Hôm nay,  

Bà Cụ Bán Cây Con

22/03/201900:00:00(Xem: 11604)
Tác giả: Phan

Bài số  5646-20-31452-vb6032219

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.

 
***
 

Chừng hơn mười năm trước, tôi hỏi xin mấy người làm chung hãng, ăn trưa chung giờ: “Anh chị nào có thì làm ơn cho tôi xin một gốc lá lốt, để đem về nhà trồng?” Chẳng ai cho dù nhiều người nhà họ có đó, nhưng cho tôi thì lại phải cho người khác!

Thế rồi bà chị nọ, một sáng thứ Hai vào hãng, chị đưa cho tôi vài gốc lá lốt đã ra rễ, nhú lá. Chị nói, “Chị đi chợ Trường Nguyên hôm cuối tuần, thấy có bà người trung, đẩy cái xe chợ, và bán cây con đủ loại.” Chị mua cho tôi mấy gốc lá lốt trong cái ly uống nước bằng xốp được tận dụng lại.

Vài tháng sau, tôi đem cho bà chị một hộp thịt bò bằm cuốn lá lốt. Tôi nói rõ để chị dễ xử, “Nè, em hồi quả cho chị mấy gốc lá lốt mà chị đã mua cho. Hôm cuối tuần em cắt được cả trăm lá, đầy cái rổ nhựa, tha hồ cuốn lá lốt. Chúc cả nhà chị được ngon miệng…”

Một bà chị khác đã dạy tôi, “Sao kỳ thị vậy? Sao cho người này mà không cho người kia. Giời mưa thì phải mưa cho khắp chứ! Bộ ở đây có mỗi bà ấy biết ăn bò cuốn ná nốp (lá lốt) thôi à?”

   Bà chị lỡ mua mấy cây lốt cho tôi lại phải chữa cháy dùm, “Nè nè nè… mỗi người ăn một miếng cho vui. Thưởng thức tài nghệ của đầu bếp không chuyên… nên nướng bò cuốn lá lốt như cứt chó bỏ lọ phơi khô…”

Ối giời cái mặt bà ná nốp, nhìn như lá lốt nướng bị cháy mỡ chài nên ám khói. Còn bà chị Trà Vinh thì thấy vậy nhưng không phải vậy! Đẹp như Miên lai Tàu nhưng dữ như Pôn pốt.

   “…”

Mười mấy năm thời gian đã đi qua. Những người làm chung trong hãng ấy nay thỉnh thoảng còn gặp lại được vài người. Nhưng lời giáo huấn của bà chị thì tôi vẫn giữ lấy, “Xử sự với người mình, em phải khéo léo một chút. Biết chưa?”

Chỉ không biết bà chị tôi nay đâu? Tuổi về hưu thì chị đã qua cả chục năm rồi, nhưng tuổi trời cho thì sao biết được chị tôi còn hay đã mất? Còn bà chị dạy tôi đừng kỳ thị, không phân biệt đối xử, thì nhà chị vẫn ná nốp mọc như cỏ dại sau nhà… để khoe chơi!

Nhưng cũng từ đó tôi để ý mỗi khi đi chợ, nhất là mùa trồng rau, mướp đã đến. Thật mừng cái hôm tôi gặp được đúng bà cụ người trung, đẩy cái xe chợ, và bán đủ loại cây con. Tất cả các loại rau mùi đều hai đồng một chậu con, là cái ly xốp, ly cháo ăn liền, ly cà phê ở cây xăng, ly mì ly… Bà cụ tận dụng đến cả đồ chơi trẻ em như trái bí đỏ bằng nhựa cho con nít xách đi xin kẹo đêm Halloween thì cụ chiết vào đó vài nhánh sả, bán ba đồng. Ai mua dây bầu, dây bí, dây mướp là lời nhất vì cũng hai đồng mà được cái tô mì tô rộng hơn, trong ấy có khi hai, ba dây mướp, hay một dây duy nhất cũng hai đồng. Tôi khoái nhất là mua được ly ớt hiểm, đến bốn, năm gốc, cụ cũng chẳng chiết ra; gieo sao bán vậy.

   Thương bà cụ mát tay trồng, cụ ươm cây con nhìn đã mắt nên tình cảm với cụ lớn dần theo mùa về, năm nào cụ cũng chừa cho tôi những ly ớt nhiều gốc và mạnh nhất, các loại rau cũng thế, mướp hương, khổ qua, mồng tơi, bù ngót… Khi mùa về, cụ chừa riêng cho tôi nhưng để ở nhà. Khi nào gặp mặt, báo chắc cho cụ biết là ngày mai cháu ra lấy thì cụ mới cho ra chợ. Cụ thương tôi như truyền nhân, nhưng trách tôi phung phí tiền bạc, không chịu nhận tiền cụ thối lại khi mua vài chậu cây con...

Cụ không biết tôi mang ơn, đội ơn cụ cỡ nào? Trời ơi! Cái máu nông dân của tôi dù có hơn một cái quốc tịch Mỹ thì tới mùa trồng cũng cứ như ngồi trên lửa. Tháng Hai rồi mà trời còn lạnh dữ, còn chưa ươm hạt được thì trễ mùa mất thôi! Thế là ươm hạt ớt, hạt mướp, đậu bắp trong garage. Tưới tắn cực khổ, có khi đêm còn phải mở cái máy sưởi nhỏ trong garage vì trời quá lạnh. Đi ngủ cứ phập phồng sợ cháy nhà!

Từ ngày có cụ, biết cụ bán cây con thì như cá gặp nước. Cứ tan hãng là về nhà vỡ đất, cuối tuần chạy ra chợ Trường Nguyên tìm cụ là có hết giống rau gì muốn trồng. Có mua mười đồng, hơn mười đồng mà trả cụ hai chục cũng chẳng nghèo đi chút nào mà giàu lên thấy rõ với chiều chiều chỉ mong tan hãng, về tưới rau, tưới mướp… thấy chúng lớn mạnh, xanh tươi mỗi ngày đã nguôi lòng nỗi nhớ quê xa.

Hôm giàn mướp ra hoa, thấy lòng vui như gặp lại cố hương; chào con ong mùa cũ đã trở về nhà, lòng hân hoan, phấn chấn. Hôm đậu bắp trổ hoa bói quả, đẹp não nùng như dĩ vãng đã xa… Chiều về cứ nhóm cái lò củi dại ngoài sân sau nhà cho khói um lên, quên hết trong nhà máy lạnh đang chạy, computer báo có điện thư, điện thoại nhấp nháy tin nhắn… quên hết được những gì không được quên… là hạnh phúc! Bởi máy lạnh chạy vù vù mùa hạ là tiền điện tháng này đi đứt bốn, năm trăm; cái computer báo có điện thư là bill tiền điện, tiền nhà, tiền bảo hiểm xe; điện thoại nhấp nháy chuyện thị phi ngoài ngõ… chán lắm! Không gì vui hơn khói chiều từ cái lò nướng cỏn con bay lung linh, ta tưới tắn khóm rau càng cua xanh mướt, mớ rau đay xanh rờn dòm ngó trái mướp còn non…


Rồi. Ngắt mấy trái đậu bắp vừa lứa, nướng trên than củi đã hết khói. Vô nhà làm chút mỡ hành, lấy hũ nước mắm chua ngọt pha sẵn để trong tủ lạnh ra. Nhắn tin cho bạn già, “Đậu bắp nướng mỡ hành chín tới… tôi đi tắm.” Chắc chắn tắm ra sẽ đọc được hồi âm, “Qúa đã!”

Chiều. Ngồi nhìn mây lang thang với tay bạn già không tổ quốc, không thích ăn thịt, ghét ăn cá, chỉ thích rau, thích bạn… “Đời có bao lâu mà hững hờ…” nhạc liu riu hoàng hôn phủ xuống… trăng lên.

   …

Cụ đâu biết công cụ ngàn vàng là cụ ra đi đã mang theo quê hương cho bọn trẻ, không có cụ thì chúng sẽ quên gốc nông dân của chúng với máy điều hoà không khí, xe hơi, điện thoại thông minh… Nhưng sao cụ cứ nhất định không cho tôi biết nhà, không cho biết tên; cụ chỉ cho thêm khi tôi mua đủ thứ, mua nhiều, mà lại không mặc cả như các bà đi chợ.

Hình ảnh cụ trong tôi ngày càng in đậm hình ảnh quê nhà với bà cụ chịu thương chịu khó, tấm lòng già thương mấy hạt mã đề như thương con trẻ, gói kỹ trong hầu bao để trao tận tay cho tôi, “cháu đem về cứ rắc xuống vườn, mã đề tự lên vì giống này mạnh lắm. Hôm nào ho hen, đờm dãi vì thời tiết, cứ ra ngắt nắm lá mã đề vô nấu nước uống thay trà là thông phổi…”

Hôm ngồi ăn bánh xèo Lá Xanh với mấy cô nghệ sĩ cải lương. Mấy anh em tính chuyện làm show “Đêm lạnh chùa hoang” mà ngoài cửa kính nhà hàng thì nắng đổ lửa, bà cụ đẩy cái xe chợ đi bán cây con như đẩy cả quê nhà qua biển nắng…

 

*

Năm nay mùa về. Sao những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất vườn, nhổ cỏ dại cứ băn khoăn trong lòng một nỗi mông lung. Mã đề mọc chen vô cả bụi hẹ xanh sớm khi trời vừa hết lạnh; rau má bên hè nhà li ti ngoi lên khỏi mặt đất những chiếc lá bé xíu như vườn trẻ…

Tôi ra chợ Trường Nguyên tìm cụ để mua ớt, mua rau mùi các loại về trồng. Định dặn cụ về ươm cho cháu mớ đậu bắp, tháng sau xuống đất cho chắc ăn vì cuối tháng ba đôi khi trời còn đợt lạnh tàn dư từ miền bắc đồ về… Nhưng từ góc chợ là văn phòng bác sĩ Thạnh, chỉ còn cái hành lang chạy tuốt tới tiệm bánh xèo Lá Xanh, toàn người xa lạ, không còn bà cụ đẩy cái xe chợ, bán đủ thứ cây con.

Cảm giác xa bà, mất mẹ, lạc quê, ngập tràn lòng tôi như nắng. Cố ngồi trong xe mà đợi bà như đợi ngày hồi hương trong lòng đứa con phiêu bạt đã hơn nửa đời người. Chỉ có nắng tràn tới mặt trời đứng bóng, bóng ngả về đâu? Riêng cụ tôi chắc đã ngả vào lòng đất để ươm mầm hương vị quê nhà qua những loài rau mùi dân dã nơi hải ngoại xa xôi. Xin Ơn trên ban phước lành cho cụ được an nghỉ.

Nhìn hàng quán, chợ buá của cả khu thương mại Việt nam mà thương từ những lớp người Việt đầu tiên tới Mỹ năm 1975 đến nay. Chúng ta đã mang theo quê hương đến đất nước này nhiều nét văn hoá Việt, góp phần vào nền văn hoá đa dạng nơi đây.

Trong nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ được những phong tục truyền thống của những ngày lễ, tết, ngày giỗ và cố gắng duy trì như di sản của cha ông để lại.

Văn hoá ẩm thực Việt tiếp cận nhanh nhất với những món bách chiến bách thắng như phở, bánh mì, chả giò, nước mắm... Người bản xứ kính nể hương vị quê ta nên phở vẫn gọi là phở, bánh mì vẫn là bánh mì trên những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times hay Wall Street Journal. Rồi cà phê sữa đá (kiểu Việt nam) có trong Menu của cà phê Starbucks Mỹ hồi nào không biết, cũng là món thức uống đặc biệt của Việt nam. Người Mỹ bắt chước thức uống độc đáo và đã điếu này của dân ta, dù có cho thêm vào ly cà phê đó vị chocolate, caramel hay vanilla cho hợp với khẩu vị của dân địa phương thì công đầu của người làm giàu cho những đại công ty như Starbucks, Dunkin' Donuts, Coffee Bean v.v... là người Việt mình đó.

Đóng góp phát triển kinh tế và đa dạng văn hoá cho nước sở tại cưu mang di dân mình thì không tiếc công sáng chế, nhưng bản quyền con cháu phải nhớ là cà phê sữa đá trên nước Mỹ có xuất xứ từ Sài gòn.

Chúng ta đi mang theo quê hương có nhiều điều hãnh diện, khi ngồi nhớ ra. Dù cũng có những điều khó coi như tại những khu phố đông người Việt ở Nam Cali vẫn thấy những bà, những cô mặc đồ bộ đi chợ. Đó là thứ pajama chỉ mặc trong nhà chứ không nên mặc ra ngoài đường. Ở Dallas là xứ cao bồi, nên thỉnh thoảng trong vũ trường vẫn nghe được tiếng giày cưỡi ngựa lộp cộp trên sàn nhảy cũng chả sao. Nhưng thấy người mang đôi dép kẹp bước ra sàn nhảy thì trúng phóc dân mình. Kỳ.

Mặt trời đã làm khó người de xe, đậu xe trong bãi xe chợ đông. Bóng cụ tôi đã bặt tự mùa này. Xin tri ân cụ đã mang theo quê hương, giữ gìn văn hoá theo những vòng quay bánh xe của cái xe chợ mà nhiều nhà Việt nam vùng Dallas có rau mùi dân dã của quê ta để không quên nguồn gốc. Tạ ơn cụ đã cho tôi hoa đậu bắp đẹp kiêu sa, hoa hẹ lại trắng bên hông ngôi nhà kỷ niệm…

Phan

Ý kiến bạn đọc
22/03/201923:46:38
Khách
"Chiều. Ngồi nhìn mây lang thang với tay bạn già không tổ quốc, không thích ăn thịt, ghét ăn cá, chỉ thích rau, thích bạn…" Xúc động lắm Phan ơi! bài viết nhẹ nhàng mà sao nghe lòng man mac buồn... Cuộc đời quả vô thường...
Cám ơn Phan đã cho đọc
P.Hoa
22/03/201921:22:13
Khách
Tôi cũng rất thích trồng cây nên nghe Phan kể là mê vườn rau của Phan luôn.
Thấy bà cụ lớn tuổi mà còn chịu khó gieo hạt ươm những cây rau để mang một trời Việt Nam qua đất Mỹ này thì thật đáng tôn trọng. Mong rằng bà cụ chỉ ốm đau gì đó rồi sẽ trở lại tiếp tục bán cây con cho Phan.
Cám ơn tác giả đã cho đọc một bài hay và thắm đậm tình quê hương.
22/03/201919:11:41
Khách
Cam on tac gia.
Mình ở Cali mà lười quá. Ngày mai sẽ ra chợ mua mấy cây rau thơm về nhà trồng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,373,935
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến