Hôm nay,  

Nhật Ký Tháng Sáu

04/07/201800:00:00(Xem: 53688)

Tác giả: Song Lam

Bài số: 5429-19-31267-vb4070418

 

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.

 

****

 

Bà Hà đảo mắt khắp phòng mạch Retina, phòng Bác sĩ chuyên khám và trị bệnh nhãn khoa nổi tiếng ở vùng Cherry Hill này, vẫn không thấy ông Hải chồng bà ngồi ở đâu. Bà nghĩ chắc ổng đã vào phòng Bác sĩ rồi. Cứ 3 tháng một lần, ông Hải đến đây để chích mắt – làm injection con mắt phải. Mỗi lần như thế phải ngối đợi hai ba tiếng đồng hồ và tiền thuốc gần 2,500 dollars. Mấy năm trước còn làm việc, insurance của hãng trả 80%, ông Hải phải trả 500 tiền copay. Bây giờ, ông về hưu rồi, bảo hiểm Medicare trả chưa đến 50%.

 

Gia đình ông bà Hải có 2 người con gái. Cô lớn tên chi, thằng em tên Lượng; như vậy gom lại thành Hải Hà Chi Lượng, câu kinh thường nhật của đạo Phật. 

 

Ông Hải tuổi tuất, Bính Tuất, năm nay đã 72. Khi đến Hoa Kỳ theo diện H.O. 2 ông bà đã ngoài 40. Một phần vì con còn nhỏ, một phần vì không có vốn liếng đem theo, họ không có điều kiện trở lại college nên an phận với cuộc đời công nhân bình thường, quên đi một thời quá khứ vàng son.

 

Sau những năm tháng lao tù và nhọc nhằn cơm áo, ông Hải mang nhiều bệnh trong người: cao mỡ, cao huyết áp, tim mạch…

 

Nhưng, điều bà Hà lo lắng nhất là con mắt phải của ông ngày càng mờ đi. Chuyện bình thường của tuổi già vướng Glucoma hay cataract ai cũng có, đằng này ông bị một đốm máu đông bên trong tròng mắt nên khó trị. Bác sĩ cho biết việc đưa thuốc vào tròng mắt 3 tháng 1 lần chỉ có tác dụng ngăn chận sự phát triển của cục máu đông đó thôi chứ không dứt được bệnh. Đôi lúc ông tự giễu mình, nói với bà vợ:

 

“Tui đâu ngờ về già lại trở thành độc nhãn đại hiệp!”

 

Ông cười buồn. Bà Hà đoán được sau câu “tự trào” ấy là nỗi buồn của ông, vì nghĩ rằng bây giờ mình trở thành vô dụng, sống nhờ thuốc tuần nào cũng tới Bác sĩ 3, 4 lượt. Có lần, ông nửa đùa nửa thật nói với bà Hà:

 

“Sao hồi đó bà không nghe lời con Chi “đổi ba khác”? Nếu bà nghe lời nó, bây giờ bà khoẻ ne, khỏi phải cực khổ chăm sóc ngưởi bệnh đủ thứ bà rằn như tui?”

 

Bà Hà hứ một tiếng rồi nói:

 

“Thôi, lo ăn sáng đi, rồi uống thuốc, cứ ở đó tào lao hoài!”

 

Bà Hà kém ông vài tuổi, không đau bệnh gì nhiều, nên dù đã retired mấy năm nay, bà vẫn tiếp tục làm part-time cho công ty buôn bán lớn ở vùng này. Bà làm bên chỗ nhà hàng nên thường làm ca đêm. Ông Hải nhắc chuyện “đổi ba khác” làm bà chạnh lòng nhớ về chuyện cũ.

 

Năm 1980, bà ra Bắc thăm chồng, dắt theo bé Chi lúc đó vừa 5 tuổi. Ông Hải viết thư về Saigon tha thiết muốn gặp con vì từ lúc sinh cháu, cha con chưa hề gặp mặt nhau.

 

Biết bao là gian khổ trong 2 ngày 2 đêm, mẹ con mới tới được huyện Tân Lập – tỉnh Vĩnh Phú. Bà Hà được cô bạn dạy chung trường cho ở nhờ tại Hà Nội khi cô này về thăm nhà trong dịp hè. Chuyến tàu Thống Nhất đi ngang bờ biển Mũi Né đúng vào tuần trăng. Trời ơi, trăng rãi vàng trên bờ biển đẹp biết là bao! Nhìn ngắm khung cảnh hữu tình nhưng lòng mình ngổn ngang trăm mối, bà thấy ánh trăng sao cô đơn quá, lạnh lẽo quá… cũng giống như mình… rồi 2 mẹ con phải nằm ngủ ngoài trời để qua đêm ở ga Việt Trì vì lỡ chuyến tàu đêm. Đến ga Ẩm Thượng phải chì chuyến đò ngang qua địa phận Vĩnh Phú. Rừng núi Vĩnh Phú tràng điệp với 99 dãy núi voi phục hùng vĩ nhưng rất hoang vắng, lạ lẫm khiến những người vợ tù từ Saigon ra đây quá đỗi sợ sệt.

 

Sau khi trình giấy thăm nuôi, được cho ở “trại tiếp tân” chờ ngày mai thăm gặp chồng, mấy bà vợ tù dắt con nhỏ đi dạo dọc con đường đất đỏ hóng gió mát vì tháng 6 ở miền Bắc nóng như lửa đốt. Bỗng từ xa đoàn tù đang lủi thủi vác cuốc vác xẻng gồng gánh về trại. Tim bà Hà đập loạn xạ vì như là có ông Hải trong đám tù ấy. Và đúng là ông ấy đây rồi. Tên bộ đội vác súng dẫn đầu đi cách khá xa. Bà nhìn ông kêu nhỏ:

 

“Anh Hải!”

 

Ông Hải chết sững, bỏ quang gánh xuống đất. Thấy con Chi, ông ngồi thụp xuống giơ hai tay ra, nghẹn họng:

 

“Con, con lại đây với Ba!”

 

Con Chi lùi lại, sợ hãi, khóc ré, bíu chặt lấy mẹ. Nó vẫn khóc, lắc đầu, nói:

 

“Má ơi, má đổi ba khác đi! Ba này xấu lắm!

 

Ông Hải nghẹn ngào. Bà Hà an ủi:

 

“Thôi, anh vào trại đi, ngày mai gặp. Để em dỗ con, đừng buồn!

 

Ông Hải gật, bươn bả theo bạn tù, mặt mày buồn xo!

 

Sau này, khi gặp lại người bạn tù chung trại ngày xưa, anh ta nói với bà Hà:

 

“Chị biết không, đêm đó, anh Hải khóc rấm rức, ảnh sợ chị nghe lời cháu “đổi ba khác”. Ảnh buồn vì con chẳng muốn nhận cha!

 

Mà, lúc đó con Chi cũng có lý của nó. Ai đời, ông Hải chỉ mới 34 tuổi mà trông già như sáu chục: quần áo rách rưới, thân xác tiều tuỵ héo mòn như gã ăn mày, trách gì con nhỏ không nhìn.

 

Bây giờ đã gần 40 năm, bà Hà bước vào tuổi thất thập. Bà không hiểu sao mình còn sống sót cho tới ngày nay. Biết bao gian khổ, xót xa ập đến cuộc đời người phụ nữ trẻ như một trận cuồng phong xoá sạch bao mộng mơ, công danh của thời mới lớn.

 

Tháng 6 lại về. Tháng 6 của miền Đông Bắc nóng rát gần 100° F. Biến động thời tiết ở tháng 6 dẫn đến những biến động chính trị ở Mỹ và ở quê nhà Việt Nam.

 

Ông Hải đôi lúc vẫn buồn nhớ quê nhà, nhớ những ngày còn trong quân ngũ. Ngày 10/6 năm nay, với những cuộc biểu tình rộng khắp nước để phản đối chính quyền cho thuê 3 đặc khu chiến lược từ Bắc Trung Nam trong vòng 99 năm. Cho ai thuê? Hay là cho Trung Quốc? Tại sao phải cho thuê? Phải chăng 74 tỉ dollar họ đã ký kết với Trung Quốc từ lâu, đã ăn chia cho nhau rồi? Hành động bán nước thấy rõ như 1 với 1 là 2. Những người lính gìa lưu vong như ông Hải, khi tuổi già chập choạng đến “miền đất sinh tử” còn nghĩ được gì, còn làm được gì cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam đây? Hay chỉ còn đau đáu buồn thương cho phận người, vận nước?

 

Tháng 6. Không chỉ là ngày hè rực rỡ của khoa bảng ra trường của các cháu nhỏ ở bậc trung học, đại học mà còn có ngày lễ Father’s Day, ngày của cha: “Tình cha ấm áp như vầng Thái dương” vì cha con nghĩa nặng. Người cha năm xưa, người lính ngày đó oai phong xông pha lửa đạn, ôm mộng hải hồ… bây giờ chỉ còn là những “ông già ngồi trong ghế bành” nhìn đời hiu quạnh, lực bất tòng tâm, nhìn “đồng bào” của chính mình dày xéo, bán rẻ giang sơn, đất nước!

 

Ông Hải ngậm ngùi nghĩ đến ngày Quân lực 19/6 hàng năm khi chưa mất Saigon. Ôi, tất cả đã thành dĩ vãng, đã thành chuyện cổ tích!

 

Đang miên man nghĩ ngợi, bà Hà đã cắt đứt dòng suy niệm của ông:

 

“Thứ bảy này 23/6, con Chi mời tụi mình dự lễ ra trường của con nó đó nha ông!”

 

Ông Hải phì cười:

 

“Tưởng gì, mới học pre-school cũng áo mão ra trường! Ở Mỹ này, cái gì cũng quá sức!”

 

Đúng như thế, vợ chồng ông cũng đã “quá sức” với cuộc sống lưu vong này. Bây giờ, hai đứa con đã trường thành, có vợ có chồng, có nhà có cửa, còn lại trơ vơ 2 con khỉ già này, hết ngày dài lại đến đêm thâu lo đối phó với bệnh tật. Khi còn đi làm quần quật lo trả biu trả bọng, ông bà tâm niệm khi về hưu sẽ đi đó đi đây thư giãn, xả stress, sẽ  thăm lại bè bạn, sẽ đến nơi chưa đến, sẽ làm việc chưa làm. Nhưng hỡi ơi, “đường xa ướt mưa” không có sức để đi.

 

Bà Hà nhìn chồng. Bà nghĩ không biết còn bao lâu nữa vợ chồng còn sống ở bên nhau. Ai mà biết được? Ông Giang, chủ tiệm nhà hàng ở vùng này mỗi lần gặp bà, đều nói:

 

“Lo nghĩ chi nữa chị ơi, đâu còn bao lâu nữa mà lo?”

 

Ý ông nói rằng cỡ tuổi ngoài 70 như ông bà Hải, như vợ chồng ông là tuổi bonus của đất trời, sẵn sàng ra đi không luyến tiếc sự đời ngang trái nữa, hay sao?

 

Bà Hà cũng nghiêm thấy điều đó. Bây giờ ra vô còn có 2 người, có người để nói chuyện, hoặc để cãi nhau. Đến lúc “sân ga” chỉ còn lại một người, lúc đó người còn lại sẽ ngậm ngùi luyến tiếc: “Phải chỉ mình đừng cằn nhằn, đay nghiến ổng” hay “phải chi mình cứ để cho bả vui với bè bạn đôi ba ngày” vân vân và vân vân.

 

Bà Hà nghĩ đến câu ca dao ngày xưa bà còn nhỏ, mẹ bà hay hát ru con:

 

“Phải chi ba với má đừng rầy.

 

Chiều nay em ra tại ngã ba này đợi anh.”

 

Chữ “phải chi” là một tiếc nuối, một giả thiết. Sự thật không có được như vậy.

 

Cách đây vài năm, ông Hải bị cơn bạo bệnh, phải nằm bệnh viện mấy tháng. Hàng ngày, con Chi thấy biết bao bệnh nhân nằm trên chiếc băng ca, được y tá đẩy vào phòng mổ. Nhưng lúc ông Hải rời vào hoàn cảnh đó, nó khóc hu hu. Vì người nằm trên băng ca đó là ba nó, người tù ở trại k5 Vĩnh Phú mà nó chê xấu, đòi “đổi ba khác” cách đây gần 40 năm. Lúc đứa nhỏ 5 tuổi, suy nghĩ về con người qua cái vẻ đẹp, xấu vì hình ảnh ba nó trong cuốn album hoàn toàn khác với người tù trước mặt. Nó khóc ré vì vẻ bi thảm của người tù năm xưa, bây giờ nó cũng khóc vì hình ảnh người tù đó chịu cái hậu chấn của sự đày doạ nghiệt ngã trong tù đói ăn khát uống nên bây giờ nội tạng hư hại tùm lum!

 

Cũng may, lần đó ông Hải chỉ phải cắt bỏ túi mật và được giải phẫu nội soi. Số tiền bệnh viện lên tới gần 300,000 dollars nhưng được bảo hiểm chi trả. Nó nghĩ đơn giản là “người ăn mặn, kẻ khát nước”: người cộng sản gây ra chết chóc thương tật cho biết bao nhiêu người lính trận năm xưa, để bây giờ  chính phủ Mỹ phải ra tay cứu giúp, điều trị. Con Chi nghĩ như vậy cũng phải và nó càng thương ba nó nhiều hơn.

 

Bà Hà không muốn nhắc lại chuyện đau khổ ngày xưa. Bà muốn quên để vui sống với chồng con, bạn bè những ngày cuối đời. Bà nghĩ rằng mình còn có phước hơn hàng triệu người trên trái đất này!

 

“Không còn bao lâu nữa”, bà Hà đem ý này nói với con trai để thúc hối nó cưới vợ. Lần nào nó cũng nhăn nhó:

 

“Chuyện của nhà nước để nhà nước lo. Má cứ hối hoài không khéo ráp vô vài tháng vài năm rồi cũng breakup, ly dị. Má giống ông ngoài ngày xưa nói với má - Cho lựa chứ không cho đổi”.

 

“Con thấy ba với má cực khổ quá chừng, cũng sống với nhau gần nửa thế kỷ đó sao?”

 

Thằng Lượng gãi đầu, gãi tai:

 

“Nhưng con gái bây giờ khác trước. Nó không có cái văn hoá cam chịu như má. Nó nhìn chung quanh so sánh với người này, người khác. Nhưng, nói cho cùng, con đâu có già?”

 

“Con đã 36 tuổi, học xong rồi, có nghề nghiệp rồi. Người xưa nói :Tam thập nhi lập. Tứ thập nhi bất hoặc. Con ù ơ ví dầu hoài, cha già con mọn, ba má đâu có sống đời với con?”

 

Như thế nhớ ra điều gì, thằng Lượng nói reo:

 

“Năm nay năm Tuất, tuổi của ba và của con, không lo chuyện lớn được. Thôi để năm tới con tính. Tháng sau, sinh nhật ba, con đưa bạn gái con về chào ba má, được chưa?”

 

Bà Hà cười vui:

 

“Ừa, đưa bạn gái con về đây chơi. Ba má hứa sẽ không nói năng, bình phẩm gì. Mọi sự do con thôi. Con cứ ở một mình, ngựa chứng không ai cầm cương, má lo lắm!”

 

Đó là chuyện giữa 2 mẹ con bà Hà, ông Hải chỉ ậm ừ, trong bữa ăn tối ngày Father’s Day. Ngày đó, con Chi phải trực bệnh viện nên không có mặt. Xưa nay, mọi chuyện ngoại giao lễ lạc, giỗ chạp, cưới hỏi của hai gia đình, ông Hải đều giao khoán cho vợ. Bản tính ông ít nói, chậm chạp, chỉ có cái hiền queo, nên chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng do “Quốc hội” Hà phán quyết ông chỉ cần “bấm nút” ô kê là được.

 

Tháng 7 sắp về với ngày lễ trọng đại: Independence Day – Fourth of July. Chưa gì bà hà đã đề nghị ông đóng 2 cây đinh ở bên ngoài thành cửa sổ phòng ngủ để bà treo lá cờ Mỹ thiệt bự thẳng từ trên lầu xuống. Bà nói với ông:

 

“Tôi muốn cám ơn nước Mỹ để những người Mỹ hàng xóm chung quanh nhà mình biết được tình cảm đó của người Việt ly hương đối với nước Mỹ, người Mỹ. Đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn. Đó là lòng biết ơn, ghi nhớ công ơn của nước Mỹ đã cứu mạng chúng ta.

 

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

 

Bà nguýt ông một cái bén ngót. Bà Hà nghĩ tằng cái bộp chộp tình yêu nhỏ không còn, nhưng giờ đây giữa ông và bà còn có sự dựa nương, đó là sự cần thiết, sự giúp đỡ cậy trông. Ông chăm chút ủi quần áo cho bà, chở bà đi chợ, nấu giúp nồi cơm, dọn rác, cắt cỏ, trồng hoa cho bà. Ông thích trồng rau, trồng cà và ông có tay trồng trọt lắm. Dây mồng tơi đã leo lên chà cây, cà tím đã có trái, và vô số ớt đủ loại cũng chi chít trái đầy cành. Lúc ông lụi cụi ngoài vườn là lúc con chó sunny lẩn quẩn bên ông, lúc nhảy cẫng vui mừng, lúc trầm tư nằm tréo 2 chân trước dưới bóng mát của cây cherry. Bà Hà đứng trong bếp nhìn ra khung cảnh thanh bình đó, mỉm cười.

 

Bà Hà quyết tâm buông bỏ mọi giận hờn, buông bỏ mọi lo toan giàu nghèo, buông bỏ cả lợi danh vì không còn bao lâu nữa.

 

Bên ngoài trời nóng lắm. Dễ chừng hôm nay gần 100° F. Ở miền Đông Bắc này, cái gì cũng quá sức: lạnh dễ sợ mà nóng cũng ghê người, chả bù với California hôm nay chỉ 60° – 70°, nhiệt độ lý tưởng để làm việc và du lịch.

 

Bà Hà tranh thủ ngày nghỉ để nấu ăn cho chồng và chút súp hoành thánh cho cháu ngoại Amy. Con nhỏ vừa 5 tuổi nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, điều này làm bà băn khoăn. Bà rầy rà con Chi về điều này:

 

“Con cứ nói tiếng Anh với nó hoài, má dạy tiếng Việt khó quá; gọi ông ngoại bằng ‘ống ngoái’, bà ngoài bằng ‘bà quại’ thì hết sức!”

 

Tự nhiên, bà nghĩ đến lúc con Chi 5 tuổi đòi “đổi ba khác” trong khi Amy bây giờ không đòi “đổi bà ngoại khác” bao giờ!

 

Vì bà hỏi nó: “Con có thương bà ngoại không?” Nó chần chừ một lúc lâu mới nói được:

 

“Có thương!”

 

Song Lam

 

Tháng 6/ 20

Ý kiến bạn đọc
27/07/201800:56:35
Khách
Em thấy hình bóng Cô trong đó! Em chúc Cô vui khoẻ với các em và Thầy!!! “ Đời có bao lâu mà hững hờ...” Em hu vọng gặp lại Cô 1 ngày không xa!
TM
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Nhạc sĩ Cung Tiến