Hôm nay,  

Sau Ngày 30 Tháng Tư

30/04/201800:00:00(Xem: 11850)
Tác giả: Phước An Thy

Bài số 5375-19-31216-vb2043018

 
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
 

***
 

Từ miền Trung, cha mẹ dắt anh em chúng tôi chạy giặc ra tới đảo Phú Quốc, rồi lại vào Cần Thơ, tạm trú trong một trường tiểu học gần cầu Đầu Sấu. Người tị nạn thấy ấm lòng khi có nhiều đoàn thể của chính phủ đến thăm hỏi, an ủi, cho thức ăn, áo quần, vật dụng, hội Hồng Thập Tự khám bệnh, đoàn Hướng Đạo cắt tóc cho mọi người.

Mấy tuần sau, nghe tin Việt cộng đã “Giải phóng” thành phố tối qua mà không cần đánh nhau gì hết. Mờ sáng, mọi người thấy những hàng quân Bắc Việt đội nón cối, lưng ba lô đầy lá ngụy trang, chân mang dép râu lấm bùn đất, lặng lẽ như những chiếc bóng hành quân trên đường trước trường học. Mọi người bấn loạn, hoảng sợ, nhiều người tị nạn trong trường than thở:

- Đã chạy từ ngoài Trung vô tới đây mà cũng lại gặp Việt cộng.

Một người khác oán trách:

- Tôi chạy trốn từ ngoài Bắc, năm 54 vào tới miền Nam mà cũng không thoát được Cộng sản.

Những ngày tiếp theo, không còn thấy hội đoàn nào đến viếng thăm nữa, không ai còn đồ ăn, chính quyền “Cách mạng” cũng chẳng đếm xỉa gì, dường như họ không thấy hàng trăm người tị nạn trong trường học.

 Lần lượt mọi người tự động bỏ đi, người đi lên Sài Gòn, người về quê, trong trường học rộng mênh mông chỉ còn lại mỗi gia đình chúng tôi. Cả nhà không biết phải làm gì, tiền thì không có và cũng không biết đi đâu vì trước đây nhà gia đình chúng tôi ở trong trại lính. Tối đến gió lồng lộng, cả nhà bụng đói, ôm nhau ngủ trong lớp học hiu quạnh. Chờ thêm mấy ngày nữa mà vẫn không thấy ai đến, gia đình chúng tôi xách các túi áo quần đi bộ ra bến xe, tìm xe xin quá giang về Sài Gòn. Xin rất nhiều xe khách, nhưng không xe nào cho quá giang, cuối cùng có một xe tải chở hàng cho lên ngồi cùng hàng hoá về Sài Gòn.

Đến Sài Gòn, nhưng không biết ở đâu, đi lang thang khắp nơi, cuối cùng gia đình chúng tôi tìm được một căn nhà sát hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất, trong khu gia binh Truyền Tin, của một sĩ quan đã bỏ ra nước ngoài. Đói quá, cha ra sau vườn đào rễ chuối lên nấu cho các con ăn. Ăn rễ chuối mấy ngày thì ăn không nổi nữa, anh em chúng tôi phải đi xin ăn.

Uỷ ban Quân quản Thành phố qua đài phát thanh đưa ra nhiều điều lệnh, thông báo nghe rôm rả, “Nhân dân miền Nam ta anh dũng, nổi dậy, tổng tiến công đánh tan Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, hại dân và đã dành thắng lợi vẻ vang”.  “Để xây dựng trật tự của chánh quyền cách mạng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bà con phải tuân theo các lệnh của Uỷ ban Quân quản Thành phố, của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”. “Thành phố ta được vinh dự mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại, được làm ăn sinh sống tự do, không còn bị kìm kẹp, tàn ác như chế độ Mỹ ngụy”.

Vài ngày sau, trên đường phố thỉnh thoảng có những vụ xử bắn làm gương. Những người bị xử bắn, bị bịt mắt, hai tay trói quặt ra sau, đứng trên một thùng phuy. Bộ đội đọc vội bản án cướp bóc hay phản động, xong dùng súng AK-47 bắn vào nạn nhân. Xác nạn nhân văng xuống đất giãy đành đạch, máu tuôn có vòi, như con thú bị giết dã man trước mắt mọi người, già trẻ lớn bé.

Báo chí trong thành phố đua nhau đăng tin ca ngợi “Sự khoan hồng của Nhà nước và khuyến khích các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hoà mạnh dạn đi học tập, cải tạo mười ngày”. Cha tôi tin vào “Sự khoan hồng của nhà nước” khăn gói đi “Học tập cải tạo” biệt tích.

Bơ vơ giữa Sài Gòn xa lạ, tiền không có, các gốc chuối sau vườn cũng đã đào lên ăn hết, mẹ tôi lo lắng gầy hẳn đi. Tối nào mấy mẹ con chúng tôi cũng ôm nhau khóc sướt mướt.

Sau “Giải phóng”, vì đói nên mọi người đổ ra đường dọ dẫm làm ăn, buôn bán, chợ trời mọc lên khắp nơi. Chợ trời có đủ các thành phần xã hội, người đàng hoàng, người trí thức, kẻ lường gạt, dân ma cô, tất cả mọi người đều ra lăn lộn ở chợ trời kiếm ăn. Nhiều người vì đói quá nên đem đồ đạc trong nhà ra bán, người không có gì bán thì ra mua đi bán lại. Chợ trời bày dọc theo hai bên lề đường, người mua kẻ bán tấp nập, họ bán đủ mọi thứ, áo quần, bàn ghế, nồi niêu, chén bát, không thiếu thứ gì, nhưng được nhiều người tìm mua nhất ở chợ trời là Đạp, Đổng, Đài (xe đạp, đồng hồ, radio), vì bộ đội và nhiều người miền Bắc vào mua.

Đang lúc mua bán, khi có tiếng la lên từ đầu đường, “Công an” thì mọi người náo loạn gom ôm đồ đạc, hàng hoá bỏ chạy, nếu bị bắt thì coi như mất hết. Họ chạy xuống cuối đường, công an và quản lý thị trường đem xe đến hốt cuối đường, thì mọi người lại chạy lên đầu đường. Loa từ xe công an phát ra kêu gọi: “Cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân không được tụ tập mua bán đồ cũ, vì sẽ tạo nên hang ổ cho bọn lưu manh, trộm cướp, bọn đầu cơ, bọn bán hàng giả, hàng ăn cắp của nhà nước. Tiêu thụ hàng ăn cắp là phạm pháp. Bà con nên tránh xa những nơi tụ tập của những kẻ làm ăn bất chính, phá rối trật tự trị an, làm hại đến đời sống của nhân dân lao động”.

Dù đã ra nhiều thông cáo răn đe, dù bắt bớ, tịch thu khá nhiều hàng hoá của người dân Sài Gòn, nhưng người dân vẫn đổ ra đường buôn bán càng đông hơn. Chính quyền không làm sao dẹp nổi chợ trời, nên họ đem xe vòi rồng xịt nước đến đuổi phá chợ trời. Xe vòi rồng đi rồi, thì chợ trời lại nhóm đông như cũ. Chính quyền “cách mạng” bèn hút nước cống hôi thối đến xịt, dân chợ trời đã chuẩn bị trước, liền đưa cờ “Giải phóng”, hình ông Hồ “Vĩ đại kính yêu” lên che đỡ, vừa che vừa la lớn: “Bác cứu con. Bác cứu con”. Công an và quản lý thị trường không ngờ, trở tay không kịp nên xịt bao nhiêu nước cống đen ngòm hôi thối lên cờ “Giải phóng” và cả hình ông Hồ. Cuối cùng vì không dẹp được chợ trời, nên chính quyền đành làm lơ cho mọi người buôn bán kiếm miếng ăn.

Một hôm, có đoàn bộ đội dắt theo hai con chó đến nhà mấy mẹ con đang ở. Thủ trưởng bộ đội nói:

- Nhà này của ngụy quyền bỏ chạy theo chân đế quốc Mỹ, nay nhà nước tịch thu. Mấy mẹ con chị phải dọn ra gấp.

Mẹ tôi chấp tay nói:

- Thưa bộ đội, mẹ con tôi từ ngoài Trung vô, không có nhà nên không biết đi đâu...”.

Gã bộ đội ngắt lời:

- Thì về lại ngoài Trung.

Nước mắt lưng tròng, mẹ tôi nói:

- Dạ, tôi cũng không có nhà ngoài Trung.

Hai con chó chạy tới gần anh em chúng tôi, gầm gừ làm mấy đứa em tôi sợ khóc thét lên. Gã bộ đội gọi hai con chó:

- Thiệu, Kỳ đến đây.

Hai con chó tên Thiệu, Kỳ liền cụp đuôi, chạy tới nằm dưới chân gã. Gã lấy lương khô Trung Quốc cho hai con chó ăn, rồi nhìn mấy mẹ con tôi, gã nói:

- Mẹ con chị đi đâu thì đi tôi không cần biết.

Mẹ tôi năn nỉ:

- Xin bộ đội cho mẹ con tôi ở sau nhà bếp cũng được, tôi không biết phải dắt con đi đâu bây giờ.

Gã bộ đội quát lớn làm mấy con chó láo liên, sợ hãi:

- Không được. Sao chị lì lợm thế.

Quay sang mấy bộ đội trẻ đang đứng trước cửa nhà, gã nói:

- Vào dọn hết đồ đạc của chị ta ra khỏi nhà ngay.

Một số bộ đội vào lấy đồ đạc của mấy mẹ con ném ra đường, một số khác thì dọn đồ của bộ đội vào. Mẹ con bồng bế nhau, xách vác áo quần, nồi nêu đi lang thang trong xóm gia binh, may gặp một nhà nhỏ bỏ hoang, mẹ con vào ở tạm.


Vào một buổi sáng, các loa truyền thanh treo khắp nơi bất ngờ thông báo lệnh đổi tiền, “Để kết thúc đồng tiền Sài Gòn tội lỗi, đồng tiền nhơ nhớp, nhục nhã nay nhà nước ban lệnh đổi tiền. Mỗi hộ gia đình được đổi tối đa một trăm ngàn đồng tiền Sài Gòn. Giá năm trăm đồng tiền miền Nam đổi một đồng tiền giải phóng”.

Mẹ tôi không có tiền để đổi nên có người nhờ đổi giùm, họ cho lại một phần, mấy mẹ con mừng lắm. Sau ngày đổi tiền, nhiều người giàu bị nhà nước đánh lén trở thành nghèo, họ ném tiền không đổi được ra đường. Thấy nhiều tờ giấy bạc bay khắp nơi, các em nhỏ của tôi mừng rỡ lượm về đưa cho mẹ mua gạo. Mẹ phải nói cho các em biết tiền này không còn xài được, như tờ giấy thôi. Các em tôi tiếc rẻ ném tất cả tiền lượm được vào thùng rác.

Sau đổi tiền, cuộc sống của mọi người càng bi thảm hơn, đói rách, còn thêm ghẻ lở. Người thành phố thường gọi là “Ghẻ bộ đội, ghẻ Trường Sơn”, ghẻ từng chòm nổi khắp người, nhất là ở những kẽ ngón tay, ngón chân, và những chỗ kín trong thân thể. Đi đâu cũng thấy mọi người đưa tay gãi sột soạt, họ thường nói đùa, “Tiếng đàn Ta Lư”. Mẹ tôi lo lắng không biết làm cách nào kiếm được miếng ăn cho các con, nhìn các con bụng đói ôm nhau nằm ngủ, ghẻ chốc đầy mình, khiến nước mắt mẹ cứ ứa ra.

Những ngày gần đây, ông tổ trưởng dân phố cùng vài cán bộ, ngày nào cũng tới vận động, cưỡng bức mẹ con chúng tôi đi vùng kinh tế mới. Không thể chống lại lệnh của chính quyền, mẹ tôi đành gạt nước mắt, chấp nhận đi kinh tế mới. Mẹ tôi cùng những người hàng xóm có chung hoàn cảnh trong khu gia binh, chạy qua chạy lại giúp nhau thu dọn đồ đạc đi “Xây dựng vùng kinh tế mới”. Lòng ai cũng rối bời và tuyệt vọng, nhưng cố trấn an nhau, hy vọng tương lai sẽ không bị thiếu ăn, thiếu mặc nơi vùng kinh tế mới.

Lên vùng kinh tế mới được mấy tháng, mẹ con chân yếu tay mềm, không chịu đựng được sự khắc nghiệt của rừng già nên bỏ trốn về miền Trung. Về miền Trung, mấy mẹ con lại bị bắt đi kinh tế mới lần thứ hai vì không có nhà và hộ khẩu.

Lên vùng kinh tế mới ở miền Trung này được một tháng, mẹ tôi bị sốt rét, y tá địa phương không chữa được nên phải đưa lên bệnh viện tỉnh. Ở bệnh viện tỉnh được hai ngày, mẹ tôi qua đời.

Ông ngoại mướn xe lam đưa anh em chúng tôi ra nhà xác của bệnh viện để nhận xác mẹ chúng tôi. Anh em chúng tôi ngồi bao quanh xác mẹ nằm giữa sàn xe, sụt sùi khóc. Ông ngoại chở xác mẹ chúng tôi về nơi ông bà ngoại đang sinh sống sau năm 1975, một vùng quê, để chôn cất.

Ông ngoại làm đơn, ra uỷ ban xã xin phép mai táng, chôn cất mẹ tôi tại nghĩa trang địa phương, nhưng chính quyền địa phương không cho vì mẹ tôi không có hộ khẩu ở đây. Ông ngoại đến nhà ông chủ tịch xã năn nỉ, trình bày lý do vì vùng kinh tế mới chưa có nghĩa trang, cha chúng tôi đang ở tù “cải tạo” và anh em tôi còn quá nhỏ không lo đám tang được, nhưng ông chủ tịch xã nhất định không cho chôn xác mẹ tôi tại đây.

Chờ nhà ông chủ tịch xã ăn cơm tối xong, ông ngoại dắt anh em tôi đeo khăn tang bằng vải mùng trắng ố vàng trên đầu, đi vào nhà ông chủ tịch. Ông ngoại bảo anh em tôi quỳ xuống, chấp tay vái lạy trong khi ông ngoại năn nỉ xin ông chủ tịch ký đơn. Vợ và các con ông chủ tịch từ nhà trong chạy ra, đứng nhìn anh em tôi vừa khóc vừa lạy. Ông chủ tịch xã, miệng ngậm cây tăm xỉa răng, lắc đầu, không chịu ký đơn và xua tay đuổi chúng tôi ra ngoài. Thấy anh em tôi vẫn quỳ, liên tục vái lạy và khóc lóc dữ quá, vợ ông chủ tịch thì thầm vào tai ông ta, khi ấy ông ta mới chịu ký đơn cho chôn cất mẹ tôi tại nghĩa trang ở địa phương đây.

Nhà ông bà ngoại tôi có mười sáu người con ruột, hai người con nuôi, tổng cộng là mười tám người con và chỉ mới có mấy người lập gia đình riêng. Mẹ tôi là con gái đầu và cũng là người con đầu tiên trong nhà qua đời.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà ông bà ngoại tôi cũng như đa số người dân miền Nam đều nghèo khó nên để nuôi nấng chừng ấy người con là điều không phải dễ, nay lại thêm bảy đứa cháu thơ dại tá túc trong nhà nữa. Ông bà ngoại không có tiền, không có gì để lo đám tang cho mẹ tôi, chỉ có khoai sắn luộc lên mời những người đến thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn mẹ tôi. Những người bà con và hàng xóm thấy vậy, nên người cho tiền, người cho gạo, bắp, sắn khoai và một người cho tấm ván ép mỏng để đóng một chiếc hòm yếu ớt cho mẹ tôi.

Ngày đưa xác mẹ ra nghĩa trang, anh em chúng tôi chít khăn tang dài quá mông, đi theo những người khiêng hòm mẹ tôi trên vai. Con đường dẫn ra nghĩa trang, nằm trên một ngọn đồi, gập ghềnh vì rảnh bánh xe bò, quanh co đầy cỏ cây cao ngang gối. Anh em chúng tôi lúc cúc đứa đằng trước, đứa đằng sau, có đứa đi cả dưới quan tài của mẹ.

Sau đám tang mẹ tôi, ông ngoại đưa tôi đi đến từng nhà các ân nhân để hai ông cháu cảm ơn họ. Trên đường về, ông ghé lại một quán phở ở chợ làng. Ông gọi hai tô phở cho hai ông cháu, đây là tô phở ngon nhất mà trước đó, kể cả sau này tôi được ăn vì đã lâu tôi không được ăn phở và vì đây là lần đầu tiên ông nói chuyện với tôi như một người đã trưởng thành.

Hai ông cháu không giữ một chút sĩ diện gì, ăn cạn sạch tô, không chừa sót một chút nước phở nào. Sau này mỗi lần ăn phở, tôi lại nhớ đến tô phở mà ông ngoại đã cho tôi ăn.

Ăn xong, như hai người bạn, một già một trẻ, ông nói chuyện, tâm tình và động viên tôi. Chỉ bằng những lời của ông, đã làm vơi bớt sự đau buồn của một đứa trẻ vừa mất mẹ và sự sợ hãi khi sắp phải về sống ở vùng rừng núi hoang vu. Ông đưa cho tôi một cuốn sổ nhỏ ghi nhiều tên họ của các ân nhân, nơi ở và chi tiết những thứ họ đã giúp trong đám tang mẹ tôi, như ai cho bao nhiêu tiền, ai cho ván, rổ khoai, ký sắn, mấy lon gạo... Ông nói: “Con cất giữ cuốn sổ này, để biết mà báo ơn người ta”.

Lo cho người chết xong, nội ngoại hai bên họp lại, bàn lo cho người sống là anh em tôi. Vào thời điểm lúc ấy, cả ông bà ngoại, ông bà nội đều khó khăn, không thể nuôi cả bảy anh em chúng tôi nên anh em chúng tôi phải tạm lìa xa nhau, tôi lớn nhất mười sáu tuổi lên sống ở vùng kinh tế mới với ba em kế, ba đứa nhỏ hơn, hai về ở với ông bà ngoại và một ở với ông bà nội.

Khi lên vùng kinh tế mới này, mẹ tôi chưa kịp cất cho chúng tôi một nơi để trú thân, nên ông nội, ông ngoại và một người cậu đã đến giúp dựng nhà cho chúng tôi ở nơi mảnh đất mà mẹ tôi vừa phát hoang trước khi qua đời. Tôi mong công việc dựng nhà, thực ra chỉ là túp lều tranh rộng có mấy mét vuông, kéo dài càng lâu càng tốt vì không muốn các ông và cậu ra về, nhưng tới chiều thì túp lều đã hoàn tất.

Tôi ước gì ông ngoại ở lại với anh em tôi, nhưng điều đó là không thể vì ông ngoại còn có nhiều cậu dì tuổi còn nhỏ hơn cả tôi. Khi chia tay, tôi thấy mắt ông ngoại rất buồn nên tôi nói với ông là tôi không sợ gì cả, nhưng khi chỉ còn lại bốn anh em chơ vơ, tôi đã sợ hãi.

Đêm đầu tiên trong căn chòi tranh, tôi không ngủ được. Bên ngoài trời tối đen, mưa rừng ầm ầm, nước ào ào đổ xuống trĩu nặng như muốn đè bẹp mái tranh. Gần nửa đêm, mưa tạnh, tiếng côn trùng râm ran chui ra từ những ụ đất sũng nước. Xa xa, nơi ngọn núi sau nhà, ẩn hiện những cặp mắt lúc xanh biếc, lúc rực đỏ của thú rừng đi ăn đêm. Tôi cảm thấy bất an, lòng lo lắng vì từ nay tôi phải tự quyết định mọi việc cho cuộc sống của tôi và các em ở nơi vùng đất hoang dã này.

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
04/05/201821:06:23
Khách
Đọc bài viết này tôi không cầm được nước mắt. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ một vài viết về gia đình ông sau ngày đổi đời, vô cùng cảm động bi thương thống thiết!
04/05/201800:05:22
Khách
Phước An Thy : Tôi chân thành cảm ơn quý độc giả đã đọc và đã góp ý, phê bình cũng như chia sẻ những cảm xúc của mình về bài viết của tôi. Thưa độc giả Tam Nguyễn, cảm ơn Tam Nguyễn đã khích lệ tôi tiếp tục viết thêm về câu chuyện này, nhưng tôi e là bài viết sẽ không đúng với mục tiêu, đề tài của VVNM.
??????

***Viết Về Nước Mỹ Năm Thứ XIX Thêm Giải Đặc Biệt “Hồi Ức Mậu Thân”
22/03/2018
....Riêng trong năm 2018, nhân dịp năm mươi năm tưởng nhớ trận chiến tang thương Tết Mậu Thân 1968, xin mời quí vị đóng góp thêm bài viết về “Hồi ức Mậu Thân”. Với sự hợp sức của Lê Quý Đôn Foundation, Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm một giải thưởng loạt bài đặc biệt này, trị giá 1000 mỹ kim.
Hạn chót gửi bài là 30 Tháng Sáu 2018.
03/05/201814:58:53
Khách
Thân chào quý độc giả Việt Báo,

Tôi chân thành cảm ơn quý độc giả đã đọc và đã góp ý, phê bình cũng như chia sẻ những cảm xúc của mình về bài viết của tôi. Thưa độc giả Tam Nguyễn, cảm ơn Tam Nguyễn đã khích lệ tôi tiếp tục viết thêm về câu chuyện này, nhưng tôi e là bài viết sẽ không đúng với mục tiêu, đề tài của VVNM.
Kính chúc quý vị nhiều sức khoẻ và luôn được hạnh phúc.

Phước An Thy
01/05/201820:05:54
Khách
Mong tác giả tiếp tục viết thêm về câu chuyện này.
Những ngày sống ở kinh tế mới? Số phận của những người em?
Ông ngoại?.......
01/05/201813:23:45
Khách
>- Đã chạy từ ngoài Trung vô tới đây mà cũng lại gặp Việt cộng

My uncle did the same but he was a major in commando unit (bie^.t ki'ch), before 30 tháng Tư
he and I (pretty young) went to the naval base in Sai Gon, but he decided to stay (I did not know for what,
anyway the human brain is incredible, childish behavior), he spent 10+ in jail in north Viet Nam
Later on, he went to to USA (H.O) and he saw me an engineer, vegan, and practice meditation. He did
the same for the same reason (become a free soul, liberation, of of 3 realms, achieve Buddhahood/Christhood, ...)
but the funny way (chanting and breathing meditation). I told him if he wanted to get some wisdom,
please do it the right way. Kingdom of God/Buddha Land is formless, and 3 realms are form, keep doing the wrong thing all his life is funny but suffer a lot in the hand of Great Maya, keep doing the stupid things for a long time, life after life, suffer after suffer, war after war, ...)

He was the medicine student (dropout), he went to America for training but forgot to read the Holy Bible
(just in case, he refused to read Buddist sutras. All good religion doctrine always said the same thing
but different word, such as Seek your fist the Kingdom of God then everything will be added to
Lord andy, or when you prayed to Me (Almighty God) privately, please go to your closet (for meditation) and do it, ...
01/05/201802:46:55
Khách
Bài này có đoạn Tác Giả kể lại sau đổi tiền, cuộc sống của người dân càng thê thảm càng đói rách hơn nữa, còn thêm bệnh ghẻ lở lan tràn khắp nơi là do bộ đội chúng đem bệnh dịch ngứa vào làm lây lan cho rất nhiều người trong thành phố, càng gãi càng ngứa lở lan, bây giờ nhắc lại còn thấy khiếp sợ cái thời gian ghẻ lở đó cũng khá lâu.

Một bài viết nhiều chi tiết sống động thương tâm, làm người đọc bùi ngùi nhớ lại thời sau 1975 bị sống dưới chế độ độc tài dã man kinh hoàng ấy.
01/05/201801:15:00
Khách
BÀi này còn đoạn sau,đám trẻ vô rừng hái rau dại ăn bệnh, thê thảm hơn nữa, nhưng lại nhừ vậy, găp may mắn đi vuợt biên lọt.
01/05/201800:39:15
Khách
Nước mất (thì) nhà tan. Một bài viết hay nhân dịp tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư Đen. Gia đình tác giả - điển hình cho bao nhiêu những gia đình khác ở miền Nam- bỗng chốc rơi vào thảm nạn sau khi đất nước bị lọt vào tay quân Cộng sản xâm lược : Cha bị Cộng sản bắt cầm tù, mất nhà cửa, mẹ sớm qua đời sau đó vì nhuốm bệnh sốt rét nơi vùng " kinh tế mới", để lại đàn con nhỏ phải phân tán nhau mỗi người mỗi nơi.

"Những người bị xử bắn, bị bịt mắt, hai tay trói quặt ra sau, đứng trên một thùng phuy. Bộ đội đọc vội bản án...phản động, xong dùng súng AK-47 bắn vào nạn nhân. Xác nạn nhân văng xuống "- Trích.

Xin được tưởng niệm những anh hùng đã ngã gục trước họng súng cúa đám lính tay sai cho bọn đế quốc Trung- Xô.

Một bài viết gây nhiều cảm xúc nơi người đọc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả từng nhận các giải bán kết từ năm đầu tiên 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một hạm trưởng hải quân VNCH,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu là Fathers Day 2017. Mời đọc bài viết cho ngày này của Đoàn Thị. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Chủ nhật 18 tháng 6 là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Năng Khiếu: đứa con được sinh ra tại khu kinh tế mới Sông Ray, tỉnh Long Khánh, trở thành một nữ dược sĩ tại Mỹ kể về người cha H.O.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu sẽ là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Trương Ngọc Bảo Xuân. Tác giả hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC)
Tác giả đa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù
Chủ Nhật 18-6 tới đây là Fathers Day 2017. Xin mời đọc bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Cũng “Ngày Lễ Cha” hai năm trước đây, tác giả đã có bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên kể về Ba.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Nhạc sĩ Cung Tiến