Hôm nay,  

Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 Ở Pleiku

01/07/201800:00:00(Xem: 9647)
Tác giả: Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng

Bài số 5426-19-31264-vb8070118

 
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)

 
Vào khoảng năm 1967, Việt Cộng thuờng xuyên pháo kích vào Quân Đoàn ở Pleiku. Tầm ngắn thì rơi vào khu vực Tiểu Đoàn Truyền Tin Quân Đoàn 2, nhích xa hơn một tí thì vào doanh trại của Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến, nhích chút nữa thì vào Bệnh Viện Di Tản Số 72 của Hoa Kỳ nằm bên hông cổng hậu của Quân Đoàn, còn xa hơn nữa thì vào phi trường Cù Hanh.

Có đêm chúng pháo vào bằng hỏa tiễn 130. Loại này có sức công phá mãnh liệt đối với hầm hố, mái hầm càng cứng thì càng làm tăng sức công phá của nó. Tuy nhiên nó không có mảnh nhiều như đạn súng cối 60 ly hay 82 ly. Sau này Việt Cộng có súng cối 81 ly bắn cực nhanh, nếu chúng tác xạ liên tục bằng loại súng cối này thì cũng là một chuyện không may cho quân trú phòng của bất cứ đơn vị nào.

Để pháo kích vào Quân Đoàn, Việt Cộng thường dùng hỏa tiễn 122 ly đặt trên giàn phóng bằng tre có định giờ sẵn. Giàn phóng bằng tre nên dĩ nhiên không vững chãi; do đó, hỏa tiễn đến giờ được kích hỏa thì chỉ có quả đầu có cơ hội trúng mục tiêu, còn mấy quả sau đều văng lung tung, khi thì chỗ này khi thì chỗ kia. Có lẽ mục đích duy nhất của VC là gây tác động tâm lý trong quần chúng, nghĩa là chúng muốn chứng tỏ là “Quân Giải Phóng” có mặt ở khắp nơi.

Để ngăn ngừa pháo kích cũng như phát hiện sớm nguồn pháo kích, sư đoàn không quân tăng cường các máy bay trực chiến bao vùng. Máy bay là hình thức “răn đe” hữu hiệu nhất đối với bọn Việt Cộng. Thường là trực thăng võ trang, và đôi khi là máy bay L 19 (hỗn danh là máy bay bà già) có khả năng phóng lựu đạn xuống mục tiêu phía dưới.

Đến đầu năm 1968 là suốt hai năm tôi chưa đi phép thường niên. Nửa tháng trước Tết, Trung Úy Lê Văn Trung, Trưởng Ban 1 Tiểu Đoàn cứ dục tôi: “Sao không làm đơn xin đi phép đi, anh Hùng!”  Thế là tôi quyết định xin đi phép vào dịp Tết Mậu Thân.

Trung Úy Trung tự tay mang một xấp giấy xin đi phép thường niên lên Văn Phòng Tiểu Đoàn Trưởng. Thiếu Tá Đỗ Duy Chương Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến đặt bút ký liền. Ông Trung đích thân giao cho tôi tờ giấy phép do ký sáng thứ bẩy 27 tháng 1 năm 1968, nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Mùi, với triện son đỏ chói. Mới hôm trước tôi còn lưỡng lự chưa muốn đi, nhưng lúc đó thì việc đi phép đã trở thành một sư thực hiển nhiên.

Tôi mang giấy sang nhờ Trung Úy Slugg thuộc phân toán 245 Tâm Lý Chiến Hoa Kỳ (U.S. 245th Psychological Operations Detachment) xin một chỗ trong chuyến bay đi Sài gòn vào sáng mồng một Tết Mậu Thân. Slugg ghi là TDY (Travel On Duty) nghĩa là “di chuyển vì công vụ”. Hắn giải thích với tôi rằng đề như vậy để người ta ưu tiên cho đi. Để cẩn thận hắn gọi cho Ban Hành Khách của Hoa Kỳ ở phi trường Cù Hanh ghi tên tôi vào danh sách hành khách (Flight Manifest) rời Pleiku đi Sài gòn trên chuyến máy bay sớm nhất.

Slugg bắt tay tôi “Ok! Your name has been put on the manifest of the first flight. It’s a C123. It’ll stop over Nha Trang, pick up some more passengers and “wheew!” to Saigon. Have a nice trip!” (Tên của bạn đã được đề vào danh sách hành khách chuyến đầu tiên. Chuyến C123. Sẽ dừng lại ở Nha Trang để đón vài người rồi “vù” về Sài gòn. Đi vui vẻ há!)

Tôi thảnh thơi xách tờ Lệnh Di Chuyển do Mỹ cấp bước vào Văn Phòng Đại Đội. Bên gian sát cạnh mấy Hạ Sĩ Quan và binh sĩ đang bàn nhau về cái lệnh hưu chiến vừa mới ban ra.

Bỗng có tiếng chuông điện thoại kêu. Tôi bắt lên, áp ống com-bi-nê vào mang tai. Bên kia đầu giây có tiếng Trung Úy Trung, Trưởng Ban Một:

- Cho tôi gặp Trung Úy Hùng.

- Dạ tôi đây

Có tiếng cười rồi “ông Trung già” nói:

- Anh Hùng phải không?

- Vâng, tôi đây, Trung Úy.

- Này, anh Hùng ơi?

- Sao cơ?

- Anh trực hộ cho mình từ chiều nay cho đến chiều mai được không?

- Đâu có được! Chiều nay tôi xuống ca để chuẩn bị sáng mai 9 giờ lên máy bay đi phép về Sài gòn.

- Thôi thì ráng giúp dùm tôi tối nay đi! Sáng mai tôi lên sớm.

- Ở nhà có chuyện gì hả “đại ca”?

Ông Trung cười nói:

- Mình phải ở nhà để cúng giao thừa. Năm nay bà xã nhất định bảo nhà phải cúng giao thừa, rồi sau đó chở bà ấy đi lễ chùa nửa đêm.

- Vậy là “lệnh” của “phu nhân” đâu dám từ chối, phải không?  Thôi cũng được. Ai chứ Trung úy Trung đã yêu cầu thì dù muốn từ chối cũng đành phải ráng thôi. Nhưng tối nay tôi cũng phải làm một chuyến “tiền du xuân” thị xã Pleiku một chút.

- Thì bảo hạ sĩ quan trực là anh đi chừng vài tiếng rồi về. Dễ mà! Anh nhận giúp giùm tôi để cho tôi yên tâm.

- Thôi được vậy.

Tôi nghĩ bụng:

- Nói thì nói vậy thôi chứ về dưới phố đêm cuối năm ắt có nhiều chuyện bất ngờ

lắm. Chưa biết chừng ở lại đến khuya, chưa chắc đã lên Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn sớm được. Thôi kệ. Linh động một chút xíu. Có lệnh hưu chiến mà.

Trời sâm sẩm tối. Đợi điểm danh xong tôi nói với Hạ Sĩ Quan trực rằng tôi sẽ xuống dưới phố khoảng một tiếng sẽ trở lại. Người Hạ Sĩ Quan già nói:

- Trung Úy cứ đi đi. Một mình tôi ở đây được rồi. Tối nay chắc chẳng có gì đâu.

Tôi lái xe về nhà ở cuối đường Sư Vạn Hạnh. Nghĩ mình cũng nên ăn mặc nhẹ nhàng một chút nên tôi vội trút bộ đồ nhà binh vất vào một góc rồi thay bằng bộ đồ civil rồi khoác lên người chiếc áo vét mà đã cả năm rồi chưa một lần xỏ tay.

Tôi chặc lưỡi:

- Chả gì hôm nay cũng là đêm trừ tịch, ăn mặc đồ dân sự thấy nhẹ mình nhẹ

mẩy, nhất là đôi chân lại được dịp xỏ vào đôi giầy soulier bas, chân cứ nhẹ tênh.

 
***
 

Tôi ghé chúc Tết bác Phan đình Lư, công chức của Ty Tài Chánh tỉnh Pleiku. Người con gái thứ ba của bác là cô Hòa, xướng ngôn viên của Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn, là bạn học của vợ tôi. Vì vậy, hai Bác coi chúng tôi như con cái trong nhà, đối xử rất tử tế.

Đèn nến trong nhà sáng choang. Mấy bánh pháo hồng treo lủng lẳng trên một cành mai nở rộ. Hai mầu vàng và đỏ tương phản đem lại cái không khí nồng ấm của những giờ phút sắp bước sang năm mới. Bác Lư  trai trong bộ đồ mới vui vẻ nói:

- Tết năm nay hưu chiến mà. Đâu có sợ đánh đấm gì.

Vừa nói bác vừa chỉ vào cái giây pháo treo thòng sẵn trước cửa nhà, đợi bước sang

giao thừa, lúc có thông điệp đầu xuân của vị nguyên thủ quốc gia, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đọc là đốt pháo.

Niềm vui dễ lan lây. Trong lòng tôi cũng thấy hân hoan theo Bác. Nhưng tôi hơi chạnh lòng không biết bố mẹ, vợ con và các em tôi đón giao thừa ở Sai gòn như thế nào, chắc họ đang trông tôi lắm vì tôi đã viết thư về báo là năm nay mình sẽ về đón xuân cùng gia đình tại Sài gòn.

Bác Lư khui rượu rồi rót vào hai chiếc ly. Bác đưa rượu cho tôi:

- Nào, chúc mừng anh năm mới.

- Vâng, cháu mời bác, cháu cũng xin chúc bác sang năm mới được vạn sự như ý.

Cả hai bác cháu cùng giơ lên ngang mặt “ực” và “khà” một cái. Hơi cay và nồng ấm của rượu như thấm vào lục phủ ngũ tạng khiến cho đầu óc tôi tỉnh táo thêm.

Bác rót ly thứ hai, và kêu bác gái mang đồ nhắm chờ đón Giao Thừa. Tôi nói với bác:

- Thưa bác cháu ngồi đây chơi với bác một lát rồi xin phép ra ngoài một chút, đi ngắm phố phường tối cuối năm. Vả lại mai cháu cũng đi phép Tết về Sài gòn.

Hiệp, cô con gái thứ hai của bá, bước vào nói:

- Anh có đi “dzòng, dzòng” cho tụi em đi với.

Bác Lư trai nói:

- Đi đâu thì đi nhưng nhớ giao thừa là phải về đây uống với tôi một chén rượu đầu năm rồi hãy về đơn vị nghe không.

Quay sang Hiệp và đám em, tôi nói:

- Nào Hiệp, Cúc, Bé leo cả lên xe đi. Anh em mình sẽ đi vòng vòng một chút.

Nhưng chỉ có Hiệp leo lên xe còn Cúc và Bé lắc đầu vì thích ra ngoài Chùa Tỉnh Hội với mấy đứa bạn.

Trời đêm càng lúc càng lạnh. Hơi ấm do rượu lan tỏa trong con người tôi chắc đã tan hết cả. Hiệp đề nghị tôi chở cô ta vòng quanh thị xã, từ đường Hoàng Diệu chạy dọc theo vườn cà phê lên đồi Pháo Binh, nơi có Tiểu Đoàn 37 Pháo Binh đóng rồi lại chạy xuôi xuống khu Chợ Mới, vòng xuống trở lại.

Bỗng Hiệp nói với tôi:

- Anh Hùng ơi, sao em thấy tối nay đông người quá dzậy?

Tôi mỉm cười nói:

- Đêm cuối năm mà em.

Hiệp cướp lời:

- Năm ngoái em cũng đi chơi tối cuối năm như năm nay nhưng người đâu có đông như vậy?  Em thấy lạ lắm!

Khi chúng tôi về tới nhà bác Lư thì bác gái cũng đã đặt ở trên bàn vài món nhậu chờ tôi về thì lai rai một chút với bác trai.

Tôi chưa rời nhà Bác Lư thì có tiếng đạn pháo kích của VC vào khu vực Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, và rồi có tiếng kẻng báo động.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã mười giờ. Rồi tiếng kẻng báo động của Trung Đoàn Thiết Giáp ở bên kia đồi “A-Rê-A” vang lên. Tiếng kẻng nghe như tiếng cồng, âm thanh rền và vang xa gần như tiếng chuông chùa chỉ khác là chuông chùa thì thong thả ngân nga còn kẻng của trung đoàn thiết giáp thì liên hồi ba tiếng một. Cái âm thanh đặc biệt ấy cứ như dãn ra xoáy rộng vào trong cái không gian cao vút của một thành phố miền núi trong màn sương phủ trắng cả một vùng. Mọi nhà đều bật điện lên. Và rồi như một cơn địa chấn lan rộng: toàn bộ khu vực chung quanh thị xã Pleiku, kẻng vang rền.

Từ nhà dưới, người con dâu thứ của bác Lư (vợ anh sinh viên sĩ quan Thủ Đức Phan Đình Lang) ôm đứa con mới sinh được không đầy một tháng chạy hộc tốc lên trên nhà trên. Thấy tôi ngồi đấy chị nói lớn:

- Chết, anh còn ngồi ở đấy à, anh Hùng?  Nãy giờ em nghe thấy tiếng ồn ào dữ lắm, không biết là cái gì. Kẻng đánh hoài à. Chắc có chuyện lớn rồi. Anh phải về đơn vị ngay đi. Anh có lên trên quân đoàn cho nhà em đi theo với. Kiểu này thì không ở nhà được, lỡ có chuyện gì… Em đàn bà không sao, chứ anh ấy…

Vừa nói xong thì Lang trong bộ quân phục đi phép bước ra đứng nghiêm chỉnh chào tôi. Tôi nói đùa với vợ của Lang:

- Chị yên chí. Tối nay lên trên ấy cho anh ấy ngủ gần tôi, thế là khỏi lo nghe.

Tôi chạy về nhà, cởi phăng bộ đồ dân sự, mặc lại bộ đồ nhà binh vừa quăng vào xó nhà cách đây khoảng gần hai tiếng đồng hồ rồi hộc tốc chạy ra xe. Lang theo tôi bén gót. Ra đến “bùng binh” phía ngoài đường tôi nghe thấy tiếng quát:

- Giờ này còn đi đâu nữa!

Tôi giật mình, và suy nghĩ thật nhanh:

- Quái! Xe Jeep chỉ do sĩ quan chạy mà thôi, sao lại có ai dám quát như thế!

Tôi liếc mắt nhanh sang bên phải thì bỗng giật mình vì cái tên vừa nạt nộ chính là một thằng VC. Nó ăn mặc rất kỳ lạ, chân thì đi dép.

Không một chút chậm trễ tôi phóng xe vọt tới. Nhưng vừa mới ló đầu xe khỏi bùng binh tính quẹo phải vào đường Hoàng Diểu để đánh vòng cua trước cửa rạp chiếu bóng Diệp Kính thì Lang hô to:

- Dừng lại.

Tôi lật đật đạp thắng nghe một tiếng két kinh người. Từ phía dưới dốc cầu Hội Phú một người lái chiếc xe Jeep phóng hết tốc lực chạy ngược lên trung tâm thị xã tay trái “ôm” vô lăng” xe trong lúc ấy tay phải cầm khẩu súng Colt ngoái tay lại đằng sau nhả đạn từng phát một nghe chát chúa.

Tôi lái xe vút theo. Tuy nhiên, thay vì chạy thẳng theo con đường bên hông Chợ Nhỏ, tôi lại đánh một vòng lượn trái chạy ngang qua “dinh ông Tướng” rồi mới quẹo phải ngang qua Dân Y Viện Pleiku vì tôi tin rằng khu vực được canh gác cẩn mật đó còn an toàn. Chạy xe tới hông Quân Trấn Pleiku tôi dừng xe lại để nghe ngóng tình hình. Và một chiếc xe Jeep khác chạy sát sau xe tôi cũng dừng lại. Người trên xe nhẩy vội xuống là Đại Úy Nguyễn Trung Từ, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Truyền Tin Quân Đoàn 2. Tôi cũng nhẩy xuống xe. Thấy tôi, Đại Úy Từ vội trật cái mũ trùm đầu của chiếc áo field jacket mầu ô liu rồi tiến sát lại tôi nói:

- Hùng hả. Việt Cộng tới đâu rồi?


Tôi vội nói:

- Chưa biết, nhưng lúc giao thừa ở khu đường Sư Vạn Hạnh tôi thấy đông người lạ mặt lắm.

Đang trao đổi gấp rút với nhau về tình hình rất lạ ở thị xã thì bất ngờ một chiếc xe Jeep khác trờ tới. Người trưởng xa đầu đội nón sắt hai lớp có lưới, vận áo giáp chống đạn, tay lăm lăm cầm cây súng M 16 nhẩy xuống. Tài xế vẫn ngồi thẳng người trước tay lái. Máy xe vẫn nổ dòn dã. Thì ra là Đại Tá Lê Trung Tường, Phụ Tá Tư Lệnh Quân Đoàn. Ông vội bảo chúng tôi:

- VC chiếm Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận rồi!  Tình hình rất nguy hiểm! Lên hết trên Quân Đoàn!  Đi!

Nói xong ông lên xe, tay vẫn lăm lăm cây súng M 16 với mũi súng chĩa ra ngoài. Xa xa về phía đằng trước xe ông là một chiếc xe half-truck hộ tống. Theo lệnh ông, Đại Úy Từ cho xe chạy theo sát xe ông rồi đến xe tôi và còn mấy xe Jeep khác nữa. Đi đoạn hậu là chiếc xe half-truck nữa. Cả đoàn xe được lệnh chỉ để “đèn mắt mèo”, cái sau nhắm bóng đèn của xe phía trước mà chạy. Xe half-truck cũng bỏ đèn thường và chạy bằng đèn mắt mèo.

Đúng như lời ông bà ta nói là “tối như đêm 30.”  Đêm hôm đó là đêm trừ tịch, 30 ba mươi Tết, trời quả thực là rất tối. Gió lạnh thổi vèo vèo. Trên vọng lâu của lô cốt trước cổng thành PleiMe có tiếng hô “Dừng Lại” thật lớn. Sau khi trao đổi mật khẩu, ngựa sắt và kẽm gai được kéo sang bên và cả đoàn xe chạy nối đuôi vào trong cổng trong khi ấy thì hai chiếc xe half-truck có lẽ được lệnh Đại Tá Tường trấn giữ phía ngoài cho nên đậu chắn ngang hai bên cổng, mũi súng đại liên 50 hướng ra ngoài nghĩa là hướng về phía làng Pleiku Roh trước mặt.

Tôi chạy xe vào Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến. Trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn chỉ có lèo tèo chưa tới hai chục người. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn kéo còi báo động, tất cả quân nhân đều phải ra tuyến phòng thủ.

Đại đội 201 Tâm Lý Chiến ngoài tôi ra chỉ còn có Trung Sĩ Y Mok, Trung sĩ Y M’ho, Trung sĩ Đích, Trung sĩ Trần Chớ, Hạ sĩ Nguyễn Văn Tuyết - tài xế của tôi, Hạ sĩ Lê Có và Trung Sĩ Trần Văn Chánh. Có khá nhiều người vắng mặt.

Mãi sáng hôm sau khoảng 8 giờ rưỡi sáng đám quân nhân của Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến mới lục tục kéo lên, mỗi người kể một chuyện về cái tối giao thừa lạ lùng nhất trong đời họ.

Lúc điểm danh buổi sáng xong, nhân danh Sĩ Quan Trực Tiểu Đoàn, tôi yêu cầu các ban hãy theo dõi xem số quân nhân của mình có còn đầy đủ không. Ban Truyền Tin Điện Anh báo cáo vắng mặt một anh hạ sĩ chụp hình (tôi không nhớ tên anh ta).

Hai ngày sau, khi VC hoàn toàn bị tiêu diệt, ban Truyền Tin Điện Anh đến nhà người hạ sĩ để tìm thì mới biết nhà y đã bị cháy sạch. Trên nền nhà có một xác chết nước da trắng trẻo, người to béo, và vì nhà bị cháy cho nên xác chết cũng bị cháy không nhận diện ra được là xác của ai. Nhưng cứ theo lời Hạ sĩ Hồ Viết Sum thì cái xác ấy chính là xác của cái anh chàng Hạ Sĩ chụp hình mập mạp, hiền và lễ phép. Trong buồng nhà anh ta có một cái hầm thẳng đứng, ở trên nhìn xuống thì chỉ là một cái giếng rất sâu. Nhưng tại sao người ta lại đào một cái giếng trong buồng để làm gì? Chúng tôi đoán đó là một cái đường thông xuống một căn hầm bí mật ở dưới nhưng một khối lượng đất to như thế chuyển đi đâu thì cũng phải có dấu vết. Vậy có lẽ anh chàng hạ sĩ này là Việt Cộng nằm vùng?  Nhưng tại sao anh ta bị chết thì là một điều khó hiểu.

Việt Cộng chiếm Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận của Tiểu Khu Pleiku ngay trong đêm 30 Tết Mậu Thân rồi một toán đặc công tràn qua đột nhập căn nhà gỗ ở bên kia đường. Đó là căn nhà nơi Trung Tướng Vĩnh Lộc, đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 2, cư ngụ cùng với vợ là ca sĩ Minh Hiếu và con. May mắn là tướng Vĩnh Lộc và gia đình đã bay đi Đà Lạt ngày hôm trước trên chiếc phi cơ DC4 của Tư Lệnh Quân Đoàn mang tên “Mùa Hoa Phượng” cho nên hai mẹ con cô Minh Hiếu thoát nạn.

Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận Tiểu Khu Pleiku chỉ cách Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku một con đường. Trong đêm 30, VC cố chiếm cho được Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku và Tòa Hành Chánh tỉnh nhưng gặp sức kháng cự quyết liệt của quân trú phòng tiểu khu từ trong những pháo đài làm bằng bao cát và những thanh sắt PSP.

Một số quân nhân cơ hữu trong thành phần ứng chiến vì tin vào lệnh hưu chiến nên lẻn về nhà gần đó để cúng giao thừa, không ngờ bị kẹt ở ngoài. Ngay từ giờ phút nổ súng đầu tiên cho đến sáng, tất cả quân nhân còn lại trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cật lực đánh nhau với Việt cộng. Theo lời kể lại, thì Thiếu Tá làm xạ thủ đại liên còn Đại Úy và Trung Úy thì làm phụ xạ thủ và tải đạn. Đó là một trong những trận đánh “cấp cao” nhất, không chỉ của Tiểu Khu Pleiku mà của cả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Suốt đêm ba mươi rạng mồng một Tết Mậu Thân, quân ta và Việt Cộng quần thảo nhau dữ dội. Máy bay Hỏa Long hoạt động suốt đêm. Hỏa Long là tên Việt, còn tên Mỹ gọi là Spooky, tên gọi của phi cơ C 46 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Đây là loại phi cơ Dakota có gắn đại liên sáu nòng ở bên hông. Khi bắn thì sáu nòng xoay tròn và đạn đại liên ào ạt tuôn ra. Trong lúc phi cơ bay vòng vòng thì đạn luôn luôn chĩa thẳng vào mục tiêu dưới đất y như một hình nón ngược. Trong đêm, tiếng súng từ trên phi cơ bắn xuống nghe ù ù liên tục như bò rống. Đặc điểm của loại phi cơ này là sự yểm trợ hưũ hiệu của nó. Lính VC ngồi dưới hố cá nhân chỉ có thể tránh được đạn đạo bắn ngang chứ chẳng thể nào tránh được đạn bắn thẳng từ trên trời xuống, do đó Việt Cộng cố thủ trong giao thông hào của Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận đều chết sạch vì bị đạn xuyên từ trên đầu, từ vai xuống.

Mờ sáng mồng một Tết Mậu Thân, các thiết giáp từ Trung Đoàn Thiết Giáp ở phía bên kia cầu Hội Phú ầm ỳ lăn bánh vào phố thị dọc theo đường Hoàng Diệu. Tiếng loa gọi VC ra đầu hàng oang oang nhưng toán đặc công VC cố thủ trong nhà cô Minh Hiếu đáp lại bằng những tràng AK và lựu đạn chày.

Biết rõ trong nhà không có ai ngoài mấy chú “Vi Xi”, thiết giáp chúc mũi pháo tháp xuống và đại liên 50 quét một đường sấm sét. Loạt đạn đầu tiên bẻ gẫy những mảnh ván tường nhà, tiêu diệt tức khắc đám “con cháu Bác Hồ”. Mấy khẩu súng AK và mấy trái lựu đạn chày lăn lóc bên mấy cái thây đẫm máu. Nhà của đại úy Ngô Vân Hòa, cựu Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị ở sát đằng sau cũng bị đạn phá banh lớp ván tường dầy phía sau, nhưng rất may họ đã chạy ra khỏi nhà trước lúc toán đặc công đột nhập vào bên trong nhà cô Minh Hiếu.

Trời sáng rõ thì một đại đội của Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân hợp cùng với thiết giáp cố chiếm lại Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận. Thành phố khét lẹt mùi thuốc súng. Lính Bắc Việt lợi dụng các công sự phòng thủ kiên cố của Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận nên cố thủ tại chỗ. Chúng nằm trong một cái hầm lớn phía trước tòa nhà, bắn liên tiếp và quăng lựu đạn ra. Một Trung Úy Biệt Động Quân, Đại Đội Trưởng, nóng mắt bảo mấy người lính của mình bắn yểm trợ để anh ta bò vào tận nơi tung lựu đạn vào hầm thanh toán máy chú VC lì lợm. Không may anh ta bị trúng đạn tử thương ngay tại chỗ. Sau đó xe bắn xăng đặc được điều tới. Một vòi xăng đặc bốc lửa rần rần phun thẳng vào hầm và nơi này biến thành một hỏa ngục ngập ngụa khói.

Lính Việt Cộng núng thế rút khỏi Đại Đội Hành Chánh Và Tiếp Vận rồi trà trộn vào xóm nhà dân ở mé dưới lưng đồi. Vì biết trước là với lối bám trụ lì lợm của VC thì khu nhà dân trước sau gì cũng bị phi cơ dội bom hay bắn hỏa tiễn, gây nên số thương vong không ít cho thường dân vô tội, nên Chiến Tranh Tâm Lý Tiểu Khu cũng như Đại Đội 201 Chiến Tranh Chính Trị đã dùng loa kêu gọi đồng bào hãy chạy khỏi khu vực giao tranh. Số người dân chưa kịp chạy nhân lúc này ào ào tuôn từ dưới mé suối lên con đường trước nhà Bưu Điện. Họ đã được hướng dẫn chạy đến những nơi xa hơn nằm trong tầm bảo vệ của quân đội.

Tướng Vĩnh Lộc từ Đà Lạt bay về thiết lập Bộ Chỉ Huy Hành Quân lâm thời ngay trước Bưu Điện Pleiku. Sáng mồng hai Tết, tướng ba sao Hoa Kỳ William Peers, Tư Lệnh Sư Đoàn Bốn Bộ Binh Hoa Kỳ, từ căn cứ Hàm Rồng đáp trực thăng xuống ngay ngã ba nơi thiết giáp đã tiêu diệt gọn toán đặc công cộng sản sáng hôm trước. Hiện diện nơi đây có Trung tá Nay Lo, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Pleiku. Tướng Peers hỏi Trung Tá Nay Lo (qua lời thông dịch của một viên thông ngôn) xem ông Nay Lo, với tư cách là người phụ trách lãnh thổ, có ý kiến như thế nào để tướng Peers dễ bề hành động. Trung tá Nay Lo nói nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh với cái âm lơ lớ: “Bắng, bắng, shoot, shoot.”

Không nói thêm nửa lời, tướng Peers cầm ngay cái ông combiné gọi về Sư Đoàn 4 Bộ Binh. Không đầy mười lăm phút sau những chiếc trực thăng võ trang Cobra sơn mầu nâu từ căn cứ Hàm Rồng bay thẳng tới. Vừa tới nơi là đoàn Cobra như những con chim cắt xà xuống. Hai bên hông máy bay là hai khẩu đại liên M 60 do hai xạ thủ bắn như đổ đạn. Hỏa lực áp đảo hòa cùng với những hỏa tiễn phụt lửa với những tiếng nổ chát chúa“à uỳnh, à uỳnh”. Các tấm tôn xanh trên mái nhà thình lình bị giựt bung ra khỏi mái bay lên trời như bươm bướm. Từng hợp đoàn hai chiếc một thay phiên trút bão lửa xuống đầu VC. Chúng bị đẩy bung ra khỏi khu nhà dân, phải rút xuống thung lũng phía dưới.

Buổi chiều ngày mồng hai tin báo cho hay là vẫn còn có sự hiện diện của Việt Cộng vì người ta thấy chúng tắm ở dưới suối tận phía dưới thung lũng. Cũng ngay buổi chiều ấy thì có một cụ già từ trong khu nhà phía bên kia đồi chống gậy ra báo cho lính thiết giáp biết là VC nằm đầy ở trong khu nhà dân phía bên kia cầu Hội Phú. Viên chỉ huy thiết giáp báo cáo tình hình và được lệnh đem thiết giáp vào tiêu diệt. Ông cụ được yêu cầu cho đi theo để chỉ chỗ.

Ngay từ trước khi thiết giáp tiến vào tiêu diệt VC, Đại Đội 201 Chiến Tranh Chính Trị cũng đã dùng chiếc điện ảnh xa có gắn loa phóng thanh phát ra lời kêu gọi chúng ra hàng. Vì VC bắn trả về phía loa, cho nên để tránh nguy hiểm đến tính mạng, Hạ Sĩ Nhất Bùi Vĩnh Mười cứ để cho loa phát còn anh và một binh sĩ nữa thì rời khỏi xe và núp vào phía bên đường. Trong vòng không đầy một tiếng đồng hồ sau, toàn bộ số Việt Cộng còn lại đã bị tiêu diệt. Có một vài cán binh cộng sản còn sống sót, trong số đó có một Tiểu Đoàn Trưởng Địa Phương của Việt Cộng: đó là người phu xích lô của Thị Xã Pleiku.

 
***
 

mở đài radio suốt đêm để theo dõi tin tức chiến sự trên toàn miền Nam. Những màn quảng cáo trên radio đều bị tước bỏ hết và tin tức chiến sự từ Sài gòn cho đến các thị thành miền Nam, miền Trung được loan ra mỗi đầu giờ trong suốt ngày đêm. Tôi biết được rằng đêm 30 Tết Mậu Thân, VC đồng loạt tấn công vào tất cả các thành thị miền Nam mà nơi nặng nhất là Sài gòn. Nếu tôi nhớ không lầm thì tỉnh lỵ Ba Xuyên là tỉnh duy nhất ở miền Nam không bị tấn công.

Khi tình hình đã tạm yên ổn, từ Pleiku tôi gọi điện thoại về Sài gòn cho vợ tôi qua Phòng Chuyển Vận Sài gòn của Thiếu Tá Lâm Kỳ Thơ. Hỏi Sài gòn ra sao thì nhà tôi nói là trong Sài gòn cũng chộn nhộn lắm vì mới trải qua một vụ tấn công ác liệt của Cộng quân. Tôi hỏi rằng có thể đem con ra Pleiku được hay không thì nhà tôi trả lời là sẽ nhờ Thiếu Tá Thơ cấp giấy ưu tiên. Ba ngày sau nhà tôi bồng cháu Ngọc lúc ấy mới có ba tuổi và cháu Long vẫn còn trong bụng bay ra Pleiku bằng phi cơ quân sự của Hoa Kỳ. Thế là giấy phép về Sài gòn ăn Tết đương nhiên bị hủy bỏ. Hai bác Lư thấy chúng tôi đoàn tụ cũng chia vui.

Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng (Viết theo ký ức)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,087
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.