Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
Bài số 2858-28108-vb5040810
Tác giả nguyên quán Rạch Giá, 40 tuổi, hiện là cư dân Seattle, làm việc cho hãng Boing. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của người vượt biển năm 1989, bị cưỡng bách hồi hương và sau đó được xét cho định cư tại Mỹ. Đây là bài tiếp theo, kể về trường hợp người con bị sốt tê liệt làm tật nguyền được giúp thành người hữu dụng trên đất Mỹ.
***
Năm 84 tôi lập gia đình và tới cuối năm 85 thì có đứa con trai đầu lòng, nhưng không biết vì làm lụng quá sức, hay ăn uống thiếu thốn mà thằng bé bị sanh thiếu tháng nên rất èo uột...
Vào thời điểm "ngăn sông cấm chợ" đó, thì ai là người dân mà không khổ sở!
Gần ba tuổi con trai tôi mới lững chững đi được mấy bước, nhưng nếu khi mọc răng, nóng sốt là lại không thể nào đứng lên được nữa, mà tôi cũng không ngờ là con mình bị chứng sốt tê liệt.
Một tuần lễ sau, lúc tắm rửa cho con, để con đứng vịn vào vai rồi, mà tôi thấy con mình cũng không đứng được. Để cho con ngồi xuống, tôi bóp thử bàn chân của nó thì thấy mềm xèo, tôi vội cho má tôi hay. Bà liền kêu đứa em gái út chở nó lên ông Cố, ông là em ruột của ông nội tôi. Ông biết nhiều về Đông y và rất đông thân chủ. Ông đã châm cứu cho con tôi mỗi ngày, nhờ vậy con tôi mới không bị liệt hai chân nhưng chân phải đã không cứu được.
Nhìn chân của con mình mỗi ngày một teo đi tôi thật là đau lòng, nhưng không đau lòng. Ngoài ra, còn thêm mối đau phải nghe những câu nói thật phũ phàng của cô em chồng: "Con trai nhờ đức của mẹ, hay là trước đây chị có đi ăn cướp giựt gì của ai không, mà bây giờ nó bị như vậy""
Từ đó ý định đưa con tôi ra nước ngoài để được cơ hội chữa bệnh, đã cho tôi can đảm để quyết định vượt biên dù biết rất nguy hiểm.
Sau bốn ngày lênh đênh trên biển cả thì tàu của chúng tôi gặp tàu Thái Lan.
Gọi là "tàu chúng tôi" cho oai chứ thật ra chỉ là chiếc ghe mà thôi, vì chiều dài thì được 8 thước và chiều ngang được 2.5 thước, một máy chạy dầu và một máy chạy xăng, nhưng máy chạy xăng thì đã bị hư ngay ngày đầu tiên, và trên ghe chẳng có gì để che chắn, mà lại chở cả lớn lẫn bé tổng cộng đến 31 mạng.
Ngày cuối cùng tất cả mọi người ai cũng nghĩ là tới số rồi, thôi thì đành phó thác cho mệnh Trời chứ biết sao bây giờ. Khi nhìn lên chiếc tàu Thái thì càng kinh khiếp hơn nữa. Một đám người mình trần trùng trục, quấn sà rông, đầu tóc lởm chởm, da đen thùi lùi, mình thì xâm đủ thứ hình thù quái dị, đang đứng ở trên mũi tàu nhìn xuống đám người vượt biên, với con mắt trắng dã.
Trong chuyến đi này chỉ có hai đứa con tôi là nhỏ nhất, đứa bốn tuổi và đứa kia hai tuổi, cho nên mẹ con được ngồi ở ngay trên mũi ghe. Khi nhìn thấy tàu Thái nó chưa biết tốt xấu như thế nào, vì vậy nó hét to lên "Malaysia, Singapore" cùng với hai ba người khác.
Trong chuyến đi của tôi có hai ông cựu Thiếu Tá Thiết giáp, nói được tiếng Anh, nên khi người thuyền trưởng Thái hỏi trong tàu có ai biết nói tiếng Anh không, một ông trả lời là có và họ hỏi là có ai bị bênh tật gì không, nếu có thì đưa những ai bị bệnh và con nít sang tàu của họ để nghỉ ngơi, nhưng chẳng một ai dám sang cả. Vậy là họ cho chúng tôi đồ ăn và nước uống rồi họ thòng dây kéo chiếc ghe của chúng tôi. Khi thấy họ cho thực phẩm nhưng vì sợ hãi, cho nên cũng chẳng ai dám ăn gì cả, dù mấy ngày nay lênh đênh trên biển người nào cũng chỉ ăn chút bánh hay gạo rang mà thôi.
Ban ngày còn đỡ nhưng đêm xuống thì thật là sợ, vì đám đàn bà con gái chẳng biết ai sẽ là người phải nạp mạng, nhưng thật may mắn cho chúng tôi, gặp được ông thuyền trưởng quá tốt bụng.
Nguyễn Thị Thu Hương
Seattle- Wa, Tết Canh Dần 2010