Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng / Kỳ 2

06/05/201900:00:00(Xem: 11215)
Tác giả: Khôi An
Bài số  5681-20-31488-vb2050619

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen 30 tháng Tư, 2017.


***

Từ năm 2015, năm nào chúng tôi cũng đến sinh hoạt với Hội Sinh Viên Gốc Việt ở Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association - SVSA) trong ngày nhớ về 30 tháng 4, 1975. Dù bận rộn, dù đường xa, dù kẹt xe, chúng tôi luôn có mặt để các em biết rằng có những người lớn trong cộng đồng luôn quan tâm nâng đỡ, hướng dẫn các em.

Có năm chúng tôi giúp các em mời diễn giả và tôi luôn chú tâm tìm những người có uy tín, có kiến thức để giúp các em hiểu biết thêm.  Có năm chúng tôi chỉ tặng thức ăn và góp vài lời chia sẻ, khuyến khích. Buổi tưởng nhớ thường diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Sự quý mến, nối kết giữa hai thế hệ năm nào cũng đem lại cho tôi niềm an ủi trong ngày buồn cuối tháng Tư.

Năm 2018, lời mời của SVSA trên Facebook như sau:

Hãy đến với ngày Tưởng Nhớ Tháng Tư Đen của SVSA để nhớ đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30 tháng Tư, 1975. Bằng diễn thuyết và thảo luận, mong rằng chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam và biết cách bước tới với những chấn thương tâm lý xuyên thế hệ (intergenerational trauma) - để trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai.  

Cụm từ “chấn thương tâm lý xuyên thế hệ” nghe quá nghiêm trọng và nặng nề, gợi nhớ lại những thắc mắc thoáng qua đầu tôi trong tuần lễ nghỉ Xuân. Có lẽ gần đây các em bàn luận khá nhiều về sức khỏe tinh thần của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và các em đã học ở đâu đó ý kiến rằng thế hệ tị nạn có nhiều người bị chấn thương tâm lý nhưng họ không cố gắng chữa trị, và những thương tích đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ của các em.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó khi nghe tin rằng năm nay các sinh viên sẽ là diễn giả chính. Tôi hào hứng chờ dịp nghe chia sẻ của các em.

Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư, 2018, buổi họp bắt đầu lúc bảy giờ chiều, gần với giờ tan sở. Len lỏi trên freeway hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến nơi hơi trễ nên lỡ mất vài phần đầu. Rón rén đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, tôi nhìn quanh và thấy một số em trong nhóm Alernative Spring Break. Điều hơi lạ là nhiều em không chạm mắt với tôi, như thể chưa từng quen biết hoặc không nhận ra tôi. Ngay lúc đó, màn ảnh bật lên đề tài của phần kế tiếp: 30 Tháng Tư Từ Góc Nhìn của Một Sinh Viên Từ Bắc Việt Nam.

Diễn giả là một sinh viên cao ráo, trắng trẻo, gốc Hà Nội, và sang Mỹ từ thời trung học. Bằng tiếng Anh lưu loát và phát âm chuẩn, cậu ta mở đầu rằng những điều về chiến tranh Việt Nam cậu từng nghe thời đi học ở Hà Nội rất khác với những gì người Việt hải ngoại trình bày. Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam. Cậu nhắc đến số người đã chết trong chiến tranh và nhận định rằng Việt Nam chỉ là mặt trận nơi người Việt đổ máu để các thế lực quốc tế tranh chấp. Cậu cũng nhắc đến sự “thù hằn”, chia rẽ Bắc, Nam của người Việt hải ngoại.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi nghĩ giới trẻ cũng nên biết suy nghĩ của những người xuất thân từ cả hai bên chiến tuyến, và tinh thần dân chủ ở Mỹ cổ võ việc mọi người đều được nói lên ý kiến của mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi dịp mình được nói. Sau phần thuyết trình là vài phút đặt câu hỏi, có một vị khách lên tiếng phản bác một cách khá sôi nổi nhưng anh mới nói khoảng một, hai phút thì cô sinh viên điều khiển chương trình thông báo đã tới giờ bàn luận theo nhóm.

Hơi thất vọng vì không có dịp nói lên ý kiến trước mọi người, tôi đến bên cậu sinh viên gốc Hà Nội và bắt chuyện. Câu ta ăn nói khá lễ phép và tỏ vẻ chịu lắng nghe.

Tôi chia sẻ, “Tôi hoàn toàn đồng ý với cháu rằng Việt Nam bị biến thành chiến trường, và đau thương, mất mát của người dân cả hai miền đều rất lớn. Tuy nhiên, điều cháu chưa nhận thấy là: chỉ có miền Bắc tấn công miền Nam trong suốt cuộc chiến. Đa số người miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng Tàu và Liên Sô không chấp nhận chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Dương, chúng ép buộc Bắc Việt phải đánh và Hà Nội không bao giờ dám cãi lệnh. Đó là nguyên nhân sâu xa cho mọi đau khổ của tất cả mọi người trong cuộc chiến. Cháu hãy nghĩ xem, một nhà cầm quyền lừa dối dân, dùng khẩu hiệu ‘giải phóng’ và ‘cứu nước’ để vét hết thanh niên - kể cả những người mới mười lăm, mười sáu tuổi, để ném vào cuộc chiến theo lệnh của đàn anh thì có thể là chính quyền tốt cho đất nước hay không?”

Cậu sinh viên Hà Nội gật gù, thoáng một chút suy tư trong mắt nhưng ngay lúc đó ban tổ chức buổi lễ tuyên bố chấm dứt. Lúc đó mới có tám giờ rưỡi mà theo thông báo từ trước thì buổi lễ kết thúc lúc chín giờ.

Tôi giơ tay xin hai phút, nhưng một cậu sinh viên cao lớn  – sau này tôi mới biết tên là B. – lắc đầu, bảo đã hết giờ. Tôi chỉ tay lên đồng hồ, nhắc là còn nửa tiếng, nhưng B. và ban tổ chức một mực từ chối với lý do nửa tiếng sau cùng giành cho buổi họp hàng tháng của hội SVSA.

Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay. Có hai em sinh viên cũng chạy theo tôi, nói rằng họ không đồng ý với hành động của B., và ngỏ ý muốn nghe điều tôi định nói. Hai em sinh viên này, những vị khách Mỹ, và tôi đã nán lại ngoài cửa phòng họp để bàn luận, chia sẻ ý kiến về chiến tranh Việt Nam cũng như ưu tư về tình hình Việt Nam cho đến tận chín giờ.

Tôi suy tư suốt quãng đường về và cả ngày sau đó. Ban tổ chức của buổi lễ năm nay có vẻ rất khác so với các lần trước. Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.

Sau đó, tôi gởi một email cho trưởng nhóm SVSA hỏi về lý do của sự thay đổi về đường lối và thái độ của nhóm trong buổi lễ.

B. thay mặt cho trưởng nhóm trả lời thư. Sau nhiều lý luận và lý do, cậu ta kết thư,

“Mục đích của buổi tưởng niệm năm nay là ôn lại lịch sử chiến tranh phức tạp của chúng ta, để hiểu tâm tư và quan điểm của thế hệ hiện nay và bàn luận cách đi tới. Nhưng những điều đó sẽ không thực hiện được nếu những thành viên của hội cảm thấy bất an và bị cô lập trong chính buổi lễ của hội; ngay cả một vài thành viên quốc tế (international members) đã lo lắng một cách chính đáng khi đến buổi lễ vì họ biết đó là một ngày có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và quan trọng với nhiều người; họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh.

Lúc đó tôi mới có thể ghép các mảnh sự kiện lại với nhau. Có lẽ B. và vài người trong ban tổ chức đã bàn bạc trước buổi lễ và sắp đặt cách chặn không cho khách nói. Có lẽ các thành viên biết rằng ban tổ chức không thật tình muốn các bậc phụ huynh đến, và đó là lý do các em sinh viên từ Alternative Spring Break đã tránh mắt tôi. Nghĩ xa hơn, có vẻ gần đây các sinh viên đã tham dự các khóa học hay bàn luận về sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt, và có thể vì một toan tính nào đó mà một số tài liệu đã bị dùng để vẽ nên một hình ảnh kém chính xác về tình trạng sức khỏe tâm thần của cả cộng đồng người Việt tị nạn.

Tôi viết thư trả lời SVSA rằng một phút mặc niệm nạn nhân Mậu Thân và thái độ của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam hèn với giặc ác với dân không thể làm tổn thương thành viên của SVSA. Tôi nói rằng ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi.

*

Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Tôi muốn đến vì tôi luôn quý mến SVSA, vì các bậc phụ huynh không quay lưng với con cháu dù trước đây họ có làm điều không đúng. Tôi muốn đến để tìm cơ hội đóng góp chút kiến thức về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đúc kết trong suốt mấy chục năm qua bằng khối óc và trái tim của chính tôi, và bằng sự chỉ bảo cùng kinh nghiệm sống của các bác, các chú, các cô mà tôi quen biết. Và tôi muốn đến để luyện cho chính tôi lòng kiên trì nhưng rộng lượng khi làm việc với lớp trẻ.

Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì. Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố. Thật đáng tiếc vì ngày hôm đó tôi có giờ dạy ở Alameda College nên tôi không thể bỏ lớp.

Thế là năm nay tôi tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College. Tôi cho học viên nghe Quốc Ca VNCH, cho họ biết rằng ngày 30 tháng 4 ngày là ngày buồn của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở khắp thế giới, trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam, và giải thích tại sao tôi ở đây. Tôi chiếu hình năm vị tướng VNCH tuẫn tiết và nói rằng dù bốn mươi bốn năm đã qua, chúng tôi vẫn tưởng nhớ những anh hùng đã chết theo tự do ngày miền Nam bị chiếm.

Tuy không đến được với SVSA nhưng tôi vẫn nghĩ mãi về các em trong nhóm đó. Những sinh hoạt với SVSA đã giúp tôi học hỏi thêm về thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại. Họ rất thông minh, nhanh nhẹn - đúng chúng ta mong ước, nhưng có vẻ họ đang bị rối trong tiến trình “trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi. Có vẻ họ đang phân vân ngay trong việc đánh giá những điều mà cha mẹ họ tin tưởng, những người mà cha mẹ họ kính phục, và ngay cả sự chính đáng của hai mươi năm hy sinh xương máu của cha ông họ.

Tuổi trẻ Việt ở hải ngoại chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, lớp học, bạn bè hơn những câu chuyện được lập đi lập lại trong gia đình. Điều nguy hiểm là rất nhiều tài liệu ngoài xã hội thuộc loại tác phẩm của Ken Burns. Những người không có phương tiện gì đáng kể như tôi làm được gì trước các đội ngũ chuyên viên có mấy chục triệu đô la để chọn lọc một nửa sự thật và nhào nặn ra một tác phẩm có sức dẫn người xem tin vào “sự dối trá lợi hại” do họ dàn dựng?

Tuy vậy, chúng ta có hai thứ mạnh nhất: đó là sự thật và tấm lòng.

Sự thật hiển hiện ở những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang gây ra trên đất nước Việt Nam. Từ việc cho Tàu thuê đất dài hạn mà người dân không hề biết tiền thuê đi về đâu, từ sự độc tài, xa xỉ hơn vua chúa của những người cầm quyền, từ những tin tức về trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị xâm hại nhan nhản mỗi ngày trên báo chí, từ việc người Việt Nam ăn uống, thở hít chất độc nên bị ung thư nằm la liệt khắp các nhà thương, từ các công trình do nước ngoài chung vốn với nhóm chóp bu đang giết dần môi trường sống ở Việt Nam… Chỉ cần theo dõi tin tức Việt Nam một thời gian ngắn là ai cũng có thể thấy những sự thật này.

Tấm lòng là tình cảm sắt son của chúng ta với Việt Nam. Khi nào tình cảm đó còn đủ lớn chúng ta sẽ còn quan tâm, học hỏi, và chọn những việc làm hợp lý, hợp thời để giúp Việt Nam và để hướng dẫn, nâng đỡ lớp trẻ gốc Việt.

Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì.

Tôi hiểu những điều đó viết ra thì dễ nhưng làm thì hết sức khó. Nhưng, hiểu như vậy cũng là được một bước rồi.

Tôi đã từng nói rằng tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và Hoa Kỳ đã dưỡng dục tôi. Sau gần năm mươi năm dưới chế độ tham tàn, Mẹ Việt Nam đã quá hao mòn, gầy guộc. Gần đây, tôi nhận thức thêm rằng tình cảm của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu tôi giúp nuôi dưỡng cảm xúc đó trong thế hệ tiếp nối. Được như vậy, nhiều thế hệ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với những người con chân chính đang sống trong lòng Mẹ Việt Nam để đem ấm no, hạnh phúc, và tin yêu trở lại bên Mẹ.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
06/05/201921:46:38
Khách
Miền Nam đã không thể có cơ hội đánh thẳng vào đầu não chiến tranh của cộng sản ở miền Bắc. Lý do là vì Hoa kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn. Các đề nghị tiến quân ra Bắc ngày 4-5-1964 của trung tướng Nguyễn Khánh, ngày 1-12-1965 của trung tướng Nguyễn Chánh Thi, trong năm 1966 của đại tướng Cao Văn Viên đều bị Hoa kỳ bác bỏ. Sau này, thống tướng Westmoreland cũng nói rằng vì mục tiêu chiến lược của Mỹ, nên ông ta không được tiến quân ra Bắc, không được phá hủy đường mòn Hồ chí Minh.

Ngày 08-03-65, hai tiểu đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến đổ bộ lên Đà Nẳng. Ngày 12/7/66, tổng thống Lyndon Johnson,trong diễn văn đọc trước American Alumni Council, đã khẳng định: “Chúng ta không có ý tiêu diệt Bắc Việt. Chúng ta không có ý thay đổi chính quyền tại đó. Chúng ta không có định thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn tại miền Nam. Chúng ta đưa quân đến Nam Việt Nam cốt để thuyết phục Bắc Việt nên chấm dứt xâm lăng các nước lân bang, và chứng tỏ cho Hà Nội biết rằng chiến tranh du kích do nước này gây ra chống nước kia sẽ không thể có kết quả. Chúng ta cần Bắc Việt biết giá xâm lăng của họ sẽ rất cao để họ chọn lựa giữa thương thuyết hay đơn phương chấm dứt cuộc xâm lăng ".
.
Trong cuộc gặp gỡ hôm 20/6/72, ngoại trưởng Kissinger đã nói với thủ tướng Tàu cộng Chu ân Lai rằng Hoa Kỳ không có ý định tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt ” chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ “.
06/05/201918:39:33
Khách
Sửa nhà được không hay đem về tới đâu thì bọn ở trên ăn tới đó ?
Sửa nhà xong dân có được ở không hay đem dâng cho Tàu?
Tại sao con Mẹ quá nghèo và kiệt quệ sau gần 50 năm không đánh nhau?
Tại sao vậy?
Đừng kêu gọi hòa giải vì tụi CS là một lũ lừa bịp, khi người ta đã vào tròng rồi nó mới xiết. Hòa giải với CS là đưa đầu cho chúng.
Đừng kêu gọi hòa giải vì bọn chóp bu là bọn vô lương tâm, để mặc cho trẻ em VN chết đuối qua sông trong khi chúng mua hàng hiệu ngập mặt ngập mày để khoe của với nhau. 1 ca'i túi xách của chúng dư sức xây 1 cây cầu. Làm lãnh đạo ăn ngon như vậy, lý do gì chúng từ bỏ ?
Làm ăn với CS là làm cho chúng ăn ít nhất 30% chúng mới để yên (làm ăn ở VN phải dùng 30% tiền lợi nhuận hối lộ, đó là một cái luật mà ai làm ăn cũng phải hiểu.)
Ngay cả làm từ thiện ở VN cũng phải mất 1 phần cho chúng.
Nhưng người hải ngoại vẫn làm đó thôi. Không có người hải ngoại, dân VN chết đói từ thời 1979-1980 rồi.
Họ vẫn tình cảm, vẫn nói lên sự thật, vẫn chống chính quyền CS tham tàn, và vẫn giúp đỡ vì họ thương người thân của họ.
06/05/201918:15:53
Khách
Quên đi chiến tranh tương tàn. Chẳng cần tình cảm sôi nổi. Chẳng cần một ngàn sự thật. Xin cùng nhau sửa lại căn nhà xiêu vẹo cho Mẹ Việt. Con Mẹ quá nghèo và kiệt quệ để phá nó đi để xây cho Mẹ một căn nhà mới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 834,271,960
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.