Hôm nay,  

Hương Xuân

04/02/201900:00:00(Xem: 12756)
Tác giả: Đoàn Thị

Bài số 5608-20-31414-vb8020319

 
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.

 

***

 

Nhóm tuổi hạc trên dưới "70 năm cuộc đời" thường xuyên họp mặt ăn chơi tại nhà anh Quân "Quán Cơm Potluck" có đủ món mặn xào rau cải do các bác mua ngoài phố hoặc nấu mang đến được bày trên bàn lớn như một buffet tự chọn.

Vân là thành viên nhỏ nhất, vừa bước qua 60 năm cuộc đời, trẻ hơn các bác từ tuổi tác cho đến dáng vẻ bên ngoài, hát hay nhảy đầm số dách, làm MC không thua dân trong nghề rất dễ thương, dễ gần.

Một hôm chủ quán giới thiệu người quen cũ, cụ Hoàng ngoài bảy mươi mùa thu vàng, sau khi chia tay với vợ vẫn độc thân vui tính, có khiếu trang hoàng nhà cửa bảnh như KTS trang trí nội thất.

Sau lời giới thiệu ngắn gọn bác Quân lui vào bếp, tội nghiệp ma mới lóng ngóng chưa rành thứ tự quân giai không biết phải bắt đầu từ đâu, Vân thương tình bèn ra tay hướng dẫn cho “em nó » chào sân các bác ma cũ.

Đến quán potluck lần thứ ba, ông già đã rành đường đi nước bước, tự động rót rượu cụng ly với mọi người, ma mới chừ mới lộ tài cù lét thiên hạ, cây tếu mới mọc mà chòm lá đã xum xê xanh rì.

Cơm no rượu say các cụ lên sân khấu chơi văn nghệ, ca sĩ cây nhà lá vườn thay nhau thi thố giọng ca vàng, vàng vọt chi đó cũng được miễn là có nhạc để của các cụ dìu nhau ra sàn nhảy nhót cho tiêu cơm.

Chỗ bạn bè thân quen các cụ tha hồ đổi partner miễn là lúc về không “cầm nhầm” bà lão hoặc ông kẹ của ai kia là vui vẻ cả làng, thú tiêu khiển tao nhã này khiến ma mới mê tít nhóm các bô lão trẻ mãi không chịu già.

Hôm nào có sinh nhật của ai đó bữa tiệc vui nhộn hẳn, nhân vật chính được trao quà và hôn hít túi bụi, lúc này trông các cụ dễ thương làm sao ấy, ai cũng trẻ ra cả chục tuối.

Thỉnh thoảng mới được ôm, được hôn như rứa bảo sao các cụ không sướng cho được, xin đừng hiểu lầm tội nghiệp tâm hồn trong sáng của các cụ, giây phút mừng bạn thêm tuổi vẫn còn khỏe yêu đời cũng là mừng cho mình còn minh mẫn đó thôi.

Ma mới có cái nhìn "chiến lược" chọn đúng người trẻ nhất mời ra sàn nhảy, ông kẹ đẹp lão, lịch lãm khiến Vân có cảm tình đặc biệt, cái giác quan chi đó của cụ Hoàng mách bảo cụ đã lọt vào mắt xanh của nàng.

Ông kẹ làm thân và rủ Vân đến nhà mình chơi, căn nhà trong chung cư một phòng ngủ tự tay ông kẹ sơn sửa trang trí rất đẹp mắt, bàn ghế tủ gường bếp núc cụ mua hàng Ikea.

Phòng khách, tủ kệ sách màu trắng sữa, bếp màu Bordeaux, phòng tắm xanh Olive, phòng ngủ xanh lơ nhạt, chiếc đèn ngủ màu tro có mấy con bướn trắng bay lượn trên chụp đèn màu hồng đậm thật ấm cúng.

Ông kẹ có tài biến hóa những thứ linh tinh bàn ghế xô chậu thiên hạ vứt đi khi họ dọn nhà thành vật trang trí như kệ giày, kệ sách, kệ chưng hoa, bàn ngủ… màu sắc thật trang nhã.

Vân trầm trồ khen chiếc đèn ngủ, cụ bèn dí vào tay Vân tặng ngay làm nàng ái ngại lắc đầu.

Ông kẹ ép người đẹp nhận quà thật khéo khiến Vân cứng họng:

- Nhận đâu nhận đây giùm qua cảm ơn, qua còn một lô phế phẩm trong kho, bạn bè ai khen cái gì qua tặng cái đó để di dời “mấy em” sang đơn vị bạn mình mới có “việc làm”.

Ông vua pha trò tếu lâm, lịch thiệp hay tặng biếu bạn bè đủ thứ linh tinh bảo sao phụ nữ quán potluck không mến tay mến chân.

Dù được các bác gái “để mắt xanh” ông kẹ thận trọng giữ khoảng cách an toàn để tránh ngộ nhận làm hỏng tình bạn, thứ tình cảm quí giá rất cần cho ai lẻ bóng, solo, cô đơn triền miên.

Từ dạo Vân qua lại nhà ông kẹ họ trở nên thân thiết hơn, thỉnh thoảng rủ nhau đi phố cuối tuần, ăn cơm quán, phở tiệm, cà phê lề đường kiểu tiệm bánh Pierre GG, ra biển hóng gió, đi nghe ca nhạc, xem xinê…

Chuyện dạo chơi vi vu trở thành thoái quen làm Vân cứ trông ngóng ngày cuối tuần như lũ học trò chỉ mong ngày nghỉ học, tuần nào không gặp ông kẹ nàng thấy trống vắng, vào ra không biết làm gì cho hết ngày.

Bữa ni rời tiệm phở hai người ra biển nằm nghỉ trưa như mọi khi, tiếng sóng rì rào làm Vân chợp mắt mươi phút mộng mị tá lã bùng binh, rằng, thì, là mai này đời nàng sẽ có chàng cùng sánh bước.

Bà cô già ngoài sáu mươi vẽ vời chuyện lứa đôi như đứa mới biết yêu lần đầu, ông kẹ nằm bên cạnh không nghĩ ngợi chi cả, đánh một giấc ngon lành với cơn gió biển mát rượi.

Hai kẻ nằm bên nhau mà chả có gì chung chạ, mấy buổi cà phê dạo phố vui chơi làm sao có thể trói buộc nhau, ông kẹ đơn sơ lắm đi chơi rồi nhà ai nấy về, trái lại Vân tự thêu dệt chuyện kết nghĩa dài lâu mới phiền.

Đang loay hoay chưa biết thố lộ làm răng nỗi lòng với ông kẹ, một hôm ông kẹ kể cho Vân nghe về Thủy, cô láng giềng được con gái du học rồi lấy chồng tại chỗ, sau khi con của cô có quốc tịch bảo lãnh cô từ VN qua với số tiền bán nhà ở Sàigòn.

Cô thuê phòng trong căn nhà đối diện chung cư của ông kẹ, có lần gặp cụ ngoài bãi đậu xe, Thủy làm quen và nhờ chở đi đây đó.

Sau buổi chợ cô gửi tiền xăng nhưng cụ không nhận, cô đành nấu món này món nọ mang sang nhà ông kẹ ăn cơm chung cho vui.

Sau năm 75 vì ế chồng Thủy lấy đại lão cán cuốc rủng rỉnh tiền hối lộ, sinh con bé Thủy Tiên, lão tậu cho cô một căn phố lầu ở Tân Bình, thỉnh thoảng lui tới với mẹ con cô, chu cấp tiền bạc rộng rãi để cô nuôi con.

Một hôm vợ lão khám phá tổ ấm của hai người, mụ thuê bọn du côn tới nhà đánh Thủy một trận suýt chết và dọa sẽ giết cô nếu không buông tha chồng bà.

Cô bán nhà, cán cuốc mua căn nhà to hơn căn trước trong con hẻm vắng vẻ, lão ít lui tới nhưng vẫn chu cấp đầy đủ, khi Thủy Tiên đậu tú tài lão lo giấy tờ cho nó đi du học bên Mỹ.

Qua lại ăn cơm nhà ông kẹ một lúc cô láng giềng bảo cụ đưa nàng đến quán potluck để quen biết thêm đồng hương cho vui vì gia đình con gái cô ở xa nên cô chỉ quen biết vài người Việt ở đây thôi.

Thủy trên dưới bốn mươi thơm như múi mít so với mấy bác gái tuổi hạc “lao động » tối mặt trên đất Mỹ mấy mươi năm đến lúc nghỉ hưu ai nấy cũng riệu rạo.

Phụ nữ bên nhà có tiền gia đình ở hải ngoại viện trợ, hoặc làm ăn buôn bán với cán cuốc dư tiền thuê người giúp việc, tội gì lao động chân tay cho tàn tạ nhan sắc.

Qua đây định cư họ mang vài trăm ngàn hoặc cả triệu đô la tiền của bên VN, mua nhà trả “tiền tươi” một cái rụp, đâu cần vay ngân hàng trả dài hạn như dân tại chỗ.

“Kẻ đến sau, về trước” qua mặt dân Mỹ gốc Việt một cái vèo nhờ rổ tiền làm ăn chân chính hoặc bất chính điều có mải lực như nhau vì đồng tiền không có mùi vị, không mang tính đạo đức, không có biên giới, rứa mới có câu “mảnh lực đồng tiền ».

Hôm cụ Hoàng mang Thủy ra mắt nhóm các bô lão, giời ạ ma mới lần ni ma mị chi đâu, da nàng trắng như bông bưởi, thân hình hấp dẫn không thua minh tinh màn bạc, ngoài bốn mươi mà trông em cứ như ba mươi, em nói năng ngọt như mía lùi.

Một bóng hồng tươi rói làm xáo động không khí êm ả của nhóm già xóm nhỏ, cô mang sự tươi mát mà mấy bác gái ở đây vừa bị thời gian tước đoạt, đã thế “em nó » lại lanh tay lẹ chân nhào vào bếp phụ các chị, có bực cũng phải nhe răng cọp cười với em nó cho đúng phép lịch sự.

Nhất cử nhất động em nó réo, anh Hoàng giúp em với, “Hoàng cưng” của mấy bác gái bị cô em ngang nhiên trưng dụng, bắt cóc bỏ giỏ làm của riêng, em nó sống với vixi mấy mươi năm không “tranh thủ » đụng đâu gom đó mới lạ.

Dân Sàigòn cũ như Thủy dám lấy cán cuốc để “đổi đời », chuyện túm lấy cụ Hoàng là chuyện vặt, em nó chỉ mượn tạm ông kẹ đấy thôi, đến lúc em nó xuất độc chiêu bảo đảm các cụ sẽ thất kinh hồn vía rụng rời tay chân cho mà xem.

Ngoài thức ăn khô mua ở tiệm các bác mang đến như thông lệ, Thủy làm thêm lẩu hải sản, súp măn cua, chè đậu, chè sương sa hạt lựu.

Các bác trai ưng ý lắm, tự dưng có một em mát rượi phục vụ ân cần, mấy bác gái phụng phịu bị em nó trưng thu kép chính, để hạ cục giận của bác gái, em nó dành phần thu dọn bãi chiến trường một mình ên.

Sàn nhảy bữa ni tưng bừng với giọng ca ngọt ngào mới đến từ quê mẹ, ma mới nhảy nhót không thua ma cũ, dân bên nhà ăn chơi ăn đứt đồng hương ở hải ngoại, tư sản đỏ giàu hơn người tại chỗ nhiều lắm.

Tàn tiệc giọng cười sản khoái của các cụ, tiếng của ai đó hẹn gặp lại Thủy lần sau làm Vân khó chịu nhưng cũng rán vui vẻ cười nói với mọi người.

Đêm hôm đó Vân trằn trọc không chợp mắt dù chả ngồi bên tách cà phê đen mà như ngồi trên đống lửa, tìm kế sách chiêu dụ cụ Hoàng trước khi Thủy ra tay cưỡm mất báu vật.

Một cuối tuần Vân rủ ông kẹ đi dự sinh nhật chị Hà, bà chị họ miệt Corona, một công đôi việc, sẳn dịp nàng ngầm đưa chàng ra mắt gia đình họ hàng, buổi tiệc kết thúc vui vẻ.

Trên đường về Vân hỏi ông kẹ nghĩ gì về gia đình chị Hà, cụ cười sản khoái:

- Gia chủ hiếu khách thiệt, anh rất hân hạnh được gia đình chị Hà nhận làm thân hữu.

Vân hỏi gặn:

- Chỉ thân hữu chứ không thân tình như người nhà sao?

Cụ lắc đầu:

- Sao là người nhà được, thân hữu mới đúng chứ.

Chao ơi, câu trả lời rạch ròi của ông kẹ làm Vân lo, cụ vẫn coi nàng là bạn thân hơn mấy bác gái kia chứ không có chi đặc biệt, tại nàng suy diễn tùm lum đó thôi.

Điều nghi ngại của Vân quả không ngoa, một hôm để tạo bất ngờ cho ông kẹ nàng làm một cà mèn cơm ba món, hý hửng chạy thẳng đến nhà chàng, định trưa nay chúng mình tập tành ăn cơm chung.

Vân khóa cửa xe, bước từng bước lên cầu thang tránh không gây tiếng động, đến lầu 2 nàng ngắm cánh cửa vừa được sơn màu trắng viền xanh nhạt tuần trước, treo lủng lẳng bản số 15B bằng gỗ sồi.

Đưa tay định gõ cửa, tiếng phụ nữ bên trong vang vang, “quỷ nè, râu anh cứng như kẻm nhột gì đâu.”

Vân rụt tay, đứng như trời trồng không biết phản ứng ra sao, phía sau lưng có tiếng chân người đi lên cầu thang, nàng quay lưng ù chạy suýt đánh rơi cà mèn cơm.

Chui vào xe, Vân thở hổn hển, mở máy xe, chạy lòng vòng trong xóm một lúc rồi ghé vào quán cà phê quen thuộc gần đó nơi hai người từng ra đây tâm sự, tâm tình.

Tối hôm đó nàng gọi ông kẹ “rà mìn”:

- Trưa hôm nay Vân định mang cơm đến ăn với anh.

Nàng bỏ lửng câu nói, ông kẹ hơi ngạc nhiên:

- Thế à, sao không đến ?

Nàng thở dài:

- Vân ngại không biết anh có rảnh không, nên thôi ở nhà ăn cơm một mình.

Ông kẹ tỉnh bơ:

- Anh vẫn ở nhà như mọi khi, mà sao Vân không gọi điện thoại trước cho chắc chắn.

Họ trao đổi thêm một lúc rồi cúp điện thoại. Một lần nữa câu trả lời của ông kẹ làm nàng hoang mang, rõ ràng cụ đang tiếp ai đó trong nhà mà vẫn tỉnh bơ coi như không có chuyện gì xảy ra.

Vân bắt đầu thấy sợ ông kẹ, nhưng lại chuộng loại đàn ông galant hết cỡ với phụ nữ, từ tốn không vồ vập, nhẹ nhàng hớp hồn đàn bà yếu mền như nàng.

Tuy không chứng kiến tận mắt, nhưng câu diễu cợt hôm đó khiến nàng tím cả ruột gan tự hỏi, râu kẽm của ông kẹ cạ vào má em nào nếu không phải là Thủy?

Liệu nàng đủ bản lĩnh chấp nhận ông kẹ lả lướt với ai kia mà vẫn ân cần với nàng, tiếp tục đi chơi với nàng, nàng phải bắt đầu từ đâu để tìm ra manh mối?

 

Những câu hỏi quay cuồng lúc này làm Vân mất ăn mất ngủ, suy diễn tùm lum không tìm ra diệu kế lôi kéo ông kẹ về với mình, ô hay mà cụ đã bao giờ thuộc về Vân đâu mà đòi lôi với kéo.

Vân có bệnh nan y, thích ai là đâm sầm vào người ta, bà cô già cái thân xác mà tâm hồn không chịu lớn, vô tâm như gái mười sáu muốn yêu là yêu đại, yêu bạt mạng mới chết người.

Sau này ông kẹ ít đi phố uống cà phê với Vân, cụ bảo bận giúp một người bạn trang trí căn nhà mới mua, những buổi bát phố ăn chơi cuối tuần tạm thời đứt đoạn.

Trong một bữa cơm potluck, Thủy mời mọi người tháng sau đến nhà cô ăn tân gia, nàng bật mí căn nhà suốt cả tháng nay được cụ Hoàng bỏ công tu sửa trang trí từ A đến Z.

Tin vui của Thủy, Vân nghe như sét đánh ngang tai, rõ ràng hai người có tình ý với nhau nên ông kẹ mới ra tay nghĩa hiệp.

Chiều tối Vân gọi điện thoại tra vấn ông kẹ:

- Dạo này anh bận giúp cô Thủy nên không rảnh đi phố với Vân cuối tuần phải không?

Cụ thản nhiên:

- Thì “em nó” nhờ chả lẽ mình không giúp, vả lại Vân biết anh mê trang trí mà.

Vân cố nén cơn giận:

- Vậy ít nhất anh cũng phải báo cho Vân biết.

Cụ phì cười:

- Chuyện lặt vặt có gì mà báo, Vân mua nhà mới đi anh đến giúp liền đó.

Ông kẹ nửa đùa nửa thật kiểu này làm Vân tức điên tiết, cụ giúp Thủy chỉ vì thích trang trí thôi sao, dù sao Vân cũng không có quyền ngăn cấm nhưng câu “râu kẽm” nghe trộm hôm đó trước cửa nhà cụ làm nàng rối trí không biết bắt đầu từ đâu để hỏi cho ra lẽ.

Lẽ ra nàng không nên vẽ vời chuyện không đâu giữa nàng với ông kẹ, cụ mến Vân, thích Thủy vì cụ là đàn ông đơn giản thế thôi, Vân đừng bắt ông kẹ đáp trả tình cảm của nàng tội nghiệp trái tim lã lướt của cụ lắm.

Ở tuổi xế bóng các bô lão đang vật lộn với bệnh nan y, bệnh già, tình yêu đâu còn chỗ để khuấy nhiễu cuộc sống vốn không yên ổn với bụm thuốc viên, thuốc con nhọng mỗi ngày phải nhắm mắt mà uống.

Hôm nay tiệc potluck được tổ chức tại nhà mới của Thủy, một căn towhouse cửa chính sơn màu trắng viền xanh nhạt, bảng số nhà bằng gỗ sồi, nội thất bên trong hàng Ikea mang dấu ấn bàn tay phù phép của cụ Hoàng.

Một chiếc bánh Tây tổ chảng mùi vị rất Ta, ngọt ít thơm lừng mùi trà xanh của tiệm bánh Đại Hàn, bình pha lê cắm đóa hồng đặt giữa bàn tiệc với tấm thiệp nằm giữa mấy cành hoa, quà của cụ Hoàng.

Ông kẹ galant quá xá, mẫu đàn ông không hề từ chối bất cứ yêu cầu nào của phụ nữ trong khả năng của mình, bảo sao Vân không đâm sầm vào cụ như con thiêu thân.

Buổi tiệc bắt đầu với màn mở quà, nồi niêu soong chảo, vật dụng nội thất, chủ nhân đọc lời chúc mừng của từng người.

Cầm tấm thiệp của cụ Hoàng, Thủy lật tới lật lui làm mọi người sốt ruột hối cô đọc ngay, Vân lộn ruột trước vẻ đỏng đảnh của đối thủ.

Cô cười lỏn lẻn đọc lớn:

- Sau một tháng chung sức cày bừa, hôm nay chúc mừng em ra mắt đứa con tinh thần, hy vọng căn nhà này sẽ là mái ấm mà em hằng mong đợi.

Có người lên tiếng:

- Đừng nói đây là lâu đài tình ái tương lai của Thủy nhe?

Một bà đáp trả:

- Tình như tia chớp mà, phải không Thủy?

Thủy cười cảm tạ mọi người, mời tất cả nhập tiệc, thực đơn hôm nay do nhà hàng Đại Hàn nấu và giao tận nhà, thức ăn ngon và lạ miệng ai cũng khen, chỉ một người lặng lẻ cầm đũa cho có lệ.

Sau phần tráng miệng Thủy mở nhạc mời tất cả ra sàn nhảy, chùm đèn màu xoay vòng vòng biến phòng khách mờ ảo như phòng trà, từng cặp dìu nhau dưới ánh đèn mờ.

Vân chưa hoàn hồn với những gì vừa chứng kiến, đứng đó như trời trồng, ông kẹ kéo nàng nhập cuộc, nàng bước theo cụ hai chân run rẩy như không chạm đất.

Cuộc vui tiếp tục, cụ Hoàng với Thủy lã lướt trong điệu Valse thật hấp dẫn, Vân rút lui sớm sau khi chào mọi người và chủ nhà.

Vân ốm mấy ngày nay, người bèo nhèo như giẻ rách, chị Hà trên Corona chạy xuống nấu cháo gà ác bồi bổ cho nàng, nói mãi Vân mới tuột xuống giường vào bếp húp cháo.

Chờ Vân ăn hết tô cháo, chị hỏi:

- Em là sao thế Vân?

Giọng Vân run run:

- Mất trắng rồi chị ơi.

Chị Hà trố mắt:

- Giời ạ, em với hắn có gì đâu mà mất với còn.

- Nếu không thích em sao ảnh đi ăn, đi chơi với em, tại con Thủy nhảy vô…

Chị Hà cắt ngang lời Vân:

- Sao em ấu trỉ thế, đàn ông có hôn hít, thậm chí lên giường với mình cũng chưa chắc họ yêu, mới đi phố vớ vẫn nhầm nhò gì. Chuyện cô Thủy đã chắc gì hắn yêu cô ta, mà nếu họ có gì với nhau thì em cũng đâu có quyền gì chen vào giữa họ.

Em nên tỉnh táo, thương hay yêu Hoàng đó là chuyện của riêng em, điều quan trọng là hắn chọn ai giữa em với Thủy.

Câu nói của chị Hà làm Vân vật vờ mấy đêm liền, nhưng nàng không tài nào dằn lòng tỉnh táo nghiền ngẫm lời chị Hà mà cứ muốn tìm đương sự hỏi cho ra lẽ.

Bữa cơm potluck sau đó cụ Hoàng và Thủy vắng mặt, ông kẹ nhờ chủ quán báo với mọi người cụ bận giúp Thủy lo chuyện nhà cửa khi nào xong việc sẽ quay lại vui chơi với mọi người.

Một bác gái nhảy dựng lên chê trách:

- Lão Hoàng già ngắt còn đèo bồng gái trẻ, coi chừng có ngày u đầu.

Một ông nhăn nhó:

- Ô hay, đàn ông bất kể già trẻ không mê không chinh phục phụ nữ trẻ đẹp đâu phải là phái mạnh.

Câu nói thật thà làm mếch lòng chị em phụ nữ, mấy bác gái tủi thân già vì các bà sắp hết hạn sử dụng, đờn ông sáu bảy bó mới bắt đầu cuộc chơi, chơi cái gì tùy người trong cuộc lựa chọn.

Cuộc vui tiếp tục, thiên hạ vẫn ăn uống, hát hò nhảy nhót dù vắng mặt chuyên gia cù lét và ma mới từng khuấy động không khí trầm lắng các bô lão khiến Vân suy tư miên man.

Đêm hôm đó Vân lại khó ngủ, gọi điện thoại cho chị Hà tỉ tê mét chuyện ông kẹ đi theo con Thủy không đến quán cơm potluck nữa làm nàng buồn quá không còn thiết tha gì cả.

Chị Hà chơi cú "knock out" cho Vân dã tật:

- Vân à, chị nói thật em đừng buồn nhé, em già chát so với cô Thủy, tiền bạc cũng không rủng rỉnh như người ta, em thua cuộc là đúng rồi. Làm ơn thực tế một chút đi em ạ, đừng ảo tưởng nữa, già rồi đừng dại dột vây vào lão Hoàng tự làm khổ mình, lão liều mạng "chơi bời" với dân tranh thủ xu thời như cô ta có ngày sẽ vỡ mặt. Loại người như hắn mà em còn tiếc nuối thì em cũng chả ra gì và ngu hết thuốc chữa.

Lời chị như một cái tát nẩy lửa làm Vân giận thấu xương, không thèm trả lời trả vốn nàng cúp điện thoại một cái cụp, tự hỏi bộ mình ngu kinh niên, ngu dài lâu hay sao mà chị mắng mình thậm tệ như rứa.

 

*

Đông tàn Xuân đến hôm nay quán potluck ăn tết, ai nấy quần áo bảnh bao, bàn tiệc đầy ắp bánh tét dưa hành thực đơn ngày tết, hoa mai hoa đào nỡ rộ, Vân chợt nhớ đến ai kia chừ ở nơi mô.

Như một phép mầu, ông khách cũ trong bộ Veste bảnh bao xuất hiện khiến mọi người ngạc nhiên, mạnh ai nấy "tranh thủ" ôm chầm lấy cụ Hoàng chào hỏi.

Một bác thảng thốt:

- Ôi ngọn gió nào đưa "cố nhân" quay vể xóm nhỏ này đây?

Tuy bơ phờ hơn dạo trước nụ cười của ông kẹ tươi rạng rỡ  như nhánh mai vàng:

- Đi xa chợt nhớ quán nhà, hương xuân mách bảo tà tà về đây.

- Ông đi tới tận chân trời mô bật mí đi.

- Đại khái là đi lao động

Một bác cắt ngang lời ông kẹ:

- Đừng nói ông đi lao động CS nhe.

- Cũng gần giống như vậy, cơm nước xong tôi sẽ "báo cáo" đầy đủ.

Mọi người nâng ly rượu mừng bạn ta vừa trở lại, mấy ông già bà lão bữa ni vui như con nít được kẹo gắp hết món ngon vật lạ vào chén ông kẹ.

Bữa cơm kết thúc nhanh hơn mọi khi, chả ai còn hứng thú ca hát nhảy nhót, mọi người bên tách cà phê ngoan ngoãn nghe ông kẹ đi lao động "tự thú trước bình minh".

Rít một hơi thuốc lá ông kẹ  khai báo, căn phố (Townhouse) đầu tiên mà cụ bỏ công tu sửa trang hoàng ngon lành Thủy từng mời mọi người ăn tân gia, cô bán cho một cán cuốc qua Mỹ mua nhà đầu tư, tiền tươi chung đủ, cụ cũng có phần trăm hẳn hoi.

Sau đó Thủy rủ ông kẹ hùn tiền đi mua nhà biệt lập (House) cũ tân trang bán lại kiếm lời, cụ về nhà đập mấy con heo đất gom được vài chục ngàn chung vốn "mần ăn" với em.

Trao tiền cho em rồi ông kẹ mới vở lẽ mình vừa gia nhập đám VN mới qua với khối tiền tươi khá lớn, cụ chỉ là con tép riu, căn nhà không chỉ được tu sửa trang trí nội thất mà phải đập phá mở rộng, giấy phép xin trên City có người tại chỗ của họ lo.

Thời gian xây sửa bị chậm trễ vài tháng vì đám thợ dởm làm không đúng thiết kế bị City bắt đập chỗ này vá chỗ kia, chờ mãi mới đến phần trang trí do ông kẹ phụ trách.

Salon, tủ giường bàn ghế bếp núc máy móc một tay ông kẹ lên danh sách đặt hàng ở Ikea, hai tháng sau căn nhà được bày biện thật đẹp từ chùm đèn trần cho đến rèm cửa sẳn sàng được rao bán.

Bản bán nhà treo lên được vài ngày thì bọn họ bất đồng chuyện chia chác sao đó giở giọng giang hồ hù dọa nhau.

Chuyện bán nhà tạm đình chỉ, ông kẹ hoảng vía sợ bọn côn đồ cướp của nên xin rút vốn kẻo để lâu cứt trâu hóa bùn.

Thủy hốt hụi trả đủ mấy chục ngàn vốn cho ông kẹ, công sức trang trí coi như tặng biếu cho không, mai này căn nhà đó bán có lời cụ cũng không dám hó hé xin chia phần vì tiền hùn hạp với em Thủy có giấy tờ chứng nhận chi mô.

Từ đó ông kẹ không còn qua lại với Thủy nữa, đến bây giờ cụ cũng không biết căn nhà đó đã bán chưa, nghe nói Thủy tấp vào một cán cuốc trẻ và giàu hơn cụ nhiều.

Tội nghiệp cụ Hoàng tưởng theo em kiếm chác chút tình chút tiền nào ngờ em nó dẫn cụ đi lao động nhừ tử, mất toi công sức trang hoàng nhà cửa làm cỗ cho họ xơi.

May mà cụ tỉnh ngộ bỏ của chạy lấy người, chơi với họ không đứt tay cũng mất đứt nhân cách của người tử tế khi ngồi chung mâm với đám tư sản đỏ ào ạt hạ cánh an toàn bên này.

Hú hồn ông già "du xuân" với em nó một chuyến bị bọn tranh thủ bóc lột sức lao động, may mà cụ còn giữ được cái mạng sau cuộc trao đổi không sòng phẳng vì cụ già ngắc dám đèo bồng gái trẻ nên thiệt thân.

Mừng ông kẹ hao gầy tổn sức tỉnh mộng ngao du, mấy bác trai rót rượu cụng ly lia lịa, Vân cũng nhấp môi ly vang đỏ, rượu ngon có cả bạn hiền còn gì bằng.

Ai đó mở bài "Nếu Xuân này vắng anh", cụ Hoàng nốc cạn cốc whisky kéo Vân ra sàn nhảy ôm lấy nàng, thì thầm bên tai em…

 

Nếu xuân về vắng anh,

Ong bướm thôi dệt duyên lành,

Dây tơ trùng cung lỡ phím,

Cho khúc hát ái ân từ nay lỡ tơ duyên.

 

Nếu xuân này vắng anh,

Như lá khô buồn xa cành,

Như giao thừa im tiếng pháo,

Mai úa sắc bên hiên,

Thì đừng đến xuân ơi.

 

Và con tim của nàng đã vui trở lại, Vân lim dim mơ màng, ông kẹ vừa hôn phớt lên má nàng vòng tay cụ siết nhẹ, tinh tú quay mồng mồng.

Hương xuân mơn man đưa Vân vào cõi lâng lâng, bỗng nàng rùng mình chợt nhớ đến cái tát tai nẩy lửa, cú "knock out" của chị Hà. Má nàng nóng ran vì nụ hôn hay cái tát chỉ có trời biết.

Jan. 2019

Đoàn Thị

 

 

Ý kiến bạn đọc
09/02/201919:34:16
Khách
Chào "Bạn đọc",
Cảm ơn bạn ủng hộ bài này và đã cảm được cốt truyện.
Chúc bạn năm Kỷ Hợi vạn sự Như Ý.
08/02/201920:20:14
Khách
Đồng ý với mai nguyen.
Câu chuyện nói về một chuyện thời sự rất nóng và khá nhức nhối, nhất là ở vùng Orange county khi tư bản đỏ qua đây làm loạn mà người dân tỵ nạn chỉ làm thinh chấp nhận thói hư tật xấu, cách sống chụp giựt của bọn chúng.
Đoạn này là cú "knock out" của bài:
"May mà cụ tỉnh ngộ bỏ của chạy lấy người, chơi với họ không đứt tay cũng mất đứt nhân cách của người tử tế khi ngồi chung mâm với đám tư sản đỏ ào ạt hạ cánh an toàn bên này."
Đoàn Thị rất tuyệt, người không hiểu tưởng cô viết để chế giễu bà già mê trai, ông già mê gái nhưng thật sự là sâu sắc hơn nhiều.
05/02/201919:13:40
Khách
Thành thật cảm ơn Người Hà Nội, Saganaise, Mai Nguyen, xin nói thêm nhân vật Thủy, tư sản đỏ là có thật, tuy nhiên tên nhân vật và địa danh được đổi để không làm phiền người trong cuộc.

Sự ủng hộ thân tình của quý bạn là món quà đầu năm giúp tôi tiếp tục không phụ lòng bạn đọc.

Xin chúc quý vị năm Kỷ Hợi sức khỏe, may lành và thịnh vượng.
05/02/201903:07:19
Khách
Trời ơi sao có người viết truyện có duyên thế này. Cái plot cũng hay quá, lồng chuyện xã hội bên này với hiện tượng đỏ bên kia tràn qua, thổi nhẹ một chút hương xuân vào...Văn chương đơn giản nhưng đơn giản một cách trau chuốt. Thôi không còn lời để diễn tả hết cái hay nữa. Bà con nếu cũng thấy hay thì làm ơn tiếp tay khen phụ dùm coi. Bái phục bái phục và cám ơn cái tài của người...
04/02/201920:56:52
Khách
bà chị y chang như con nhóc trong bonjour tristesse. cuộc đời thật điên khùng... nhưng vui quá xá
04/02/201916:30:59
Khách
Xin cám ơn nhà tâm lý học Đoàn Thị đã phân tích tình cảm của những nhân vật đã ...có tuổi nhưng trái tim còn trẻ măng với đầy đủ hỷ nộ ái ố.
Với giọng văn diễu cợt duyên dáng đã hấp dẫn người đọc đến chữ cuối cùng của bài viết.
Chúc Đoàn Thì luôn dồi dào sức khẻ để viết thêm cho độc giả thưởng thức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,256,595
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến