Hôm nay,  

Tết Mậu Thân Chẳng Thể Quên

29/04/201800:00:00(Xem: 11728)
Tác giả: Nguyễn Viết Tân

Bài số 5374-19-31215-vb8042918

 
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.  Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.

 
 ***
 

Tết Mậu Thân tôi đang học lớp Đệ Tam tại một trường Trung Học ở tỉnh lẻ. Đó là tỉnh Kiên Giang.

Tuổi thiếu niên chưa biết lo lắng gì, vẫn còn vui với ruộng đồng, lâu lâu mượn được cuốn tiểu thuyết hay mua được tờ nguyệt san Tuổi Hoa là đã lấy làm sung sướng, đâu biết những trận chiến khốc liệt đang chờ đón chúng tôi bước vào.

Người ta thường nói đến trận Tổng Tấn Công của VC ở Sài Gòn và nhất là ở Huế, chứ ở các tỉnh khác thì tuy có súng nổ đạn rơi nhưng không thể so sánh với chiến trận ở Huế và Sài Gòn được.

Gia đình tôi làm ruộng cách xa đường liên tỉnh chừng 2 km, cuộc sống tương đối êm đềm ngoại trừ đôi khi có tiếng súng cắc cù trong đêm và những đoàn người bận quần áo đen, vác AK và B40 âm thầm chuyển quân đi trên bờ kinh trước cửa nhà. Những tiếng súng lẻ loi đó như báo hiệu một cuộc ám sát hay bắn sẻ, có tác động đến tinh thần dân chúng lớn hơn từng tràng đạn rất nhiều.

Sáng mùng một Tết, hai chiếc trực thăng cá nhái bay dọc theo quốc lộ. Đây là loại máy bay lần đầu tiên thấy xuất hiện ở vùng này, người nó dẹp lép, mà sau này đi lính tôi mới biết đó là trực thăng võ trang Cobra. Khi nó bay ngang chợ đầu kinh thì có hoả lực bắn lên. Thế là trực thăng vòng lại khai hoả.

Tiếng nổ của những tràng đạn, của trái nổ và hoả tiễn thật khủng khiếp. Khu chợ đầu kinh bốc cháy, mà trong khu đó có nhà của cha đỡ đầu của tôi.

Đường xe bị chặn lại bởi những mô, là mấy cục đất ruộng, những cành cây hoặc ngọn tre. Xe cộ không dám băng ngang, phải đợi đoàn xe quân đội mở đường vì trong mô có mìn hoặc lựu đạn.

Tỉnh Kiên Giang không có bản doanh của Sư đoàn bộ binh VNCH nào, căn cứ lớn cũng không, chỉ có những đơn vị cấp Đại đội của Điạ Phương Quân, và những đồn bốt nhỏ của Nghĩa Quân đóng ở gần cầu hoặc những ngã tư sông rạch.

Những đơn vị lớn của VC cũng chỉ chuyển quân từ Cam Bốt qua vùng U Minh chứ cũng không chiếm cứ vùng nào ở đây. Tuy nhiên an ninh diện địa chỉ dọc theo quốc lộ còn hầu hết thuộc vùng xôi đậu, nghĩa là ban ngày thì Quốc Gia, ban đêm là VC.

Từ sau Tết đến Tổng Tấn công đợt 2 thì cứ ban ngày lính Quốc gia hành quân và bắt lớp tuổi thanh thiếu niên như chúng tôi ra phá mô, phát quang cây dọc theo đường; ban đêm thì VC bắt ra đắp mô, y như bữa trước.

Có lần đoàn xe mở đường gồm 1 xe Com măng đô ca bọc thép với xe Jeep trí súng đại liên và súng cối ngừng ngay đầu kinh. Lúc có tiếng súng cắc cù từ nhà ông Ba Vó bắn ra, lính thấy thấp thoáng có bóng người quần áo đen lấp ló trong hàng cây thì từng tràng đại liên bắn rát trên đường và cây cối, sau đó họ thụt mấy quả súng cối trúng căn nhà ông Ba Vó. Nhà này cách đầu kinh chừng hơn 100 thước.

Khi đó dân chúng đã tản cư vào tuốt trong khu vực nhà tôi nên không có ai bị gì, nhưng bên VC thì có người chết, trước khi rút lui họ chôn tạm mấy xác gần bờ sông, sau mấy ngày bốc lên mùi thúi hoắc.

Mãi sau mày họ mới cải táng đưa chôn đâu không biết, nhưng mỗi khi chúng tôi đi ngang vẫn cảm thấy rờn rợn.

Nhà tôi có nuôi 1 con chó trắng cao lớn, tiếng sủa ồm ồm vang vọng dưới mái nhà tôn. Bên kia ra lệnh phải giết hết chó để khi họ chuyển quân chó không sủa làm lộ con đường họ đi. Con chó này nuôi đã được năm sáu năm, thân thiết với anh em tôi lắm, giết nó sao đành.

Nhớ mấy năm trước, anh Toàn học lớp Đệ Tứ, còn tôi Đệ Lục, mỗi ngày học 1 buổi, khi tan học vừa chạy xe đạp ngang đầu kinh Rọc Bờ Ke thì thấy 1 toán lính lấm lem đang băng ruộng mà ra đường lộ, nhìn họ chúng tôi biết đây là ĐĐ 332 có anh rể tôi.

Quả nhiên một lát sau thấy anh Mai vai đeo súng tay ôm một con chó nhỏ màu trắng ra tới. Anh hỏi:

-Hai đứa muốn nuôi chó không? Nhà kia có bầy chó con đẹp lắm, anh xin mà họ chỉ cho con chó trắng này, vì họ cho rằng chó trắng là chó ma, không ai muốn nuôi.

Chúng tôi thấy con chó mũm mĩm như cục bông gòn nên ôm lấy nó rồi lên xe chạy về liền, sợ anh đổi ý.

Hồi đó chúng tôi học Anh Văn từ cuốn Let's Learn English, có mục Tom's Impression, mà thầy giáo lại dạy đọc là Tôm chứ không phải "Thom" nên tôi đặt tên cho con chó là thằng Tôm luôn.

Nhà quê thì thường gọi chó theo màu như Mực, Đốm, Phèn, hay con chó Tô, Quít... riêng con Tôm thì chưa có ai đặt nên tên nó thành đặc biệt.

Con Tôm lớn nhanh như thổi, nên mới hơn một tuổi mà chú em Chung Mốc có thể cưỡi nó như cưỡi ngựa.

Nó không có vẻ lai bẹc-giê nhưng cao lớn và oai vệ, tiếng sủa vang vọng và chó chung quanh khu đó sợ nó một phép.

Có lần thằng Chung tập võ với bạn, thấy chủ bị đòn chân kẹp cổ, nó phóng tới cạp ngang cần cổ đối thủ nhưng khi chủ quát lên: "Tôm, bạn mà" thì nó nhả ra, ung dung ngồi nhìn như một khán giả.

Tiếng súng hàng đêm nổ liên tục, tôi bị kẹp giữa hai gọng kềm nên vọt lên Sài Gòn, để lại sau lưng ruộng vườn, mẹ và các em cùng con Tôm yêu qúi.

Lên tới gần Bến Lức- Long An thì xe đậu lại dài hàng mấy cây số, hỏi thăm thì người ta nói cầu Bến Lức đã bị mìn đổ xập xuống sông.

Trên ruộng ven Quốc lộ 4 thỉnh thoảng có từng nhóm ba bốn chiếc Thiết vận xa M113 của Mỹ đậu quây thành vòng tròn. Ngồi trên nóc là những người lính Mỹ mặc áo giáp da thịt phơi nắng đỏ như con gà chọi.

Hành khách ngủ gà ngủ gật trên xe trong khi hoả châu soi sáng suốt đêm. Đến sáng chúng tôi theo đoàn người lũ lượt đi vào con đường đất phía tay phải để qua đò rồi đón xe nhỏ mà lên Sài Gòn.

Sau tháng 6 năm 1968 khi cuộc Công Kích Đợt 2 chấm dứt, tôi đi thăm người quen ở trại Nam Hải bên kia bến Phạm Thế Hiển.

Trại này là trại Tị Nạn Cộng Sản mới xây dựng được mấy năm để đón đồng bào từ những tỉnh Bình Dương chạy về lánh nạn, thế mà bây giờ tan hoang. Trên bức tường mà một chiến xa đục thủng như hình cái cổng chào, có hàng chữ sơn đỏ mà người lính Mỹ nào đó xịt lên như hình vòng cung: "Welcome to the Hell".

Cả năm sau, khi được tin an ninh tạm vãn hồi tôi mới về thăm lại nhà ở dưới quê.

Cũng căn nhà xưa cũ, mẹ và em ra đón nhưng tôi như thấy thiếu cái gì. Thằng Chung hỏi:

-Anh kiếm con Tôm phải không? Nó chết rồi.

Tôi bàng hoàng:

-Vì sao nó chết?

-Họ ra lệnh giết hết chó, nên em làm một cái rọ để đến tối thì tròng vào mõm nó cho khỏi sủa, nhưng nó khôn quá, cứ gỡ ra hoài. Họ bèn dùng củ khoai ủ nóng quăng cho những con chó còn sủa khi họ đi qua. Củ khoai bị hàm răng táp ngậm và dính chặt ở đó, nên khi chó gỡ ra được thì đã bị phỏng nặng, sau đó thịt hàm răng cứ thối đi mà chết. Em chôn nó ở dưới gốc cây mận kià.

Thằng nhỏ vừa nói vừa ứa nước mắt.

Đêm đó dưới căn nhà xưa, tôi thao thức không ngủ được, nhìn qua song cửa ánh trăng loang loáng trên tàu dừa, trên lá chuối.

Miền đồng quê có vẻ an bình sao im lìm quá, không có tiếng người lớn, con nít lao xao trên đường làng, không có gà gáy chó sủa, bỗng nghe có tiếng rít vui mừng như tiếng con Tôm mỗi khi chúng tôi trở về nhà.

Tôi bò rột dậy nhìn ra gốc cây mận: Hay là con Tôm nó biết tôi về mà chào đón?

Có gì đâu. Đêm vẫn yên tĩnh.

Từ xa có tiếng chim cú rúc lên vài tiếng rời rạc và hoả châu vẫn thỉnh thoảng treo trên bầu trời.

*

Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tôi vào lính và phiêu dạt ra tận miền Trung.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Huế từ trên cao, sau 2 năm rồi mà sự tàn phá của trận chiến Mậu Thân cũng chưa hề phai lạt. Tôi ngồi trên trực thăng bay nửa vòng trên Thành Nội rồi đáp xuống sân Tây Lộc.

Những đền đài đổ nát, lầu các lở lói vẫn còn y nguyên.

Lúc chúng tôi đi ăn cơm trưa ở gần Đập Đá mới nhìn thấy rõ nét chịu đựng, sự khắc khổ vẫn còn hằn sâu trên gương mặt người dân xứ Huế.

Thế rồi tôi gắn bó với mảnh đất đó đến 5 năm, suốt từ trận Hạ Lào- Lam Sơn 719 cho đến trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Còn sống cũng là số trời.

Những đồng đội trong những năm đó nay ai còn ai mất?

Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
29/04/201815:25:35
Khách
Bài anh viết làm tôi nhớ quê tôi cũng nằm trong vùng xôi đậu thời chinh chiến, y hệt như quê anh, cũng cảnh VC về quấy nhiều ban đêm, đánh đồn bắn sẻ, nhất là lịnh giết chó mà tôi cũng có viết thành câu chuyện “Ai nỡ giết Mi Nô”. Đồng cảnh, đồng thuyền, Cám ơn anh cho tôi được đọc một bài vô cùng thích thú.
29/04/201811:40:00
Khách
Cảm ơn bác Tân về bài viết mới này. Sáng sớm Chủ nhật ngồi đọc bài viết như giở lại từng lớp thời gian đã bụi mờ... lòng bỗng rưng rưng nhớ từng sáng sớm tới chiều hôm ở vùng quê trong không khí Mậu thân đúng là làm sao quên được ánh hoả châu: đẹp, buồn, và một nỗi lo lắng về chiến tranh, ngày mai mịt mờ thời ấy...
Chúc bác sức khoẻ, an vui, và mong sớm gặp lại bác cùng các anh chị ở quận Cam.
Phan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả là một nhà báo Việt ngữ tại Atlanta. Ông viết tin, bình luận… với bút danh Phương Điền Nguyên. Một trong những mục ông phụ trách là “Thư Atlanta về Sài Gòn” với bút hiệu Bình Thiên.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến:
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả đã có sách anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến