Hôm nay,  

Có Những Tấm Lòng

31/07/201800:00:00(Xem: 10391)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5453-20-31261-vb3310718

 
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.

Phim ve Me Nam

Khán giả xem phim "Mẹ Vắng Nhà."

Me Nam ok

Mẹ Nấm  Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chống cộng sản bao che  Formosa, công ty Tàu giết biển VN: CÁ Cần Nước Sạch, NƯỚC  cần minh bạch.

 
 ***
 

Hơn 40 năm trước, từ ngày nước mất nhà tan, từng đoàn người Việt đã hoảng hốt hoang mang vượt thoát khỏi quê hương vào biến cố tháng 4 đen. Rồi sau đó được tái khởi động vào năm 77-78, bắt đầu từ chương trình ra đi bán chính thức. Nhà nước cho phép người gốc Hoa tự tổ chức, đóng tàu mới hoặc sửa chữa tàu cũ làm phương tiện vượt biển. Sau đó đóng vàng cho nhà nước, qua đại diện là công an, rồi lần lượt xuống tàu ra đi.

Trong 10 năm sau lúc nhiều lúc ít, lúc sôi động lúc êm ả, dòng người bỏ nước ra đi vẫn tiếp tục, con số lên đến cả triệu người.

Suốt quãng thời gian đó đã có biết bao tấm lòng, bao bàn tay đưa ra để cứu vớt, để cưu mang và nâng đỡ đoàn người khốn khổ mang danh Tỵ Nạn Việt Nam. Họ không cùng màu da, cùng tiếng nói. Họ không chia sẻ nền văn hoá Khổng-Mạnh... Nhưng trái tim, lòng từ ái của họ thì bao la, vô cùng. Họ giúp đỡ mà không so đo tính toán, không phân biệt, lúc nào cũng mở lòng và hết sức tận tình.

Một vài nhóm người xấu như bọn cướp biển Thái: Cướp bóc, phá hỏng máy, đẩy bọn đàn ông chúng tôi xuống biển, nhưng cũng có những người tử tế đến thăm hỏi, cho đồ ăn, sửa chữa máy móc và chỉ hướng đi vào bờ. Đặc biệt chiếc cuối cùng -cũng một tàu Thái Lan- đã vớt chúng tôi lên cho ăn uống, tắm rửa và chờ đợi lúc an toàn nhất đưa đến bến bờ. Nếu không có những người tốt bụng như thế mạng sống của 45 con người nhỏ bé trước đại dương mênh mông chắc đâu còn tồn tại, mà có thể chôn trong bụng cá.

Khi nhà tôi sanh cháu lớn bây giờ ở Bangkok, rồi cả nhà phải nằm lại chờ cho đủ sức khỏe ở trại Lumpini, chúng tôi không còn một đồng dính túi, trong khi cần tã lót cho con và những như cầu cần thiết của mẹ-con lúc mới sanh. Một hội từ thiện có hai bà Sơ đến thăm, tặng cho 25 usd. Số tiền ấy giúp cho mẹ con vượt qua được rất nhiều thiếu thốn trong những ngày chờ đợi, nó có giá trị bằng bạc muôn, bạc vạn ...khi mình đã làm ăn được sau này.

Cô em tôi đến Mỹ ở tuổi vị thành niên, nhưng đã mang thai bên đảo. Em được ông bà Daniel và Margie bảo trợ nhận làm con và đem về nuôi dưỡng, chăm nom lúc sinh nở. Sinh xong thì nuôi con cho, để em đi học lại ở high school.

Khi gia đình tôi 4 người đến Mỹ thì ông bà rước về nhà ở chung. Lo cho chúng tôi như một người mẹ dưỡng nuôi con cái mình. Chở đi làm giấy tờ,  khám sức khỏe, chích ngừa, kiếm trường cho chúng tôi học...

Đâu phải chỉ có thế.

Ông bà là người da trắng, có hai người con ruột là Dominic và Shalra, khoảng 8 và 10 tuổi. Nuôi thêm đứa con gốc Đại hàn lai đen tên Len; hai đứa nữa người Mỹ da màu là Amy và Jackery.

Lúc tôi mới đến thì ông đang là kỹ sư công chánh và làm việc thêm cho một công ty tư nhân. Mỗi tháng một lần vào ngày thứ bảy ông đến công ty làm bò khô nổi tiếng là O! BOY! OBERTO để trộn gia vị cho công ty này. Vì hồi xưa lúc còn đi học ông đã từng làm việc ở đây.

Sau này ông cùng một kỹ sư khác người gốc Ấn ra mở công ty riêng và làm ăn rất phát đạt. Riêng bà công việc chính là chăm sóc con cái: Lo cho từng đứa việc ăn, việc học, làm home work, đưa đi học giáo lý và nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.

Ông bà đã cho tôi những lời khuyên khi tôi muốn đi làm kiếm tiền ngay, rằng hãy ráng học để có vốn tiếng Anh là nhu cầu cần thiết nhất để tồn tại. Chính bà đã chăm sóc cho nhà tôi khi mang thai cháu thứ hai, thậm chí ngày sanh cũng chính bà đưa đi nhà thương và là người đầu tiên bồng ẵm cháu khi vừa lọt lòng mẹ.

 Khi tôi bắt đầu việc làm ăn đầu tiên, không có tín dụng thì người chủ building không chịu cho mướn nhà. Chính ông là người co-sign để bảo đảm và giúp đỡ các loại giấy tờ.

Có một việc mà tôi nhớ mãi đến bây giờ. Khi ký hợp đồng với công ty plumpimg làm đường thoát nước cho nhà cầu. Ngoài số tiền định giá (quote) bằng số, họ còn thòng thêm câu "và những chi phí phụ nếu phát sinh". Hồi mới đến Mỹ mình còn khờ khạo, đâu biết đây là mánh khóe của dân làm ăn, nên ký vào. Đến khi tính tiền, nó cứ việc cộng thêm tất cả những vật liệu (material) không ghi trong bản định giá ban đầu rồi cộng thêm tiền công (service) nữa, tăng số tốn phí lên hơn gấp hai lần. Mình đâu có tiền trả, nó đòi đưa ra tòa. Ông phải lên trình bày hoàn cảnh và năn nỉ. Nó bớt cho một nửa với điều kiện phải trả ngay, ông lại phải ký check trả cho nó, sau đó mình mới từ từ trả lại cho ông.

Ngày biến cố chết người xảy ra tại tiệm, chúng tôi lo lắng về sự an nguy của mình, của các cháu. Rất bối rối, ngược xuôi để ứng trong xử ngoài. Khi hay tin chính bà đã ngỏ ý rước hai cháu về chăm sóc trong lúc gian nan ấy để chúng tôi có thời gian, sự bình tĩnh, sáng suốt để thu xếp được mọi việc..

Khi chúng tôi đã vững vàng và ra riêng thì ông bà lại nhận nuôi thêm nhiều đứa trẻ khác, chỉ có một cậu người Việt tên Lang, còn lại hầu hết là người Đại Hàn, cứ cặp này lớn lên ra riêng thì ông bà lại tìm xin cặp khác về nuôi. Quả thật cả 12 đứa đều mang họ Patsula.

Khi Amy (da màu) đủ 18 tuổi thì đi học xa, rồi mang thai đẻ ra đứa con, lại mang về cho mẹ nuôi. thành ra ông bà không chỉ khổ sở vì nuôi con mà còn vất vả với các cháu.

Chuyện đau khổ nhất mà chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau về ông bà đó là:

Đứa con ruột Dominic sau khi tốt nghiệp đại học thì lập gia đình với một nữ bác sĩ. Đã 3-4 năm mà hai người không có con.

Họ xin một đứa con người Đại Hàn về nuôi để lấy trớn. Hai năm sau cũng không thấy bầu bì gì nên quyết định thụ tinh bằng ống nghiệm, sinh ra một bé trai, bé này khôn lớn, vui vẻ, khỏe mạnh. Khi cháu được 2 tuổi thì vợ chồng làm thêm một lần thụ tinh nhân tạo nữa và sanh ra thêm một bé trai nữa. Gia đình đề huề hạnh phúc.

Một năm sau cả hai bé có triệu chứng lạ, cứ đứng lên là bị té, đi bác sĩ cũng không biết bịnh gì! Chỉ biết nguyên nhân bị té là chóng mặt.

Cả ông bà nội lẫn ba mẹ lo lắng tìm thầy chạy thuốc, trải qua hàng trăm cuộc thử nghiệm từ bịnh viện này đến bịnh viện khác, phòng lab này đến phòng lab khác... Cuối cùng mới biết được nguyên nhân: Trứng (cell) của vợ Dominic thiếu một nhiễm thể nào đó nên không thể thụ tinh và có thai được. Khi cho thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo, những cháu bé ấy phát triển đến một giai đoạn nào đó thì sẽ phát bịnh và nền y học hiện nay chưa thể chữa trị được.

Chuyện đã xảy ra 10 năm nay. Hai cháu đã được 11 và 13 tuổi.


Hàng ngày khi vợ chồng Dominic đi làm thì bà nội phải đến chăm nom. Hai cháu không tự làm được bất cứ điều gì: Ăn, uống, vệ sinh... đều cần người giúp đỡ, thậm chí cứ 2 tiếng là phải trở mình cũng cần có người giúp. Nếu không trở mình, nằm lâu thì da sẽ bị lở loét mà thêm đau đớn.

Kể sao cho hết nhưng cơ cực của cha mẹ, của ông bà khi phải chăm sóc những người bị bịnh hoạn như vậy. Nhất là sự dày vò ngày đêm về mặt tinh thần khi nhìn thấy con-cháu phải nằm liệt vì một căn bịnh bất trị.

Ngày khởi bệnh các bác sĩ chuyên khoa cho biết các cháu sẽ khó sống được 5 năm, nhưng nay đã  10 năm. Bao nhiêu sự yêu thương của ba mẹ, của ông bà đã góp phần vào công dưỡng nuôi, chăm sóc, để các cháu được tồn tại đến hôm nay.

 Mọi người hy họng có một ngày nền y học phát triển, có những đột phá đặc biệt phát minh ra những phương pháp hay thuốc men để điều trị được căn bịnh quái ác này.

 

*

Nhìn về Việt Nam hôm nay, dù nhà cầm quyền tận dụng mọi phương tiện từ dối trá đến bạo lực để trấn áp, đè đầu, cỡi cổ người dân. Họ mong sẽ khuất phục được ý chí của người dân hầu độc quyền cai trị lâu dài, được vậy sẽ mang lại nhiều quyền lợi cho cá nhân, gia đình-dòng tộc hay phe nhóm của họ, nhưng vẫn còn có bao nhiêu người có lòng yêu nước, yêu đồng bào, có tầm nhìn xa để can đảm đứng lên nói tiếng nói, hành động dũng cảm để chống lại... Con số ấy có khá nhiều đấng mày râu tài năng và can đảm cất lên tiếng nói của một công dân trung thực, rồi chịu đánh đập, bắt bớ tù đày...Như Luật sư Lê Công Định, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức... nhưng ở đây hôm nay tôi xin được vinh danh những người đàn bà dũng cảm như: Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Đỗ thị Minh Hạnh, Cấn Thị Thêu, Đoan Trang... Đã vượt qua được nỗi sợ hãi, dám đứng lên nói tiếng nói yêu nước, đòi những quyền lợi cho làng xóm và dân tộc. Lòng can đảm, sự hy sinh của họ là vô giá mà mình không biết làm sao để tiếp tay.

Cách nay nhiều năm rồi, tôi rất cảm phục sự kiên cường của Mẹ Nấm và một số anh chị em khác, có email tâm tình những điều này với họ, rồi ngỏ ý chia sẻ với họ một chút tài chánh để phụ vào một phần nhỏ chi phí trong các sinh hoạt... Một số ít chấp nhận, riêng Mẹ Nấm thì không. Cô nói: Em cám ơn tấm lòng của "chị", em còn có thể tự lo cho em được. Hãy dành món quà ấy cho người khác.

Nay thì cô đã bị bắt, bị kết án rất nặng nề với bản án 10 năm tù cộng 5 năm quản chế.

Mới đây tổ chức VOICE của luật sư Trịnh Hội đã tìm cách làm phim, quay lại một phần những sinh hoạt của gia đình Mẹ Nấm trong lúc cô ngồi tù. Tin tức cho hay cuốn phim "Mẹ Vắng Nhà" đã được cộng đồng người Việt khắp nơi chờ đợi được xem. Những người đã xem rồi thì hết sức tâm đắc, cảm động và phản ứng rất tích cực để ủng hộ việc làm này và mục đích của tổ chức VOICE.

Cuốn phim Mẹ Vắng Nhà nói về Mẹ Nấm thì luật sư Trịnh Hội cho biết.

Trích:

"Cho đến nay, đã có trên 100 lời mời mang phim “Mẹ Vắng Nhà” đi chiếu khắp nơi, và lần chiếu đầu tiên tại Mỹ đã diễn ra ở Houston, Texas, hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy, với hơn 1,500 người đến xem.

Cũng trong lần chiếu đầu tiên này, người xem phim đã đóng góp được khoảng $14,000.

Anh chia sẻ: “Mục đích của chúng tôi khi làm phim này là đem câu chuyện của Mẹ Nấm, đại điện cho những tù nhân lương tâm, ra ngoài thế giới, chứ không phải để đi gây quỹ. Tuy nhiên, mặc dù phim chiếu miễn phí, nhưng khán giả ở Houston sau khi xem phim, nói chuyện ‘viễn liên’ với cô Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, và đạo diễn Clay Phạm, thì sự đóng góp của đồng bào đến hôm nay đã lên đến con số khoảng $14,000.”

“Tôi và cô Lan có bàn với nhau là từ đây về sau mọi sự đóng góp, nếu có, sẽ được chia ra làm ba phần đồng đều: một phần ba dành cho việc chăm lo chuyện học hành của Nấm và Gấu trong tương lai; một phần ba dành cho các gia đình tù nhân lương tâm khác, và một phần ba còn lại dành cho những dự án nhân quyền kế tiếp,” anh cho biết.

Phim “Mẹ Vắng Nhà” dài 40 phút, đối thoại bằng tiếng Việt, có phụ đề Anh Ngữ để giúp cho những người trẻ có thể hiểu thêm về tình hình nhân quyền, về đời sống của người dân tại Việt Nam.

“Rất mong quý vị đến xem phim và hiểu mục đích cuốn phim là để cho càng nhiều người biết đến câu chuyện các tù nhân lương tâm càng nhiều càng tốt, chứ không phải mục đích để gây quỹ,” Luật Sư Trịnh Hội kêu gọi.

Hết trích

 

Một buổi chiếu phim khác xảy ra mới đây tại Little Saigon.

Trích:

"Sau buổi chiếu phim, Luật Sư Trịnh Hội kết nối bà Nguyễn Thị Tuyết Lan với khán giả. Ông cho hay, mọi sự đóng góp liên quan đến cuốn phim này, một phần cho gia đình Mẹ Nấm, một phần cho những tù nhân lương tâm khác, phần thứ ba là cho những dự án giúp đỡ tù nhân lương tâm khác của VOICE.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết sẽ dùng phần dành cho gia đình bà cho những tù nhân lương tâm khác.

Mọi đóng góp liên quan đến cuốn phim này, xin gởi về VOICE, 245 E. Pepper Dr, Long Beach, CA 90807 hay vào website: vietnam-voice.org."

(Hết trích)

Tôi quí mến và khâm phục những người đã dấn thân hoạt động không mỏi mệt cho những người dân ty nạn ở Phi, ở Hong Kong, ở Thái... từ bao nhiêu năm nay, để đưa họ đến định cư ở nước thứ ba.

Một trong những người này là Luật sư Trịnh Hội và những người  cùng làm việc với ông như như nhạc sĩ Nam Lộc và biết bao cộng tác viên khác.

Để làm được loại việc thiên nam vạn nạn này, một doanh nhân trẻ ở Toronto, Canada, là Ông Đỗ Kỳ Anh đã bỏ công phụ lực, đứng ra bảo lãnh và vận động với chính quyền địa phương, đưa được một số đông bà con thuyền nhân sau nhiều năm cam chịu hoàn cảnh tuyệt vọng từ đất Thái vào Canada định cư.

Một người khác là Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng với hội “SOS Boat People!” tại Washington D.C. cũng là cầu nối để các đoàn thể người Việt Tự Do có thể liên lạc với các cơ quan trung ương của chính quyền Hoa Kỳ, giúp cho các tiếng nói đó được quan tâm hơn, có hiệu lực hơn.

Những người tự chọn công việc thiện nguyện để dấn thân phục vụ đồng bào chắc đã phải đương đầu với nhiều khó khăn vất vả, nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi những đàm tiếu nghi kỵ. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục những chương trình mới, không chỉ lo cho những thuyền nhân vẫn trong cảnh khó khăn, mà còn yểm trợ các phong trào tự do, dân chủ, nhân quyền trên quê hương Việt Nam.

Tôi không có vinh dự quen biết những người đã kể tên, nhưng chỉ cần nhìn việc thiện nguyện mà họ đã bỏ công bỏ sức góp phần, cũng  đã đủ thấy đó là những tấm lòng thật đáng được trân trọng.

Về phần mình, biết rõ thân phận nhỏ bé sẽ không làm được những việc to lớn, nhưng tôi vẫn tự nhủ hãy cố góp bàn tay để xoa dịu bớt những đau khổ, thiếu thốn của người cùng khổ...

Những đóng góp cỏn con ấy chỉ để cảm tạ một phần rất nhỏ trong muôn vàn hồng ân mà mình đã nhận được từ trời cao, từ những ân nhân mà trong cuộc hành trình trần thế mình đã lãnh nhận mà chưa có cơ hội để báo đáp.

 

Hồ Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,925,114
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.