Hôm nay,  

Thương Huế Ngậm Ngùi

16/04/201800:00:00(Xem: 17459)
Tác giả: Phạm Hoàng Chương

Bài số 5362-19-31203-vb2041618

 
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Bài viết  mới của ông là những hồi ức về Huế.
 

***
 

Tuy không phải dân Huế, rời Huế từ 1966 chuyển vào Sài Gòn học rồi ra trường đi dạy ở lục tỉnh, không tận mắt chứng kiến cảnh Huế bị tàn sát, tàn sát nhưng mỗi lần nghĩ đến Huế êm đềm thơ mộng, tôi lại chạnh lòng nhớ tới Tết Mậu Thân.

Huế với tôi giống như một quê hương thứ hai, quê hương của tuổi mới lớn.

Hè 1963, mười chín tuổi, đỗ tú tài 2 ban C xong, tôi theo Ba lên Đà Lạt, tới phi trường Liên Khương ra Huế thi Đại học sư phạm ban Pháp văn khóa 4 năm. Lần đầu ra Huế, cách Phan Rang hơn 600 cây số, chẳng quen biết ai ngoài  lá thư giới thiệu cầm tay xin tạm trú nhà một gia đình Huế ở cầu Nam giao do bạn Huế đồng nghiệp Ba viết, tôi bồn chồn lo lắng. Ba cứ bảo,”đường đi ở miệng, trước lạ sau quen” mà tôi nhớ mãi sau này. Xe đưa từ phi trường về office hãng máy bay ở đuờng Trần hưng Đạo, gọi xích lô đưa về nhà trọ, nghe tiếng dân địa phương chỉ đường nằng nặng lạ tai, có những tiếng không hiểu, như  “đường kiệt”(ngỏ hẽm), “bên tê tề” (bên kia kìa), đi “một chắc” (một mình)…

Thi xong, về lại Phan Rang, hai tuần sau nhận đuợc giấy báo đậu thứ 20 trên 24, học bổng một nghìn một tháng. Tháng 9 bay ra nhập học, lại ở trọ nhà bác Tu ở cầu Nam giao, đạp xe đạp mỗi ngày tới trường ở khách sạn Moran (Đại Học Sư Phạm mới còn đang xây, chưa xong). Đạp suốt con đường Lê Lợi phủ bóng cây xanh chạy dọc sông Hương, đạp ngang qua Câu lạc bộ thể thao, Quốc Học và Đồng khánh, ngắm  thân các cây đen nổi bật lên nền nứớc xanh êm đềm. Hai bác nhà nghèo đông con, căn nhà thụt vào phía sau một nhà khác ven đường Phan châu Trinh, nhưng rất tử tế và quí học trò ở trong Nam ra, lo cơm nước tươm tất cho tôi và một sinh viên khác ở trọ. Lễ Quốc Khánh 26 tháng 10, ba đi xe đò ra thăm chỗ tôi trọ học, ở mấy ngày, đưa tôi vô chợ Đông Ba ăn bánh khoái, lên đò qua sông Hương, nghe cô lái đò hát chi mà ảo não nát cả gan ruột. Ba hỏi han việc học, kể chuyện gia đình, những kỉ niệm trước đây Ba ra Huế chấm thi, rồi từ giã về lại Phan Rang. Ba về rồi thì ngày 1/11 xảy ra vụ lật đổ Ngô đình Diệm trong Nam. Tôi tò mò đi theo con chủ nhà coi khu nhà tù Chín Hầm, nơi giam giữ đám nguời tranh đấu chống chế độ. Mới lên đại học, chân ướt chân ráo, tôi không có ý thức gì về chính trị, cũng không tham gia, chỉ biết lo học.

Tôi học trường Việt từ nhỏ tới lớn, mà thày cô thì ông tây bà đầm nói tiếng Pháp như gió, nghe ghi chép không kịp, lại phải cạnh tranh với đám học sinh trường Tây nên cặm cụi học ngày học đêm, học nhà, học thư viện, sợ rớt thì bị lôi vào Thủ đức đi lính. Kết quả bù lại công chăm học, qua hè 64, thi lên lớp, bạn học rớt như sung rụng, tôi đậu hạng nhì trên 6, trường phải vớt thêm 4 người có Dự bị Văn Khoa cho chẵn 10 người. Ba vui mừng hãnh diện về đứa con đầu, tươi cười sung sướng suốt mấy tháng trời. Tháng 9, ông lấy vespa chở tôi ra Nha Trang bay ra Huế học năm thứ hai.

Trường Sư phạm mới xây xong, trắng toát, làm lễ khánh thành, sinh viên chúng tôi dọn qua học, hãnh diện có ngôi trường sang trọng nhất trong các khoa. Tôi theo bạn rủ, đổi nhà trọ khác ở đường Nguyễn công Trứ cạnh Đập Đá cho gần, chủ nhà là bác Hoanh có vườn rộng mênh mông chạy xuống bờ sông Hương, có ngôi nhà thờ công chúa con vua Minh Mạng ở sân trước. Chồng làm việc ở Đà nẵng, các con đông, bác ở nhà nội trợ, nấu cơm tháng cho sinh viên ở xa tới Huế học. Học được một tháng thì điện tín nhà đánh ra báo tin Ba bị tai nạn xe ở Phan Rang, hôn mê bất tỉnh, xác chở ra bệnh viện Nha Trang. Tôi xin nghỉ học 10 hôm, bay về chịu tang. Tháng sau, tới lượt bà ngoại chết, rồi cả miền Trung từ Huế vào Phan Thiết mưa bão ngập lụt tơi bời. Phan Rang bị vỡ đập Đa nhim, nước tràn xuống thành phố. Nhà cửa, tiệm buôn, đường xá bị nước ngập tới 4 thước, lũ cuốn trôi nhà cửa xe cộ, trâu bò…ra biển. Tôi như ngồi trên lửa những ngày dài tang tóc đó, chỉ biết ra bờ sông Hương sau nhà lặng lẽ khóc.

Ba và bà chết năm tôi mới tròn 20 tuổi. Suốt một năm, tôi lao đao tinh thần xuống dốc, lo cho má gầy yếu với bầy em nhỏ 8 đứa mồ côi cha ở quê nhà, buồn thấy gia đình mình quá bất hạnh. Thi lên lớp, tôi đậu gần chót. Từ từ với thời gian, tôi gượng lại, cùng bạn đạp xe đi các vùng quê chơi khuây khỏa, Thuận An, Vỹ dạ, Thành nội, Chùa Thiên Mụ, tiếp xúc với người dân Huế thường hơn.

Mùa hè ở Huế nóng như lửa, phải xuống biển Thuận An tắm, hay lội sông Hương. Mùa mưa ướt át dầm dề kéo dài hai ba tuần không dứt, trong nhà vách tường bám đầy nước ẩm thấp. Có lần thấy mấy bà già nghèo khổ gầy đét trồng môn xuống đất bùn ở ven sông, khi môn lớn, hái cuống lá cắt nhỏ ra ngâm muối làm thức ăn hàng ngày, thấy thật tội.  Ngoài phố chợ, nhìn xuông sông, thấy những gia đình con cái nheo nhóc chen chúc trên đám ghe lềnh bềnh ở bến Đông Ba, Bến Ngự. Mùa Đông ở Huế rất cay nghiệt, thịt cá đắt, rau cỏ hiếm, bác Hoanh phải ra sau vườn tìm cắt bụt măng ở bụi tre, hay  đào khoai, ngắt lá dền lên nấu canh. Sáng sớm, bác dậy nấu cơm đổ trứng hấp cho sinh viên trọ ăn no bụng đi học.  Gia đình bác các con ăn kham khổ qua loa dưới nhà, nhưng luôn để ý bưng lên tiếp tế thức ăn đầy đủ cho sinh viên ngồi ở nhà trên, nhiều lúc sau này nhớ lại mà cảm động. Hai bác đã khuất từ lâu, nhưng vẫn sống mãi trong tâm hồn đám sinh viên ở trọ thời đó. Người Huế nói chung bản chất hiền lành, phúc hậu, nhân đức, đa số là Phật tử nên những ngày rằm, ngày vía, chùa chiền các nơi đông đúc, ấm cúng khói hương nghi ngút.

Qua đầu năm thứ ba, niên khóa 65-66, tôi bắt đầu ghi tên học võ Karate (Không thủ đạo) mới đầu với ông thày Nhật Suzuki ở tư gia. Rồi anh Ngô Đồng và anh Nhuận, phụ tá giáo sư đại học, đại đệ tử của thày, đứng ra trực tiếp dạy cho sinh viên chúng tôi ở giảng đường khoa học. Sinh viên theo học có tới năm sáu chục người. Anh Đồng không theo lối thuần Cương sát phạt mạnh bạo của ông thày, mà phối hợp cả Cương lẫn Nhu thích hợp với thân thể mảnh khảnh của người mình, nên chúng tôi ra đòn mềm mại nhẹ nhàng, chủ yếu tránh né và dùng Nhu thắng Cương.

Niên khoá 65-66 của tôi ở Huế là một năm nhiều kỉ niệm đẹp nhất của thời thanh niên. Tôi có nhiều bạn võ, ngoài bạn học sư phạm, văn khoa. Tôi chơi thân với Sào, Diệu, Trung, Suyền, Lộc…. Sào chững chạc, Trung láu táu, Diệu lầm lỳ, Suyền hay tiếu lâm, các tay võ nghệ lanh lẹ vui tính. Tôi được lên đai xanh, dần dần nổi tiếng là một trong mấy tay võ giỏi nhất lò anh Đồng. Có lần, một lò võ Karate của người Mỹ ở đâu có năm sáu đệ tử tới thăm, anh Đồng gọi tôi ra đấu với một tên Mỹ học trò giỏi của lò này. Cậu này mới 18 tuổi, cao lớn, ra đòn mạnh bạo hơn lối “đụng rồi rút đòn ngay” anh Đồng dạy xưa nay, nên tôi không quen, bị đánh trúng tay liểng xiểng, cậu  lịch sự xoa chỗ tay tôi bị đau, xin lỗi rối rít…

Tôi chơi thân nhất với Sào, vô địch chuyên đá giò lái bất ngờ. Sào biết tôi dân Phan Rang, sửng sốt kể 8 năm trước cũng đã từng theo anh cả vào Phan Rang ở học 2 năm. Sào kể chuyện cũ, nhắc Khôi và Khai, làm tôi ngạc nhiên, vì Khôi, Khai chính là bạn cùng lớp với tôi thời đệ nhất cấp. Lần lần, tôi nhớ lại hình ảnh cậu bé Huế lầm lì ít nói mấy lần theo Khôi và Khai đạp xe lên Tháp chàm với tôi mà lúc đó hai đứa lại không làm quen nhau. Thì ra cậu bé đó là Sào bây giờ, bạn văn khoa, võ nghệ ở đại học. Thật là kỳ lạ. Thì ra nhân duyên phải chờ đúng khắc, đúng thời điểm mới gặp. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Sào còn giỏi về âm nhạc, đánh đàn, hát hay. Nhà trong thành Nội, cuối tuần Sào đưa tôi tới thăm các lò võ ta, võ Tàu  thảo luận, trao đổi kinh nghiệm. Hai đứa đạp xe thăm các  danh lam thắng cảnh,  lăng Tự Đức, Thiệu Trị, đồi Vọng Cảnh, biển Thuận An, Kim Long, ...

Thời kỳ đó, một số sinh viên Huế tổ chức biểu tình chống Thiệu Kỳ,  áp lực sinh viên tất cả các khoa bãi khóa. Tôi thấy Nguyễn đắc Xuân ở thư viện hai lần do bạn bè chỉ. Có lần nhìn thấy một đám sinh viên ở Đàn Nam giao, Sào chỉ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nổi tiếng là một trong mấy thủ lãnh phong trào sinh viên đấu tranh.

Trường Sư phạm tôi, như các phân khoa khác, cũng bị áp lực phải bãi khóa, gián đoạn học hành hai lần, mỗi lần vài tuần tới một tháng, nên tôi dồn sức cho việc luyện võ theo phái Karate cương nhu của anh Đồng chế ra, lấy đai nâu, học thêm Aikido và Judo ngoài những thế đấm đá chém chặt ác liệt của không thủ đạo, theo bạn võ rủ rê thi đấu ở nhiều sân tư gia với các cao thủ khác. Ở sau vườn nhà mát mẻ, tôi kê bàn ghế, rảnh rang mở một lớp dạy kèm Pháp văn buổi chiều cho năm sáu cô nữ sinh đệ nhị Đồng Khánh xinh xắn dễ thương kiếm khá bộn tiền. Cuộc vui không kéo dài lâu:  hè 1966, thấy tình hình ở Huế lộn xộn, mẹ tôi xin bác tôi là thứ trưởng bộ Giáo dục bấy giờ, vận động  chuyển tôi vào Sư phạm Sài Gòn học năm cuối cho an toàn...

Nhân duyên đưa đẩy không hiểu sao mà lúc đó, Sào may mắn cũng đậu vào Quốc gia hành chánh, cũng vào Sài Gòn học. Huế lúc đó biểu tình tranh đấu lộn xộn nên ông anh họ Sào, một đông y sĩ khá giả ở Đông Ba, vào Sài Gòn mua ngôi nhà 4 tầng ở đường Trần quí Cáp cho 3 đứa con trai tuổi “teens” vào học, cho Sào vào ở để coi ngó 3 cháu. Sào xin phép ông cho tôi tới ở chung cho vui, hai đứa tâm đầu ý hợp, thường xuyên kéo nhau đi du ngoạn Sài Gòn, ở nhà lâu lâu đấu võ giao hữu, khảy đàn, ca hát, bàn luận văn chương. Anh Đồng có lần từ Huế vào công tác, ghé nhà thăm, tổ chức cho hai đứa thi lên đai đen. Cả hai đấu với nhau một trận sống mái, anh vỗ tay khen, cấp cho huyền đai. Mùa hè 67, tôi tốt nghiệp ra giáo sư, giã từ Sào, xuống Sóc Trăng dạy.

Tết Mậu Thân 68 năm đó, Sào và ba đứa cháu về Huế ăn Tết, mắc kẹt luôn cả tháng giêng. Tôi về Phan Rang, nghe radio loan tin Sài Gòn và  nhiều tỉnh miền Nam bị VC đồng loạt đánh úp đêm 30, nhưng nặng nhất là Huế, bị quân du kích võ trang nằm vùng kiểm soát, lùng kiếm bắn bỏ các quân nhân, công chức làm cho VNCH. Nghe Huế chìm trong biển lửa súng đạn, vô số dân lành bị thảm sát, chặt đầu, chôn sống, xúc động theo dõi từng ngày cuộc chiến Mậu Thân. Rồi nghe quân Mỹ vào đánh dẹp, giải tỏa thành phố cổ, mừng thầm nhưng lo không biết Sào và những người thân quen ngoài đó có yên lành không.

Mãi đầu tháng hai âm lịch, bốn chú cháu Sào mới lóp ngóp trở vào Sài Gòn, mặt mày xanh xao, vương vất nét sợ hãi trên gương mặt hốc hác. Tôi còn ở Sài Gòn chưa đi dạy nên ra bến xe đón mấy chú cháu về nhà, xanh xao, tiều tụy, mặt còn in dấu sợ hãi. Sào thấp giọng kể lại những ngày trốn chui rúc, bụng đói lép xẹp ở nhà mấy người quen khi tiếng súng đùng đùng trong Thành nội với các toán bộ đội dép râu cầm súng xục xạo trong xóm. May chỉ mới là sinh viên hành chánh năm đầu, chưa ai biết, chưa nắm chức vụ gì trong bộ máy công quyền, nên tên Sào may mắn lọt sổ đen của mật vụ nằm vùng tại Huế.

Quân VC bị đẩy lui, Huế trở lai yên tĩnh, nhưng dấu vết đau thương từ cuộc tàn sát ngày càng hiện rõ hơn. Dân chúng đàn ông đàn bà trẻ con đeo khăn tang lặn lội đi bới đất tìm xác anh em chồng con dưới những nấm mồ chôn sống tập thể. Trên báo chí nhan nhản hình ảnh cảnh góa phụ vật vã khóc thảm bên nấm mồ tập thể, cảnh người dân bới đất tìm xác anh em, chồng con. Chính phủ gửi người và của ra Huế giúp đỡ, cứu trợ. Nhiều nhóm dân sự tình nguyện ra Huế cứu giúp đuợc chính phủ ủng hộ. Bộ giáo dục cũng cho phép giáo chức tham gia ra Huế cứu trợ. Tôi  làm đơn xin Bộ cho nghỉ dạy một tháng để ra Huế, được chấp thuận ngay. Đang hi vọng sẽ gặp lại những người thân quen, bạn bè,những ân nhân cũ… ngoài đó  thì đùng một cái, Bộ Quốc phòng gửi giấy động viên đi học Quang Trung, Thủ Đức,tăng cường quân đội. Trường tôi có tôi và 5 ông giáo khác nhận giấy nhập ngũ đi Quang Trung huấn luyện. Tôi đành bỏ lỡ việc ra Huế.

Năm 69, từ trong quân đội, tôi được biệt phái về dạy lại Sóc Trăng vì Bộ giáo dục thiếu thày giáo, cũng vừa lúc Sào tốt nghiệp ra đốc sự, nhận nhiệm sở ở Huế. Qua năm sau, tôi đổi về trung học Duy tân ở Phan Rang dạy, ở với mẹ và các em nhỏ, lập gia đình. Năm 71, tôi có con trai đầu lòng, Sào vào Phan Rang, tìm tới nhà thăm, chúc mừng, bế con tôi nựng nịu, rồi về lại Huế. Cháu kêu Sào bằng chú ruột là Dũng, làm kỹ sư Nông lâm súc ở Phan Rang, thường xuyên ghé tôi thăm, hay kể tin tức về Sào. Tôi mở một tiệm sách, bắt chước nhà sách Hoa Sen ở Nha Trang, làm đại lý cho nhà xuất bản Lá Bối của thày Từ Mẫn ở Sài Gòn. Hai nhà sách Trường Thi và Anh Đào từ Sài Gòn đem sách giáo khoa ra bỏ đống cho tôi bán. Tôi mua thêm sách ngoài bán, có cả sách dịch “Quần đảo ngục tù” của nhà văn Nga Solzhenitsyn và tiểu thuyết “Giải khăn sô cho Huế” nổi tiếng của Nhã Ca. Dũng ghé chơi, đọc sách Nhã Ca, nói tội ác VC, cảnh giết chóc ở Huế tết Mậu Thân nếu kể ra cho hết, còn ghê gớm hơn nhiều.  Năm 73, Sào có gửi cho tôi một lá thư kể chuyện đang làm phó quận quận Hương điền, kèm theo một tấm ảnh đang công tác.

Đầu tháng tư 75, Ban mê thuột bị VC đánh chiếm, dân Đà Lạt ào ạt tản cư kéo bỏ chạy xuống nằm la liệt ở Phan Rang. Tôi hốt hoảng theo bạn xách honda chạy vô Phan Thiết, tính xuống ghe vô Vũng Tàu, nhưng phải quay về lại sáng hôm sau vì Phan Thiết bị pháo kích, lính chiếm hết các ghe chạy vô Sài Gòn, không cho dân lên, thành phố hỗn loạn. Quân đội chống cự dai dẳng với VC ở Cam Ranh. Thiên hạ, người nói ông Thiệu ra lệnh quân đội phải giữ Ninh Thuận là quê hương ông bằng mọi giá, kẻ bảo ông bỏ hết miền Trung cho VC, rút quân về cố thủ ở Sài Gòn.

Nghe đồn VC vào, sẽ thủ tiêu công chức và quân nhân theo kiểu Tết Mậu Thân. Dũng tới lấm lét kể tôi hay Sào đã bỏ nhiệm sở trốn vào lục tỉnh từ hai tháng trước, khi Quảng trị mới bị đánh úp. Hỏi địa chỉ, Dũng không biết, nói chú Sào kinh nghiệm cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế rồi nên sợ lắm, thay tên đổi họ, không dám cho ai biết mình trốn vào Nam, không dám liên lạc  ai hết.

Tôi sống ngày qua ngày, hồi hộp lo lắng cho tương lai đen tối của gia đình, bạn bè, đất nước. Rồi miền Nam mất vào tay Cộng Sản, quân dân cán chính VNCH bị lùa vào tù học cải tạo. Tôi an phận vào tù, luôn tự an ủi, chẳng qua là cộng nghiệp của dân Việt.

Năm sau ra tù, tôi nghe tin anh Nhuận ngoài Huế chống chế độ mới, tham gia phục quốc, bị tử hình, bỏ lại vợ 4 con. Tôi bàng hoàng thương xót, nhớ lại ngày nào anh vào Sài Gòn công tác, ghé ở mấy hôm, chỉ cho hai đứa mấy thế võ ruột. Sau đó hai năm, lại nghe anh Đồng may mắn vượt biên lọt qua Mỹ, định cư ở Florida. Cùng là phụ tá giáo sư đại học khoa học Huế, cùng dạy võ cho sinh viên, mà số phận hai nguời khác nhau: một người chết thảm, một người nhanh chân đem cả nhà lọt qua Florida mở võ đường.

Tôi dẹp mua bán, làm thợ hồ, thợ mộc, vô tổ hợp điêu khắc làm để tránh khỏi bị bắt đi kinh tế mới. Năm 79, nhân anh bạn hàng xóm cạnh nhà tôi về Huế thăm gia đình, biết dưới chế độ tem phiếu Huế chắc là khổ lắm, tôi viêt thư gửi một ít tiền đưa giùm tới nhà biếu bác Tu và bác Hoanh nấu cơm tháng ngày xưa, đền chút ơn cũ. Cuộc sống dần dần đi vào ngõ cụt, tôi mua chiếc xich lô đạp chở khách sống qua ngày. Nhưng một anh bạn thân tới cho hay trung úy công an tỉnh nghi tôi giả đò đạp xe để làm giao liên, mật báo tin tức cho địch, muốn “giam xe bắt người” điều tra. Tôi bèn bán rẻ xích lô, xoay ra tìm mối vuợt biên.

Năm 1983 tôi dắt con trai 10 tuổi xuống ghe đi lọt ở Nha Trang, tới Hồng kông, lên đảo Chimawan tỵ nạn, gặp nhiều anh em Phật tử Huế vượt biên bằng ghe buồm từ Thuận An tới. Tôi để ý tìm, chẳng thấy bạn bè nào quen thời học ở Huế.

Biết tôi từng ở Huế, rành Phật pháp, mấy anh huynh trưởng gia đình Phật tử mời  giảng pháp môn Tịnh độ cho các em, rồi bầu tôi lên làm chánh đại diện Hội Phật giáo Chimawan. Anh em họp, tổ chức mỗi thứ bảy một buổi lễ Phật cho Phật tử trại, tôi lên sân khấu thuyết pháp,  mỗi chủ nhật tất cả anh em xắn tay xách nước,  quét rửa dọn dẹp sân trại sạch sẽ phụ với ban giám đốc trại. Mỗi lần dân Huế ai có giỗ kỵ ông bà cha mẹ, tôi đều được mời tới dự, anh em ngồi quay tròn trên mấy cái giướng sắt kê sát lại, thật ấm cũng thân mật. Được hơn nửa năm thì phải chia tay, tôi bùi ngùi từ biệt anh em Phật tử Huế, qua Mỹ định cư.

Tôi làm thợ tiện một thời gian ở San Diego rồi bỏ, lên Fresno đi cắt cỏ, rồi đi học lại college, bốn năm sau ra thày giáo với bằng Master về giáo dục.  Năm 2000, đang dạy ở San Jose, tình cờ tôi gặp hai người bạn Huế của Lợi (trước ở  cùng trại Chimawan) cho hay Sào đã chết ở Cần thơ, bỏ lại một vợ hai con. Tôi sững sờ bàng hoàng suốt một tháng trời.  Sau này tôi có đuợc email của Thủy, vợ Sào, liên lạc hỏi thăm đoạn đời ẩn nấp trốn tránh sau 75 của Sào. Tôi cũng nghe tin anh Đồng ở Florida cũng đã chết mấy năm trước. Tôi thẩn thờ nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc anh em tập võ, tương thân tương ái với nhau ở Huế.

Năm 1999 tôi về VN thăm nhà, công an biết tôi làm Hội trưởng hội thân hữu Ninh Thuận ở Cali, mời lên trụ sở xây cất nguy nga mấy tầng ở bờ biển chơi, lịch sự mời hút thuốc, uống trà, thân mật chào hỏi, mời tôi bỏ tiền về đầu tư, mời tôi đi tham quan du lịch, các tỉnh bây giờ đẹp lắm, lớn lắm, mời tôi ra chơi Huế, đệ nhất danh lam thắng cảnh VN… Nghe tiếng “Huế,” ba chữ “Tết Mậu Thân” đột ngột bật ra trong óc tôi trước khi tôi nhớ tới Sào, anh Nhuận, anh Đồng, bác Tu, bác Hoanh, bạn bè ân nhân đã khuất ở Huế hơn 30 năm qua. Ngày xưa, các anh đã sát hại, chôn sống đồng bào ruột thịt, thường dân vô tội ở đó, không hối hận, không xin lỗi, bây giờ còn mời tôi ra thăm. Tôi buồn bã lắc đầu. Huế, với tôi, như một thiên đàng đã mất từ tết Mậu Thân. Sau 68, tôi chưa bao giờ trở lại Huế. Thành phố có thể đã mở mang, xây cất rộng lớn, khang trang hơn, nhưng oan hồn những người bị giết thảm vẫn còn vương vất đâu đó,  cành cây, bãi đất,  đầu ghềnh, ngọn cỏ, nỗi bi thương của người sống sót ở lại vẫn không hề nguôi ngoai.

Năm mươi năm đã qua (1968-2018), tội ác tày trời của đám ngạ quỷ mang lốt người năm ấy,  dù có đứng ra thành khẩn xin lỗi, ăn năn, sám hối, cũng như cây đinh đã đóng vào gỗ, dù rút ra vẫn còn cái lỗ. Oan oan tương báo. Nạn nhân vô tội ngày xưa, biết đâu từng là cha mẹ, ông bà, anh em, con cái ruột thịt đời trước của bọn sát nhân sẽ còn theo đuổi chúng.

Kinh Kim Cang có nói “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Kinh Bát nhã cũng có câu “Sắc sắc không không”. Xin các oan hồn hãy tha thứ cho kẻ sân si lầm đường, nặng nề nghiệp chướng, hãy nương náu vào các cảnh chùa, nghe kinh Thủy sám mà siêu thoát về cõi hư vô thanh tịnh…

Phạm Hoàng Chương

 

Ý kiến bạn đọc
27/04/201804:51:19
Khách
Bài viết hay và cảm động. Cám ơn anh Phạm Hoàng Chương. Nhắc đến Tết Mậu Thân ở Huế là nhắc đến nỗi tang thương và lòng thù hận Việt cộng,ác ôn nhất là 2 tên chỉ điểm Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, hầu như gđ nào cũng là nạn nhân của chúng.
25/04/201819:25:08
Khách
Tác giả viết lại những kỷ niệm ở Huế, khiến độc giả cảm động quá. Chân thành cảm ơn Ông đã ve~ thêm một bức tranh tang thương về một vùng đất quê hương.
19/04/201819:22:17
Khách
Buồn. Ngậm ngùi. Thương cho dân mình gánh chịu kiếp nạn cộng sản.
18/04/201806:49:45
Khách
Đọc bài viết mà như nghe kể chuyện tâm tình giữa hai người bạn thân thiết.Kỷ niệm xưa chất đống những sắp xếp lại cũng ngăn nắp.Giọng văn ngọt ngào tha thiết, Huế buồn thật.Cảm ơn nhiều những tâm tình về Huế, quê hương tôi.
17/04/201807:16:48
Khách
Bài viết hay quá ! Xin cám ơn anh Chương đã viết bài nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,268,133
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Bài này là bài viết tham dự giải thưởng VVNM số 108, của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, viết vào năm 2002. Đây là chuyện kể 32 năm của một cô dâu Việt, về một chàng Mỹ 17 tuổi, bắt Mẹ ký tên cho đi lính trước tuổi, để sang tận bên kia trái đất “mang tui về trả nợ”, như tác giả Bảo Xuân Abbott nói đùa. Tác giả TNBX hôm nay là trưởng ban tuyển chọn giải VVNM. Ban biên tập VVNM xin mời độc giả cùng đọc lại bài cũ, để rồi chúng ta sẽ cùng đón đọc câu chuyện mới, 21 năm sau, chuyện "53 Năm Người Mỹ Và Tôi", sẽ được đăng vào thứ Sáu ngày 14 tháng 7 tới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến