Hôm nay,  

43 Năm, Nhớ Giáng Sinh 1975 Ở Reno

24/12/201800:00:00(Xem: 14877)
Tác giả: Trương Ngọc Anh

Bài số 5581-20-31387-vb2122418

 

Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.

Hình năm 1975 tại Reno:

 

viet ve nuoc My 01
Với các bạn đồng nghiệp ngay cửa sở làm.

viet ve nuoc My 02viet ve nuoc My 03
Mấy chị em đi mua sắm Giáng Sinh.

viet ve nuoc My 04
Ngọc Anh &Tuyết Nga, bạn cũ lớp đệ thất Gia Long.

 

***

 

Ngay sau ngày lễ Tạ Ơn, chung quanh nhà Tím, những nhà hàng xóm đều đã trang hoàng ở sân trước để đón mừng lễ Giáng Sinh.

Tím cũng y chang, nôn gì nôn dữ, như con nít đợi quà. Vậy là Tím lôi ra thùng cây thông xanh xếp gọn cất trong nhà để xe cả năm nay, dựng lên, giăng đèn, trang hoàng quanh cây thông xanh xanh đỏ đỏ mất cả ngày. Sau đó mỗi khi mua sắm thấy gì đèm đẹp như cái tổ chim có con chim lông đỏ cái mỏ xinh xinh, xe cút kít tí hon chở đầy ắp quà, ông già Noel râu trắng tinh, chú hề nhỏ xíu xiu mặc áo quần mỗi bên một màu sặc sỡ, thằng bé con tuột cầu tuột lộn đầu dễ thương quá… là rinh thêm về, máng tùm lum cho cây thông đầy đặc ngoài những trái châu đủ hình dáng, đủ màu sắc bóng loáng, lấp lánh ánh đèn. Tím còn trang hoàng những bông hoa Giáng Sinh ở thùng thơ trước cửa nữa, trông rất tươi tắn để dành cho người đưa thơ.

Niềm vui này một năm chỉ có một lần, hình như ở Mỹ già trẻ bé lớn ai cũng thích.

Cái hộp cuối cùng lôi ra từ trong thùng đồ trang hoàng, hình cuốn sách, úa màu thời gian vì cũ lắm, sau khi mình quay vòng như lên giây thiều, có tiếng nhạc Giáng Sinh êm nhẹ, réo rắc, Tím vặn nghe suốt ngày luôn. Hộp rất cũ, nhưng nhạc nghe hay hơn mấy cái mua sau này, và hình ảnh mấy con thú đẽo bằng gỗ phủ phục quanh Chúa Hài Đồng di chuyển qua lại rất ngộ nghĩnh.

Nghe nhạc Giáng Sinh Tím nhớ, Giáng Sinh năm đó, không nhớ năm nào vì quá lâu rồi, gia đình Tím sống trong cư xá Cộng Hòa thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Dù nhà không có đạo, Ba cũng có mua một cái lồng đèn ngôi sao màu xanh treo lủng lẳng trên cửa ra vô. Bên Việt Nam những nhà có đạo hay treo lồng đèn như vậy và dân sống trong cư xá đa số là những gia đình có đạo Công Giáo.

Nhìn cây thông, Tím nhớ Giáng Sinh đầu tiên trên nước Mỹ, năm 1975, bắt đầu từ buổi tiệc do cô bạn đồng nghiệp mời tới nhà khoảng trước Giáng Sinh 1 tuần, chơi đổi quà. Lúc đó, Giáng Sinh của người Mỹ thật lạ lùng và vĩ đại dưới con mắt nhỏ nhà quê ra tỉnh. Dù lúc đó, chỉ trước 1 năm thôi, Giáng Sinh 1974 ở Saigon vẫn còn tưng bừng náo nhiệt. Dạo phố Nguyễn Huệ, rồi đi bộ tới nhà thờ Đức Bà (còn gọi là Vương Cung Thánh Đường) tai nghe nhã nhạc vang vang trong không gian náo nức, đợi chờ. Đến tối đêm Giáng Sinh, người chen người, vai thít vai nhau, ngoài phố hay quanh những ngôi nhà thờ, Saigon mãi tận lúc đó vẫn còn được hưởng những ngày thanh bình, mặc dù chiến trường sôi động. Niềm nhớ, niềm nhớ...vẫn bất tận, dành cho người ngoài chiến trường, nhưng Saigon vẫn còn là nơi trú ẩn tuyệt vời của tuổi thanh xuân.

Trở lại chuyện tới nhà cô bạn đồng nghiệp năm 75. Nhỏ này người da đen, dọn từ bên tiểu bang Alabama qua sinh sống. Cô ta để lại đứa con nhỏ cho má nuôi, qua tiểu bang khác tìm tương lai, dừng chân ở Reno, vì thời gian đó Alabama còn kỳ thị, và cũng để trốn tên bạn trai vũ phu. Mấy ngày lễ cô ta hay khóc vì nhớ con. Bước chân vô nhà cô, đụng ngay cây thông lớn hết cở, đụng trần nhà luôn, như đầy cả căn phòng khách nhỏ, màu trắng xóa, lấp loáng như tuyết phủ trắng cây là những trái châu đủ màu sắc rực rỡ, những bông hoa, hình thú treo đầy trên cây thông trắng, quá đổi đẹp, cùng với ánh đèn màu lấp lánh, choáng ngộp luôn dưới mắt nhìn mở lớn của Tím, ôi, cây thông màu trắng lần đầu tiên thấy, đẹp quá trời.

Mãi cho tới giờ Tím vẫn còn nhớ hình ảnh lunh linh màu sắc của cây thông trắng, nhà cô bạn ấy. Cây thông nổi bật, cao và đẹp như vậy, mà trong nhà thấy chẳng có đồ đạc gì.

Sau màn chào hỏi, chúc mừng nhau, ăn thức ăn nhẹ tự mỗi người đem tới góp chung mà người bản xứ họ gọi là “pot luck” rồi cùng nhau tìm quà có tên mình dưới gốc cây thông trắng, mở quà, cười đùa, nghe nhạc Giáng Sinh và ...uống rưọu. Thức ăn Mỹ lúc đó chỉ ráng nuốt chứ thật ra chưa quen mùi vị gì hết. Tuy vậy cũng vui tới nửa đêm mới ra về giữa không gian lạnh giá buốt của thành phố Reno. Chẳng như bây giờ, những ngày lễ trong năm như lễ Tạ Ơn thế nào cũng phải nướng con gà tây, làm bánh nướng hột pecan; tiệc Giáng Sinh phải có thịt “ham” nướng với những miếng thơm vàng óng phết mật ong, bánh nướng trái cây, kèm theo những món khác là những món ăn đặc biệt của người bản xứ. Tết mình thì khỏi nói, gói bánh tét, nấu nồi thịt kho, xôi, chả, mứt, hột dưa, mứt dừa …thức nào cũng có.

Giáng Sinh đầu tiên của gia đình ở Reno, năm đầu tiên đến nước Mỹ  đón mừng dịp lễ, thời tiết rất lạnh và những ngày sau đó tuyết phủ mịt mù luôn kéo dài qua tận tháng tư. Tuyết lúc mới rơi thì cảnh vật huyền ảo, mờ mờ những bông tuyết trắng xóa tung bay trong không gian cứ phất phơ không theo chiều nào cả, như nhẩy múa theo điệu nhạc rất riêng, như hơi thở của đất trời. Nhưng khi tuyết bắt đầu tan thì, ôi thôi ! vừa ướt nhàu vừa xỉn màu nâu đen như sình, trông rất xấu.

Phải nói Giáng Sinh đầu tiên ở Reno quá đẹp, nên Tím nhớ hoài. Nhứt là, lần đầu tiên nhìn tận mắt tuyết rơi, tuyết phủ bốn bề, mái nhà, cây cối trắng xóa một màu, những phong cảnh mà trước đó mới mấy tháng chỉ biết tới qua những cánh thiệp Giáng Sinh có kim tuyến lấp lánh, bày bán dọc theo mấy đường phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ ở Saigon. Gần Giáng Sinh, chị em rủ nhau trong ngày nghỉ đi mua quà Giáng Sinh, nôn nao lắm vì ở sở làm không khí lễ đã nhộn nhịp tưng bừng trước đó qua mấy vụ đổi quà, ăn tiệc chung trong sở …rất lạ và vui. Đi mua sắm mà mặt mũi đứa nào cũng tím ngắt, tái mét vì lạnh quá. Và hai túi áo choàng nặng chình chịch tiền xu, vì lúc đó còn chưa biết đếm tiền lẻ để trả cho người bán hàng, nên cứ đưa cho họ tiền giấy. Năm đó, dưới cây thông trong nhà đầy ắp quà cho cả gia đình đông đúc.

Tím nhớ chuyện xưa nên tìm mở lại cuốn album cũ vàng úa màu thời gian qua 43 năm dài, chập chạp, từ từ, ngắm lại những hình ảnh gần nửa thể kỷ chớ ít sao, bồi hồi, rồi ngậm ngùi quá. Nhớ lại chuyện năm xưa.

 

*

Gia đình Tím rất may mắn đã vượt thoát khỏi Sài Gòn giữa cơn hỗn loạn vào cuối tháng tư năm 1975, là nhờ một người bạn là anh Ngà, lính Không Quân, đã tới nhà thăm Tím và thúc dục Má nên mau quyết định đưa cả nhà vô Tân Sơn Nhứt để ra đi. Tuy anh không đi vì cha mẹ già và đàn em dại, nhưng anh đã mong muốn Tím và gia đình ra đi vì biết nguy hiểm cận kề. Tím và gia đình nhớ ơn anh suốt đời.

Lúc đặt những bước chân đầu tiên trên nước Mỹ (không kể Hawaii chờ mấy tiếng), cả nhà Tím ở trong những căn nhà dã chiến, ngày ngày xếp hàng ăn thức ăn của lính, trại Thủy Quân Lục Chiến ở Camp Pendleton, CA.

Thức ăn của lính thực ra Tím và gia đình đã được biết từ lúc ở đảo Wake, trạm tỵ nạn tạm thời trên đường đi từ Sài Gòn qua Mỹ. Đây là trung tâm của lính Thủy Quân Lục Chiến. Sáng có trứng chiên với bánh mì, sữa tươi, nước cam, trưa chiều ngày nào cũng hơi tương tự, những món đậu hầm giò heo, thịt bò nát nhừ, khoai tây, bánh mì, và… không có cơm, cũng chẳng có nước tương nói chi tới nước mắm.  Đừng có mơ tới rau cải. Tuy vậy, ở trại Pendleton thức ăn khá hơn, có rau cải và nhiều trái cây, nhưng mùi vị thức ăn Mỹ lúc đó thực sự rất khó làm quen.


Vài ngày sau đó anh chị tới đón và làm thủ tục xuất trại để về sống quây quần cả nhà ở thành phố Reno, thuộc tiểu bang Nevada, sát nách với CA. Chiếc xe hơi 4 cửa mượn của má chồng bà chị chở cả nhà 11 người, sau khi băng qua nhiều đồi núi, rừng thông bạt ngàn, về tới Reno. Lúc xe chạy ngang thành phố, nhìn thấy nhiều mái nhà vẫn còn tuyết đóng băng trắng xóa và rất lạnh.

Niềm vui của chị em tôi dạo đó là thường chạy ra chợ rất nhỏ gần nhà để mua những trái bôm đỏ lạnh ngắt, cắn ngập răng giòn rụm thơm tho, sao mà quá ngon nên ăn cho đã thèm.

Từ ngày 2 tháng 5, 1975, cả nhà bắt đầu sinh hoạt mới. Người lớn có việc làm liền, con nít sửa soạn đầy đủ giấy tờ để nhập học ngay trong giữa niên khóa. Được hưởng không khí hoàn toàn tự do, tay làm hàm nhai y như dân bản xứ, vì lúc đó chương trình tỵ nạn cộng sản còn quá mới mẻ, chính phủ chưa có một trợ cấp nào hết cho dân tỵ nạn ngoài việc phân tán người tỵ nạn ra khắp bốn phương trời Mỹ Quốc, để hòa đồng cùng dân bản xứ và học tiếng Mỹ ở mấy trường cộng đồng. Tiền làm ra là của mình, ngoài việc đóng thuế, mấy chị em có được chút tiền rủng rỉnh trong túi, sau khi gom hết cho  Má để phụ giúp trả chi phí nhà cửa, mua thực phẩm, rồi mua xe, mua nhà  v…v…

Nhớ hồi xưa đó mình đầu tắt mặt tối lo mưu sinh, tối đi làm suốt đêm, sáng ngủ vùi để lấy lại sinh lực cho ngày kế, vắt kiệt sức tuổi thanh xuân, nhưng bù lại hưởng được tự do tuyệt đối. Thời gian còn lại ít ỏi thì nhớ bạn bè tự nhiên “gẫy gánh giữa đàng”, nhớ người “phân nửa của mình”, hồn lạc đi một nửa, nhớ bà con anh em họ hàng, lo lắng bất an, nhớ những con đường quen thuộc đi bộ rả chân mà vui, nhớ những bông hoa nắng trên vỉa hè rộng lớn có hai hàng cây me cổ thụ giao đầu nhau thì thầm chuyện mưa nắng …nhớ những gánh hàng rong …nhớ…nhớ đủ thứ, những niềm nhớ ở Mỹ không có được ngoài tự do.

Giáng Sinh đầu tiên của gia đình Tím ở Reno, năm đầu tiên đến nước Mỹ  đón mừng dịp lễ, thời tiết rất lạnh và những ngày sau đó tuyết phủ mịt mù luôn, kéo dài qua tận tháng tư.

Phải hơn 10 năm sau, mới bắt đầu có được vài tin tức quí giá sau bức màn sắt cộng sản ở bên nhà. Rồi thì 43 năm bay ngang qua đầu, tám chị em tóc đã bắt đầu bạc.

 

*

Mới mấy tháng trước đây thôi, rất tình cờ Tím tìm lại được nhỏ bạn của hơn nửa thế kỷ trước, thuở má thắm môi hường, cùng học ở trường Nữ Trung Học Gia Long. Đúng ra là nhờ tấm hình dán trên mặt tiền của trang Face Book (FB) mà một ngày, nhỏ bạn chạy ngay vô nhà FB, hỏi to : “phải TNA đó không?” Rồi nhỏ lật đật dán vô tấm hình đen trắng nửa thế kỷ xưa nó còn giữ được, hình hai cô gái nhỏ ngồi giữa đám cỏ, mặt kề mặt, còn ai đây, bạn rất thân của mình chớ ai, bạn ngồi chung bàn, ngày ngày cùng ăn chè đậu đỏ ở góc chùa Xá Lợi, ăn da-ua quán Hiệu Đoàn Gia Long.

Mừng hết lớn luôn. Hắn nói: “Nhìn hình trên FB là biết ngay mi” . Ủa lạ, mặt của Tím không thay đổi lắm hay sao? Cám ơn FB, giúp nối lại vòng tay bạn bè từ nửa vòng trái đất.

Thời gian qua như thu lại còn vài năm hai đứa xa cách nhau sau khi ra trường, mỗi đứa chọn một phân khoa đại học, rồi thì xa nhau từ từ, vì chuyện nọ chuyện kia, cho tới năm 75 thì xa nhau luôn tất tần tật 43 năm dài, ký ức như ngủ quên một ngày chổi dậy.

Hỏi nhỏ “này…ngỗng trắng thương yêu”, nó trả lời liền:

“Đọc bốn chữ này của mi, ta trào nước mắt”.  Hồi xưa, nghỉ hè, viết vài lá thơ gởi cho nhau, Tím gọi nó bằng 4 chữ đó. Tên nó là Tuyết Nga.

Hỏi, giờ mi làm gì, vẫn ở bển ? Ừa, ta vẫn còn ở lại, lấy ông chồng mà thuở đó phải “trường kỳ kháng chiến” 9 năm với ba mẹ mới lấy được nhau”, rồi thì lót dép ngồi mà kể chuyện 43 năm…

“Bắt đầu anh đưa nàng dìa dinh là bắt đầu "những tháng năm khổ nhứt đời người". Là bắt đầu "tìm đường cứu...đói". Tụi ta làm đủ nghề ( ...chong xạch) : bán xôi, bán sữa đậu nành, làm ô mai me bán. Từ lúc bắt đầu giã đến lúc thành ô mai cũng gần ba tiếng. Chồng ngồi khuấy chảo ô mai càng ngày càng nặng tay, cầm cái đũa khuấy như chèo thuyền dù vợ ngồi bên có hò dô ta thì "chảo 1 bên, và em...xê ra...1 bên", xong lăn đùng ra ngủ. Sau đó vợ đợi nguội "vầng trăng từ độ lên ngôi, năm năm bến cũ, em ngồi...viên ô mai" để sáng hôm sau bỏ mối cho người ta. Một buổi "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa" vậy lời được 7 ngàn đồng và đến một ngày "trời không nắng cũng không mưa", một ngày...thổ tả, cái chảo khuấy ô mai bị bể. Mà số phận trớ trêu làm sao, giá cái chảo cũng đúng 7 ngàn, thế là coi như "dù cho bao gian lao nhưng tình nghèo góp sức mà...hổng dzui", ta đứng nhìn cái chảo bể, khóc rưng rức. Sau đó ta đi dạy, chỉ dạy hơn 1 năm ở tỉnh rồi bỏ ngang vì đi xa, sức không khoẻ và lương tập sự không đủ chi phí cho nên ông xả cũng chuyển về SG dạy.

Lúc chuẩn bị có tin vui đứa con đầu lòng cũng là lúc "lửa thử vàng gian nan thử sức". Một túp lều tranh thì đã rõ, nhưng 2 trái tim đồng chì vàng gì là lúc này đây mới xác định được. May mắn cho ta, tim vàng....y.

Thời gian “Xuống Hố Cả Nước” mà 1 chồng giáo viên lương nhà nước, vợ ở nhà, sắp vỡ đê thì sao. Thế là sẵn có chiếc xích lô của ông già, "chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt" từ nhỏ chỉ biết sách vở, đành "xếp bút nghiên theo việc...đạp xích lô. Vậy mà còn bị cơ quan nói là "bôi bác chế độ", sự thật là bị chế độ bôi bác, lương giáo viên không đủ sống”.

Thôi thôi, nghe mi kể nhiêu đó ta đủ ngưng tim rồi.

Còn mấy đứa kia đâu ??? ta không biết!!!

Khi mình ở Mỹ cơm quá no, nhà quá lớn, tiền làm bao nhiêu bỏ băng thì nhỏ bạn mình khổ ơi là khổ, mà phải tới 43 năm sau mình mới biết chuyện.

Hỏi nữa, bây giờ tụi mi ra sao?

Sống được, về hưu rồi, thêm nghề làm “Ô Sin”, là ở đợ đó mi, cho mấy đứa cháu nội ngoại, vậy mà vui. Lúc nào mấy đứa con “cho nghỉ ngơi mới được phần nghỉ ngơi” thì hai vợ chồng đèo xe đi du lịch ba lô vui đâu ghé đó.  Ung dung tự tại tuổi già, cũng vui.

Mi ở lại thì vậy, ta ở Mỹ cũng vậy…vậy, thì ra đó là nghề ở đợ cho mấy đứa cháu, Mỹ, hay Việt Nam cũng giống nhau hén …ngỗng trắng thương yêu. Nhưng mà tụi mình cùng yêu bầy cháu nên cứ tình nguyện làm ô sin. Giờ mi với ta vẫn còn nhờ FB mà thấy nhau, chứ sang năm mới luật an ninh mạng thổ tả ra đời, thì bức màn sắt sẽ buông trùm xuống, có thể *“từ đây mãi mãi không thấy nhau” ???

Nhớ lại, để nuối tiếc một thời mình đã được hưởng quá đẹp ở Sài Gòn. Bây giờ thấy Saigon đẹp lắm, mấy tỉnh suốt dọc quốc lộ 1 cũng đẹp lắm, như những cổng chào diêm dúa , cây cầu sặc sở lố lăng, thành phố xa hoa nhưng nhìn thấy rõ hai giai cấp giàu nghèo quá chênh lệch.

Thôi, vận mạng của đất nước đã tới hồi sang tay!

Mới đó, đã qua 43 năm dài đăng đẵng ở xứ người cây ngọt trái lành mà thoáng chốc như bóng câu ngang cửa sổ, nhìn lại, chị em đứa nào cũng già hết rồi, nhìn hình ảnh thời thanh xuân mà nhớ tiếc, thuở nào mình thon như chiếc lá lúa, giờ đứa nào cũng tròn vo như chiếc lá …sen, chắc thức ăn Mỹ đã quen, lại thêm thức ăn Việt đâu cũng có, hết rồi thuở thèm chén cơm chan nước mắm chanh tỏi ớt 43 năm xưa.

Vậy là năm 2018 sắp hết, chưa mua cuốn lịch mới nữa. Tháng 12 này rất dài, có tới 5 ngày chúa nhựt, 5 ngày thứ hai, và 5 ngày thứ ba đó bạn.

Trương Ngọc Anh
 

*Nhạc Phạm Duy Mùa Thu Chết

Ý kiến bạn đọc
04/02/201915:27:18
Khách
Tony Lang, mừng quá
Đã liên lạc qua địa chỉ email.
28/01/201906:43:54
Khách
Toi (Lang Vinh Hung) o tai Reno tu thang 11/1975 (luc do 19 tuoi) den thang 10/1981. Cam on co (Truong Ngoc Anh) lam toi nho lai nhieu ky niem o Reno. Neu co co hoi, toi xin gap lai dai gia dinh cua co. Email: [email protected]
04/01/201915:18:12
Khách
Cám ơn Bát Phương đã góp ý cho bài viết và bàn chuyện lá sen quá lý thú. Xin sẽ cố gắng hơn để nhớ thêm những kỷ niệm thuở …lá lúa :-)
Nhân năm mới mến chúc Bát Phương mọi sự đều như ý .
29/12/201806:33:59
Khách
Tác giả viết:
-"nhìn hình ảnh thời thanh xuân mà nhớ tiếc, thuở nào mình thon như chiếc lá lúa, giờ đứa nào cũng tròn vo như chiếc lá …sen"
Ví von kiểu này thì cánh nam nhi chi "chí" chúng tôi mừng lắm, vì bên cạnh lá sen là những củ sen, hạt sen và hoa sen. Nhờ những lá sen lo toan vuông tròn mà củ sen không bị hư hỏng, dù nằm chung với bùn từ 10-17 mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Không hề nhiễm ngôn ngữ khỉ gió "đầu vào, đầu ra" của bùn.
Đó là điểm trong sáng của tiếng Việt mà chúng tôi thích nhất trong bài viết này.
Chúng ta ở hải ngoại VVNM hãy viết tiếng Việt như tác giả Ngọc Anh, đừng "giết" tiếng Việt như đám bùn lầy hôi thúi mà chúng ta đã thấy... thấy ngay trên những tờ báo... người Việt giết tiếng Việt.
Cái đáng yêu thứ hai của bài viết là những kỷ niệm tuổi học trò thuở thanh xuân yểu điệu như lá lúa vẫn con tròn trịa ở "lá sen". Ngày đó cánh nam sinh thường vật vờ lượn qua lượn lại trên đường PT Giản, Ba Huyện Thanh Quan mỗi khi "em tan trường về", Nếu bây giờ lá sen "tan trường về" thì vẫn có những người vờ vật lượn quanh, dù là đàn ông hay "đần ông".
Cám ơn tác giả và ước mong được đọc tiếp những bài viết chan chừa tình người, di dỏm vui tươi tuổi lá lúa./.
28/12/201802:10:30
Khách
Cám ơn các anh, chị, bạn, đã đọc, và gởi những góp ý giúp Tím thêm niềm hứng khởi để viết và hãnh diện góp phần bảo vệ chữ nghĩa trong sáng mà chúng ta đã học hỏi được từ thời Việt Nam Cộng Hòa.
Tím đã cố gắng rất nhiều để có thể loại bỏ những ảnh hưởng mà cộng sản bên nhà đang cố tình gây ra để giết chết chữ Việt từ trong nước lan ra tới hải ngoại.
Kính anh Van Tran, Tím đang nghe lại “Kỷ niệm xa rồi” của NHT do chính nhạc sĩ trình bày, giọng ca trầm ấm, truyền cảm …”kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi …và …cười lên đi cho thắm đôi môi đời còn bao nhiêu mộng đẹp tươi”.
Chúc các anh, chị, và bạn Năm Mới vui vẻ bình an
Tím
27/12/201815:10:51
Khách
Bài viết rất hay, pha trò nhí nhảnh dễ thương, cám ơn Tím, Truong ngọc Anh cho tôi đầy cảm hứng để đọc hết bài nhu bạn aoluahadong và đồng ý với ban Van Tran là đọc hết chuyện không thấy một ngôn từ cộng sản một lần nữa cám ơn cô cựu nữ sinh GiaLong.
26/12/201803:39:49
Khách
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như dòng nước trôi
Còn đâu những giây phút bên nhau
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Kỷ niệm ôi thiết tha! ( " Kỷ Niệm Xa Rồi" -NHT )
Thời gian qua mau, nay tìm " Ngỗng Trắng" nơi đâu?
Alas, trên Face Book :)

Một bài viết hay, lời văn nhẹ nhàng. Đặc biệt là trong bài viết này của cô cựu nữ sinh trường Gia Long không có xen lẫn ngôn từ của cộng sản. Chúng ta hãy diện luôn là con dân của nước Việt Nam Cộng Hòa, tác giả nhé.
24/12/201821:30:30
Khách
Đọc mà nhớ những ngày xưa thiệt là xưa, cái thời cắp sách đến trường, Noel hùn mỗi đứa chút xíu tiền làm bữa rề quây dông nho nhỏ...
Mấy chục năm sau, Noel đầu tiên nơi xứ người nghe lòng háo hức như khi xưa ta bé, dạo ga ra xeo mua cây thông cũ với giá $5 , mừng húm, về chưng ngay góc phòng khách, tối cắm điện rồi cứ đi ra đi vô ngó mấy cái bóng đèn xanh xanh đỏ đỏ mà lòng vui gì đâu. Mỗi năm xài một lần, cũ người mới ta, cây thông $5 xài được cả chục năm trời, dọn nhà đành lòng phải bỏ mà nghe tiếc như tiếc nhớ một nữa kia đã về với cát bụi!
Bài viết quá dễ thương Tím ơi Tím à...thân ái chúc cô bạn công dung ngon hạnh, đêm Giáng Sinh an lành và thật ấm áp bên con cháu nha!
24/12/201818:30:46
Khách
"Lót dép ngồi mà kể chuyện 43 năm..." bài viết tâm tình mộc mạc của tác giả làm tôi hứng thú đọc cho đến cuối. Kẻ đi người ở lại. Những số phận khác nhau của Việt khắp nơi nhắc nhở chúng ta đừng tuyệt vọng nhưng hãy góp tay gỡ bỏ độc tài cs trên quê hương. Chúc tác giả nhiều an mạnh.
24/12/201818:21:16
Khách
Chén cơm chan nước mắm chanh tỏi ớt của Tím chắc cũng ngon như cái bánh xèo chỉ có vỏ bánh chứ không có nhân chấm mắm của chị ăn thuở là học trò trường làng, lúc đó cái gì cũng ngon quá phải không?
Đọc những kỷ niệm hồi thơ ấu em nhắc đến nghe sao thân thương quá đi.
Hằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,973,654
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến