Hôm nay,  

Ky Ức Mậu Thân: Kẹt Giữa Hai Lằn Đạn

19/05/201800:00:00(Xem: 11029)
Tác giả: Nguyễn Thị Bạch Liên

Bài số 5392-19-31233-vb7051918

 
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.

 
***
 

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã qua nửa thế kỷ. Thời  ấy, tôi chỉ là cô học trò bé nhỏ, mới bước vào ngưỡng cửa Trung Học. Nhưng lạ thay, trong ký ức đơn sơ, cạn hẹp, nỗi sợ hãi vẫn còn rõ nét.

Tôi đã tận mắt chứng kiến trận chiến kinh hoàng giữa Việt Cộng và quân đội Quốc Gia tại một góc ngã tư đường phố Sài Gòn khi gia đình tôi bị kẹt tại đó.

Nhà tôi ở ngay góc ngã tư đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Quốc Toản gần khu trường đua Phú Thọ.  Sát vách nhà tôi là tiệm giặt ủi Hoàng Yến. Đối diện bên kia đường là thành trì của đơn vị cảnh sát dã chiến, trại Amac. Trại có cổng chánh ra vô gần ngã ba đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Kim. Đối diện với cổng trại là phòng mạch của Thầy Ba Cầu Bông.

Bên trong hàng rào kẽm gai thuộc phạm vi trại Amac là cái lô cốt cao mười mấy thước với chân cột tròn được xây bằng xi măng cốt sắt trông rất vững vàng. Trên đỉnh lô cốt là cái chòi canh nhô cao với những khung cửa sổ vòng quanh để người ngồi bên trong có thể quan sát được cả bốn hướng đường. Ngay giao điểm ngã tư là cái bùng binh hình tròn trồng nhiều hoa tươi.

Tết năm ấy, hầu hết khu xóm tôi ai cũng rộn ràng ăn Tết rất lớn, đốt pháo rầm trời từ sáng hôm 30.  Đêm giao thừa, cả khu xóm tôi cùng rộn ràng tiếng pháo.  Suốt ngày mồng một, mọi người đều hớn hở vui chơi trong bình yên.  Nhưng sau nửa đêm về sáng ngày mùng hai thì cả khu phố bị đánh thức bởi những tiếng “tạch tạch, bùm bùm chóc chóc, chíu chíu chíu...” khác thường, xen lẫn những tiếng “ầm ầm!..., đùng đùng!...” vang dội chấn động cả mặt đất.

Trong cơn kinh hãi sau mấy tiếng nổ lớn, tôi nghe thấy tiếng giàn cửa gỗ bắt đầu rơi rớt lộp độp từng miếng nhỏ nằm ngổn ngang trên sân trước. Sau đó, những tràng tiếng nổ nhỏ giòn tan tiếp tục kéo dài nối đuôi nhau.  Khung cửa trước nhà đã rơi tuột hết xuống đất, đứng bên trong nhà nhìn ra đường lộ tôi thấy khoảng trống thênh thang vì không còn tấm vách hoặc cửa nào chắn lối nữa. Tôi có thể thấy hết những gì đang xảy ra ngay trước sân và ngoài đường. Vật che chắn nho nhỏ lúc bấy giờ chỉ là cái bàn thờ bằng gỗ cẩm lai được đặt ngay giữa phòng khách đã bị thủng vài lỗ đạn xuyên qua.

Tám người trong nhà vội dồn hết xuống nhà dưới, chùm nhum quây quần trong căn bếp chật hẹp,đằng sau một vách tường xây bằng gạch duy nhất ngăn chia nhà trên và nhà dưới.  Ngồi núp trong nhà bếp vậy nhưng mắt tôi vẫn tò mò chú ý nhìn ra bên ngoài.

Bầu trời vẫn còn tối đen như mực.  Không một ai dám bước chân ra ngoài xem xét tình hình vì mọi người đều biết đang xảy ra chuyện nghiêm trọng, một biến cố, một trận giao tranh.

Đột nhiên tôi bỗng thấy những ánh lửa của súng đại liên bắn từ lô cốt bên kia góc đường nhả đạn xối xả vào các bóng người lố nhố rải rác phía dưới đường lộ. Tại đó, nhiều cây súng AK họp chung lại bắn chĩa thẳng lên lô cốt. Tiếng súng nổ rền rĩ điếc cả tai.  Sau vài phút giằng co mãnh liệt, một tiếng “bùm” chát chúa vang lên, một quả đạn, mà sau này tôi biết là B40, đã phá tung lô cốt. Tiếng đại liên từ lô cốt im bặt. Anh cảnh sát dã chiến trực đêm chắc đã anh dũng làm tròn nhiệm vụ của mình cho đến khi gục ngã. Việt Cộng đã quyết triệt hạ ổ kháng cự này. Từ khoảnh khắc ấy, góc phố trở nên im ắng, không gian chìm vào bóng tối ghê rợn. Thỉnh thoảng có dăm ba người đi đi lại lại loanh quanh cái bùng binh tròn nằm ngay giữa giao điểm Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Thoại. Họ rù rì nói chuyện với nhau trong bộ dạng dò xét quan sát tình hình từ bốn ngả đường. Trong đám người đó có một phụ nữ quàng khăn rằn sọc ca rô đen trắng trên cổ, tóc thắt bím thả hai bên vai và trên tay thì lăm lăm khẩu AK.

Khoảng chừng hai giờ đồng hồ trôi qua, khung cảnh ngoài đường dường như tê liệt.  Cái tĩnh lặng này khiến nhiều người ở khu vực khác chưa biết chuyện tàn khốc đang xảy ra. Vài chiếc xe gắn máy hai bánh từ xa cứ thản nhiên chầm chậm lăn bánh chạy tới ngã tư để rồi bị mấy họng súng AK bắn gục ngay lập tức.  Hồn họ thoát ra khỏi xác nhưng chắc còn ngơ ngác không biết vì sao mình bị bắn chết trong đêm khuya rạng sáng ngày mồng hai Tết như vậy. Cứ như vậy, tràng đạn “tạch tạch…chóc chóc” lại vang lên, tiếng động cơ xe lại im bặt. Thêm một mạng người vừa lìa trần.  Họng súng sắt máu vô tri trên tay các kẻ mang dép râu đứng lảng vảng giữa đường đã hạ gục những người vô tội.Nhiều người chết mặc quân phục VNCH. Chắc hẳn họ vừa hoàn tất xong nhiệm vụ từ một nơi nào đó và trở về xum họp với gia đình.

Bỗng dưng tôi nghe có tiếng ồn ào từ trên mái tôn nhà bếp. Tiếng động giống tiếng trì kéo lê lết những thứ gì nặng kí bằng kim loại, truyền tới từ dãy nhà phía sau nơi tiếp giáp con hẻm nhỏ. Chen trong âm thanh cứ lớn dần là lời đối thoại của những người đang gắng sức di chuyển đồ vật kềnh càng.  Giọng nói của họ rất khó nghe đối với gia đình tôi vốn là người Sài Gòn,nói giọng miền Nam thuần túy.  Giọng nói của người trên mái nhà thuộc các vùng miền Trung dân Quảng gì đó, trọ trẹ rất khó hiểu.  Sau một lúc nghe lời trao đổi, chúng tôi mới biết là họ đang cố gắng di chuyển nhanh lẹ ổ súng cối hay là loại súng gì rất lớn để bắn xe tăng, thiết giáp.  Ổ súng này về sau tôi biết là đã được họ đặt tại cái sân thượng kiên cố của căn nhà hàng xóm sát vách nhà tôi bên tay trái vì nhà này có vị trí thuận lợi nằm đầu bìa con hẻm. Tại đây họ có thể quan sát và khống chế rõ ràng bốn phía.  Chủ căn nhà có sân thượng đã về quê ở Long An ăn Tết vài ngày trước nên hoàn toàn không hay biết Việt Cộngdùng cái nóc cao ráo chắc chắn của nhà của mình để đặt súng hạng nặng tầm cỡ.

Mọi người trong nhà tôi cố gắng giữ im lặng, không gây bất cứ tiếng xào xạc ồn ào nào, cố lắng nghe tất cả các động tịnh đang diễn ra trên nóc nhà. Vách tường và cửa trước nhà tôi đã bể vụn,chỉ còn khoảng trống thông suốt từ trước ra tới sau bếp.  Nếu VC nhìn vô nhà sẽ thấy rõ ràng mọi di chuyển và có thể đếm được bao nhiêu người.  Đó là một điều rất nguy hiểm.  Cả nhà cùng có ý nghĩ tìm cách thoát thân lánh nạn, chui qua nhà hàng xóm sát vách bên tay phải. Anh trai tôi áng chừng những người trên mái nhà đã tạm di chuyển xa dần sang phía nhà bên trái, anh liền đập nhè nhẹ vách tường ở nhà bếp cạnh nhà bên phải. Anh cẩn thận cạy gỡ lấy mấy viên gạch ống ra, tạo cái lỗ nho nhỏ chỉ vừa đủ rộng để từng người trườn chui qua.

Căn nhà bên tay phải có lợi thế là gia chủ mua hai căn nối tiếp dính liền nhau qua nhà bếp nên có lối đi ra đường hẻm rất tiện.  Chúng tôi hy vọng chui qua nhà này, thoát qua cửa sau rồi chạy len theo con hẻm nhỏ độc nhất dẫn tới đường lớn Nguyễn Kim. Ở đó chắc an toàn hơn trước khi cuộc giao tranh ác liệt chắc chắn sẽ lại diễn ra.

Hơn nữa, sở dĩ chúng tôi quyết định đập tường liều lĩnh bò xuyên qua vách tại vì đã nghe và hiểu được phần nào tiếng xì xào nói chuyện. Toàn là giọng trọ trẹ phát ra từ miệng những đứa con nít non choẹt cỡ tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm... mà lúc đó tôi đã biết chắc chúng là du kích Việt Cộng.  Chúng ngồi đóng trụ ngay trên mái tôn nhà bếp, chỉ cách đầu chúng tôi khoảng ba mét nên những lời đối thoại vang lồng lộng như sát bên tai.  Ở vị trí đó, chúng có thể thả chân trèo xuống nhà bếp chừng hai thước bên dưới.   

Tôi nghe chúng nói, đại khái là:

-  Lé e ke bón bẻ…(lấy AK bốn bẩy…)

Khi cả gia đình tôi chui qua nhà kế bên thì mọi người trong nhà này đã chạy hết ra ngoài từ lâu. Về sau mới biết họ trốn vào căn nhà hàng xóm khác cách đó vài căn có hai tầng lầu với hy vọng lớp xi măng bê tông cốt sắt sẽ là vật chắn đạn tốt hơn.  Chúng tôi chạy dồn hết tới cửa sau để tính đường ra ngoài.  Nhưng khi nhìn qua khe cửa sổ trông ra đường hẻm thì hỡi ôi, choáng váng sững sờ vì những  súng AK đầy đặc nằm la liệt chật kín lối đi.  Hồn vía chúng tôi lên mây vì quá khiếp sợ!  Mắt chúng tôi hoa lên, đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ kia vì trên con hẻm, ngoài rừng súng AK, chung quanh đó là những thúng xôi nếp dẻo đã được nấu từ bao giờ!  Sự thật phơi bày trước mắt quá là phũ phàng. Ai là kẻ có hành động đau lòng tiếp tế vũ khí và lương thực cho Việt Cộng thế này?


Bất chợt tiếng súng lại bắt đầu vang vọng lớn dần, chúng tôi lật đật trở vô chui rúc xuống gầm giường trốn đỡ vì hết đường thoát thân rồi.

Khoảng mười một giờ trưa thì tiếng súng giao tranh bùng phát khốc liệt hơn. Tiếng máy bay trực thăng vang rền xuất hiện rất gần nơi chúng tôi đang co mình nằm rút người lại, lẫn lộn cùng nhiều tiếng nổ long trời lở đất hòa chung tiếng rổn rảng của gạch vụn đổ nát tứ phía.

Vẫn trong tư thế nằm trốn núp dưới gầm giường, chúng tôi nghe thấy “phành phạch, phành phạch...” tiếng máy bay trực thăng từ góc trường đua Phú Thọ nhả trái rocket xuống họng súng cối nằm trên sân thượng sát cạnh nhà bên tay trái, “Ầm!…ầm!...”  Bốn bề lắc lư. Bụi cát, gạch nát rào rào phủ che khắp mọi nơi.  Mái tôn rung chuyển răng rắc.  Cây súng cối của Việt Cộng im bặt vì lãnh trọn quả đạn rocket.  Ngay sau đó là tiếng gót giày saults hối hả chạy rầm rầm nện mạnh trên mặt đất.  Tiếp theo là tiếng ấu đả vật lộn bịch bịch, giằng co hỗn chiến ngoài con hẻm, âm thanh dồn dập đấm đá xáp là cà vì hai bên đang cận chiến.   

May màchỉ ít phút sau, tình hình có vẻ bớt căng thẳng, anh tôi hé mắt nhìn ra ngoài thì thấy nhiều anh lính quốc gia mặc quần áo rằn ri tràn ngập mọi nơi.  Các anh lính của Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân đã nhanh chóng phong tỏa chốt đóng của du kích VC.

Cuộc phản công chớp nhoáng của các anh chiến sĩ quân lực VNCH đã giành lại khu phố trong phút chốc.  Những dép râu còn may mắn sống sót thì chạy tản hàng tán loạn, mạnh ai nấy kiếm đường trối chết rút lui vô lùm cây rậm rạp trong vườn ương cây Ty Trồng Tỉa phía bên kia đường Nguyễn Văn Thoại.

Các anh chiến sĩ Biệt Động Quân gõ cửa từng nhà và nói lớn:

-  Bà con an tâm trở về nhà.

Quá là mừng vui khi thấy bóng dáng người hùng mặc quần áo màu hoa rừng.  Mọi người thở phào như vừa trút được quả tạ ngàn cân ra khỏi đầu.  Chúng tôi bò qua lỗ vách tường chui ngược trở về nhà mình.  Nhìn ra ngoài trước sân nhà, trên đường Trần Quốc Toản xuất hiện vài chiếc xe thiết giáp, xe tăng.  Lực lượng của Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân đang trấn an mọi người.  Các anh làm chủ ngã tư, còn đang quan sát kỹ lưỡng hiện trường.

Trong trận giao tranh ban đầu giữa cảnh sát dã chiến ở lô cốt và du kích VC, anh cảnh sát đã hạ gục nhiều tên du kích xung phong chiếm góc đường vào nửa khuya.   Nhiều tên chết vì lửa đạn nên bị cháy xém nám đen và vài xác khác thì nằm chồng chéo cong queo. Từ trong nhà đi xuyên qua cửa trước hướng ra đường lộ, chúng tôi phải bước ngang mấy cái xác chết mang dép râu.  Nhìn kỹ, hai ngón chân cái của mỗi người đều có sợi dây buộc dính chặt lại với nhau.  Đồng bọn của chúng có ý định sẽ kéo xác đi nhưng trận phản công quá thần tốc nên chúng phải chạy trối chết lấy thân. Mấy xác chết bị bỏ lại xác của lính Việt Cộng chỉ ở tuổi thiếu niên mà trước đó vài giờ còn nói chuyện chí chóe bằng giọng xứ Quảng khó nghe. Khi nhấc chân bước qua, tôi phải cẩn thận nhìn xuống đất để tránh đụng chạm vào xác người nằm cứng đơ bên vũng máu loang loáng còn tươi trên nền sân xi măng.

Sau khi được kiểm điểm, hiện trường bị phong tỏa nghiêm ngặt. Lệnh giới nghiêm toàn Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được ban ra rất sớm, hình như là sáu hay bảy giờ chiều.  Khu phố chạy dọc đối diện vườn ương cây Ty Trồng Tỉa đã bị thiêu rụi hoàn toàn (sau này là xây lại thành chung cư Nguyễn Văn Thoại.)  Lửa bốc cháy tràn lan do VC trước khi tháo chạy đã châm lửa đốt sạch các khu xóm này hầu dễ dàng thoát thân.  Đây là tâm điểm cuộc giao chiến nên tất cả người dân tại đó được lệnh phải di tản đi nơi khác một thời gian, chờ cho tình hình ổn định thì vòng rào kẽm gai bao quanh mới được gỡ đi.  Chúng tôi vội vã tay xách nách mang trong bộ dạng xốc xếch, thất kinh hồn vía, di chuyển hướng về đường Nguyễn Kim tới nhà người dì ở trọ.

Nhà dì ở sát hãng bia Lave Con Cọp, gần sân Vận Động Cộng Hòa.  Mặt mày ai nấy đều lem luốc dính đầy lọ nghẹ quằn quện màu xám đen than củi vì toàn gia đình tám người đã chùm nhum chen chúc chui rúc vào cái hầm bếp chứa than củi nhỏ xíu có lớp bê tông xi măng cứng cáp đặt mấy ông lò với hy vọng mong manh là lớp bê tông mỏng te này sẽ cho mình chút xíu che chở khi lằn đạn bay vèo vèo tứ tung không biết đâu mà tránh đỡ.

Trên đường đi, không gian còn nặng nề mùi thuốc súng.  Mùi tử khí bắt đầu xông lên từ xác chết ngổn ngang trên sân lề và trên mặt đường nhựa.  Máu loang đỏ cũng khô dần lắng đọng thành vũng đen cứng trên sàn xi măng.

Thật là kỳ lạ!  Chỉ cách nhau con đường Nguyễn Kim mà hai khu xóm nằm trong hai bầu trời tương phản.  Người dân bên này đường Nguyễn Kim phía chợ Nguyễn Tri Phương đã bình yên đứng nhìn qua khu nhà của chúng tôi chìm đắm trong nỗi sợ hãi khói lửa đạn bay. Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân được lệnh tấn công chớp nhoáng vào giải tỏa vòng vây cũng từ bộ chỉ huy hành quân đóng chốt an toàn bên này đường Nguyễn Kim.

 

*

Một tuần sau đó, đêm đêm có giới nghiêm, mọi người không ai dám lai vãng ngoài đường.  Thưa thớt vài tên du kích dép râu còn nằm ụ rải rác trong vườn ương cây thỉnh thoảng bắn tỉa đạn AK để giết thêm vài người dân vô tội hoặc nhân viên công lực.  Tình hình còn căng thẳng vì lai rai vài người bị bắn chết mỗi đêm.  Đến hơn một tuần hay mười ngày thì chúng tôi mới được lệnh cho về thăm nhà. Hàng xóm ở dãy nhà phía sau cách nhà tôi ba căn là hai vợ chồng chú Pa người Tàu đang làm nghề sản xuất bàn chải đủ loại.  Câu chuyện huyện Chú Pa khá lớn tuổi, vóc dáng tròn trịa phốp pháp với tướng đi chậm chạp.

Chuyện vợ chồng chú Pa về nhà sau đó được kể lại trong xóm cho biết là khi Ông chồng một mình mở cửa trước bước vô nhà loay hoay dòm ngó mọi nơi, xong ông yên bụng leo vài bậc cầu thang cây ọp ẹp để lên căn gác lửng giống như cái lồng chim cu.  Ông đẩy cái bệ cây che chắn cái lỗ cửa thông lên căn gác hoài mà không làm sao xê dịch được.  Có vật gì nặng trình trịch đè trên miếng ván sàn cây này.  Chú Pa cố sức lắc lắc, đẩy mạnh hoài mới hé mở cái khoảng trống nho nhỏ đủ để ngoi đầu chui lên.  Ông chầm chậm bước thêm từng nấc thang một vì ông cảm thấy có gì không ổn ở đây.  Bỗng một họng súng chĩa thẳng vào đầu chú Pa nói lớn với giọng dữ dằn:

-  Giơ tay lên.  Không được la.  La sẽ chết liền!

Chú Pa run cầm cập như con thằn lằn đứt đuôi.  Ông hoảng hồn muốn té xỉu, gần như muốn tắt thở:

-  Ngộ...ngộ…ngộ piết dzồi!  Ngộ không la đâu.  Nị...nị...nị tha cho ngộ.

Tên Việt Cộng kêu chú Pa tìm cách mang hắn ra khỏi nhà.  Chú Pa sợ điếng hồn, lập bập năn nỉ xin tha mạng vì vô phương để thực hiện chuyện tày trời trong thời gian nghiêm ngặt này.

-  Tha cho ngộ, ngộ không làm được, xin đừng pắn ngọ.

Sau đó chú Pa phải ở quanh quẩn lòng vòng trong nhà, mang thức ăn nước uống phục vụ cho kẻ đang hăm dọa giết chết mình bất cứ lúc nào cho đến khi hắn ta tự gục ngã.  Chú Pa hoàn hồn kể hết mọi chuyện cho hàng xóm chung quanh biết những gì đã xảy ra.

Tên Việt Cộng này đã nằm ở đây hơn tuần nay rồi và luôn hy vọng có người quay trở lại mang hắn đi theo như lời hứa của đồng bọn trước khi tháo chạy. Nhưng vì quá đói, không ăn uống gì, nên hắn kiệt sức khi mà vết thương ở chân khá nặng càng ngày càng ung thối loang lở trầm trọng.  Những kẻ rút lui trốn chạy hoàn toàn vắng bóng, bặt vô âm tín, trong khi tên Việt Cộng này cứ mòn mỏi trông ngóng, mong chờ được ai đó quay lại cứu hắn ra khỏi căn gác nhỏ. Hình như anh ta  là cấp chỉ huy có chức vụ.  Khổ nỗi, tên này không hề hay biết, tất cả đồng đội của hắn đều đã bị quân đội và cảnh sát quốc gia càn quét sạch sẽ trước khi cho người dân lánh nạn trở về nhà.

*

Cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào thủ đô Sài Gòn và các thành phố của Việt Nam Cộng Hoà trong dịp Tết Mậu Thân 1968 mãi là dấu ấn khó quên trong trí óc người dân hiền lành miền Nam Việt Nam.

Với tôi, năm mươi năm sau Tết Mậu Thân, những ngày bom đạn đẫm máu ấy vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của cô bé ngây thơ cho đến tận hôm nay.

Nguyễn Thị Bạch Liên

Ý kiến bạn đọc
20/05/201817:21:15
Khách
Một bài viết rất hay, văn phong chính xác của thời VNCH khác xa với văn phong của VC.
20/05/201816:08:37
Khách
Một bài viết hay ! Tác giả quả xứng đáng là cựu nữ sinh tốt nghiệp từ trường nữ trung học Gia Long danh tiếng ở thủ đô Sài gòn ! Như một phóng viên chiến trường, với lời văn sống động, mạch lạc, rõ ràng- và không bị tiêm nhiễm ngôn từ cộng sản, tác giả thuật lại một cách chi tiết trận kịch chiến giữa lực lượng cảnh sát và biệt động quân của ta với Cộng quân ở gần nơi tác giả cư ngụ dịp Tết Mậu Thân năm 68.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến