VN.  Họ làm áp lực, phao tin đồn Mỹ đã dụ dỗ, thậm chí bắt cóc con nít làm con tin để buộc cha mẹ phải đi theo làm nô lệ,..., đủ mọi loại tin.  Cuối cùng những người đó tổ chức biểu tình đòi quyền được về, và Mỹ phải nhượng bộ cấp cho họ một trong những con tàu đã đưa họ đến để trở về.

Không biết tiếng Anh cũng là một trở ngại gây ra nhiều chuyện buồn cười.  Một lần có một bà đứng trước tôi ngao ngán nhìn miếng gà chiên được người lính Mỹ gắp vào điã, bà ta lấy tay chỉ vào khay gà, người lính lại gắp thêm cho bà một miếng lớn nữa.  Bà ta lại lấy tay chỉ và lần này nói bằng tiếng Việt, “Trời ơi ngày nào cũng gà chiên, ăn ngán tới cổ, cho tôi cái đùi nhỏ thôi ông ơi.”  Người lính lại gắp thêm cho bà miếng gà nữa, bây giờ đĩa của bà không còn chỗ, anh ta vẫy tay cho bà đi tiếp, miệng nói, “next”.

Tôi cũng muốn giúp bà và người lính hiểu nhau, nhưng tiếng Anh của tôi chắc cũng không hơn bà ta bao nhiêu, thêm vào đó tôi thấy mình khá dửng dưng với nhiều thứ đang xảy ra.

Hình như cũng có người giống tôi, tôi thấy họ thản nhiên đổ từng đĩa thức ăn còn nhiều vào thùng rác. Tôi chưa đến mức đó, nhưng phản ứng mỗi người dưới mỗi hoàn cảnh rất khác nhau, anh tôi xung phong làm việc, tìm tòi thêm tin tức, dò hỏi mọi cách để đưa gia đinh tôi sớm được vào nước Mỹ.

Nhờ anh mà chúng tôi mau chóng được chuyển tới Camp Pendleton ở San Diego vì tình trạng gia cảnh.  Rồi chúng tôi cũng không ở đó lâu, gia đình anh được bảo trợ trước và anh kiếm cho chúng tôi một gia đình bảo trợ khác trong vài tuần.  Có nhiều người phải ở lại Guam và Camp Pendleton nhiều tháng mới có người bảo trợ.

Tôi đã rất háo hức khi được chuyển tới camp Pendleton, nhưng thực ra thời gian ở đó còn tệ hại hơn ở Guam.  Thay vì được ở trong nhà, nằm giường, khí hậu ấm áp giống VN như ở Guam, khi đến camp Pendleton, chúng tôi ở trong một cái lều lớn chứa được mấy gia đình, mỗi người một cái ghế bố nhà binh, cứng, chật và không cản được khí lạnh vào đêm.  Họ phát cho chúng tôi thêm mỗi người một cái áo lạnh lính rộng thùng thình và hai cái mền, nhưng vẫn không đủ ấm, tôi phải khó khăn lắm mới có thể ngủ.  Tôi lo cho mẹ, nhưng chưa hề nghe bà than phiền lần nào.  Mỗi lần nhìn từng hàng lều khổng lồ dựng lên trên đất cỏ, tôi thấy ngao ngán.

Những ước mơ và lòng tin vào một tương lai tươi sáng làm công nhân vệ sinh ở Mỹ từ từ tàn lụi trong tôi theo từng ngày tôi ở trong camp này.  Có phải nước Mỹ chỉ nhỏ bé như Guam và camp Pendleton, tôi tự hỏi?

VuongVu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Nhạc sĩ Cung Tiến