Hôm nay,  

Hai Quê

08/06/201800:00:00(Xem: 16246)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5408-19-31249-vb6060818

 
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...”  Đây là chuyện một “công chức XHCN” du học và chọn nước Mỹ là quê hương thứ hai, được kể giản dị mà chân thành, xúc động. Mong Tố Nguyễn sẽ tiếp tục viết.

 
***
 

Gần mười lăm năm định cư trên đất Mỹ, tôi thấy mình ngày càng yêu thương và gắn bó hơn với mảnh đất đã cho tôi cơ hội, cho tôi niềm tin vào tình người.

Giữa cuộc sống bộn bề với những "deadlines" của công việc trên quê hương mới, tôi ngỡ như mình đã quên mất Việt Nam. Nhưng không dễ mà quên được quê cu.õ

"Tôi lớn lên bờ Tam Giang nước mặn, những chiều không mây trắng lững lờ trôi..." Đó là lời bài hát “Hai Quê”â của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ.

May mắn hơn người nhạc sĩ tài hoa, tôi có những tháng ngày ấu thơ êm đềm bên bờ Hậu Giang nước ngọt ngào trù phú của quê cũ, rồi còn may mắn hơn, khi có thêm quê mới  là nước Mỹ.

Mười lăm năm quê mới... Chỉ nhớ lại thôi đã thấy mắt cay cay.

*

Tôi xuống phi trường Sea-Tac - Seattle vào một chiều mùa đông mưa gió. Ngỡ ngàng vì Mỹ sao mà khác xa với Sài Gòn nắng chói chang và náo nhiệt, nơi hai mươi giờ trước tôi vừa chia tay với bạn bè và người thân.

Không như cô chị họ được ông xã rước sang đoàn tụ, được đưa đi chơi và chăm chút từng li từng tí, tôi phải tự lo mọi thứ một mình.

Nơi ở đầu tiên của tôi là khu phố của những người "share phòng", bốn năm giờ chiều đã tối sầm trong cơn mưa rả rích. Không gian u buồn lặng lẽ ngày đông ở tiểu bang Washington càng càng làm tôi da diết nhớ Sài Gòn ...

Tôi hỏi thăm và tìm đường đi xe bus lên trường college và biết là mình đã lỡ mùa học này, phải đợi hai tháng nữa. Vậy là tôi về nhà đi tìm việc làm full-time.

Chưa biết lái xe, bốn giờ   sáng tôi mặc ba cái áo ra đầu đường đứng đợi chị bạn của người chủ nhà đến rước đi làm ở một hãng đồ ăn đông lạnh. Chị tên Dung, chị thấy tôi mới qua bỡ ngỡ nên mang dư một phần cơm trưa cho tôi, nhiều người khác trong hãng cũng thấy tôi mới qua nên tận tình chỉ việc. Tôi cảm thấy ấm lòng dù thật sự đuối sức khi phải đứng suốt 8 giờ dưới basement lạnh buốt.

 Hai tuần sau, tôi được anh người Việt làm quản lý cho ông chủ “tiến cử” lên văn phòng giúp việc giấy tờ sổ sách vài giờ mỗi ngày. Khỏi  nói tôi vui đến mức nào khi “chia tay” cái basement lạnh giá dù chỉ   vài tiếng đồng hồ.

Ngày   nhận cái paycheck tiền Mỹ đầu tiên, tôi đón xe bus tới tiệm Deli, định bụng “tự thưởng” cho mình một túi đồ ăn văt. Vậy mà khi tới nơi, cầm cái bánh tiêu lên thấy để giá $1 "trời ơi cái bánh tiêu 20 ngàn VN, thôi nhịn!" Vậy là tôi đi về với một bọc hàng ở chợ   để nấu cơm cho cả tuần với giá  bằng số lưiơng nửa ngày làm, lâng lâng tự hào nghĩ sao mình giỏi, cứ vầy hoài chẳng mấy chốc mà... làm giàu.

Mưa Seattle không giống mưa Sài Gòn, nó cứ lất phất dai dẳng cả ngày dưới khung trời xám xịt... Những ngày chị Dung nghỉ bệnh, tôi phải đi bộ hơn nửa dặm đường để đón xe bus.  Lầm lũi bước một mình dưới mưa, tôi không biết mưa hay nước mắt cứ ướt nhòa trên mặt... Tôi nhớ Sài gòn náo nhiệt, nhớ từng góc phố, con đường, nhớ những người bạn vui buồn cùng tôi những tháng năm đại hoc... Tôi bỗng muốn quay về Sài Gòn, trở lại căn phòng đầy tiện nghi, tiếp tục làm một "công chức nhà nước" oai vệ và nhàn nhã...

Rồi hai tháng cũng trôi qua, tôi nói lời chia tay với chị Dung để đi tìm việc part-time. Tôi hỏi thăm thì ai cũng nói vừa đi học vừa làm thì chỉ có thể xin "chạy bàn" ban đêm hoặc làm nail cuối tuần.

Lật tờ báo VN ra kiếm việc, tôi gọi thử và nhanh chóng được nhận vào làm ở một tiệm phở gần trường đại hoc. Buổi trưa khách vào đông nghẹt, tôi phải học cách bưng hai tay hai tô đi thật nhanh mà không đổ, phải biết dùng giờ rảnh để cắt rau cắt ớt, pha cà phê, sinh tố, phải tươi cười bưng nước tới chăm đầy ly cho khách. Tôi ngậm ngùi nhớ lại những ngày ở Việt Nam, đi ăn tiệm,  nơi khách ăn thường sai người chạy bàn lấy cái này cái nọ dù ở VN không hề cho tiền "tip", ăn xong cứ xả ra đầy bàn đầy ghế vì mình “đâu có dọn đâu mà lo”. Những tháng ngày bưng phở chai tay đã dạy cho tôi biết trân trọng những người "waiter, waitress”. Sau này, đi đâu ăn tôi cũng tip thật hậu hĩnh và dọn dẹp gọn gàng trước khi ra khỏi tiệm.

Nhà hàng tôi làm đóng cừa lúc 10 giờ, dọn dẹp xong cũng gần 11 giờ đêm, tôi  phải  đón 2 chuyến  xe bus về nhà. Sợ nhất là đi giữa downtown rộng lớn lồng lộng gió mùa đông, lúc đó chỉ có mình tôi và vài chú homeless trên đường.  Tôi gần như chạy bộ cho đỡ lạnh và đỡ sợ, trùm kín mít chỉ chừa mắt và mũi. Vậy mà cũng có chú homeless hay ngồi gần trạm bus nhận ra tôi, mỗi lần thấy tôi là chú cứ gào lên "smile, smile sweetie! " Không lẽ tôi nói trời ơi hai hàm răng đánh bò cạp mà smile gì không biết!

Một buổi sáng như mọi ngày, tôi lật đật ra đầu đường đón xe bus, bỗng ngỡ ngàng trước cảnh tượng đất trời Seattle vào xuân. Hàng cây cằn cỗi gần trạm xe nảy đầy những chồi hoa to màu hồng phấn, thứ hoa tuyệt đẹp mà tôi chưa từng thấy ở Việt Nam.  Hai bên đường hoa dại bỗng từ đâu vươn lên nở đầy màu sắc, bầu trời sáng trong khác lạ. Tôi chợt nhớ hôm qua ông chủ tiệm dặn vặn đồng hồ đổi giờ, bồi hồi tự nhủ tôi đã qua được mùa đông đầu tiên trong đời, mùa đông đầu tiên trên đất Mỹ...

Rồi Seattle rộn rã vào hè với những chùm blackberry tím mọng bên hàng rào ngôi nhà tôi ở trọ... Tôi được chỉ đường ra biển Alki.  Đến tận bây giờ Alki vẫn là bãi biển gây ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng tôi vì sự chuyển giao của đất trời vào hạ.

Ngày đầu tiên tôi đến bờ biển Alki, một vùng trời biển mênh mông ngập nắng, gió mơn man thổi theo từng gợn sóng lăn tăn. Tôi cho phép mình không làm toán quy đổi tiền USD sang tiền VN đồng nữa. Bước vào tiệm Starbucks, nghe ngóng mọi người gọi cà phê sau vài phút, tôi quyết định "copy" anh người Á Châu đứng bên cạnh vì thấy gương mặt của "hắn" nhấp cà phê sao mà khoan khoái lạ thường. Tôi gỡ kiếng mát ra dõng dạc gọi một ly "grande frappuchino with whipped cream"!

Ly Starbucks đầu tiên trong đời tôi sao mà ngon chi lạ, nó khác hoàn toàn với thứ cà phê phin tôi pha uống ở nhà hay trong tiệm cho khách. Tôi ngồi lại bên bờ biển một mình đến cuối buổi hoàng hôn. Ánh đèn từ những toà nhà cao tầng bên kia downtown lấp lánh ẩn hiện xa xa, nước Mỹ với tôi sao vẫn mênh mông xa lạ quá. Tôi lại nhớ bến sông Sài Gòn với ánh đèn "ngọn tỏ ngọn lu" bên kia cầu Khánh Hội...

Tôi mua một cái xe cũ để đi "chạy sô" vừa làm vừa học. Cái xe không có nút chỉnh kiếng tự động, máy lạnh bị hư, ngay hè là phải quay tay kiếng xuống để cho xe có "air”. Có mỗi cái máy 1 CD mà cũng hư lên hư xuống, băng đĩa cũng trở nên vô dụng, lên xe là tôi cứ tự hát tự nghe. Được cái xe của tôi chưa bao giờ "phản chủ", suốt mấy năm trời xuôi ngược khắp các con dốc Seattle mà không gặp phải “sự co”á gì.

Tôi quay cuồng vừa làm vừa học, mải mê khám phá Seattle cùng "con chiến mã" của tôi, không biết từ lúc nào tôi đã bỏ thói quen so sánh Mỹ với Sài Gòn...

Sau ngày tốt nghiệp, tôi tìm được một công việc full-time sau khi trầy trật "chiến đấu" với nhiều ứng cử viên người Mỹ, giã từ những ngày "chạy sô" xuôi ngược.

Văn phòng tôi làm việc đối diện với một tòa cao ốc đang xây, một ngày hè và nhiều ngày sau đó nữa, tôi nhìn sang thì không còn thấy bóng dáng người công nhân nào cả. Tôi càng thêm bất an khi mỗi ngày lại chứng kiến thêm nhiều công trình bị bỏ dở dang trên phố... Lễ độc lập năm đó, màn bắn pháo hoa trên mặt hồ Union cũng bị cắt ngắn thời gian, cả thành phố lặng lẽ u buồn dù đang giữa mùa hè ngập nắng...

Rồi đến một ngày, nơi tôi làm việc cũng bị đóng cửa vì phải khai phá sản. Dọn thùng đồ  cá nhân ra khỏi văn phòng, tôi lái xe một mình ra biển, ghé vào tiệm Starbucks thân quen. Vẫn là biển ngày hè, nhưng tôi lại nghe tràn ngập mùa đông...

Mở wifi lên, tôi tình cờ vào một trang của người Việt, càng đọc tôi càng nhận ra mười mấy năm "dưới mái trường XHCN" tôi đã bị dối lừa, hiểu tại sao nhiều người phải bỏ xác giữa biển khơi....

Ngày hôm sau, tôi lại lái xe ra biển, tiếp tục đọc say sưa về lịch sử Việt Nam, về những sự thật đau thương của dân tộc... Những cực khổ mà tôi trải qua chẳng là gì so với những gia đình đã phải lìa quê hương xứ sở ra đi sau cuộc chiên.

Cuộc sống khá đầy đủ ở Việt Nam trước đây nhờ cậy thân thế của người bác họ làm cho tôi không thấy những sự thật xung quanh mình, càng không nghĩ sẽ có ngày mình cùng làm việc chân tay cùng những người mà tôi cho là "không có học hành tử tế". Tôi  xấu hổ vì mình đã từng là một phần của guồng máy vô lương tâm đó... Những tiện nghi mà tôi có được ngày còn làm việc ở Sài Gòn đánh đổi bằng  tiền thuế của bao người công nhân gầy gò xanh mướt vì tăng ca, nhưng cụ già, em bé lây lất bên vệ đường...

Tôi ngậm ngùi nhận ra mặt thật của cuộc sống ở Việt Nam. Tôi có ngờ đâu những phận người cơ cực nơi xóm nhỏ ngày xưa của tôi bao nhiêu năm vẫn chưa thấy đổi đời, không phải là do “tại số tại phần" như tôi vẫn nghĩ.

Nhấm nháp cái donut bên bờ biển, tôi chợt nhớ cô Hên, người đàn bà lam lũ mà bọn trẻ xóm tôi vẫn mong ngóng mỗi ngày vì món bánh cam ngọt ngào dòn rụm như tiếng rao "ai... bánh cam nóng dòn đê ê..." của cô. Cô tên Hên nhưng đời cô chẳng có chút hên nào. Không chồng không con, mấy chị em cô toàn đi bán hàng rong. Cô bán bánh cam từ trước ngày tôi đi mẫu giáo, cho đến khi tôi học xong ở Sài Gòn, rồi học xong ở Mỹ, cô vẫn còn bán bánh cam rong. Rồi gần đây, mẹ tôi cho biết cô Hên đổ bệnh, không còn sức để làm bánh và cũng không còn hơi để rao hàng... nên đổi qua bán vé số rong. Cô cầm xấp vé số đi khắp nơi từ sáng sớm cho đến cuối ngày chỉ mong kiếm đủ tiền cơm tiền thuốc cho cái thân thể ngày càng già nua mòn mỏi...

Còn cậu bạn tên Tùng ngày xưa học cùng tôi, nhà nghèo phải nghỉ học đi làm phụ hồ. Sau đó Tùng lấy vợ, cũng nghèo, rồi sinh ra một bầy con nheo nhóc.  Bạn bè tôi nói vợ Tùng không chịu nổi khổ cực, đã bỏ lên Sài Gòn đi làm rồi bỏ luôn chồng con theo một ông Đài Loan gần bảy mươi tuổi. Bạn Tùng tôi giờ như kẻ thất thần, lẫm lũi đi về không giao tiếp với một ai…

Mặt trời khuất dần, bờ biển lại lung linh với những ánh đèn từ bên kia thành phố. Tôi chợt thấy mình còn may mắn gắp ngàn lần bao phận đời trôi nổi không có ngày mai ở VN. Tôi biết mình phải tiếp tục con đừờng, tôi quay lại  "chạy sô" vừa học vừa làm, cùng khóc cười với nước Mỹ đanglao đao trong cơn suy trầm kinh tế.

Một năm sau, tôi tuyên thệ làm công dân Mỹ đúng dịp July 4, Lễ Độc Lập, một ngày hè Seattle nắng trong vắt như mật ong và trời thong dong mây trắng. Vậy mà mắt tôi lại  nhòa lệâ y như ngày nào bước đi một mình dưới cơn mưa mùa đông đầu tiên trên đất Mỹ. Nhưng lần này tôi không khóc vì nhớ Sài Gòn, nhớ căn phòng nơi tôi ngồi làm "công chức", mà tôi lại nhớ buổi chiều đông tưởng phải bỏ xe giữa đường vì tuyết phủ đầy không chạy được, tôi gặp hai ông “bụt” Mỹ  dừng xe lại và lái giúp tôi qua đoạn dốc trơn… nhớ những ngày "chạy bàn" được ông bếp để dành cho dĩa mì xào đặc biệt,  nhớ những đêm khuya làm tài xế chở cả dàn phụ bếp về nhà, cái xe nhỏ bé nực nồng mùi hành mùi phở… nhớ ông chủ tiệm cứ nhìn đồng hồ để nhắc đến giờ đi học của tôi, đi đi kẻo trễ, nhớ cảm giác lâng lâng của lần đầu tiên nhận cái check "financial aid", nhớ cô "professor" tận tình nán lại giải thích bài học cho tôi sau giờ lên lớp, nhớ hương thơm ly cà phê Starsbuck đầu tiên bên bờ biển ngày hè...

Rồi một ngày đầu thu, tôi nhận việc làm ở Cali, bỏ lại Seattle trong cơn mưa chiều tầm tã, lá vàng rụng đầy khắp lối đi.  Lái được một đoạn đường “I - 5”, tôi bỗng vòng về lại downtown, nhìn thêm một lần phố xá Seattle với những đồi dốc ướt sũng nước mưa. Kia phố Queen Anne nhìn xuống ngọn tháp Space Needle sừng sững, đây chợ Pike Place với chiếc đồng hồ chăm chỉ điểm giờ..,  Tôi nghe tim mình như se thắt lại, mắt tôi lại thêm một lần đẫm lệâ như hòa cùng những giọt mưa nhạt nhòa trên lớp kính xe. Tôi nhận ra mình đã thuộc về "xứ lạnh tình nồng."

*

Cơ duyên đã cột tôi lại ở vùng Los Angeles. Tôi cố hết mình để chứng tỏ mình “làm giỏi dù không nói giỏi". Cuộc sống tôi dần dần ổn định. Thay vì đi sắm sửa ở Goodwill như những ngày đầu đến Mỹ, bây giờ một năm vài lần tôi lại chở quần áo đến tặng Goodwil, có thể viết check donation cho vài tổ chức phi lợi nhuận.

"Mưa nắng quê người có còn tình sâu nặng..." nước Mỹ với tôi giờ không còn là "quê người" nữa. Mưa Seattle và nắng Cali đã trở nên thân thương với tôi tự bao giờ. Nhớ Seattle, tôi yêu hàng hoa đào nở rộ bên bờ hồ Washington, yêu hoa magnolia trên phố Queen Anne nhuộm hồng cả một góc trời. Tôi lại phải lòng đô thị của những thiên thần "Los Angeles" với những toà building tráng lệ, yêu những ngôi nhà "Spanish" cổ xưa ẩn hiện sau bờ rào rực rỡ màu hoa giấy, yêu chợ hoa Little Sài Gòn rộn rã tiếng pháo chào xuân...

Hành trình "làm lại từ đầu" của tôi trên đất Mỹ, dù sao,  vẫn còn là quá dễ dàng so với nhiều gia đình tỵ nạn ngày xưa, chết đi sống lại từ đại dương mênh mông vô định, nhưng với tôi là một sự thay đổi lớn lao. Nước Mỹ đã dạy tôi thành người, cho tôi niềm tin vào sự lương thiện và chăm chỉ… khác xa với tôi hèn yếu ngày nào, kẻ chỉ mong "làm ít hưởng nhiều", sao cho mình ung dung sống giữa bao cảnh đời cơ cực.

Day dứt thương về đất Việt, lại biết rằng tôi không thể nào về lại để sống như tôi đã sống ngày xưa…  Tôi mơ một ngày về không còn thấy những em bé, cụ già lê la, xiêu vẹo giữa phố đông, bên những chiếc xe sang trọng, những tòa toà cao ốc chọc trời. Tôi mơ về thăm con sông Hậu chảy hiền hòa giữa hai hàng dừa xanh mát, nghe tiếng ru con à ơi giữa trưa he, dù biết rằng giờ chỉ còn âm vang giọng karaoke não nuột của bao chàng trai quê nghèo khóc người yêu đi lấy chồng xa...

"Ai đi không hẹn về...." tôi thì nhớ mình từng có hẹn với bạn bè là sẽ về thăm. Nhưng rồi ngày qua ngày, sau những giờ lái xe len lỏi giữa phố phường Hollywood giờ tan sở, tôi chỉ mong sớm về đến nhà ngủ để mai "cày" tiếp, quên mất đi mình từng hứa hẹn những gì...

Một đêm hè Cali, tôi ngủ mơ thấy mình ngồi sau chiếc xe đạp của ông ngoại như những ngày thơ ấu. Ông chở tôi chầm chậm trên con đường làng… qua những bụi tre già kẽo kẹt, rồi ra đến bờ đê. Một bên là dòng sông êm ả phù sa dập dềnh những nhánh hoa bần trắng, bên kia là thảm lúa cuối mùa trĩu hạt chín vàng ươm. Khói bếp nhà ai vờn trong nắng chiều hiu hắt, văng vẳng tiếng cuốc kêu gọi bạn, và xa xa là câu hát “Tôi lớn lên bên dòng Tam Giang...

Giật mình tỉnh giấc, tôi ngậm ngùi cho phận  "hai quê".

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
22/08/201816:16:16
Khách
Hi:
Doc tap tam cuoi cua tac gia hay qua.
Roi doc tiep tap dau thay moi biet la ky cong an dat.
13/08/201810:29:09
Khách
Mình có cảm tưởng đọc những lời ưu ái của đôc giả và trả lời của tác giả còn lôi cuốn hơn cả "Hai Quê", chúc Tố Nguyễn có thêm nhiều sáng tác
10/07/201802:38:04
Khách
Dạ, để đáp lại lòng chiếu cố của chú Từ Huy, Tố Nguyễn xin trân trọng gọi chú là Anh. Thơ văn không có tuổi, nên "khách thơ" chắc cũng mãi mãi tuổi đôi mươi !
Chúc Anh Từ Huy và gia đình luôn vui khoẻ.
07/07/201800:17:00
Khách
Lúc nãy đọc lời cám ơn của Tố Nguyễn bên kia chú (hay anh, tùy lòng hảo tâm🤓) không ngăn được cười. Anh nghĩ đa phần những người có duyên với VVNM tuy tuổi cũng lớn nhưng... hổng già dữ vậy đâu🤓❗️Dẫu vậy cũng cám ơn Tố Nguyễn tình cờ cho anh thăng chức “bác”. Anh hơn Tố Nguyễn một giáp lẻ, nên chi, cho anh xuống giùm anh cám ơn. Trên cao kia chóng mặt quá🤓🎶...
06/07/201819:47:23
Khách
Cám ơn chú (hay anh) Từ Huy khen tặng và chia sẻ cảm xúc cùng Tố Nguyễn. Thật không dễ để nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm giữa bộn bề "deadlines" trên đất Mỹ vì "cơm áo không đùa với khách thơ"...Tố Nguyễn rất hạnh phúc được quý độc giả như chú (hay anh)Từ Huy chiếu cố, Tố Nguyễn sẽ cố gắng viết, cũng là cách để giúp bản thân mình không rơi vào cảnh "Tiếng Mỹ không rành (như người bản xứ) mà Tiếng Việt cũng không xong"...
06/07/201800:23:19
Khách
Đọc “Khuất bóng hoàng hôn” thấy hay ngậm ngùi quá, biết em trước đó đã có một bài nên anh tìm ngược lại để đọc bài này của em. Phân vân định không cho lời bình vì biết em được giải. Sao giống... “Khen phò mã tốt áo” nhưng nghĩ, lời bình cũng tựa như một lời cám ơn bài viết của em từ anh...🤓👌❗️
Anh thích đoạn em rời Seatle, lái đi một đoạn rồi quày ngược về downtown. Cho thấy tâm hồn mỏng giòn mong manh của người viết. Ừ, mà sao em cho anh cảm giác nội tâm em rất giống một người trên đây nhưng sự khác biệt là người đó hơn em chừng 20 tuổi🤓.
Mong em viết mãi!
03/07/201817:16:21
Khách
Tố Nguyễn rất cảm ơn bác Trần Văn, bác Vannski, bác Hữu Duyên, Michael, Kh A, Nam Lê,Thọ Đình Nguyễn và các cô, chú độc giả Việt Báo đã chia sẻ với Tố Nguyễn. Xin kính chúc tất cả độc giả Việt Báo luôn luôn hạnh phúc, an lành bên gia đình và bạn bè trên quê hương mới.
27/06/201810:50:48
Khách
Tô Nguyễn

Bài viết hay quá, nhắc nhở tôi nhớ lại dĩ vãng của mình. câu: làm giỏi dù không nói giỏi , là kinh nghiệm xương máu; để làm lại cuộc đời lần hai với một ngôn ngữ mới...
Chúc Tô Nguyễn khỏe mạnh và cảm ơn đã chia sẻ...
10/06/201804:46:13
Khách
Thật là đáng quý rằng mặc dù đã công thành danh toại và tạo được cuộc sống ổn định , tuy nhiên tác giả vẫn không quên ơn những người đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn khi hãy còn bỡ ngỡ tái tạo cuộc sống mới nơi xứ người.

Nữa là mặc dù mới định cư ở Mỹ chưa được 15 năm, tuy nhiên tác giả đã nhanh chóng nhận thức được rằng trong nhiều năm qua mình đã bị chế độ cộng sản dối gạt , cảm thông được lý do tại sao nhiều người đã phải liều chết bỏ nước ra đi tỵ nạn, mơ ước cho tương lai đất nước được sáng sủa thoát khỏi cảnh nghèo...

Những kẻ có học vấn cao lại mang căn cước tỵ nạn và được sống ở nước Mỹ nhiều năm lâu nhưng lại có những lời nói, hành vi nối giáo cho giặc Cộng , điển hình như TrkĐ, NghL, NckD...,nên đọc bài này.

Một bài viết hay cả về nội dung lẫn lời văn !
09/06/201822:01:27
Khách
Xin kính chào chung tất cả quý vị, có lẽ Tố Nguyễn nhỏ tuổi hơn tất cả mọi người ở đây. Xin được gọi là Cô, Chú, Bác và thật lòng cháu rất
cảm kích những lời chúc lành từ Cô, Chú, Bác...Cháu rất hạnh phúc khi được biết nhiều độc giả đọc bài và tìm thấy hình ảnh của chính mình trong những ngày đầu tha hương..
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,315,554
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến