Hôm nay,  

Cũng Bằng Cấp Như Ai!

01/10/201800:00:00(Xem: 11916)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5206-19-31049-vb2100118

 
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.

 
***
 

Tháng hai năm 1990, tôi qua Mỹ được đúng bốn năm rưởi. Anh Ba tôi là quân nhân, xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân rồi sau đó vô Võ Bị Đà Lạt. Anh luôn chạy đua với thời gian., không bao giờ chậm trễ hay trì hoãn bất kỳ chuyện gì. Quyền huynh thế phụ   Ba mất sớm, anh là con trai trưởng trong gia đình, luôn lo lắng và chăm sóc cho má và chúng tôi.

Anh qua Mỹ năm 1975, đúng năm năm sau, anh vô quốc tịch và bảo lãnh cho cả nhà tôi, mười bốn người sang Mỹ vào năm 1984. Tôi cần phải bổ túc thêm một số giấy tờ khác nên hai mẹ con qua trễ hơn chín tháng. Mấy anh chị em tôi qua trước nên đã vô quốc tịch hồi năm 1989. Theo thủ tục  bấy giờ, mình chỉ có thể nộp đơn trước sáu tháng thôi. Do đó, giữa tháng hai 1990, anh Ba tôi đi xin đơn cho tôi để điền. Khi ấy, con trai tôi mới mười lăm tuổi, nên không cần phải thi. Nếu tôi đậu, cháu sẽ đựơc tự động nhập quốc tịch, còn tôi rớt thì...hì..hì.... Riêng cháu gái thì sanh ở bên này nên cháu đương nhiên là công dân Mỹ gốc mít rồi.

Tháng Tư năm 1975, sau khi miền Nam đỗi chủ, làn sóng người ào ạt bỏ nước ra đi. Nhiều trại tị nạn được cấp tốc mở ra để giúp đỡ cho người Việt Nam. Trong đó, có doanh trại Fort Chaffee nằm trong thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas. Trại nằm cách phi trường Fort Smith một mile về hướng đông nam. Đây là một trung tâm huấn luyện của các đơn vị trong vùng thuộc Vệ Binh quốc gia và Quân trừ bị cũng như các đơn vị hiện dịch từ các nơi khác tới tập huấn. Bây giờ, doanh trại này đã không còn sử dụng nữa.

Ngoài ra, người tị nạn năm 1975 còn được đưa về các nơi khác như Camp Pendleton ở California, Eglin Air Force Base ở Florida...

Cũng như nhiều người khác, gia đình anh chị tôi được đưa về Fort Chaffee, thành phố Fort Smith. Sau khi rời khỏi trại, anh chị tôi quyết định chọn nơi này để sinh sống.

Đây là một thành phố nhỏ, bốn mùa rõ rệt. Đông về  giá rét, hè thì nóng như thiêu. Sau khi đựơc chính thức định cư, nhiều người Việt Nam đã rũ nhau đi lập nghiệp ở những thành phố lớn như California, Houston...

Quen sống nơi tỉnh nhỏ , nên khi đến đây, tất cả anh chị em chúng tôi lại cảm thấy yêu mến cái thành phố hiền hoà này, một thành phố đạo, ra đường thấy toàn là nhà thờ, không nơi chốn ăn chơi, tội ác dường như rất hiếm.  Tuy nhiên, cũng có vài điều bất tiện. Chẳng hạn như một năm sau ngày đến Mỹ, tới ngày gia hạn thẻ xanh (green card), chúng tôi phải đi tận Memphis thuộc tiểu bang Tennessee, lái xe mất năm tiếng đồng hồ. Rồi đi thi quốc tịch cũng phải tới đó, thật mất thì giờ.

Do đến trễ, mấy anh chị em tôi đã thi xong hết rồi. Đến lượt tôi, dù anh Ba tôi có nói trước là anh sẽ nghỉ làm một ngày để chở tôi đi, nhưng khi làm đơn, tôi viết riêng một thư kèm theo, trong đó, tôi nói là tôi chưa biết lái xe, hai con còn nhỏ, không có phương tiện để đi xa. Tôi xin được thi tại thành phố này, trong  mỗi dịp có lễ tuyên thệ cho người đã thi đậu.

Sỡ dĩ tôi xin như vậy vì tôi biết rõ, thỉnh thoảng người ta có tổ chức lễ tuyên thệ quốc tịch tại toà án gần nơi tôi ở, chạy xe chỉ mười phút thôi. Tôi hay làm liều lắm, nếu hên, đựơc chấp thuận thì đỡ phải đi xa, còn họ từ chối thì mình cũng phải có cách khác, chứ có chết thằng tây nào đâu mà ngại hé các bạn...

Hên gì đâu, vài tuần sau tôi nhận được thơ từ sở di trú báo tin ngày thi tại Fort Smith. Mừng quá, tôi lập tức cho anh Ba tôi hay, anh nói không dè tôi nghĩ ra được cách này, may thiệt.

Tới ngày đi thi, tôi cũng diện kỹ lắm. Mặc bộ áo đầm do chính tay tôi may, màu hồng nhạt cho đời thêm đẹp, thêm tươi! À, tôi xin nói rõ về khoản này. Anh Ba tôi ( cái gì cũng anh Ba tôi hết) kỹ lắm. Trước ngày đi thi, anh căn dặn tôi đủ điều như cha dặn dò một đứa con nhỏ ngày đầu đi thi tiểu học vậy đó.

Tôi có đọc một bài báo, tường thuật cách nay cũng hơn hai mươi năm, tại Oklahoma  City. Có anh chàng Việt Nam đi thi quốc tịch. Tới ngày hẹn, anh ta chỉ mặc một áo thun ngắn tay, cổ tròn kiểu như áo lót bên trong sơ mi của đàn ông và quần jean bạc thếch. Khi bước vô phòng thi, người có trách nhiệm phỏng vấn nhìn anh ta một phút và biểu anh ta đi về, đợi giấy mời kỳ tới đi thi với lý do không tôn trọng chốn trang nghiêm.

Anh Ba tôi nói để người ta có cảm tình, mình phải ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, phải đến đúng giờ, phải chào hỏi và khi được mời ngồi thì mới được ngồi chứ không nên tự động kéo ghế mà (sit down) sẽ bị mất điểm ngay từ đầu đó. Anh chị của tôi đã có kinh nghiệm khi đi thi trước tôi, nói cho tôi biết, interviewer (người phỏng vấn) là một luật sư, tên Cook, rất khó. Trong lúc hỏi bài, ông ta không ngồi ngay bàn viết đối diện với mình mà cứ đi qua lại, rồi đứng đưa lưng về phía mình, ông giả vờ lựa mấy cuốn sách trên kệ, tay thì cầm mấy cuốn sách, miệng đọc câu hỏi, em trai dặn tôi phải hết sức chú ý điểm này...nghe nói, tôi cũng lo lắm. Mấy ngày chuẩn bị, tôi nhờ cô giáo của Bình đọc bài thi trong băng cassette cho tôi tập nghe quen giọng Mỹ.

Tám giờ sáng, tôi gọi taxi để ra toà án là địa điểm tuyên thệ hôm đó. Đúng chín giờ, tôi được gọi tên vô. Luật sư Cook dáng người cao ráo, tuổi ngoài ba mươi, khá bánh trai ( mà sao khó tánh dữ a!) đã ngồi sẵn tại bàn làm việc. Tôi nhớ lời anh tôi dặn, bình tĩnh mà hơi...run, lịch sự chào ông. Ông ta rất lạnh lùng, đàn ông gì mà gặp phụ nữ chẳng chịu hé môi cười một cái coi cho được nữa. Sau khi được mời, tôi ngồi xuống nhẹ nhàng, không dám gây tiếng động, làm như thục nữ mới về nhà chồng vậy đó. Bắt đầu, ông biểu tôi tự giới thiệu về mình, xong vô phần hỏi lý lịch. À..cái này coi vậy mà không đơn giản đâu nha quý vị. Đó là “yes, no” questions nhưng nếu không hiểu mà ‘yes’hoặc ‘no’ lạng quạng là a lê hấp bị đuổi đi dìa liền. Chẳng hạn như câu:

-Bạn đã từng bị bắt về tội mãi dâm chưa?

-Bạn có mua bán hay xử dụng ma tuý không?

-Nếu đã trở thành công dân Mỹ, khi quốc gia có chiến tranh, bạn có trung thành và sẵn sàng gia nhập quân đội và cầm súng bảo vệ nước Mỹ không?

....

Câu một, câu hai nếu không hiểu mà ‘yes’đại một cái là kể như xong.

Với số vốn căn bản về tiếng Anh hồi còn ở Việt Nam, cộng thêm thời gian học bên này, những câu hỏi trên đã không làm khó tôi.

Rồi đột nhiên, ông ta đứng lên, y chang lời em tôi nói. Ông ta vói tay lên kệ sách, lựa chọn cái gì hỏng biết, miệng thì bắt đầu hỏi. Đã đề phòng trước, thấy ổng vừa đứng dậy là tôi cũng “thủ” liền. Tôi ngóng cái lổ tai về hướng ổng, rán vễnh lên nghe coi ổng nói gì...ổng vừa dứt câu vọng cổ, ý quên, câu hỏi, tôi trả lời nhanh chóng. Qua câu thứ nhì tôi cũng lẹ làng qua được . Ông ta quay lại, biểu tôi viết một câu tiếng Anh do ông ta đọc. À, cái này cũng dễ thôi, tôi viết rất nhanh và đưa ông ta coi.

Thiệt là may, chắc thấy tôi mau mắn trả lời và đều trúng hết, ổng chỉ hỏi hai câu là xong, trong khi tôi nghe nhiều người khác nói đi thi mà gặp ổng là phải vái thầm trong bụng vì ổng hỏi rất nhiều câu!


Xong đâu đó, ông bắt tay tôi, mỉm cười (A Di Đà Phật!):

-Congratulations, I congratulate you on becoming a United States citizen. Tomorrow, at noon, we will have a Naturalization Ceremony here at court, where you will take the Oath of Allegiance with your son. You must be here by 11 am, and you must take the Oath on your son’s behalf, as he is a minor.

Trời ơi! Tôi mừng hết lớn luôn nha. Đã thi đậu, lại được tuyên thệ ngay ngày hôm sau, còn gì bằng.

Về nhà, tôi chụp liền điện thoại, gọi cho anh Ba tôi (cũng là anh Ba tôi) báo tin. Anh Ba tôi vui lắm nhưng cũng dè dặt:

-Tốt quá, nhưng em có chắc là ngày mai được tuyên thệ không? Vì ai cũng phải đợi một thời gian hết, sao em lại được tuyên thệ liền?

-Chắc mà anh Ba, ổng còn biểu em dẫn Khương ra ngoài đó nữa.

-Được rồi, em nhớ đến sớm nha.

Tôi dạ rồi lo gọi điện thoại lên Subiaco, trường nội trú cách  nhà năm chục miles, nơi Khương đang theo học để xin cho cháu nghỉ một ngày, rồi vội nhờ Dũng, em trai tôi đi rước cháu.

Hôm sau, hai mẹ con đã có mặt ở đó thật sớm, áo quần chỉnh tề. Đúng giờ, chúng tôi được gọi vô cái phòng hôm qua thi. Cũng là ông luật sư trẻ tuổi đẹp trai có tên đầu bếp Cook, đang ngồi chễm chệ nơi bàn giấy. Sau khi chào hỏi, ông cầm một tờ giấy, đứng lên biểu con tôi (và cả tôi?) đưa tay mặt lên.

Ông đọc, con tôi đọc theo. Mới được một câu, bỗng ông ngừng lại, nhìn tôi rồi nói, giọng nghiêm nghị:

-Sao bà không đưa tay lên thề? Vậy thì đi ra ngoài đi, coi như không có tuyên thệ!

Chết cha tôi rồi! Tôi vô ý, mắc lo nghĩ gì không biết mà ổng biểu cả hai mẹ con, tôi lại tưởng có mình Khương. Tôi lật đật nói:

-Xin lỗi ông, tôi không để ý, tưởng đây là tuyên thệ cho riêng con tôi nên tôi không đưa tay lên thề. Ông làm ơn đọc lại đi...

-Thôi được. Bà đưa tay lên và lập lại lời tôi!

Hú hồn hú vía! Tôi như cái máy, lật đật đưa tay lên, râm rấp đọc theo liền.

Xong rồi, ông ta biểu hai mẹ con bước qua toà án. Nơi đây, người Việt Nam, Mễ , Lào, Ấn Độ... đủ sắc dân đã chật kín phòng. Sau khi tìm được chỗ ngồi, mẹ con tôi chờ chừng hai mươi phút,  buổi lễ bắt đầu. Sau lễ chào cờ, lời chúc mừng của ông Thị Trưởng, chúng tôi lần lượt đồng đứng lên đọc lời tuyên thệ và lên lãnh bằng, cái bẵng đầu tiên ở xứ cờ hoa!

Sau đó, chúng tôi được dự tiệc với sandwich, bánh ngọt, trái cây... người người ăn uống nói chuyện uyên thuyên, ai ai cũng hớn hở...hi hi...kể từ bây giờ tui cũng là Mỹ  da ...vàng, như ai chứ bộ...

Sau này, vấn đề thi quốc tịch đã có phần dễ dãi hơn nhiều. Tại thành phố nơi tôi ở đã có văn phòng sở Di Trú, những người di dân từ xứ khác đến không cần phải đi xa. Riêng ai đã ở Mỹ ít nhất mười lăm năm và trên năm mươi lăm tuổi sẽ được ưu tiên thi,có thông dịch viên. Má tôi bị mù vì bệnh tiểu đường, lại càng được đặc biệt hơn. Bà chỉ cần trả lời tên họ, ngày tháng năm sanh, cùng nơi ở hiện tại là được nhập quốc tịch.

Khi chị Hai tôi đủ thời hạn mười lăm năm để đi thi, tôi đưa chị đi. Bà giám khảo hỏi bằng tiếng Anh, tôi nói lại tiếng Việt cho chị Hai tôi nghe. Chị cũng có học bài trước nên những câu hỏi lịch sử chị trả lời đúng hết. Và kỳ đó, chị Hai tôi cũng thi đậu luôn. Thật ra, ngày xưa ở Việt Nam chị Hai tôi đã được học tiếng Pháp từ thời tiểu học, sau khi qua Mỹ chị cũng theo học Anh văn ở trường tráng niên một thời gian dài, cho nên chị nghe và hiểu cũng khá nhiều, chỉ ngại nói thôi.

Thật tình mà nói, nhiều người Việt Nam ngày xưa, khi qua đây phải cố gắng làm việc để lo cho gia đình bên Mỹ và còn gánh nặng từ quê nhà. Người ta thấy cái quốc tịch không lợi lộc và ảnh hưởng gì đến lương hướng, do đó nhiều người không cần thiết. Cho đến sau này, khi chuyện đi về Việt Nam đã phổ biến, rồi việc đem thân nhân qua Mỹ đòi hỏi người bảo lãnh phải là công dân ở đây, thêm vào đó, khi đến tuổi xin tiền trợ cấp an sinh xã hội (SSI) của các ông bà trên sáu mươi lăm tuổi thì mới có nhiều người hiểu được cái tầm quan trọng của việc thi quốc tịch. Chưa kể, những người không phải là cư dân chính thức, định cư ở Hoa Kỳ, nếu phạm tội và bị tuyên án tù trên một năm thì có thể sẽ bị trả trở về nguyên quán. Bây giờ, tại nhiều trung tâm giáo dục tráng niên có tổ chức lớp luyện thi quốc tịch miễn phí, chuyện thi cử tương đối dễ dàng nên người ta không còn e dè như xưa nữa.

Tôi còn nhớ, lúc con gái tôi lên năm, bắt đầu đi học mẫu giáo. Mỗi ngày, hai mẹ con cà rịch cà tang đi bộ đến trường phải mất nửa tiếng đồng hồ, trong khi chạy xe thì cỡ năm phút mà thôi. Ít  lâu sau, mùa đông đến, trời bên ngoài lạnh thấu xương mà mỗi sáng sớm tôi phải dắt bộ Bình đi học. Có nhiều hôm, thấy con bé run lẫy bẫy vì lạnh, môi tím ngắt. Tôi thương quá, bèn biểu cháu lên lưng, cõng cho lẹ mà ấm cả mẹ lẫn con. Dọc đường thỉnh thoảng gặp xe tốt bụng họ cho có giang thì mừng hết lớn luôn.

Mấy tháng mùa đông kéo dài lê thê, nhiều bữa hai mẹ con suýt té vì trơn trợt. Ngoài trời lạnh buốt, con bé cứ chảy mủi liên miên, tôi nóng ruột quá, nên quyết định tập lái xe. Đậu được bằng viết, ngày nào tôi cũng năn nỉ, hết người này đến người kia dạy giùm tôi.Ngày thi, cô cảnh sát người Mễ ngồi cạnh làm giám khảo, chỉ đường ra lệnh cho tôi chạy. Đến một ngã tư , đèn đang đỏ, nhìn hai bên đường trống trơn, tôi quẹo mặt. Vừa quẹo xong, bà ta nói:

-Chạy về ty cảnh sát, mày rớt rồi. Đèn đỏ mà mày quẹo là không được!

Ủa sao kỳ vậy ta? Tui ngồi xe mấy đứa em chở tụi nó cũng quẹo mặt hoài khi đường trống mà?

Thế là tiu nghỉu đi về, chờ tuần sau thi lại. Lên xe, tôi đem thắc mắc này ra hỏi Thái, cháu tôi nói:

-Chừng nào dì có bằng, dì ẩu vậy được chứ dì đi thi mà dì chạy kiểu đó thì rớt là cái chắc rồi!

Hi..hi... thêm một kinh nghiệm nhớ đời!

Qua tuần sau, trở lại. Lần này ông cảnh sát già ngồi bên, ngó nét mặt hiền từ, tôi cũng vững bụng, chạy theo hướng dẫn của ông. Về tới phòng cảnh sát, đậu vô bãi đâu đó ngay ngắn xong xuôi, ông nhoẻn cái miệng móm xọm cười thiệt tươi:

-You passed!

Chèn ơi, tim tôi đập loạn xà ngầu vì mừng quá....

Ba mươi ba năm sống ở Mỹ, tôi cũng có dịp ngồi ở giảng đường college một thời gian thiệt là...ngắn! Bữa đực bữa cái vì má tôi thỉnh thoảng cứ phải vô nhà thương, tôi quyết định chấm dứt cái thời sinh viên mơ ước từ thời còn ở Việt Nam. Chắc tại cái số của tôi, dù được may mắn sang Mỹ, dù rất ham học nhưng rốt cuộc phải chịu đầu hàng số phận!

Nói vậy chứ tôi cũng hãnh diện mà khoe với bà con cô bác gần xa là tôi cũng có được hai cái bằng chứ đâu có tệ, một bằng quốc tịch và một bằng lái xe ngon lành hé!

Trời đang chuyển thu, ngồi ngó qua khung cửa, nhìn lá vàng bay lả tả, bầu trời ảm đạm.  Tôi nhớ lại những ngày mới đến Mỹ cũng vào thời gian này. Khi đó chưa biết lái xe, cả  nhà đi làm.  Hai má con ngồi trong phòng khách, vừa nhắc chuyện xưa, vừa nghe vọng cổ từ cái máy hát bên  cạnh, ôi sao mà buồn não ruột.

Đã trên ba chục năm, các con đều trưởng thành, ra riêng. Lại cũng ngồi một mình bên khung cửa, không còn má để nhắc chuyện xưa, tai đã nghễnh ngãng  không nghe được những câu vọng cổ mùi mẫn  nữa ...thôi thì viết ra đôi dòng, kể lại chuyện hồi nẫm, gởi đến các bạn, mong sẽ nhận được những nụ cười thoải mái của buổi chiều cuối tuần  vậy.

Thân chúc tất cả bạn hữu xa gần thật vui, thật hạnh phúc nha!

Fort Smith, 09-18 -2018

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
05/10/201801:53:39
Khách
Chào chị Dong Trinh,
Bài viết chị hay lắm với đầy đủ chi tiết liên quan đến hòa trình vô quốc tích Mỹ của chị. Chúc mừng và chúc chị và gia đình nhiều hạnh phúc.

Sáu
02/10/201804:31:07
Khách
Như Ý có đọc bài này của tác giả rồi nay đọc lại vẫn thấy hay như lần đầu. Cảm ơn chị với lối viết tự nhiên và chân thật dễ đi vào lòng người. Chúc chị sức khỏe và vui vẻ mãi mãi ❤️
01/10/201820:25:44
Khách
Rất thích cái lối kể chuyện của chị: rành mạch, giọng điệu bình tĩnh, bình thản và rất có duyên. Chị rõ ràng là có một đời sống tinh thần thăng bằng và phong phú, tôi nghĩ vậy.

Có điều tôi thấy ghét cái thằng cha Cook đó quá (ta đọc trại trại một chút cái tên mầy sẽ trở thành "C...." hừ, cho bỏ ghét!)
Chắc thằng chả có máu VC hả chị, hoạnh he, uy hiếp tinh thần người khác - mean!! Ở đây lâu chúng ta đã quen với cái lịch sự, lễ phép, rất ngạc nhiên khi thấy thằng cha C... nầy lại thiếu những cái tối thiểu đó.
Việc gì phải hà tiên nụ cười, lại còn bày đặt làm khó, quay lưng lại khi hỏi, thật là mean và bất lịch sự, nhất là bất lịch sự với người dễ thương, lễ độ như chị (không nịnh đâu à nha!).
Và hắn ta thừa biết tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của người ta. Cái "tội ác" làm khó " người yêu thế" của hắn trở nên gấp ba!
Người ta không đủ điều kiện đậu thì cứ đánh rớt nhưng phải đối xử với họ bằng sự lịch sự và tôn trọng; có mất gì đâu phải không chị? Thôi nói cho cùng những người thế này có ở khắp nơi rất tiếc họ có mặt ở ngay một xứ sở văn minh và lại là người làm việc với công chúng (public servants!)

Chúc chị một tuần vui vẻ. Nhớ viết nhiều nhiều nghe. Chị không biết chứ làm như vậy chị đã và đang thực hành cái sứ mạng đem lại niềm vui và sự ấm lòng cho biết bao người (thôi thôi nếu chị khiêm tốn thì ít nhất là cho một người vậy, hì hì). Xin đa tạ.
01/10/201817:43:14
Khách
Cam on co Dong Trinh da viet ra nhung bai viet thuc ve cuoc song cua co. Chau rat thich doc nhung bai viet cua co. Chuc co luon vui khoe va binh an trong tam hon
01/10/201809:00:04
Khách
“Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.”
Đọc những bài viết của chị, đôi khi em thấy có chút dư vị đắng cay trong đó...
Em thì lại thấy chị là người thật may mắn hạnh phúc. “Lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ mỗi tình thương ở lại đời.”
Chị có được tình yêu thương tuyệt đối từ hai con của chị dành cho mẹ. Chị có riêng, trọn vẹn “Biển Thái Bình” bên chị suốt mấy chục năm trời. Chị bị mắc bịnh nan y nhưng có lẽ tấm lòng người con chí hiếu của chị đã động lòng Trời, nên chi, chị đã được bình an.
Đời sống chị dư đầy và hạnh phúc thanh nhàn!
Em chắc chắn rằng cũng có rất nhiều người nghĩ giống em, sau khi được đọc những bài viết của chị.
Chị có biết điều đó không🌹⁉️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến