Hôm nay,  

Lối Cũ Đường Xưa

12/03/201900:00:00(Xem: 12442)
Người viết: Mai Hồng Thu

Bài số  5639-20-31445-vb3031219

 
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và  Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

 
***
 

Từ đầu năm, Mi cố gắng học "buông", với mục tiêu mới, câu cá nửa ngày. Mi đã làm hai ba công việc liên tục một thời gian dài, để trả hết những món nợ lãi cao, đúng hạn. Mi cần phải nghỉ ngơi, cần cơ hội làm những điều mình thích, thả lỏng để hưởng thụ những điều tươi đẹp quanh mình.

Năm ngoái, chị Hoa, bạn đồng nghiệp, giới thiệu chị Lệ, cho Mi cơ hội hùn vốn chung để mở nhà hàng bên Big Island, Hawaii. Tuy nhiên, sau lần đầu sang thăm dò, Mi quyết định rút lui. Nhà hàng khu du lịch Kona, nhìn ra biển, có triển vọng, nhưng sở hụi và cạnh tranh gay gắt.

Một cô chủ quán Bar người Triều Tiên tâm sự rằng tiền thuê lại tăng, nhiều chủ nhà hàng sẽ gặp khó khăn vì ế khách hơn xưa. Nếu mua nhà sát biển, giá khoảng một triệu. Chị Hoa mua một căn nhà 2 tầng ở trong hẽm xa hơn, khoảng 650 ngàn. Nhà có ba phòng ngủ, hai phòng tắm, nhà xe sửa lại thành một phòng ngủ, sân trước sân sau thoáng mát. Hiện chị cho nhân viên nhà hàng thuê, chờ nghỉ hưu, vài tháng tới sẽ dọn qua ở.

Trở ngại lớn trong việc phát triển nhà hàng là cách mướn người. Dù chị Lệ chịu điều hành nhà hàng kiểu Mỹ, Mi vẫn nhìn thấy có nhiều điểm bất lợi. Chị mướn người tiết kiệm theo kiểu bốc người Mễ ở Home Depot, không cần rành việc nhiều. Nhà hàng khu du lịch sang trọng, tiền mướn mỗi tháng hơn 15 ngàn đô, mạo hiểm lớn quá. Trong thời gian sửa chữa, như Mi đoán, có rất nhiều vấn đề sinh sôi nảy nở ngoài dự định, nhiều lúc tính già ra non. Theo kinh nghiệm, Mi sợ làm ăn kiểu Việt Nam. Chị Lệ rủ tiếp, chị thầu lại Văn phòng làm kế toán để Mi quản lý. Chị Hoa muốn chỉ thêm kinh nghiệm kế toán bên khu vực chị làm, để Mi có thêm cơ hội thăng chức tăng lương, dễ nhảy việc, Mi từ chối, vì không thích nhiều áp lực.

Chọn việc tốt, mối làm ăn tốt, ta cần so sánh nhiều yếu tố phức tạp hơn. Chị Hoa gợi ý Mi qua Hawaii mua căn nhà ngoài mặt tiền, ở trên lầu, phía dưới mở quán, sáng bán điểm tâm kiếm đồng ra đồng vô, hưu bán thời gian thoải mái. Một bạn có quán ăn nhanh ở Honolulu mời Mi quản lý, không cần góp vốn, lời chia đôi, Mi cũng từ chối hết vì bó chân quá, sợ sẽ có va chạm sau này.

Qua Kona hai lần, mỗi lần một tuần, vừa làm vừa xem cuộc sống, Mi có cảm giác thân thiết như mình đang trở về quê hương của những ngày trước 1975. Quang cảnh thiên nhiên, khí hậu, trái cây Việt Nam, và những người Việt rất Việt, từ cách ăn nói, xử sự, kiểu sống... nếu ở lâu, Mi tưởng mình đã quay về quá khứ của hai, ba mươi năm trước. Nhưng mức sống cao, nhà cửa, vật dụng, đồ ăn, mọi thứ đều rất đắt. Nếu mua nhà cũ để sửa rồi bán, giá nhà lên rất chậm, chi phí mua và bán nhà, tiền công và vật liệu, cộng với thời gian và công sức, lời vài chục ngàn, ROI/ lợi ích thấp quá.

Tiện thể, Mi xuống vùng quê Hilo, cách Kona 1 tiếng rưỡi lái xe, thăm dò, nhà rẻ hơn nhiều. Căn nhà cũ nát, bán chưa tới hai trăm ngàn. Một người biết nghề cứ từ từ sửa, cỡ 6 tháng, thêm khoảng 20 ngàn tiền vật liệu. Nếu bán cũng lời vài chục ngàn.

Ở đây mưa rơi lộp độp trên mái tôn, quanh vườn trồng chôm chôm, xoài, cóc, nhãn, chuối, mãng cầu, vú sữa, khoai lang, là nơi tốt để vui thú điền viên. Với cây xanh gió mát, đủ loài hoa lạ, biển thật hiền hòa và biêng biếc mùi quê hương, đây là hình ảnh một Việt Nam thanh bình xa xưa.

Lái xe từ Kona, dọc trên con đường xa lộ 190, hai bên là trời là mây, là cây, là biển, là núi, là những ấm áp thân thiện, thanh thản, bình an lạ thường. Lái xe lúc hừng đông, xuống dốc lên dốc, trước mặt nhìn y như đang chạy tới cuối biển, chân trời, với những đám mây đang lã lướt khiêu vũ, cùng ông mặt trời tươi rói, dang tay đón chào ta vào cõi thần tiên.

Nông dân Hilo, lúc được mùa, lợi nhuận khoảng 6, 7 chục ngàn một năm. Lúc mất mùa họ tạm đủ sống. Người làm công cũng cực lắm nhưng họ đã quen vì thường không có nghề chuyên môn khác. Làm hết việc đi mót khoai hay bắp để dành ăn hay đem bán chợ trời kiếm thêm nữa. Những người mới qua, có tiền trợ cấp chính phủ, trồng cây nuôi gà đủ sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Khi muốn ở ẩn, Mi sẽ dọn sang Hilo, hưởng thụ bầu không khí trong lành, trái cây Việt Nam, quang cảnh đồng quê vắng lặng, như tìm về quê xưa, vui thú điền viên, hợp với sức khỏe và tính nết hơn.

Chuyện làm ăn chung với người Việt thì Mi ngán quá. Chị Lệ từng mở nhiều tiệm làm móng tay, nhà hàng rồi sang lại, và đang làm chủ một nhà hàng rất thành công ở Maui. Chị trả hết nợ nhà, con cái yên bề gia thất. Nhưng hàng ngày chị vẫn bôn ba bay qua bay lại giữa các đảo để tìm tiệm giá rẻ, mua sửa lại rồi sang tay kiếm lời. Chị tất bật đến nỗi ít có thời gian ngồi hưởng thụ một bữa ăn đúng nghĩa. Chị làm ăn kiểu Việt Nam, hứa hẹn bằng lời và lòng tin với nhau. Thành công nhiều, đôi khi cũng thất bại. Chị nói tiếng Anh không giỏi, nhưng đủ uy tín để nhiều người Mỹ sẵn sàng bảo lãnh vài trăm ngàn giúp chị ký hợp đồng mướn tiệm.

Theo kiểu Việt, chị thường đứng tên giùm và bị liên lụy không ít. Bị kiện, chị khai “Tôi đứng tên giùm không lương, chỉ mong giúp đỡ những người đồng hương, thêm cơ hội làm chủ, vì luật lệ quá khắc khe.”, không ngờ quan tòa thông cảm và chị thoát nạn.

Thành công đôi khi không đến từ những mánh khóe, mà từ kinh nghiệm, uy tín và những mối liên hệ hợp tác lâu dài. Nhiều người Việt thường mở tiệm móng tay hay nhà hàng, chỉ để mua việc. Tiệm phát triển tùy vào thời vận và sự kiên trì. Có người mãi mãi chỉ lấy công làm lời. Có người vất vả vài năm thì thành công, lấy lại vốn và thật sự làm chủ đúng nghĩa. Chị Lệ là tay săn những tiệm giá rẻ có triển vọng rất cừ. Mi định theo học nghề và tạo uy tín, nhưng thấy việc kiếm nhân viên tốt ở đây rất phiền, nên thôi. Nghề lái tắc xi lúc trước rất dễ thành công nhưng bây giờ cũng không còn ngon nữa.

Bên Hawaii, một số người Việt làm công trong ngành nhà hàng và làm móng tay, thường không có óc cầu tiến. Họ có Iphone mới nhất nhưng không biết nhắn tin hay lên mạng tra cứu thông tin. Phần đông họ sống ngày nào, xào ngày ấy. Họ ăn xài bạt mạng, nhậu nhẹt, tiệc tùng, mua sắm không tiếc tay, nên thường phải di chuyển theo tiệm. Tiệm thay chủ, họ như chim mất tổ, lao xao tìm việc. Chị Lệ thường mướn những người này. Một số người từ miền Bắc Việt Nam qua theo diện visa làm mướn. Họ sống thiếu văn minh, với thứ tiếng Việt ngô ngố. Những người qua Mỹ trước 1975, nói tiếng Việt y như họ, kiểu dao to búa lớn, hiểu không nổi. Vì thiếu tự tin, thiếu tế nhị, lại dễ tự ái, muốn hòa đồng với họ rất mệt mỏi. Họ không rành nghề, không chịu lắng nghe, học hỏi, chỉ dành làm lớn. Chuyện thị phi cứ nói mé mé, không thèm hỏi cũng tuôn ra luôn.


Một anh thợ sửa nhà, vì con trai lỡ tay đánh chết người, rồi ở tù. Theo tin đồn, anh thành kẻ ác ma, thành chuột qua phố. Anh hay nhẩy dựng lên tự vệ khi ai đó lỡ lời, như con thú bị thương thấy dây thừng mà tưởng rắn.

Mi, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, lấy thêm nhiều lớp tâm lý học, làm việc với họ không khó nhưng cần nhiều thời gian để vào quỹ đạo. Quản lý nhân viên thiếu tay nghề, không có óc cầu tiến. nhiều mặc cảm, mệt lắm. Việc hòa giải để họ cùng làm việc hòa bình trong tinh thần tập thể, là chuyện bao đồng không cần thiết. Nhiều lần Mi đã giúp đỡ người quen có thêm việc, kiếm thêm tiền, nhưng họ không chịu nắm bắt lấy cơ hội, chê bai đủ điều, rồi vẫn sống với đồng lương tối thiểu. Dù địa điểm và kế hoạch đầu tư tốt, nhưng Mi không muốn nhức đầu, đành rút lui. Nếu kiên trì, nhà hàng sẽ phát triển tốt. Nhiều người thành công nhờ chữ nhẫn.

Chị Hoa tin chị Lệ vì đã hợp tác lâu dài. Chị Lệ luôn bận rộn với nhiều chuyện làm ăn ở Maui. Chị Hoa đáng lẽ đã nghỉ hưu mà cố làm thêm vài tháng, vì chưa có người thế chỗ. Ai ngờ chồng chị bị vỡ mạch máu, chữa kịp thời nhưng đã yếu hơn xưa. Chị Hoa không muốn đầu tư nữa. Anh chị xưa nay chăm chỉ làm việc, nuôi dạy con cái nên người, siêng làm việc thiện, ăn chay niệm Phật. Anh chị đáng được hưu trí vui vẻ. Mi có cơ hội hợp tác không cần châm vốn nhiều, nhưng cố không tiếc nuối để sống thảnh thơi hơn.

Nhiều người sợ không biết làm gì cho qua ngày khi nghỉ hưu. Có kẻ muốn mở tiệm bán kem, giúp lớp trẻ có việc làm. Ngộ ghê, họ làm như mở tiệm dễ như cầm vé số đi bán dạo. Nhiều người làm chủ, chỉ đủ trả công cho mình và người thân. Làm ăn nhỏ, đôi khi lại là những mạo hiểm lớn. Hợp đồng mướn tiệm, muốn thoát ra nửa chừng rất khó. Phần lớn, họ phải chấp nhận bị lỗ ít nhất một vài năm mới thành công.

Rất nhiều người làm công muốn về hưu non. Nghỉ làm, còn sức khỏe, ta có rất nhiều thú vui lành mạnh như làm vườn, sửa nhà, tập thể dục, vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, ca hát, tập thiền, làm từ thiện, sinh hoạt cộng đồng. “Tre già măng mọc” mà, ta nên về hưu sống bình dị, chừa việc cho lớp trẻ. Khi Robot phổ biến, người kém kiến thức và tay nghề sẽ khổ thêm. Riêng Mi, trả xong nợ, cần nghỉ ngơi dưỡng sức, xài khéo chút, hy vọng được vui khỏe thảnh thơi hơn.

Ba mươi năm trước, Mi mơ ước có thêm căn nhà để cho mướn. Cuộc sống có nhiều thay đổi bất ngờ, Mi chỉ mải làm chủ cho thuê phòng khi kẹt tiền. Hai năm nay, Mi không cho thuê phòng nữa, thêm chi phí nhưng không cần chung đụng nữa. Hồi xưa, khi nhà lên giá, người ta kháo nhau, người này lời bao nhiêu, người kia giàu thế nào. Nhà không bán thì tiền có vào túi đâu mà giàu với nghèo.

Nhiều người đầu tư nhà đất, khi nhà mất giá lúc cần tiền, bán lỗ một vố đau đến mấy năm. Khi giá nhà hạ xuống đáy, cũng không dễ mua được những căn vừa túi tiền mà vừa ý. Giá nhà ở vùng Bay, đang đứng nhưng vẫn trên dưới triệu đô. Mức lương tăng không kịp với lạm phát của giá nhà, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền chợ, và kể cả tiền ăn hàng. Một cái bánh bao 3 đô, một tô phở 12 đô, một phần Mcdonald 10 đô, một ổ bánh mì thịt 5 đô. Một con vịt quay 24 đô. Con heo quay 320 đô, chỉ ăn nạc và da. Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ thích gọi đồ ăn giao tận nhà. Mỗi lần ít nhất là tốn 30 đô. Mười cái bánh Taco bằng cái bàn tay hơn 40 đô. Chưa kể tới quần áo mặc, đồ dùng và đồ chơi. Ngày nào Mi cũng thấy có ít nhất là một gói đồ giao trước cửa. Lớp trẻ khó đạt được giấc mơ Mỹ, tậu nhà riêng nếu không tiết kiệm. Kệ thôi, “thuyền tới đầu cầu rồi cũng sẽ tự thẳng”, hãy để chúng tự lo.

Mi đành chấp nhận chân lý thành công là phải học buông những giấc mơ tiếp nối và biết đủ. Xưa nay Mi luôn chăm chỉ, tích góp, và chờ. Mục tiêu này xong thì lại thêm ước mơ khác. Mi nghĩ rằng ráng làm thêm dư chút tiền, sẽ giúp được ai đó. Nhưng nhu cầu lại tiếp nối nhu cầu. Định nghĩa chữ đủ luôn luôn thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc sống. Ta giúp người học câu cá, chứ không thể cho ai, cá ăn cả đời. Ta giúp khó chứ không thể giúp nghèo. Người xưa nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Mi cần chăm lo cho mình tốt hơn, khi tóc đã chuyển màu, sức khỏe hao mòn.

Nhiều lần Mi tìm cách dọn đến nơi khác rẻ, ấm, hợp với sức khỏe hơn, sống theo ý mình. Nhưng suy tính kỹ, ROI (rate of return) lợi ích không nhiều, được này mất kia, chi tiêu tổng cộng, và căng thẳng vẫn nhiều. Em của Mi luôn nhắc, “thêm tiền cũng chưa hẳn vui đâu, sống vui khỏe là nhất.” Ai cũng nghĩ Mi làm được tốt hơn nhiều người, đừng lo xa, đừng ôm đồm nữa. Chúng ta không thể sống giùm nhau được.

Với Mi, thành công là được sống trong hiện tại, vô ưu vô lo, tài chính độc lập, sức khỏe đầy đủ, và tự do từ trong suy nghĩ đến hành động. Thành công là sống hữu ích, với người xung quanh và xã hội, trong khả năng thời gian và sức khỏe cho phép. Mi bỏ bớt nhiều đồ vật rất lâu không xài, những mối giao du, xã giao nhạt nhẽo, những chuyện ngoài vòng kiểm soát của mình.

Học buông nhiều năm, vẫn chưa buông hết. Bỏ bớt bao vật dụng, chúng vẫn ngổn ngang quanh nhà. Nước hoa xịt quanh phòng cho mau hết. Dầu thoa mềm da đem rửa tay, vẫn còn. Thức ăn dữ trự, cố ăn hoài không hết, chỉ thấy tăng cân. Vừa tặng, cho, vừa phung phí, nhà và lòng vẫn chưa thoáng như ý, đành vui vẻ tùy duyên.

Mi được di truyền hai tính cách, vừa thực tế thích tính toán đầu tư, vừa thích nghiên cứu tâm lý xã hội, và lãng mạn theo chiều văn chương thi phú. Cuộc đổi đời 1975 giúp Mi bỏ quên văn học mỹ thuật để tránh cảnh đói meo mà mơ mộng vu vơ. Mâu thuẫn giữa hai tính cách mạnh mẽ, nhưng nhiều tình cảm, là một cơn bệnh không tên khiến Mi luôn bối rối, dằn vặt và có nhiều tiếc nuối tai hại. Giúp người mà thêm phiền muộn thì đành ngưng.

Sự hội nhập vào văn hóa Mỹ, và tiến trình gầy dựng, tạo nền tảng tương lai cho thế hệ sau, giúp Mi dung hòa những mâu thuẫn, tìm điểm chung, phân biệt minh bạch giữa lợi và hại. Nhờ đó, Mi dần dần sửa đổi và sống có lý tưởng, hoài bão nhưng thực tế, khoa học, và hữu ích hơn. Mi biết nắm bắt và buông khi cần. Mi biết ơn nước Mỹ đã cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm quí giá, nên vẫn luôn chia sẻ trong khả năng mỗi khi có dịp.

Kỷ niệm và quá khứ, là những bài học vô giá, nhưng đường về quê xưa như thể nhạt nhòa. Sống với hiện tại mới là chọn lựa thông minh. Thành công và bình an, luôn nằm ẩn trong ta, cần sự phát huy đúng mức. Ta cần sống vui khỏe, buông để nhẹ gánh, làm chủ thời gian và tài chính, thì việc xã hội giúp cộng đồng, quê hương, trả ơn đời và nước Mỹ mới thiết thực. Giữ gìn tiếng Việt, trân trọng chữ nghĩa, là một thú vui lành mạnh, là cách nhớ nguồn, yêu nước, thương dân thực tế nhất.

With Love and Best Wish,

Donna Nguyen

Xin chúc vui khỏe, bình an và hạnh phúc.

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
20/03/201903:59:51
Khách
Cảm ơn bác Cout, chúc bác luôn vui khỏe bình an và nhiều niềm vui hưởng những ngày hưu trí như ý bên cạnh gia đình, người thân và bạn bè. Tâm thân luôn an lạc.
13/03/201917:46:39
Khách
"Tôi viết là phần lớn những người tôi tiếp xúc trong hai tuần lễ ở đó."
Bai` viet khong co' suc' thuyet phuc .vi` viet chuyen thien ha. nhung khong hieu? ro? ......
Tran trong
Kim Ho
13/03/201916:32:21
Khách
Bài viết chân tình. Cám ơn tác giả đã chia sẻ tâm tình và kinh nghiệm của mình. Tôi vừa về hưu, sau 30 năm làm việc, và đang ở ngã ba đường , trăn trở với ý nghĩ nên tìm việc làm tiếp hay “ biết đủ”. Đọc bài này như cởi tấm lòng. Chúc Chị an vui va mong đựơc đọc bài kế tiếp của chị.
13/03/201914:16:03
Khách
"Những người qua Mỹ trước 1975, nói tiếng Việt y như họ, kiểu dao to búa lớn, hiểu không nổi". Trích.

Không rõ có phải tác giả ám chỉ một số những du học sinh Việt Nam Cộng Hòa ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản?
13/03/201912:38:52
Khách
Michael, bạn sốt ruột lắm gì, khen chê tùy người đối diện bạn nhé. Bài viết nói lên Kinh nghiệm thực tế của riêng tôi. Tôi mà buông được thì đã viết kinh nghiệm kiểu khác rồi. Tôi viết là phần lớn những người tôi tiếp xúc trong hai tuần lễ ở đó. Những người được mướn theo kiểu của chị Lệ và từ họ kể lại chuyện cho tôi nghe. Tôi nghe sao thì kể lại như thế. Bạn nên đọc từng chữ. Lý do tôi chờ đến bây giờ mới chia sẽ vì sợ đụng chạm khi nói lên sự thật theo cách nhìn của mình, trong khi người trong cuộc kêu tôi viết rất lâu rồi bạn ạ. Tôi nêu ra những khó khăn khi người ta đã đến được đất nước văn minh mà không thích sống văn minh, dù là cùng một dân tộc cũng khó mà hoà hợp với nhau lắm bạn à . muốn thành công trong cộng đồng Việt, sinh tồn vui vẻ không phải là chuyện dễ, nên phục những người đó, vì tôi làm không nổi. Nhưng tôi lại thành công kiểu khác và có thể biết đủ để khỏi cực nhọc kiểu đó, và tôi viết bài này để tự nhắc nhở mình, sẵn dịp chia sẻ luôn. Nếu bài viết này khiến bạn không vui hoặc nói oan cho ai đó thì tôi xin lỗi. Bạn bè của tôi làm trong ngành này thành công rất nhiều nên tôi chê họ cũng như tôi tự chê mình, vì tôi không giỏi như họ, thành công nhờ chữ nhẫn và chịu đựng được những cảnh nhức đầu như tôi từng gặp. Nếu nhìn ở khía cạnh khác thì tôi đang khen những người thành công trong ngành đó. Mỗi lần tôi nghe ai nói " không có cửa " thì tôi thấy đúng là mình " không có đường binh " rồi, úp bài cho sớm đi thôi, mà còn tiếc nghĩa là không lượng sức mình, không đủ can đảm chơi tố " nhất chín nhì bù " ,tôi sợ nhất là nói chuyện với những người xài quá nhiều chữ cộng sản, nhất là qua Mỹ trước 75 mà bị nhiễm thì có "vấn đề" rồi hi hi. Đừng sốt ruột nữa nhé. Hãy nhìn cái tôi không thích ở khía cạnh khác đi bạn ạ. Chúc bạn luôn vui khỏe bình an.
13/03/201906:45:09
Khách
Không biết tác gỉa học buông bao lâu và đến bao giờ mới buông được? Chê chị Lệ điều hành nhà hàng, sợ làm ăn kiểu VN, xạc luôn thợ làm móng tay lo ăn nhậu, có I phone mà không biết xài...Chê người đi trước 75, chê luôn người mới qua sau này... đọc sốt cả ruột!
13/03/201902:02:31
Khách
Van Tran, dạ, những ai mạnh khỏe thường hay ỷ y. Tuổi thọ bây giờ cao hơn nhưng vẫn có nhiều trường hợp chưa kịp hưu trí thì đã ra đi bất ngờ rồi ạ. Chúc Van Tran sức khỏe dồi dào, nhiều sự như ý.
13/03/201901:59:59
Khách
Dkay dạ xin lỗi, đúng là viết sai rồi, thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc, không hiểu sao nghĩ một đường viết một nẽo, chắc lo tập trung dịch ra tiếng Việt mà typo đó ạ. Mình ở trong ngành Finance và Accounting nên mấy cái này nói hàng ngày, thật là tệ quá. Lần sau sẽ cẩn thận hơn ạ.
12/03/201916:34:19
Khách
Bây giờ thì khi mà tuổi già nó sầm sập kéo đến và sau bao nhiêu những gió mưa trong cuộc đời, thì nay đành phải chép miệng than thở " ước mơ trôi qua rồi, giờ chỉ còn trong ta bến mơ "; " Trời chỉ cho ta làm được có bấy nhiêu, thôi thì đành chịu vây. Muốn nữa cũng chẳng được vì lực bất tòng tâm !"; " Trong những năm tháng cuối đời, chỉ mong sao cho có súc khoẻ tốt mà thôi "....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến