Hôm nay,  

Nói Tại Câu Lạc Bộ Diễn Thuyết

15/09/201800:00:00(Xem: 9648)
Tác giả: Như  Ý Crystal H. Vo

Bài số 5497-20-31304-vb7091418

 
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức  Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư  tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.

1_nhu-y
Cô bé 15 tuổi ốm o tại Trại Tị Nạn Galang II năm 1986.

2 Nhu Y
Tác giả nhận danh hiệu người nói xuất sắc nhất tại câu lạc bộ Toastmaster.


***
 

Hôm qua, thêm một lần, tôi lại được các thành viên của câu lạc bộ diễn thuyết “Toastmaster” bình chọn là một trong bốn người nói hay nhất trong đêm diễn thuyết. Đây là lần thứ nhì trong tháng này tôi được chọn. Lần thứ nhất là bài diễn thuyết đầu tiên tự giới thiệu mình và lần này là bài tiếp theo.

Có lẽ do hồi nhỏ không có quyền khóc hay phát biểu ý kiến nên từ ngày được sống trên đất nước tự do, tôi hằng mơ ước được nói và được viết. Nhu cầu được viết, được nói đối với tôi cũng cần thiết như được hít thở không khí trong lành!

Vẫn còn nhớ vào mùa hè 1986 ở trại tị nạn Galang II, tôi, một con bé ốm nhom và đen thui được yêu cầu nói chuyện trước khoảng 30 bà con và bạn bè trước khi đi định cư ở Hoa Kỳ. Trước đêm đó, tôi có soạn bài. Lúc nói hơi bị cảm động nhưng cũng diễn đạt được ý.  Đó là lần đầu tiên trong đời tôi phát biểu trước đám đông. Sau đêm đó bà cô ở chung khen tôi nói hay và làm xao động lòng người.

Cũng nhờ lời khen của bà đã làm cho tôi có nhiều tự tin ở chính mình sau này mỗi lần đứng lên diễn thuyết trước đám đông. Thế mới biết, những lời nói khuyến khích rất quan trọng vì nó có có thể ảnh hưởng cả một đời người. Nếu như ngày ấy bà cô tỏ ý chê lời phát biểu đầu tiên, liệu tôi có nhiều tự tin cho những lần đứng nói trước đám đông như bây giờ không?

Về sau, mỗi lần phải phát biểu trong trường đại học ở Mỹ, tôi đều tập dợt nhiều lần. Lúc bấy giờ tiếng Anh của tôi chỉ vỏn vẹn có đôi ba từ nên mỗi lần muốn nói phải tập rất khó khăn. Nhờ vào chịu khó và chuẩn bị, mỗi lần phát biểu tôi đều được cả lớp chú ý và đạt điểm cao,nhờ vậy tôi rất thích thú về môn diễn thuyết trong tất cả các môn học trong trường.

Gần mười năm sau khi trở thành nhân viên của sở xã hội, tôi thành lập một nhóm bạn văn chương. Mỗi tháng chúng tôi chia sẻ những bài thơ văn của mình cho các bạn đồng nghiệp vào lúc họp hàng tháng.  Những lần giới thiệu thơ văn trong hội, tôi rất vui được sự ủng hộ và khích lệ.

Lúc bấy giờ là năm 2010, thấy tôi rung rung mỗi lần phát biểu trước đám đông, bà phó giám đốc giới thiệu cho tôi đến với Toastmaster, (một trong những câu lạc bộ diễn thuyết được hình thành khắp nước Mỹ và trên thế giới nhằm giúp đào tạo và cải thiện tài năng nói trước công chúng cho những nhà diễn thuyết và lãnh đạo…).

Lập tức tôi nghe lời bà và ghi danh đến với hội ở West Covina.

Mỗi chiều chủ Nhật dù nắng hay mưa tôi đều chạy xe khoảng 30 phút trên xa lộ 60 để học. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, kỹ năng diễn thuyết của tôi đạt khá chuẩn. Đã hai năm liền tôi vượt qua những người trong hội toàn là dân bản xứ và thắng giải khi thi lên bậc cao hơn. Lòng đầy tự tin, tôi muốn trở thành một người diễn thuyết chuyên nghiệp. Tôi tìm hiểu và biết được những diễn giả chuyên nghiệp đều ra sách hay CD để bán hầu tăng thêm uy tín. Thế là tôi ngừng sinh hoạt trong Toastmaster và cố gắng tập viết tiếng Anh. Đến nay tôi đã xuất bản được hai quyển sách tiếng Anh và bắt đầu trở lại với câu lạc bộ.

Lần này tôi tìm hội diễn thuyết gần nhà hơn. Mỗi tháng chỉ sinh hoạt hai đêm trong tuần sau giờ làm việc và tôi bắt đầu chính thức có mặt ở hội vào tháng Bảy vừa qua.

Chiều thứ Hai, 13 tháng 8 vừa qua có hơn hai mươi cặp mắt hướng về tôi khi tôi bước lên diễn đàn. Tim tôi đập  nhanh.

“Xin lỗi! Xin cho tôi một phút,” tôi nói một cách lịch sự. “Hít một hơi thở thật sâu vào nào,” tôi tự nhắc nhở thầm với chính mình. Mạnh dạn tôi nói: “Xin kính chào các thành viên của câu lạc bộ Toastmaster. Tôi là ai? Tôi là một người mẹ, người vợ, người con, người chị và cũng đã là một... bà ngoại.” Trong khán giả mọi người có một cái nhìn ngạc nhiên. Nở một nụ cười tươi tôi nói tiếp: “nhưng cháu tôi chỉ gọi tôi bằng ‘Nana’ mà thôi.”

Từ lúc này, tôi thấy trái tim mình đã từ từ trở lại nhịp đập bình thường. “Tôi là một nhân viên của sở xã hội Quận Hạt và cũng là một người đam mê cầm viết. Tôi đã viết hơn 18 năm nay. Trước hết tôi viết để khoây khỏa tâm hồn, sau một thời gian nếu một ngày thiếu viết tôi thấy hình như mình thiếu thốn điều gì đó. Thế là tôi có nguyện vọng trở thành nhà văn và tự học viết bằng tiếng Việt trong một thời gian dài. Sau đó tôi chuyển qua học tiếng Anh để viết nhưng nó là một quá trình gian nan, vì từ lâu chỉ quen đọc, nói và viết tiếng Việt. Thế là phải tạm rời xa những gì tôi yêu quí để theo đuổi tiếng Anh. Sau một thời gian cố gắng tôi đã tự xuất bản hai quyển sách bằng Anh ngữ.”

Nói tới đây, tôi cầm quyển sách thứ hai lên và đọc tựa đề: “Finding My Voice - A Journey of Hope.” Tôi nói sách này hiện có bán tại amazon.com và xin phép cho tôi đưa quý vị đến sự khởi đầu khiêm nhường của mình.

“Tôi sinh vào năm 1970 ở Việt Nam trong thời chiến tranh. Ký ức đầu tiên của tôi là chuyện chạy giặc vào tháng Tư, 1975, cùng với đứa em trai đến chiếc trực thăng vào một ngày u tối.  Khi ấy tôi chỉ mới lên năm tuổi và em nhỏ hơn tôi một tuổi. Đó là một cảnh hỗn loạn, người người xô đẩy lẫn nhau và không may cái bình nước đeo vào cổ của tôi bị tung nắp ra làm cho người tôi bị ướt đẫm. Cái ướt trong người, sự hỗn loạn bên ngoài không so sánh bằng sự kinh hoàng khi nhìn má tôi đứng trước cửa của chiếc trực thăng với cái bụng bầu to la hét nhưng không một ai đưa bà lên. Tôi kinh hoàng chạy đến bên má nhưng họ giữ tôi trở lại. Khi cánh cửa  trực thăng khép lại là lúc tôi khóc thảm thương vì nghĩ má tôi bị bỏ lại vĩnh viễn!”


Trong khi nói, tôi có cầm theo tờ giấy ghi chú để “nhắc tuồng” nhưng không hề nhìn đến nó. Tôi diễn thuyết theo trật tự trong ký ức. Tôi kể tiếp: “Không bao lâu má của tôi được đoàn tụ với gia đình và bà hạ sanh một em gái. Trong lúc chạy giặc gia đình tôi đã đánh mất tất cả của cải để rồi chỉ còn đôi bàn tay trắng. Trong mười năm sống ở Việt Nam sau 1975, là những năm thiếu thốn, nghèo khổ. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh khốn cùng do bất công  mà ra và tôi thường mơ ước được sống ở một vùng trời nào đó bình an sung túc. Vì vậy nên tôi đã mạnh dạn bỏ nước ra đi khi có cơ hội.”

Tôi đã nói với khán giả ngay từ đầu rằng tôi có một cuộc sống phức tạp và thú vị mà không thể tóm tắt trong vòng sáu phút (đây là quy định của bài diễn văn giới thiệu đầu tiên). Do đó, đối với những người quan tâm đến bài phát biểu này, xin hãy quay lại cuộc họp mặt lần sau để nghe phần cuối của câu chuyện. “Tốt hơn hết, xin hãy mua sách của tôi để biết thêm chi tiết đầy đủ,” tôi nói và nâng nó lên khỏi bàn trước mặt của mình.

Mỗi một thành viên mới của câu lạc bộ phải phát biểu giới thiệu về mình. Thật không dễ để lộ tâm hồn mình với những người xa lạ. Trong lúc nói bỗng dưng tôi thấy một cô gái Mỹ lau nước mắt. Đó là khi giọng nói của tôi bị ngẹn ngào vì xúc động cho người đã hiểu nỗi đau tôi đã trải qua. Cố gắng lắm tôi mới tiếp tục trình bày hết.

Sau một tràng pháo tay,  khi trở lại chỗ ngồi của mình, cô chủ tịch câu lạc bộ tới thì thầm vào tai tôi: “Đó là một bài diễn văn hay và thật cảm động.”  Tôi nở một nụ cười thay cho lời cảm ơn.

Sau đó họ mời một người diễn thuyết tiếp theo. Cô ta cũng là một thành viên mới của hội. Khi Toastmaster gọi tên cô, cô ngượng ngùng trả lời, “Tôi chưa sẵn sàng.” Lúc đó tôi cảm thấy hơi thất vọng vì nếu không có người cạnh tranh thì tôi sẽ không dành được ribbon  đêm nay. Nhưng ngay sau đó Toastmaster yêu cầu một tình nguyện viên cho một bài phát biểu ngẫu nhiên. Một trong những thành viên cũ đã và đang có mặt là một ông Mỹ trắng. Ông sinh hoạt trong hội nay đã được 43 năm. Tôi nghĩ bản thân mình sẽ rất khó để giành phần thắng.

Sau đó chúng tôi tạm ngưng hai mươi phút giải lao. Trong lúc đó có hai thành viên đến gặp tôi và chúc mừng. Họ hỏi mua sách và xin chữ ký. Rất vui khi nghe họ muốn mua sách và tôi hứa sẽ mang thêm sách vào lần sau họp mặt. Ông Mỹ trắng cũng đến gần nói chuyện với tôi. Theo tôi đoán ông ấy đã ngoài tám mươi, nhưng ông có một tâm trí thật sắc bén như những thanh niên ở tuổi 30. Tôi nghĩ nhờ thường xuyên sinh hoạt lâu dài trong hội đãgiúp ông giữ trí óc của mình minh mẫn như thế.

Vào cuối cuộc họp, tất cả các phiếu bầu đã gom lại. Tôi hơi hồi họp. Khi họ gọi tên tôi đến bục giảng cho người nói hay nhất đêm nay, trái tim tôi tràn đầy niềm vui! Tôi xúc động khi bắt tay toastmaster và nhận ribbon. Bên dưới có vài người chụp hình làm lưu niệm.

Trên đường chạy xe về nhà đêm đó, lòng tôi vui như ngày hội.

 

*

Tối thứ Hai 27 tháng Tám, tôi lại trở lại câu lạc bộ để diễn thuyết phần sau. Trước đó một tuần tôi đã bắt đầu suy nghĩ, viết, và thực tập. Tôi muốn có một kết luận thật hay để thu hút những người nghe. Vì thế tôi đã bỏ ra vài bữa ăn trưa đến tập và tự kiểm tra thời giờ.

Kỳ này đứng trước mọi người tôi không còn run nữa. Câu nói đầu tiên của tôi là: “Xin hỏi quí khán giả, năm 15 tuổi quí vị có nhớ mình đã làm gì và đang ở đâu không?” Nhìn quanh không nghe tiếng trả lời, tôi nói tiếp: “Năm tôi mới mười lăm tuổi, tôi đã bỏ nước ra đi. Tôi thật ngây ngô vì nghĩ rằng khi rời khỏi Việt Nam tôi sẽ đến một thiên đàng. Nhưng nếu tôi hiểu biết như ngày hôm nay, có lẽ tôi sẽ không dám ra đi vì có rất nhiều thuyền nhân Việt Nam đã không may bị giết chết và hảm hại bởi hải tặc Thái Lan. Vô số người đã bị chết đói và khát vì tàu bị lạc đường và sóng gió đã làm chìm tàu. Số tôi may mắn đến được bến bờ tự do bình an sau năm ngày đêm lênh đênh trên mặt biển.” Tôi kể đến sự thiếu thốn thức ăn nước uống trên tàu. Đêm đêm tôi không có một chiếc áo len. Thế nên tôi dùng màn trời làm mền và sàn tàu làm chiếu.

Nói đến đây cả phòng họp im phăng phắc. Mọi người nhìn tôi với cái nhìn thật kinh ngạc và thiện cảm. Tôi kể tiếp rằng sau khi đến bến bờ tự do là một thử thách lớn cho tôi vì khác ngôn ngữ và tập quán. Nhưng không có sự khó khăn nào lớn hơn là nỗi nhớ nhung gia đình da diết. Tối ngày tôi cứ buồn tủi và khóc hoài không thôi. Cho đến gần năm năm sau, tôi mới tự hứa với mình can đảm lên để sống lành mạnh. Và nhờ thế tôi đã chú tâm để học thành tài rồi ra đi làm cũng như ai. Nhưng trong tôi vẫn thiếu vắng một điều gì đó, cho đến khi tôi được cầm bút để... gỡ rối tơ lòng.

Kết thúc bài nói chuyện, tôi hỏi khán giả đã tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống chưa. Nếu chưa thì xin tự lắng đọng tâm hồn mình và hỏi lòng trên đời này điều gì khiến họ thức dậy mỗi sáng hân hoan để làm. Tôi nghĩ nếu mình có sự đam mê lành mạnh thì cuộc sống của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa.

Sau cùng là phần bầu chọn diễn giả giỏi nhất trong đêm. Một lần nữa tôi lại nhận ribbon với sự hân hoan. Đêm đó có tất cả bốn người tham dự. Vài người đến xin mua sách và chữ ký trong đó có cô chủ tịch. Tôi hy vọng cô sẽ thích quyển sách và giới thiệu cho các thành viên trong hội.

Con đường của tôi trở thành một nhà văn và diễn giả  được nhiều người yêu thích vẫn còn dài. Dẫu có khó khăn và gian nan cách mấy, lúc nào tôi cũng luôn luôn cố gắng hết sức mình.

Vì nhờ sống ở xứ tự do, tôi có thể phát biểu những lời tự đáy lòng. Tôi có thể đại diện hàng trăm người nói đến cái khốn khổ, sự bất công, bất bình trong xã hội mà không sợ bị cảnh sát đến nhà bịt miệng.

Quyền nói là quyền tối thiểu của con người. Tôi cầu sao trên đời này sớm giải tán mọi chế độ Cộng Sản độc tài trên thế giới để loài người có thể thật sự sống trong không khí tự do và hạnh phúc.

08-28-2018

Như Ý Crystal H. Vo

Ý kiến bạn đọc
18/09/201818:40:24
Khách
Nghe anh Van Tran kể mà Như Ý hình dung ra được một cảnh tượng thật hãi hùng! Thật thương tâm cho hai mẹ con xấu số! Cầu xin cho linh hồn của họ được siêu thoát. 🙏🙏🙏
18/09/201816:45:44
Khách
Hy vọng sẽ có dịp nào đó cô Như Ý thuật lại cho người Mỹ câu chuyện thương tâm dưới đây:
Chiến trận Quảng Trị 1972 - Bác sĩ quân y Nguyễn Ngọc Ẩn :...Một người mẹ đang bế một đứa bé độ chừng 6, 7 tháng, đi quá giang ngồi trên nóc chiếc xe thiết vận xa M113, cùng ngồi trên đó với chị còn chen chúc rất nhiều người khác. Khi đạn pháo kích của cộng sản bắt đầu nổ, chiếc xe thiết vận xa bổng quẹo ngang đột ngột - không ai hiểu anh tài xế định làm gì - Anh muốn chạy ngõ khác chăng ? Hay anh muốn quay trở về đường cũ? Chỉ biết có điều hai mẹ con bị xe giật bất ngờ rơi cả xuống đường, đứa bé vẫn còn trong tay mẹ nó. Chiếc xe vẫn còn tiếp tục giật lùi và bánh xích bắt đầu nghiến lên chân người mẹ. Người ta la ó rùm trời, người ngồi trên xe thiết vận xa lẫn kẻ trên đường ai cũng đều cố báo cho anh tài xế biết để anh ngừng lại nhưng... ai đã từng thấy xe M113 quẹo ngang mới thấy nó nhanh như thế nào. Và trí óc người mẹ cũng hoạt động nhanh như thế nào. Chỉ trong một tích tắc chót của cuộc đời, bánh xe đang nghiến dần lên mình bắt đầu từ chân mà người mẹ vẫn còn cố đẩy đứa bé lên phía đầu bà với hy vọng là nó sẽ ra ngoài tầm thụt lùi của chiếc xe ! Người đàn bà và đứa bé bị bánh xích xe nghiến dần bắt đầu tứ phía chân người mẹ lên cho đến qua khỏi đầu bà, hai tay bà vẫn còn giơ lên như cố đẩy đứa bé ra khỏi cái bánh xích nhưng rồi... cả hai mẹ con, tất cả đều bị bánh xích nghiền nát. Tiếng xương người bị cán rụm kêu lắc cắc và hình ảnh của máu thịt nhầy nhụa trên đường cũng như dính theo những mắc xích từ hai mẹ con trước đó một phút còn sống bình thường như mọi người là một hình ảnh vô cùng kinh khiếp tưởng chừng không bao giờ xóa mờ trong ký ức tôi được. Tôi cúi gục đầu xuống cát trong tâm trạng đớn đau vô biên của một hoàn cảnh bất lực.
18/09/201813:06:43
Khách
Anh Van Tran: anh nói đúng lắm. Xưa nay mỗi lần thấy ai đau khổ Như Ý đều động lòng. Lúc bấy giờ trong lớp học về sử chiến tranh Việt Nam, NY khóc sùi sụi khi coi những cảnh đau thương do chiến tranh mà ra. Thế nên NY mới có nguyện vọng giúp dân mình trong nước. Nhưng sau này biết được nó không đơn giản như mình nghĩ. Tuy không hoạt động trong bất cứ chính trị nào, NY luôn nghĩ đến dân nghèo trong nước và luôn mong ước giúp họ bằng cách này hay cách khác. ❤️
18/09/201803:14:23
Khách
Cô Như Ý : Trời sinh ra mỗi cá nhân có một sở thích riêng, một tính nết riêng. Nên không phải ai cũng thích theo dõi thời cuộc. Và không phải ai cũng có khả năng dấn thân hoạt động chính trị. Và khi bước vào con đường chính trị mà tính toán sai lầm thì có thể bị dẫn đến con đường tù tội hay tiêu tan thanh danh, sự nghiệp, hoặc đưa đất nước vào thảm họa chiến tranh, nghèo đói , chớ không phải dễ dàng .
16/09/201815:07:00
Khách
Nói nhỏ Van Tran nghe ngày trước học về chính trị, Như Ý có mộng làm một nhà đại sứ cho Việt Nam. Rất tiếc cuối cùng trước khi học xong, NY đã đổi ý vì thấy mình không có thích hợp trong chính trị. Tuy nhiên lúc nào cũng để ý và quan tân đến chính trị toàn quốc.
16/09/201815:01:25
Khách
Em cám ơn chị Ngọc Anh nhiều lắm!
16/09/201814:45:20
Khách
Tôi đã không biết gì về câu lạc bộ“Toastmaster” mãi cho đến khi đọc bài này. Vào google thì thấy tiểu bang nơi tôi cư ngụ cũng có chi nhánh của tổ chức này.

Ca ngợi " đại sứ" Như Ý Crystal H. Vo đã trình bày cho người bản xứ biết về vấn đề người tỵ nạn Việt nam.
15/09/201816:42:16
Khách
Bài viết thật thà, dễ thương, tràn đầy niềm tự tin và ý chí muốn tiến tới với đam mê. Tác giả đã kiên nhẩn tập nói, tập viết, hướng lòng mình theo con đường đã vạch ra, vì vậy sự thành công sẽ không khó. Chúc em mọi điều như ý .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến