Hôm nay,  

Nước Mỹ Đón Chờ

17/05/201900:00:00(Xem: 9598)
Tác giả: VuongVu
Bài số  5691-20-31498-vb6051719

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết  tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.

***

Chúng tôi bỏ nước ra đi một cách tình cờ ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Gần như cả nhà đi được hết mà chẳng cần quen biết gì, và cũng chẳng phải chúng tôi hay ho gì---tất cả là định mệnh.  Khi vận nước đổ xuống đầu cả nhiều triệu người thì chẳng có ai hay cả, kể cả Việt Cộng họ cũng không chọn được ngày 30 tháng 4 năm đó.

Nhưng định mệnh này của chúng ta đã không phải do trời đất xếp đặt mà do bàn tay của các nước lớn.  Nếu Mỹ không bỏ rơi, nếu Nga và Trung Cộng không giúp thì sẽ không có cái ngày 30 tháng 4 đó.  Định mệnh chúng ta nằm trong toan tính quyền lợi của họ.  Từ ngày lập quốc tới giờ chúng ta chưa có một lãnh đạo nào tạo được một nền giáo dục để dạy dỗ, giáo dục và đào tạo ra những công dân có khả năng làm việc cùng nhau để quyết định vận mạng của nước mình.

Mấy ngày trước đó, chúng tôi theo dõi tin tức từ đài VOA, hoặc BBC trên chiếc radio transitor nhỏ bằng 2 bàn tay của bố tôi, tất cả những tin tức khác trên báo chí VNCH hay của VC đều không thể tin được.  Và hàng đêm tôi leo lên mái che lầu ba nhìn khắp phía để ghi nhận, để nhớ những ngày thành phố thân yêu đang giãy chết, để cầu nguyện trong vô vọng một phép lạ sẽ đến: chúng tôi đang ở trong một tình trạng rất nguy hiểm.

Gia đình chúng tôi di cư từ bắc vào nam năm 54.  Lâu lâu ông bà bố mẹ kể cho chúng tôi nghe về hành trình chạy trốn của họ.  Ông tôi đã từng bị đấu tố về tội điạ chủ cường hào ác bá, bố tôi bị người trong họ dọa giết vì đi học trường Bộ Binh Thủ Đức, bà tôi dù mù chữ đã khôn ngoan thoát được một nốt chặn trên đường vào nam.  Bà đọc theo người đi trước khi VC chặn đường bắt đọc được chữ mới cho qua trong một chương trình “Xóa Mù Chữ" gì đó,...

Bây giờ (1975) không những bố tôi, anh rể tôi làm chức tá trong quân đội, mà anh tôi và tôi cũng là cấp úy; thêm vào đó anh tôi dậy Anh văn, còn bố tôi dậy thêm ở Hội Việt Mỹ, những tội lỗi nghiêm trọng trong một xã hội sắp tới.  Gia đình tôi sẽ bị coi như có nhiều nợ máu với nhân dân VN dù chưa giết một ai.  Tôi biết rằng mình sẽ phải trả một cái giá cắt cổ khi họ vào đây, nhưng làm sao thoát đi?  

Bố tôi quen biết nhiều, cả vài tuần nay chạy khắp chốn tìm chỗ đi, vài bữa ghé nhà với khuôn mặt lo lắng, chán nản.  Tôi mới chân ướt chân ráo chạy từ Hội An qua Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu về tới nhà tháng trước---tôi còn chưa làm quen lại được với Saì Gòn thì biết đâu mà chạy!

Sau một hai ngày tôi trốn được về tới Sài Gòn, một người bạn thân tới thăm, người nhà tôi kể cứ một hai ngày nó ghé qua hỏi thăm tôi một lần.  Nó mong tôi được bình an và cũng đang tìm thêm tin tức rời khỏi đây, một nơi sắp biến thành ngục tù cho dân miền nam, nơi mà chúng tôi tự nguyện từ bỏ tất cả công lao bao năm để cầu mong ra đi an toàn tới một nơi mà không biết mình có thể kiếm được việc làm nuôi thân hay không.

Chừng vài ngày trước luật giới nghiêm ban hành, nó chở tôi ra bến tàu xem người ta tranh nhau chiếm chỗ trên những chiếc tàu vô chủ, với hy vọng mong manh là chiếc tàu mình lên sẽ có phép lạ nhổ chiếc neo và gío đưa nó đến một nơi nào đó.  Bạn tôi bảo, “Vui lắm, tao ra đây xem họ mấy ngày rồi, nhiều gia đình vừa bước lên là ở dưới có một đám nhào tới giựt xe, gỡ bánh xe, ăn cắp đồ.  Mà tức cười là cũng có nhiều người trên tàu đi xuống, chắc họ ở đó lâu rồi chán.”  Tôi thấy đúng như vậy, hai con tàu đậu sát nhau, đặc kín người đứng trên boong cười, nói, khóc, la, tay vung vẫy nhìn xuống con đường và những người phía dưới đang thảnh thơi nhìn họ như xem kẻ khùng.  Cũng có vài con tàu khác đang neo sát bờ sông, nhưng hai con tàu này nhộn nhịp nhất. Trên đường về nó hỏi tôi nếu biết đường đi thì cho em nó theo, nó sẽ ở lại với mẹ, tôi nói với nó tôi cũng đang khùng đây.

Những ngày sau chúng tôi toàn nghe tin tức xấu, cả VOA và BBC đều nói chắc chắn VC sẽ tiến chiếm Sài Gòn, chỉ là không biết đó sẽ là ngày 30 tháng 4.  Vài ngày trước đó, hàng đêm trên nóc sân thượng tôi nhìn bốn phía để thấy vài viên đạn pháo kích rơi vào một nơi nào đó trong thành phố, có một hai quả rơi trong khu vực nhà tôi.  Mới đầu anh em tôi sợ lấy nệm lót quanh tường tầng một rồi bảo mọi người xuống ngủ, nhưng chỉ được một đêm, sau đó đồng ý với nhau, “Trời kêu ai nấy dạ!”

Một vài đêm tôi đã thấy những đoàn trực thăng, rất nhiều, bay hàng một đẹp mắt, tôi đoán họ đang đưa người di tản ra hạm đội 7 như báo và radio nói.  Trước ngày cuối cùng, không nhớ đài VOA hay BBC nói VC tuyên bố sẽ tắm máu Sài Gòn khi chúng vào.  

Tôi kể cho anh tôi nghe về những con tàu đậu trên sông, về những người đi lên đi xuống, những người đợi chờ để lấy cắp toàn bộ phương tiện di chuyển của người trốn chạy, về bản tin tắm máu trên radio,... Cuối cùng chúng tôi đồng ý đặt cược trên một con tàu nào đó với quyết định sẽ về nhà ngay sau lệnh đầu hàng vì sợ sẽ bị đánh hay bắn chết tại chỗ.  Dẫu vậy chúng tôi hãy còn do dự lắm, quá nhiều rủi ro với nỗi ám ảnh từ chuyện những người đi xuống mà không biết sẽ về nhà bằng gì, hay còn nhà mà về không.  Tôi đề nghị với anh hãy để mẹ tôi quyết định.

Mẹ tôi bị tai biến đứt mạch máu phần lớn phải nằm giường từ mấy tháng nay.  Vừa nghe chúng tôi kể xong, bà bảo đi ngay thôi; có lẽ kinh nghiệm từ cuộc tản cư năm 54 đã dậy cho bà biết cộng sản là gì.  Bà không biết họ còn có cho đấu tố không, nhưng hình ảnh người bố chồng quì  gối, cầm gạch dang hai tay ám ảnh bà suốt đời.

Ngay tối hôm đó chúng tôi thu dọn đồ đạc, chị dâu và em gái nấu thật nhiều cơm, anh em tôi dấu tất cả quân phục và những gì dính líu đến quân đội lên pla-phông, tầng ba.

Sáng 30 tháng 4 chúng tôi bồng bế dắt díu nhau đi, mướn một cái xe xích lô, còn lại 2 cái xe máy và một cái xe đạp chúng tôi dẫn dắt nhau tiến ra bờ sông.

Tới nơi 2 chiếc tàu đậu song song mà tôi và bạn đã thấy nhiều ngày trước vẫn còn đó, buổi sáng cảnh hoạt động không nhộn nhịp bằng, nhưng vẫn vậy.  Chưa biết sẽ chọn chiếc nào thì chúng tôi thấy gia đình một người quen đi xuống, anh nói cho chúng tôi biết đã ở trên đó vài ngày rồi, giờ chịu không nổi với thời tiết và sự khổ nên đi về.  Vì những người chung quanh chưa biết gia đình anh về luôn nên chỗ họ ở chưa có ai chiếm.  Chúng tôi dọn vào ngay, khỏi phải quyết định sẽ phải chọn con tàu nào vì tàu nào cũng đông nghẹt, chỉ cần kiếm một chỗ cho ba, bốn người đã rất khó khăn.

Thằng em trai xung phong ở dưới coi chừng xe, tôi và vài đứa em còn lại đứng ngay trên boong nhìn xuống phù trợ.  Đứng được chừng một tiếng, nó bảo về xem nhà và nếu gặp bố tôi thì rủ ông đi luôn. Nó đi cả tiếng không trở lại, sốt ruột tôi bỏ đi tìm.  Những con đường trở nên khá vắng và có một cái im lặng lạnh lùng mà tôi chưa từng cảm thấy ở Sài Gòn.  Nhà cửa phần lớn đóng im ỉm, lâu lâu thấy nhóm người hôi của, khiêng tv, bàn ghế, …., của những gia đình khác; người ta bắt đầu tập phân chia tài sản cho công bằng.

Tôi ghé ngang nhà, bà giúp việc nhìn tôi ngạc nhiên, bà bảo bố tôi chưa về và em tôi cũng không ghé lại.  Tôi lo lắng và tức giận không biết làm sao đành đánh một vòng nhỏ rồi quay lại hy vọng sẽ gặp được nó, nhưng không--- tôi đã không bao giờ có dịp nhìn thấy nó nữa.  Tôi bỏ cuộc chạy ra bến tàu vì đó là chuyến đi không mua vé, tàu có thể khởi hành bất cứ lúc nào.  

Trước khi ra đến đường tôi gặp người bạn thân của anh tôi tới thăm.  Vừa đi tôi vừa kể cho anh nghe mọi chuyện.  Anh bảo ra thăm chúng tôi một lát rồi về vì anh còn mẹ già phải phụng dưỡng.  Ai cũng vui mừng khi gặp lại nhau, anh hỏi thăm mọi chuyện, đến khi hỏi xem chúng tôi mang gì theo thì mới bật ngửa khi biết chúng tôi mang nhiều cơm ít nước.  Anh dắt tôi qua bên kia đường mua những chai nhựa 1 gal rồi mua nước đổ vào đó.  Tôi đi lính ba năm, vừa chạy loạn từ miền trung về mà không hề nghĩ đến; những galon nước đó mới là thứ quan trọng nhất.  Nói chuyện hơn một tiếng mà hãy còn quyến luyến, thình lình hai ba viên pháo kích rơi cách chúng tôi chừng 100 mét.  Mọi thứ nhanh chóng biến thành hỗn loạn, người ta hò hét, khóc lóc, chạy ngược xuôi; người bạn anh tôi mau chóng bỏ xe nhảy lên phụ giúp.  Tôi nghe từng tràng súng máy nổ, tiếng kim loại va chạm như xe cộ đụng vào nhau bên cạnh những tiếng huyên náo khác.  Rồi tôi thấy chiếc tàu kế bên từ từ lướt qua.  Đó là một trong những lúc tôi thấy thất vọng cùng cực.  Trong giây phút đứng bất động nhìn nghe mà tôi không biết gì cả đến khi thấy người ở tàu bên kia nhảy sang tôi mới bừng tỉnh.  

Thì ra khi tàu tôi di chuyển, đứng gần boong nhìn sang con tàu kia tôi bị ảo giác.  Mừng không thể nào tả được tôi vội chạy lại đỡ những đứa bé bị cha mẹ nó ném sang cùng với đồ đạc trước rồi nhảy theo sau, nhưng rất nhiều cha mẹ đã không qua kịp, và vài người còn rớt xuống sông.  Đã có vài chục em bé đã trở thành mồ côi trong vài phút.

Con tàu chạy được chừng một tiếng hay hơn thì những người có radio cho biết tổng thống Dương văn Minh đọc diễn văn đầu hàng---bạn còn nhớ lời anh em chúng tôi giao ước với nhau trước khi lên tàu không?  

Dọc đường chúng tôi thấy xác một ca nô lớn bị bắn chìm trên sông, người ta đồn nó chở một ông nhà văn, nhà báo nổi tiếng mà tôi quên tên.  Những người điều khiển bảo chúng tôi đừng đứng lên sợ VC thấy bắn vào tàu.  Chừng tới tối, chúng tôi ra tới biển, họ bảo biển gần Vũng Tàu, tôi nhìn vào bờ, thấy đèn của hàng đoàn xe mà tôi đoán là xe vận tải của VC.  Nhìn nó nhiều người sợ, họ nâng đỡ nhau với câu, “Chỉ chừng vài tiếng nữa thôi mình ra tới vùng biển quốc tế là không sợ tụi nó nữa.”

Có thể vì nhiều người nhảy sang tàu tôi nên nó trở thành qúa chật chội, tối đó tôi kiếm mãi mới thấy một chỗ ngủ ngồi trên cầu thang, và tôi hoảng sợ thức giấc trong giấc mơ bị VC bắt lại.

Trời vẫn còn tối khi tôi bị đánh thức bởi nhiều tiếng ồn, mở mắt ra mới biết đã tới gần một tàu của hạm đội thứ 7.

(Còn tiếp một kỳ)
Vuong Vu

Ý kiến bạn đọc
19/05/201923:10:44
Khách
Thưa cô/chị Liên, tôi có gởi một email tới lanvkl@yahoo.com như ở trên hai ngày trước, hy vọng cô/chị nhận được. D.
17/05/201922:08:14
Khách
Cám ơn cô/chị, đúng là tàu Đông Hải, vậy mà tôi không thể nào nhớ nổi. Sẽ liên lạc với cô/chị sau.
17/05/201919:18:01
Khách
Có lẽ là tàu Đông Hải mà gia đình tôi cũng được may mắn lên hôm sáng 30 tháng 5, ( bỏ mất nhà ở và 2 xe gắn máy ở bến Bạch Đằng) để hy vọng ra Vũng Tàu để hạm đội vớt, nhưng không được chấp nhận đành phải đi đến Singapore.... tàu bên cạnh nghe nói cũng đi mà tôi không nhớ tên,,nếu đúng tôi xin muốn liên lạc với ông để “ đồng thuyền” hàn huyên thêm ,,, liên lanvkl@yahoo.com Đa tạ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,238,480
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến