Hôm nay,  

Ly Hương

03/11/201800:00:00(Xem: 10411)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5537-20-31344-vb7110318

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017,  tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài,  cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles,  thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.

 
  ***
 

“Có ba Việt kiều Mỹ sướng thiệt!" Bạn bè Vy vẫn hay xuýt xoa mỗi khi Vy chia quà bánh của ba cho chúng.

Mỗi lần ba về từ Mỹ, Vy nôn nao  ra sân bay đón ba, cùng ngồi taxi   về khách sạn, mở cái va li mà ba nói "quà của con trong đó", tíu tít soạn ra những món đồ thơm thơm từ nước Mỹ xa xôi.

Sân bay Sài Gòn ngày nắng cũng như mưa, lúc nào cũng tấp nập những buồn vui chia tay sum họp, những khoảnh khắc nghẹn ngào của bao thân phận ly hương. Ba hay về giờ trưa, Vy một mình  lọt thỏm giữa biển người chen chúc bên ngoài cửa ra, mồ hôi ướt áo, cố kiễng cao chân để nhìn cho rõ mặt từng người, cứ sợ ba ra rồi mà Vy không thấy. Xung quanh Vy là những gương mặt hồi hộp vì chờ đợi gặp lại người thân. Có những bà, những chị bồng bế dắt díu theo cả em bé còn ẵm ngửa. Ngày đó Vy hay thắc mắc sao người mình "ham vui" dữ, chỉ một người về là cả xóm cả làng nội ngoại gần xa "bao xe" đi đón.

Rồi trải qua bao nhiều thăng trầm, Vy mới hiểu được rằng, cuộc sống với cơ hội đổi đời mong manh làm cho những người từ bao vùng quê xa như bị bỏ quên. Được đi xe "du lịch" lên Sài Gòn, được vào sân bay trầm trồ ngắm nhìn những người trắng trẻo, sang trọng, thơm tho về  từ những phương trời xa thật sự là niềm vui của họ. So với nhiều người Việt Nam thời điểm ấy, việc cha con Vy đưa đón nhau ở sân bay mỗi năm vài bận là cả một niềm ước ao, khao khát đổi đời...

Ba Vy "vượt biên" từ ngày Vy còn bé xíu, Vy chỉ biết mặt ba từ những tấm hình cưới trắng đen đã úa màu. Sau năm 75, ba Vy lúc nào cũng muốn ra đi. Nhưng nhà ngoại Vy không cho mẹ con Vy  mạo hiểm vì nghe tin bao người thân quen đã vùi xác dưới đáy biển khơi bởi tàu chìm, bởi hải tặc...  Mỗi khi nghe có người nói "mẹ con nó bị ba nó bỏ", Vy hay ra sức đính chính "không không vì mẹ không đi theo ba". Vy không muốn tin sự thật ba đã có gia đình vợ con mới bên Mỹ, bỏ mẹ và Vy thui thủi sớm chiều.

Như bao nhiêu người con dâu Việt, dù ba đã có gia đình mới, mẹ Vy vẫn đưa Vy ra thăm nội những ngày có giỗ. Nhà nội Vy nằm sâu trong quê, mảnh vườn sau nhà giáp với cửa sông cái mênh mông, nghe kể là nơi tụ  họp lên đường của bao nhiêu chuyến "vượt biên". Có lần Vy  đứng bên bờ nước, dõi mắt nhìn những con tàu  thấp thoáng xa xa, tự hỏi có một phép màu nào sẽ mang ba  về lại bến sông này?

Mỗi lần ra nhà nội, Vy thích một mình tha thẩn dưới giàn bầu trong sân vườn, ngắm những trái bầu dài da căng bóng đong đưa dưới nắng. Vy "ngán" nhất là khoản chào cô, chú, bác. Vy chỉ trông cho mau đến giờ về vì mười lần như một, cũng là những nụ cười gượng gạo, lời chào sáo rỗng, và câu hỏi mà Vy đã thuộc nằm lòng "ba  hỏi thăm Vy đi học có giỏi không?”

Rồi một ngày, cô chú  ghé qua chở Vy ra nhà nội để xem phim của ba  từ Mỹ gửi về. Vy nhớ như in buổi trưa hè hôm ấy, chiếc ti vi to cùng đầu máy lùng nhùng dây điện được đặt  giữa sân vườn, bên cạnh giàn bầu xanh xanh lá reo xào xạc. Nhiều chiếc ghế cao thấp đủ cỡ được kê vòng quanh cho ông nội, cô chú  và cả hàng xóm ghé qua xem, còn lũ trẻ thì ngồi bệt trên tấm đệm.

Vy tò mò và hồi hộp ngóng từng giây khi những âm thanh đầu tiên vang lên từ chiếc ti vi. Vy nghe giọng đàn ông, rồi Vy thấy cảnh ngôi nhà, chiếc xe hơi to màu trắng…cảnh ba đứa bé xinh xắn vui đùa với nhiều món đồ chơi trên bãi cỏ.

Cô chú Vy lao xao “Ba Vy đó, mấy em của Vy kìa… ”. Vy nghe giọng ba hỏi thăm ông nội,  thăm cô chú, hỏi thăm cả những người hàng xóm... Không có lời nào ba hỏi về Vy, như chú Vy hay nói, hỏi Vy đi học có giỏi không?

Vy cố chờ thêm, chờ thêm chút nữa, lúc này gương mặt của ba hiện rõ hơn giữa màn hình,  tròn to khác lạ so với ba trong hình đám cưới với mẹ Vy. Ba cười rạng rỡ, rồi một người đàn bà mặc chiếc áo đầm hoa sặc sỡ tiến tới bên cạnh, choàng tay qua vai ba...  Một bé trai từ ngoài sân chạy  vào, bi bô gọi ba gọi mẹ. Ba nhấc bổng bé lên, hôn đánh chụt, bé thích chí cười tít mắt, ba cũng cười, nói đây là bé út, vừa tròn 2 tuổi...  Bấy giờ màn hình chuyển qua cảnh gian bếp sạch sẽ và ngăn nắp, rồi lại quay trở ra ngoài sân, nơi hai đứa bé con một trai, một gái chạy nhảy bên khóm hoa hồng... Không có thật rồi, tuyệt nhiên không có một lời nào ba nhắc đến Vy...

Hình ảnh trên cái tivi bắt đầu nhoà đi, Vy phải ngước cao mặt cố nhìn lên giàn bầu lung linh nắng để ngăn dòng nước mắt cứ chực trào ra. Rồi những trái bầu, lá bầu xanh xanh cũng nhạt nhoà đi... Vy đứng dậy chạy vụt ra phía sau nhà, có tiếng ai ru con văng vẳng bên kia hàng dừa nước" Ầu ơ... Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ... "

Gần bảy năm sau, vào một chiều tháng ba đầy nắng, Vy từ trường về nhà, vừa đi vừa thưởng thức đá bào mát lạnh, chợt khựng lại khi thấy một  chiếc xe hơi đậu ngay trước cổng nhà mình. Bước vào trong, Vy giật mình thấy  một người đàn ông da trắng hồng, dáng  cao to bệ vệ ngồi ngay trên chiếc  đi văng. Vy có cảm giác người này sao vừa lạ vừa quen, ngập ngừng chưa biết phải chào hỏi ra  sao thì ông khách   đứng bật dậy, chạy về phía Vy, ôm chầm lấy Vy xúc động " Vy,  Vy.,  ba là ba của con nè."

Vy buông rơi vắt đá bào xuống chân, nước văng tung toé, muốn mở miệng kêu ba nhưng sao Vy chẳng thốt được lời nào. Ba Vy đây sao, sao đến giờ ba mới về gặp Vy, sao ba không trả lời những lá thư Vy viết cho ba...  Bao nhiêu câu hỏi "tại sao" cứ u u trong đầu Vy  khi  bên tai Vy là tiếng lao xao  của ông bà, của những người hàng xóm tò mò qua xem "ông Việt kiều về nước"... Năm đó Vy mười ba tuổi.

Ba mang cho Vy đủ thứ quà từ nước Mỹ xa xôi để bù đắp cho những tháng ngày mất mát. Nhưng chẳng được bao lâu, ba  lại bận rộn với những cuộc vui bất tận, những thứ mà người ta ưu đãi cho "Việt kiều". Có những lần ba Vy về chỉ gặp ba vài ngày, rồi ba được bạn bè cô chú rủ đi biền biệt, hoàn toàn quên mất Vy cho đến tận ngày  về lại Mỹ.

Vy vẫn nhận quà từ ba, nhưng cũng tự nhủ rằng Vy sẽ không trông mong gì nhiều, cho đến ngày ba tỏ ý muốn cho Vy định cư ở Mỹ. Tuy nhiên, ba lại bận rộn với người vợ mới cưới, nên hồ sơ của Vy trì hoãn nhiều năm. Cho đến một ngày, sở di trú Mỹ gửi thư hỏi  thêm một số giấy tờ trước khi phỏng vấn, Vy mới chợt nhớ ra rằng mình sẽ có một chuyến đi dài tới xứ sở cờ hoa.

Bước xuống phi trường Mỹ giữa một ngày mùa đông âm u vùng Tây Bắc. Vy được ba đưa về một ngôi nhà trong xóm "share phòng" của người Việt. Ba Vy phải trở về Việt Nam ngay ngày hôm sau vì cô vợ ba đã gần ngày sinh nở. Vậy là từ ngày Vy ở Mỹ, ba Vy lại ở Việt Nam.

Thỉnh thoảng Vy gọi điện thoại cho ba, báo rằng mọi việc vẫn ổn, Vy không cần ba giúp gì tuy trong lòng vừa buồn vừa tủi. Từ một cô bé được nuông chiều cưng nựng, Vy bỗng lạc lõng bơ vơ, mọi thứ phải học lại từ đầu. Vy sợ nhất  những đêm đông tuyết rơi rơi ngoài cửa sổ, giá rét não nùng như trong truyện "Cô bé bán diêm”...


Rồi đứa em nhỏ nhất của Vy ở Việt Nam cũng đến tuổi đi học, bây giờ ba Vy mới lục tục mang cả gia đình mới sang Mỹ. Mỗi lần gặp ba, Vy chỉ hỏi han cho có lệ, rồi nhanh chóng ra về. Ngày lễ tết, Vy cũng mua quà cho ba,  nhưng Vy luôn có cảm giác đứng bên lề cuộc sống của ba.

Vy dọn đến Cali, thỉnh thoảng Vy gọi điện thoại hỏi thăm ba, gửi cho ba quà mỗi dịp lễ lạc. Vy thấy thật ngại ngùng mỗi khi nghe bên kia đầu dây người vợ của ba cứ liên tục ngắt lời ba bằng cách hỏi han những chuyện vu vơ. Những cuộc gọi cho ba vắng thưa dần…

Cho đến một ngày, Vy mua được nhà, dọn dẹp để sang nhà mới. Trong  xấp giấy tờ của Vy mang từ Việt Nam sang bỗng rớt ra một phong thư đề tên ba. Có lẽ thư nằm trong thùng quà ba gửi về từ Mỹ cho Vy, lúc ấy Vy chỉ hăm hở với món quà, quên mất rằng còn có một lá thư...

 

“Vy con thương,

Ba viết cho con thư này, mong rằng con sẽ hiểu rõ tình cảnh của ba. Sau ngày 30 tháng 4, đời sống khổ lắm, ba bị bắt vào tù 2 lần vì đi vượt biên.  Ba tìm mọi cách đưa mẹ con của con đi, nhưng ông bà mấy lần đều bắt lại, rồi mang mẹ con con về tận quê xa xôi,  ba đi tìm mấy lần đều không được.

Gần đến ngày đi, lòng ba như lửa đốt, khi ba bước xuống chiếc tàu nhỏ bé chở mấy chục người, nhìn gia đình người ta chồng vợ con cái  bên nhau, ba chỉ muốn quay trở về bên mẹ con và con... Qua mấy tuần lễ lênh đênh, tàu của ba được người  Mã Lai vớt, cho vào đảo tỵ nạn. Ba nhớ con và mẹ con nhiều lắm, nhưng bao nhiêu thư gửi đều bị trả ngược về...

Rồi ba quen dì Hai, cả nhà dì vượt biên không may gặp bão lớn, tàu chìm, ba mẹ dì mất tích, dì cũng  bơ vơ giống như ba. May nhờ có người anh họ dì Hai bảo lãnh nên ba được vào Mỹ, vậy là ba kết hợp với dì.

Dì Hai luôn theo dõi và không cho ba liên lạc với con. Ba xin lỗi con nhiều lắm, ba biết mình nhu nhược sợ làm mất hạnh phúc mới nên ba  không ra mặt tìm con. Ông nội con đã già và lẫn lộn, cô chú con cũng gạt ba, nói là mẹ con đã lấy chồng, con đã có ba mới. Mấy năm đầu tới Mỹ, ba đi lau dọn nhà thờ, trường học, đi hái trái cây, đi khiêng vác... Ai mướn gì ba cũng làm, chỉ mong kiếm thật nhiều tiền gửi về cho ông nội và con. Ba vẫn gửi tiền đều đều cho con, nhưng cô chú con giấu lại. Con cũng thấy họ quá khổ nghèo, lại đông con...

 Vy con thương, con biết không con là đứa con đầu tiên của ba, ba trông đợi từng ngày con ra đời. Mẹ con đau bụng suốt hai ngày, ba luôn ở bên cạnh trong bệnh viện. Bà nội đoán con là gái, ba cũng linh cảm ba sẽ có con gái đầu lòng. Đến lúc cô Tư con bảo hay là đổi cô vào trông mẹ, là ba chạy ngay lên phường, vét hết tiền túi đút lót cho họ cấp giấy khai sanh cho con, mong con chào đời suôn sẻ, tên của con là ba đặt cho con đó.

Rồi con lớn dần, con trắng hồng hào, tóc loăn xoăn giống ba y hệt. Ba hay chở con trên cái yên nhỏ trước xe  khi con ngồi còn chưa vững. Con đã cùng  ba đi từ chợ vô vườn, cùng ba ngồi quán cà phê của ông Năm đầu  xóm, con cũng bên ba trong đám tang bà nội... . Dù ba có bao nhiêu đứa con, con vẫn là đứa con ba yêu thương  nhất, vì ba có con trong những tháng ngày ba thiếu thốn, khổ sở trăm bề.

Ngày ba ly dị Dì Hai về tìm con, ba biết con chỉ muốn quà của ba chứ đâu có muốn gặp và gần gũi với ba. Ba hiểu hết nhưng ba không trách con, mà ba tự giận ba đã bỏ bê con thời gian dài như vậy, để ra cảnh lợt lạt ngày hôm nay... Ba có khoản CD tiền dành dụm, ba đã để hết tên con trong đó…”

 

Vy bàng hoàng buông rơi lá thư, nước mắt tuôn rơi ướt đẫm cả tờ giấy đã ngả màu. Vy muốn gọi liền cho ba nói ba ơi con thương ba, con luôn học giỏi, con luôn làm giỏi, con không cần khoản CD của ba đâu. Mọi đau thương ngày cũ đã qua, con đã ở trên mảnh đất mà lẽ ra con đã ở cùng ba từ những ngày đầu ba đặt chân nơi xứ lạ. Gia đình mình không ai có lỗi, ai cũng là nạn nhân của bao khổ nghèo bế tắc đêm ngày kềm kẹp, bủa vây...

 

*

Chuyến bay về thăm ba bị hoãn 2 giờ, Vy gọi điện thoại cho Cô Tư để hỏi thăm trong khi đợi. Vy có ngờ đâu gia đình nhỏ của ba đã gặp nhiều biến động. Cô vợ  của ba tìm được việc làm ở một tiệm nails trên phố, ngày càng về trễ. Một mình ba ở nhà chăm hai con nhỏ đâm ra cáu gắt, hai người đã ly thân. Những đứa con “sanh ở Mỹ” lâu rồi chẳng ai ghé đến thăm ba. Ba lại thêm bệnh tiểu đường, cao máu, một lần ba bị trượt ngã, may nhờ có ông bạn biết được mà gọi xe cấp cứu kịp thời…

Có tiếng loan báo đã đến giờ lên máy bay, Vy bần thần buông rơi điện thoại. Sân bay Mỹ hiếm có cảnh đón đưa bùi ngùi như sân bay Sài Gòn, dù lúc nào cũng tấp nập người đi kẻ đến. Vy tưởng như đã quên một thời chen chúc đón đợi ba.

Vy bồi hồi nhớ lại ngày nào, trên chuyến bay Eva Airlines, Vy háo hức đợi giờ gặp ba nơi phi trường Mỹ. Vy đã không hề bận tâm cảnh ba lênh đênh trên chiếc tàu mong manh giữa biển trời vô định, để có một ngày Vy ngồi trên chuyến bay êm ái an toàn đến xứ cờ hoa.

Bao nhiêu năm qua, Vy chỉ nhớ tới cuốn phim Vy xem ngoài nhà nội, nhớ câu "gió đưa bụi chuối sau hè…" thấm đẫm tủi  hờn trong khúc hát ầu ơ.

Vy dễ dàng tha thứ, biết ơn tất cả những bạn bè thân sơ khi chỉ nhận của họ những điều rất nhỏ. Nhưng sao Vy không mở lòng cho cha mình, người đã mang Vy đến với cuộc đời này, rồi lại mang Vy sang Mỹ, cho Vy cơ hội sống một cuộc đời lương thiện, bình yên.

Chuyến bay trễ, đáp xuống vào lúc xế chiều.  Khi  Vy về đến trước nhà ba, ngày đã sắp tàn, núi đồi mênh mông hắt hiu nhạt nắng. Nhìn qua khung cửa sổ to, Vy thấy Ba ngồi đó, mái tóc trắng chỉ còn lơ thơ, lưng ba gầy cụp, chơ vơ dưới bóng chiều tà...

Không còn một chút gì của hình ảnh người đàn ông phương phi  lần đầu Vy mới gặp ba, cũng khác hẳn với vẻ khoẻ mạnh nhanh nhẹn ngày Vy chia tay ba để dọn sang vùng Cali nắng ấm. Mới có mấy năm mà ba nhìn như đã trải qua mấy thập kỷ dài...

Vy bước vào nhà, gọi “Ba” thật lớn, là tiếng “Ba” tận đáy lòng, không như những tiếng ba hời hợt, vô hồn mà trước giờ Vy vẫn gọi ba. Ba giật mình quay lại, ngạc nhiên và xúc động tột cùng, lắp bắp: "Vy. Vy con về sao... sao không báo cho ba biết trước?"

Ba cứ lóng ngóng đi tới đi lui từ phòng khách qua nhà bếp. Giữa mùa hè mà ngôi nhà ba lạnh lẽo, bát đũa chỏng chơ trong bồn rửa chén, dưới sàn nhà la liệt những vỏ chai thuốc,  chai bia… Rồi ba lập cập bước ra ngoài sân, nói ba cắt trái bầu vào làm cơm tối, Vy đừng gọi thức ăn ở nhà hàng.

Giàn bầu ba trồng phủ màu xanh ngát trên mảnh sân nhỏ trước nhà, y hệt như giàn bầu trong sân vườn nhà nội năm xưa. Những trái bầu dài da căng  bóng  đong đưa, đong đưa, mắt Vy lại nhoà lệ như ngày Vy xem cuốn phim trong sân vườn nhà nội. Nhưng lần này không còn là nước mắt tủi thân của bé con bị bỏ quên, mà là nỗi ray rứt hối hận ngập lòng của cô con gái  vô tâm…

Nhìn bóng ba liêu xiêu dưới nắng chiều vàng vọt, bao nhiêu tủi hờn của tuổi thơ thiếu vắng cha bỗng trong phút chốc xoá nhoà, chỉ còn lại nỗi xót xa cho tuổi già bơ vơ cô độc nơi đất khách, Vy nghẹn ngào "Ba ơi, hãy tha lỗi cho con... "

Ba quay lại, mắt ba ươn ướt long lanh những giọt nắng cuối ngày.

Những trái bầu dài vẫn khẽ đong đưa, gió thổi qua tán lá xôn xao, xào xạc... Vy ngỡ như mình đang đứng giữa chiều hè êm ả chốn quê nghèo, như cha  con Vy chưa từng bị dòng đời chia cắt, như ba Vy chưa bao giờ phải ly hương.

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
07/11/201818:30:44
Khách
Anh Từ Huy ơi,
Cám ơn anh Từ Huy thích bài này của Tố và cùng tin vào một tương lai ngập tràn yêu thương cho Vy.Đã từng trải qua những phút thật buồn sẽ làm mình thêm quý trọng những phút vui,biết cảm thông để tránh tổn thương người khác cũng như tự làm tổn thương mình.
07/11/201801:25:34
Khách
A Tố nè, anh quên khen bài viết thật hay. Làm anh đọc đi đọc lại đôi ba lần mà lòng vẫn cứ nao nao!
Bài viết chuyển tải thật nhiều những ý, những vị yêu thương. Đọc nhiều đoạn cứ thấy thương cho cô bé Vy. Thương nhất ở đoạn: Vy ngước thật cao nhìn giàn bầu lung linh nắng để ngăn nước mắt chực trào ra.
Giờ thì Vy đã thật sự hạnh phúc và anh tin rằng suốt cuộc đời này sẽ mãi vậy!
06/11/201818:18:58
Khách
Cám ơn anh Từ Huy chia sẻ cùng Tố,
Phải mất nhiều năm cha con Vy mới cảm nhận được "vị ngọt yêu thương",khi cả hai cùng chung phận ly hương,cùng chung nỗi nhớ về bến sông xưa và giàn bầu xanh xanh chốn quê nghèo...
06/11/201804:04:30
Khách
“Sài Gòn ơi! Ta có ngờ đâu rằng...
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau...”
(Nguyệt Ánh)

Cái thời xa xưa ấy đâu ai nghĩ ra đi rồi sẽ có ngày về lại.
Cảm giác bơ vơ lạc loài... xa rời cội nguồn yêu thương!
Cảm nhận được tận cùng của sự cô đơn, khắc khoải... những khi mưa hay khi ngày tàn!
Và... trái tim con người vốn dễ yếu mềm...!

Vy = Vị Yêu = Vị ngọt của Yêu Thương
Tất cả sẽ qua đi chỉ mỗi yêu thương ở lại.
05/11/201818:19:33
Khách
Tố cám ơn Cô Kim Dung, chú Lê Như Đức,chị Như Ý, bạn J. Lê và Nam Lê thật nhiều vì đã chia sẻ cảm xúc cùng với Tố.

Có những câu chuyện trong đời thực còn lâm ly hơn cả phim ảnh,cải lương.Thời cuộc sau năm 75 đã khiến cho biết bao gia đình gặp cảnh chia lìa,ly tán,kẻ ở người đi hoài nghi,tủi hận...

Tố tin rằng tình yêu thương và sự cảm thông sẽ giúp con người tha thứ và xích lại gần nhau,như đã giúp cho cha con Vy tìm lại nhau sau nhiều năm thất lạc.

Mến chúc Cô,Chú,Chị và quý độc giả luôn được ở bên cạnh những người yêu thương của mình.
04/11/201816:49:49
Khách
Bài viết này của cháu Tố Nguyễn hay và cảm động quá chừng.
“Vy dễ dàng tha thứ, biết ơn tất cả những bạn bè thân sơ khi chỉ nhận của họ những điều rất nhỏ. Nhưng sao Vy không mở lòng cho cha mình, người đã mang Vy đến với cuộc đời này, rồi lại mang Vy sang Mỹ, cho Vy cơ hội sống một cuộc đời lương thiện, bình yên”.
Cuối cùng thì Vy đã hiểu và cảm nhận được “Tình Cha” rồi mà”. Vy giỏi lắm!!
Ptkd
03/11/201817:19:00
Khách
Bài viết hay lắm. Xin cám ơn tác giả.
03/11/201817:18:03
Khách
Cau chuyen that cam dong.
03/11/201815:37:35
Khách
Một lần cậu con trai 15 tuổi của tôi nói với tôi sau khi tôi hứa sẽ mua cho mỗi người con một cái xe và một căn nhà:
- Mai mốt con sẽ take care Daddy khi già.
Tôi rất cảm động. Chưa đầy hai phút sau, không biết y tính toán ra sao lại ra điều kiện:
- Con chỉ take care Daddy tới lúc lấy vợ thôi.
Tôi kể cho nhà tôi và kết luận:
- Có còn hơn không vì nước mắt chảy xuôi không chảy ngược.
Năm xưa có lần tôi hỏi cậu tôi lớn lên sẽ phải làm gì để trả ơn người nuôi dưỡng. Cậu tôi cười trả lời:
- Lớn lên con chả phải làm gì cả.
Tôi ngạc nhiên. Cậu tôi giải thích:
- Cuộc đời không phải là ơn đền oán trả. Do đó con chả phải làm gì cả. Cuộc đời chính là một sự nối tiếp từ đời trước qua đời sau. Cậu nuôi con là vì ông đã nuôi cậu. Giờ đây cậu nuôi con chỉ mong muốn con sau này nuôi con của con hơn cậu nuôi con là con đã làm đủ bổn phận làm người rồi. Cậu nuôi con đâu phải để làm ơn sau này cho con trả. Con nuôi con của con cũng vậy, để nối tiếp cuộc đời chứ không phải để sau này cho nó đền ơn trả nghĩa. Hiểu như vậy mình sẽ thấy cuộc đời mang nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn.
Xã hội và cuộc đời thường đẩy chúng ta vào nhiều tình huống thật đau lòng khó xử. Nhiều khi công việc, gia đình, con cái đành phải gạt nước mắt nhìn cha mẹ già sống cô đơn, nhất là sống trên đất khách.
Tội nghiệp đấy. Xót xa đấy. Nhưng chỉ biết tội nghiệp và thầm khóc mà thôi.
Xin được chia buồn với mọi người già sống quạnh hiu trên đất người.
03/11/201815:05:34
Khách
Thương Vy. Thương ba Vy quá! Một câu truyện thật hay và cảm động. ❤️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,239
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.