Hôm nay,  

Trai Năm Thê Bảy Thiếp!

23/01/201900:00:00(Xem: 14171)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5601-20-31407-vb3012219

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.

 
  ***
 

Người ta bảo rằng, tới một độ tuổi nào đó, người già lại trở thành trẻ con.

Có những người 70, 80, 90 tuổi bị bệnh mất trí nhớ, cư xử ngu ngơ như trẻ lên 2, lên 3.

Một số khác thì do tuổi đời chồng chất, bộ nhớ trong đầu họ không còn chỗ để chứa nữa hay sao ấy, mà họ chỉ nhớ chuyện ngày xửa ngày xưa cả 40, 50 năm về trước rõ mồn một, còn như chuyện hôm nay, mới nói 5 phút trước, 5 phút sau đã quên lững mất rồi, thế không phải như trẻ con là gì?

Cách đây gần 10 năm, mỗi thứ Ba hàng tuần tôi tới nhà Dưỡng lão gần tiệm để làm Nails cho bà Picow. Rồi sau khi bà mất, mỗi khi có dịp, tôi lại tới, nhưng chỉ đi quanh quẩn, nói chuyện vu vơ với những người ở trong đó, đặc biệt là người Việt nam, vì tôi nghĩ "chắc là họ cô đơn lắm," nhờ vậy tôi nghe được nhiều chuyện khá thú vị.

Ông Bảy.

Tôi không gặp ông Bảy thường xuyên, nhưng mỗi lần gặp, ông đều nói chuyện lâu, rất lâu nữa là khác. Hồi mới gặp ông, người ta nói với tôi là ông được 85 tuổi, giờ thì ông khoảng 95, nhưng trông còn quắc thước lắm. Lúc nào ông cũng áo quần chỉnh tề, dáng dấp phong cách rất sang.

Ông bị điếc nặng, thời gian đầu mới quen ông, mỗi lần nói chuyện, tôi phải nói thật to, như hét vào mặt thì ông mới nghe được. Một thời gian sau, bảo hiểm y tế cho ông cái ống nghe gài vào tai, thì có đỡ hơn một chút. Nhưng mấy cô y tá cứ phàn nàn, rằng nhiều lần đi tắm, ông quên lấy cái ống nghe ra, vậy là nó bị ướt, bị hư, không nghe được nữa. Mà xin bảo hiểm thì phải có thời gian, vậy là ông buồn thiu, ngó tội nghiệp lắm.

Tháng rồi, tôi đang vào thăm ông, thì cũng có gia đình người bạn cũ của ông tới thăm. Bạn ông đã mất, giờ chỉ có vợ của bạn, bà Linh, và cô con gái tên Sương thỉnh thoảng lại tới thăm vì thấy thương cho hoàn cảnh đơn chiếc của ông.

Cô Sương đem dĩa Táo tàu ra mời, “Mời Bác.”

Ông lịch sự nói, “Mời chị.”

Bà Linh, “Dạ mời anh. Anh cẩn thận nghe, vì trái táo ni có hột, khéo cả mắc cổ đó.”

Ông cười tủm tỉm, ánh mắt sáng lên trông tinh quái, nghịch ngợm lắm. Rồi tôi nghe ông nói,

-“Chị hả miệng ra, tui đút trái táo vô, chị ăn thử coi có mắc cổ không nghe!”

Bà Linh ngượng đỏ mặt, “Dạ, không, không! Anh cứ ăn đi, đừng lo cho tui,” vừa nói vừa lắc đầu lia lịa.

Được vài câu, thì hình như ông không nhớ mình đang làm gì. Ông ngồi trầm ngâm.

Một lát sau, cô Sương lại mời ông ly chè khoai tía. Bà Linh dúi vào tay ông ly chè nhỏ, “Dạ mời anh.”

Đón lấy ly chè, mặt ông tươi trở lại, nét tinh nghịch trong mắt ông lại ánh lên, nhưng dường như ông không nhận ra bà là người quen, khi tôi nghe ông hỏi, “Thế chị tên chi?”

Bà Linh nhỏ nhẹ, “Dạ, tui là vợ anh Linh đây.”

Tôi đoán ông không hiểu, hay không nhớ, nên tôi nghe ông bỡn cợt, “Linh mô tui không biết. Mà thôi, mời chị. Hay chị để tui đút cho nghe!”

Bà Linh lại đỏ mặt, “Dạ, dạ, không, không, mời anh cứ tự nhiên.”

Thấy tôi đứng lớ ngớ ở góc phòng, cô Sương ghé tai tôi nói nhỏ,

“Ui cha, mô ra mà tình dữ rứa?” Cả hai chúng tôi cùng không nhịn được cười.

Họ ngồi chơi một lát thì ra về, còn lại mình tôi với ông Bảy, tôi mới hỏi, “Sao ông đùa với người quen, ông không sợ họ giận hả?”

Ông trả lời ngây ngô, “Tôi có nhớ họ là ai đâu! Khi nghe bà ấy mời táo, tự nhiên tôi nghĩ trong đầu, “Cái hột táo to rứa làm răng mà nuốt cho xuống cái cổ họng được, bà ni lo “Voi chết không hòm!” Chừ mà đôi hột táo vô thẳng miệng bà, cho bả nghẹn cổ họng thì chắc là vui lắm đây!”

 

Tôi căn vặn tiếp, “Rồi khi bà ấy mời chè, ông còn đòi đút cho bà ấy ăn, không khéo bà ấy giận vì ông quá sỗ sàng đó!" Mặt ông ngơ ngác như đứa trẻ bị la oan, “Nói thật với cô, có lúc tâm trí thiệt mù mờ, không nhớ họ là ai? Chỉ thắc mắc sao mà họ tốt ghê, cứ mời mình ăn hoài. Mình phải lịch sự mời lại mới đúng là người thanh lịch, chứ không có ý gì khác! Có lúc tôi nhìn những người chung quanh, có người ngó quen quen, nhưng không cách chi nhớ tên hay vì sao mình quen họ cả. Khi họ nói chuyện với nhau, tôi chỉ cố lắng nghe xem họ nói gì mà ai cũng cười, vui vẻ, (vì cái máy nghe cứ rồ rồ, không phân biệt từng tiếng được.)

Một hôm khác, vào thăm ông, tôi đùa,

"Hôm nay mình nói chuyện tình yêu ông nghe, ông đẹp trai phông độ thế ni, hồi trẻ chắc lăng nhăng lắm, phải không?”

Ông Bảy kể:

"Năm tôi 42 tuổi, từ Quảng trị được thuyên chuyển vào Sài gòn làm việc cho Tổng nha Cảnh sát. Trong phòng tài chính tôi làm, ngoài những nhân viên đã đứng tuổi, thì có cô Lan thư ký chuyên lo việc đánh máy giấy tờ, còn rất trẻ, mới tròn 20 tuổi.

Lan người Hà nội, gia đình di cư vào Nam năm 1954, nói tiếng Bắc rặt. Ban đầu tôi không thích giọng của Lan bởi vì, giọng nói của cô ấy trái ngược với khuôn mặt đẹp chân chất của mình, giọng cô nghe rất đanh đá, chua ngoa!

Những lúc rảnh việc, tôi thường hát nghêu ngao trêu Lan:

“Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ, này cô em tóc đờ mi gạc xông…” Thì cô ấy lại làm bộ nguýt, háy trông càng đáng yêu hơn.

Thật ra Lan lớn hơn con gái đầu của tôi mấy tuổi, mấy người bạn cùng phòng hay trêu chọc, tôi lại phân bua, “Cô ấy chỉ đáng tuổi con gái tôi thôi."

Qua một thời gian làm chung, tôi đoán Lan cũng mến tôi. Chúng tôi gặp nhau 8 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần, nên dần dà trở nên thân thiết. Đó là chưa kể buổi trưa, chúng tôi cùng nhau ra quán gần đó ăn cơm bình dân, cuối tuần rảnh rỗi, lại rủ nhau đi coi phim. Mà tôi thì cô biết rồi đó, mê coi phim lắm. Tôi có thể coi phim suốt ngày, chỉ cần nhai bánh mì uống nước đá cũng được.

Ông bà mình ngày xưa hay nói, “Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, thiếp gần chàng cũng áy náy chân tay!” Đúng quá phải không cô? Lan biết tôi có gia đình ở Quảng trị, nhưng vẫn yêu tha thiết, đúng là:

“Nào ai định nghĩa được tình yêu?

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…” (“Vì sao?”-Xuân Diệu)

Ngắt lời ông Bảy, tôi tò mò hỏi, “Cô ấy mới lớn, ngây thơ, gặp ông đẹp trai, từng trải thì yêu ông là phải rồi. Nhưng cá nhân ông thì nghĩ sao? Ông có gia đình, vợ con rồi mà? Hay vì họ ở xa nên ông thấy cô đơn? Sao ông không tìm cách đưa họ vào Sài gòn sống luôn?”

Ông Bảy nhìn tôi hồi lâu, ra vẻ đăm chiêu, suy tư dữ lắm.

“Tôi nghĩ gì ư? Thời tôi lớn lên, Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng! Có gì lạ đâu, chuyện đàn ông có gia đình, rồi có thêm bà hai, bà ba, phòng nhì, phòng bốn hả cô? Từ cha tôi, cho tới chú bác của tôi, mà ngay cả anh em trai tôi, ai cũng có hai ba bà vợ hầu. Mà ngay như tôi đây, cũng đâu có ghét vợ hai, vợ ba của cha tôi? Tôi yêu quý các bà thiếp của cha tôi như mẹ mình, tôi nói rất thật lòng đó cô à.”

Tôi lại hỏi, “Thế vợ ông có biết không? Ông giữ bí mật chuyện tình yêu vụng trộm của mình được bao lâu? Thời đó tin tức chậm chạp chứ không như chừ, ông há?"

"Đúng rồi,” Ông nói.

"Tôi ít khi về Quảng trị, phần vì tốn tiền, tôi chỉ là công chức, lương lãnh hàng tháng gởi về cho vợ lo nuôi con, chỉ giữ lại một ít để trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống, đổ xăng. Mà tính tôi dễ lắm, ăn uống đạm bạc quen rồi. Ăn để mà sống chứ đâu phải sống để mà ăn, phải không cô?

Vé máy bay đắt, mà hồi đó không có tàu lửa đi từ Sài Gòn ra Quảng trị, nên chỉ còn cách đi xe đò. Nhưng đi xe thì lâu và mệt lắm, thành ra có khi cả năm tôi mới về một lần.

Tết năm 1975 tôi thu xếp về thăm nhà. Chuyến bay trưa, từ sân bay Phú Bài tôi đi xe buýt về Huế, rồi từ Huế đi xe đò ra Quảng Trị.

Vừa bước chân vào nhà, đứa con gái nhỏ chạy ra reo mừng, “Ba về, ba về, ba có mua đồ chơi không ba? Răng lâu rứa ba mới về?”

Tôi đáp, “Công việc bận bịu quá, không cách chi dứt ra được, thành ra ba không về.”

Đột nhiên, giọng vợ tôi từ phía sau bếp vang lên, “Chơ không phải vì con quỷ đó không để cho ông về à? Răng ông không đi luôn đi? Về làm chi?”

Tôi không đáp lại một lời nào, ai dại gì đi cãi lại người phụ nữ đang ghen, đúng không cô?

Bọn nhỏ loay hoay mở vali tìm quà, vô tư không biết ba mẹ chúng giận nhau. Đó là lần đầu tiên không khí trong nhà thật nặng nề, không ai nói với ai lời nào.

Bà giúp việc nhà cả hơn mười năm, nói với tôi, “Làm cho ông bà lâu ni, lần đầu tiên tui nghe ông bà to tiếng đó tề.”

Đó là cái Tết buồn nhất mà tôi từng trải qua. Vợ chồng tôi không nói với nhau một lời, cho tới ngày tôi vào Sài gòn lại.

Rồi mấy ngày sau, trên tivi, đài truyền thanh loan tin chiến tranh bùng phát dữ dội ở miền trung, (khắp nơi thì đúng hơn) đầu tháng 3 năm 1975 gia đình tôi di tản từ Quảng Trị vào Đà Nẵng. Suy nghĩ mấy ngày, tôi quyết định mua vé bay ra Đà Nẵng tìm gia đình.

Trong lúc bao nhiêu người từ miền Trung tìm cách vào Sài gòn để tìm đường đi ra nước ngoài, máy bay chyến nào cũng chật cứng, thì chuyến bay từ Sài gòn ra vắng hoe! Cả chiếc Boeing thênh thang mà chỉ có 10 hành khách. Trong đầu tôi dằn vặt bao nhiêu điều, vì nhiều người đã khuyên tôi đừng đi ra ngoài ấy, vì chiến tranh khốc liệt lắm, tôi về, biết có trở lại Sài Gòn được nữa không?

*

 

Tôi hỏi, “Vậy là cho tới tháng 4 năm 1975, ông và gia đình đã ở xa nhau 10 năm sao? Vợ chồng thì phải ở gần nhau chứ?”

-“Không hẳn như vậy. Mỗi năm tôi về thăm nhà một lần, bà vợ tôi bị bệnh bướu cổ, phải vào Sài gòn chữa bằng phóng xạ ở bệnh viện Grall, cả mấy năm đó chứ. Mùa Hè năm 1972, Quảng Trị bị bom cày nát, nhà cửa bị san bằng, gia đình tôi di tản vào Sài gòn, cứ nghĩ là sẽ ở lại luôn, vậy mà vợ tôi nhất định về quê lại đó cô à. Bà ấy sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, công việc buôn bán, nhà cửa, gia đình anh chị em đều ở quanh thành phố đó, khó mà dứt ra được."

“Ông kể tiếp chuyện những ngày tháng 4 năm 1975 đi.” Tôi thúc ông kể tiếp, kẻo sợ ông quên!

-“Tối hôm trước khi bay ra Đà Nẵng, tôi và Lan đã thức trọn đêm nói chuyện. Chúng tôi hy vọng, tình hình sẽ lắng xuống như mấy năm trước, và mơ ước ngày đất nước hết chiến tranh.

Nhưng mà cuộc đời có những ngả rẽ thật bất ngờ! Không ai nói trước được!

Tôi về Đà nẵng được 10 ngày thì Đà nẵng thất thủ! Và 2 tuần sau, một buổi chiều, lúc tôi đang đạp xe từ nhà ông anh về, thì có 3 người mặc bộ đồ màu xanh lá cây đậm, đội mũ cối, đi dép cao su quai, chặn xe tôi lại từ đầu hẻm, hỏi tên tuổi tôi, rồi yêu cầu tôi về nhà lấy ít tư trang vật dụng, để theo họ “tập trung học tập, cải tạo tư tưởng.”

Trước sự ngơ ngác của cả gia đình tôi, họ đã dẫn tôi đi.

Đi đâu? Chính tôi cũng không biết!

Ban đầu người ta đưa tôi vào trại giam ở gần chợ Cồn, rồi sau đó đưa lên Tiên Lãnh, vùng núi non hiểm trở, hoang sơ của tỉnh Quảng Nam.

Không thể kể hết nỗi khổ cực lúc đó đâu cô. Cứ tưởng tượng một vùng núi hoang vu, chúng tôi đốn cây, dựng láng, lợp mái để làm nhà ở. Nước thì ra suối gánh về. Làm việc nặng nhọc suốt ngày, mà mỗi bữa người ta chỉ phát cho một chén, không phải chén cơm đâu nhé. Trong chén chỉ có một nhúm nhỏ cơm, còn lại là khoai, sắn. Chén không đầy đâu, chỉ lưng hai phần chén thôi. Và một ngày chỉ có 2 chén như vậy, để cầm hơi! Chuyện ăn đã khổ, chuyện ỉa càng khổ hơn. Mà khổ nhất là mỗi khi có người bị tiêu chảy. Để dễ quản lý tù nhân, (Người ta gọi chúng tôi là tù nhân chính trị!), cầu tiêu đơn sơ được dựng ngay bên cạnh chỗ ngủ của cả trại, cho nên, buổi tối mà có người bị đau bụng đi re, thì cả láng phải ngửi mùi, nghe tiếng của “nỗi lòng”, và bệnh đó lây lan cũng rất nhanh nữa.

Bữa ăn thường chỉ có canh rau lõng bõng nước, mà rau khoai lang đó, cũng được tưới bằng phân người, giờ nghĩ lại thấy ghê quá!

Một năm chúng tôi được ăn thịt một lần, vào dịp Tết, cán bộ được phép mổ con heo hay con bò thì tuỳ năm đó nuôi con gì. Tôi được may mắn, có vợ tôi thăm nuôi, bà ấy đem cho tôi kim chỉ để vá áo quần rách, thuốc chống sốt rét, thuốc trị tiêu chảy, cá nục kho khô, muối mè, đậu phụng, mỡ heo rán... Có năm vợ tôi đi thăm dịp Tết, thêm mấy đòn bánh tét, bánh chưng của người bạn gởi cho.

 

Trong trại (tù cải tạo) có một anh chàng được mang biệt danh, “Thực Thất Thử”, hỏi ra mới biết vì anh chàng thèm ăn quá, đi làm lao động, bắt được 7 con chuột con, lấy lá nướng ăn, bị cán bộ bắt được, phạt cách ly!


Còn có ông An kia thì thèm thịt quá, ăn trộm đuôi heo khi đang lo phụ bếp nấu ăn bữa Tất niên, cũng bị “bêu danh” trước cả trại bởi vì cán bộ quả quyết, “Heo thì phải có đuôi, phạt một lần cho tởn!"

Ôi, có những năm tháng của cuộc đời sao tối tăm mù mịt, con người ta sống, không khác chi những con vật, lây lất, không ước mơ, không kỳ vọng, bởi vì trong đầu luôn luôn ám ảnh bởi “Cái Đói”, nó cồn cào suốt ngày, từ khi mở mắt cho tới khi được phép ngã lưng!

Trong một lần thăm nuôi, vợ tôi báo cho tôi biết, cha tôi đã qua đời. Tôi buồn khóc vật vã mấy ngày. Cha tôi chết, tôi không được về thọ tang! Tôi thật là một đứa con bất hiếu! Người bạn tù nằm cạnh tôi an ủi, “Tụi mình bị tù, dù là tù chính trị, dù chỉ vì tụi mình làm việc cho chính phủ miền Nam, thì làm sao được như người bình thường để về thọ tang cha! Không ai trách anh đâu!" Tôi loay hoay lấy cái áo cũ, cắt một phần cánh tay áo, thành từng miếng hình vuông, một đầu tôi cắt lua tua, rồi may lên phía sau lưng, và hai bên cánh tay áo giống như áo tang tôi đã từng mặc trong đám tang mẹ tôi, và ông bà nội của tôi nữa đó cô à.

Mấy năm đó, sao toàn nghe cả chuyện buồn! Nhà cửa bị lấy mất, vợ và 2 đứa con gái phải vào Huế sống nhờ với gia đinh em trai của tôi. Anh trai tôi ở Đà Nẵng mất đột ngột vì tai nạn xe, gia đình đứa con gái lớn đi vượt biển mất tích, đứa con trai kế đi lính cũng chết mất xác vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Một lần, tôi nói với vợ, “Bà đừng đợi tôi về, tìm cách gả chồng cho hai đứa con gái út kẻo tụi hắn lỡ thời, ở goá tội nghiệp.” Lúc đó tụi nó khoảng 20, 23 rồi.

-“Thế thời gian đó cô Lan có bao giờ đi thăm nuôi ông không?” Tôi lại hỏi.

“À, cô ấy có ghé thăm lúc tôi đang bị giam ở chợ Cồn. Tôi khuyên Lan nên quên tôi đi, tìm người để lập gia đình, chứ thời buổi như thế này, biết tôi có trở về được không? Sau đó thì tôi hoàn toàn bặt tin tức của Lan.”

“Thế năm nào thì ông được tha về?” Tôi càng tò mò muốn biết thêm về cuộc đời của ông Bảy.

Có một lần đi trong rừng lao động, chúng tôi đi thành hàng dọc, trời mưa, đường trơn, tôi sảy chân, rớt xuống cái hố sâu, tôi sợ quá la to, “Cứu tôi với, cứu tôi với!” Nhưng không ai nghe tôi cả. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, cứ niệm chú Quan Âm luôn miệng, “Nam mô đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, quảng đại linh cảm bạch y quan thế âm bồ tát."

Trời tối dần, tôi vừa lạnh, vừa đói, vừa sợ, thì tự nhiên nghe có tiếng người lao xao. Tôi cố ráng sức la to, “Tôi ở dưới này, cứu tôi với!” Một lát thì thấy mấy người cùng chạy tới, họ quăng dây xuống, kéo tôi lên. Ông Bình, cán bộ của trại nói, “Anh Bảy định trốn trại à?” Tôi trả lời ngay, “Dạ cán bộ, tôi già, đi đứng vụng về, nên rớt xuống hố, chứ trốn trại thì lấy chi mà sống?”

Về trại, mấy người bạn tù mới kể lại. Cả đoàn đi một lát thì ông Cường, là người thường nằm cạnh tôi, mới hỏi, “Anh Bảy đâu rồi? Có ai thấy anh Bảy không?” Ông Hùng là người đi sau lưng tôi lúc đi rừng nói, “Đi một đoạn, tôi vẫn còn thấy anh Bảy, nhưng lúc trời đổ mưa, tối thì không còn thấy nữa.” Vậy là họ báo cho cán bộ của trại biết, và quyết định đi trở lại con đường cũ để tìm tôi.

Tôi cám ơn họ rất nhiều.

Đến tháng 9 năm 1985, nhân dịp quốc khánh của nước Việt nam, tôi được tha về. Vợ chồng đứa con gái lên đón tôi về, người tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi thường có râu quai nón, lâu ngày không cạo râu, giờ râu ria rậm rạp, tóc tai thưa thớt, chắc là ngó thảm não lắm. Dừng lại ở quán ăn nơi thị xã Tam Kỳ, con gái tôi cứ dặn lui dặn tới, “Ba ăn từ từ thôi, đừng ăn nhiều một lần mà đau chừ.” Tôi thèm ăn từ bắp su luộc cho tới chén nước mắm, chén cơm, chén cháo… Cái miệng thèm ăn, hơn 10 năm tôi không có một bữa ăn no, cô à!

Sau đó thì tôi ở nhà, để phụ vợ bán bánh kiếm tiền đi chợ. Hai đứa con gái đã có gia đình riêng. Rồi khoảng cuối năm 1987, một buổi tối nọ, có một vị khách bất ngờ xuất hiện ở nhà tôi. Ông ta là công an của bộ, từ Hà nôi vào, yêu cầu tôi viết lại toàn bộ hệ thống hành chánh, chức vụ, tên tuổi, bất kể ai mà tôi còn nhớ. Ông ấy hỏi, “Thế bây giờ, cho bác đi Mỹ, bác có muốn đi không?”

Trong bụng tôi, vừa mừng vừa lo. Mừng vì hy vọng được đi Mỹ, theo như tin tức từ đài BBC tôi vẫn nghe lén hằng đêm. Lo vì sợ bị đặt bẫy của công an!!!

Tôi trả lời nước đôi, “Dạ, tuỳ mấy ông thôi. Tôi già rồi, không dám nghĩ gì cả.”

Mấy tháng sau, tôi được gởi giấy mời qua công an thành phố Huế, làm thủ tục đi H.O.

Chỉ có 2 vợ chồng tôi đi, lúc đó tôi 65 tuổi. (1988)

Trước khi đi Mỹ, hai vợ chồng tôi vào Sài gòn sống gần 5 tháng, phần để kiểm tra sức khoẻ, phần để vợ tôi chữa răng, vì răng bà ấy hư nhiều, phải mổ để làm răng giả. Tôi tìm lại được thông tin của Lan. Và tôi quyết định đến thăm cô.

Lan ngỡ ngàng khi nhận ra tôi! Lan đã lập gia đình được 10 năm, có 2 con. Chồng Lan là cũng là người Hà nội, nhưng mới vào 1975, đi dạy ở trường đại học, nên cuộc sống cũng khá tươm tất. Trước khi chia tay, tôi dúi vào tay Lan số phone nhà của đứa con gái, dặn rằng, lúc nào cần liên lạc với tôi thì hãy gọi cho nó.

Hai vợ chồng tôi tới Mỹ, ngoài tiền trợ cấp, chúng tôi làm thêm chả giò, chả lụa để bán kiếm tiền giúp cho 2 đứa con gái còn kẹt lại ở Việt nam. Còn Lan, qua thư từ, email, tôi được biết hai vợ chồng không hạnh phúc, bởi vì "Lan lấy một người mà Lan không yêu! Và chồng Lan biết rõ điều đó.” (Lan viết cho tôi.)

Năm 1990 khi biết tin hai vợ chồng Lan chia tay. Tôi nói dối với vợ, để cho tôi về thăm quê một mình. Sau khi thăm con gái ở Đà nẵng, tôi đã vào Sài gòn thăm Lan. Tôi nói, “Lúc nào tôi cũng yêu Lan.” Chúng tôi cùng nhau đi chơi gần 2 tuần, tôi chỉ ra lại Đà Nẵng, để bay về Mỹ trước 2 ngày. Tôi đã có những giây phút thật là hạnh phúc bên Lan, cứ ngỡ như 15 năm về trước vậy. Nhưng mới về nhà được mấy ngày thì tôi nhận được email của Lan.

-“Suốt đời này, Lan chỉ yêu có một mình anh Bảy. Nhưng giờ đây, Lan chỉ muốn được sống môt mình, Lan luôn mang mặc cảm đã lấy cắp tình cảm của anh dành cho vợ. Nên Lan muốn sám hối. Chúc anh may mắn. Đừng tìm Lan nữa.”

10 năm sau khi qua Mỹ, (1998) chúng tôi bảo lãnh gia đình hai đứa con gái.

Tháng 5 năm 2005, vợ tôi mất. Bác sĩ bảo bà ấy không bị bệnh gì cả, bà ấy chỉ yếu dần rồi ra đi, trong vòng một tháng, được 72 tuổi. Cơ thể con người đâu đã già ở tuổi ấy được cô nhỉ? Tôi tuy không phải là bác sĩ, nhưng tôi biết bà ấy bị bệnh gì nè, cô có đoán ra được bà ấy bị bệnh gì không? Trầm cảm! Bà ấy buồn vì tôi yêu Lan. Điều tôi không hiểu là sao bà ấy không thông cảm cho tôi? Từ xưa tới giờ, tình cảm của tôi dành cho vợ vẫn y nguyên, không có gì thay đổi cả. Tình yêu giống như bầu khí quyển, chứ không phải là một cái bánh, mà nếu có ai chia xẻ thì mình sẽ bị mất phần!

Tôi đã yêu cả 2 người đàn bà, có ai hiểu cho nỗi khổ của tôi không? Tôi cũng đâu có muốn vậy, tình yêu nó tự đến đấy chứ! Biết làm sao được hả cô?

"Sau khi vợ mất, tôi tiếp tục sống một mình, không muốn làm phiền con cái, vì tính tôi thích độc lập, nhưng được 2 năm thì tôi bán nhà, chia cho hai đứa con gái một phần, rồi tôi dọn vào khu nhà dành cho người già, khỏi lo điện hư, nước hỏng, khỏi lo cắt cỏ, tưới cây, mà lại có bạn già ở chung quanh cũng vui. Thời gian đầu, tôi lái xe, sau này thì không. Hàng tuần, có chiếc xe buýt của khu nhà, chở mọi ngừơi đi chợ, đi chơi bowling, đi coi phim. Tôi tự nấu ăn, chứ nếu tôi ăn đồ Mỹ thì người ta cũng có phục vụ trong phòng ăn chung đó cô.” Ông kể tiếp.

  Chợt nhớ lần tôi dẫn ông đi khám mắt, tôi hỏi, “Này, ông có nhớ lần tôi dẫn ông đi khám mổ mắt không? Lần đó ông làm tôi hơi ngượng với mấy cô nhân viên lắm đó.”

  Ông cười, “Nhớ chứ, cám ơn cô.”

  Chuyện thế này, sau khi ghi tên ở cửa sổ phòng ngoài, một cô y tá dẫn ông vào phòng trong. Cô ấy đo nhiệt độ, huyết áp, và hỏi những câu hỏi thông thường như: Có đau ở đâu không? Có uống thuốc gì?…

  Xong xuôi, cô nói, “Bác sĩ Marian sẽ gặp ông trong giây lát, ông có cần hỏi tôi thêm điều gì không?”

  Mỉm cười rất điệu đàng, ông đáp, “Cám ơn cô đã lo cho tôi. Tôi không có câu hỏi gì, nhưng tôi muốn nói với cô một điều, không dính líu chi tới bệnh trạng của tôi, có được không cô?”

  Tôi đoán, cô y tá hơi bị ngạc nhiên vì nghe ông già người châu Á nói tiếng Anh khá rõ, và một câu hỏi hơi lạ thường, nhưng có lẽ nhìn khuôn mặt dễ mến, đẹp lão của ông, cô không thấy bực bội, mà trái lại thấy vui vui, nên dễ dãi cười thành tiếng, “Ồ, có gì đâu mà ông phải rào đón dữ vậy, ông cứ tự nhiên hỏi. Cái gì tôi biết thì tôi trả lời, cái gì không biết thì đành chịu thôi.”

  Vẫn với nụ cười mỉm chi trên môi, ông chậm rãi nói, “Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi thấy ai có cặp mắt đẹp, tinh anh như đôi mắt của cô!”

  Cô y tá cười sung sướng nói “Cám ơn” và bước ra khỏi phòng, vì cô phải lo cho bệnh nhân kế tiếp thì phải.

 Tôi cười như nắc nẻ, “Nè, mắt ông bị bệnh, thì tôi có biết, nhưng tôi không ngờ là bệnh nặng dữ vậy đó!”

  -“Ý cô là sao? Mắt tôi bị cataract thì cũng là bệnh thông thường của người già thôi mà?” Ông ngây thơ hỏi lại.

  “Mắt của cô y tá đó bị bé, hai con nhìn hai hướng, vậy mà ông bảo là đẹp, tinh anh thì tôi chịu thua ông rồi đó! Ông xạo vừa vừa thôi! Xạo quá họ bảo mình đểu thì kỳ lắm!” Tôi vẫn còn ôm bụng cười.

  -“Cô thiệt là! Đàn bà phụ nữ, có ai không thích được khen! Nghe một câu khen ngợi, dù có giả dối một chút, thì cũng dễ lọt tai hơn là một câu chê bai chứ! Cô tin tôi đi.” Ông trả lời.

   Mấy phút sau thì cô bác sĩ Marian bước vào. Cô Mỹ trắng, còn trẻ, cỡ 35 tuổi, thanh mảnh dễ nhìn. Sau khi khám lui khám tới hai con mắt của ông, cô viết xuống tờ giấy chỉ dẫn để lấy hẹn ngày mổ, và những gì cần chuẩn bị. Trước khi kết thúc, như lệ thường, cô hỏi, “Ông về nghĩ ngơi cho khoẻ, y tá sẽ gọi lại cho ông 2 ngày trước khi mổ, ông có cần hỏi tôi điều gì không?”

  Mỉm cười duyên ông nói, “Cám ơn bác sĩ đã khám cho tôi. Tôi không có gì thắc mắc cả, tôi chỉ muốn nói là trong đời tôi, chưa bao giờ tôi thấy ai có cặp mắt đẹp, tinh anh như đôi mắt của cô!”

  Cô bác sĩ cười tươi, bắt tay ông, và nói cám ơn.

  Trên đường về, tôi nói, “Cái văn phòng bác sĩ đó nhỏ chút à, cả bác sĩ lẫn nhân viên cỡ 6 người là cùng. Tôi dám cam đoan với ông, là trưa nay, khi họ tụ tập ăn trưa họ sẽ nhắc tới ông cho mà coi! Và họ sẽ nói là ông ba xạo! Ha ha ha. Ông khen 2 cô giống đúc nhau luôn, một cô bị lé, một cô không lé, tôi thua ông rồi đó!”

Ông có vẻ giận vì bị tôi “sửa lưng,” nhưng vẫn chống chế, “Đàn bà có ai không thích được nịnh đầm, được khen, cô sao khó tính quá!!!”

 Chọc ông cho vui thôi, chứ tôi biết ông là người rất tao nhã, bặt thiệp. Tôi biết ông nhớ bà lắm, vì tôi có đọc được mảnh giấy nhỏ, ông viết để bên cạnh bức ảnh thờ của bà trong cái tủ nhỏ đầu giường, “Giờ này em đang ở đâu? Em có ok không?”

Tôi hỏi bâng quơ, “Ông nè, nếu ông được gặp bà lại, thì ông sẽ nói gì với bà?”

-"Những ngày cuối cùng, vợ tôi yếu nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU bệnh viện, tôi ngồi một bên giường, cầm tay bà ấy, tôi đã khóc và hát bài hát mà cả hai chúng tôi yêu thích, “Nếu có điều gì vĩnh cữu được, thì em ơi, đó là tình yêu của chúng ta…” ("Mãi mãi bên em"- Từ công Phụng.)

  Vợ tôi lúc đó không nói được vì bị đặt ống thở qua cổ, nhưng ánh mắt yếu ớt của bà vẫn như còn giận hờn, khiến lòng tôi tan nát…

"Thế còn cô Lan thì sao, ông hoàn toàn không liên lạc với cô ấy nữa à?” Tôi hỏi.

-"Tôn trọng ý nguyện của Lan, tôi không dám làm phiền cô ấy nữa. Tháng ba năm 2006 thì tôi nhận được tin cô ấy mất vì ung thư. Từ đó đến nay, tôi cũng không nghĩ đến chuyện yêu ai nữa, mà có ai điên gì đi yêu ông già như tôi hả cô?"

  Tôi đùa, “Lúc đó ông chưa tới 83, chắc tại ông không muốn thôi, chứ biết đâu có người còn thích ông?"

  Ông nhìn tôi có vẻ nghiêm nghị, "Cô đã nghe kể chuyện đời tôi, thế thì theo cô, tôi có phải là mẫu người đàn ông thích lăng nhăng không? Hay chỉ là người đa tình, nên bị khổ luỵ vì yêu? Tôi đã làm đau khổ, không chỉ một mà là hai người đàn bà, tôi yêu hết mực!”

 Tôi nghe ông hát ê a: “Nếu trên đời này, có điều gì vĩnh cữu được, thì em ơi, đó là tình yêu của BA chúng ta…”

 Tôi không biết nên cười hay giận ông già lém lĩnh này đây!

Austin, Texas

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
25/01/201906:14:39
Khách
--- Lời phê bình của Lê như Đúc thì tôi bái phục!!! Vì vừa hay lại vừa ý nghĩa sâu sắc !!!!
24/01/201904:56:33
Khách
Trích: “tôi có phải là mẫu người đàn ông thích lăng nhăng không? Hay chỉ là người đa tình, nên bị khổ lụy vì yêu?”
Một trăm tên sở khanh, dê cụ thì đúng một trăm tên đều nói mình đàng hoàng chỉ tại sui có số đào hoa hay đa tình nên khổ quá xá. Các bà, các cô, các em xinh nên tội nghiệp và năng an ủi, thăm viếng họ.
Đọc xong chuyện này các đấng mày râu cũng nên đặn vợ trước khi qua đời là nhớ thường xuyên tới thăm và đút chè, táo cho bạn mình. Gặp người có hai ba chục bạn hiền còn tại thế thì chắc bà vợ nấu chè và hái táo mệt nghỉ.
Bà Linh chắc chắn có tình với anh Bảy nên thích tới thăm để nghe anh Bảy tỏ tình cho đỏ mặt.
Em chả, em chả.
23/01/201918:24:41
Khách
Viết chuyện rất sống động và hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không lầm, chương trình HO (HO 1) bắt đầu từ đầu năm 1990, chứ không phải năm 1988 như tác giả viết. Mặt khác, năm 1989, từ Mỹ về lại VN rất khó khăn...
23/01/201918:01:38
Khách
Cam on tac gia, mot cau chuyen that la hay va vui. Tac gia that co kieu viet van va ke chuyen. Chuc tac gia luon luon khoe manh, hanh phuc de cong hien cho doc gia nhieu cau chuyen hay ke tiep.
23/01/201912:41:42
Khách
Cô này kể chuyện hay ghê.
23/01/201912:35:01
Khách
Chuyen doi that eo le, phu phang. Viet ra thi dung cham toi luan ly, ton giao phai khong. Chac quy ngai biet do, hieu do ca nam nu deu giong nhau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,267,381
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến