Hôm nay,  

Một Người Nhật Ở Little Saigon

25/03/201900:00:00(Xem: 12319)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số  5649-20-31455-vb2032519

 
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018.  Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và  thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.

 
***
 

Có khá nhiều nhan đề kiểu như trên mà tôi đã lấy cảm hứng để đặt cho bài viết này, từ những cuốn phim như “An American Werewolf in London” (1981), “An American Werewolf in Paris” (2017), “An American in Texas” (2017), hay cuốn tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh “Một người Nga ở Sài Gòn” (1986). Cũng như một số trong các tác phẩm kể trên, câu chuyện tôi kể dưới đây là chuyện thật.

 “Người Nhật” ở đây là anh Hayashi Takaya. Người Nhật cũng dùng thứ tự họ trước tên sau như người Việt mình. Takaya là sinh viên tiến sĩ từ Đại Học Osaka bên Nhật về ngành ngôn ngữ và văn hoá. Tôi được biết anh qua sự giới thiệu của một giáo sư người Nhật dạy tiếng Việt tên là Kitayama Natsuki, người mà chúng tôi trong các khoá huấn luyện và tu nghiệp sư phạm ở Nam Cali được đón tiếp trong những mùa hè vừa qua và gọi thân mật là “cô Na”.

Anh Takaya được trường đại học cử đi Mỹ để tập sự trong vòng ba tháng và anh muốn tôi giới thiệu cho anh một cơ sở văn hoá nào đó ở Orange County để làm một đề tài nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở địa phương. Sau khi tôi nêu một số tổ chức như truyền hình, phát thanh, báo chí, trường Việt ngữ, hướng đạo, gia đình phật tử và thiếu nhi thánh thể cho Takaya lựa chọn, cuối cùng anh đã chọn tập sự với đài truyền hình. Tôi giới thiệu anh vào tập sự với đài SBTN với sự chấp thuận của cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên—phu nhân của giám đốc đài truyền hình, nhạc sĩ Trúc Hồ—đồng thời là xướng ngôn viên của đài. Hành trình đến nước Mỹ và thời gian lưu lại quận Cam của anh Takaya bắt đầu từ đó, vào thượng tuần tháng 12 năm 2018.

Takaya cho biết, tên của anh phiên âm ra tiếng Việt là “Tai”. Chữ này chỉ có âm mà không có nghĩa, nhưng nó thường làm người Việt chúng ta liên tưởng đến những chữ “tai” có nghĩa khác. Lần nào Takaya cũng phải giải thích điều này cho người khác. Vì vậy tôi đề nghị anh nên đổi nó thành “Tài” cho dễ nghe và dễ hiểu, muốn hiểu là “tiền bạc” hay “tài năng” cũng được, nghĩa nào cũng hay. Thế là Takaya chính thức có tên Việt Nam là “Tài” để dùng tự giới thiệu với người khác, kèm theo tên Nhật của mình.

Lúc còn trao đổi email với Takaya, tôi mường tượng ra một anh sinh viên Nhật già dặn, khắc khổ. Thế nhưng gặp anh, tôi thấy trước mặt mình một thanh niên trẻ trung, sáng sủa, dễ mến và ăn mặc rất tân thời, y như đa số giới trẻ điển hình tại những nước tân tiến ngày nay vậy. Nhiều người quen của tôi khi gặp anh cũng có cùng một nhận xét như thế.

Điểm đặc biệt của Takaya là anh nói tiếng Việt rất sõi. Tính ra anh học tiếng Việt tổng cộng được sáu năm, kể cả một năm học ở một đại học tư thục ở Việt Nam. Có lẽ Takaya vừa còn trẻ (anh năm nay 26 tuổi) vừa có khiếu nên mới được như vậy. Không những thế, ngôn ngữ Việt mà Takaya sử dụng hết sức lịch sự và lễ phép. Trong thư từ hay tin nhắn, anh luôn luôn dùng những tiểu từ như “dạ”, “kính” hay “ạ” trong các câu nói. Đặc biệu, điều giúp anh lãnh hội và am hiểu tiếng Việt nhanh chóng chính là kiến thức về tiếng Hán của anh. Takaya cho biết, ngay từ còn nhỏ, các học sinh Nhật đã học chữ Hán ở cấp tiểu học, mỗi lớp học chừng vài chục chữ, cho đến lớn. Trong khi đó, chữ Hán-Việt trong tiếng Việt cũng nhiều, nên Takaya hiểu và nhớ ngữ vựng rất lẹ. Trong lúc trò chuyện với anh, gặp chữ Việt nào có gốc Hán mà anh chưa nghe qua, tôi nhắc anh tra chữ đó trong từ điển Hán-Nôm là anh thấy và hiểu ngay.

Để giúp cho những ngày tập sự tương đối dài của Takaya ở Cali không bị nhàm chán, tôi chuẩn bị nhiều chương trình cho anh tham gia. Ở đài SBTN, anh được cô Victoria Tố Uyên hướng dẫn và giới thiệu với nhiều cộng sự trong đài. Vì thế mà hầu như ngày nào Takaya cũng có việc này hay việc khác để làm. Những ngày không có sinh hoạt nào thì anh ở nhà viết tường trình gởi về trường đại học.

Riêng phần tôi, nhẩm tính tôi cũng đã gặp gỡ Takaya không dưới 15 lần, lúc thì đi thăm các trường đại học nơi tôi dạy, lúc thì đưa anh đi đến một số nhật báo hay đài truyền hình để phỏng vấn, hay những buổi chỉ để đi ăn uống và chuyện trò. Cộng thêm với vô số những sinh hoạt với những người khác anh mới quen biết như làm thiện nguyện viên cho gian hàng SBTN ở chợ Tết sinh viên hay đêm chung kết SBTN Voice vừa qua, đi vãn cảnh một số chùa chiền trong vùng với chùa Điều Ngự, hoặc đi thăm một số cơ sở thương mại, đài chiến sĩ Việt-Mỹ và viện bảo tàng Bowers, tôi nghĩ Takaya không có thì giờ để cảm thấy trống trải trong những ngày tập sự ở Little Saigon.

Tôi bảo Takaya, khi về lại Nhật, anh có thể viết ra một cuốn sách để ghi lại tất cả những kinh nghiệm và kỷ niệm, cùng rất nhiều hình ảnh mà anh đã ghi lại, về cuộc sống của người Việt tại Little Saigon và đặt tên sách là “Mỹ du ký”. Hy vọng chúng ta sẽ được đọc cuốn sách thú vị này về chính chúng ta, qua nhãn quan của một người Nhật yêu mến ngôn ngữ và văn hoá Việt.

Nhắc đến văn hoá, tôi không thể không nhắc đến kiến thức khá phong phú của Takaya về phương diện ẩm thực. Anh từng sống ở Quy Nhơn một năm nên rất rành về một số món ăn ở vùng này. Chẳng hạn như anh cho biết đã ăn bánh xèo kiểu người Trung là cuốn với bánh tráng chứ không ăn không như những vùng khác. Hay Quy Nhơn còn có những món bánh tráng khác, có món ăn với tôm nhảy thật độc đáo (mà chính tôi cũng chưa bao giờ được thưởng thức).

Khi đi ăn các món Việt trong Little Saigon, Takaya làm tôi vô cùng thán phục khi anh có thể kể tên nhiều loại rau như tía tô, húng quế, hành ngò, v.v. Hoặc những món ăn như bún riêu, bún bò, bánh cuốn (phở thì miễn bàn!). Anh ăn chả cá Thăng Long với mắm tôm một cách điệu nghệ không kém người Việt nào cả.

Mặt khác, khi thấy tôi hay người nào khác cùng đi ăn với anh trả tiền tip, anh cho biết ở Nhật không có thói quen này. Nếu người ngoại quốc nào ăn uống xong mà để lại tiền tip, nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo trả lại và nói là khách hàng để quên tiền trên bàn!

Những ngày tôi cùng Takaya đi thăm viếng nơi này nơi nọ, hay đi ăn uống cũng là những ngày chúng tôi trao đổi với nhau kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá Nhật-Việt thật lý thú. Lắm lúc tôi quên bẵng đi anh là người Nhật vì tôi và anh nói với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Thỉnh thoảng có chữ tôi dùng anh không hiểu rõ thì tôi nhắc lại và giải thích cho anh nghe. Mỗi khi có cơ hội cho anh biết thêm về một điểm văn hoá nào đó, tôi đều hứng thú kể cho anh biết.

Takaya nhận xét rằng người Việt chúng ta ở Little Saigon nói và viết tiếng Việt rất khác những người ở trong nước; ngay trong một mẩu email ngắn mà cũng có mở đầu và kết thúc với lời chào hỏi và cám ơn đàng hoàng. Trong lúc tôi giải thích điều gì, Takaya thường móc trong túi ra một cuốn sổ nhỏ, ghi chép cẩn thận. Tôi hỏi anh tại sao không ghi thẳng vào phone như đa số các người trẻ tuổi thường làm. Anh bảo đó là một thói quen của thanh niên Nhật, chưa bị lối sống hiện đại thay thế.

Có hôm Takaya thấy tôi mua cà-phê trả tiền bằng QR trên phone, sau đó lại mua thức ăn nhanh trả bằng thẻ tín dụng, anh tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Tôi hỏi bên Nhật người ta không dùng những phương tiện thanh toán tiền như vậy sao. Anh cho biết thẻ tín dụng có dùng ở Nhật nhưng rất hạn chế. Người Nhật sống trên mảnh đất lúc nào cũng bị đe doạ bởi động đất hay sóng thần nên thường để tiền mặt phòng khi xảy ra thiên tai. Những lúc đó, điện đuốc hư cả rồi, rút tiền bằng thẻ không được, mà mua thức ăn bằng thẻ cũng không ai chịu nhận.

Anh nói ở Nhật có cuốn phim có nhan đề đại khái là “Mất phone là mất tất cả”, nói về lúc xảy ra chuyện đó thì nhân vật chính muốn làm gì cũng không được vì mọi dữ kiện về nhiều sinh hoạt hằng ngày cũng biến mất theo. Xem phim đó xong, người Nhật lại càng sợ máy móc tối tân hơn nữa. Cũng đáng ngạc nhiên Khi Nhật Bản là cường quốc đứng nhất nhì thế giới về khoa học kỹ thuật.

Về nhịp sống của California, Takaya có nhiều nhận xét thú vị. Anh rất thán phục hệ thống xa lộ rộng rãi ở đây. Anh bảo người Mỹ lái xe trật tự, tuân thủ pháp luật nhiều hơn so với ở Nhật. Dân Cali tỏ ra rất tôn trọng người khuyết tật. Có ai ngồi xe lăn phải lên xe buýt một cách chậm chạp thì mọi người trong xe cũng kiên nhẫn ngồi đợi cho người đó lên hằn trên xe.

Anh cũng cho biết, Osaka và Tokyo khác nhau về nhịp sống rất rõ nét. Tokyo lúc nào cũng vội vàng, còn Osaka thì bình lặng hơn. Anh nói gần đây đàn ông Nhật không có nhu cầu sắm xe hơi nhiều như trước. Lý do là bạn gái của các anh khá tự lập, không đòi hỏi đàn ông phải sắm xe chở mình đi đây đi đó như thời xưa. Đối với California, Takaya rất thích lối sống trật tự ở đây và bày tỏ ước muốn một ngày nào đó anh được quay trở lại đây để học thêm hay làm việc.

Về phần mình, tôi cũng đã học hỏi rất nhiều từ Takaya. Có lần tôi hỏi anh người ta thường nói chữ ‘cám ơn’ của người Nhật “arigato” là do chữ Bồ Đào Nha “obrigado” mà ra là có đúng không. Anh bảo không phải, vì chữ Nhật đó là do hai chữ ghép lại. Chữ “ari” có nghĩa là “có” và chữ “gato” nghĩa là “khó” (nếu phiên âm ra chữ Hán-Việt là “hữu nan”). Anh giải thích cho tôi là khi nói như vậy, người Nhật muốn nói rằng cái ơn của người khác làm cho mình là chuyện “khó có”, chứ không có liên quan gì tới chữ đọc nghe na ná trong tiếng Bồ Đào Nha “obrigado” (đại khái có nghĩa là “tôi nợ anh”).

Nhân nói về chữ này, Takaya cũng nhận xét là ở hải ngoại người Việt nói cám ơn nhiều hơn so với người ở trong nước. Đặc biệt, anh bảo ở Nhật, người ta cũng chỉ dùng chữ “arigato” với bạn bè và người thân, còn với người lạ thì họ chỉ cúi đầu tỏ dấu biết ơn mà thôi. Một lần khác, tôi lại hỏi Takaya chữ “konichiwa” thường dùng để chào hỏi có nghĩa đen là gì. Anh bảo “konichi” là buổi trưa, còn “wa” là một tiểu từ có nghĩa là “thì”. Như vậy, khi nói “konichiwa”, người Nhật nói là “Trưa hôm nay thì...”, rồi bỏ lửng câu nói (thì thế nào cũng không biết là thế nào!).

Cả Takaya và tôi đều đã học qua những lớp ngôn ngữ học nên chúng tôi trò chuyện về tiếng này tiếng nọ khá tương đắc. Takaya nói tiếng Anh rất khá. Anh đặc biệt thích thời gian tập sự ở Cali này, nơi anh có thể thực hành cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt hằng ngày.

Với những người cùng trang lứa làm ở SBTN, Takaya thường nói tiếng Anh. Với tôi và nhiều người Việt Nam lớn tuổi khác, anh dùng tiếng Việt. Trong những lúc phỏng vấn trên truyền hình hay với các phóng viên báo chí, anh chững chạc và tự tin nói tiếng Việt, kể cả những lúc anh nói đôi lời với các sinh viên của tôi khi tôi đưa anh đến thăm lớp. Takaya nói tiếng Việt với giọng không hẳn bắc mà cũng phải nam (chắc là do thời gian ở miền Trung), tuy các phụ âm cuối trong những chữ như “bạn, hát, hết, v.v.” anh phát âm rõ như trong giọng miền Bắc.

Trong những câu chuyện Takaya kể cho tôi nghe, anh cũng cho biết về cuộc sống của anh ở Nhật. Ngoài việc học, anh còn phụ trách một chương trình phát thanh bằng tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt ở Osaka. Anh có một người em gái đã học xong đại học và đang đi làm. Bố mẹ anh sống ở một thành phố khác, còn ông ngoại của anh sống ở nông thôn và có một xưởng làm trà nhỏ. Anh có tặng tôi những gói trà rất đẹp (và uống rất ngon) của xưởng ông ngoại anh sản xuất.

Anh cho biết việc anh tiếp tục học lên cao học trong ngành văn khoa là một chọn lựa mà không phải ai cũng đi theo. Ở Nhật, năm thứ ba đại học là năm có tính chất quyết định trong việc sinh viên kiếm việc làm. Quá thời điểm đó, việc tìm việc làm trở nên khó khăn hơn và đa số sinh viên có thể phải chấp nhận những công việc hoặc là không hợp với khả năng hay sở thích, hoặc là những công việc trả lương không được cao.

Ba tháng bận rộn với những sinh hoạt của Takaya cuối cùng rồi cũng đến lúc kết thúc. Takaya trở lại quê nhà với một hành trang đầy ắp kỷ niệm, với những ghi nhận tỉ mỉ và hình ảnh sống động về sinh hoạt của người Việt ở quận Cam, đặc biệt là ở Little Saigon.

Tôi đưa Takaya ra phi trường John Wayne lúc tờ mờ sáng để anh đáp chuyến bay quá cảnh San Francisco trước khi bay về Nhật Bản. Trên xe, chúng tôi trao đổi với nhau một vài mẩu chuyện lần cuối rồi đến lúc chia tay trước sân bay.

Lúc lái xe ra khỏi phi trường để đi làm, tôi bâng khuâng tự hỏi, những người trước đây còn xa lạ với nhau, sống ở hai quốc gia khác nhau như Takaya và tôi chẳng hạn, khi gặp gỡ và sinh hoạt với nhau như vậy, không biết có do một cơ duyên nào từ trước hay không. Điều chắc chắn nhất mà tôi biết là Takaya sẽ nhớ mãi những ngày tháng tìm hiểu và sinh hoạt với một số người Việt trước lạ sau quen ở Little Saigon đi dễ khó về này.

Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
01/04/201919:58:15
Khách
Thưa ông Sao Nam Trần Ngọc Bình,
Tôi cũng muốn nói đến ngàn năm văn hóa của dân Việt mình mà Tổ tiên đã trực diện đấu tranh hửu hiệu với phương bấc xâm lăng. Tổ tiên ta đă hiểu thấu gan ruột, tâm ý của kẻ thù trong khi đám con cháu của hôm nay nhìn chữ Hán thì cứ như mù, không khác nào khinh khỉnh nghỏanh mặt xoay lưng để chúng đâm cho toi mạng.
31/03/201915:44:31
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Phong Nguyên
Thưa Ông
Theo thiển ý thì người Việt mình luôn luôn đề phòng người Tàu xâm lăng,đồng hóa và tiêu diệt dân tộc mình là điều đúng nhất.
Hình ảnh,tin tức những tàu đánh cá bằng gỗ không võ trang của người Việt mình bị tàu bằng sắt của nước Tàu đâm nát thì ông nghĩ làm sao người Việt mình không nghĩ xấu về người Tàu cho được.
Người Tàu luôn rêu rao “Bốn Tốt” nhưng họ làm ngược lại là ăn hiếp dân đánh cá người Việt mình một cách dửng dưng không có tình người.
Đối với tàu chiến của Mỹ lưu thông trong Biển Đông thì họ lại im re không dám động tới.
Xưa kia họ bị các cường quốc Tây Phương bắt nạt,ăn hiếp bây giờ nhờ vào sự nâng đỡ có tính cách chiến lược của Mỹ họ kỹ nghệ hóa thành công và họ trở lại đi ăn hiếp các nước yếu quên hẳn những lời vàng ngọc của tổ tiên họ trong cách cư xử hàng ngày nhất là với các nước láng giềng mà đặc biệt là Việt Nam. Tổ tiên ta trong suốt thời gian dựng nước và giữ nước đã luôn luôn phải cảnh giác với anh bạn “bốn tốt” này.
Anh chàng này luôn luôn nói một đằng làm một nẻo như lời cựu Tổng Thống Thiệu đã phát biểu “Đừng nghe những gì CS nói.Hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.”
Câu này áp dụng với anh chàng này cũng đúng y chang vì nước Tàu cũng là nước theo chủ nghĩa Cộng Sản.
Xin góp ý cùng Ông.
Thăm Ông và bửu quyến thân tâm thường an lạc.
Nay kính
27/03/201918:49:31
Khách
Thưa ông Hoa Lâm,
Cám ơn ông đã cho biết về nguyên lý mẫu tự. Xin ông vui lòng liên lạc với chúng tôi ở địa chỉ [email protected]. Kính.
27/03/201906:10:56
Khách
Chúng tôi một nhóm nhỏ tên gọi Hội Tâm Linh Thiền Học có bài " Nguyên Lý Vi Diệu 26 Mẫu Tự" muốn chia sẻ và trao đổi với anh Trần Cao Trí. Xin vui lòng liên lạc Ô. Hoa Lâm.
25/03/201920:47:29
Khách
Con người văn hóa là con người của cội nguồn, gốc rễ. Người Nhật và người Hoa đôi khi có những mối hiềm khích nhưng họ có chung mối tương đồng trong chữ Hán rất mật thiết. Tôi chỉ mong người Việt mình đừng nhìn chữ Hán là cứ thấy trung cộng với ba tàu, mà nghĩ đến ngàn năm văn hóa của dân Việt mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Nhạc sĩ Cung Tiến