Hôm nay,  

Những Mùa Hè Khó Quên

08/07/201800:00:00(Xem: 11467)
Tác giả: Ngô Văn Thu

Bài số 5433-19-31271-vb8070818

 
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
viet ve nuoc My 1viet ve nuoc My 2

Hình ảnh tưởng niệm 50 Năm National Memorial of the Pacific.

Viet ve nuoc My 3

Thả lồng đèn tưởng niệm.

Viet ve nuoc My 4

Và tác giả tại Honolulu 2017.


***
 

Mùa hè năm 2017, đúng vào tuần lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, tại Honolulu Hawaii có tổ chức lễ kỷ niệm 50 chiến tranh Việt Nam, từ 24 tới 29 tháng Năm do phía Mỹ tổ chức. Danh xưng chính thức của tuần lễ kỷ niệm này là  “The United States of America Vietnam War Commemoration”. Hình bản đồ và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa được tôn vinh ở trung tâm của huy hiệu buổi lễ.

Khách tham dự tuần lễ tưởng niệm tại Hawaii, tiểu bang thứ 50 của nước Mỹ, là các cựu chiến binh Mỹ, Úc, Đại Hàn, Phi luât Tân, Tân Tây Lan, những  nước đã tham chiến tại Việt Nam. Cùng với khoảng 300 anh chị em cựu quân nhân VNCH tới từ khắp nơi, tôi cũng đã có mặt tại chương trình đặc biệt này.

Liên tục trọn một tuần lễ, nhiều sinh hoạt ý nghĩa đã được tổ chức. Ngày 26/5 đi du ngoạn tại Polynesian Cultural Center, khách đến đây để tận mắt xem cảnh sinh hoạt văn hoá của thổ dân trên đảo. Các vũ công vũ các điệu cổ truyền trên thuyền gỗ, họ xinh đẹp như hoa rừng.

Rồi được xem phim lịch sử hình thành của đảo, sau bao cơn núi lửa phun tràn nham thạch, nay “mệt mỏi tạm ngủ” để đón khách du lịch. Ngoài ra còn đi thăm chiến hạm MISSOURI con tàu lịch sử, nơi mà Nhật Hoàng ký lệnh đầu hàng, sau khi nhận chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, tháng Tám năm 1945.

Ngày 27 tháng Năm 2017, có cuộc diễn hành quy mô trên đại lộ chính Kalakawa dài 3 km đã thu hút sự chú ý đáng kể của du khách trên thế giới đang có mặt tại điểm du lịch nổi tiếng nầy, họ hoan hô nhiệt liệt khi phái đoàn Việt Nam, với lá đại kỳ 20 người nâng diễn hành ngang qua. Một vinh hạnh chỉ xảy ra trên hòn đảo được mệnh danh là chốn thần tiên của “hạ giới” Hawaii.

Chiều 28/5 gặp mặt tại ALOHA (tiếng địa phương có nghĩa là đón chào) Sunset Dinner Cruise. Bến tàu Honolulu Star. Một cuộc du hành bằng du thuyền vòng quanh cảng nầy, có cơm tối và văn nghệ giúp vui để ngắm cảnh hoàng hôn, ông mặt trời chầm chậm nhắm mắt đẹp tuyệt vời giữa trời nước bao la của Thái Bình Dương!

Sáng 29/5. 9:00 AM, ngày cuối của tuần lễ tưởng niệm,  được khởi đầu bằng cuộc lễ truy điệu chiến sĩ trận vong tại nghĩa trang National Memorial of the Pacific, nơi có trên 20 ngàn anh hùng tử sĩ Mỹ đang yên giấc nghìn thu tại đây. Với hàng chục tướng lãnh đang tại chức, đại diện cho các quân binh chủng Mỹ về dự. Hàng chục tràng hoa tươi được dâng lên trước tượng đài tử sĩ, đa số kết thành cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ. Đặc biệt khi vòng hoa của cộng đồng người Việt dâng lên thì tất cả đều đồng ca quốc ca VNCH thật hùng hồn và cảm động. Lần đầu tiên thấy diễn ra trong buổi lễ do phía Mỹ tổ chức.

Chiều 8:00PM, có lễ thả lồng đèn (Floating Lanter Ceremony) tại Magic Island, với hàng chục ngàn người chen chúc nhau tham dự. Đây là một truyền thống hằng năm người dân lập ra sau trận chiến Trân Châu Cảng Pearl Harbor năm xưa để tưởng niệm các anh linh tử sĩ. Hằng trăm bè đèn được trải trên thảm nước, bập bềnh, nhấp nhô theo làn sóng. Đứng trông theo những lồng đèn tưởng niệm lung linh huyền ảo trong bóng đêm cũng là lúc tôi thấy lại hình ảnh, tâm tư của chính mình và thế hệ của mình từ 60 năm trước.

 
*

Khởi đầu là mùa hè 1958, mùa quân dịch đầu tiên của  chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam.

Ngày ấy, tôi vừa rời khỏi trường Quốc Học Huế, thì phải về trình diện địa phương để thi hành quân dịch một năm. Cổng trường khép lại sau lưng. Tiếng ve sầu đưa tiễn…

Từ trung tâm tuyển mộ nhập ngũ Đà nẵng, đám tân khóa sinh quân dịch đầu tiên được lệnh lên đường xuôi nam bằng xe lửa Xuyên Việt. Thời đó đường xe lửa vừa mới hoàn thành. Tại mỗi ga của các tỉnh thành nơi tàu đến, đâu đâu cũng có đoàn thể giăng cờ xí, biểu ngữ chào đón tưng bừng để khích lệ...

Tất cả chúng tôi được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung  gần Sài-gòn để thụ huấn quân sự. Tại Liên Đoàn B của Trung Tâm, (khu dành cho tân binh quân dịch), mọi chàng trai từ khắp miền Nam trong lứa tuổi quân dịch đều gặp nhau tại đây. Đặc biệt trong số đó có chàng nhạc sĩ Lam Phương, và cũng từ đây, bản nhạc “Bức tâm thư” của Lam Phương ra đời, có lời ca: ”Đi quân dịch là thương nòi giống”, đúng với chủ trương của chính phủ đề ra lúc bấy giờ.

Ba tháng quân trường thời thanh bình, với đám khoá sinh “sữa”như chúng tôi, tựa như cuộc trại hè. Bên cạnh việc thụ huấn quân sự, và có phần học huấn nhục nữa, hằng tuần, đêm thứ bảy nào cũng có văn nghệ giúp vui. Ca sĩ từ Sài- gòn lên như đi trẩy hội, không thiếu một tên tuổi nào, trong đó có cả “nữ hoàng” Accordion Thúy Nga.

Và rồi, tưng bừng nhất là đêm mãn khoá ra trường. Có thể nói mọi sinh hoạt trình diễn của Sài-gòn như bị đình trệ, vì tất cả nghệ sĩ đều dành cho Quang Trung, dành cho người bạn văn nghệ của họ là, nhạc sĩ Lam Phương và hằng ngàn người trai khác nay phải giã từ quân trường ra đi…

Sau đó, mọi người được phân phối đi cùng khắp bốn vùng chiến thuật, để làm quen với đời lính cho hết chín tháng còn lại.

Sau một năm quân dịch, tôi giã từ đơn vịvà “miền quê hương cát trắng” Nha trang để trở về đời sống dân sự, vừa theo học đại học vừa là người điều hành công việc làm ăn của gia đình, chuyên phân phối thuốc lá Cẩm Lệ, loại thuốc lá nổi tiếng của Quảng Nam Đà Nẵng khắp thị trường miền Trung. Thương vụ đang trên đà phát triển thì mùa hè 1965, tôi nhận lệnh  động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức.

Vào Thủ Đức, trên danh nghĩa là trường sĩ quan trừ bị, được giải ngũ theo hạn định, nhưng chiến tranh ngày một leo thang, không còn cảnh đáo hạn là về nhà như lần “đi quân dịch là thương nòi giống”. Từ đó, như các đồng đội cùng trang lứa, tôi chúng tôi liên tục lao vào “nơi gió cát,” nói như Chinh Phụ Ngâm.

Tết Mậu Thân, miền Bắc tung quân vào Nam mở cuộc tổng tấn công nhưng mau chóng bị dẹp tan. Mọi cơ sở chìm nổi của VC từ thành đến tỉnh hầu như bị quét sạch. Chiến thuật du kích nổi dậy của cộng quân kể như đã thảm bại.

Mùa hè năm 1968 tôi được biệt phái làm sĩ quan liên lạc theo các trung đoàn của Sư Đoàn  Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mỹ, đội pháo của địch hành quân ở vùng Cồn Tiên – Khe Sanh quanh vành đai hàng rào điện tử Mc Namara.

Sau đó trở về dạy tiếng Viêt cho Mỹ ở trường Việt Ngữ, Vietnamese Language School - CAP School trong Bộ Tư Lệnh lll MAF tại Đà nẵng.

Hết hạn hai năm biệt phái về lại đơn vị gốc, và nay như một định mệnh, theo Trung đoàn tái ngộ Quảng Trị, mảnh đất được mệnh danh là “O gái”, mình hạc eo thon của miền Trung.

Mùa hè 1972, theo kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ rút quân, các căn cứ Mỹ vùng hỏa tuyến được bàn giao, quân lực VNCH hoàn toàn thay thế quân đội Mỹ trong nhiệm vụ tác chiến.  Lợi dụng tình trạng này,  ngày 30 tháng Ba, hơn 45,000 Bắc quân cùng hàng trăm chiến xa, đại pháo đã bất ngờ tràn qua bờ Nam Bến Hải, đánh chiếm Quảng Trị, tưởng sẽ thừa thắng tiến quân chiếm luôn Thừa Thiên Huế.

Nhưng thực tế không như họ tưởng tượng. Đại quân cộng sản bị chặn đứng rồi đẩy lùi từ  phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Và rồi khi cổ thành Quảng Trị được tái chiếm, hàng ngàn cộng quân tại đây, trên đường tháo chạy, chỉ còn một tiểu đội sống sót. 

Trong những ngày tháng chiến trận ác liệt này, Trung đoàn chúng tôi được lệnh rời vùng trách nhiệm Quảng Ngãi hành quân ngược chiều ra Huế để tăng viện cho quân đoàn I.  Trở về Huế lần nầy, những ngày đầu Trung Đoàn chúng tôi đóng quân trong thành Nội.

Toàn cảnh, chỉ thấy vườn không nhà trống, đêm về phố không đèn nên đêm đen mịt mù. Các ngả đường Mai Thúc Loan, sân bay Tây Lộc, hiện ra âm-u, như đêm của ma quái. Qua tiếng rít của gió tựa như tiếng gào của những oan hồn chết tức tưởi trong tết Mậu Thân, gây cảm giác rợn người..

Nhiệm vụ của Trung đoàn chúng tôi là bình định hậu phương của Huế, kiêm luôn lực lượng diện địa, tăng cường gác các chốt trọng yếu của Huế.

Đêm về, nửa Đại Đội Trinh Sát phải rải quân từ Phu Văn Lâu, xuống đò chèo ra đậu rải rác chia hai nhánh tả hữu của Phu Văn Lâu để canh chừng giặc. Năm chiếc hướng lên cầu Bạch Hổ, và năm chiếc hướng về cầu Tràng Tiền, để ngăn chận không cho xuồng lá chở người nhái Việt cộng đi đặt mìn phá hoại các cầu huyết mạch của Huế.

Đúng như dự đoán, một đêm nọ, khoảng ba giờ sáng, trinh sát gác giặc báo có nghe mái chèo khua nước từ hàng lau bên bờ hướng Phú Văn Lâu về cầu Bạch Hổ. Lệnh báo động cho đò của ta hướng Bạch Hổ phục kích chận đầu. Không lâu sau, máy báo đã chận bắt một chiếc xuồng, trên xuồng có một cặp nam nữ.  Khám xét, thấy một cuộn dây điện dài vài trăm mét, một số ngòi nổ nhưng không thấy mìn, tất cả đều giấu dưới khoang đò. Theo lời khai trong cuộc thẩm vấn tại chỗ, một khối chất nổ TNT nặng khoảng 30kg thả chìm dưới đò được vớt lên. Ý định của chúng là phá cầu Bạch-Hổ để gây tiếng vang. Nhờ  vậy, cây cầu vẫn đứng vững.

Không lâu sau, cũng trên dòng Hương Giang một đêm mưa dông mùa hè,  bỗng nghe tiếng la kêu cứu từ một con đò đậu gần chợ Đông Ba. Đò trinh sát của chúng tôi áp lại, được biết, một sản phụ đang đau bụng chuyển dạ, nhưng không thể đưa đi bệnh viện được vì trong giờ giới nghiêm. Tôi quyết định phải đưa bác sĩ của Trung Đoàn xuống đò  làm nhiệm vụ ”bà mụ”. Một bé gái bụ bẫm ra đời, tiếng khóc của “O” đúng với ý nghiã của tình thế lúc ấy. “O” góp thêm tiếng khóc chào đời vào đất Huế khổ đau. Là người nói lời mừng “mẹ tròn con vuông” với gia đình chủ đò, tôi đã gợi ý tên “O” là Lê Hương Giang và nhớ mãi tiếng khóc của “O” trên con đò sông Hương đêm hè mưa dông ấy. Cầu mong cho O Hương Giang và thế hệ của O được an bình, tự do.

Sau hai tháng bình định êm cho Huế, Trung đoàn chúng tôi lên đường ra hướng An Lổ cây số 17, tiếp tục di chuyển ra cầu Mỹ Chánh Quảng Trị, một phần đóng trên chóp núi cao, dốc đứng, phiá Tây Quảng Trị để ngăn chận đường tiến quân của địch từ Lào qua. Trong khi ấy, lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến và Sư đoàn Dù VNCH tràn xuống hai mặt, tái chiếm Cửa Việt và Cổ thành Quảng Trị.

Từ thời điểm này nhìn lại, đã có thể thấy rõ quân dân miền Nam không chỉ dẹp yên cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mà ngay trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, còn đánh tan cả trận địa xe tăng đại pháo kiểu chiến tranh qui ước của cộng sản.

Đúng lúc ấy thì hiệp định đình chiến Paris được ký kết ngày 27/01/1973. Lợi dụng lúc tình hình đang tranh tối, tranh sáng. Cộng quân tung Sư đoàn 2 Sao Vàng đánh chiếm cảng Sa-Huỳnh Quảng Ngãi, nhằm cắt miền Trung làm đôi. Nhưng ý đồ này cũng hoàn toàn thất bại. Đây là trận mà Trung Đoàn chúng tôi  cùng quân bạn phối hợp tác chiến, đã giải tỏa Cảng Sa Huỳnh, khai thông quốc lộ 1.

Trong trận này, không chỉ cái Sư Đoàn từng được CS mệnh danh là “Sư Đoàn Thép” bị đánh tan xác, mà cả Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (do Tướng Bắc Việt Chu Huy Mân đứng đầu) cũng bị đánh bật gốc. Mấy viên tướng tư lệnh cộng quân, nhờ cải trang trà trộn vào dân chạy loạn mới có thể toàn mạng.

Để mừng chiến thắng trên, ngày Quân Lực 19/6/1973 có cuộc duyệt binh lớn, và tôi được vinh dự có mặt trong đơn vị đại diện Trung Đoàn về Thủ Đô Sài Gòn tham gia  diễn hành, duyệt binh.

Và đúng 10 giờ sáng ngày 19 tháng Sáu năm ấy,  đơn vị chúng tôi đã chính thức nện đều gót giày trên mặt đại lộ Trần Hưng Đạo, theo nhịp quân hành, tiến về lễ đài Trung Ương dựng trước rạp ciné Đại Nam. Chiều tối cùng ngày là chương trình văn nghệ của biệt đoàn văn nghệ trung ương tại sân vận động Cộng Hoà, có nhiều “em gái hậu phương” tặng hoa cho các anh chiến sĩ.

Sau nhiều năm cùng đồng đội chiến đấu nơi rừng sâu núi thẳm, Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu năm 1973 là lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng tôi được dự phần với tư cách người lính, để tự mình cảm cái hào khí của một quân lực đã thực sự chiến đấu, thực sự chiến thắng để bảo vệ  cho miền Nam tự do.

Và rồi, tất cả bị hy sinh...

 

*

Tôi không muốn nhớ thêm.

Không muốn nhớ cảnh Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi tàn tệ. Không muốn nhớ cảnh bị đồng minh ngó lơ rồi can thiệp thô bạo, giúp cho đám quân Tàu Cộng ô hợp có thể chiếm giữ được Hoàng Sa. Không muốn nhớ cảnh một quân lực thừa sức chiến thắng mà bị trói tay, để cả miền Nam rơi vào tay cộng sản.

Không muốn, nhưng rồi vẫn phải nhớ.

Những lồng đèn tưởng niệm được thả từ hòn đảo Magic, trôi dạt theo sóng nước Thái Bình Dương, nhắc tôi nhớ  hòn đảo thuyền nhân Paulo Bidong. Đó là nơi tôi từng được sát cánh với hơn 14,000 đồng bào thuyền nhân,  khi được bà con đề cử làm trưởng trại rồi thành người phát động cuộc tranh đấu chống thanh lọc bất công. Đó cũng là nơi tôi từng bị cảnh sát Mã Lai bắt mang đi, có lúc tưởng sắp bị quăng xuống biển.

Kỳ tới: Mùa hè từ Paulo Bidong

Ngô Văn Thu

Ý kiến bạn đọc
08/07/201820:32:59
Khách
Chào Người Lính già SĐ 1 BB,
Xin lưu ý: Tác giả không 'nhớ nhớ quên quên' như ông nhận xét. Ít nhất 2 lần trong bài viết ông Ngô văn Thu đều nhắc đúng 19 tháng 6 là Ngày Quân Lực. Sai sót thuộc trách nhiệm của toà soạn Việt Báo trong lời giới thiệu. Vui lòng xem lại kỹ hơn!
TTran.
08/07/201818:48:45
Khách
" Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH.??? !!!! "
Không biết tác giả bị nhớ nhớ quên quên hay không? ,theo tôi ,đã là một người lính QLVNCH thì phải nhớ : Số quân của mình và Ngày Quân lực VNCH 19 tháng 06 hàng năm ,vì ở đâu( ngoài VC ) cũng tổ chức lể kỹ miệm 19/06.
Nhân đây tôi cũng xin kể lại một kỹ niệm về ngày QL này khi còn trong tù cải tạo ngoài Thanh Hóa :- Khoãng năm 1977 chúng tôi cùng vài bạn bè tổ chức kỹ niệm ngày QL 19/06 ,giũa chừng thì bị tên cán bộ vệ binh đi tuần tra phát hiện ,hắn sừng sộ chửi bới và hăm dọa là lủ chúng mày nợ máu nhân dân ,được đãng và nhà nước tha tội chết cho cải tạo...bla..bla.., đã không biết tội còn ngoan cố tưỡng niệm tưỡng niếc ngày quân lực của chúng mày..xong còn hăm dọa đủ thứ ,chúng tôi lặng im ,bất chợt anh bạn đứng kế tôi lên tiếng hỏi :
- Thế cán bộ có biết hôm nay là ngày gì không mà cán bộ ăn nói hồ đồ thế?
Tên vệ binh bất ngờ nhưng cũng nạt nộ :
- Hôm nay nà ngày kỹ niệm của bọn phản động chúng mày chứ ngày gì.
Anh bạn tôi mới thủng thĩnh hỏi tiếp :
- Thế cán bộ có biết sinh nhật bác ngày nào không?
- Nà ngày 19/05 ai mà không biết.
- Đấy đấy ,hôm nay 19/06 chúng tôi kỹ niệm ngày ĐẦY THÁNG của bác đó.Cán bộ không biết thì đừng ăn nói kiểu vô tổ chức ,linh tinh nữa nhé.
Tên vệ binh ú ớ cải không lại đành bỏ đi.
08/07/201817:01:57
Khách
Thưa,
VNCH chẳng hề có Ngày Quân Lực nào nhằm ngày 16 tháng 9 như lời tòa soạn ghi trong phần giới thiệu. 19 tháng 6 mới chính xác. Vui lòng điều chỉnh.
TTran
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,174
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến