Hôm nay,  

Valentine Day: Hạnh Phúc Chênh Vênh

14/02/201900:00:00(Xem: 9836)
Tác giả: Pha Lê

Bài số  5615-20-31421-vb5021419

 
Thứ Năm tuần này là  Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu  đúng 750 năm  ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ.  Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên,  cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!

 
* * *                                                            
 

Một hồi chuông giáo đường vang lên như để báo hiệu Thánh Lễ Misa buổi sáng vừa chấm dứt, cha Hiền, vị linh Mục Chánh xứ  vẫn đứng trầm ngâm bất động bên khung cửa sổ giáo đường. Như thông lệ, mỗi buổi sáng, sau khi cử hành thánh lễ xong, ngài thường đến phòng ăn dùng bữa sáng với một vài chủng sinh của giáo phận, nhưng hôm nay cha Hiền không cảm thấy đói, trái lại cái cảm giác bồn chồn, xen lẫn cả sự bối rối khiến ngài không thể chú tâm vào bất cứ việc gì.

Buổi gặp gỡ tối qua với ông Nguyễn và sáng nay với ông Trần khiến Cha Hiền hoang mang tột cùng. Cả hai ông đều là con chiên rất ngoan đạo trong giáo xứ của cha, nhưng khi hai ông cùng đến gặp cha, dù khác ngày, nhưng chung một mục đích, cả hai ông đều muốn ly dị vợ!

Cha Hiền còn nhớ cha đã sửng sốt đến độ  suýt làm rơi quyển sách thánh cha đang cầm trên tay. Sao có thể như thế được chứ, cha Hiền nhìn thẳng vào mắt ông Nguyễn và nghiêm khắc hỏi lý do có phải có người thứ ba chen vào khiến ông đi đến quyết định như vậy, ông Nguyễn cười buồn nói:

 - Cha biết tính con gần 20 năm rồi, sao cha lại hỏi con như vậy!

Còn ông Trần khi cha hỏi ông câu đó, ông chỉ bật cười và nói:

 -  Nếu cha muốn, con sẽ đặt tay trên bible cho cha tin!

Như thế là làm sao, cha Hiền khổ sở không biết phải giải quyết thế nào. Nhìn đồng hồ mới hơn 10 giờ sáng, Cha Hiền quyết định sẽ đến hỏi hai ông, cha bấm số phone của ông Trần và ông Nguyễn, sau hơn 10 phút trao đổi, cha vui mừng vì tối nay cha sẽ đến tận nhà mỗi ông để hỏi cho ra lẽ. Cha tin tưởng với tài thuyết giảng của cha, ông Nguyễn và ông Trần sẽ từ bỏ ý định ly dị, cha tự nhủ, chẳng lẽ một con chiên ngoan đạo lại có thể quên câu giáo điều "Sự gì Thiên Chúa Đã kết hợp, loài người không được phân chia".

 

*

Bây giờ cha Hiền đang ngồi trong khu vườn nhà ông Nguyễn. Trời vừa chập choạng tối nhưng hương hoa ngọc lan  đã tỏa nhẹ trong không gian.  Cảm thấy lòng mình thanh thản được đôi chút, cha đưa mắt nhìn quanh, khu vườn được chăm sóc khá chu đáo, mỹ thuật nhưng không cầu kỳ.

Cha Hiền đã đến nhà ông Nguyễn rất nhiều lần, căn nhà luôn gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp, trên mặt bàn kính hay ngay cả trên những nóc tủ, cha Hiền khó  bao giờ trông thấy bụi bặm như nhiều nhà cha đã ghé qua. Một điều mà cha Hiền  ngưỡng mộ nơi bà Nguyễn là sự hài hòa mầu sắc trong cách bài trí đồ đạc trong nhà, và nhất là, dù xuân hạ thu đông, trong nhà bà luôn luôn có một bình hoa tươi do chính tay bà chưng cắm, mùa nào hoa nấy. Một lần nhìn bình hoa trên bàn ăn, cha hơi thắc mắc bình hoa có 4 đóa hoa hồng vàng mảnh mai được cắm cạnh một khúc thông già khô khốc, sần sùi, bà Nguyễn giải thích :

- Cành thông già tượng trưng cho người quân tử: mạnh mẽ và dũng cảm, nhưng cứng ngắc, còn hoa hồng vàng để chỉ hình ảnh người phụ nữ, bà Nguyễn ngập ngừng rồi tiếp,  mỏng manh và dễ vỡ.

 Cha Hiền đã đi và đã sống rất nhiều nơi, nên cha hiểu để có một mái ấm như thế này, người nữ chủ nhân của căn nhà phải là một người vừa khéo léo lại, vừa nhẫn nại   chịu thương chịu khó. nhiều lần cha thường nói đùa với ông Nguyễn: "May mà có em đời còn dễ thương."

 Cha Hiền thẫn thờ suy nghĩ: một gia đình thật đẹp, vậy mà..."

 Cha Hiền vẫn ngồi yên lặng chờ đợi, một lúc sau ông Nguyễn mới lên tiếng:

- Con xim cám ơn cha đã đến gặp con đêm nay, nhưng trước khi cha cho con những lời khuyên, xin cha cho phép con được kể sơ về sinh hoạt của gia đình cũng như cuộc sống của vợ chồng con.

Cha Hiền khẽ gật đầu, ông Nguyễn sửa lại thế ngồi cho thoải mái hơn, ông duỗi hai chân, đầu hơi nghẻo về phía sau, giọng ông đều đều:

- Chúng con lấy nhau gần 20 năm, ba đứa con của con, đứa lớn nhất vừa vào Đại học, đứa nhỏ nhất cũng sắp vào trung học năm tới, nói chung, cuộc sống của chúng con cũng đã ổn định.

Ông Nguyễn ngừng nói, nâng ly trà thơm ngát mùi mạn sen lên môi hớp một ngụm nhỏ rồi nói tiếp.

- Chúng con quen nhau từ thuở còn trong đại học, 6 tháng sau khi ra trường, chúng con lấy nhau. những năm đầu vợ con vẫn đi làm, nhưng khi chúng con có đứa thứ hai, cháu sinh thiếu tháng nên vợ con quyết định ở nhà chăm sóc cháu.

Cha Hiền ngắt lời:

- Nhưng ông có muốn bà nghỉ việc ở nhà không?

- Vâng  thưa cha, ông Nguyễn đáp, lúc đầu con nghĩ nàng chỉ ở nhà vài năm, nhưng khi chúng con có thêm đứa thứ ba thì con muốn nàng ở nhà chăm sóc con cái không cần phải  đi làm, vả lại lúc đó công việc con khá ổn định.

 Kể đến đây, ông Nguyễn cúi mặt trầm ngâm, rồi ông thở dài nói tiếp:

- Những năm tháng ở nhà làm nàng thay đổi hẳn, vợ con sống khép kín hơn.

 Cha Hiền cúi mặt và tự nhủ: có lẽ mấu chốt của vấn đề là đây.

 Giọng nói của ông Nguyễn bỗng chợt trầm xuống:

- Mỗi buổi tối con đi làm về, bước vào nhà, căn nhà vắng lặng như một căn nhà hoang dù 4 thành viên của gia đình con vẫn ở trong đấy, ông Nguyễn khẽ nhếch môi cười chua chát, khi con ngang qua phòng khách, có khi vợ con ngồi ngay đó đang xem TV hay cũng có lúc nàng đang mải mê online, nói chung, nàng chẳng bao giờ để ý con về lúc nào. Con thay quần áo thật nhanh rồi bước ra bếp, đi ngang qua chỗ vợ con ngồi, con hỏi nàng ăn tối chưa , mắt vẫn dán chặt trên TV hay trên màn computer, nàng trả lời: em ăn rồi, phần cơm của anh bên cạnh microway. Vì ngồi ăn một mình nên con thường bỏ tất cả mọi thứ trong một cái tô , ăn rất nhanh, bữa cơm tối một mình của con thường chỉ không quá 10 phút.

 Ông Nguyễn ngừng nói vì dường như có một vật gì chặn ngang cổ ông, cố gắng thở một hơi dài, ông Nguyễn lại tiếp:

- Xong bữa cơm tẻ nhạt, con bước về phòng ngủ, đi ngang qua mặt vợ, con không thể không hỏi nàng, Nhà có gì lạ không em? À, lần này thì nàng mới rời mắt khỏi TV hay computer và câu trả lời luôn là: Không, chẳng có gì hết, everything is fine, why?

Vì biết trước câu trả lời của nàng, nên con lặng lẽ bước về phòng.

Ông Nguyễn lại ngừng nói, cha Hiền ngẩng đầu nhìn, dưới ánh trăng chênh chếch, khuôn mặt ông Nguyễn lộ thoáng nét đau đớn, ông tiếp tục kể:

- Khi đi ngang qua phòng con trai của con, con gõ cửa và bao giờ cũng phải gõ ít nhất 10 lần, chờ đợi gần 5 phút, cửa phòng mới bật mở và cái đầu con trai con thò ra với một câu bất di bất dịch: Oh, bố hả, do you need me anything? ' con vội trả lời no no, bố chỉ make sure con có cần gì bố không, và cha biết không, câu trả lời luôn là: everything is fine, why?

Con lại bước sang phòng con gái của con, cũng sau 10 tiếng gõ cửa, và 5 phút chờ đợi, một cái đầu thò ra và rồi cũng vẫn "everyhing is fine, why?".

 Nhiều buổi tối, con ra đây ngồi một mình, con cứ suy nghĩ rồi lại suy nghĩ mà không biết, không hiểu vợ con, con con nghĩ gì, con cảm thấy giữa con và họ là 2 thế giới riêng biệt."

Cha Hiền ngắt lời:

-Có bao giờ ông rủ bà ra đây ngồi để cùng thưởng thức ngắm trăng, để ông có thể giãi bầy những điều khúc mắc trong lòng ông không?

Sao không, ông Nguyễn vẫn còn nhớ mãi buổi tối hôm đó, trăng thật sáng, ông và bà ngồi kề cận bên nhau, đêm đó ông rất vui vì những dự án của ông vừa được phê chuẩn, nay mai có thể ông sẽ làm việc tại New York hay Chicago. ông say sưa vẽ ra viễn ảnh ông và bà sẽ sống ở những đô thị sầm uất, nhưng lạ quá, bà không vui chút nào, bà dịu dàng nói:

- Em lại mơ ước một cuộc sống thanh thản, không bon chen. Dăm bẩy năm nữa con cái xong xuôi, anh và em move tới môt thành phố nhỏ, sống một cuộc sống êm đềm, giản dị, khi bước qua tuổi 60, anh sẽ thấy tiền tài danh vọng sự nghiệp chỉ là phù du.

 

Ông Nguyễn nhìn sững vợ mình. Ngày xưa còn đi học, nàng là một sinh viên rất hăng say, từ những hoạt động "Một Chút Gì Cho Thuyền Nhân " trong trường, cho đến những cuộc biểu tình bên Pháp, bên Úc chống cưỡng bức hồi hương nàng đều hăng hái tham gia, nàng còn mở những lớp dậy tiếng Việt cho các em bé trong thành phố, nói chung, nàng rất năng nổ và nhiệt tình, vậy mà...

Trời tối nên bà Nguyễn không nhìn được sự biến đổi trên khuôn mặt của ông, giọng bà pha chút hài hước:

- Lúc đó, anh với em sẽ “thu ăn mang trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao!”

-Tại sao em kỳ quái như vậy, ông Nguyễn nghiến răng, gằn giọng nói. nhiều người vợ mong chồng thành đạt để một bước lên đài danh vọng, phú quý vinh hoa, còn em...

Ông hừ một tiếng rồi tàn nhẫn nói tiếp:

- Bây giờ không ai ăn giá với ăn măng nữa đâu, thiên hạ ăn sushi, ăn steak, tắm cũng vậy, người ta đi spa, tắm hơi, làm gì mà hồ với ao ở đây!

 Vừa nói ông vừa nhìn thẳng mặt nàng, bỗng ông chợt giật mình vì hình như từ trong đáy mắt bà hiện lên nỗi đau đớn xót xa, nhưng chỉ vài giây sau đó, bà lấy lại bình tĩnh, nhỏ nhẹ bà nói:

- Tùy anh, em sao cũng được!

Sau câu nói đó, bà im lặng mà ông cũng không biết phải nói gì, không khí ngột ngạt bao trùm, gần 10 phút sau, bà lặng lẽ đứng lên, hôn nhẹ lên má ông và nói đùa:

- Giang hồ hiểm ác, sống chết khôn lường, anh gắng bảo trọng!

 Sau đêm đó, cũng vài lần bà ra vườn với ông, nhưng ông với bà chỉ còn "hai đứa ngồi, ngồi đó như hai hòn bi", ông nhớ có một lần và chỉ một lần duy nhất, khi ông bà ngồi im lìm bên nhau, bỗng bà cất tiếng nói, âm thanh có một chút bi thương, ai oán:

- Chúng ta lấy nhau gần 20 năm, nhưng hình như những năm sau này, anh và em hoàn toàn cách biệt, chúng ta vẫn sống chung dưới một mái nhà,  vẫn sóng đôi bên nhau trong những buổi lễ lạc, chúng ta vẫn " có nhau ", nhưng anh có nhận thấy, bà Nguyễn ngập ngừng, anh nghĩ gì, anh làm gì em không bao giờ biết, và ngược lại anh cũng chẳng bao giờ quan tâm đến những gì xảy ra bên em, chúng ta sống như... hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau!

 Với một thái độ ngạc nhiên, ông Nguyễn sẵng giọng:

-Anh đã làm tất cả vì mái gia đình này, tiền tài danh vọng ngày hôm nay anh làm là cho em và cho các con, vậy mà em còn muốn gì nữa, ngừng một giây ông tiếp, mà muốn gì, em phải nói ra chứ.

 Bà Nguyễn cúi mặt để ông không nhìn thấy trong khóe mắt bà đã long lanh ngấn lệ, "NÓI ", nhưng nói làm sao và nói cái gì.

Ông bà lấy nhau gần 20 năm, những lúc ông thở hắt là bà hiểu ông đang buồn bực nóng giận, hay cái chau mày của bà, ông phải hiểu điều ông đang nói làm bà buồn lòng, giữa ông và bà hôm nay phải là sự cảm thông, không cần phải nói. Bà hiểu công việc của ông đã rất bận rộn, nhiều áp lực, có lần ông vừa cười vừa đọc: "Thương trường là chiến trường". Bà biết ông từng nuốt những viên thuốc chống stress trước khi ông bắt đầu buổi họp, bà lo lắm chứ, nhưng có bao giờ ông nghe lời khuyên của bà. Bà muốn ông bỏ bớt công việc, vui thú điền viên, nhưng khi bà vừa mở lời, ông đã cau có gắt:

- Anh còn sung sức như vầy mà em muốn anh làm Lã Vọng ngồi câu cá sao.

 Một lần khi tới nhà một người bạn, bà vô tình xem được một đoạn trong phim bộ Hongkong khi vị chưởng môn phái Thiếu lâm Tự nói về hai chữ "buông bỏ", vì là phim truyện nên lời nói pha nhiều câu hài hước dí dỏm, không khô khan cứng ngắc như những bài thuyết pháp mà vài lần ông bà có dịp nghe qua, bà vội mượn và mang về nhà để ông xem, hy vọng ông sẽ thay đổi được chút nào chăng. Tối hôm đó bà rủ ông ngồi xem phim "Tầu" với bà, ánh mắt ông toát ra vẻ vừa ngạc nhiên vừa khó chịu, nhưng ông vẫn bằng lòng ngồi xuống, chưa được 10 phút, khi ông chưa nghe kịp nghe những lời khuyên nhủ "...Ta phải dứt khoát biết những gì ta cần BUÔNG. thì ta mới can đảm "BỎ" được...", ông đã dứng lên càu nhàu:

- Anh đâu có dư giờ mà xem mấy cái nhăng nhít này, em thật...

Rồi ông đứng lên bước thẳng về phòng, và cũng từ hôm đó bà không còn muốn thay đổi con người ông nữa.

Cha Hiền vẫn yên lặng kiên nhẫn chờ đợi, cha đoán ông Nguyễn chắc đang có những dằn vặt nội tâm, chợt từ bên hàng xóm có tiếng chó sủa vọng lại đưa ông Nguyễn "qua cơn mê", ông ngượng ngùng nói:

-Có vài lần tụi con ngồi ngoài này với nhau, nhưng toàn là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thôi cha ơi!

Thở hắt ra, bỗng ông Nguyễn nói với một giọng giận dữ:

 - Tại sao vợ con và những đứa con của con không biết mọi thứ tiện nghi nhà cao cửa rộng mà họ đang hưởng là nhờ con mà ra. Không một người nào trong gia đình này biết sự hiện hữu của con, con sống trong thế giới của con, còn vợ con, những đứa con của con sống riêng trong thế giới của họ, con muốn tất cả vợ chồng con cái con sống trong cùng một thế giới,   con muốn vợ chồng con phải đọc được ý nghĩ của nhau, chúng con tuy hai nhưng phải là một, NẾU CON CỨ PHẢI  SỐNG MÃI NHƯ THẾ NÀY, CON SẼ ĐIÊN MẤT. "

 Từ giận dữ, giọng ông Nguyễn bỗng trở nên não nề, cha Hiền ngồi bất động, trước khi cha tìm được câu an ủi,  bỗng từ chiếc TV trong phòng khách, do sự ngẫu nhiên  bà Nguyễn xem phim bộ Hồng Kông tối nay, một giọng phụ nữ ỏn ẻn cất lên :

“Phu quân, thiếp xin cùng chàng đi đến cuối cuộc đời, thiếp sẽ chia xẻ cùng chàng những đắng cay, ngọt bùi của cuộc sống, và những đau thương của cuộc đời!”

Tiếng nói nàng sao mà êm như mơ, ông Nguyễn thầm nghĩ, rồi với một giọng cả quyết, ông Nguyễn ngẩng đầu nói với cha Hiền:

 - Con cần một người đàn bà như thế để đi với con nốt quãng đời còn lại, con mong cha hiểu cho con!"

 Một lần nữa cha Hiền lại cúi đầu, cha nén tiếùng thở dài. Nhìn dồng hồ, cha Hiền thấy cũng sắp tới giờ cha phải đi gặp ông Trần. cha đành cáo từ sau những câu động viên an ủi, xiết chặt tay ông Nguyễn, cha hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình ông qua khỏi cơn gian nan thử thách này.

 

*

 Bây giờ cha Hiền đang ngồi trong vườn nhà ông Trần, cùng trong một khu phố nên kiến trúc 2 căn nhà cũng tương tự nhau, nhưng vườn nhà ông Trần không gọn gàng và mỹ thuật như vườn nhà ông Nguyễn, khóm hoa hồng góc vườn cũng được cắt tỉa nhưng có vẻ chủ nhân làm một cách miễn cưỡng hơn là thích thú.

 Ông Trần từ trong nhà bước ra với 2 ly trà nóng trên tay, đặt ly nước trà của mình xuống bàn, hai tay ông Trần nâng ly trà còn lại kính cẩn mời cha.

 Kéo chiếc ghế lại sát bên cha Hiền, ông Trần tha thiết:

- Con xim cám ơn cha đã đến đây tối nay để con có thể giải bầy những uẩn khúc trong cuộc sống của chúng con.

Cha Hiền chỉ khẽ gật đầu và yên lặng chờ đợi, Ông Trần bắt đầu:

- Chúng con lấy nhau gần 20 năm, hai đứa con của con đứa lớn nhất sắp ra trung học, đứa bé cũng vào trung học năm tới, nói chung, cuộc sống của chúng con cũng đã ổn định. Khi mới qua Mỹ, vợ con ở nhà chăm sóc con cái, khi các cháu đã đủ lớn, vợ con muốn đi làm nhưng không phải là dễ vì phần tuổi tác cao, phần trở ngại tiếng anh, nên vợ con đành ở nhà luôn cho tới giờ.

Cha Hiền cúi đầu suy nghĩ: "có thể đây là nguyên nhân của sự đổ vỡ chăng ?"

Ông Trần thở hắt ra rồi bắt đầu kể:

-Mỗi tối con đi làm về, ngay ngoài garage con đã nghe tiếng nhạc ầm ĩ từ phòng con trai con vọng lại, ngoài cửa nhà con thì ôi thôi cả một rừng giầy dép hỗn độn. Ông Trần ngừng nói để nhấp một ngụm trà, khi con bước vào nhà, vừa thoáng thấy bóng con, vợ con đã gay gắt hỏi: "anh đi đâu mà giờ mới về nhà, tan sở lúc 5 giờ rưỡi, mà bây giờ hơn 6 rưỡi rồi'. Con luôn phải phân trần: " kẹt xe em ơi", rồi con vội vàng thay quần áo để chạy ra ăn cơm với nàng, thường thì con của con ăn trước, nên bữa ăn bao giờ cũng chỉ còn 2 vợ chồng con.

 Cha Hiền khẽ nhíu mày và thầm nghĩ có vợ có chồng trong bữa ăn là thật hạnh phúc rồi, không biết ông Trần này muốn gì đây. nhưng giọng ông Trần bỗng trở nên thảm thiết:

- Cha biết không, trong suốt bữa ăn, vợ con nói liên tu bất tận, từ chuyện dì Út cãi nhau với chồng, tới chuyện bà ngoại mua được ký tôm on sale, thậm chí cả chuyện con chó hàng xóm chạy lạc sang vườn nhà con, con làm 12 tiếng một ngày, cái tai con muốn nổ bung, nhiều lần bất chợt nàng hỏi lại và con trả lời ú ớ, thế là nàng kể lại lần nữa. Bây giờ con "khôn" ra rồi, mỗi khi nàng kể, con chỉ cần đệm vô câu "trời ơi rồi em làm sao", hay là "em làm vậy là đúng" mặc dù câu trả lời của nàng cho những cái "rồi em làm sao, em làm vậy là đúng" con chẳng bao giờ để tâm!

Môi ông Trần  thoáng diểm một nụ cười hóm hỉnh, Cha Hiền thắc mắc :

-Nếu muốn tránh phải nghe nhiều chuyện như vậy, sao ông không ăn cho lẹ rồi ra phòng khách mà nghỉ?

Ông Trần trợn mắt và nói:

- Con đã làm vài lần, mà còn thê thảm hơn cha ơi, vợ con thấy con ngồi không, "bả" còn tìm việc cho con làm, cho nên con thà điếc tai còn hơn nhọc xác cha ơi!

 Ly trà đã nguội ngắt từ bao giờ nhưng cha Hiền nhấp một ngụm lớn, giọng ông Trần mỗi lúc một thê lương hơn:

- Cha biết không, nhiều tối gần 10 giờ đêm con mới xong những chuyện trong nhà mà vợ con muốn con làm, con mang ly trà nóng ra ngoài này ngồi cầu mong được vài phút yên bình, vậy mà vợ con đâu có tha cho con, bả cũng bước ra theo, trước khi ngồi yên, bả còn chạy ra chạy vô chục lần, khi thì lấy hạt dưa ra cắn, khi thì mang đậu phụng ra nhai, và cái bả không bao giờ thiếu là mở máy NÓI, riết rồi con cũng hết muốn ra ngoài nay ngồi luôn .

Rồi ông Trầøn đổi giọng diễu cợt:

-Có lần con ngồi ngoài này đúng vào đêm rằm, không gian êm đềm tĩnh lặng vậy mà vợ con vẫn nói, con nhớ có lần trong bài giảng cha có đọc bài thơ gì gì lặng thinh đừng nói...

Cha Hiền mỉm cười đọc bốn câu thơ của Hàn Mạc Tử:

Em hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Cha vừa dứt lời, ông Trần chặc lưỡi khen:

- Bài thơ hay nhất là câu đầu tiên "em hãy làm thinh chớ nói nhiều", chắc ông nhà thơ này cũng có bà vợ lắm mồm, nói nhiều như bà xã con!

Lần này thì cha Hiền không giữ được, cha bật cười thành tiếng.

Thấy cha vui vui, ông Trầøn kể tiếp:

- Ngày thường còn đỡ, tới weekend con còn khổ trăm ngàn lần, dĩ nhiên những chuyện cắt cỏ, dọn vườn, sửa sang nhà cửa con sẵn sàng làm, nhưng cái mục đi shopping với vợ con làm con khốn đốn vô cùng, lần nào cũng như lần nào, đi gần gẫy chân, lòng vòng gần chục tiệm quần áo,  khi vợ con  chọn được cái áo hay cái váy bả thích, bả hỏi ý kiến, con đưa ý kiến, bả thường trề môi "anh không biết một tí gì về fashion hết!", như vậy bả cần gì con phải đi shoping với bả!

Đêm đã khuya, mùi hương hoa hồng tỏa nhẹ trong gió, bỗng giọng ông Trần trở nên giận dữ:

- Tại sao vợ con và những đứa con của con không biết những tiện nghi vật chất, nhà cao cửa rộng mà họ đang hưởng đều nhờ con mà có...

 Cha Hiền mở to đôi mắt, đây cũng là câu nói thê lương của ông Nguyễn vừa nói với cha vài giờ trước đây. Cha nín thở chờ đợi, tiếng ông Trần vẫn đầy sự phẫn nộ:

- Tại sao vợ con và các con của con lại bắt con sống trong thế giới của họ, đành rằng gia đình cần có sự chia xẻ, nhưng con cần có  được một khoảng không gian riêng, một giây phút riêng, không làm gì hết, con chỉ muốn được ngồi yên một chỗ, không có tiếng vợ con léo nhéo bên tai, con chỉ muốn đơn giản như vậy mà cũng không được, tại sao vợ con lại muốn con phải  nghĩ giống bả, sống như bả,  NẾU  CON PHẢI SỐNG MÃI NHƯ THẾ NÀY, CON SẼ ĐIÊN MẤT.

 Cha Hiền cảm thấy như có một tảng đá to đè trên lồng ngực, hơi thở cha đứt quãng, cha cố trấn tĩnh và định lên tiếng an ủi ông Trần, thì bỗng cửa patio bật mở, tiếng bà Trần lanh lảnh, phá tan khoảng không gian tĩnh mịch, êm ả :

- Con xin lỗi cha, nè anh, hồi chiều tưới cây, nước chẩy yếu xìu, chắc ống nước có chỗ lủng, ngày mai đi làm về sớm, anh thay ống nước khác nghen, để nước chảy rỉ rỉ như vậy, tiền bill nước trả sao nổi.

 Nói xong bà kéo cánh cửa cái rầm. Ông Trần đưa mắt nhìn cha Hiền như thầm bảo, đó, cha thấy chưa.

Cha Hiền lại cúi mặt, buổi nói chuyện chỉ vài tiếng dồng hồ mà cha đã cúi mặt biết bao nhiêu lần.

Ông Trần đợi mãi vẫn không thấy cha nói lời nào, ông nhìn lên trên trời cao, bầu trời đen thẫm lấp lánh ngàn ánh sao, bỗng dưng ông ước gì có một phép mầu cho ông chắp cánh bay cao bay cao, ông sẽ ngự trị bình yên trên một hành tinh xa xôi nào đó, và ở đó  ông tin chắc ông sẽ có "riêng một góc trời".

 Cha Hiền vẫn im lặng, cha xoay xoay chiếc nhẫn trên ngón tay áp út. Khi cha thụ phong linh mục, chủng viện đã trao chiếc nhẫn cho cha và cha đã đeo nó gần 25 năm. Chưa lúc nào bằng lúc này, cha Hiền mới cảm nhận và thấm thía câu nói: "Tu là cõi phúc". Cha cảm thấy chua xót và đau lòng trước sự rạn nứt để đi đến đổ vỡ của hai gia đình mà cha rất quý mến. Biết khuyên nhủ họ như thế nào bây giờ, cha Hiền bần thần suy nghĩ, chẳng lẽ bảo: rằng hạnh phúc là CHO chứ không phải là NHẬN, rằng hôn nhân là đồng nghĩa với thương yêu,  hy sinh và  chịu đựng, rằng lời thề trước bàn thờ ngày thành hôn là sẽ thương yêu nhau khi gian nan hay lúc hoạn nạn, khi thinh vượng hoặc lúc nghèo đói. Nhưng gia đình ông Nguyễn và ông Trần vừa giầu sang, vừa yên bình, vậy mà họ sắp bỏ nhau đấy sao.

Cha Hiền cảm thấy mình bất lực trước quyết định của hai ông, cha nhìn lên chợt bắt gặp khuôn mặt  ngơ ngơ của ông Trần, cha tự hỏi không biết ông có hiểu ly dị vợ là tan nát cả một gia đình, là kéo theo những đau khổ chồng chất mà những đứa con ông sẽ là người chịu nhiều cay đắng, khổ đau nhất.

Ông Trần chợt lên tiếng:

- Bây giờ cha khuyên con phải làm sao thưa cha?

Cha Hiền lại thở dài, lời khuyên thì cha không có, nhưng nếu cho cha quyết định, dĩ nhiên chỉ trong ý tưởng của cha thôi, chứ không thể nào thực hiện được, là cha sẽ bắt ông Nguyễn và ông Trần mỗi ông sắp một vali quần áo, hai ông sẽ đổi nhà cho nhau và sẽ ở đó một tuần, thì tự khắc hai ông sẽ "biết đá biết vàng"./.

Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
15/02/201921:08:26
Khách
Một bài viết hay và bằngi lời văn của người cựu nữ sinh Trưng Vương.

Hic ! Có câu nói " Hôn nhân như cái nhà vệ sinh". Người bên ngoài thì rất muốn vào nhanh. Còn người bên trong lại rất muốn ra. Thế cho nên khi mới lập gia đình , chớ nên lạc quan hão hoặc tếu mà tưởng hay hy vọng rằng " Đời mình đẹp quá có ai bằng ta...Đời mình đẹp mãi có Em và Anh..." ( nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ) hoặc " Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề...Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng em cười " ( nhạc sĩ Lam Phương). Bởi vì hôn nhân cũng không thể thoát khỏi định luật " "Thời gian có thể thay đổi tất cả mọi thứ ", kể cả tính tình của con người. Bởi vậy, " hôn nhân là hên, xui !".

Thỉnh thoảng đọc mục Ann Landers, Dear Abby trên các báo Mỹ,tôi thấy có độc giả than thở rằng sau mấy chục năm trời sống chung và đã có con, nay muốn ly dị để sống với người yêu mới và cũng là người cùng phái ( gender). Còn có bà vợ than phiền về ông chồng lão niên rằng ông ta ta cả ngày lông nhông trần truồng như nhộng, không mặc quần áo chi cả - sau khi con cái nay đã đi làm hay đi học ở nơi khác, v...v...". Hãi quá ! thế cho nên cũng may rằng lời hứa"...sẽ thương yêu nhau khi gian nan hay lúc hoạn nạn, khi thinh vượng hoặc lúc nghèo đói " ( hình như) là lời dạy của giáo hội Công giáo, chớ chính Chúa thì không đặt ra bó buộc này.

Cách đây khoảng mười năm, trên đài truyền hình ABC có chương trình " Wife Swap ", ông chồng này sống với vợ của ông chống kia trong hai tuần, sau đó cho biết cảm tưởng thế nào về vợ mình và vợ người kia.
14/02/201919:37:35
Khách
đọc clair de lune của guy de maupassant để thấy mấy ông cha có biết gì đâu chuyện vợ chồng với tình yêu. Ở đó mà khuyên với răn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,284,024
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Nhạc sĩ Cung Tiến