Hôm nay,  

Ba Tôi Và Mùa World Cup

07/07/201800:00:00(Xem: 9717)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh

Bài số 5432-19-31270-vb7070718

 
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.

 
****
 

Nhớ những năm trước khi mùa World Cup đến, không khí gia đình tôi rộn ràng như một quán café vì cả nhà ai cũng mê xem đá banh, từ ông bố hơn tám mươi đến cậu em trai bốn mấy, hai cô em gái có con dại, cậu em rể ... tất cả đều yêu chuộng môn túc cầu và coi đá banh như là một bộ môn nghệ thuật. Chắc ít có ai tin rằng tôi đã dũng cảm xài hết mấy ngày phép chỉ để … ở nhà xem đá banh.

Tôi mê từ những đường chuyền đẹp mắt, chính xác…đến cách lấy banh nhanh nhẹn, những cú sút ghê hồn, những pha lừa banh điêu luyện, những cú ghi bàn bằng đầu ngoạn mục và dĩ nhiên … đám chị em không thể bỏ qua mấy anh cầu thủ đẹp trai đầy nam tính nữa!

Mùa World Cup, ở vòng bảng, mỗi ngày ba trận: sáng, trưa và chiều, chao ơi coi riết muốn tẩu hỏa nhập ma luôn, nhưng sót một trận thì lòng dạ áy náy vô cùng.

Mỗi ngày, cứ tám giờ sáng là tôi đã lo lái xe chạy ra tiệm bánh mì Lee tha về một số bánh mì đủ loại: thịt nướng, xíu mại, thịt nguội, bánh mì gà ... có rau và dưa chua để riêng; kèm theo là mấy túi Vina café sẵn sàng chế nước sôi vô là nhấm nháp. Bánh mì là món ăn tiện lợi, gọn gàng, đầy đủ chất bổ và “hợp thời trang” nhất cho mùa World Cup.

Không có gì thú vị cho bằng tay ôm cây kèn "ác mô ni ca" có nhân thịt, nóng giòn, mắt nhìn lên màn hình TV; vừa gặm vừa xem không sót một đường banh nào. Giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp, cầu thủ hai đội ra khỏi sân thì cả nhà tôi cũng rộn ràng với đủ chuyện: đứa em gái lo lôi hai đứa con vô phòng “thay tã”, cậu em rể đi pha sữa cho con; tôi thì lo đem rau quả, bí bầu ra vội vàng nhặt, cắt, rửa, xào nấu … chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ông Ba lo lấy áo quần cho vào máy giặt, bấm nút ... cả nhà đều bận rộn, ai lo việc nấy, rất là ... tự giác!

Hôm nào có trận banh hơi buồn ngủ thì có sáng kiến, vào tủ lạnh kiếm dưa hấu, kem, hay trái cây ra nhai đỡ buồn. Xui xẻo hơn là có khi bày đặt nấu món này món nọ là y chang món đó bị cháy khét. Tổng kết sơ sơ cho đến hôm nay nhà tôi đã cống hiến cho Liên đoàn bóng đá FIFA không biết bao nhiêu nồi chè khê, xôi khét, bao nhiêu rổ bún rục rã như cháo, hay nồi xương hầm bị cạn khô ... Ngược lại, hôm nào có trận đấu hấp dẫn thì càng tai hại hơn, cả nhà đang hồi hộp cùng với hai đội trong một pha phạt đền, có tiếng cháu bé khóc oe ... oe ... Ồ, không sao, con nhỏ mới thức dậy, chắc là tả bị ướt nên khóc nhè; ông ba, bà má chăm chú theo dõi cho xong cú đá phạt.

Rồi ... dô! Goal...một - không. Cậu em rể, thường được gọi là "Daddy made in USA" cười hỉ hả vừa bước vào phòng ẵm con. Ủa! sao dòm trên giường không thấy. Nghe tiếng khóc oe ... oe, thì ra con bé đã “nhảy dù” xuống đất, nằm lẫn trong đống gối mền. Thiệt tình!

Bình luận về đá banh thì báo chí và mấy vị talk show trên TV nói nghe hấp dẫn hơn mình nhiều. Cá độ thì tôi đây không máu me chút nào, hình như bản năng phụ nữ khiến mình thấy đội nào đá yếu, thua, thì lại thương thương, trách thằng cầu thủ của mấy đội kia sao đá quá dữ, không nể mặt chút nào … Có lẽ cũng chính vì quá tình cảm nên mình không thích cá độ.

Những mùa World Cup trước đây, nhiệm vụ của tôi là lo in những tờ lịch thi đấu từ internet ra đem về cho Ba tôi. Atlanta, nơi tôi ở giờ giấc của miền đông, thật là thuận tiện cho việc xem tất cả các trận đấu trong mùa giải. Nhìn trên lịch, cứ mỗi ngày hai đến ba trận: 8 giờ sáng, 11 giờ trưa và 2 giờ chiều, thật lý tưởng không sớm quá mà cũng không lọt vào giữa khuya, chiếu trực tiếp trên TV, tha hồ mà xem.

Những ngày đó, Ba tôi lúc nào cũng hào hứng, sáng sớm đã lo ra vườn tưới rau để có thời gian theo sát nút các trận banh. Mỗi khi ngồi xem là Ba tôi nhập vai y như huấn luyện viên thứ thiệt. Ông hò hét, chỉ chỏ lung tung. Gặp đường banh đẹp, ông đắc chí nhào lộn; khi bất bình ông cằn nhằn, không ngần ngại chê thẳng thắn: Thằng này, chậm chạp, mò mò như … ngủ với vợ; thằng kia, chắc bán độ rồi … hèn chi mới lù đù như gà mắc dây thun, cởi giày ra treo ngoài chợ Trời cho rồi….!

Nhìn Ba tôi sảng khoái theo mùa World Cup tôi cũng vui theo. Từ đam mê này Ba tôi ghiền luôn Giải Túc Cầu Nữ - Women World Cup.

Cũng như cuộc tranh tài bên nam, giải túc cầu nữ toàn thế giới được tổ chức bốn năm một lần, bắt đầu từ năm 1991 tại Trung Quốc. Đội banh đầu tiên đăng quang là đội Hoa Kỳ, sau khi đánh bại đội Na Uy với tỉ số 2-1. Cả hai bàn thắng ở trận chung kết đều do Michelle Aker, nữ cầu thủ Hoa Kỳ đạt danh hiệu “đôi giày vàng” đầu tiên trong lịch sử thi đấu giải Túc Cầu Nữ Toàn Thế Giới.

Kể từ đó đến nay lần lượt các đội banh nữ của Hoa Kỳ (1991, 1999, 2015), Na uy (1995), đội Đức (2003, 2007) Nhật (2011) đã thay phiên nhau giữ chiếc cúp vô địch Túc cầu thế giới.

Đương kim vô địch hiện nay là đội Hoa Kỳ (2015) với cầu thủ xuất sắc là Carly Lloyd. Ba tôi là người đầu tiên trong nhà đã theo dõi tất cả các mùa giải bắt đầu từ năm 1995. Ông say mê hào hứng và hết lòng ủng hộ đội tuyển Nữ Hoa Kỳ. Ông thuộc làu tên của các nữ ngôi sao sên sân cỏ. Cô Mia Ham có đường banh quá điêu luyện, chân sút tài tình, nay đã giải nghệ, để lại tiếng vang trong sự nghiệp thi đấu với 158 bàn thắng. Cô Wambach với cách ghi bàn bằng đầu quá siêu, cô thủ môn da màu lanh lẹ góp phần lớn trong chiến thắng của đội nhà…Sau này có cô Thủ môn Hope Solo đẹp gợi cảm, nhưng hơi nóng tính, Cô từng đạt danh hiệu Thủ Môn xuất sắc qua hai kỳ Women World Cup, ….


Niềm đam mê của ba đã lây sang mấy đứa con. Sau đó cả nhà tôi đều theo dõi những trận đấu của các cô cầu thủ xinh đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi cứ bàn tán xôn xao, không biết năm này đội nào sẽ là ứng cử viên hạng nặng. Tôi vào trang Thể Thao của các tờ báo ở Việt Nam online, tôi hoàn toàn thất vọng vì không tìm ra được một bài báo nào đề cập đến sự kiện này. Tôi thấy làm lạ vì Việt Nam hiện nay cũng có đội Túc cầu nữ thi đấu vòng vòng ở mấy nước Đông nam Á. Dù chưa có thành tích gì sáng ngời cho lắm nhưng cũng chứng tỏ là phái nữ Việt Nam cũng yêu đá banh, có sở trường về môn thể thao này, vậy mà những thông tin về giải Túc Cầu Nữ Toàn Thế Giới hình như vẫn chưa được phổ biến cho lắm.

Nếu bạn là người yêu những trận thư hùng trên sân cỏ, xin hãy một lần đón xem các nữ cầu thủ trổ tài trên sân. Không hậm hực, không cau có, bất kể đó là cầu thủ da màu đến từ xứ sở Nigeria của châu Phi hay một cô Sweden mắt xanh, tóc bạch kim của vùng bắc Âu, tất cả đều thi đấu với một nét mặt rất vui tươi, một tác phong rất thể thao. Nữ trọng tài chạy tới chạy lui, khó có dịp đưa ra thẻ vàng thẻ đỏ.

Nói như thế không phải là những trận đá banh nữ không kém phần hào hứng. Điều hấp dẫn người xem nhất đó là sự thi đấu rất nhiệt tình, dễ thương. Tôi có dịp xem một buổi bình luận trên TV, anh chàng bình luận viên còn hết lời khen các nữ cầu thủ Pháp, cô nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn. Vậy mà không hiểu sao giải túc cầu nữ đã trải qua gần 30 năm, với 7 lần tranh tài vẫn chưa trở thành môn giải trí đại chúng? Có lẽ vì các đại gia chỉ đầu tư cho giải túc cầu nam, với giải thưởng hàng triệu đô la nên thu hút nhiều tay cá độ, điều này gây áp lực không ít cho các nam cầu thủ, nếu không muốn nói là "cơm gạo". Trong khi đó các nữ cầu thủ ra sân chỉ với niềm đam mê, họ đối đãi nhau đúng nghĩa trong tinh thần thượng võ. Bạn sẽ thấy ở sân cỏ niềm say mê, nụ cười tươi có lẫn giọt mồ hôi. Hoàn toàn không có những pha chơi xấu

hay giả vờ ăn vạ. Những nữ cầu thủ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vừa tranh tài vừa la hét chí chóe, sân cỏ rất vui.

Người ta thường quan niệm phụ nữ là phái yếu, nếu bạn có dịp xem những cuộc tranh tài về thể thao của nữ giới, nhất là các trận túc cầu giải quốc tế thì chắc bạn sẽ vô cùng kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ khi chứng kiến sự nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai qua những đường chuyền chính xác, lừa banh khéo léo và những cú "shoot" mạnh ghê hồn. Dĩ nhiên cũng không thiếu những cú đá phạt góc đẹp tuyệt, không thua gì David Beckham của Anh Quốc. Nếu đội tuyển quốc gia Brazil nam cầu thủ có Ronaldo thì nữ cũng có một Marta lừng danh, Marta thường được coi là nữ cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại và được chính Pele đặt biệt danh "Pele in váy".

Tháng sáu năm này lại về, sau ngày Lễ Từ Phụ Father’s Day, vẫn lao xao không khí World Cup 2018, vẫn những bất ngờ thú vị theo từng trận đấu; vẫn là nắng tháng sáu héo hon cỏ cây nhưng tôi không còn cùng ngồi xem các trận tỷ thí trên sân cỏ quốc tế với Ba tôi nửa. Trước mắt tôi bây giờ không còn một cổ động viên nồng nhiệt của đội Brazil, không còn một huấn luyện viên chuyên hò hét, mắng té tát các cầu thủ chơi xấu trên TV, không còn một cụ ông hơn tám mươi mỗi sáng mùa hè lo dậy sớm chăm bón vườn rau trước khi ngồi xuống xem các trận World Cup. Ba tôi bây giờ chạm đến tuổi chín mươi, sức mỏi hơi tàn; không có bệnh gì trầm kha nhưng đầu óc đã lẩn thẩn, quên nhiều hơn nhớ. Bao nhiêu đam mê, sở thích Ba hoàn toàn đã lơ là. Càng già Ba càng hiền, suốt ngày không nói năng, hỏi không buồn trả lời; rất lâu không thấy Ba có được nụ cười tươi, chẳng bao giờ nghe Ba hờn trách ai điều gì.

Cuối tuần tôi đến thăm Ba, hỏi Ba trận đá banh vừa rồi ai thắng? Đội Pháp được mấy điểm rồi, Ba ngơ ngác lắc đầu như chưa từng biết World Cup là gì.

Tôi nhớ mới kỳ World Cup 2014, Ba còn sôi nổi hò reo, còn chuyện trò cùng con cháu đông đủ. Không ai nghĩ đó là trận World Cup cuối cùng chúng tôi hào hứng xem cùng Ba. Nhớ Ba đã ví von sân bóng như là một sân chơi cuộc đời. Có tranh đua, có giành giật, có oan ức, có lãng mạn, có nụ cười bên cạnh giọt nước mắt, có kẻ thắng người bại, có đầy đủ hỷ nộ ái ố, có công bằng và cũng có những bất công khó nói nên lời. Ngoài sân cỏ còn có bao nhiêu cảnh éo le. Nhiều người có máu đỏ đen, ham vui kéo theo những trò cá cược, ăn đủ thua đủ, vui thì ít mà nước mắt và tan cửa nát nhà thì nhiều, báo chí khắp nơi đều có lên tiếng.

Nói thì nói vậy chứ ...ai thắng bại chưa biết, ai sạt nghiệp nhảy sông, ai ra hầu tòa, ai lên hương ... cũng chưa biết. Tôi chỉ biết là mình đã có những phút giây rất vui bên cạnh Ba tôi, theo chân các cầu thủ năm châu bốn bể qua các cuộc tranh tài giải Túc cầu nam cũng như nữ.

Mùa World Cup 2018 này ngoài nỗi buồn riêng cho sức khỏe người cha, tôi còn đau đáu cho nỗi niềm chung của đồng bào tôi khi hiểm họa diệt vong đang cận kề. Nơi quê nhà, đông đảo dân chúng đang hô hào xuống đường thể hiện lòng yêu nước đang bị đàn áp hết sức dã man; một số khác thuộc giới ham mê đỏ đen thì đang chìm đắm theo các trận tranh tài, thưởng thức thì ít mà cá độ thì nhiều.

Có đôi lúc tôi thầm hỏi lòng mình, khi nào thì Việt Nam chúng tôi mới tự do độc lập; đất nước tôi có đủ điều kiện, đủ khả năng, đủ sức lực đem chuông đi đánh xứ người như thiên hạ, để mình có cơ hội nhỏ xuống những giọt nước mắt rất ... Việt Nam theo từng bàn thắng của đội nhà?

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Atlanta - Mùa World Cup 2018

Ý kiến bạn đọc
09/07/201819:47:49
Khách
Trang Việt Báo, Viết Về Nước Mỹ đã chọn bài viết này ngay trong mùa World Cup 2018 thật là một chọn lựa hòan hảo. Tình cảm riêng gây xúc động, kiến thức về môn Túc Cầu Nữ thật mới mẻ, đáng nể, tác giả cũng gởi tâm tư về nổi đau chung ở quê nhà. Hay, cám ơn tác giả NDAT và Việt Báo.
09/07/201819:39:57
Khách
Rất thích thú khi đọc bài này, ngoài cảm xúc như những bài tác giả đã viết về người Cha của mình, kỳ này bài viết lôi cuốn khi đọc về Giải Bóng Đá Nữ Tòan Thế Giới mà Hoa Kỳ đã nhiều phen dẫn đầu. Thật hảnh diện cho phái nử của quê hương thứ hai của tôi.
Cám ơn người viết và Việt Báo
09/07/201819:34:44
Khách
Một bài Viết Về Nước Mỹ thật đặc biệt vì đề cập đến Giải Túc Cầu Nữ (Fifa World Cup).Cám ơn tác giả đã chia sẽ những thông tin mới, đúng là niềm tự hào của Nước Mỹ khi môn Túc Cầu chưa được phổ biến ở Mỹ mà các Phụ Nữ Mỹ đã làm được những thành công vang dội, ba kỳ vô địch thế giới về môn này. Tôi nghĩ rất ít người Mỹ biết đến điều này.
09/07/201819:29:40
Khách
Nhân mùa World Cup 2018 đọc bài viết thật hay, nổi niềm riêng của gia đình hòa trong không khí mùa bóng đá và nổi đau từ quê nhà. Đọc bài viết thật ngậm ngùi. Rất hay. Cám ơn Viêt Báo và tác giả
08/07/201819:24:10
Khách
Bài viết dí dỏm, và chân thật. Cám ơn tác giả đã ghi lại những thông tin về môn bóng đá nử mà thật sự ít ai biết đến, một điều mới lạ về đất nước Hoa Kỳ .
08/07/201818:33:07
Khách
Bài viết về những kỷ niệm với người cha đầy xúc cảm, tác giả đã có tìm hiểu nhiều về môn Túc cầu Nử, cám ơn đã chia sẽ. chúc tác giả và Việt Báo luôn có những bài viết hay về nước Mỹ .
08/07/201805:08:59
Khách
Sở dĩ môn túc cầu không được dân Mỹ ái mộ lắm là vì hai lý do:
Nguyên trận đấu chì nhiều lắm làm bàn được vài ba cú. Lắm khi hoà phải đá phạt đền 5 trái để quyết định thắng thua.
Trong trận đấu không có giờ nghỉ để quảng cáo. TV không quảng cáo thì chủ đội banh không có nhiều $ trả cho cầu thủ. Cầu thủ của các môn thể thao khác như football, basketball... được trả cả chục triệu mỗi năm chưa kể tiền quảng cáo. Trong khi cầu thủ đá banh của Mỹ lãnh chưa tới trăm ngàn. Các tài năng thể thao đều chọn các môn khác và TV không chiếu đều vì $.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Bài viết mới của ông là những hồi ức về Huế.
Nhạc sĩ Cung Tiến