Hôm nay,  

Khởi Nghiệp Trên Đất Mỹ

16/11/201800:00:00(Xem: 13618)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5548-20-31355-vb5111518

 
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.  Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.

 
viet ve nuoc My
Vợ chồng tác giả thời mở quán cà phê bi da.

 
***
 

Gia đình tôi trải qua 10 tháng trong các trại tị nạn, ở đâu cũng ráng mở một quán buôn bán mấy đồ lặt vặt và nước ngọt, không làm giàu nhưng lúc nào cũng có "đồng ra, đồng vào". Thỉnh thoảng anh chị em hoặc bạn bè vẫn gửi cho chút đỉnh nữa, nên khi xách va li lên máy bay đi định cư trong túi cũng có được đúng 50 đô la.

Chúng tôi đến Mỹ vào ngày 12/09/1981. Ra đón tại phi trường Seattle có cô em gái và người bảo trợ của em, bà Margie. Tôi sẽ kể về tấm lòng thật tử tế của ông bà bảo trợ khi có dịp.

Vào mùa Thu ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều se lạnh khác hẳn với độ nóng hừng hực của các nước vùng Đông nam Châu Á, đặc biệt nước Philippines nơi chúng tôi vừa rời khỏi, sau khi đã được phái đoàn Mỹ chấp thuận (approved) ở Thailand và đưa qua trại chuyển tiếp bên đó để học thêm tiếng Anh và văn hóa mới của Hoa Kỳ.

Hôm bà bảo trợ dẫn chúng tôi đi làm thẻ vàng ở chỗ tìm việc làm, vừa điền đơn xin việc thì bác cán sự (nhà thơ TTH) hỏi tôi:

- Cậu thích làm gì?

- Cháu cũng không biết, nhưng nếu được thì xin bác tìm cho cháu chỗ nào đứng tính tiền bán hàng (cashier).

- Bán hàng? Người đứng bán hàng thì phải miệng bằng tay, tay bằng miệng chứ... tướng tá cậu như vậy thì làm sao mà bán hàng được!

Chúng tôi ra về mà lòng ngao ngán.

Rồi sáng sáng vẫn đi bộ ra đầu đường đón xe bus lên downtown học tiếng Anh, mỗi ngày vài giờ do cô giáo trong khu nhà thờ Tin Lành dậy miễn phí. Trường này do những nhà hảo tâm tổ chức, họ rất có lòng nhưng không chuyên nghiệp nên việc học tiếng Anh tiến bộ rất chậm chạp.

Sau giờ học thì về nhà học bài. Nhiệm vụ của chúng tôi khi ở nhà ông bà bảo trợ ngoài việc dọn dẹp nhà của, làm vệ sinh khu mình ăn ở, thì cứ cách một ngày phải nấu một bữa ăn tối cho cả nhà. Hồi ấy đâu có biết người Mỹ họ thích ăn cái gì? Tìm thông tin cũng đâu đã có gu-gồ gu-giếc dễ dàng như bây giờ!

Tôi ra tiệm Saigon Book Store mua cuốn sách dạy nấu ăn của bà Quốc Việt rồi dò dẫm theo đó mà làm. Chắc chắn đồ ăn không được ngon vì nhiều lý do: Đồ cung cấp chưa đúng, nêm nếm chưa chính xác, tay nghề chả ra cái gì, nhưng gia đình họ cũng cố gắng ăn, và hầu như bữa nào cũng khen. Mình chỉ biết họ không vừa miệng khi đồ ăn thừa còn lại nhiều. Điều an ủi là ông bà vẫn khuyến khích và hướng dẫn chỉ bảo tận tình, nhất là chỉ cho những chợ mua được thịt, cá, rau tươi...

Cuối tháng 10 thì bà Magie cho hay đã kiếm được căn nhà trên phố có 2 phòng ngủ giá 300 đô một tháng và hẹn chủ chung cư ngày giờ viếng thăm. Thấy căn chung cư sạch sẽ lại tiện đường đi lối về, đi đó đi đây, nhất là gần trường học Central Community College nơi chúng tôi đã ghi danh nên tôi gật đầu.

Tiền trợ cấp xã hội chúng tôi được mỗi tháng 452.00 cộng với 157.00 phiếu thực phẩm. Kể ra nếu tiết kiệm thì cùng tạm đủ vì bịnh hoạn thì đã có chính phủ lo cho, phiếu thực phẩm đã trả tiền đồ ăn.

Tôi ghi danh và thi đậu vào học chương trình CETA nên mỗi tuần nhận thêm được 50.00 trợ cấp. Nhà ở cách trường học nếu đi bộ theo đường tắt thì chừng 1.5 mile, nên để tiết kiệm chúng tôi thường đi bộ. Chỉ cuối tuần khi phải đi mua sắm đồ ăn thức uống, tã lót cho con mới lội xuống phố rồi leo xe bus đến chợ.

Seattle ngày ấy ngó bộ cũng nghèo nàn. Ngay downtown mà còn nhiều căn phố bị bỏ trống, trên đường 12th có căn để lâu quá không được dùng nên đã bị mục nát.. Đi qua đi lại nhiều lần tôi nhìn, ngắm nghía những căn phố ấy rồi ước ao: Mình mà có cái building này thì sẽ...thì sẽ làm việc nọ, việc kia ... và nghĩ sẽ kiếm được khối tiền.

Tiền đâu chưa thấy mà mẹ cháu lại sắp sanh em bé nữa, bụng càng ngày càng to và đi đứng càng ngày càng nặng nhọc nên nàng đành thôi học. Phần tôi có chỗ kia dán giấy ngoài cửa sổ kiếm người làm, lương 3.00/giờ trả bằng tiền mặt. Tôi gọi hỏi người bảo trợ thì họ khuyên không nên, hãy cố mà học để có lấy cái nghề rồi hãy kiếm việc làm thì tốt hơn.

Nhà tôi sinh cháu An vào đầu tháng sáu. Tôi cũng hoàn tất chương trình tiếng Anh và thi đậu vào ngành tiện. Cũng định rằng học xong chương trình 2 năm (6 quaters) rồi kiếm việc làm, có đồng ra đồng vào ổn định được đời sống rồi mới tính toán tiếp.

Ở Seattle năm đó các hoạt động thương mại của người Á Châu nói chung và người Việt Nam còn thưa thớt, lèo tèo lắm. Ngã tư đường 12 và đường Jackson do anh em ông Tâm, Đức, Trí hùng cứ. Mà cũng chỉ có ngôi chợ Saigon, một tiệm sách và trên lầu đặt 4 bàn bi-da cho bà con giải trí. Ngôi chợ rộng chừng hơn ngàn ft vuông, sau này là tiệm bánh mì Saigon.

Buổi chiều những ngày rảnh rỗi sau khi học hành làm bài home work xong. Mấy anh em tôi hay đi bộ ra đây thụt bi da. Quan sát các sinh hoạt trong khu vực và sự bận rộn của anh em ông Tâm tôi ngưỡng mộ lắm. Họ cũng chỉ sang định cư nơi đây trước tôi mấy năm thôi. Thế mà anh em biết chung tay hợp tác, mỗi người mỗi việc, tạo lập được một chỗ đứng ngay khu đắc địa này, bây giờ lại mới mở thêm tiệm ăn tên Cook Book trên khu trung tâm phố, nghe nói rất đông khách.

Biết nhu cầu của mình, hoàn cảnh của gia đình nên tôi cố gắng hoàn tất việc học càng nhanh càng tốt. Học tiện thì sau khi học phần lý thuyết trong lớp xong phải xuống thực hành ở phòng lab, làm các project mà các chương trình học đã đề ra, các project này được hoàn thành và chấm điểm. Khi passed thì qua cái kế tiếp, ai chưa pass thì phải làm lại đến bao giờ pass thì thôi.

Về thời gian tôi mới học xong 3 khoá nhưng đã hoàn tất phần lý thuyết và thực hành xong chương trình khóa 4. Hy vọng xong sớm sẽ có thời gian học thêm về điện toán để áp dụng cho chương trình máy CNC thì khi đi làm đồng lương sẽ cao hơn.

Tháng 2 năm 1983 thì chương trình trợ cấp của chính phủ cho gia đình tôi chấm dứt.  Tiền đâu mà đi học tiếp? Đành "túng thì phải tính" thôi!

Ngó qua ngó lại vốn liếng chẳng bao nhiêu nên tôi tính mở bàn bi da và quán cà phê xem sao.

Đi chợ Safe Way trên đường Empire (bây giờ là đường M-L-King) thấy có chỗ cho mướn. Tôi gọi hỏi thì người đại diện (real estate agent) đòi bản báo cáo tín dụng (credit report). Tôi đưa hết thông tin cá nhân cho họ, vài ngày sau họ gọi bảo tôi không có tín dụng nên không cho mướn. Nếu muốn mướn thì cần người có tín dụng cao bảo lãnh. Tôi trình bày việc này với ông bà bảo trợ, họ đồng ý ký giấy bảo lãnh...

Lúc ấy nhờ có tiền trợ cấp học CETA và tiết kiệm (phải nói là hà tiện) gần một năm rưỡi vừa qua, tôi để dành được gần 2 ngàn. Một người bạn ở Portland đồng ý bỏ vốn 3 ngàn để làm người chung vốn ngầm (silent partner), cũng chưa đủ đâu vào đâu! Tôi ngồi biên thư cho bạn bè khắp nơi, đặc biệt những người từng đi trên những chuyến tàu do tôi tổ chức. Thú thực tôi cũng không dám hy vọng nhiều, vì hoàn cảnh của những người này cũng giống tôi, qua đây chưa được bao lâu, vẫn còn đi học thì đâu có vốn liếng gì nhiều. Vậy mà nhờ Trời và lòng thương mến của các bạn mà tôi có thêm được hơn 5 ngàn nữa. Rất nhiều người kẻ một hai trăm, người nhiều nhất là 700... Một số trong các bạn ấy cho đến hôm nay tôi vẫn chưa trả lại được, vì sau này khi kiếm được tiền thì thất lạc địa chỉ không còn gặp lại họ nữa. Dù đã có cơ hội hoàn lại những số tiền này hoặc chưa, tôi luôn biết ơn và trân trọng những ân tình mà các bạn đã dành cho trong những ngày khó khăn ấy. Thí dụ Nguyễn Phát Vinh cùng với Sáu Hậu là thợ máy nhập trại SongKhla tháng 10/ 80, hồi mới đến Mỹ định cư ở Atlanta, Georgia. Xin nhắn Vinh có đọc được bài viết này thì làm ơn liên lạc với tôi.

Tiền mướn chỗ để mở bàn bi da là 1,000/tháng mà ngay lúc ký hợp đồng mình phải trả tháng đầu, tháng cuối. Tôi đi Portland đặt 4 cái bàn bida hết 6 ngàn. Người bạn học chung lớp giúp làm bảng hiệu lấy tên là Bi Da Thái Bình Dương, chữ được sơn trên tấm bảng nhỏ bằng mi ca màu trắng đục treo trước cửa. Tiệm không cần phải sửa chữa nhiều nên chỉ sau 10 ngày ký hợp đồng thuê chỗ là chúng tôi mở cửa.

Tôi cũng không hiểu tại sao mà hồi ấy chính quyền thành phố Seattle cấp giấy phép cho tôi được mở cửa làm ăn. Vì thiếu thốn mọi phương tiện để làm việc như: phần bếp làm cà phê đâu có hood hay sink để rửa chén. Chúng tôi dùng nồi nấu cơm để nấu nước nóng. Dùng nhiều cái sô i-nốc vào bathroom lấy nước ra để rửa máy xay sinh tố, ly, phin cà phê.... Xong thì lén lúc vắng khách lại xách vào bathroom đổ.

Phòng cà phê có sẵn, cũng đặt được 6 cái bàn mỗi bàn 4 ghế. Tiền giờ chúng tôi thu 2.40/g cho mỗi bàn. Nếu có khách đầy đủ cho 4 bàn, cộng với tiền bán cà phê, sinh tố, bánh mì, thuốc lá...nữa, mỗi ngày kiếm được vài trăm thì sống được.

Ấy là dự tính như vậy, nhưng thực tế xảy ra đâu có giống! Buổi trưa thường vắng khách vì họ bận đi làm, chiều tối và cuối tuần mới đông khách nên vợ chồng thường phải thức khuya. Bảng đề 10 giờ đóng cửa nhưng khách hàng là những người bạn trẻ đâu chịu ra về, mà mình cũng trẻ nữa nên cùng thức với khách, chơi với khách... Cuối tuần thì thâu đêm suốt sáng.

Buổi sáng mỗi ngày vợ chồng tay xách, nách mang cùng với hai đứa con (8 tháng với 2 tuổi) xuống tiệm. Chồng lo dọn dẹp vệ sinh, hút bụi bàn... còn vợ thì kiểm soát hàng hoá rồi trèo xe bus đi mua đồ. Buổi chiều hai chị em cháu bé mỗi đứa nằm trong một cái hộc tủ, cũng là chỗ đứng tính tiền mua ở Good Will, mẹ các cháu đã làm ổ sẵn để các cháu nằm vào vừa bú vừa ngủ trong khi ba má phải làm việc.

Cái khó khăn nhất là đối với khách hàng. Có một số em sang đây tuổi còn rất trẻ mà không có gia đình, bầu bạn từng nhóm sống chung với nhau, được chỉ vẽ bởi vài anh lớn hơn. Tiền kiếm được ít nhưng muốn thụ hưởng nhiều, thường đến bàn bi da chơi, ăn uống rồi "ký sổ". Mỗi em đứng nhận lãnh cái bill và ký sổ một lần, hết một lượt thì lập lại!

Thời gian đầu chúng tôi cũng ừ, à cho qua chuyện, nhưng càng ngày chuyện ấy càng tệ hại hơn, ngày nào cũng bị thiếu thì  đâu còn vốn mà làm ăn. Có lần nhà tôi liều mạng ra đứng chặn ngay đầu xe không cho dời đi trong lúc tôi gọi 911 cho cảnh sát đến. Ngặt nỗi đây chỉ là những chuyện vặt, nên dù cảnh sát có bắt các cậu vào tù thì cũng có người bảo lãnh ra, hoặc vài hôm cũng được thả, chớ nhà tù chỗ đâu mà chứa hết! Sau khi đuợc thả ra thì "vũ như cẩn" và rồi, ngày càng trầm trọng hơn, nhiều màn đập phá, hăm dọa và cả nổ súng nữa.

 

Chỗ vui chơi thì có đông người, mà đông người trẻ tuổi nữa thì thường hay có chuyện nọ chuyện kia cãi vã rồi đánh...lộn (hay trúng). Hầu hết là cùng người Việt với nhau, nhưng thỉnh thoảng cũng có đụng độ giữa nhóm trẻ Việt với những nhóm khác.

Một bữa không biết các cậu gây nhau ở đâu và hồi nào, khoảng 8-9 giờ tối thì một đám Samoan toàn những tên to béo kéo đến tiệm, chúng la hét rồi đập phá lung tung. Khi cảnh sát đến nơi thì chúng đã chạy biến đâu hết. Cảnh sát chụp hình làm báo cáo rồi kêu chúng tôi dọn dẹp những đổ vỡ.

Hôm sau nhóm cảnh sát điều tra đến và cầm theo một cuốn album có rất nhiều hình, kêu chúng tôi điểm mặt xem có tên nào phá hoại hôm qua ở đây không. Chỉ mấy phút sau chúng tôi điểm mặt là cánh sát bỏ đi, vài giờ sau họ đã còng tay những tên phá hoại mang lại tiệm và chúng ký tên nhận tội. Dù sau đó chúng vào tù và cảnh sát hứa hẹn rằng: Sẽ truy tố và bắt buộc chúng phải bồi thường những tổn thất, thiệt hại của tiệm, nhưng chả bao giờ thấy.

Rồi thời gian trôi đi. Tuy không khá giả nhưng chúng tôi cũng kiếm sống được qua ngày.

Chú em tôi cùng với nhóm bạn đang làm việc ở Dallas Texas, cho một cơ sở gọi là Animal Plant. Công việc bắt đầu bằng cách hàn các khuôn giây sắt lại thành hình thù các con vật như: Nai, voi, chó, mèo, gà, vịt... Sau đó dùng moss là một loại rong đã phơi khô, cuốn vào các khuôn đó bằng giây cước, khi hoàn thành thì trồng cây ivy vào rồi tưới nước cho chúng. Ngày qua ngày những cây Ivy đâm rễ phát triển thành giây leo chung quanh hình thù các con vật mà mình dự tính làm. Hồi ấy ở Dallas công việc làm ăn này rất thịnh hành.

Tiệm của chúng tôi còn dư một phòng, các chú ấy muốn đem công việc làm ăn này về phát triển tại Seattle. Việc đầu tiên là tìm nguồn vật liệu: rong (moss) và cây Ivy. Hồi ấy các thông tin về thương mại thường tìm trên cuốn phone book màu vàng, nhưng chỉ ở địa phương thôi. Các thông tin khác phải đến thư viện thành phố mò mẫm, tìm tòi... Khi biết chỗ sản xuất rồi đâu có số điện thoại, lại phải gọi số tổng đài chuyên về thông tin: 1+ số vùng+ 555-1212 mới tìm được số phôn mà mình muốn. Kể là kỳ công nhưng rồi cũng tìm mua được mọi thứ: Moss mua từ Wisconsion, cây Ivy từ San Francisco...Nhưng họ không bán lẻ, mỗi lần đặt hàng phải từ 3-5 pallets...

Các chú ấy lo khâu sản xuất còn tôi chở đi chào hàng ở các tiệm hoa (Flower Shop). Đây là một loại hàng mới trông đẹp đẽ dễ thương nhưng sợ không bán được nên rất nhiều tiệm ngại ngùng không dám đặt mua. Họ chỉ nhận bằng cách ký gửi và thanh toán sau khi đã bán được (consignment). Chúng tôi có gắng duy trì công việc này được 1 năm thi ngừng hẳn, vì không đủ sở hụi và lợi tức để kéo dài.

Căn nhà chúng tôi mướn là một phần của một tòa nhà lớn, lúc ấy được bán lại cho người chủ mới, phần còn lại của tòa nhà được người này dùng làm nhà thờ cho một họ đạo Tin Lành. Từ chiều thứ Sáu đến hết ngày Chúa Nhật khi chúng tôi đông khách thì bên họ cũng có các sinh hoạt về tôn giáo rất bận rộn. Ngoài việc đụng chạm về thiếu chỗ đậu xe, tiếng ồn ào của nơi vui chơi giải trí rất không phù hợp với các hoạt động tôn giáo đòi hỏi sự nghiêm trang lặng lẽ... Cả hai, đặc biệt phía chủ nhà muốn chúng tôi dời đi.

Buồn ngủ thì gặp chiếu manh! Khu phố trước mặt Safe Way gần đó gồm 7-8 căn, mà căn lớn nhất treo bảng cho mướn với giá $520.00/tháng, tính ra chỉ có phần nửa giá mướn của chỗ cũ, mà căn mới này lại thông thoáng, vuông vắn và rộng rãi hơn. Thật là tiện lợi nếu di chuyển về chỗ mới, nhưng sẽ tốn phí rất nhiều trong khi gần 2 năm qua chúng tôi đâu có để dành được bao nhiêu. Tôi ngỏ ý mời người bạn từ xa về cộng tác làm ăn. Anh chị đồng ý và công việc di dời được bắt đầu.

Cũng sơn phết, lót nền mới... Bây giờ thì cái bếp mới toanh có giấy phép đàng hoàng, nơi nấu nướng đúng tiêu chuẩn, phòng ăn để bán phở, lại có thêm một kệ sách lớn mấy ngàn cuốn cho mướn, tủ kiếng bán băng nhạc và cho thuê phim... Nguồn thu chính vẫn là 7 bàn bida và phục vụ giải khát. Ít lâu sau phòng ăn để bán phở coi bộ không phù hợp nên chúng tôi loại bỏ và đặt thêm 2 bàn bi da vào chỗ đó để có 9 bàn. Bây giờ giá mướn bàn đã lên được 3.00/giờ. Rất đông khách. Nhìn vào căn tiệm có vẻ bề thế, chuyên nghiệp chứ không lôi thôi như tiệm cũ hồi mới bắt đầu. Ngày ngày hai cặp vợ chồng (trẻ) chia nhau ra chăm sóc tiệm, có giờ rảnh rỗi tôi còn luyện thêm cách cầm cơ để lâu lâu so tài cao thấp với khách hàng. Những chiều cuối tuần có mấy người khách cũng là bạn bè thường hay họp lại đánh cờ tướng, domino ... Ngó bộ cũng an vui.

Việc mấy chú em quậy phá vẫn còn đó, mỗi ngày mỗi tệ hại hơn. Có lần nguyên băng kéo đến cứ 2 người lấy một bàn trải dài ra hết 9 bàn, làm cho những khách hàng bình thường đến muốn chơi nhưng không có bàn, đứng ngó một chút rồi phải bỏ đi. Khi xong xuôi họ quăng cơ và để nguyên bi trên bàn, cũng chẳng thèm nói một lời rồi kéo nhau đi. Chuyện cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Có lần chúng cũng đến đông như vậy và vào cuộc chơi, lại đem theo mấy thùng bia vào công khai chia nhau uống. Tôi gọi nhóm detective chuyên về băng nhóm tội phạm, nhóm này đã đến chỗ chúng tôi nhiều lần, họ yêu cầu chúng tôi gọi ngay cho họ mỗi khi cần giúp đỡ. Chúng tôi ngại ngùng không gọi vì 2 lẽ:

- Mình không muốn họ nghĩ xấu về người Việt, đến quê hương mới có được mọi điều kiện thoải mái mà không lo học hành, làm ăn! Cứ lo tụ tập quậy phá. Xin nói thêm là không chỉ có tiệm chúng tôi mà một số cơ sở làm ăn khác cũng bị tình trạng bất ổn này.

- Chúng tôi ở ngoài ánh sáng còn họ trong bóng tối, tuổi trẻ hăng say nhưng liều lĩnh, hành động ngoài kiểm soát, e bất lợi cho chúng tôi nên cố nhẫn nhịn.

Nhưng hôm nay thì hiểm nguy quá! Say sưa rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nên đành phải gọi báo cáo. Nhóm Cảnh sát cho biết: Họ sẽ đậu xe chờ bên ngoài. Nếu mọi chuyện yên ổn thì chúng tôi tự nhiên ra về, bằng không thì chớp đèn tiệm làm hiệu, họ sẽ can thiệp ngay.

Y như rằng. Chơi và kêu đồ ăn uống chán, một người lại kêu ghi sổ, chúng tôi không đồng ý họ vẫn bỏ đi. Chúng tôi vừa chớp đèn tiệm là xe cảnh sát quay đèn, vài phút sau thì mấy xe cảnh sát nữa kéo đến còng tay và bắt cả bọn trở vào tiệm chúng tôi.

Dù bị còng tay chúng vẫn lên tiếng đe dọa bằng tiếng Việt, rằng: Tụi tao sẽ trở lại và cho tụi bây biết. Thủ tục giấy tờ do cảnh sát điền và yêu cầu chúng tôi ký vào rồi họ giải nhóm người trẻ tuổi đó đi.

Chiều 12-12-1985 họ đến và lại đem theo bia vào trong lúc hai bà coi tiệm. Nhà tôi gọi hai người đàn ông ra thay ca. Tôi cương quyết không cho họ uống bia vì không có giấy phép bán bia. Chuyện bất hòa xảy ra, họ đập phá tủ, bàn bi da, dùng trái bi chọi vào cửa sổ kiếng 2 mặt tiền và hậu của tiệm.

Một tên ngó bộ đã qúa chén, tay cầm búa đóng đinh đến, tôi hãi quá chạy quanh bàn bi da còn hắn thì rượt đuổi, cũng may hắn say quá nên không rượt kịp. Chắc vì giận không đuổi kịp tôi nên hắn cầm búa đập xuống mặt bàn làm bằng xi măng lủng một lỗ bằng cái chén. Thấy nguy quá, bạn tôi lấy cây súng Shotgun ra bắn một viên chỉ thiên lên tường đuổi chúng ra. Xong chưa kịp khóa cửa thì hai tên say quay trở lại và nhảy vào dành giật cây súng với bạn tôi, trong lúc tôi đứng kêu 911 bằng phôn trong bếp vì phôn ngoài đã bị phá hỏng. Hai bên đang dành giật như vậy thì súng bị cướp cò và nổ trúng một tên cùng bọn.

Chuyện kể lại thì chậm rãi chứ lúc xảy ra rất dồn dập, nhanh chóng, người trong cuộc như chúng tôi rất hoang mang, hoảng loạn mà không phản ứng kịp. Khi cảnh sát kéo đến thì khung cảnh trông rất tiêu điều, khủng khiếp: Bàn ghế ngả đổ, các cửa sổ, cửa ra vào bằng thủy tinh, dàn tủ chứa băng nhạc đã vỡ tan tác, rơi vãi đầy nền nhà. Thằng bé bị trúng đạn nằm trên nền nhà được xe cứu thương chở đi. Nhóm detective đến sau, nhìn cảnh tượng trong tiệm rồi lắc đầu nói với tôi:

- Chúng tôi biết chuyện như thế này sẽ xảy ra, nếu không ở đây cũng sẽ xảy ra ở chỗ khác. Biết vậy mà không làm sao tránh được. Dù thế nào chúng tôi cũng chia sẻ sự đổ vỡ mất mát của các bạn.

Rồi hỏi tôi:

- Có thể giúp gì cho các bạn lúc này?

Tôi lo lắng cho nhà tôi và hai cháu đang ở khu chung cư ngoài mặt đường gần tiệm mà khách hàng ai cũng biết, có thể bị trả thù nên yêu cầu một xe cảnh sát đến nhà tôi ngay để đưa mẹ con cháu sang nhà bạn ở tạm.

Sau biến cố ấy, gia đình bạn tôi cũng dời khỏi Seattle. Tiệm phải đóng cửa mấy ngày để sửa sang lại những đổ vỡ vật chất. Nhưng sự mất mát của tình người thì không thể hàn gắn được. Hai cháu bé con tôi được bà bảo trợ đưa về nuôi trong những ngày chờ tiệm được sửa chữa lại.

Cảnh sát đến đặt một máy báo động đặc biệt trong tiệm và giao cho tôi cái remode bằng cỡ bao thuốc lá, dặn rằng: Hãy luôn luôn để trong túi, khi nào cần thì bấm nút, tất cả các xe cảnh sát trong vòng 2 dặm sẽ chạy đến ngay... Mà đồn cảnh sát nằm trên đường Othelo cách tiệm đâu có xa. Dù vậy tôi vẫn phải đề phòng, gắn hệ thống an ninh để phòng thân. Thiết kế một cái giường 2 tầng ngay trong nhà kho của tiệm. Vợ chồng con cái nằm ngủ ở đó, chuyện tắm rửa thì mỗi ngày phải thay nhau xuống nhà cô nó dùng đỡ. Ít lâu sau căn kế bên được bỏ trống. Tôi mướn luôn, đục tường làm cửa xuyên qua, xây phòng ngủ nhà tắm ở phía sau, phía trước thì mở thêm tiệm bán hàng hoá để gửi về Việt Nam.

Tôi ít đi ra ngoài, đặc biệt là những chỗ đông người, nơi vui chơi, giải trí của người Việt. Việc mua sắm đồ cung cấp về bán hàng ngày thì mẹ cháu nay đã có bằng lái xe, khi cần thì tự lái xe đi shop.

Thỉnh thoảng cũng có súng nổ và đạn xuyên qua cửa sổ mặt tiền ngoài đường lớn vào ban đêm lúc vắng người, nên chỉ bể kiếng chứ không có các tổn thất khác. Một hôm nhóm bạn tôi đang ngồi đánh cờ domino thì Toàn (một trong nhóm quậy phá) mở của sau chạy vào chộp ba trái bi chọi ra phiá trước rồi tiến tới chỗ đánh domino kiếm chuyện. Tôi vội bấm nút máy báo động, hắn chưa kịp bước ra thì nhiều xe cảnh sát hú còi bao vây cả hai phía của tiệm. Bốn năm ông tay súng lăm lăm bước vào bắt Toàn nằm xuống còng tay rồi dẫn đi.

Lần khác có người gọi vào số phôn của tiệm đòi tiền. Tôi hỏi:

- Bạn là ai?

- Không cần biết tao là ai. Mày không giao tiền thì hết đường làm ăn.

- Giao bao nhiêu?

- Năm trăm.

- Ở đâu?

- Sau chợ Safe Way. (Cách tiệm tôi chừng vài trăm mét).

- Tôi không ra ngoài. Muốn thì hẹn giờ rồi đến tiệm mà lấy. Xong cúp phôn.

Không thấy hắn gọi lại và cũng chẳng thấy đến gặp mặt bao giờ. Thỉnh thoảng cũng có người gọi phôn đến chửi bới tục tĩu, hoặc đe dọa này nọ... Nhà tôi cũng lo lắng lắm nhưng biết làm sao! Mình lỡ lập nghiệp bằng con đường này rồi, đành phải đeo đuổi.

Xin hẹn trong một kỳ tới, sẽ kể chuyện khởi nghiệp thứ hai: Làm Shop May Công Nghiệp.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
28/02/202303:45:27
Khách
Đọc xong bài Khởi Nghiệp Trên Nước Mỹ, tôi biết nói gì hơn là cảm ơn tác giả, thông cảm và chia sẻ tâm tư của mình cùng tác giả. Sau 7 năm tù cải tạo một thời ở U Minh với một số anh em Kênh 5 như Đinh Viết Ruốt, Đinh Viết Tơn... tới năm 1982 tôi được ra tù và dẫn gia đình đi vượt biên tới Thái Lan, sau hai năm trại tỵ nạn đóng cửa thì gia đình tôi được chuyển qua Galang II Indonesia rồi vào định cư ở Everett, tiểu bang Washington cho tới nay. Tôi thì ham hoc và trở lại theo chương trình đại học và cao học Hoa Kỳ hàng chục năm trường, vì đi học tôi cũng chấp nhận làm Bạch Diện Thư Sinh và vùi đầu vào sách vở. Nhưng cũng may mắn cho tôi là tôi được gặp một ông thày cũng là Pilot và học chung trường Sheppard AFB, Texas cho nên ông đã giúp đỡ tôi và giới thiệu tôi vào làm việc đọc sách báo tài liệu trong thư viện của trường đại học nơi đây. Bởi thế chúng ta bền chí thì sẽ thành công. Một lần nữa xin cám ơn tác giả Hồ Nguyễn và gặp anh trên Facebook nhé.
17/11/201821:25:25
Khách
”Vạn sự khởi đầu lắm gian nan ", đoc mà thấy ngao ngán cho cuộc đời của tác giả khi mới tới Mỹ.

Thuở còn đi học, đã có một thời gian tôi làm việc trong khu giải trí, coi phòng bi da. Vì khách hàng đều là sinh viên nên tôi đã không gặp cảnh " cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng " bị bọn trẻ tới khuấy phá như tác giả. Để công bằng, các người bạn người Việt cũng bị tôi đòi trả tiền sòng phẳng. Gần hết giờ, tôi lên tiếng báo cho mọi người chơi biết. Và thường thì tôi chỉ cho họ chơi thêm nửa tiếng miễn phí nếu cuộc so tài của họ chưa đến hồi kết thúc.

Một bài viết hay !
17/11/201818:34:44
Khách
Năm xưa khi còn ở Houston, tôi nghe rất nhiều băng đảng VN quậy phá và cướp bóc. Tôi lên Tulsa ở hơn 12 năm nay, không nghe tới chuyện băng đảng VN nữa. Hình như ở Houston hay Dallas cũng ít đi nhiều rồi. Không biết có đúng không? Nếu đúng thì mừng cho không những cộng đồng VN mà cho cả nước Mỹ nữa.
Được may mắn qua tới bên đây không biết lo học hành cho tương lai mà còn đi quậy phá. Nên hốt hết bọn chúng trả về VN cho việt cộng trị là chừa ngay. Những thứ này không đáng được qua đây.
16/11/201823:19:14
Khách
Tại sao? Thật hết nói!!

Xin chia sẻ nổi khó khăn mà tác giả và gia đình gặp phải lúc ban đầu ở HK.
16/11/201817:51:07
Khách
Băng đảng Việt Nam vào thời đó là ác mộng cho những cơ sở làm ăn người Việt. Không chỉ ở Seatle mà những nơi nào có người Việt như California, Houston, Philadelphia, Atlanta...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến