Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Chuyện Ngày Tết

10/02/201900:00:00(Xem: 9909)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh

Bài số  5613-20-31419-vb8021019

 
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.

 
***
 

Đầu năm, ảnh hưởng bởi những cơn bão tuyết từ miền bắc, nhiệt độ ở Atlanta xuống tới mức âm 10 độ. Mấy ngày qua, sau vài cơn mưa giữa khuya, cây lá trên cành còn đẩm ướt, cái lạnh bất thình lình khiến cả không gian như đóng băng. Cỏ cây, cành lá và những búp non trên cành đều hoàn toàn đông thành nước đá. Sáng nay, ngày đầu năm mới tôi lái xe đi làm, ngẩn ngơ với vẻ đẹp huyền ảo của cảnh vật bên ngoài.

Hai bên đường là những hàng cây trong suốt như pha lê, ánh sáng từ những cột đèn đường làm cho khung cảnh thêm lung linh, đẹp không thể tả. Một người bạn Mỹ của tôi đã ngắm phong cảnh bên ngoài qua khung cửa sổ văn phòng làm việc của tôi và nói: Tuyệt vời, tôi nghĩ cảnh ở thiên đường trên kia chắc cũng chỉ đẹp đến vậy thôi!

Đã qua rồi một năm, mười hai tháng, bốn mùa ... với đầy đủ hỷ nộ ái ố. Với riêng tôi, những buồn vui trong đời ở tuổi này dường như cũng đằm thắm lại, khi tôi sống trong gia đình với đôi uyên ương gần chín mươi tuổi. Những ngày cuối năm giá lạnh, ba má tôi tuy đã lụm cụm nhưng cũng rất hăng say bày biệnmọi lễ vật chưng bày cho bàn thờ Tết, xông xáo thắng đường, nhào bột, ngâm nếp, cắt lá, gói bánh, đun đun, nấu nấu ... dường như không biết mệt, chỉ để mang lại chút không khí nhộn nhịp những ngày cuối năm. Vừa làm vừa ôn lại: Nhớ hồi xưa, lúc mẹ còn sống ... hay nhớ hồi tản cư, ... hay gần hơn là ... nhớlúc ông ở tù, mấy mẹ con không biết Tết là gì. Nhân đó, Ba tôi hay nhắc về những cái Tết thiếu thốn trong hơn mười năm ở trại tù Tiên Lãnh...Cái hăng say chuẩn bị đón Tết của ba má cũng làm tôi bận rộn và mệt không ít. Cứ phải lái xe ra chợ mua cái này, đi làm về ghé chợ mua thứ kia.

 Chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán năm này tôi nhớ Tết năm trước, đi chợ Việt Nam thì nhận ra rằng chợ hoa rất tấp nập, hầu như không còn hoa để bán, riêng hàng mứt Tết thì ế ẩm. Tôi đoán rằng các thông tin về cách làm mứt không bảo đảm vệ sinh từ các trang báo đã khiến mọi người không yên tâm. Dường như là người Việt ở đây đã hạn chế ủng hộ các hộp mứt, hộp trà đẹp đẻ gói trong giấy kiếng "made in China". Vào đến nơi làm việc thì lòng tôi luôn thấp thỏm âu lo, không biết ba má có quên tắt bếp gas hay ra vô quên đóng cửa, khiến máy sưởi phải chạy suốt ngày đêm không nghỉ, rồi ông ba mình lụm cụm cứ rề rề theo giúp má thay nước nồi bánh, châm nước ... có bị trượt chân vấp té không ...? Ui cha, trăm ngàn thứ lo, rồi nấu mâm cơm cúng, gọi phone kêu réo gia đình mấy anh em xúm lại ăn bữacơm rước ông bà cuối năm cho ba má vui.

Khi nồi bánh tét 18 đòn và khoảng hơn 50 cái bánh tổ đã hoàn thành, Má tôi thích đếm tới đếm lui rồi lấy bịch phân ra từng phần chia cho mỗi gia đình con cái, phần ít để biếu những người thân quen. Tôi thì vội vàng chụp ảnh khoe với bạn bè. Mồng một Tết nhằm vào giữa tuần nên tôi cũng phải đi làm bình thường, nếu muốn nghỉ thì phải lấy ngày phép, mà nghỉ ở nhà làm gì trong khi tôi biết là ba má tôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ bánh trái cho ba ngày Tết đã thấm mệt, hai ông bà sẽ trùm mền suốt ngày đầu năm để nghỉ ngơi. Chắc chắn cũng sẽ không có khách nào đến thăm hay chúc Tết. Con cháu, bạn bè hay sui gia của ba má có gọi phone chúc Tết thì chắc chắn cũng sẽ nghe tiếng phone reo vài hồi rồi nghe lời mời mọctuwf máy nhắn tin: Vui lòng để lại tin nhắn ... tự động, vì ba tôi tai đã nghểnh ngãng, không bao giò cầm máy, má thì đã trùm mền ngủ kỹ.

Tôi vào Sở, bày vài loại bánh mức bên cạnh chậu hoa trạng nguyên để giới thiệu sơ về cái Tết dân tộc của người Việt Nam với những người bạn Mỹ. Không khí Tết đang tưng bừng trên trang web lớp học xưa của tôi, bạn bè trong và ngoài nước đang khoe hình ảnh nơi mình đón Tết hay kể về những kỷ niệm xưa, tôi cảm thấy gần gủi và ấm lòng. Để tìm hiểu Xuân quê hương, tôi vào internet, lướt qua các trang báo, bên cạnh hình ảnh các nhà ga, bến xe đông nghẹt người chuẩn bị về quê ăn Tết hay hình ảnh đón xuân rực rở ở đường hoa Nguyễn Huệ, Hàm Nghi ở Sài gòn là hình ảnh các tai nạn giao thông đau lòng ngày cuối năm. Tôi rất thích ngắm chợ hoa nên hay xem các tin về chợ Tết. Nỗi buồn biến thành giọt nước mắt khi bán buôn ế ẩm của hai cô bé trong tấm ảnh khiến tôi xúc động. Hoa Tết mất giá cuối năm sẽ là nụ cười của người được mua hoa rẻ về chưng Tết, nhưng lại là nỗi buồn của người trồng hoa. Không ít những giọtnước mắt rơi trên các chậu hoa, vốn được chăm bón, chuyên chở từ miền đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn, là công sức của cả gia đình, ngỏ hầu kiếm chút thu nhập cuối năm, rốt cuộc đành phải đập cả chậu, bỏ cả hoa lên xe rác để trả lại mặt bằng cho thành phố vào giờ phút cuối năm. Tôi chạnh lòng nhớ đến hoàn cảnh bi đát của mình thuở xưa, có khi cũng cùng tâm trạng vào những năm cuối thập niên 1970...

Sau 1975, tôi đã từng có những chiều ba mươi Tết lang thang các con hẻm ở Đà Nẵng để tránh nợ, mong sao ngày cuối đi qua đi rất nhanh trong túng quẩn.  Đã từng có những đêm ba mươi Tết hai chị em tôi đạp xe xuống Ngã tư Hùng Vương Đà Nẵng, rụt rè chọn vài loại mứt rẻ tiền nhất mua về kịp cúng Tết, để dành chút tiền mọn mua hai chậu thược dược hạ giá khi nghe một chú bán hoa vừa khóc vừa than. Phải đập bỏ hết những chậu hoa, bỏ lại vì không có tiền chở về quê. Hai cha con phải kéo chiếc xe bò chở bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt về Vĩnh Điện trong đêm tối. Lúc ấy, tôi nhìn cảnh tiêu điều của chợ hoa ế ẩm đêm ba mươi Tết mà ngậm ngùi cho kiếp hoa. Phải chăng, thân phận đời người cũng không khác là mấy?

 Tôi vào một trang báo khác thăm không khí Tết ở Đà Nẵng, hầu như tin tức được bàn tán nhiều nhất không phải là mừng xuân mới mà là tin về những tai nạn cuối năm, những độc hại từ các cơ sở làm hàng giả bị phanh phui... Nỗi buồn không nói nên lời rơi vào những ngày cận Tết của người dân Đà Nẵng đã ảnh hưởng không ít đến không khí đón xuân. Chợ hoa không vắng hơn mọi năm nhưng sức mua bán như chựng lại. Các chậu mai vàng đồ sộ, nhiều chậu quật lớn là biểu hiện của sự sung túc cho các thương gia có tầm cở hay thường dùng để chưng bày ở nơi công sở đã không bán được như trước kia, nỗi buồn đọng lại trên mắt của người bán hoa lẫn các anh tài xế chở thuê.


Tối mồng một Tết thuờng thì các em tôi đưa con ghé về thăm ba má tôi và ăn chung bữa cơm tối trong vui vẻ. Con gái tôi cũng về thăm ông bà. Sau màn lì xì, mừng tuổi là những chuyện vui, những trăn trở được chia sẻ cùng nhau. Tôi kể cho các em nghe chuyện buồn vui của đôi uyên ương sắp vào tuổi chín mươi mươi:

Chuyện xảy ra vào ngày cuối năm vừa rồi, khi tôi đi làm không có ở nhà, chỉ có hai nhân vật chính là Ba và Má tôi mà thôi. Má tôi làm dưa món để ăn chung với bánh tét, vì hơi bị mặn nên bà phải nấu thêm chút nước đường để châm vào. Nấu xong bà đặt vào một cái thau có nước lạnh để chưng cho nguội. Ba tôi đi qua đi lại, thấy cái son nhỏ có chút nước (là nước nước đường má mới nấu) ông lanh lẹ bưng đổ hết, rửa cái son và cái thau đem cất! Má tôi khi xong việc thì hỡi ôi, chí chóe la:

- Ông sao ưa dọn dẹp quá, đổ hết nước đường tui mới nấu rồi.

Ông ba chậm rải:

- Ai biết đâu, thấy nghinh ngang quá thì tui giúp mình dọn dẹp mà!

- Tội quá, làm ơn đừng dọn dẹp, của tui làm, để đó tui. Ai biểu rứa, không biết?

Thế là Má tôi lụm cụm đi lấy son, nấu lại lần khác:

- Ông làm ơn, đừng đụng vô nữa nghe!

- Ời, …thì mình nói rứa, tui biết rồi mà.

Mấy phút sau, Má lại la lên:

- Trời ơi, son nước đường mới đây, răng chừ lạ ri?

- Tui đâu có biết, mình không cho dọn... thì tui đâu có rờ vô?

- Ông coi nè, tui nấu có chút xíu, răng chừ đầy song?

- À, tui mới giặt cái khăn lau tay, tui đâu có đụng đậy chi tới song nước đường của mình!

Thì ra, son nước Má để trong cái sink rửa chén, Ba tôi dòm vô, nhớ lời bà xã dặn dò, không dọn rửa như lần trước nữa mà đi giặt cái khăn ngay, xả nước vô ngay cái son nước đường của bà, thiệt là … thiện tai, thiện tai!

- Trời ơi, ông ác vừa vừa thôi chớ, ông xả nước đầy son nước đường tui mới nấu rồi.

Vừa la, Má tôi vừa rưng rưng nước mắt, bưng song nước đổ xuống.

Ba tôi bình thản cười:

- Thì nấu lại soong khác, mình làm chi la trời ghê rứa hè?

- Tui nói ông rồi đó nghe, sự bất quá tam, ông làm ơn để cho tui sống với.

- Ai làm chi mình đâu mà chết, đâu có chém có giết, đâu có súng đạn chiến tranh như năm 68. Có son nước đường mà chết à? Có chết thì chết hồi năm 68 hay 75 tê tề!

Tới đây thì Má tôi biết là Ba đã hơi ... sa đà nên bà im lặng, không nói nữa. Trong nhà chỉ có hai ông bà già, bài hát ... Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời ... vẫn vang vang trên TV đài Việt Nam mở 24/24.

Má lặng lẽ nấu son nước đường khác, cẩn thận đem ra ga ra để, trời rất lạnh nên để ngoài đó cũng sẽ mau nguội, không cần chưng. Bà cẩn thận lấy cái nắp son đậy lại. Sau khi làm đôi chuyện lặt vặt, bà đem son nước đường vào nhà, đến tủ lạnh lấy lọ dưa món, ra bếp sau lấy cái thau để đổ dưa món ra chuẩn bị hòa với nước đường rồi cho vô lại như cũ. Nhưng, ....những chữ "nhưng" cuối năm, thiệt là nghiệt ngã. .. bả xác trà! đầy trong son nước đường đã nguội. Lần này thì nước mắt phải rơi. Má tôi vừa khóc, vừa la:

- Răng mà khổ cho tui ri trời ơi là trời, cuối năm mà không cho tui làm mọi chuyện cho thông suốt, có hủdưa món cũng làm cả trăm lần chưa xong, ông trời ơi là ông trời?

Ba tôi đang xem TV chạy xuống:

-  Chi rứa mình? chuyện chi mình khóc ghê rứa?

- Ông không thấy xác trà đầy trong son nước đường hả?

Ba tôi xuống dòm tới dòm lui:

- Thấy chớ, ừ hỉ ... mà tui đâu có làm chi mình đâu, mà răng mình khóc ghê rứa?

Má tôi tiếp tục khóc, vừa khóc, bà vừa gọi điện thoại cho em gái út, rồi gọi cho tôi, kể lể đủ thứ...

 Chúng tôi nghe, muốn cười nhưng không dám, đành phải an ủi bà: Thôi, chắc Ba đã lãng quá rồi, bữa ni mình phải để ý ổng chút Má à. Già! ai cũng rứa.

Khi tôi kể chuyện này cho mấy anh em trong nhà nghe thì Má tôi góp chuyện:

- Thiệt là ngày cuối năm Má phải khóc với ổng đó, tụi con biết không?

- Thôi Má, Ba lãng lắm rồi.

- Má biết chớ, bởi rứa ... ổng thấy Má khóc, ổng lò tò đi theo hỏi hoài, ổng còn không biết tại sao mà Má khóc. Má biết, ổng chỉ muốn cố gắng giúp má trong chuyện nhà, nhưng mà ... thiệt ra, ổng còn không biết đã nói chi, đang làm chi nữa là. Thôi, nói làm chi. Má buồn vì ... mới đây mà, ổng với Má mới quen biết, mới tìm hiểu nhau đây mà. Sống với nhau ngó rứa mà, tháng năm ni là đúng sáu mươi hai năm rồi, ổng chừ ... lãng lãng, thiệt buồn quá đi! ... Không biết được bao nhiêu ngày?

Má tôi nói tới đây thì nghẹn lời khiến không khí như chùng xuống.

Con gái tôi vỗ về bà ngoại:

- Sorry nghe bà ngoại, nhưng mà so với mấy người cùng tuổi, ông ngoại mình còn rất khỏe vì ông còn ăn được, còn biết ngon. Ông còn tự đi đứng được, thôi cũng nên mừng, từ nay mình để ý tới ổng chút và nhất là không phàn nàn. Già, ai cũng vậy thôi mà!

Câu chuyện kể ra thì nghe như là chuyện vui, nhưng từ những suy nghĩ, tâm tư của Má tôi nói ra ngày đầu năm với các con, đã khiến chúng tôi rơi nước mắt.

Tôi biết, một năm qua đối với tôi cũng thật nhiều vui buồn, thay đổi. Những tham sân si thường có của một con người thì tôi đang cố gắng loại bỏ, mong sao tâm tư thanh thản. Học cách im lặng, không kể lể những chuyện vô ích, vô bổ. Không để tâm vào những câu chuyện đã qua, nhất là khi nghe những lời đàm tiếu thị phi thì không nên nói đi nói lại hay hờn trách để rồi mang nặng khẩu nghiệp. Tai mình nghe rồi cứ xem như không thì chắc chắn tránh được nhiều phiền phức. Tôi đang rất cố dù biết thật khó. Tâm thanh tịnh, thì nhìn mọi sự ở đời đều nhẹ nhàng, không bứt rứt. Bởi vì đời sống không phải là ngắn ngủi mà là quá mong manh. Tôi nghiệm ra, mọi sự có sanh, có diệt là lẽ thường, không nên câu nệ, đặt nặng bất cứ chuyện gì. Thân mệnh của chính mình còn không giữ được, không biết chuyện gì sẽ xảy đến trong phút chốc thì hơn thua để làm gì?

Năm mới đang đến, hoa tuyết đang nhẹ nhàng rơi ngoài khung cửa, êm đềm, lạnh lẽo nhưng cũng là dấu hiệu báo tin mùa xuân sắp về. Hoa đào sẽ nở rợp trời, khắp các nẻo đường. Về nhà thì hãy còn ba mẹ đang lụm cụm sửa soạn những mâm bánh mứt đón Tết cổ truyền dân tộc.

 Hãy vui với những gì mình đang có, tôi ơi!

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
15/02/201918:39:42
Khách
“Hãy vui với những gì mình đang có, tôi ơi!”
Cha mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau heng chị!
11/02/201918:53:39
Khách
Trích: “đời sống không phải là ngắn ngủi mà là quá mong manh”.
Không đâu tác giả ơi. Cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi mà còn quá mong manh.
Hai ca^u tren nghia~ gan` giong' nhau
Cau tac' gia~ viet hay ho*n anh DDuc' oi!
Tran trong
Kim Ho
11/02/201908:20:56
Khách
tâm tư của tác giả và chuyện "tình" của 2 cụ thật tuyêt vời
10/02/201915:47:30
Khách
Trích: “đời sống không phải là ngắn ngủi mà là quá mong manh”.
Không đâu tác giả ơi. Cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi mà còn quá mong manh.
Tôi còn nhớ mới ngày nào đứng trước cửa trường Trưng Vương làm thơ con cóc:
“Một ngày em nói bao lời. Với cha, với mẹ, với trời cao. Sao em nỡ không nói với anh một lời”.
Vậy mà giờ đây con tôi đã trường và có boy friend.
Chúc tác giả và gia đình một năm mới tràn đầy những niềm vui mình đang có.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,393,014
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.