Hôm nay,  

Bước Đầu Trên Đất Mới

29/09/201800:00:00(Xem: 11250)
Tác giả: Trần Ngọc Ánh

Bài số 5510-20-31317-vb7092918
 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.


***
 

Khi máy bay cất cánh rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, thú thiệt là lúc ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm, ba mươi mấy năm rồi còn gì, thoát khỏi cái nhà tù “vĩ đại” XHCNVN là một sự may mắn mà tôi có nằm mơ cũng không dám ước. Tôi nhìn xuống thành phố Sài Gòn nhung nhúc bên dưới mà rưng rưng buồn, thấy thương cho người ở lại, nỗi bất hạnh bị chia đều cho những kẻ khốn khổ mà họ phải chịu đựng không biết đến khi nào. Chỉ có sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản thì may ra họ mới được giải thoát khỏi thảm họa.

Chuyến bay dài hơn tôi tưởng, nhưng tôi không dám ngủ vì sợ thức dậy chỉ là mơ, quá khứ đau buồn cứ ám ảnh khiến tôi như không tin vào thực tại. Tội nghiệp cho tôi biết mấy.

Ngày đầu tiên đến Mỹ có bao điều mới lạ ngỡ ngàng, phi trường rộng mênh mông như thể nuốt chửng tôi trong đó. Tiếng đóng cụp trên Passport và kèm theo nụ cười thân thiện của anh chàng da đen Hải Quan“ Welcom to the United States” khiến tôi ấm lòng hết sức. Texas đang vào mùa mưa bảo,  anh sống ở thành phố nhỏ gần cảng biển Port Authur..Ngôi nhà gỗ cũ kỹ và sân trước sân sau là bãi cỏ ngút ngàn sập sình nước đọng, nhà này cách nhà kia chửng ..nửa cây số, chiều chiều nghe con quạ đậu trên cây cổ thụ trước nhà quạt cánh làm tôi nhớ câu ca dao “Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu.”. Bây giờ nhà Má ở bên kia trùng trùng biển cả rồi, nhớ hồi tôi nói với Má là tôi đi Mỹ, Má hỏi bâng quơ “Mỹ ở đâu? Xa hôn?” Tôi lấy chiếc đũa thọc vô trái cam và xoay tròn “ Xa lắm Má à, cách nửa vòng trái đất lận, bên này Má ở là ban ngày , bên kia là ban đêm, đi máy bay cả ngày cả đêm mới tới”Nói là nói vậy chớ Má cả đời quanh quẩn lũy tre ...phường làm sao hình dung nổi. Tôi nghe tiếng Má thở dài “ đi chi mà xa dữ thần vậy?” Thật lòng ra đi tôi chỉ nhớ Má mà không buồn trong khung cảnh lạ nước lạ cái ở đây,  bởi vì chọn lựa cuộc sống Tự Do và một gia đình êm ấm trên vùng đất mới này là ước mơ cháy bỏng của rất rất nhiều người Má ơi.

Sắp xếp bước đầu cũng khá đơn giản, anh dẫn con bé đến High School ở gần nhà ghi tên học lớp 10, dễ dàng nhanh chóng, lạ quá không ai hỏi hộ khẩu hay chứng minh nhân dân, không bao thơ đút lót cho thủ tục đầu tiên. Con bé còn được ăn bửa trưa miễn phí ở trường, đúng là xứ Mỹ hào phóng thiệt.

Với cái vốn tiếng Anh bập bẹ, mấy tuần đầu con bé học mà như vịt nghe sấm, nó về nhà buồn hiu khiến tôi cũng xót lòng. khuyên nó bằng câu cũ rích ” Cố lên thỏ con, vạn sự khởi đầu nan” nó cười gượng tiếp lời “gian nan bắt đầu nản” Má ơi. Vậy mà mấy tháng sau nó học vù vù, đường đi có vẻ thuận lợi lạc quan, những ngày cuối tuần nó xin ra làm thêm ở tiệm Nail bà hàng xóm, được tiền lương đầu tiên  nó phấn khởi mua tặng cho Dad và Mom hai cái áo ấm. Coi bộ con nhỏ bắt nhịp cuộc sống lẹ hơn.

Cuối năm lớp 11 nó rù rì với anh là cho nó thi nhảy GED để đỡ một năm học, và lần này thì nó tự tin đi thẳng vào trường University. Anh dạy nó lái xe đâu chừng hai buổi là nó đi thi lấy bằng dễ dàng, mấy lúc đầu anh còn ngồi cạnh cho nó lái đến trường , sau đó thì anh buông tay để nó tự lèo lái trên con đường cái quan rộng mở của cuộc đời nó. Xứ này là vậy, con cái hơi đứng chựng là người ta đã buông tay để nó tự bước tới. Tôi thấy nhiều gia đình dạy con rất nề nếp, chừng 3-4 tuổi là biết phụ việc nhà lặt vặt, gấp áo quần, dọn dẹp đồ chơi, chừng 5-6 tuổi là tự thay quần áo, mang giày ôm cặp đợi xe bus đến trường… Không phải như trẻ con bên nhà mỗi chút là vòi vĩnh mẻ nheo, gà công nghiệp khác gà đi bộ là chất lượng thịt. Những cậu ấm cô chiêu được nuông chìu nên lớn lên chất xám trở thành đen thui như dầu hắc. Cũng may con bé qua được đây, có thể nó không thành danh bác sĩ, kỹ sư thì cũng thành người lương thiện tử tế và có đời sống yên ấm trên đất nước này. Đó là điều mà ai cũng mong ước, cuộc sống còn lại do nó chọn lựa và quyết định, “trong nhờ, đục lóng phèn” miễn nó bằng lòng cái mà nó có là hạnh phúc cho nó rồi.

Kể ra thì con bé “ngon” hơn tôi,  học cái gì cũng mau lẹ chứ không phải è ạch chèo thuyền nước ngược như Má nó. Ngay bước đầu đặt chân lên nước Mỹ, tôi nghĩ đến ba việc mà mình cần phải làm cho được để tồn tại ở đây.

Biết lái xe /Có công việc làm ổn định/ Thi đậu quốc tịch

Mục tiêu vạch ra rồi thì cứ vậy mà làm từng bước từng bước thầm… Nói ra ai cũng cười không tin nhưng sự thật tôi thi lái xe đến lần thứ chín mới đậu. Chuyện thi lý thuyết thì dễ ợt, chỉ cần thuộc bài và có óc suy đoán một chút là đậu, nhưng khó là phần thực hành khi ngồi sau tay lái với trái tim đập thình thịch và cái đầu lo lắng đâu đâu thì rớt là cái chắc, tôi cũng vậy, rớt dài dài trên từng cây số, lúc bị phê “lái quá nhanh trong khu dân cư”, khi thì “lái quá chậm trên freeway”  cán lề, de xe không thẳng hàng, đậu lấn vạch.v..v. Cứ ba lần rớt thực hành là thi lại một lần lý thuyết,  anh nản cho bà vợ kiên cường nhưng chết nhát này dạy hoài mà hổng ráng, nhưng anh đâu biết rằng tôi đã cố hết sức để không mắc lại lỗi cũ, tôi nhìn vấn đề trong hướng tích cực “thất bại là mẹ thành công”, mình sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm hơn trong tương lai.

Còn mấy ông giám khảo Mỹ Mễ chắc cũng quen mặt “ Bùi Kiệm” của tôi nên càng gắt gao hơn, có lần thấy rớt hoài tôi bèn xuống giọng than thở may ra họ từ tâm “nếu lần này tui rớt nữa, chắc chồng tui sẽ giết tui” Ông Mễ bật cười “chẳng thà chồng bà giết bà còn hơn để bà giết nhiều người vì lái xe ẩu. Thay vì giận “thằng chả” tôi lại tâm đắc vì tinh thần trách nhiệm cao cả này, chí lý quá đi chớ, an toàn không phải vì mình mà còn vì cộng đồng nữa, bà hàng xóm tôi tóc bạc trắng còn lái xe ào ào coi tự tin hết sức, còn tôi , tại sao không?  Sau nhiều đêm suy nghĩ, rớt đâu cũng bảy tám lần, chắc phải nhờ Sư phụ chuyên nghiệp mới được, Bụt nhà không thiêng vì Bụt hiền quá nên chẳng nỡ la rầy.

 Tôi đọc báo mục rao vặt có ông kia mấy chục năm dạy lái xe, bao đậu mới lấy tiền, trường ở đâu trên thành phố lớn. Tôi nghe vậy cũng khoái bèn nhờ chồng chở lên kinh đô ứng thí “bài không tên cuối cùng” Tôi ghi tên học 6 giờ, ông Thầy dạy miệt mài hai ngày liền như người ta học bài tủ, chắc chắn ông Giám khảo sẽ đi trên con đường đó, chỗ này quẹo trái, chỗ kia sang lane, chỗ nọ stop… Tôi có vẻ tự tin hơn trong mấy giờ thực tập mặc dù đôi lần thắng gấp khiến ông chúi nhủi kêu Trời. Tôi quyết định ngày mai thi ngay kẻo quên bài, ông sốt sắng dặn dò đủ thứ, nào là phải relax đừng lộ vẻ căng thẳng mọi thao tác đều nhẹ nhàng từ tốn, vấn đề là phải hết sức bình tĩnh trong mọi tình huống và nhớ... đeo đôi bông tòn teng (!?) khi ngồi cạnh giám khảo. Tôi chưng hửng với lời nhắc nhở như đang giỡn này và được ông giải thích “đeo bông tòn teng đi thi có cái lợi là khi giám khảo cúi xuống ghi chép, ổng ngẩng lên thấy đôi bông lúc lắc, có nghĩa là biết mình có nhìn quan sát chung quanh để chạy cẩn thận, vậy là ổng cho đậu chớ sao” Tôi phá lên cười ,thiệt tình cao kiến, xin bái phục sư phụ.

Trước giờ thi sư phụ lại nói nhỏ “cẩn thận nhe, chị gặp ông giám khảo khó nhất đó” khiến tôi hơi bối rối, dặn lòng phải cố gắng thôi, chiếc xe lăn bánh nhẹ nhàng đúng lộ trình đã biết trước, bài tủ không sai một dấu phết, suốt một đoạn đường có vẻ êm xuôi. Lần đó tôi được điểm đậu gần như tuyệt đối. Mừng thì có mừng nhưng tôi thấy như có cái gì không ổn, thấy mình ăn gian khi học bài tủ, đường đi đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng đơn giản vậy đâu, có những tình huống khẩn cấp mà mình không vững tay lái thì tiêu diêu miền cực lạc ngay.

Đây là bài học đầu tiên trên nước Mỹ mà tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để khó khăn lắm mới đạt được. Tôi khuyến khích những người lớn tuổi hãy can đảm đi thi, bên này không biết lái xe thì như người cụt cẳng, đi đâu cũng phải nhờ cậy đón đưa phiền lắm. Như tôi nè thi hoài cả hai năm trời mới đậu đấy. Đã sao?

Có lần đứng lớ ngớ ở phòng DMV, một ông coi cũng bảnh bao tới hỏi nhỏ người bên cạnh “ở đây chi bao nhiêu để có bằng lái?” Tôi nhìn ông ta không chút thiện cảm, xin đừng mơ màng theo kiểu “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ  mua được bằng rất nhiều tiền’ của những người  quen thói chụp giựt, nhũng nhiểu hối lộ như bên VN. Quên đi cái vụ mua bằng hay làm bất cứ điều gì sai trái không chính đáng. Ở đây không ai sống trên và sống ngoài vòng pháp luật,  có thể bị đi tù vì lời đề nghị sổ sàng này đấy ông bạn ạ!

Sống ở bển lâu quá nên tôi hay dè dặt khi đụng chuyện với chính quyền côn an ở VN, chuyện nhỏ thì họ hầm hừ gay gắt, chuyện lớn thì đằng đằng sát khí như thể nuốt sống đối phương và dĩ nhiên mấy vụ chặn xe đòi tiền mãi lộ là chuyện chai mặt xảy ra thường ngày. Còn ở đây thì ngược lại, có lần chứng kiến tận mắt nghĩa cử dễ thương của chàng cảnh sát công lộ khiến tôi tâm phục khẩu phục quá chời.

Con gái tôi lái xe từ tiểu bang khác qua đây, trời tối đường lạ trên freeway khiến con bé sang lane hoài để tìm lối exit, bất ngờ tiếng còi hụ ở phía sau và cái giọng ồm ồm trên loa của cảnh sát kêu stop giống như trong phim hình sự khiến con nhỏ rụng rời, nó vội vàng tấp vô lề, hạ kiếng xuống và ngoan ngoản đặt tay lên volant, tôi trấn an nó bình tỉnh mà tôi cũng run, viên cảnh sát vui vẻ thò đầu vào hỏi chuyện nhưng thật ra anh ta muốn biết chắc là có nghe mùi rượu không? Sau khi xem giấy tờ và nghe con bé giải thích là bị lạc đường, cần tìm lối ra đường chính, anh chàng khoát tay “theo tôi”, rồi anh lái xe đi trước dẫn đường vòng vòng hồi thì ra khỏi xa lộ, anh chàng cũng biến trong dòng xe cộ mất hút, chừng đó hai mẹ con mới thở phào hú hồn.

Và còn vài lần đụng độ khác nữa, tuy không nghiêm trọng nhưng được giải quyết hợp lý hợp tình khiến trong mắt tôi thì hình như viên cảnh sát Mỹ nào cũng dễ thương hết. Luật giao thông ở đây theo nhận xét của riêng tôi thì mang tính răn đe hơn là trừng phạt, đôi khi còn có lòng bao dung che chở chứ không phải truy cùng đuổi tận.

Có thể tôi chủ quan mà nói như vậy, nhưng nếu bạn là con cá vừa thoát khỏi vũng bùn để được bơi trong sông dài biển rộng thì chắc bạn cũng nghĩ như vậy thôi.

Đã nói là luật thì phải nghiêm minh và công bằng, sống ở bển quá lâu với nhiều thứ luật bất thành văn mang tính khủng bố, trấn áp khiến người dân không còn tin cậy để thượng tôn pháp luật, từ đó cuộc sống luôn cảm thấy bị đe dọa bất an. Mọi rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến ai cũng nơm nớp lo sợ, sống như vậy thì khác nào địa ngục.

May mắn thay cho tôi và cho những ai có cơ hội sống trên đất nước Tự Do này, được hưởng lợi từ nền văn minh Dân Chủ của xứ Tư Bản giẫy hoài mà không chết để thấy nhân cách mình được tôn trọng, tính mạng được bảo toàn, hãy coi cách người Mỹ yêu quý chăm sóc từng con chó con mèo thì biết, huống gì con người còn được đặt để ở vị trí cao hơn nữa, hãy coi những chính sách xã hội ưu ái dành cho người già và trẻ con ở xứ Mỹ thì biết. Thật lòng tôi đặt niềm tin vào đất nước này, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên!

Trần Ngọc Ánh

Ý kiến bạn đọc
01/10/201803:45:29
Khách
Thật khâm phục ý chí kiên cường của tác giả! Chúc cô nhiều niềm vui và an lành trên đất nước tự do. 🙂
01/10/201801:49:20
Khách
Việt nam dưới chế độ khỉ Trường sơn, hang Pắc Bó chế biến được gì?

* 06/01/2014- Ước tính Việt Nam nhập vài chục ngàn tấn tăm, đũa từ Trung Quốc trong năm 2013 . Cách đây 3 năm, lượng tăm nhập khẩu vào VN là trên 1100 tấn/năm.

* Trong thời chiến ? Cộng sản Hà nội được đế quốc Tàu cộng cung cấp đủ mọi thứ từ cây kim, sợi chỉ, gói mì, nón cối cho đến vũ khí, đạn dược :

Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam CS tại Quảng Châu bàn về quan hệ Việt – Trung thời kỳ chiến tranh : Những người ở lứa tuổi tôi hiện nay đều không quên những viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em cho chúng ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ vũ khí đạn dược đến gạo ăn vải mặc, từ ô tô, tầu thủy, máy bay đến chiếc xe đạp, máy khâu, từ gói mì chính đến cái kim sợi chỉ…, không sao kể hết.
30/09/201813:19:58
Khách
Trích: “Thật lòng tôi đặt niềm tin vào đất nước này, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”.
Tôi đi vượt biên tổng cộng 6 lần không thoát. Mợ tôi sau cùng đóng tiền bán chính thức cho tôi đi lần cuối cùng.
Lần đầu bị thị đội Vũng Tàu gài. Chúng cho mọi người núp trong bãi sậy ban đêm rồi khuya lên tàu ra khơi như thiệt. Buổi sáng chúng nói đã tới hải phận quốc tế nên mời mọi người lên trên ngắm đất nước VN lần cuối. Tôi nhìn theo hướng chúng chỉ mà nước mắt cứ trào ra. Anh Nhơn nói to: Tao sang Mỹ sẽ xin cái bom CPU bay về thả ngay vào Ba Đình Bắc Bộ Phủ cho chúng chết mẹ hết để mình có cơ hội về lại VN. Vào tù vượt biên, tối tối anh bị chúng kéo lên thị đội đánh thổ huyết.
Lần cuối đi bán chính thức, khi được thông báo tàu đã ra tới hải phận quốc tế, tôi cũng nhìn về hướng VN và rưng rưng nước mắt khóc thầm như chị.
Gần 40 năm sống trên đất nước tự do này, tôi đã có được tất cả những gì mình tính toán và ước mơ. Chỉ có mong đợi ngày về quê hương là không.
Năm 2013 tôi làm cho một hãng máy bay trên Wichita, Kansas. Một phái đoàn Âu Châu qua thăm hãng. Đứng đầu phái đoàn là một thanh niên VN chưa quá 40, nói đươc ba ngôn ngữ: Anh, Pháp và Đức. Sau buổi họp, giờ lunch, y kiếm tôi và tự giới thiệu bằng tiếng Việt rõ ràng: Em đi họp nhiều nơi khắp thế giới, nơi nào em cũng gặp kỹ sư VN mình. Tôi cũng rất hãnh diện về y nên rủ: nơi đây có phở Hiền ăn rất ngon, chiều nay anh tới Hotel đón em. Mình sẽ nói chuyện VN thật nhiều.
Năm 1999, Boeing gửi tôi qua Nam Cali để mang toàn bộ chương trình Space Shuttle về Houston hầu sát nhập với chương trình Space Station sau khi Boeing mua lại phân xưởng không gian của Rockwell. Tôi được quyền vào coi toàn bộ tài liệu của Rockwell nên rất hãnh diện khi thấy những họ Nguyễn, Lê, Phạm, Trần, Phan, Lý, Cao, Bùi,… trong nhiều tính toán. Tôi dám khẳng định kỹ sư VN đã góp phần không nhỏ trong cấu trúc và hình thành phi thuyền con thoi lẫn trạm Không Gian Quốc Tế.
Vậy mà giờ đây đất nước VN của tôi không chế nổi cái xe gắn máy, xây cái cầu cho con cháu tôi khỏi phải bơi qua sông đi học. Đây là cái nhục lớn nhất của những người có kiến thức kỹ thuật mặc dù tôi đã đặt đúng niềm tin và thương yêu vào đất nước này như mọi người.
29/09/201819:09:37
Khách
Đọc nội dung và lời văn thì không thấy có chỗ nào có thể chê được. Nữa là lại có thêm dăm câu dí dỏm.

Tôi thật là may mắn không phải sống chung với lũ khỉ Trường sơn, hang Pắc Bó , nếu không thì không chết vì cơn máu uất thì cũng mắc chứng trầm cảm kinh niên buồn bã cho mệnh bạc phải sống với lũ cờ Máu Quỷ Đỏ.
29/09/201816:57:56
Khách
Cám ơn tác giả đã chia sẻ một bài viết hay.
29/09/201815:49:10
Khách
Mong sao tất cả mọi người đều có cách suy nghĩ có trách nhiệm, tình nghĩa và tinh thần lạc quan như chị. Việt Nam? Một sự hỗn loạn tột cùng, vô lý, vô đạo đức, vô giáo dục, vô nguyên tắc... . Quả đúng như các lãnh tụ đã muối mặt mở quác miệng tuyên bố "Vietnam đứng vào hạng nhất thế giới..."! Nói năng chi cũng thừa!!! (So sánh chúng với thú vật là làm nhục thú vật đó!)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến