Hôm nay,  

Chín Con Chăm Một Mẹ

13/05/201800:00:00(Xem: 13884)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5386-19-31227-vb8051318

 
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.

 
image001
Hình chụp ngày Ba mới mất, 9 con một mẹ, 48 năm trước.

***


Năm nay Mẹ tôi 92 tuổi, tôi là con thứ bảy trong số chín đứa con của Mẹ. Bước vào đầu năm 2018, khí hậu Nam Cali trở lạnh bất thường, Mẹ tôi bị viêm phổi cấp tính, cộng thêm bệnh suyễn kinh niên hoành hành, hơi thở đứt quãng, nên phải nhập Viện Fountain Valley bằng xe cấp cứu.

 Ngoài các bệnh trên, Mẹ tôi còn những bệnh mà người già thường vướng phải, như tiểu đường, cao máu , đau nhức, đau bao tử.  Theo luật những người đang hưởng Medicare của chính phủ, như trường hợp Mẹ tôi không được nằm trong bệnh viện quá mười ngày. Vả lại cơn nguy kịch cũng đã qua, nhưng bác sĩ cho biết phổi Mẹtôi  yếulắm, phải cần những thiết bị trợ thở oxy 24/24, lại không thể tự đứng lên được. Ông khuyên chúng tôi nên đưa Mẹ vào trung tâm phục hồi sức khỏe gần nhà một thời gian, để luyện tập cách thở, điều chỉnh thuốc men và ăn uống đủ chất,  hầu cơ thể cụ hồi sức, rồi trở về nhà sống bình thường với con cháu.

Nhưng Mẹ tôi rất ghét ở nhà thương, nói chi Viện phục hồi. Mỗi lần bệnh trở nặng không thở được, cứ bảo con cái phó linh hồn để Mẹ chết, nhưng chưa đến giờ  “Chúa thương gọi con về” . chúng tôiphải dỗ dành mãi Mẹ mới chịu đi nhà thương, hôm trước hôm sau là năn nỉ đòi về nhà, Mẹ bảo : “Sợ cây kim truyền nước biển, kim lấy máu, đâm vào da thịt, Mẹ đau đớn  lắm”. Tội nghiệp mẹ tôi (người già ra trẻ con).

Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định đưa mẹ vào Garden Grove Convalescent Hospital, ngày 18/1/2018 cách nhà tôi hai blocks đường, tiện việc cho chúng tôi chia nhau đến săn sóc an ủi Mẹ.

Từ ngày vào Viện phục hồi này, Mẹ tôi được chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Mẹ chỉ cần bấm nút chuông ở sợi dây cài đầu giường, là y tá hay điều dưỡng viên có mặt sẵn sàng giải quyết những điều Mẹ yêu cầu.

Mỗi ngày mới bảy giờ sáng đã có người bưng đến một khay đậy kín loại giữ ấm, một chén cháo  một đĩa trứng hấp, thêm ly nước juice để Mẹ điểm tâm. Khoảng từ 8đến 9 giờ, cô y tá đến đohuyết áp, thử đường. Tay cầm ly nước, cô cẩn thận bỏ từng viên thuốc vào miệng cho Mẹ uống (không phải xay nhuyễn). Chích insulin xong cô cho cụ thở thuốc suyễn. Thấy cô ân cần vui vẻ, tôi xin lỗi hỏi tên, cô nói: “Gọi là M J cho dễ”. Hết tuần lại đến cô Lisa thay thế. Các cô đều nhỏ nhẹ và tử tế với bệnh nhân.

Phần thuốc men xong, tới giờ thay tã hay vệ sinh cá nhân, thì có cô Maria hoặc anh Noel cao lớn khỏe mạnh, bế Mẹ tôi đặt lên chiếc ghế đặc biệt gắn bánh xe đẩy vào restroom. Một tuần hai lần cũng chiếc ghế như vậy, đẩy cụ đi tắm mát mẻ sạch sẽ, tươm tất trong bộ quần áo mới thay.  Tôi nhìn theo, mà lòng thầm cảm ơn những nhân viên y tế đã tận tâm và vất vả làm những công việc mà chính lẽ chúng tôi phải làm.

Khoảng 10 giờ 30 phút có chuyên viên therapy, đến tận giường đỡ Mẹ tôi đứng lên tập từng bước, như em bé chập chững đi. Một tuần sau ông cho Mẹ tôi ngồi vào xe lăn có bình oxy nhỏ kéo sau, ông còn cẩn thận lấy lược chải đầu cho cụ, ông khen Mẹ tôi đẹp lão và hiền lành. Rồi đẩy đến phòng tập thể dục, để tập những động tác nhẹ, như quay bánh xe bằng tay, đạp hai chân chầm chậm, tập đi bằng khung hỗ trợ di chuyển.

 Bữa trưa của Mẹ, có ba bốn món, cơm, canh Việt Nam,rau, cá, hoặc thịt, đều  hầm nhừ xay nhuyễn, vì răng thiệt, răng giả chẳng còn cái nào, Mẹ vẫn ăn ngon lành. Đều đều mỗi ngày như vậy, cụ ngủ ngon giấc, da dẻ hồng hào, cơn suyễn cũng đỡ hành hạ. Sức khỏe có phần khá, nhưngnét buồn trên khuôn mặt Mẹ ngày càng nhiều hơn,  mặc dù chúng tôi xin phép Giám Đốc Viện DL để thay phiên nhau, vào ngủ bên Mẹ mỗi đêm. Ban ngày thì chị Hai và chị Ba đã nghỉ hưu,thay nhau đến đọc kinh, đọc sách suy gẫm cho kẻ liệt, các chị kiên nhẫn đúttừng thìa cháo, quần áo cũng gom về nhà giặt cho Mẹ. Chiều tối có ba bốn đứa chúng tôi đang đi làm, cũng thay nhau đến với Mẹ, mà đôi mắt Mẹ cứbuồn vời vợi. Trước kia cụ có tiếng là người nói nhiều, vậy mà bây giờ trở thành im lặng, nặng nề. Dù tôi vấn an Mẹ rằng :“Chúng con chỉ để Mẹ ở đây một thời gian, khi bình phục sẽ đón Mẹ về nhà”.  Nhưng Mẹkhông tìm được sự đồng cảm với những người xa lạ không cùng ngôn ngữ.

Một chị bạn cũng nuôi Mẹ ở phòng kế bên, hai đứa dễ thân vì hoàn cảnh hai bà Mẹ giống nhau. Mới đầu Mẹ chị cũng giận dỗi con cái, không chịu nói chuyện, hờ hững trả lời những câu không vừa ý. Nhân viên người Việt trong Viện DL đến trắc nghiệm trí nhớ, cô hỏi: “Cụ bao nhiêu tuổi rồi?” Bà không thèm trả lời. Cô nhân viên hỏi tiếp: “Cụ sanh ngày mấy? Tháng mấy? Năm nào” Chị bạn đứng gần tính nhắc Mẹ, nhưng cô ta ra hiệu im lặng, rồi hỏi tiếp: “Cụ có mấy đứa con? Cụ có biết mình đang ở đâu không?” Chị xin Cô nhân viên đừng nhắc đến chữ nhà thương vì Mẹ chị dị ứng với hai chữ đó, ai dè Cô nhân viên ghé tai nói một hơi “Bác ơi! Nếu bác thương con bác, đau ốm thì phải đến nhà thương cho Bác sĩ chữa khỏi bệnh rồi về, bác không nên nằm mãi ở nhà, nếu chẳng may chết, thì con bác phải bị điều tra. Xác bác thì phải đem đi xét nghiệm… Sau này con bác muốn bán nhà sẽ bị mất giá, vì có người chết trong nhà”. Nghe vậy bà mở mắt nhìn Cô Nhân viên hỏi: “Cô là ai?” Rồi bà hiểu ra và thông cảm cho các con. Chị bạn tôi cám ơn cô nhân viên hết lời.

Nhưng Mẹ tôi vẫn nằng nặc đòi về, không chịu tập thể dục, không chịu tắm, Mẹ đòi tuyệt thực, chúng tôi phải thí thỏn mãi Mẹ mới ăn, đúng là “Một già một trẻ bằng nhau”.  Gặp mặt chị Hai là trách chị không chịu đưa Mẹ về để Mẹ chết ở nhà, làm chị Hai không biết tính sao cho vẹn toàn, vì nếu đưa Mẹ về, sợ không có y tá và các điều dưỡng viên có kỹ năng chuyên môn thành thạo, lại không thể tập luyện và sinh hoạt  điều độ như tại đây, sức khỏe Mẹ sẽ kém đi. Mà để Mẹ ở lại, trong tình trạng cụ “đình công” như vầy nếu Mẹ có bề gì thì ân hận suốt đời. Mới đó mà chị Hai sút mất năm pounds, khiến người chị mảnh khảnh thêm.  Thật là “Tiến thoái lưỡng nan”, cuối cùng  chúng tôi quyết định chiều theo ý Mẹ, đón cụ về nhà.

Ba tôi mất sớm, để lại cho Mẹ một đàn con dại, đang tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Nuôi chúng con Mẹ chẳng quản chi thân, những khi trái gió trở trời, con đau làm Mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ đa buôn bán tảo tần nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Cách đây gần ba mươi năm, anh Tư tôi bảo lãnh Mẹ đến Mỹ diện đoàn tụ. Hai năm sau chị Hai tôi qua diện HO, và Mẹ sống chung với anh chị cho đến nay, một mình Mẹ một phòng đầy đủ tiện nghi, trong căn nhà rộng rãi mát mẻ tại thành phố Westminster. Những nỗi vất vả khi xưa đã làm sức khỏe Mẹ sa sút, yếu ớt, suýt chết nhiều lần, từ những năm Mẹ bước vào lão niên. Nhờ anh chị Hai tôi chăm sóc Mẹ chu đáo, nên ngày nay chúng tôi vẫn còn Mẹ bên cạnh.

Viết đến đây tôi lại nhớ, cách đây bốn năm. Sau trận Mẹ đau thập tử nhất sinh, bác sĩ cũng khuyên đưa Mẹ vào Nursing home, vì cụ cần sự theo dõi thường xuyên của y tá và máy móc trợ thơ mới sống được. Nhưng chị Hai sợ Mẹ buồn, chị liều đưa Mẹ về nhà, một mình sớm tối vất vả chăm nom. Nhưng Mẹ ốm lần này chị Hai tôi bước vào tuổi “thất thập” sức khỏe yếu nhiều, chị không cáng đáng nổi, nên anh chị em tôi hợp lại lo cho Mẹ.

Cũng may chúng tôi có nguyên một đội ngũ không phải là chín người, mà là chín gia đình thì đúng hơn. Bảy gia đình ở California,  nếu tính con trai, gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại hơn hai chục người. Kẻ thì chân trong, người thì chạy chân ngoài góp phần lo cho cụ. Còn hai gia đình ở xa, nhưng vẫn về thăm nom và yểm trợ tinh thần cũng như vật chất.

Có chăm nom phụng dưỡng cha mẹ già yếu, ốm đau liệt lão, mới thấu hiểu được cái gian nan cực khổ. Nhưng nghĩ lại có thấm gì với những hy sinh Mẹ đã nuôi các con ngày bé thơ “Chỗ ướt Mẹ nằm chỗ ráo con lăn”.

“Nhớ ơn chín chữ cù lao,

Ba năm bú mớm biết bao ân tình”.

Trước kia tôi luôn có thành kiến với việc con cái đưa cha mẹ vào nursing home. Nhưng vừa rồi đi nuôi Mẹ, mới biết được cảnh sống trong nhà an dưỡng, thì ra tôi chưa thấu hiểu lắm. Tôi tưởng tượng một bức tranh khá ảm đạm trong các Viện dưỡng lão, nào là phòng ốc hôi hám, tối tăm, các cụ ông, cụ bà già cả lọm khọm, quần áo nhăn nheo, mặt mũi eo xèo.

Nhưng khi đưa mẹ vào Garden Grove Convalescent Hospital, điều đập vào mắt tôi, là khung cảnh một khuôn viên rộng rãi. Nằm cuối đường Shackelford, nơi ngõ cụt circle thật yên tĩnh. Từng dãy nhà trệt nằm theo hình chữ U. Chính giữa ngay cửa vào, la phòng tiếp tân sáng sủa, cao ráo, không kém gì một khách sạn bình dân. Có nhân viên nói tiếng Việt, mọi người luôn niềm nở, với nụ cười trên môi.

Theo tôi biết trong GG Convalescent Hospital được chia nhiều khu, khu thường xuyên dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú, dành cho bệnh nhân sau khi bình phục sẽ về nhà. Cùng nhiều khu phụ khác cho mỗi trường hợp… Các phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, có hệ thống điều hòa không khí. Qua khung cửa kính, các cụ có thể nhìn ra vườn hoa xinh xắn. Mỗi sáng có người mang tới những xấp Việt Báo hoặc Người Việt, phân phối đến từng phòng cho các cụ đọc. Ánh sáng vừa đủ phát ra từ những bóng đèn neon. Trên tường, mỗi đầu giường được gắn chiếc TV  nhỏ vào một cây cần dài, có thể đưa xa, kéo gần. Phòng restroom sau tủ quần áo, ngăn nắp và tiện nghi.

 Những ngày đầu chưa quen, nhất là buổi sáng, rất khó chịu vì mùi khai khai, khăm khẳm, từ những thùng đựng tã, mà các điều dưỡng viên đẩy đến từng phòng, để làm vệ sinh cho các cụ. Nhưng khoảng sau 9-10 giờ, vệ sinh xong đem các thùng tã đi, thì không còn mùi nữa.

Mỗi phòng đều có tấm bảng nhỏ, ghi rõ schedule sinh hoạt từng giờ, từng ngày trong tuần, tại hội trường nằm giữa khuôn viên của Viện. Thường sáng thứ năm thứ sáu, có các vị lãnh đạo tinh thần đến cử hành nghi thức riêng của tôn giáo mình, như dâng Lễ hoặc Tụng Kinh…

Tôi nhớ nhất mỗi sáng thứ năm hàng tuần, gọi Mẹ dậy để xin y tá cho Mẹ uống thuốc, hít thuốc suyễn sớm hơn, rồi thay quần áo đẹp, chải đầu, đội mũ ấm tươm tất, đẩy Mẹ trên chiếc xe lăn đến hội trường tham dự Thánh Lễ lúc 10 giờ sáng. Mỗi đầu tháng có Linh Mục ban phép xức dầu và giải tội cho các cụ. Năm nay lễ tro vào ngày thứ tư 29 tết, mẹ tôi được sức tro trên trán, mà mấy năm qua Mẹ không thể tới nhà thờ được, chỉ xem lễ trên TV. Những buổi sáng cuối tuần đều có các Thừa Tác Viên thiện nguyện của các Cộng Đoàn trong Giáo Phận, đếncho Mẹ tôi rước mình Thánh. Tạ ơn Chúa, cám ơn các vị đã giúp Mẹ tôi của ăn linh hồn cuối đời.

Một bên hội trường còn là nơi để các cụ giải trí, khoảng 10:00 am và 3:30 pm, có các mục như xem phim, xem văn nghệ, có ca sĩ hát những bản nhạc vàng xa xưa, đa số các cụ là người Việt xem rất đông. Còn được vận động tay chân bằng những trò chơi chuyền banh, chơi lô tô, hoặc đố chữ… Mẹ tôi vào Viện DL được một tháng thì Tết Nguyên Đán truyền thống Việt Nam, Viện DL tổ chức đặc biệt, để các cụ đón Tết. Từ phòng tiếp tân, hội trường đến các phòng ốc, đều có hình ảnh những cành hoa mai vàng, tràng pháo đỏ.

Ngày mùng một Tết Viện DL mời đoàn múa lân đến biểu diễn, tiếng trống tiếng phèng vui nhộn để các cụ quên đi đau đớn vì bệnh hoạn. Có các hội đoàn, đến thăm viếng. Đoàn văn nghệ thiện nguyện, ca sĩ thay nhau hát những bản nhạc xuân sống động. Từ các cụ ngồi xe lăn, hoặc nằm dài trên giường, cũng nhịp theo tiếng nhạc rung rinh. Các nhân viên mang những bao lì xì đỏ chót tới trao tận tay các cụ, ngược lại có cụ cũng được con cháu sắm sẵn cho cả xấp bao lì xì để cụ mừng tuổi cho các nhân viên, để tỏ lòng biết ơn “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Trưa mùng ba Tết vào ngày Chúa nhật, chúng tôi xin phép đưa Mẹ về nhà để con cháu quây quần chúc tuổi cụ, rồi trở lại Viện điều dưỡng.

Tại  phòng ăn, lúc 11:30 am và 5:00 pm, các cụ tự  lăn xe, hoặc chống gậy tới, ngồi quanh các bàn tròn với những mâm thức ăn đầy đủ năng lượng, ngoài ra các cụ còn được đãi những món ăn tráng miệng, như chén tàu hũ nóng hay ly chè đậu, hoặc trái cây, bánh ngọt….

Nằm cùng phòng với Mẹ tôi là một bà cụ 95 tuổi,  ở trong Viện dưỡng lão sáu năm rồi,  trông cụ khỏe hơn Mẹ tôi, nhưng hai chân bị liệt, Ngồi trên xe lăn đọc báo chán rồi ngủ gà ngủ gật, các cô phụ trách thường đẩy cụ tới phòng sinh hoạt. Cụ kể như tiếc nuối thời son trẻ, chỉ sinh có một người con gái, cho học trường Pháp từ nhỏ, bây giờ  nó đi Tây rồi nên không đến thăm cụ được (nhưng thực ra co vẫn thuê người trông nom mẹ). Thấy Mẹ tôi đông con cháu, cụ tủi thân, nhưng rồi cũng móm mém cười an phận.

Có hai bác trai, nằm phòng đối diện với phòng Mẹ tôi. Một bác 90 tuổi, bị liệt, thân xác cao lớn, nặng nề, điều dưỡng viên phải dùng máy cẩu lên giường, hoặc xuống xe lăn một cách chuyên nghiệp không gây đau đớn cho bệnh nhân.  Bác gái 80 tuổi,  tuy phải dùng máy trợ thính nhưng vẫn lái xe được, sáng nào cũng vào rửa mặt đánh răng cho chồng, rồi đẩy bác trai đi sinh hoạt, hoặc ra sân phơi nắng trông rất cảm động. Hai bác có tám người con, thay phiên với mẹ, chăm nom bố.

Giường bên cạnh, bác 88 tuổi cũng bị liệt, bác gái 84 tuổi, ăn mặc rất đẹp đẽ sang trọng, thường đến ngày thứ năm để đưa bác trai đi lễ. Các con bác đều ý thức trách nhiệm với bố, nếu người nào bận rộn không góp công, thì góp của, nên lúc nào cũng có người nhà săn sóc. Bác trai bị ảnh hưởng sau lần strocke, dễ tủi thân.

Bên cạnh những bác được gia đình quan tâm, cũng có những bác không may mắn. Một bác gái, vào Viện DL sau Mẹ tôi vài ngày, nhìn bác khoảng ngoài 80, nằm cách mẹ tôi ba phòng, mà vẫn nghe tiếng bác kêu la: “Cô ơi! Mệt quá hà, đau quá hà!” suốt ngày mà chẳng thấy con cháu vào thăm, thấy tội nghiệp, thỉnh thoảng tôi ghé thăm nhưng bệnh lẫn của bác càng ngày càng nặng hơn.

Phòng cuối dẫy gần cửa,  là một bác gái độ 75 -76 tuổi, mới vào Viện DL, không biết bệnh gì mà phải ngồi xe lăn. Một hôm tôi đi đến nhà bếp để xin nước sôi cho Mẹ, đi ngang thấy bác vừa la mắng (bằng tiếng Việt), vừa cào đánh một anh nhân viên người gốc Latino đang sửa soạn làm vệ sinh cho bác, có lẽ vì bác la quá nên cô y tá chạy tới mở cửa phụ giúp anh, tình cờ tôi nhìn thấy bất nhẫn quá, liền dừng chân đứng ngoài cửa nói vọng vào: “Bác ơi! Bác không nên mắng chửi như vậy, người ta hầu hạ bác, mà con bác không làm được, bác phải cám ơn người ta mới phải” Bác quay qua nói với tôi: “Sao nó lột áo của tôi?” tôi nói: “Bác ơi! Người ta phải thay quần áo cho bác, không thôi hai ba ngày hôi hám mà bác không còn khả năng tự làm được, thì bác phải biết ơn người giúp bác chứ”. Rồi bác nằm im, anh nhân viên quay qua cám ơn tôi. Bác giường kế bên kể với tôi rằng: “Hôm trước bà ấy cào chảy máu tay anh Mễ, mà họ không dám nói gì”. Từ hôm đó bác không còn la hét nữa, mà hay ngồi trên xe lăn trước cửa phòng, trông ngóng người thân. Còn nhiều hoàn cảnh rất đáng thương….

Tôi còn được nghe một cô nhân viên CNA gần nhà kể, công việc nào cũng có cái kho mà không ai biết, vì phải chăm sóc các bác lớn tuổi, bệnh hoạn và dở hơi. Như  một lần cô đang ngồi xổm sỏ dép cho bác Hóa để đưa đi tắm, bác co chân đạp cho một phát, té ngửa! Rồi cô vạch tay áo lên cho tôi xem những vết cào đã thành sẹo, cô cười méo mó chỉ vào từng vết sẹo mờ dưới cùi chỏ đùa: “Đây là sẹo bác Năm, sẹo bác Tin, sẹo bác Hân… Mình không giận các bác đâu, vì khi các bác hành động như vậy, bác không ý thức được, mà sau đó rất hối hận và ôm mình xin lỗi, thấy tội lắm”.

Có lẽ các cụ đang sống chung với con cái, được kính trọng thương yêu. Bất chợt bị tai biến, hay mắc bệnh nan y, con cái phải đưa vào Viện DL nhưng các cụ không chấp nhận thực tế, quá bất mãn lẫn mặc cảm, chửi rủa suốt ngày. Chửi con cái xong, quay qua chửi cả nhân viên chăm sóc mình, hỏi sao không bị ghét!

Nhiều trường hợp bất đắc dĩ con cái phải đưa cha mẹ vào Viện Dưỡng Lão, họ cũng có nỗi khổ riêng. Như hoàn cảnh neo đơn, vừa cáng đáng một công việc toàn thời gian, vừa chăm sóc cha mẹ già yếu, từng viên thuốc từng bước đi. Thuê người thì rất đắt đỏ. Thực ra chỉ có những Viện dưỡng lão mới đáp ứng được những thiếu sót, mà con cháu vì phải lo sinh kế không thể chu toàn được. Vậy chúng ta cần sửa soạn tâm lý, chẳng may cuối đời phải đếm ngày tháng trôi qua sau cánh cửa  Viện dưỡng lão, đừng buồn khổ quá, chỉ làm bệnh tật thêm trầm trọng.

Nuôi Mẹ trong Viện DL mấy tháng, tôi rút kinh nghiệm, nếu vì hoàn cảnh có cha mẹ trong nursing home, chúng ta nên vào thăm nom thường xuyên. Nếu quá vất vả trong cuộc sống, thì thuê người mỗi ngày vài tiếng  thay mình vào thăm viếng, không nên phó thác bỏ mặc cha mẹ cho các nhân viên trong Viện dưỡng lão.

                                                                        *

Hai tháng nằm trong Viện Điều Dưỡng thấy Mẹ hồi phục con cháu đều mừng rỡ. Thế nhưng, ngày 15/3/2018  đưa Mẹ về nhà, được vài ngày sức khỏe Mẹ yếu hẳn, như gốc cây cỗi bứng vào đất khô. Mới hơn một tuần, Mẹ tôi không thể ngồi lên được, giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, hơi thở mệt mỏi chập chờn như ngọn nến trước gió. Bác sĩ nói: “Phải có người canh chừng ngày đêm, nếu để sợi dây truyền oxy rơi khỏi mũi chừng nửa tiếng là cụ có thể ra đi vĩnh viễn”. Chiếc quạt trần chạy vù vù suốt ngày đêm. Bên cạnh giường, cây quạt máy mở thật mạnh để gió đưa oxy từ mũi vào phổi Mẹ. Trên đầu ngón tay của Mẹ lúc nào cũng gắn thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim, để theo dõi. Tôi vội báo tin cho tất cả các anh em con cháu xa gần về, để gặp Mẹ lần cuối.

Chúng tôi quá lo lắng bối rối, không biết phải làm sao? Mời bác sĩ gia đình đến, ông nói riêng với chị Hai: “Cụ yếu lắm, gia đình nên sửa soạn tinh thần trước”. Nghe như vậy chúng tôi buồn vô cùng. Nước mắt ngắn, nước mắt dài, chị Hai năn nỉ bác sĩ cố gắng giúp cách nào tốt nhất cho Mẹ. Bác sĩ đề nghị nên chuyển Mẹ qua dịch vụ săn sóc cuối đời (Hospice care) sẽ có nhóm chuyên viên y tế đến nhà chăm sóc giúp đỡ khi cần. Có cố vấn tâm lý và tâm linh cho bệnh nhân trong thời gian chờ mãn phần được thoải mái hơn. Chúng tôi hoàn toàn chưa biết gì về chương trình này, nhưng đường cùng cũng gật đầu. Thật là một quyết định khó khăn và đau lòng đối với chúng tôi, chưa đứa nào sẵn sàng chấp nhận Mẹ sẽ ra đi, mà luôn hy vọng một phép lạ đến với Mẹ.

Nhưng rồi, thủ tục và giấy xác nhận bệnh nhân trong giai đoạn hiểm nghèo của bác sĩ cũng đã xong. Hôm sau có nhân viên của Hospice đến nhà xem xét tình hình bệnh trạng của Mẹ tôi, có đủ tiêu chuẩn không, để cung cấp vật dụng.  Họ đem đến một chiếc giường đặc biệt, có thể nâng lên hạ xuống tùy ý. Một chiếc bàn ăn có bánh xe, đưa cao hoặc hạ thấp được, wheel chair, gậy chống…. Các máy móc như máy thở suyễn có nebulizes mask. Oxygen tank có sợi dây connector tubes quàng vào mũi và các dụng cụ cần thiết. Trong phòng Mẹ tôi đầy đủ như một bệnh viện nhỏ.

Khi vào  Hospice, gia đình phải giữ vai trò quan trọng và hợp tác với các y tá, các chuyên viên của chương  trình. Mỗi tuần có y tá phụ trách đến hai lần, liên lạc với bác sĩ gia đình để theo dõi bịnh tình.

Để tránh sự bất hòa từ quan niệm khác biệt, mỗi người một ý về cách phụng dưỡng mẹ già. Chúng tôi chia mỗi đứa một bổn phận, chị Hai làm leader chuyên phân công ca trực cho các em và cho Mẹ uống thuốc. Chuyên viên Hospice đến tắm một tuần ba lần rất êm ái. Những ngày không có chuyên viên, chúng tôi tự tay lo cho Mẹ. Nhờ nuôi Mẹ trong Viện điều dưỡng, chị em chúng tôi học được nhiều điều hữu ích cho việc chăm sóc Mẹ, từ cách điều chỉnh oxy, sử dụng máy thở suyễn, đến cách thay tã, đưa mẹ đi vệ sinh, cách đỡ Mẹ ngồi lên không làm Mẹ đau…v..v...(Vì người bệnh liệt, thân xác nặng nề).

 Dần dần Mẹ tôi dễ thở hơn, điều hòa được lượng đường trong máu, khiến chúng tôi an tâm hơn. Nếu có gì khẩn cấp chị Hai liên lạc với nhân viên Hospice, họ túc trực sẵn sàng 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, để hỗ trợ bệnh nhân. Như có lần mẹ tôi khó thở vì đường lên cao, đã được y tá phụ trách tới ngay và chỉ cách cho cô em thứ tám thử đường và chích insulin cho mẹ.  Chị thứ sáu khỏe mạnh, phụ trách cho mẹ đi vệ sinh, có hôm ba ngày Mẹ tôi không đi đại tiện, bụng Mẹ trương phình rất khó chịu, chị Hai kêu lên Hospice, liền có nhân viên đến giúp  “giải quyết bầu tâm sự” Mẹ cảm thấy rất dễ chịu, ngày hôm sau  họ order thuốc nhuận trường để chị Sáu làm theo chỉ dẫn. Tôi chuyên chưng yến, nấu cácmón vừa bổ, vừa mát, chế biến cho nhuyễn nhừ, ngon như ở Viện điều dưỡng mà Mẹ thích.

Đồng hồ sinh thái của Mẹ tôi đi sai, ban ngày ngủ mê mệt, ban đêm tỉnh táo, bảo chị Hai đọc kinh chán quay qua kể chuyện, rồi ăn uống, mỗi lần Mẹ ăn phải đút mất cả tiếng đồng hồ, vì nuốt rất chậm. Bốn tiếng phải cho Mẹ thở thuốc suyễn một lần, thay tã liên miên suốt đêm. Mẹ tôi rất hài lòng vì chúng tôi chẳng những không mướn người ngoài, mà tự tay làm, cụ còn khen chị này giỏi hơn chị kia, làm các chị đua nhau chiều chuộng gọi dạ bảo vâng để Mẹ vui lòng. Tuy mệt đừ nhưng chúng tôi luôn trân quý từng khoảnh khắc bên Mẹ.

Ai rằng Công Mẹ như non.

Thật ra công Mẹ lại còn lớn hơn

. . .

Ta đi trọn kiếp con người.

Cũng không đi hết những lời Mẹ ru.

(sưu tầm)
 

 Nhất là nhờ vấn đề tâm linh, có linh mục thiện nguyện của Hospice, mỗi đầu tháng đến sức Dầu Thánh, đọc kinh, cầu nguyện, mang lại niềm an ủi cho gia đình. Trong căn phòng ấm cúng quen thuộc, hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của con cháu, Mẹ tôi đã hồi phục như một phép lạ. Có lẽ vì không muốn thấy các con buồn, mà bản năng sinh tồn mẹ rất can trường, chống chọi lại bệnh hoạn. Chị trước, em sau, chúng tôi đỡ Mẹ đi vòng quanh nhà bằng cây gậy khung. Tuy còn kéo theo bình oxy, nhưng mọi người rất vui mừng vì thấy mẹ bình phục.

Theo tôi  nhận xét, tham gia Hospice  không có nghĩa là bỏ cuộc, là xuôi tay, là giới hạn trong  sáu tháng. Nhưng thực tế như trường hợp Mẹ tôi, dịch vụ này có khi lại giúp người bệnh có thể kéo dài thêm cuộc sống  trong  thoải mái, nhẹ nhàng.

Chúng ta đang bước vào mùa lễ Mother’s Day. Tạ ơn Chúa. Cám ơn nước Mỹ đã có nền y khoa tân tiến nhất thế giới, lại đầy lòng nhân ái dành cho con người. Dù nằm trên giường bệnh, cũng được thoải mái an lành đến ngày cuối của cuộc đời, không phân biệt hoàn cảnh hay sắc tộc. Đã giúp chúng tôi còn Mẹ ở thế gian này, trong ngày lễ truyền thống của người Mỹ, để chúng tôi có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo, và biết ơn đối với Mẹ.

Và biết ơn nước Mỹ.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
16/05/201820:07:24
Khách
Bài viết hay qúa , lời văn gần gũi , mạch lạc dễ hiểu t
14/05/201812:14:45
Khách
Chào Quý Vị
Năm ngoái về Cali chơi tôi vào thăm ông anh họ nằm dưỡng bịnh ở đây.Tôi chỉ thấy sự sạch sẽ ngăn nắp mà đã thấy thích rồi. Nay lại được đọc bài này lại thấy thêm sự chu đáo ,ân cần của các nhân viên phục vụ tại đây.
Sự tận tâm của họ chứng tỏ họ có một tâm hồn cao thượng hiểu người và thương người.Xin cám ơn sự tận tụy của các vị.
Xin chào các vị chúc các vị mọi sự an lạc trong tâm hồn.
13/05/201817:30:07
Khách
Cám ơn Ỉris và Chú Chín Cali đã đọc bài và chia sẻ.
Xin gửi lời Happy Mother's Day đến chị Chín và tất cả mọi độc giả.
13/05/201814:39:11
Khách
Bài hay quá. Tác giả đã viết lên một đề tài rất tế nhị và đã lôi cuốn tôi từ đầu đến cuối chẳng những vì tính chất informative của nó mà còn vì cái giá trị đạo đức, nói lên tình thương của những đúa con hiếu thảo hết lòng chăm sóc cho mẹ già. Sự hư sinh của Cụ tảo tần nuôi đàn con chín đứa được đền ơn báo hiếu. Cầu mong Cụ sống vui và hạnh phúc bên con cháu đoạn cuối của cuộc đời. Cấu xin ơn trên ban cho cụ sức khỏe trong tuổi giá
13/05/201813:08:32
Khách
Bài viết hay quá, tỉ mỉ, chân thành, và đượm đầy tình thương. Cầu chúc bác và toàn gia một mùa lễ Mẹ đầm ấm, vui tươi. Cảm ơn tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến