Hôm nay,  

Chuyện Nơi Phi Trường 2

27/04/201900:00:00(Xem: 10628)
Tác giả: Cánh Chuồn Chuồn
Bài số  5673-20-31479-vb7042719

Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất của chàng.

* * *

Nếu ai có đọc “Chuyện nơi phi trường” tôi viết vào năm 2017 thì biết tôi đã từng là một nhân viên an ninh ở phi trường quốc tế Los Angeles.  Tôi làm ở đó được bốn năm - hai năm rưỡi làm lính, và một năm rưỡi làm đội trưởng.

Trên đời này, trong xã hội dân chủ hay độc tài, tư bản/tự do hay cộng sản không một ai thích đụng chạm tới an ninh, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Còn phi trường là một nơi bát nháo, hối hả, vội vã, xô bồ nhất trong một xã hội; và cũng là nơi tứ chiếng mà người với người có đụng chạm, tương tác với nhau nhưng chắc chắn chín mươi chín phần trăm sẽ không gặp lại nhau lần thứ hai trong đời.

Cổng an ninh trong phi trường là một tập hợp của cái “bất khả kháng” cộng với vô vàn sự hối hả, xô bồ, tứ chiến.  Đó cũng là nơi tôi đã có những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn.  

Bất cứ công việc nào, ở đâu cũng có chuyện vui, chuyện buồn trong nghề.  Chắc không ai rảnh để đọc, hay muốn nghe ba cái chuyện vớ vẩn, thường tình đó; cho nên trong bài viết này tôi muốn đổi tông và kể lại vài chuyện hấp dẫn và khiêu gợi sexy trong bốn năm làm nhân viên an ninh ở phi trường.

Nếu nói về hấp dẫn và khiêu gợi thì không chuyện nào hơn được mấy vụ xét hay khám người mẫu diện áo tắm chụp hình cho tuần báo thể thao Sport Illustrated.

Có một hôm tôi đang đứng quan sát hành khách ở cổng an ninh thì đứa bạn làm chung ca gọi tôi.

-Vic!  Ông canh giùm cái cổng từ vài phút được không?

Victor là tên của tôi dùng để giao thiệp với người Mỹ.

-OK!  Tôi đáp rồi bước tới canh cổng từ.  

Tưởng chuyện gì lớn, quay lại thấy đứa bạn đi tới trước mặt một nữ hành khách đang đứng giang tay, giang chân khi bị khám xét cơ thể.  Đứa bạn vẫy tay trước mặt người nữ hành khách đó rồi nói.

-Chào cô!  Tôi tên là Michelle.  Tôi hân hạnh được gặp cô.  Tôi thích chương trình của cô lắm.

Mặc dù đang bị khám nhưng người nữ hành khách vẫn đưa tay vẫy, cười đáp với con Michelle.  Chỉ chừng đó thôi, rồi con Michelle quay lại thế tôi canh cổng từ.  Tôi ngạc nhiên hỏi nó.

-Ai vậy?

-Thần tượng của tôi!  Tyra Banks!

-Tao tưởng thần tượng của mày là phi hành gia chứ?  Mày đang học và muốn làm phi công thì mắc mớ gì mày thích Tyra Banks?  Tôi hỏi.

-Ông không biết gì hết!  Đã là phụ nữ thì ai không thích đẹp, không thích làm đẹp, không thích ăn diện đẹp, không thích làm người mẫu!

Nghe vậy tôi mới nhìn kỹ lại nữ hành khách đang bị khám.  Tyra Banks là một “siêu mẫu” da đen nổi tiếng chuyên diện áo tắm của thập kỷ 80 và là chủ nhiệm phát hành chương trình truyền hình “America's Next Top Model”.

Có lẽ vì không có ánh đèn, không trang điểm son phấn nên cô ta nhìn cũng thường không có gì đặc sắc hay nổi bật về vóc dáng hay sắc đẹp.  Tôi có phần thất vọng!  Đúng là gặp mặt không bằng nghe tên!

Nói thêm một chút về con nhỏ Michelle.  Nó chừng hai mươi mấy tuổi, người da đen có hoàn cảnh sống khó khăn - vừa đi học, vừa đi làm, không có cha mẹ, anh em và hiện đang sống với bà ngoại già khó tính.   Nó nhỏ người nhưng có ước mơ và nghị lực lớn; nó thường nói với tôi là “Mai mốt đây, bầu trời sẽ là văn phòng của tôi!”  Nó muốn trở thành một phi công lái máy bay hành khách.  Hy vọng nó sẽ đạt được ước nguyện đó.

*

Trở lại chuyện hấp dẫn và khiêu gợi sexy.  Cỡ chừng tháng sau, tôi có dịp nói chuyện và tiếp xúc với cô Paris Hilton.  Paris Hilton là một công chúa tư bản được sanh ra trong một gia đình nổi tiếng, giàu có, nắm đầu tập đoàn khách sạn Hilton.  

Cô ta bị chặn lại để khám cơ thể vì khi đi qua cổng từ thì có báo động - có mang kim loại trong người.

Tôi ngạc nhiên vì thấy cô ta chỉ đi có một mình.  Thấy cô ta đứng ngơ ngác, tôi bước tới chào xã giao.

-Chào cô!  Cô mạnh khỏe?

-Cảm ơn anh!  Tôi cũng thường!  Anh làm ơn cho tôi biết vì sao cổng từ lại báo động khi tôi bước qua?  

-Có thể vì cô đeo quí kim trên người.  Cái kẹp tóc, cái đồng hồ, đôi giày của cô có kim loại trong đó làm cho máy báo động.

-Bây giờ tôi mới biết thì ra là vậy!  Cảm ơn anh nhiều!

-Trong khi chờ đợi khám xét, cô có thể vui lòng cởi giày ra để tôi cho chạy qua máy X-ray khám không?

-Vâng!  Xin phép phiền anh!

-Cô có cần ngồi ghế để cởi giày ra không?

-Cảm ơn anh!  Tôi không cần.

Paris Hilton đứng cởi đôi ủng Ugg ra, rồi bỏ vào khay để tôi mang đi.

-Xin lỗi tôi đã làm phiền anh.

Theo cách nói mới, cải lương, và ảnh hưởng của Trung Quốc thì tôi phải dịch câu trên là “Phiền anh phải vất vả rồi!”

-Không có chi!  Đây là công việc của tôi.  Tôi lịch sự đáp.

Tôi không có để ý hay phê phán gì về cuộc sống riêng tư hay chuyện cá nhân của cô Paris Hilton - con gái của một tỷ phú và bản thân cô ta là một doanh nhân triệu phú.  Tôi chỉ nhận biết qua vài phút tiếp xúc và nói chuyện, tôi thấy cô ta là một người quý phái và xinh đẹp như một búp bê Barbie.  Cô ta hoàn toàn không có vẻ tự cao, tự đại, tiểu thư, ngược lại cô ta nói năng rất nhỏ nhẹ, ngọt ngào, lịch sự.  Cô ta luôn miệng nói “xin lỗi, làm ơn, xin phép, đã làm phiền, v.v…”, cách nói chuyện như vậy làm người nghe sướng cái lỗ tai, và mát cả ruột, gan.  Đúng là nghe tên, nghe tiếng không bằng gặp mặt!

Ngoài Tyra Banks, Paris Hilton ra tôi còn gặp nữ ca sĩ Pink và Courtney Love, và Miss Teen USA, một đứa bé gái khoảng mười sáu tuổi xinh đẹp nhưng trang điểm, phấn son hơi nhiều.  

*

Một bữa khác vào lúc cuối ngày, đang đứng cà rơ, phất phơ vì vắng hành khách, tôi thấy một anh chàng da đen cao to, ăn bận lịch sự đang gom thu đồ vật cá nhân chạy ra từ máy X-ray; tôi bước lại chào.

-Chào anh!  Anh mạnh giỏi?

-Tôi cũng tốt.  Cảm ơn anh.  Anh ta nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn lịch sự trả lời.

-Anh có thể giúp tôi một việc nhỏ được không?  Tôi hỏi.

-Anh cần gì?

-Anh thấy cô gái đang lau chùi cái máy ở đằng kia không?  Tôi chỉ đứa lính của tôi cho anh ta thấy.

-Vâng!  Tôi thấy.

Tôi trổ tài nói dóc như chú Cuội ngày xưa.

-Hôm nay là ngày sinh nhật của cô ta.  Tôi biết cô ta thích anh; vậy tôi nhờ anh đi đến cô ta và nói “Sinh nhật vui vẻ, Sarah!”.  Hãy làm cái ngày đặt biệt của cô ta thêm đặt biệt!  Xin lỗi tôi đã làm phiền anh và cảm ơn anh nhiều!

-Không!  Tôi phải cảm ơn anh đã dành cho tôi cơ hội này!  Câu nói của anh ta quá bất ngờ và làm tôi vô cùng ngỡ ngàng.

Rồi anh ta đi tới gặp con Sarah và chúc mừng sinh nhật nó.

Chuyện sinh nhật của con Sarah là do tôi bịa ra.   Tôi chỉ biết là nó thích những người nam da đen cao to, và tôi hoàn toàn không biết anh chàng da đen kia là ai.  Cuối một ngày dài, làm việc mệt mỏi, tôi chỉ muốn làm gì đó cho mấy đứa lính của tôi vui trước khi tan ca.


Con Sarah sau khi lau dọn sạch sẽ bốn cái máy dò thuốc nổ, bước đến gần tôi với vẻ mặt hớn hở và cái lỗ mũi nở to như trái cà chua chín cây.  Nó nói.

-Cảm ơn nhiều, Vic!  Tôi biết chỉ có ông mới làm như vậy và đối xử tốt với bọn tôi.  Tôi không ngờ là Devean George chúc mừng sinh nhật tôi.

Tới lúc đó tôi mới biết anh chàng da đen kia là một cầu thủ bóng rổ chơi cho đội Los Angeles Lakers.

*

Thừa thắng xông lên, bổn cũ soạn lại.  

Qua bữa khác, khi thấy quarterback Matt Leinart, một cầu thủ chơi cho đội football Arizona Cardinals, đang thu gom đồ vật cá nhân; tôi bước lại nói.

-Chào anh!  Anh mạnh giỏi?

-Tôi cũng tốt.  Cảm ơn anh.  

-Anh có thể giúp tôi một việc nhỏ được không?  Tôi hỏi.

-Tôi có thể giúp anh chuyện gì?

-Anh thấy cô gái đang cầm cái bảng ghi số ở đằng đó không?  Tôi chỉ đứa lính của tôi cho anh ta thấy.

-Vâng!  Tôi thấy.

Tôi lại trổ tài nói dóc như chú Cuội ngày xưa.

-Hôm nay là ngày sinh nhật của cô ta.  Tôi biết cô ta thích anh; vậy tôi nhờ anh đi đến cô ta và nói “Sinh nhật vui vẻ, Melissa!”.  Hãy làm cái ngày đặt biệt của cô ta thêm đặt biệt!  Xin lỗi tôi đã làm phiền anh và cảm ơn anh nhiều!

-Không có gì!  Để tôi làm!

Và Matt Leinart đã làm như lời hứa.

Sau đó con nhỏ Melissa bước đến chỗ tôi đứng với vẻ mặt tươi rói như hoa hướng dương giữa trưa.

-Cảm ơn nhiều, Vic!

-Không có gì!  Vui rồi hén!  Tháng này không được làm biếng nữa nghen!

-Ông nói giỡn hoài!  Ông có thể nói với Matt Leinart là anh ta có thể có con với tôi bất cứ lúc nào không?

-Mày đừng có mơ!  Nói dóc đủ rồi.  Đi làm lại đi.

*

Vào một buổi tối gần tới giờ đóng cổng an ninh, thấy thằng bạn da đen đang đứng canh cổng từ, lưỡi thè ra dài tới rốn, mắt đờ đẫn như bị thôi miên.  Tôi nói lớn.

-Chris!  Mày làm gì vậy?  Quắc tay cho người ta qua, để tao còn khám hành lý.

Thằng Chris giật mình như tỉnh cơn mộng, đưa tay vẫy cho hành khách bước qua cổng từ.  Bước vào một người nữ da đen cao to, ăn mặc lộng lẫy như đi dạ hội.  Kế tiếp là một người nam da đen có khuôn mặt ngố ngố, ăn bận lịch sự bước vào.  Có lẽ là hai người này là những nhân vật quan trọng nên có một nhóm tùy tùng năm bảy người lục tục theo vào.  

Nhìn qua máy X-ray, tôi thấy một màn hình đen thùi lùi.

-Để tao xét cái túi này.

Đứa đồng nghiệp đang coi máy X-ray, nháy mắt, rồi nói nhỏ.

-Tao biết mấy người này, khỏi xét, cho qua đi.

-Vì sao vậy?  Mày đâu thấy gì trong màn hình đâu mà cho qua.  Tôi hỏi.

-Cho qua đi.  Nó nhún vai rồi đáp.

Không thỏa mãn với câu trả lời, tôi bèn niệm câu thần chú vô cùng linh nghiệm ở đất nước Mỹ này.  Không cần biết thân sơ, già trẻ, lớn bé gì, ai nghe câu thần chú này cũng phải im re, không dám hó hé, hay cụ cựa.

-Xin lỗi!  Tao phải làm công việc của tao!

Nói lịch sự hơn một chút là “Thông cảm!  Tôi đang thi hành phận sự của tôi”.

Nghe câu thần chú này, đứa bạn đồng nghiệp coi máy X-ray im re, nó chỉ biết nhún vai, chào thua.

-Nếu họ không muốn bị xét hành lý thì họ bay máy bay riêng rồi.  Còn đi vô chỗ đây thì phải chấp nhận.  Tôi vừa nói, vừa kéo cái túi xách ra khỏi máy.

-Tôi cần xét cái túi này.  Tôi nói với người nam mặt ngố ngố.

-Anh cứ tự nhiên.  Anh ta lơ đãng trả lời.

-Tôi cần anh quan sát, chú ý đến hành động của tôi trong lúc tôi lục xét đồ vật của anh.  Tôi nhấn mạnh.

Chữ “quyền” đi trước chữ “hành” theo sau!

-Vâng!  Được thôi!

Trong túi có một đống lớn đồ trang sức vàng và kim cương của nam và nữ.  Tôi xét loa qua, rồi đưa túi đồ lại cho người nam.

Nói thêm là tia quang tuyến X không thể đi xuyên kim loại nặng như kẽm, chì, vàng hay bạch kim.  Những kim loại này khi qua máy X-ray thì trên màn hình chỉ hiện lên màu đen.

Đợi cho nhóm người đó đi khuất, tôi hỏi hai đứa bạn.

-Họ là ai vậy?  Vừa rồi hai đứa bây làm gì như gặp vua vậy?

Thằng Chris lắc đầu, trả lời với một giọng đầy thương hại.

-Họ là Beyoncé và Jay-Z.

Con rùa đen!  Không biết, không có tội!  Gặp mặt không bằng nghe tên!

*

Minh tinh điện ảnh mà tôi thấy và gặp được cũng khá nhiều như Sally Fields, Susan Sarandon, Michelle Rodriguez, hai chị em sinh đôi Ashley và Mary-Kate Olsen, Kurt Russell, Tobey Maguire, danh hài Sinbad, Richard Simmons, John Stamos, chú hề Ronald McDonald, v.v….

Ngôi sao thể thao thì tôi có gặp nữ cầu thủ bóng rổ Lisa Leslie, Diana Taurasi, running back Reggie Bush, cầu thủ bóng rổ Rick Fox, đội bóng tròn Los Angeles Galaxy, đội bóng chuyền nữ Hoa Kỳ, v.v….

Còn chính trị gia thì tôi có bắt tay mục sư Reggie Jackson, phó thống đốc Cruz Bustamante, v.v….

*

Ở đời có qua, có lại mới toại lòng nhau.

Một buổi sáng khi đứng chờ xét đồ, tôi thấy chạy ra từ máy X-ray một túi xách trong có mấy ổ bánh mì Lee’s Sandwiches và “ngầu” hơn nữa là có mấy cuốn Viết Về Nước Mỹ.  Vô mánh!

-Chào anh!  Tôi nói với người đàn ông đang lúi cúi mang giày.

-Dạ!  Chào anh!  Anh là người Việt!?!

-Em là người Mỹ, nói tiếng Việt.  Tôi nói giỡn.

-Anh bay đi hay bay về?  Tôi hỏi tiếp.

-Bay về!  Qua đây ở nhà đứa em chơi ba tuần, nay bay về.

-Mấy cuốn sách này, anh mua đọc hay biếu?  Tôi hỏi.

-Tôi đọc.

-Có truyện của em đăng trong sách.  Tôi nói.

-Xin phép hỏi tên anh.  Người đàn ông nhìn tôi với một ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên.

-Em là Cánh Chuồn Chuồn.

Nghe vậy người đàn ông nói với người đàn bà bước vô sau.

-Em! Đây là anh Cánh Chuồn Chuồn.

-Chào chị!

-Chào anh!  

-Anh nhờ ảnh ký tên vô cuốn sách làm kỷ niệm.  Người vợ đang thu gom đồ, nói với người chồng.

Có chuyện này nữa sao!?!

-Hân hạnh!  Hân hạnh!  Tôi vừa nói, vừa rút cây viết trong túi ra ký tên vô mấy cuốn sách.

-Anh viết truyện hay lắm đó!

-Cảm ơn anh!  Em không có học tiếng Việt nên không biết viết văn.  Em chỉ kể chuyện lạ lạ cho vui thôi.  Tôi thú thật.

-Thì anh ráng viết kể thêm.

-Cảm ơn anh!  Mỗi năm em cũng ráng kể một chuyện.  Chúc anh chị thượng lộ bình an.

Mãi nói chuyện, tôi quên tịch thu mấy ổ bánh mì.  Nói giỡn chơi thôi chứ an ninh Hoa Kỳ không xơi bánh mì.  Hiểu hôn?

*

Tôi để dành những hình ảnh, hành động thú vị và hấp dẫn nhứt vào cuối câu chuyện - đơn giản chỉ là những cái bắt tay chào, những lời cảm ơn, tri ân đến công việc của tôi từ những cặp vợ chồng già, những người mẹ tay xách, nách mang, con cái trẻ dại đùm đề, những hành khách khuyết tật, những thương binh trở về từ chiến trường Iraq, Á Phú Hãn, và những người phi công.

Những cái bắt tay, lời cảm ơn, tri ân ở một nơi có vô vàn sự hối hả, xô bồ, tứ chiến đã để lại trong tôi bài học nhân văn vô cùng quý giá.  

Dù đã hơn mười năm từ ngày tôi nghỉ làm an ninh trong phi trường, nhưng những trải nghiệm hấp dẫn kể trên vẫn luôn nhắc nhở tôi hãy cố gắng có một đời sống lịch sự và nhân văn trong khi vẫn còn tất bật quay cuồng trong cơn lốc cơm áo, gạo tiền.

Cuộc đời sắc sắc không không,
Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau.
Lễ Phục Sinh 2019
Cánh Chuồn Chuồn

Ý kiến bạn đọc
11/08/202018:52:40
Khách
Bài viết hay, nhưng nếu đừng dùng chữ của Việt Cộng thì sẽ hay hơn . Thí dụ như "nhân văn" là chữ Việt Cộng bắt chước theo bọn Tàu Cộng .

Việt Cộng đã thay thế một số chữ Việt thuần tuý với loại tiếng Hán hoá [ Viet commies Sinicized the Vietnamese language ], thí dụ như bỏ "cuống quýt" để dùng "khẩn trương" . Người Việt nào không muốn đầu óc bị dưới bóng Tàu thúi tha thì nên loại bỏ chữ của bọn Tàu Cộng . Văn là người .
27/04/201915:17:28
Khách
Bài viết hay và vui quá nhất là được biết thêm những niềm vui trong sinh hoạt rộn ràng của an ninh phi trường .Xin cảm ơn và mong tác giả có thêm nhiều tác phẩm
độc đáo nữa .
27/04/201908:07:10
Khách
Mở trang VVNM, thấy... Cánh Chuồn Chuồn. Tui vui lắm! Cánh Chuồn Chuồn hiểu heng!
Ừ, nếu hiểu thì biết phải làm gì rồi đúng không(?!)
Là... “tứ chiếng” nghen!🤓...
Trân trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến