Hôm nay,  

Người Đấm Bóp Của Tổng Thống Mỹ

07/12/201800:00:00(Xem: 12866)
Tác giả: Nguyễn Kim Nên

Bài số 5566-20-31372-vb6120718

 
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ.  Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.

 
viet ve nuoc My 1
Bưu thiếp của Ông Bà Tổng Thống  George H W Bush gởi anh Huynh (John Nguyên).

viet ve nuoc My 2
Tổng Thống George H W Bush chụp hình với Ông Bà Nguyễn Duy Huynh-Kim Nên.

viet ve nuoc My 3
Báo Daily Mail tại Luân Đôn ngày thứ năm 18 tháng 7, 1991 viết về anh Huynh.

 
***
 

Đầu tháng 12/2018, nước Mỹ có một tin buồn. Đó là tin vị tổng thống thứ 41 của Mỹ là ông George H.W. Bush vừa mới qua đời, hưởng thọ 94 tuổi. Riêng đối với gia đình chúng tôi, ông cũng là người có nhiều kỷ niệm rất sâu sắc…

Số là thuở ban đầu, lúc mới đến Mỹ gia đình chúng tôi định cư tại thành phố Houston, Texas và làm việc cho công ty điện thoại AT&T. Làm được mười mấy năm thì cả hai vợ chồng đều bị mất việc vì hãng bị thua kiện mất bản quyền về ngành điện thoại, nên công ty lúc đó phải sa thải tất cả nhân viên làm việc dưới 15 năm.

Sau khi mất việc làm thì chúng tôi chán cái cảnh đi làm thuê cho hãng xưởng. Ông xã tôi bắt đầu cái nghề tự do là sửa chữa nhà cửa. Còn tôi nghe lời một người bạn hướng dẫn là nên ghi danh học nghề thẩm mỹ, vì chúng tôi chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp có 6 tháng, không đủ thời gian đi học trở lại, thêm vào đó là còn nặng gánh gia đình ở Việt Nam.

Trong thời gian hành nghề này thì tôi nhận thấy rằng có một nghề lạ là “massage therapy”  mà dân ta gọi nôm na là “đấm bóp”. Đây là nghề có thể kiếm được nhiều tiền mà không cần phải mất nhiều thời gian học tập. Tôi chợt nghĩ cái nghề này chắc tốt cho ông xã tôi hơn là cái nghề sửa nhà vất vả, có lúc tôi thấy anh phải làm việc ngoài trời dưới cái nóng cháy da hay cái lạnh buốt người… đã làm cho tôi thương tâm và buồn rất nhiều.

Thế là tôi bàn với anh Huynh (tên ông xã tôi) là chúng tôi còn đủ vài ngàn đô la để đóng học phí cho anh, nhưng anh không chịu và nghe cái nghề đấm bóp là anh lắc đầu liền. Có lẽ anh nhớ đến ông mù rung chuông đi đấm bóp dạo trong xóm Đề Thám ngày xưa chăng?.Và dù sao cái bản tánh con nhà quan vẫn còn trong dòng máu “Thăng Long” của anh. Tôi lại một màn giải thích là ngày xưa tôi cũng là vợ sĩ quan vậy. Tôi chưa bao giờ làm lụng, nhưng qua đây tôi không kén chọn nghề miễn sao nghề đúng đắn trong sạch là tôi làm. Vì tôi cần có tiền để phụ chồng nuôi 3 đứa con và nuôi cả đại gia đình bên quê nhà. Cuối cùng anh chịu đi học… Ba tháng sau anh có bằng cấp và giấy phép để hành nghề.

Hai tháng qua đi. Có nghề trong tay mà anh vẫn chưa tìm được làm. Tôi lại nghĩ trong bụng đã thất nghiệp không có tiền lại tốn thêm tiền học mà không tìm được việc làm thì chẳng biết làm sao đây… May quá, nhờ quen được vài người khách của tôi hướng dẫn nên ông xã tôi đã xin việc làm ở “Houston Club”, một câu lạc bộ dành cho những người giàu sang danh tiếng ở Houston. (Nhân đây tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của chính chúng tôi là khi mình chọn nghề về thẩm mỹ như: cắt tóc, làm móng tay, chăm sóc da mặt hay đấm bóp chúng ta nên tìm việc làm ở khu thuộc giới thượng lưu thì lương cao và đỡ vất vả hơn).

Làm việc được một thời gian thì anh Huynh (tên Mỹ là John Nguyen) được tin tưởng và câu lạc bộ yêu cầu anh đấm bóp cho một nhân vật quan trọng. Đó là ông George H W Bush - lúc đó là Phó Tổng Thống Mỹ. Nhận được tin nầy, tâm trạng anh nửa mừng nửa lo. Anh nói lúc đó hồi hộp vô cùng nhưng anh tin tưởng rằng nếu anh làm giỏi, ông Bush thích anh thì anh sẽ có được nhiều khách hàng hơn.

May mắn vô cùng, chỉ lần đầu “đấm bóp” là ông Bush thích anh ngay và từ đó anh là người duy  nhất “đấm bóp” cho ông mỗi khi ông cần thoải mái nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng mệt mỏi công việc ở Tòa Bạch Ốc.

Công việc làm ăn của anh phát triển tốt đẹp. Khi ông Bush đắc cử tổng thống thì kể từ đó anh trở thành “người đấm bóp riêng của tổng thống Mỹ”. Đặc biệt là gia đình ông Bush đều là khách hàng của anh như: bà Barbara Bush, ông George W. Bush (còn gọi là Bush "con” - tổng thống Bush thứ 43 của nước Mỹ, và em là Neil Bush… Thêm vào đó ngoài những chính khách đến từ Washington DC như Bộ Trưởng Tài Chánh: James A. Baker III, Nicholas F. Brady, quý ông thượng và hạ nghị sĩ… còn có những thể tháo gia nổi tiếng như Mary Luo Retton – người đoạt huy chương vàng môn thể dục nhào lộn của thế vân hội mùa hè năm 1984 , Nancy Kerrigan – trượt băng nghệ thuật, Evander Holyfield – võ sĩ quyền Anh, và rất nhiều thể tháo gia và tài tử, minh tinh đến từ Hollywood. Khách hàng của anh toàn là dân giàu sang tiếng tăm trên đất Mỹ, họ đến với anh chắc vì anh có danh là “người đấm bóp cho tổng thống”.

Tôi nhớ thời gian đó báo chí địa phương ở Houston xôn xao loan tin về một người Việt Nam tỵ nạn được tổng thống Mỹ khen gợi về tài đấm bóp của anh. “The president claims that we have the best masseur in the world here". Lanzino said. Tạm dịch: "Tổng thống xác định chúng tôi có người đấm bóp giỏi nhất thế giới.” (Lanzino là Giám Đốc của Câu Lạc Bộ Houston).

Bạn bè quen biết của anh Huynh trong giới quân đội ngày trước, có dịp gặp nhau thì bàn tán: “Mày có biết người ta đấm vua là bị chém đầu, mà thằng Huynh nó “đấm” vua là ra tiền”,

Ông Bush rất thương anh Huynh vì bản tánh anh rất vui vẻ, chân thật và ông biết anh là cực sĩ quan QLVNCH nên rất an tâm (chắc chắn là cơ quan mật vụ của Mỹ đã điều tra lý lịch của anh rồi). Những cận vệ mật của tổng thống rất dễ dãi với anh không cần phải khám xét anh trước khi gặp ông Bush. Ngay cả chuyến đi Luân Đôn hội nghị  G7 thứ 17 năm 1991 anh cũng được tháp tùng theo, lúc đó anh không chỉ làm việc mà còn được đứng trong phòng họp khi các nguyên thủ các nước ký tên trong bản hội nghị.

Nhớ lại khoảng 25 về trước, tôi có dịp gặp gỡ tổng thống Bush tại Houston Club. Khi đến nơi thì tôi mới biết ông đang trong phòng massage. Thế là tôi đứng ngoài hành lang chờ đợi. Không lâu thì người cận vệ của ông rất lịch sự bảo tôi vào phòng chờ (dù họ không nói lý do nhưng tôi biết họ muốn bảo vệ an ninh cho tổng thống, vì thế không ai được lãng vãng gần phòng massage của ông, cũng như những con đường ông sẽ đi qua, nhất là họ không biết tôi là ai).

Tôi vào phòng có cửa kiếng nhìn ra hành lang… Chừng vài phút sau tôi nghe tiếng ông Bush hỏi người cận vệ: “Kim đâu rồi ?” (Kim là tên tôi thay vì Kim Nên). Tôi bước ra chào ông. Ông thật vui vẻ ân cần hỏi chuyện và bảo tôi lại gần để chụp hình với ông và anh Huynh… Thỉnh thoảng ông cũng gặp cho biết các con tôi, nhất là con gái út của tôi lúc đó cháu được học bổng đậu vào Học Viện Hải Quân là trường đào tạo sĩ quan nổi tiếng nhất nước Mỹ về Hải Quân (US Naval Academy) nên ông rất ngưỡng mộ.

Sau khi mãn nhiệm kỳ tổng thống ông rời Washington DC trở về sống ở Houston. Ông Bush không còn đến Houston Club nữa, từ đó anh Huynh thường xuyên đến tư gia của ông Bush để đấm bóp cho cả 2 ông bà. Mỗi lần đi làm về đều có quà bánh, kỷ vật ông bà tặng cho. Ông xã tôi kể chuyện vui cho tôi nghe là ông rất yêu thương bà Barbara: “Ông Bush vui lắm. Mỗi lần anh đấm bóp cho bà Bush là ông bước vào khều bà một cái rồi ông cười cười bước ra”.

Hàng năm chúng tôi đều nhận được thiệp chúc mừng Giáng Sinh của tổng thống Bush gởi thăm. Mỗi thiệp Giáng Sinh của mỗi năm thường là hình ảnh gia đại gia đình của ông bà. Có thiệp 2 ông bà ngồi trên giường ngủ với một đám cháu nội ngoại vừa mới thức dậy. Có thiệp ông bà đi ngoài vườn với 2 con chó. Có thiệp cả gia đình con cháu đứng ngồi trên những ghền đá sau nhà là biển xanh Kennebunkport, Maine.

Sự liên hệ gần gủi giữa tổng thống Bush và gia đình tôi nói chung và anh Huynh nói riêng là sư hãnh diện, là những kỷ niệm thật đẹp cho tôi và các con. Tôi đã giữ kín những kỷ niệm ấy gần 30 năm nay bây giờ mới chia sẻ cùng mọi người. Đó là do Minh Tâm, một người bạn học cùng trường, đề xướng và khuyết khích, khi Tâm là người đầu tiên và có lẻ là duy nhất đã cảm nhận những hình ảnh và báo chí đã nói về tổng thống Bush và người “đấm” tổng thống Mỹ mà tôi đã bỏ lên facebook để tưởng nhớ Tổng thống George H W Bush và người bạn đời của tôi – anh Nguyễn Duy Huynh.

(Houston ngày 4 tháng 12, 2018)

Nguyễn Kim Nên

Ý kiến bạn đọc
12/12/201821:14:06
Khách
Thưa Cô Kim Nên:
Em không biết cô có phải là cô Kim Nên đã từng dạy học ở vùng kinh tế mới trường Tân Lập (Bầu Trư) Huyện Đồng Phú, Tỉnh Sông Bé không.
Em là Đòan Lê Thị Khánh Linh học trò lớp 5 của cô Nguyễn Thi Kim Nên. Cô là người đã luyện thi hoc sinh giỏi cho em những 1978, 1979, 1980. Giải thưởng "Giải Nhất Môn Tóan Lớp Năm Tỉnh Sông Bé" năm học 1979-1980 của em là nhờ công lao giảng dạy của cô Kim Nên và là niềm tự hào của trường Tân Lâp lúc đó.
Cô Kim Nên là một trong những thầy cô mà em nhớ suốt đời. Nhìn thấy tên cô ở đây, không biết có phải là cô giáo của mình không nhưng trong lòng em thật bồi hồi xúc động. Em vẫn nhớ như in cái thời nghèo đói ở kinh tế mới và các thầy cô góp tiền cho em đi thi học sinh giỏi ở cụm, ở huyện ở tỉnh và tòan quốc..
Ba em là sĩ quan phải đi học tập cải tạo nên mẹ em dẩn đàn con 7 đứa đi kinh tế mới cho ba mau về. Cuối năm 1981 ba em về và cuối năm 94 gia đinh em được đinh cư ở Mỹ.
Nếu cô là cô Kim Nên của em xin cô hãy liên lạc với em qua email.
Cám ơn cô.
08/12/201814:58:06
Khách
Có lẽ anh Huynh có số ra vào gần gũi với các vua, quan, nên chi học đấm bóp mới chỉ có ba tháng mà đã đạt được đến mức thượng thừa làm hài lòng không những các hoàng đế nước Mỹ mà cả đến đệ nhất phu nhân và cả những người nổi tiếng khác, cho dù có rất nhiều những người Tàu, Đại Hàn, và ngay cả Mỹ cũng hành nghề này. Thực tình là nếu không có các hình ảnh phụ kèm, thì tôi sẽ bán tín bán nghi về câu chuyện. Thật đáng khâm phục.

Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng người phụ nữ. Nếu không có chị Kim khuyến khích anh Huynh theo học nghế đấm bóp, thì hẳn là anh Huynh đâu đã có dịp tạo được tiếng tăm như vậy.

Gương mặt của cả hai vợ chồng đều xinh đẹp, đáng tin cậy, nên hèn chi mà " những cận vệ mật của tổng thống rất dễ dãi với anh không cần phải khám xét anh trước khi gặp ông Bush ".

Bài viết này về trường hợp một cá nhân làm " vẻ vang dân Việt " qua lời văn gọn gàng của " người vợ sĩ quan" ( lời tác giả) đáng được đề nghị trao giải thưởng Việt Về Nước Mỹ.
08/12/201802:53:04
Khách
Nhất nghệ tinh,nhất thân vinh !
07/12/201816:37:23
Khách
Đọc câu cuối của bài viết và comment của Đông Trinh, tôi hơi ngờ ngợ: Không lẽ anh Huynh đã qua đời? Anh coi mạnh mẽ như 1 võ sĩ cơ mà.
Thật là 1 sự ngạc nhiên. Cầu chúc anh yên nghỉ.
Nhớ lần họp mặt cựu học sinh trường Trịnh Hoài Đức-Thủ Dầu Một, tôi lấy làm lạ sao lại có 1 ông Bắc Kỳ ăn to nói nhớn (ngồi cùng bàn) lạc vào đám Nam Kỳ Quốc dân Bình Dương thế này. Hỏi ra mới biết đó là phu quân của chị Kim Nên.
Nhớ nhất là anh kể:
-Họ cứ tưởng tôi sợ vợ. Thực ra sau mỗi lần 2 vợ chồng gây lộn, bả thường phải "qùi xuống trước mặt tôi" rồi nói: Ông mà không chui ra khỏi gầm giường thì tui lấy cái cán chổi này tui chọt cho ông thọt lên cổ bây giờ.
07/12/201808:55:23
Khách
Vậy là anh Huynh đã tái ngộ với Tổng Thống Búh ở bên kia thế giới và tiếp tục ‘đấm’, Những cú đấm tuyệt vời!
Hãnh diện cho người Bình Dương lắm !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Nhạc sĩ Cung Tiến