Hôm nay,  

Thăm Quận Cam, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ

01/09/201800:00:00(Xem: 11753)
Tác giả: Susan Nguyễn

Bài số 5482-20-31289-vb7090118

 
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, xin mời đọc bài viết của Susan Nguyễn. Bà là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, tác giả đã nhận giải Hồi Ức  50 năm trận chiến Tết Mậu Thân.

 
 ***
 

Hôm sang Cali lãnh giải thưởng Hồi Ức Mậu Thân của Việt Báo và Lê Quý Đôn Foundation, tôi có dịp đi thăm bạn bè bà con quanh quận Cam và ở nhà người anh con bác ruột.

 Sang nhà anh bạn chơi thấy một dàn bầu sao trái chi chít rất đẹp. Chị vợ tố khổ: "Trồng được mấy cây bầu sao, tốn hết mấy trăm mua gỗ và cọc sắt làm giàn cho bầu leo, chụp hình đem khoe Facebook, rồi phải tốn tiền xăng chở đi cho, rồi lại tốn tiền gởi xe đò xuống San Jose cho niên trưởng, bạn bè !"

Càm ràm vậy mà mặt chị tươi như hoa và nói nhỏ với tôi:  "Nhờ vậy mà anh vui và khỏe ra đó em. Từ hồi về hưu, có giàn bầu, anh lăng xăng suốt ngày ngoài trời. Sức khỏe tốt thêm, máu mỡ huyết áp chi cũng trụt xuống hết, chị rất mừng ". Ra về, anh chị còn dúi cho trái bầu và thẩu tôm chua tự làm.

Tại nhà anh chị tôi, tôi rất xúc động khi nhìn thấy những cây trái của Việt Nam như vải, nhãn, rau bồ ngót, ớt tím, đám rau lang bò trên mặt đất dưới bóng cây chanh ở nhà anh chị. Cali người đông, chỉ có miếng đất tí xíu sau vườn mà anh chị cố gắng trồng mỗi thứ một ít cho đỡ nhớ quê hương. Chị cười bảo: "Cô ơi, Cali bị hạn, chị trồng mà sợ tốn tiền nước tưới! Chị phải tiết kiệm từng xô nước rửa rau, tráng chén để xách ra vườn tưới đó. Nhưng mỗi chiều đi làm về thấy anh ra vườn ngồi nói chuyện với thằng con trai út về những cây trái ở ngôi Từ Đường của ông bà Nội là chị quên hết mệt nhọc. Chứ mùa hè ở đây, ra chợ không thiếu thứ gì mà lại rẻ nữa".

Chị dâu người Bắc 54, thế mà khi lấy chồng Huế thì cũng tập tành làm bánh lọc, bánh nậm không khác chi mấy o gái Huế. Lần trước tôi sang thăm anh chị vào dịp Tết tôi thấy trong nhà không thiếu thứ gì cả. Bánh tét tự gói, dưa món tự làm, còn thẩu dưa cải vàng ươm ở góc bếp nữa. Ôm lấy chị mà nước mắt ứa hai hàng "Chị làm em nhớ Mạ em quá thể, chị chìu chồng, thương con, và giỏi giang y hệt Mạ em".

Lần đó, tôi được xem diễu hành ở phố Bolsa với sự góp mặt của nhiều cộng đồng nói lên sự đoàn kết vững mạnh của đồng bào hải ngoại với đầy đủ nét truyền thống. Đoàn múa Lân, đoàn các em nhỏ tập võ thuật, cờ Việt cờ Mỹ rợp trời, những tà áo dài đủ màu sắc tung bay trong buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Ngay cả đoàn Vhog chạy motobikes cũng diện quốc phục nhìn rất ngộ nghĩnh đáng yêu.

Nhìn lại, tôi thấy ở Việt Nam bây giờ những truyền thống xưa đã dần bị bỏ quên, hầu hết mọi người bây giờ chạy theo cuộc sống đua đòi. Người Việt lưu vong thì lại lo giữ gìn từng gốc rễ, những lớp Việt ngữ được tổ chức để giúp các em sanh đẻ bên này nói, viết tiếng Việt để dễ tìm hiểu về cội nguồn dân tộc.

Mùa Hè năm nay đi dự lễ phát giải thưởng Việt Báo, tôi nhận thấy được rất nhiều công sức, nỗ lực của ban tổ chức, của các cô chú, các anh chị em cố gắng chung tay duy trì chương trình "Viết Về Nước Mỹ" mà tôi tin rằng mục đích lớn nhất là

"Tiếng Việt còn, Nước Việt còn ".

Nhìn những khu vườn rau trái đầy tình tự Việt Nam ở quận Cam, tôi lại bồi hồi nhớ khu vườn của Ba Mạ tôi ở Huế, cách đây trên dưới sáu mươi năm.

Thuở xưa, Mạ tôi về với Ba lúc mới 18 tuổi. Chừng ấy tuổi nhưng Mạ giỏi lắm, đã biết buôn bán làm ăn, đã biết đi buôn hàng chuyến từ Hà Nội vì nhà Ngoại vốn có cửa hàng buôn bán ở Bến Ngự. Ông Ngoại là một cậu Ấm, suốt ngày chỉ vô ra trà lá, chơi chim cây cảnh, không chu cấp về kinh tế cho gia đình nên bà ngoại phải bươn chải buôn bán làm ăn, cũng vì vậy nên cô Tôn nữ  là Mạ đã sớm ra đời phụ mẹ buôn bán nuôi bầy em nhỏ ăn học.

Phủ nhà Ông Bà Ngoại ở Vỹ Dạ, đối diện chênh chếch với Phủ Tuy Lý. Dọc đường từ đập đá về Vỹ dạ ven bờ sông Hương này toàn là phủ đệ được Ngài Tuy Lý ban cho con cháu như nhà ông Ưng Uý (cha của nhà bác học Bửu Hội), ông Ưng Quả (cha của nghệ sĩ Quỳnh Giao), ông Ưng Thiều (cha của hai cô Phùng Khánh, Phùng Thăng – hai nữ dịch giả nổi tiếng của miền Nam VN), và ông ngoại của Mạ là ông Ưng Tịch, anh em chú bác ruột với ông Ưng Thiều.

Ba tôi người làng Ngọc Anh, có bà con xa với Bà Ngoại. Ba làm thư ký cho Toà Án Sơ Thẩm Huế mà thời đó hay gọi là "thầy Thông ". Hằng ngày Ba đạp xe ngang phủ nhà Ông Bà Ngoại. Mối mai xem tuổi sao đó, các đấng sinh thành mới định đoạt chuyện vợ chồng cho "đôi trẻ".

Mạ thì biết mình sắp lấy chồng qua lễ dạm hỏi nhưng chưa biết mặt vị hôn phu. Mặc dù theo luật "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" nhưng Mạ cũng nôn nao nên nhờ cô nhỏ giúp việc điều tra giùm.

Sau khi được báo thời khoá biểu làm việc của Ba, mỗi chiều Mạ lại vạch hàng rào chè tàu để nhìn lén chàng thanh niên mặc bộ veste màu kem, đội mũ phớt trắng đạp xe ngang nhà. Còn Ba thì chỉ thấy thoáng mặt vị hôn thê khi nhà Nội đem lễ hỏi đến và Mạ là người phải bưng khay trà ra để trình diện nhà chồng.

Đám cưới xong, Ba ở rể vì nhà ông Nội ở dưới làng Ngọc Anh không được an ninh cho lắm và vì Mạ đang có cửa hàng tạp hoá ở nhà Ngoại.

Thời gian hạnh phúc không lâu, sau khi có hai đứa con đầu lòng kháu khỉnh được nhà Ngoại cưng chìu hết mực, Ba bị Pháp bắt vì hoạt động Việt Minh. Ba bị tù ba năm ở Thanh Liệt, Hà Đông.

Lúc trở về, Ba Mạ tiếp tục ở nhà Ngoại cho đến khi sinh đứa con thứ năm, Ba Mạ mới ra riêng và mua nhà đầu tiên ở chợ Mai. Thật ra, Ba thích cuộc sống thôn quê nên dự định về xây nhà trên đất ông Nội nhưng Mạ là người sống nhờ nghề buôn bán nên Ba phải chìu ý Mạ là mua nhà gần nơi thị tứ, đông đúc người qua lại để dễ bề làm ăn.

Từ khi dọn về chợ Mai, Mạ buôn bán ngày càng phát đạt. Sau khi trả hết nợ nhà, Mạ ấp ủ trong lòng mộng ước mua cho Ba một căn nhà vườn để Ba tiêu khiển với cây cảnh, vườn tược. May sao, chỉ một thời gian ngắn sau, có người rao bán một biệt thự cũ của đôi vợ chồng Pháp kiều chỉ cách nhà có vài trăm mét. Không do dự, Mạ tậu ngay cơ ngơi ấy làm quà cho Ba.

Thời ấy, Ba làm việc ở Đà Nẵng, chỉ về nhà vào mỗi cuối tuần và các dịp Tết Lễ mà thôi. Mạ luôn bận rộn với công việc buôn bán nên khi về thăm nhà, sau khi ăn uống, Ba hay đi loanh quanh thăm thú bà con bạn bè. Tôi là con giữa và còn bé nên đi đâu Ba cũng hay chở theo tôi theo để đỡ cho Mạ một tay. Ba hay vào ông Thông Hoàng đánh cờ tướng và bàn luận về chính trị, và tôi đã rảo chơi khắp khu vườn nhà của ôn.

Buổi tối, Ba hay trải cái ghế bố nhà binh ra sân bày cho các con hát những bài hát thời hướng đạo của Ba. Ngày xưa Ba đi sinh hoạt hướng đạo cùng một thời với các thầy Tôn Thất Lôi, Hoàng Chương, Tạ Thúc Thọ... là những người đã soạn ra bộ sách địa lý lưu hành trong các lớp cấp tiểu học.

Ba hay bày chơi trò " Nào động chuyền, anh em ta chuyền động chuyền..." mỗi khi phải phân chia món gì mà không đủ cho số đầu người vì con đông. Mỗi cuối tháng, các anh chị em thi nhau đem sổ học bạ, bảng danh dự, tưởng lệ đem ra khoe với Ba và luôn được thưởng bằng cách "ra tủ két Mạ lấy tiền". Đứa nào được thưởng bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không hơn không thiếu.

Buổi sáng, Ba hay dậy rất sớm để uống trà. Ba có trồng một chậu hoa sói rất lớn và nguyên cả giàn hoa tường vi trên bể cạn để ướp trà. Những chùm hoa tường vi dài có màu trắng ngà vươn ra như cánh tay người thiếu nữ đang xuân và thơm ngát tựa hương người trinh nữ.

Sau khi pha trà xong, Ba nhẹ nhàng ngắt một bông hoa tường vi hay nhành nhỏ hoa sói thả vào bình trà. Bên cạnh cái bình thủy, Mạ bỏ sẵn một dĩa đường phèn nhỏ để Ba nhâm nhi với trà. Thỉnh thoảng tôi dậy sớm, được Ba cho ngồi trên chân, nhón một cục đường phèn ngậm và Ba rung giò cho đến khi tôi ngủ thiếp lại. Tại ngôi nhà đầu tiên ở chợ Mai, ngay chốn thị tứ không có nhiều đất Ba trồng được một caây sa bu chê (hồng xiêm) rất tươi tốt và cho quả rất lớn. Đó là cây lưu niên duy nhất trong nhà, sau này có một cây Lê ki ma (trứng gà) mọc hoang sát hàng rào và cũng tốt không kém. Ngoài ra, Ba còn trồng nhiều loại hoa trong chậu để chưng Tết, mà nhiều nhất là cúc và hoa thược dược đủ màu và một chậu ớt tím cay điếc mũi.

Khi có được ngôi vườn mơ ước, mỗi lúc nghỉ phép, Ba dành thì giờ rảnh đi qua nhà vườn để tu bổ cây cảnh theo ý thích. Ở cổng vào là hai cây Hải Đường trổ hoa rất đẹp vào mỗi mùa xuân. Đi sâu vào trong là cây măng cụt um tùm tán lá mát rượi. Ba trồng thêm hai cây Đào trái đỏ, một dãy mía cam rượu bên hông nhà, cây Thanh Yên để Ba lấy trái ngâm rượu thuốc. Vì đất khá rộng nên Mạ dành nữa vườn trước trồng cau lưu niên cho đỡ công chăm sóc, chung quanh nhà trồng cây ăn trái, sau nhà trồng hoa màu ngắn ngày.


Mỗi một cuối tuần là Ba lại trồng thêm cây mới. Dãy mãng cầu dai phía bên trái nhà, dãy Sa bô chê (hồng xiêm) phía sau. Hai hàng mít hai bên giáp ranh với hàng xóm và đó đây chen lẫn vài bụi sả, mấy cây lá dứa và mấy bụi bông ngót. Cây vú sửa tím cạnh giếng nước và cây khế chua thì đã có tự lúc nào và cho trái đều đặn mỗi mùa.

Căn nhà gạch kiểu Pháp có sẵn trong khu vườn đã dột nát vài nơi vì bỏ hoang lâu ngày. Mỗi lần làm vườn, Ba hay chở cô con gái rượu theo. Sau khi cho tôi yên vị trong nhà, Ba ra chặt 1 cây mía, tiện từng khoanh mỏng, thêm vài món đồ chơi là Ba yên tâm ra vườn làm việc. Một hôm, thấy Ba đào đất để trồng cây trước nhà, tôi hỏi Ba trồng cây gì, Ba bảo là sẽ trồng thêm 2 cây lựu. Nhìn thấy hai cây đào đang ra bông, tôi ê a ngâm thơ "Sen xa hồ, sen khô hồ cạn; Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng". Ba vất cuốc, chạy vào ôm con gái 5 tuổi hôn lấy hôn để và khen "Con gái Ba tra trắng quá". Bây giờ nghĩ lại, không hiểu vì sao tôi có thể nhớ được từng chi tiết đó đối với Ba khi đang còn rất nhỏ. Có lẽ tôi đã linh cảm sẽ mất Ba sớm nên trân quý từng kỷ niệm.

Ngôi vườn dần dần nên vóc nên hình, mấy hàng cau giống Mỹ Lợi trước nhà đã ưỡn mình xanh mướt và bắt đầu đơm bông, hương cau thơm ngát tỏa mùi hương dìu dịu khắp vườn. Hoa lựu đỏ thắm rung rinh theo gió, hai cây đào đã ra quả bé tí bằng đầu ngón tay, hải đường trước ngõ ra những búp non màu đỏ hồng báo hiệu mùa xuân đến. Tôi hay nhặt hoa hải đường, gỡ cánh hoa và dùng nhuỵ hoa làm bông phấn quẹt trên môi trên má rất thích.

Ba chưa hưởng trọn được thành quả của mình thì cuộc tàn sát Tết Mậu Thân đã đưa Ba vào lòng đất lạnh. Mạ mới 39 tuổi, nửa chừng xuân xanh với 9 đứa con dại mà đứa nhỏ nhất hãy còn bế trên tay. Những lúc nhớ Ba, Mạ lên vườn tha thẩn bên những khóm cây Ba trồng và khóc một mình. Cây Ba trồng thiếu người chăm sóc, đã chết dần dần.

Ngôi vườn bỏ hoang cho đến lúc gia đình bác Huân xin vào tá túc khi nhà bác đã bị cháy vì bom đạn. Bác Huân vốn là nông dân lại là gia đình phật tử đàng hoàng nên Mạ giao cả vườn nhà cho bác chăm sóc. Mấy hàng cau trước nhà đã trưởng thành sau một hai mùa cho trái bói. Nhờ có gia đình bác Huân ở nên vườn cây trở nên tươm tất hơn. Mạ để cho bác Huân canh tác thửa đất đằng sau để trồng hoa màu ngắn ngày nên quanh năm nhà luôn có khoai sắn đậu bắp ăn. Riêng vườn cau đằng trước thì Mạ bán theo mùa. Người mua trả tiền trước một lần rồi tự hái từng đợt để đóng hàng đi khắp nơi hay bửa cau khô. Tôi nhớ thời đó cau rất được giá, mỗi mùa cau là Mạ sắm được vài lượng vàng.

Sau khi CS chiếm miền Nam, gia đình bác H. dọn về quê cũ. Với chế độ quản lý đất đai của chính quyền mới, Mạ vội tách ba đứa con đưa vào “hộ khẩu” ở nhà vườn để giữ đất.

Vật đổi sao dời, sau 1975 nhà tôi lại phải sống với cái lý lịch "xôi đậu". Anh cả tôi bị bắt đi từ năm 1968 nay trở lại trong bộ áo bộ đội, trong khi đó Ba bị "Cách Mạng xử lý" cũng trong năm 1968.

Dù có con là “Cách Mạng”, cơ sở buôn bán làm Mạ bị địa phương để ý và đánh giá vào hạng “Tư Sản Mại Bản” và bị kiểm kê. Sau đó Mạ phải dẹp hàng và dùng ngôi vườn làm nơi lao động sản xuất cho cả gia đình để tránh đi kinh tế mới. Tuy chưa từng làm nông nhưng với đầu óc tháo vát của Mạ thì không có việc gì khó.

Mạ đã hướng dẫn đàn con trồng sắn, khoai lang, đậu côve, bắp, khoai tía... Những công việc nặng như cuốc đất, đánh vồng thì Mạ thuê người ta làm còn mấy Mạ con thì gieo hạt và tưới nước chăm sóc mà thôi. Ấy vậy mà nhờ thuở đất màu mỡ và nhờ vào đất cũ đãi người hiền nên vườn hoa màu tốt tươi không ngờ. Lúc này em trai tôi, đã đủ lớn để phụ Mạ những việc nặng như làm giàng, chặt tre làm chói cho mấy vồng khoai tía và đậu côve. Cô em gái tên H. đã tấp tễnh học mấy người hàng xóm trồng hoa vạn thọ, cúc để bán mùa tết.

Chúng tôi cứ thế lớn lên như loài cỏ dại, thiếu bóng người cha trong gia đình là một mất mát rất lớn. Mạ quá bận rộn nên không thể coi sóc chuyện học hành của tất cả mấy chị em. Chỉ có chị lớn là Mạ còn lo được chứ sau này mấy chị em toàn tự túc.

Năm 76 tôi đậu vào Đai học sư phạm Anh Văn. Còn nhớ lúc có giấy báo, tôi đang ở trên vườn, Mạ nhận được vội vã lên vườn cho hay. Đối với tôi, học hành khá giỏi nên chuyện đậu Đại Học là tất yếu và rất bình thường nhưng đối với Mạ là chuyện khác. Mạ ôm lấy tôi nước mắt rưng rưng và nói: Mạ đã hứa trước mộ Ba con là Mạ sẽ cố gắng thay Ba nuôi các con ăn học thành tài. Mỗi một đứa học hành đỗ đạt là Mạ có cảm tưởng là Mạ đã tròn nhiệm vụ với Ba.

Tôi đã khóc theo với Mạ. Lòng chung thủy của Mạ bất đi bất dịch, Mạ không bao giờ quên lời nguyện ước với người quá cố. Mạ yêu chồng, thương con, giỏi quán xuyến công việc từ trong ra ngoài, nấu ăn, may vá, đan lát chi cũng làm được cả.

Vào trường được vài tháng thì Ban tổ chức bắt đầu thanh lọc lý lịch và đuổi tôi ra khỏi trường vì lý lịch có cha bị "Cách Mạng xử lý".

Năm sau lại thi tiếp, lần này thì chọn thấp hơn một tí là Cao đẳng xem họ có nương tay không. Rốt cuộc tôi lại vào Cao đẳng Sư Phạm Anh Văn. Sau 2 năm học, họ không bổ nhiệm đi dạy với lý do như trước. Đến lúc này thì tôi phải buột miệng  "Chém cha cái số ba đào, Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi."

Tôi và các em không được vào Đại Học vì lý lịch của Ba nên Mạ sắp xếp cho mấy chị em đi vượt biên tìm tự do để có thể ăn học nên người chứ không thể sống trong một xã hội như vậy được.

Mạ đã rất khổ sở vì những bất đồng chính kiến của anh em trong nhà. Những gây gổ, tranh dành quyền lợi đã làm Mạ nhiều đêm thao thức khóc thầm. Mười đứa con rứt ruột đẻ ra, đứa nào Mạ cũng thương nhưng làm sao cho trọn vẹn đôi bên khi anh em đứng hai bên chiến tuyến?

Năm 2005, Rin - cậu em trai út, bị rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh ( em bị bệnh Hemophilia di truyền từ ông Ngoại). Quá lo lắng cho tính Mạng đứa con trai út mà Mạ vô cùng yêu quý vì em mồ côi cha khi mới 6 tháng tuổi, Mạ bị tai biến mạch máu não và nằm bệnh viện hôn mê bất tỉnh. Thật là "họa vô đơn chí". Các anh chị em nhà tôi tập trung lo cho cả Mạ và cậu em út. Tội nhất là H., em đã bỏ công ăn việc làm ra Huế để chăm sóc cho Mạ cho đến khi Mạ và Rin ổn định sức khỏe.

Sau hơn 2 tháng, Mạ tạm phục hồi, có thể nói và ăn những thức ăn nhẹ. Với sự chăm sóc chu đáo của mọi người trong gia đình và nhân viên vật lý trị liệu, Mạ hồi phục nhanh chóng. Cũng từ đó, tôi về VN thăm viếng và săn sóc Mạ thường xuyên. Sau hơn 4 năm, một buổi chiều trở trời giông gió, cơn tai biến đợt 2 ập đến và Mạ ra đi vĩnh viễn yên thắm trong vòng tay thương yêu của các con và cháu.

Trở thành goá phụ khi mới 39 cái xuân xanh, Mạ đã can cường nuôi đàn con thơ mồ côi cha nên vóc nên hình. Nhìn lại, thật là một kỳ công!

Ngày nay, mười đứa con của Mạ đã có gia đình và sinh cho Ba Mạ hai mươi cháu nội ngoại và sáu cháu gọi bằng cố.

Người anh lớn đã xây một căn nhà hoàn toàn mới trên nền đất cũ của Ba Mạ. Ngôi vườn điêu tàn không còn vết tích gì để mình có thể ca bài "trở về mái nhà xưa". Vườn cau xơ xác, già cỗi, chỉ còn 2 dãy làm lối vào cổng là tốt tươi. Các cây Hải đường, đào, lựu cũng đã chết đâu hết rồi. Mảnh vườn hoa màu đằng sau hoang tàn, cỏ dại bìm leo. Đằng trước bình phong cũng có chưng những chậu Mai tứ quý, những chậu hoa Bát tiên nhiều màu, hoa Trạng nguyên thời thượng nhưng mình vẫn thấy xa lạ lạc lõng thế nào.

Hôm giỗ Ba, mấy anh chị em tụ họp lại, vết tích duy nhất còn lại là cây măng cụt. Cả mấy anh chị em, bầy cháu quây quần quanh cái bàn dưới bóng cây măng cụt, hơi mát tỏa ra tưởng chừng như đâu đây vòng tay ôm của Ba, làn gió nhè nhẹ từ cái quạt mo cau trong tay mẹ giữa trưa hè.

Ngôi vườn thân yêu giờ đây chỉ còn trong ký ức! Nơi ghi dấu tình yêu của Ba Mạ nay đã biến dạng nhưng vẫn in đậm trong tâm trí cô con gái nhỏ ngày nào.

Mùa Vu Lan này, con xin dâng một nén nhang lên Ba Mạ.

Sau hơn nữa thế kỷ bị chia loan rẽ thuý, Ba Mạ giờ đây lại được đoàn tụ ở cõi Tây Phương cực lạc, bỏ lại mọi ưu phiền. Nợ trần đã dứt, chúng con cùng chấp tay nguyện cầu ơn trên Phật tổ độ trì cho Ba Mạ thong dong dạo gót sen vàng, yên vui siêu sinh miền Tịnh Độ.

Cám ơn Mạ, nàng Tôn nữ hoàng phái xinh đẹp, đã một đời thầm lặng hy sinh cho chồng con, hoàn cảnh nào cũng chèo chống được con thuyền gia đình vượt qua giông gió đến bến bờ hạnh phúc.

Susan Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
02/09/201818:38:41
Khách
Cám ơn anh Lê Như Đức!
Mợ anh, Mạ tôi và vô vàn những phụ nữ VN khác luôn có đức hy sinh, chìu chồng, thương con và lo gia đình đến độ gần như quên bản thân. Tôi luôn trân trọng và muốn viết mãi về người để tỏ lòng biết ơn và nêu lên đức tính tốt đẹp đó.
02/09/201813:01:23
Khách
Lúc sinh thời Mợ tôi cũng như Mạ của tác giả chỉ biết lo cho chồng con chứ chẳng nề đến thân mình. Rất khó mà kiếm được những người mẹ như vậy trong xã hội hiện nay.
Mừng cho những ai có được người mẹ đáng qúy như vậy và xin chúc mừng cho những ai vẫn còn mẹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến