Hôm nay,  

Chuyện Tình... Hải Tặc

01/06/201800:00:00(Xem: 17296)
Tác giả: Nguyễn Cát Thịnh

Bài số 5402-19-31243-v6060118

 
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau,  2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.”  Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả.

Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.


***
 

- Giới thiệu với chú, đây là bạn gái của cháu. Cô đã cùng với thám tử tư giúp tìm ra người cha hải tặc của cháu như trong bài viết “Đứa Con Lai...Hải Tặc” của chú.

Còn đây là ông chú mà anh vẫn thường nói với em.

-Chào chú! Chú ngạc nhiên lắm phải không? Con đã được nghe rất nhiều về chú. Con muốn gặp chú từ lâu nên đã nhờ bạn thu xếp giúp. Con từ Thái Lan qua, đang theo học tại Michigan State University. Con chọn trường này vì biết bạn cũng ở thành phố Detroit, Michigan.

-Chú không ngờ hai đứa lại hội ngộ ở Mỹ. Vui quá! Nhất là cả hai đều nói tiếng Việt rất giỏi.

-Chú quá khen đấy thôi. Cháu sinh ở Mỹ, chỉ nói đựợc tiếng Việt, giọng Bắc, nhưng đọc và viết thì chịu thua. Bạn gái cháu sinh ở Thái, nói giọng Nam ngọt như mía lùi. Viết thì hết sảy, vì được học với mẹ và học gần hai năm ở Khoa Việt Nam học – Đại học Sư Phạm Hà Nội.

-Chú bái phục cả hai cô cậu. Thôi bây giờ chúng ta tìm tiệm cà phê Starbucks gần đây. Tha hồ chúng ta nói chuyện cũ chuyện mới.

Cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở cùng hai người trẻ với tư duy mới để lại thật nhiều ấn tượng. Họ khiến tôi phải xét lại một vài quan niệm lỗi thời.

Phong thái tự tin qua cách nói chuyện của họ cuốn hút đến nỗi tôi quên cả không gian lẫn thời gian. Quên mất cả tuổi già (một chút luyến tiếc tuổi trẻ đã qua). May còn nhớ đường về!

Sau buổi chiều thú vị này, tôi vội ghi lại hai  “Chuyện Tình...Hải Tặc” độc đáo:

- Chuyện tình cũ, tiền hung hậu kiết, của một hải tặc hoàn lương với một nạn nhân hụt của hải tặc.

- Chuyện tình mới, trong sáng, của cô gái kết tinh từ duyên kỳ ngộ của đôi uyên ương trên và “Đứa Con Lai... Hải Tặc”.

 
Lời cô gái:
 

Chú đã bao giờ đến Sóc Trăng chưa? Đó là quê ngoại của con.

Trước 75 ông bà ngoại con có tiệm vàng ở trên đường Hai Bà Trưng. Ông ngoại đã mất ít lâu sau ngày đổi đời. Bà ngoại vẫn sống với các dì dượng từ đó đến nay. Má là con út trong gia đình có năm anh chị em.

Nghe má kể, gần ba mươi năm trước, Dượng Hai hùn với mấy người bạn mua ghe tổ chức vượt biên. Khi đó má đang là giáo viên, buồn chuyện tình ngang trái với một đồng nghiệp, muốn bỏ xứ đi xa nên xin một chỗ trên tàu.

Bà ngoại can ngăn nhưng má nhất quyết, bà đành để má ra đi mà trong lòng thấp thỏm. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghe thuật lại chuyến đi kinh hoàng ngoại vẫn còn run rẩy, vẫn chảy nước mắt.

Khách trên ghe đa số là bà con quen biết. Khởi hành từ Vĩnh Châu. Qua được hải phận quốc tế thì máy chính trục trặc không sửa được, phải chạy bằng máy phụ.

Đám đàn bà con gái xôn xao bàn tán, lo ngại vì tàu chỉ chạy quanh quẩn trong vịnh Thái Lan, e có nguy cơ gặp hải tặc. Nhiều người bàn chuyện quay lại. Thà trở về ở tù còn hơn phải đương đầu với nguy hiểm rình rập.

Trong lúc còn đang phân vân chưa quyết định có nên đi tiếp hay không thì điều lo sợ đã xảy ra, không kịp trở tay.

Hai chiếc tàu hải tặc chạy vòng quanh tàu, quan sát vài phút rồi hùng hổ tiến đến kẹp sát hai bên hông, đâm thủng một lỗ lớn. Chúng hươ hươ vũ khí. Dao dài, dao ngắn, súng, búa, rìu, đe dọa, đàn áp tinh thần mọi người.

Khi nước biển bắt đầu tràn vào phòng máy thì sự hoảng hốt lên đến cực độ.

Phần sợ ghe chìm chết đuối, phần lo hải tặc chém giết, hãm hiếp. Không ai dám lên tiếng. Đa số chấp nhận đầu hàng để mong được bảo toàn tính mệnh.

Có người vật vã than khóc, có người lâm râm cầu trời khấn Phật, có người ngơ ngác như mất trí.

Rất nhanh chóng, những tên hải tặc vạm vỡ, đứa mình trần, đứa quấn khăn rằn, nhảy lên tàu uy hiếp các thanh niên, trói lại, dồn vào một góc hoặc ném xuống hầm.

Họ bắt đầu lục soát từng người, từng vật dụng, từng chỗ nghi ngờ nơi dấu vàng bạc châu báu.

Dì Hai, vợ của Dượng, dấu đầy vàng lá khâu kỹ trong áo lót, bị chúng lột trần truồng, đạp xuống biển. Má con sợ quá, lôi trong cạp quần tất cả số vàng mang theo đưa cho chúng trước khi bị khám xét.

Sau khi biết chắc chắn đã vơ vét cạn kiệt những gì muốn tìm, chúng bắt đầu chiếu cố đến chiến lợi phẩm kế tiếp: phụ nữ!

Mặc sự giãy giụa phản kháng, các cô gái trẻ đều bị chúng kiểm soát hàng họ. Xong, tuyển chọn một số vừa mắt chuyển xuống ghe của chúng.

Má cũng không thoát khỏi.

Những người còn lại trên ghe cởi trói cho nhau, gấp rút tát nước, lấp lỗ thủng, tìm sự sống trong cõi chết.

Nhiều ngày sau tàu may mắn trôi dạt vào Côn Sơn và tất cả đều bị bắt.

Hai tàu của hải tặc chạy mất hút. Các trò khả ố đã diễn ra. Các cô gái mềm nhũn nhắm mắt chịu nhục để những con thú thỏa thuê trên các thân xác bất động.

Một tên xáp lại gần má, mắt hau háu. Má co cụm, cúi mặt, hai bàn tay nắm chặt, ngồi ôm đầu gối. Hắn giơ chân đạp, đẩy má ngã ngửa. Phản ứng tự vệ khiến má giơ tay chống đỡ. Chiếc tượng Phật bằng vàng, vật hộ mệnh ngoại trao, rớt xuống sàn. Hắn sáng mắt, cúi xuống định lượm thì nhanh như chớp, một cánh tay khỏe mạnh từ đằng sau chận lại. Người hùng đó chính là ba tương lai của con.

Sau này nhắc lại, ba nói rằng khi chiếc tượng Phật rơi ra khỏi lòng bàn tay của má, một tia sáng với hào quang vụt loé làm ba choá mắt. Cho rằng bị phép lạ của Phật bà cảnh tỉnh, ba bỗng thấy hổ thẹn trước người con gái yếu đuối, có gương mặt thơ ngây, thánh thiện. Tuởng như hiện thân của cô bé láng giềng mất tích từ thuở nhỏ mà hình ảnh chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí. Ba nâng má dậy, bồng vào vào cabin, săn sóc tựa người thân.

Hình như có tiếng nói của một người vô hình ra lệnh cho ba phải bảo vệ má. Dù bị đồng bọn nói xiên xỏ nhưng ba phớt lờ. Họ nể ba vì ba là thợ máy, có chút chữ nghĩa, nên để má yên.

Qua gần một tuần bị hành hạ, cuối cùng các nạn nhân khốn khổ và má được họ thả vào bãi đất hoang của làng chài Budi thuộc vùng bờ biển phía Nam, ráp ranh giới Mã Lai.

Ba trốn tàu, lên bờ, bí mật theo dõi má từng đường đi nước bước.

Cảnh sát tạm giữ tất cả, đồng thời báo cáo lên cấp trên chờ lệnh.

Cơ quan thiện nguyện được yêu cầu đem xe bus đến đón, bảo lãnh, đưa về Songkhla làm thủ tục nhập trại dù khi đó có tin đồn trại sắp bị đóng cửa vĩnh viễn.

Má được xếp ở chung chòi lá với những cô gái đơn thân.

Sống ở ngoài không lâu, ba xin được công việc bảo trì điện nước ngay trong trại tỵ nạn một cách dễ dàng vì nói được chút ít tiếng Việt căn bản.

Hàng ngày nhìn thấy má nhưng mỗi lần ba lại gần liền bị má giận dữ xua đuổi.

Một hôm đi xách nước, má trượt chân té xuống ao kêu cứu, ba ở xa trông thấy vội phóng đến, nhảy xuống kéo lên, trong khi mọi người khác chỉ đứng nhìn.

Ba làm sơ cứu, xong bồng má phi thân đến bệnh viện cách khá xa.

Khi hơi hồi tỉnh, mở mắt thấy ba đứng khép nép cuối giường với vẻ mặt ủ rũ, má chợt hiểu, chút áy náy trong lòng.

Từ đó tuy má không còn nhìn ba với con mắt thiếu thiện cảm nhưng vẫn lẩn tránh tiếp xúc. Ba chỉ còn cách âm thầm dõi theo cuộc sống của má.

Thực phẩm trong trại phân phát hầu như không thay đổi, ăn mãi một thứ cũng ngán, ba muốn tiếp tế đồ ăn mua bên ngoài nhưng má luôn luôn từ chối.

Ba nhờ người quen gởi cho má quần áo và những vật dụng hàng ngày của phụ nữ, nói dối là tặng phẩm của hội đoàn từ thiện. Má tưởng thiệt nên nhận nhưng khi biết là của ba thì má trả lại hoặc mang cho người khác.

Ba không nản chí, tìm đủ mọi cách giúp má bớt khó khăn trong điều kiện sinh hoạt rất giới hạn trong trại.

Sau 14 Tháng Ba, 1989,  Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) quyết định đóng cửa các trại tị nạn, mọi thuyền nhân phải qua thanh lọc để hoặc được tiếp tục đi định cư nước thứ ba, hoặc phải hồi hương, trở lại nơi đã ra đi.

Không may, má nằm trong diện đó.

Buồn hơn nữa, má rớt thanh lọc.

Má và những người cùng số phận được chuyển sang trại Sikiew, nơi giống như nhà tù, có canh gác nghiêm ngặt.

Nếu không được đề nghị tái xét thì chỉ còn đường xin tự nguyện hồi hương hoặc chờ bị cưỡng bách hồi hương.

Ba kiên nhẫn theo má đến tận chỗ mới. Lần này ba chỉ sống quanh quẩn bên ngoài trại.

Thỉnh thoảng mua chuộc lính canh, lọt vào bên trong, liên lạc với má.

Sự lạnh lùng thường nhật của má vẫn không làm nản lòng người tình si. Chỉ đến khi một chuyện bất ngờ xảy ra khiến quan hệ giữa hai người bước sang ngã rẽ mới.

Trong một đêm, đám lính nhậu nhẹt say sưa gây náo loạn, bắt cóc má và hai cô gái khác, lôi ra ngoài trại.

Tiếng la hét của các cô gái cầu cứu báo động vài thanh niên cảm tử đuổi theo, bất chấp lệnh giới nghiêm sau 10 giờ đêm. Lính canh nổ súng buộc các thanh niên phải trở vào.

Biết có biến vì nghe tiếng súng nổ, ba vội vàng tìm đến. Kịp nhận ra một trong ba cô gái bị lôi kéo là má. Lấy hết sức bình sinh, ba liều mạng xông pha, vùng lên như cọp dữ, đá bay tên này, đấm gục tên kia, các tên còn lại sợ quá, trốn chạy.

Má chưa hết hoàn hồn, chân tay bủn rủn không đi đứng nổi. Một lần nữa ba lại có dịp bồng má, đưa vào chỗ nghỉ.

Phải mất một ngày má mới tạm hồi phục.

Ánh mắt của má nhìn ba bây giờ đã có chiều trìu mến. Má không còn từ chối sự săn sóc của ba nữa.

Má e thẹn nhớ đến những lần “bị ba bồng”, cảm giác lâng lâng dễ chịu. Tình cảm đã bắt đầu nhen nhúm.

Viễn ảnh cưỡng bách hồi hương trước mắt. Tình trạng mất an ninh trong trại. Tình yêu vừa chợt đến. Tất cả các nguyên do đó đã khiến má không có sự chọn lựa nào khác khi ba ngỏ lời đưa má ra khỏi trại, bằng cách hối lộ các quan chức có thẩm quyền.

“Ba đưa nàng về dinh” ở thành phố Bangkok.

Khi tình yêu đã chín mùi, họ đồng lòng làm lễ cưới theo Phật giáo, ước mong có sự kết hợp thiêng liêng.

Các Tỳ kheo được cung thỉnh đến tụng kinh cầu an trong căn nhà của đôi tân hôn. Theo phong tục, sáng hôm sau ba má đem thức ăn cúng dường cho chư Tăng trước khi họ tiến hành hôn lễ. Chư Tăng tiếp đó đọc kinh cầu phúc và rải nước thánh chính thức công nhận cuộc hôn nhân.

Ba má mở tiệm ăn đặt tên “Thai-Viet”(·-Ç´¹Ị), chọn nghề chân chính, làm ăn lương thiện. Khách ủng hộ mỗi ngày mỗi đông. Không giàu có nhưng sống sung túc. Gia đình ổn định theo giáo lý nhà Phật.

Hai người anh trai song sinh và con đã lần lượt ra đời và trưởng thành từ căn nhà bình yên, lúc nào cũng vang vang tiếng cười hạnh phúc.

Ba tin ở thần Ganesha, vị thần đầu voi tượng trưng cho sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ, được xem là vị phúc thần đáp ứng những điều may mắn, cát tường mà ba thường cầu nguyện.

Chú ạ! Con không có ý thuyết pháp đâu nhưng chú cho phép con nói một chút về quốc giáo của Thái Lan nhé.

Phật giáo có một vị trí vô cùng quan trọng, đã đóng góp tích cực vào đời sống của người dân Thái, không những về mặt vật chất, kinh tế mà còn đi sâu vào đời sống tinh thần của họ.

Xứ sở được biết đến như quê hương của nụ cười, đất nước của những chiếc áo cà sa. Nó nói lên một cách sâu sắc về một đạo giáo lớn mà dân tộc Thái tôn thờ.

Trong mỗi con người, ngoại trừ hải tặc và kẻ gian ác, đều có niềm tin và tín ngưỡng, đều tin tưởng và cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp đến với tha nhân, đến với bản thân cùng gia đình. Có tin tất có linh!

Ấy thế, từ các dân đánh cá hiền lành, một số ngư dân Thái đã bị vật chất và dục vọng cám dỗ, trở thành những tên hải tặc điên cuồng gây ra thảm kịch kinh hoàng trên biển đông suốt hai thập niên. Cả thế giới lên án. Tên và hình ảnh đất nước Thái Lan bị hoen ố. Người Việt căm hờn, thù ghét.

Con rất xấu hổ về những tội ác dã man, ghê tởm của họ. Sự thiếu hiểu biết giáo lý nhân quả nghiệp báo đã làm cho họ xa cách khuôn khổ của chánh pháp.

Con tin, đời này và đời sau họ sẽ phải trả giá, ác giả ác báo.

Với một đất nước có gần 95% người dân theo đạo Phật Nam Truyền, 4.6% đạo Hồi, 0.7% Thiên Chúa giáo, con tin các hải tặc hoặc vô thần hoặc là tín đồ hoang đạo của một trong các đạo giáo đó. Họ cũng có thể thuộc về tà giáo, tín đồ của quỷ Sa Tăng.

Con rất mừng và hãnh diện vì ba đã sớm tỉnh ngộ, đã trở lại với bản chất hiền hòa, từ ái, khiêm cung và nhã nhặn của một người dân Thái tiêu biểu. Đã thể hiện một phần nào cốt lõi Phật pháp qua cách thực hành đạo lý.

Hồi cuối năm ngoái, con đã đến Ogden thuộc tiểu bang Utah dự lễ khai trương của chùa Chaimongkolvararam.

Quỳ lạy trước Phật A Di Đà, con xin Ngài chứng giám cho ba, người mà một thời là hải tặc, đã nguyện sống một đời ăn năn sám hối. Con xin Ngài ban sức mạnh để ba giữ mãi sự quân bình trong tâm khảm. Con cầu chư Phật độ trì cho ba má giữ hương lửa tình yêu nồng ấm đến trọn đời.

Con cầu Ngài soi ánh đạo vàng, giải thoát những hải tặc già cũng như trẻ, ra khỏi vòng u mê, tìm thấy chánh đạo.

Con cũng không quên cầu nguyện cho những nạn nhân của hải tặc, đồng bào Việt Nam ruột thịt của má con. Cầu cho người chết được siêu thoát. Cầu cho những người sống sót tìm lại được bình an.

 
Lời chàng trai:
 

Như chú biết, cháu đã trải qua một thời gian dài ở Thái Lan, quyết tìm gã hải tặc gieo rắc hậu chứng bi thương cho gia đình cháu.

Những ngày tháng vô vọng, cháu len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm của các thành phố Thái, chỉ cầu may gặp sự mầu nhiệm.

Có hôm anh tài xế xe Tuk-Tuk đưa cháu vào tiệm ăn Thai-Viet ở Bangkok. Ở đấy cháu gặp và quen cô sinh viên con ông bà chủ (chồng Thái vợ Việt).

Với nụ cười tươi, tiếp đãi lịch sự ân cần, nói năng ngọt ngào, cô đã chinh phục đựợc người khách phương xa, gây cảm tưởng tốt đẹp.

Cô có dáng dấp rất Việt Nam, tiếng Việt chuẩn mực, cách nói thu hút người nghe. Chả thế mà cháu đã trở thành thực khách trung thành suốt thời gian ở Thái.

Trong khi chờ thám tử cung cấp tin tức về người cha hải tặc, mỗi tuần ít nhất ba ngày cháu phải đến tiệm, vừa để ăn uống vừa để có dịp gặp gỡ cô gái.

Chúng cháu có thể ngồi bàn luận hàng giờ không chán, đủ mọi lãnh vực, rất tương đồng tương đắc.

Hôm nào không đến, thấy nhớ kỳ lạ.

Cháu để ý thấy cô tiếp cháu có vẻ vồn vã đặc biệt hơn các thực khách khác.

Cháu tự hỏi có phải đó là khởi đầu của tình yêu? Chú có tin tiếng sét ái tình không? Thú thật, ngay lần gặp đầu tiên cháu đã liêu xiêu, có phải cháu “bị” rồi không chú?

Khi đề cập đến đời tư, chúng cháu nhận ra gia cảnh của cả hai khá giống nhau.

Ba của cô và cha của cháu đều có gốc hải tặc Thái Lan. Hai bà mẹ đều xuất thân từ những gia đình Việt Nam nền nếp.

Cô là sản phẩm của tình yêu chân chính, cháu là sản phẩm của hành vi hiếp dâm dã man.

Cha hải tặc của cô đã trở thành một Phật tử thuần thành, sống đời đạo hạnh. Cha hải tặc của cháu không tông tích.

Tình thương cao thượng của người cha nuôi vô sinh hữu dưỡng và sự hy sinh cao cả của người mẹ chưa được đền đáp thì đã qua đời làm cháu mãi ân hận.

Cháu mang điều đó tâm sự.

Cô cho biết ở Thái mọi người con trai trưởng thành đều thọ giới, phải qua một khoá tu ngắn hạn gọi là Buatphra, có nghĩa là tu để trả ơn cho cha mẹ, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.

Ngay khi khoác lên người chiếc y vàng, người con đã phần nào tạo được phúc báo hồi hướng, tích phúc cho cha mẹ, còn sống hay đã mất.

Với người đã khuất núi, đi tu còn mang ý nghĩa báo hiếu để người chết được siêu độ, ra đi thanh thản.

Không bao giờ trễ nếu người con muốn mang lại vinh hạnh cho cha mẹ, cho dù ở bên kia thế giới, bằng đường tu tập gieo duyên với tam bảo.

 Chú ơi! Chưa bao giờ cháu tiếp nhận một lời khuyên chân thành hơn. Cháu sẽ chọn thời gian thuận tiện vào dịp lễ Khao Phansa là mùa an cư của Phật tử, ghi danh một khoá tu ở chùa Đại Già Lam Wat Nawamintararachutis tại Raynham, Massachusetts, để vừa ổn định tinh thần, vừa tu tâm dưỡng tính.

Ngày qua ngày, hai đứa trở nên gần gủi hơn. Cô khóc cho phận đời oan nghiệt của cháu.

Chúng cháu định ôm nhau an ủi, theo thói quen, nhưng mặc cảm thất lễ của đứa con hải tặc ngăn lại.

Cháu tự nhắc nhở phải tôn trọng phái nữ, bất kể là ai. Không cho phép gien hải tặc có cơ hội trổi dậy.

Cô thật lòng chia sẻ về nỗi uất hận mang nửa giòng máu hải tặc của cháu.

Cháu nói rõ mục đích đến Thái Lan chỉ để đưa người cha hải tặc ấy đối đầu công lý, cô tình nguyện trợ giúp.

Hơn sáu tháng sống ở Thái Lan đủ để chúng cháu hiểu nhau. Chưa ai mạnh miệng nói tiếng lòng nhưng cả hai cảm nhận được mối quan hệ thân thiết đã vượt qua giới hạn bạn bè.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi cô hân hoan rủ cháu đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh hoặc giới thiệu các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Wat Arun nằm trên bờ phía tây của sông Chao Phraya, Thonburi, với lối kiến trúc đậm nét Thái và nhiều chùa khác nữa, Wat Phra Kaeo, Wat Pho, Wat Benchamabophit Dusitvanaram, Wat Mahathat, Wat Saket, Wat Traimit...

Có lần cô đưa cháu đến trung tâm thương mại Central World, vào ngôi đền Trimurti. Chúng cháu cùng nhau chắp tay quỳ trước tượng thần. Ra về, hỏi cô đã cầu nguyện gì? cô chỉ mỉm cười, má ửng hồng, thẹn thùng không nói.

Sau này cháu được biết đền thờ ấy là ngôi đền cầu tình duyên linh thiêng bậc nhất Bangkok.

Một ngày chủ nhật đẹp trời chúng cháu dắt nhau về miền quê có phong cảnh hữu tình. Cháu đã ngỏ lời yêu và thật sung sướng, cô đã chấp nhận.

Cuối cùng, thám tử đã tìm thấy người cha sinh học của cháu. Đó là một nhà sư già khắc khổ, trụ trì ngôi chùa nhỏ trong một làng chài hẻo lánh.

Thoạt tiên dân làng không biết nhà sư này từ đâu tới nhưng khi ông trút bỏ tất cả khối tài sản khổng lồ mang theo, phân phát cho mọi người trong và ngoài làng thì họ đã hiểu.

Rất ít người nhận quà tặng nên ông đã dùng vào những việc công ích như xây cất cầu đường, trường học, trạm y tế, nhà máy điện nước.v.v... Cuộc sống của dân làng nhờ thế đã được cải tiến.

Họ để yên cho ông tu hành cùng vị sư thầy cho đến lúc thầy viên tịch, ông lên thay, trụ trì ngôi chùa.

Thật ra ông chưa phải là một nhà sư chính thống vì chưa được thọ giới theo luật đạo. Gọi ông là cư sĩ thì đúng hơn.

Chúng cháu nhờ luật sư thiết lập hồ sơ sẵn sàng đưa ông ra tòa hình sự. Cháu cũng đã thỉnh ý chú và nhận được lời tư vấn đầy nghĩa tình.

Trở về Mỹ, cháu vẫn còn lưỡng lự.

Tuần lễ trước, cháu đến đón cô sau buổi học, thấy cháu trầm mặc ưu tư, cô đưa cháu vào thư viện của trường đọc sách.

Chúng cháu cùng đọc, cùng nhau nghiền ngẫm và thảo luận một vài đoạn trong cuốn sách của bà Ashley Lawton (Nhà văn, nhiếp ảnh gia và diễn giả Kitô giáo). Người dịch Hà Anh:

. . .

Thiên Chúa biến sự dữ thành sự lành. Vụ hiếp dâm đã mang tôi vào thế giới này. Tôi là con của Thiên Chúa! Ngài đã làm cho tôi được nhận nuôi, và công trình huy hoàng của Ngài thật tốt đẹp, vững chắc và kỳ diệu. Tôi ở đây để chia sẻ tin mừng, và kế hoạch Thiên Chúa dành cho cuộc đời tôi. Tôi sống sót – không phải vì một sai lầm, mà nhờ hồng ân Thiên Chúa.

. . .

“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo; dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách của Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Thánh Vịnh 139, 13-16)

. . .

 Sách Ngôn sứ Jeremiah chương l, câu 5: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi; Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”

. . .

Ngài biết tôi, Ngài đã dựng nên tôi, Ngài yêu tôi. Bạn thấy đấy, tôi không phải là một sản phẩm lỗi. Thiên Chúa biết điều gì sẽ xảy ra, ngài biết ngày được thành hình, và có một kế hoạch lớn lao hơn cho tôi mà không ai có thể hiểu hết được. Thậm chí cha mẹ nuôi của tôi cũng không thể hiểu được. Cha trên trời của tôi đã mặc khải cho tôi ý nghĩa của mục đích mà Ngài đã ghi khắc vào cuộc đời tôi.

. . .

Những gì Ngài đã làm cho tôi và thông qua tôi. Xin ngợi khen Thiên Chúa bởi sự mặc khải của Ngài trong sách ngôn sứ Jeremiah: “Vì chính Ta đã biết các kế hoạch Ta định làm cho ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa – kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (Gr 29, 11).

. . .

Và sau cùng, thêm một nhận thức từ  bài viết của Betty Michael Esene, một nghệ nhân trang điểm người Nigeria, trích từ bài  Lord is my Shepherd / Chúa Trời là Người Chăn Dắt Tôi:

“Mọi trẻ em đều có một cuộc đời để sống, cách riêng, là những trẻ em được sinh ra do hậu quả của hiếp dâm. Chúng có một tương lai tươi sáng và người kiến tạo là Đức Chúa Trời – Người đã không đem chúng đến với thế giới này nếu không có mục đích. Các em không phải là “sản phẩm” của những kẻ hiếp dâm phụ nữ, mà là một công trình sáng tạo của Thượng Đế. Người đem các em đến vì một mục đích và để hoàn tất định mệnh.”

. . .

Ra khỏi thư viện, hai đứa nắm tay rảo bước trong sân trường đại học, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư.

 
Lời cô gái nói với chàng trai:
 

Thật sự tự đáy lòng, bây giờ, em không xem anh như là “sản phẩm” của lão hải tặc hiếp dâm mẹ anh. Em là Phật tử nhưng trong vấn đề này, giáo lý Ki Tô đã khiến em phải suy nghĩ.

Sự thụ thai do hiếp dâm theo giáo lý đạo Phật sẽ là một đề tài lớn thách thức em tìm hiểu.

Em nhớ, năm 2015 Miss Grand International tổ chức tại Thái Lan,  Hoa hậu Anea Garcia trả lời trong phần ứng xử rất chân thành làm khán giả và ban giám khảo xúc động:

“Mẹ tôi là một nạn nhân của một vụ hiếp dâm và tôi ra đời như một việc ngoài ý muốn. Đó có thể là một cú sốc với nhiều người, nhưng nếu như không có ông ấy thì tôi đã không thể có mặt ngày hôm nay. Nếu được gặp người đàn ông ấy, tôi sẽ bước đến, ôm chặt ông và nói rằng tôi tha thứ cho ông ấy. Vì đó là cách duy nhất mà tôi có thể sống cuộc sống của mình trong sự thanh thản”.

Không phải ai cũng rộng lượng như cô hoa hậu.

Em chỉ nghĩ rằng anh là đứa con của định mệnh. Anh không có trách nhiệm phải chịu liên đới về những gì đã xảy ra và có quyền được sống như mọi người lương thiện khác.

Giòng máu Việt anh hùng luân lưu trong huyết quản sẽ cho anh sức mạnh triệt tiêu giòng máu nhiễm độc hải tặc Thái.

Em mong anh có sức khỏe, nghĩa là luôn luôn có được trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất và tâm thần.

Chúng ta cùng có nửa xác phàm Thái nhưng chúng ta có cả một bầu trời Việt Nam trong tâm tưởng để có thể hãnh diện tuyên xưng “chúng tôi là người Việt Nam”.

Chúng ta đã khẳng định tình yêu. Em yêu anh và mãi mãi yêu anh.

Đến ngày lễ hội hoa đăng Loy Krathongy, rằm tháng chạp Thái lịch, em sẽ rủ anh về thăm quê. Suốt đêm trăng tròn, chúng ta sẽ cùng nhau đi thả đèn krathong xuống sông, để cầu cho tình nghĩa vợ chồng và tình yêu bền chặt.

 
*

Trên đây là chuyện tình của đôi trẻ được sinh ra từ hoàn cảnh bi đát của một thời bất hạnh. Câu chuyện được ghi lại, bằng lòng yêu thương và niềm tin vào tình nghĩa và phẩm giá con người.

Cầu nguyện cho lứa đôi hạnh phúc và chúc lành tương lai.

Nguyễn Cát Thịnh

Ý kiến bạn đọc
14/09/201814:47:03
Khách
bài viẻt hay quá, tuyệt vời nhất là có kết cục rất có hậu. Duyên lành đến, có lẽ nhờ sự hối cải của hai người cha.
05/06/201821:48:48
Khách
Bài viết hay quá! Đong đầy những khổ lụy, những trầm luân. Rồi lại đầy vơi những yêu thương, những tha thứ. Có hương thương, hương yêu, hương tình nhân. Có đất trời rộng mở giao hoà. Có phải chăng tựu lại đều là ân sủng của Thượng Đế...
03/06/201813:11:13
Khách
Cám ơn đã cho phép.
Mong tác giả tiếp tục có nhiều bài viết đặc sắc nữa.
02/06/201802:53:30
Khách
Xin cám ơn quý độc giả đã đọc.
@Phi Nguyễn, Cám ơn lời bình. Rất hân hạnh được chiếu cố và cho phổ biến trên FB.
01/06/201821:50:26
Khách
Cả hai bài viết đều quá hay, hay từng ý, từng lời, từng chữ. Cám ơn tác giả.
Tôi muốn được post lên Facebook để bạn bè cùng được đọc. Không biết tác giả có cho phép không?
01/06/201809:23:50
Khách
Cảm ơn tác giả cho đọc một bài viết hay thắm đượm tinh nhân ái. Xin Chúa và Phật phù hộ độ trì và khai mở cho chúng ta trong sứ mạng làm người. Cầu xin ơn lành và trí khôn ngoan cho đôi tình nhân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,108,866
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến