Hôm nay,  

Cám Ơn Người - Tạ Ơn Đời

20/11/201800:00:00(Xem: 10270)
Tác giả: Chu Kim Long

Bài số 5552-20-31358-vb3112018

 
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.

 
***
 

Thanksgiving – lễ Tạ ơn là một trong những lễ hội được đón mừng vào những ngày tháng cuối năm. Ngày Tạ ơn đang được mọi người nô nức chào đón, và sửa soạn tiệc mừng thịnh soạn trên khắp đất nước Hoa Kỳ cũng như các châu lục trên thế giới – từ đất liền đến biển cả mênh mông, những nơi có ảnh hưởng của nền văn hóa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ngày lễ hội Thanksgiving là một truyền thống và như một hơi thở bất tận trong tâm tư của người dân Hoa Kỳ.

Tôi đã làm quen cũng như tham dự những bữa tiệc chúc mừng ngày lễ hội thanksgiving tại Hoa Kỳ hơn bốn mươi năm qua. Nhưng, đây là lần đầu tiên tôi viết đôi dòng liên hệ tới hai chữ Thanksgiving.

Ngày lễ hội cám ơn... tạ ơn là một sinh hoạt đặc thù và rõ nét trong nền văn hóa Hoa Kỳ, ngày nhắc nhở cho nhau nhớ đến những khó khăn, sự thành đạt và lòng biết ơn của những bậc tiền nhân đối với Thượng đế, và cũng là ngày để mọi người đoàn tụ, cám ơn nhau – ngày lễ được khởi đi từ những thế hệ di dân khai phá đầu tiên của thời lập quốc. Và là một dấu mốc cho một xã hội nhân bản, công bình, tự do, bác ái được thăng tiến trong thịnh vượng và phú cường.

Mỗi nền văn hóa đều có những nét chấm phá đặc sắc khác nhau. Trong nền văn hóa Việt, tuy không ấn định một ngày riêng lẻ như lễ tạ ơn ở Hoa Kỳ. Nhưng lòng biết ơn được nhắc nhở và thể hiện một cách man mác quanh năm và suốt đời qua những câu ca dao tục ngữ, như : Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây – công cha nghĩa mẹ ơn thầy - uống nước nhớ nguồn – công cha như núi Thái sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Lòng biết ơn của người Việt còn được thể hiện qua những ngày hội làng, hội đình, nhất là ngày tết nguyên đán. Lòng biết ơn một cách trân qúy của người Việt cũng được thể hiện rõ nét và mang ý nghĩa sâu sắc nhất qua lễ giỗ, các nghi lễ kính nhớ tổ tiên, lễ cúng giao thừa, đón rước ông bà về ăn tết với những hương hoa mâm trái để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục, chúc tết ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, cũng như ngay từ thủơ thiếu thời, để thể hiện lòng biết ơn: Từng cá nhân hay đại diện lớp đã đi chúc tết, cám ơn thày cô tạo lên một bầu không khí đầy tình nghĩa thày trò. Lòng biết ơn của người dân Việt còn được thể hiện qua đức tính hiếu thảo, phụng dưỡng các bậc sinh thành khi già yếu. Đức tính cao qúy này đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhớ lại hơn bốn mươi năm qua, từng đoàn người vượt biên bằng ghe thuyền, bằng đôi chân dạn dày gió sương, gai góc của núi rừng để đến những quốc gia đang cưu mang người tỵ nạn như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi luật Tân...Bỏ qua và quên đi những đau khổ do một thiểu số hải tặc, mán rừng gây ra, mà bất cứ dân tộc nào cũng có những thiểu số không có tình người như vậy. Thế giới hôm hôm qua và ngày nay vẫn tràn đầy lòng nhân ái giữa người với người, khiến không ai quên được hai chữ Cám ơn – Thanksgiving. Làm sao quên được ân tình của những chuyến tàu cứu người như tàu Cap Anamur...và các bác sĩ không biên giới, làm sao không nhớ mãi được những phái đoàn thiện nguyện hàng ngày đến với người tỵ nạn để giúp đỡ từng đoàn người Việt tỵ nạn Cộng sản, bất kể màu da và những phong tục, tập quán, ngôn ngữ khác biệt trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á, hết chuyến ghe này đi định cư lại có những chiếc thuyền mỏng manh khác trôi dạt vào bờ. Những người thiện tâm là những mục sư, linh mục, dì phước và là những thanh thiếu nữ trẻ trung, sinh viên trong các viện đại học, trong các hội đoàn tham gia những chương trình thiện nguyện thường niên. Những năm qua, các trại tỵ nạn dành cho người Việt đã đóng cửa. Nhưng những tấm lòng nhân ái tươi đẹp kia vẫn tiếp tục nhân rộng và dang tay giúp đỡ tha nhân trong các trại tỵ nạn khắp nơi, từ các quốc gia Nam Á,  u Châu, Trung Đông đến Phi châu... Nam Mỹ. Tình yêu thương tha nhân vì tự do và công lý còn được thể hiện trên diễn đàn của các nhà lập pháp đang tranh đấu và bênh vực cho những nhân quyền và dân quyền khắp nơi, từ diễn đàn thành phố, tiểu bang đến liên bang – họ là những chiến sĩ nhân quyền vô danh mang những trái tim qủa cảm và chan hòa yêu thương, giống như mọi người thiện tâm, thiện nguyện – tất cả chỉ biết cho đi và không mong nhận lại: Dù chỉ là hai chữ Cám ơn – Thanksgiving.


Đi từ các sinh hoạt thiện nguyện chứa chan tình người trong các trại tỵ nạn để nhớ đến hai chữ tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi cuộc đời này. Rồi đọc trên các truyện ngắn hay trên các diễn đàn ngôn luận, người ta thấy thật bồi hồi xúc động khi đọc được những dòng chữ cám ơn của các cựu tù nhân Việt Nam, viết để nhớ đến các đấng bậc sinh thành, cám ơn người anh, cám ơn người chị gái, người em gái đã cưu mang nuôi dưỡng đàn cháu thơ dại khi cả cha lẫn mẹ bị bắt tập trung trong các trại tù Cộng sản sau ngày ba mươi tháng tư năm 1975, viết để tưởng nhớ đến người mẹ hiền, tóc bạc xương mai, đã cong lưng, oằn vai gánh những lon gạo, những bao khoai, gói bột, vượt núi băng rừng đi thăm nuôi người con sa cơ thất thế.

Đã có  nhiều câu truyện vê sự hy sinh bản thân của người phụ nữ Việt Nam dành cho chồng con - một tấm gương tuyệt vời của tình thủy chung. Lòng can đảm vượt qua mọi thử thách, vượt qua mọi đe dọa, băng rừng vượt núi để đem tình yêu, đem sức sống cho người chồng trong những năm tháng tù đày nơi rừng thiêng nước độc.

 

Mùa lễ Hội Thanksgiving năm nay đang về. Trong lúc mọi người từ muôn phương đang sửa sọan về lại mái nhà xưa để sum họp với các lễ hội cuối năm, thì tại tiểu bang California vẫn chưa hồi phục và hàn gắn được nỗi đau thương của trận cháy khủng khiếp vùng Sonoma county. Nỗi đau chưa lành, oan khiên chưa dứt, thì thị trấn Paradise thuộc Butte County và các county Ventura, Santa Barbara và Riverside lại đang gánh chịu thảm cảnh thật kinh hoàng, với hàng ngàn căn nhà bị thiêu hủy cũng như số người tử nạn và mất tích đã lên con số ngàn.

Hình ảnh những nạn nhân thống khổ cùng với những hình ảnh đầy gian khổ và sự can đảm tuyệt đỉnh của những người lính cứu hỏa đang xông pha vào vùng biển lửa để cứu lấy những sinh mạng và sản nghiệp của người dân, đã làm cho mọi người bùi ngùi và xúc động. Đã có hàng trăm người lính chiến, hàng trăm thiện nguyện viên đang ngày ngày đi tìm kiếm những nạn nhân trên những đống tro tàn vào mùa Thanksgiving để một phần nào xoa dịu được những cơn đau, nỗi thống khổ của cư dân Paradise, cũng như của cư dân các county miền Nam California. Tất cả đang đồng hành trong tinh thần biết ơn những người lính cứu hỏa đang quên mình, tạm xa cách vợ con trong những ngày lễ hội, để lao mình trong những biển lửa mênh mông, với ước mong dập tắt được biển lửa, cứu người cứu đời.

Ngọn lửa oan khiên cuối năm đã khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại trong mọi hoàn cảnh vui buồn, cũng như nhắc nhớ tới và biết ơn những người đang ngày ngày chấp nhận mọi gian nguy bản thân để cứu giúp đồng loại. Nghe những lời kêu gọi của Hồng thập tự Hoa Kỳ, nghe những báo cáo từ các tổ chức thiện nguyện và những hình ảnh trên truyền hình và báo chí – tất cả, đã làm cho mọi người xúc động và dấn thân tham gia bằng mọi phương diện.

Thu đi Đông về và biển lửa mênh mông vẫn đang hoành hành. Nhưng tình người như ấm lại khi thấy mọi người đang góp một bàn tay, một chia sẻ tài lực để an ủi các gia đình nạn nhân, tất cả mọi hành động, mọi đóng góp đều tượng trưng cho những lời nói ân tình xoa dịu nỗi thương đau, cũng như chân tình cám ơn những người chiến sĩ cứu hỏa anh hùng nhân mùa lễ tạ ơn đầy gian khổ nhưng chan chứa tâm tình tạ ơn.

Mùa Thanksgiving – mùa tạ ơn: Tạ ơn Thượng đế đã cho người dân Cali có các anh: Những người chiến sĩ cứu hỏa quên mình trong phục vụ tha nhân. Tạ ơn Người tạ ơn Đời: Trong vui buồn sướng khổ mọi người vẫn còn nhớ tới nhau, phục vụ nhau và cám ơn nhau trên mọi lãnh vực của cuộc đời.

 
Chu Kim Long

Ý kiến bạn đọc
20/11/201819:12:49
Khách
thank you-you welcome-how are you-fine thank you-you welcome-sorry-thank you-you welcome-no-sorry-thank you very much-no-no-you welcome-no sorry-thanks so much-no problem-you welcome......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,860,773
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Nhạc sĩ Cung Tiến