Hôm nay,  

Hy Sinh và Mờ Nhạt

29/07/201800:00:00(Xem: 83244)
Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 5451-20-31259-vb8072918

 
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
 
viet ve nuoc My 
Mười chín vòng hoa tưởng niệm từ 19 Tiểu Đoàn TQLC.
viet ve nuoc My 02
Diệu Hương – Cựu Thiếu Tá TQLC Tô Văn Cấp – Khôi An.

 
***
 

 Một buổi chiều trung tuần tháng 7 ở San Jose, giữa mùa hè ở Mỹ, những cựu quân nhân QLVNCH của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tìm về bên nhau. Người lớn tuổi nhất có lẽ ngoài 80. Người nhỏ nhất cũng đã bước vào tuổi 60. Sau 43 năm bị tan hàng một cách tức tưởi, bỏ lại rất nhiều đồng đội nằm xuống ở cửa biển Thuận An vào những ngày cuối cuộc chiến, họ ngồi lại với nhau mỗi năm , tưởng niệm đồng đội đã nằm xuống ở chiến trường, nhìn vào mắt nhau để thấy lại thời tuổi trẻ chiến đấu bảo vệ tự do cho Việt Nam Cộng Hòa .

Phải nhìn tận mắt những người lính già, đa số họ đã luống tuổi mắt mờ, chân yếu, nhưng lưng vẫn thẳng trong quân phục mới biết những năm tháng huấn luyện ở "quân trường đổ mồ hôi để chiến trường khỏi đổ máu"  đã để lại một thói quen tốt suốt đời với họ.

Họ chào nhau, không ôm nhau kiểu politics showing off, chỉ bắt tay (shake hands) nhưng cách họ nhìn nhau, ai cũng thấy tình huynh đệ chi binh với họ quan trọng như tình anh em ruột thịt. Chẳng thế mà một đàn anh Trung học Ngô Quyền - ở Biên Hòa - đã có lần nói với chúng tôi khi anh chọn đi dự họp mặt binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) thay vì đi dự high school reunion:

- Thông cảm cho anh, quá khứ học trò xa hơn quá khứ lính tráng. Và ở binh chủng tác chiến như TQLC, tụi anh sống chết có nhau.

Trường hợp của anh, vẫn còn là tân sĩ quan, mới ra trận 3 năm thì nước mất, nhà tan, quân đội không còn mà anh còn nặng lòng với đồng đội xưa đến vậy thì các "niên trưởng" của anh, nhiều vị mảnh đạn còn ghim trong mình thì những cuộc họp mặt binh chủng hàng năm quan trọng như thế nào với họ.

Nên họ không quản ngại đường xa, sức khỏe đã giảm nhiều theo năm tháng, bay về từ nhiều tiểu bang khác nhau, cả từ Úc Châu để chỉ được thấy lại nhau bằng xương bằng thịt, để được nghiêng mình tưởng nhớ đồng đội nằm xuống từ mọi góc chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ.

Những nghi thức mở đầu buổi họp mặt của binh chủng TQLC, cũng như các binh chủng khác, chừng như nghiêm trang hơn, mang cả tấm lòng của đồng đội gởi đến những người đã nằm xuống vì tự do của miền Nam. Họ hát quốc ca Viêt  Nam Cộng Hòa bằng cả tâm hồn, dâng hoa tưởng niệm đồng đội bằng nước mắt chảy ngược vào lòng trên chiến trường năm xưa, bên xác bạn còn nóng ấm.

Mỗi Tiểu đoàn có một người lính đại diện mang vòng hoa lên dâng ở lễ đài tưởng niệm . Những người lính già đã về hưu, thu nhập khiêm tốn, nên không có hoa tươi, chỉ có  những vòng hoa nylon nhưng tấm lòng của họ với đồng đội, với niên trưởng, với thuộc cấp vẫn sắt son, tươi thắm như hoa lá mùa Xuân.

Lúc chưa khai mạc buổi lễ, có một người lính đứng hút thuốc bên hông hội trường, ông hút một điếu, đốt một điếu cắm trên đầu một cây chân nhang, lẩm bẩm một mình:

- Mày sống khôn thác thiêng, về hút với tao một điếu Dunhill. Nhớ ngày xưa lội giữa rừng, cứ mơ một mẫu Capstan , hay Bastos mà không có. Bây giờ tao có thể mua tặng mày cả cây Malrboro mà mày không còn ở trên đời, thằng quỷ !

Với người chết thì như vậy, với người còn tại thế, họ cung kính chào các vị chỉ huy, các niên trưởng bằng mặt và cả bằng lòng.

Chúng tôi có cơ duyên quen biết với hai niên trưởng của binh chủng TQLC : cựu Đại Tá Ngô Văn Định (Đồ Sơn), và cựu Đại Tá Tôn Thất Soạn (Saigon). Mỗi lần có dịp được thưa chuyện với họ, nhìn vào mắt họ, chúng tôi tưởng tượng được mùi khói súng ở chiến trường, nỗi lo "xương máu của anh em trong tay mình" khi các vị là Lữ Đoàn trưởng, hay Chiến Đoàn Trưởng như câu ngạn ngữ :

"Là Thầy Thuốc mà sơ sẩy thì chỉ chết một bệnh nhân. Là Tướng, mà quyết định sai thì cả trăm quân mất mạng. Là Nhà Giáo mà nói không đúng thì hại cả một thế hệ"

Trước khi cựu Đại Tá Ngô Văn Định lên phát biểu, Trưởng Ban Tổ chức, cựu Thiếu  Tá Lâm Tài Thạnh (Tây Đô) đã đến trước micro yêu cầu:

- Chúng tôi chỉ xin 5 phút tuyệt đối im lặng để nghe niên trưởng Đồ Sơn phát biểu. Xin các chiến hữu giữ đúng quân phong, quân kỷ.

Chúng tôi, khách mời thân hữu, không biết quân phong quân kỷ cụ thể như thế nào? Nhưng sau lời yêu cầu của Trưởng Ban Tổ chức, hội trường đang rì rào tiếng nói chuyện bỗng im phăng phắc, và tiếng của vị cựu Lữ Đoàn Trưởng TQLC đã ngoải 80 vang lên, vẫn còn nét hào hùng như thời ông còn cầm quân tái chiếm cổ thành Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa 1972; hay đẩy Cộng quân Bắc Việt ra khỏi Saigon, Tết Mậu Thân 1968.

Cũng ở đó, chúng tôi có dịp gặp lại một ân nhân của thân phụ chúng tôi lúc còn ở trại tù Nam Hà ngoài Bắc. Cựu Đại Úy Mai Văn Tấn (Tân An) không hiểu vì có phải là Trưởng Ban 3 chuyên về chiến thuật, chiến lược của một một Lữ Đoàn TQLC mà Chú bị đẩy ra Bắc, bị giam cùng trại với các Sĩ quan cấp Tá, và còn bị tù đến gần 13 năm. Một lần, vì bênh vực thân phụ chúng tôi trong cảnh khốn cùng mà Chú Tấn bị giam biệt giam hai năm rưỡi, trong đó có 6 tháng Chú bị cùm chân ở trại Nam Hà, được dân địa phương gọi là trại Mễ, ở Phủ Lý, Nam Định. (*)

 "Người hùng năm xưa" bộc bạch tấm lòng của người miền Nam:

- Hồi đó tui chưa đến 30 tuổi nên lúc ra khỏi biệt giam, tui còn lết được. Bây giờ, ở tuổi ngoài 70. nếu bị cùm chân như vậy, chắc chưa đến một ngày là đi gặp ông bà liền!

Trong một bài viết của tác giả Mũ xanh Mai Văn Tấn, tôi tìm thấy đoạn kể nguyên văn như sau: “Phòng kiên giam ở trại Nam Hà  hình chữ nhật bề dài khoảng 2 mét, bề rộng khoảng 1.5 mét, bốn bề tường dầy, một cửa sắt cũng dầy, chỉ chừa một lỗ để nhìn vào, bức tường cũng chừa một lỗ thông hơi. Khi bị cùm, dùng sắt móng ngựa đóng vào hai cổ chân, một cây sắt xỏ từ bên ngoài, xuyên qua hai bên tường và khóa đầu bên kia. Khi đã cùm thì không bao giờ mở, ngoại trừ khi có lịnh cho đi tắm khoảng hai, ba tháng một lần, có khi đến bảy tháng. Tôi bị cùm suốt sáu tháng. Tổng số tù nhân bị kiên giam ở trại này lúc đông nhất là 26 người, có 6 người đã mãi mãi nằm xuống trong phòng kiên giam vì sức cùng lực kiệt… “

 
*

Giữa một tiệc họp mặt hàng năm của binh chủng TQLC với hơn 600 người tham dự, trong đó có 162 người đã khoác áo hoa rừng (để hòa vào màu của cây lá, để khó bị địch quân phát hiện), không khó lắm để chúng tôi tìm gặp cựu Thiếu tá Tô Văn Cấp (Cần Thơ), một cây viết về nước Mỹ gốc lính có bài tùy bút "Bà Mẹ Quê" đi vào lòng người. Đọc qua một lần là không những chỉ nghĩ đến thân mẫu của tác  giả, mà còn nghĩ đến Mẹ của chính mình, đến hàng ngàn bà Mẹ Việt Nam đã nuốt lệ vào lòng khi con mình mãi mãi không về ở tuổi thanh xuân vì tự do của hơn hai mươi triệu đồng bào miền Nam vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20.

Một ngày mùa hè nào đó, xin mời bạn cùng đến tham dự cuộc họp mặt của bất cứ một binh chủng nào trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bạn sẽ hiểu hơn câu  trích nổi tiếng trong bài diễn văn của danh tướng người Mỹ Douglas MacArthur (1880-1964) trong thế chiến thứ hai (1939-1945) “Old soldiers never die, they just fade away.” (Những người lính không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt dần) .

Ở đó, bạn không chỉ đến để tham dự như những cuộc họp mặt của các đoàn thể bình thường, mà ở đó, bạn sẽ thấy lại hào khí của quân đội VNCH, thấy lại hình ảnh miền Nam dù không hoàn hảo nhưng có đầy đủ nhân nghĩa. Và quan trọng hơn hết, thấy lại thân phụ của chính mình đã hay đang mờ nhạt dần.

Và như thế bạn và tôi, chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của những người đã khuất.

 
Nguyễn Trần Diệu Hương

(Ghi lại sau họp mặt của TQLC  VNCH ngày 8 tháng 7 năm 2018 ở San Jose, California)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến