Hôm nay,  

Cô Bé và Mưa

16/03/201800:00:00(Xem: 10526)
Tác giả: Thụy Nhã

Bài số 5272-19-31117-vb6031518
 

Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm  “full time job” tại trạm kiểm soát  hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải  Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP,  hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
TN BW

Hình tác giả, 2017.

Mina va can gac xep

Mina và căn gác xép.(bản vẽ của Ann Phong)

ca da va ca bay mau

Cá đá và cá bảy màu.(bản vẽ của Ann Phong)

vun vo

Vụn vỡ.(bản vẽ của Ann Phong)

hat tren doi tang nhon phu

Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú.(bản vẽ của Ann Phong)

vung vinh bolsa chica

Vùng Vịnh Bolsa Chica.(bản vẽ của Ann Phong)


***
 

Mina và căn gác xép
 

Con bé ngồi trên căn gác xép, ôm chặt Mina vào lòng. Mina màu nâu nhạt, bé bỏng, còn chưa tự mình bú được. Mina nhắm nghiền mắt, thỉnh thoảng rúc vào mình con bé và rên hư hử để tìm hơi ấm. Mina rùng mình, dưới gác có tiếng nói của một người đàn ông vọng lên: Mina đái nữa rồi hả con. “Dạ ba”. Con bé cười khúc khích.

Bên hông căn gác xép là một của sổ nhỏ, đứng nơi đây con bé có thể thấy được con hẻm nhỏ dẫn vào xóm trong. Con hẻm sâu hun hút, có những lần đi coi văn nghệ văn công về, trong bóng đêm nó nghe được vài câu vọng cổ vọng ra. Tuyệt nhiên nó không hề thấy một bóng người hay bóng đèn.

Nó đứng tựa vào khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Bầu trời xám đen, sắp chuyển giông. Phía dưới ngay cạnh bức tường của nhà nó là một đống rác.

Xen lẫn vào đống rác là những miếng vải dính máu đỏ. Một vài người đi ngang, bịt mũi lên tiếng chê chỗ này hôi quá rồi bước đi nhanh như chạy. Nó vội nhìn để coi có thể nào nhận ra người nào đã xả rác hay ai đã nỡ bắt đi con gà trống choai bà nội cho nó nhưng ai cũng nhìn rất ma quái nên nó đành chịu thua.

Mina trở mình, nó quay lại kệ sách ở trong tìm tập nhạc để ru Mina ngủ. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”*. Nó nhắm mắt, không thấy tháp cổ, chỉ thấy mấy miếng băng đầy máu. Nó chuyển tông, ngân nga “rầu rầu rầu your boat”**, Mina lại rên hư hử rồi thở đều.

Ngoài trời mưa rơi rào rạt. Nước mưa đánh chan chát vào lớp đất bazan đỏ đặc quánh. Hoa bơ từ trên bay xuống đáp mình lên từng chiếc lồng đèn mưa, xanh biêng biếc.
 

Cô hàng hoa, người đàn bà điên
 

Sáng sáng nàng theo chúng bạn ra chợ bán hoa. Mẹ mất năm nàng mười chín đôi mươi, ba lấy vợ khác. Nàng và mấy đứa em được bà ngoại nuôi thay mẹ. Rồi nàng lấy chồng. Chồng làm sĩ quan, lương ba cọc ba đồng. Nàng mở nhà hàng, buôn bán để phụ chồng nhưng quán nào nàng mở cũng bị đóng cửa vì quá ế.

Người đi mua sắm còn thưa thớt, có tiếng nhạc vang vọng ra từ quán café “ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú, chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về”**. Trên đầu nàng thỉnh thoảng có một chiếc trực thăng bay ngang. Thời loạn ly, người sống vẫn sống và người chết nhiều khi đu theo những chiếc trực thăng bay la đà.

Nàng rút trong túi ra tấm vé số mua hôm trước rồi dò trên bảng. Tim nàng đập loạn nhịp. Từng con số giống in như những con số trên bảng. Nàng reo lên trúng rồi, trúng độc đắc rồi. Các bạn hàng hùa lại, ai cũng vui mừng hớn hở, mỗi người chúc mừng nàng một câu, cả khu chợ xôn xao. Nàng vui quá, móc túi lấy hết tiền bán hàng từ hôm qua phân phát cho mỗi người một chút và tặng luôn cả gánh hoa tươi rói. Nàng vui, ai cũng vui theo.

Phân phát xong, nàng lấy vé số ra nơi bán để đổi tiền. Đến nơi, nàng khoe ngay đã trúng số độc đắc. Người bán vé đỡ tấm vé từ tay nàng, dò cẩn thận và nói xin lỗi bà, bà không có trúng số. Nàng  tá hỏa. Người đó chậm rãi nói: bà đã nhầm ngày.

Mấy năm sau ngày trúng số hụt, mọi chuyện thay đổi. Đổi đời. Chồng nàng bị bắt đi. Bà ngoại nàng mất. Nàng ngoài một đàn em, bây giờ có thêm một đàn con. Cô hàng hoa thơ ngây ngày nào giờ thành con gà mẹ xù lông.

Nàng thôi bán hoa, chuyển qua bán bồ quân, vú sữa, bánh khoai mì, bánh ít, kiêm luôn làm cô giáo. Các em nàng đứa bán cà rem, đứa đi làm lao động. Các con nàng đứa bán hàng rong, đứa đi chặt gỗ. Vậy mà vẫn đói, quá đói.

Hôm đó là ngày đầu tháng, nàng và cả nhà rất mong chờ ngày này vì hôm nay là ngày đổi gạo. Cả gia đình nàng sẽ được một bao gạo để ăn cả tháng. Mấy đứa nhỏ rất mong chờ được ăn cơm độn khoai vì nhà nàng hết gạo đã lâu.

Nàng chở bao gạo đi ngang qua cây cầu trắng, bao gạo nhẹ tênh mà nàng vẫn hổn hển đạp, bao nhiêu lâu rồi nàng chưa được ăn no. Nàng nhìn xuống bờ hồ nơi có những xác chó, xác mèo nổi lềnh bềnh. Xa hơn chút nữa là một nhóm người. Nàng nhìn kỹ hơn, hình như có một người trong nhóm đi vào lòng nước, tay kéo theo những người kia. Dừng lại, dừng lại, nàng thét lên rồi bỏ xe đạp, chạy ù xuống bờ hồ. Nàng giang tay kéo người kia lại. Chị ơi, chị làm gì vậy, nàng thảng thốt. Tôi đói quá cô ơi. Mấy mẹ con tôi muốn chết luôn cho rồi. Chị ơi đừng làm vậy, tội nghiệp mấy đứa nhỏ. Mà hôm nay tụi tôi không chết thì cũng sẽ chết đói thôi cô. Thôi chị, tui có bao gạo nè, chị lấy về cho sắp nhỏ đi. Còn cô thì sao, tôi đâu thể nào lấy của cô. Tui hông sao chị à. Tụi mình phải sống chờ mấy ổng về chứ chị.

Nàng đạp xe về. Cái xe đạp nhẹ tâng còn lòng nàng trĩu nặng. Nàng hình dung ra những đứa con đang chờ ở nhà nhưng rồi nàng mỉm cười. Thật may mắn làm sao hôm nay nàng đã đi cầu trắng về nhà, nếu nàng đi cây cầu đen thì đã có mấy đứa nhỏ sẽ không được gặp cha và người vợ sẽ không được gặp chồng.

Sau hôm đó nàng được gọi là bà điên.

Điên quá mạng. Có cơm không ăn mà lo đi cúng cô hồn, mọi người rủa nàng. Ừ thì điên. Còn gì để tỉnh nữa đâu.

 
Một bài luận văn
 

Đề bài được đặt ra cho cô bé chín hay mười tuổi là hãy tả về hình ảnh một anh bộ đội trong mắt em. Con bé chưa bao giờ thấy một anh bộ đội nào nhưng cũng may mắn cho nó, nó đã được coi cọp một bài tả về anh bộ đội của một người học lớp trên. Trong bài viết có câu “ánh mắt anh bộ đội rực lửa nhìn quân thù”. Nó rất thích câu này vì nó có thể hình dung ra ánh mắt rực lửa của má nếu nó không được điểm cao trong bài luận. Vậy là nó cọp dê y chang câu viết và nó được tám điểm. Nó thấy thật phục anh bộ đội vì nhờ anh nó đã làm má vui.

Một bài luận khác: “hãy tả một người tốt”. Nó cũng chưa bao giờ gặp một người tốt nhưng trí tưởng tượng của nó khá phong phú. Người tốt nhất định là một người đàn bà, nó chắc mẩm. Cô phải tên Lành. Rồi còn gì hay hơn nếu nó bị chó cắn và cô Lành xông vô đánh con chó để cứu nó.

Bài luận có bố cục vững chắc và nó được giải nhất cuộc thi viết văn ở huyện và chuyển vào cuộc thi ở tỉnh. Tại cuộc thi ở tỉnh nó lại tưởng tượng ra một tình huống gay cấn khác nhưng lần này nó chỉ được điểm cao nhất ở trường, chuyển lên tỉnh thi thì rớt vì bị lạc đề.

Nó học thêm một bài học, nói dối cấp cao hơn phải đúng theo đề tài, chính sách.

 
Cá đá và cá bảy màu
 

Ngay con đường dẫn lên đồi là một dòng suối nhỏ, trong vắt. Tụi nó hay trốn ba má ra đây chơi, lội nước và ngắm nhìn đàn cá bảy màu bơi lội. Cho đến ngày thằng T khoe nó mới tậu được một con cá đá. Con cá đá là con cá gì, tụi nó ngơ ngác hỏi. Tụi mày không biết đâu. Con cá đá có đuôi dài, người nó có màu xanh đậm và nó có thể đá chết mấy con cá khác. Đứa nào cũng kêu thằng T xạo vì cá không có chân làm sao đá. Thằng T nghe mấy đứa dè biểu chê bai bèn chạy ngay về nhà lấy ngay con cá đá ra khoe. Con cá một mình bơi trong cái ly, nó điềm nhiên trong thế giới của riêng mình. Chung quanh nó là xác những con cá khác. Tụi nó châu đầu lại, trầm trồ trước con cá xinh đẹp và mạnh khỏe.

Nó tức tối, không nói gì mà âm thầm bắt đi một bầy cá bảy màu. Nó bỏ bọn cá vào cái lu nước sau nhà, mỗi ngày nó ra ngắm bọn cá và âm thầm hậm hực vì bọn cá này không hề giống con cá đá xinh đẹp của thằng T. Nó không cho bọn cá ăn vì cá sẽ có lăng quăng để ăn. Mặc dù ngày nào nó cũng ra coi cá và chưa hề thấy con lăng quăng nào nhưng nó đinh ninh bọn cá đã ăn hết bầy lăng quăng trong đêm. Nó cũng không thay nước cho cá. Cá sẽ biết tự chăm sóc cho mình. Rồi dần dần đàn cá mất đi màu lấp lánh, nó nghĩ chắc bọn chúng đang lột da. Rồi con cá đầu tiên chết đi, nó nghĩ không sao, nó còn cả một bầy cá. Rồi cách ngày có một con cá chết. Rồi ba bốn con cá chết một ngày. Rồi nó mong sao cho cả bầy cá chết để nó có thể đổ đi lu nước hôi thối. Không có con cá đá, bầy cá bảy màu cũng chết như thường, nó tự nhủ.

 
Vụn Vỡ
 

Mina lớn lên, màu tóc nâu nhạt chuyển thành màu vàng lấp lánh. Mina trổ mã thành một cô tiểu thư xinh đẹp rồi Mina trở thành đàn bà và có thai. Mina sẽ làm mẹ.

Rồi Mina bị đánh và xịt thuốc trừ sâu vào đúng ngày Mina mang bụng chửa lặc lè. Người đánh Mina không phải là cô Lành. Mina kêu ăng ẳng, rên xiết. Không có cô Lành, không có người tốt, chỉ có những con người đã ra tay đánh Mina, một con chó.

Nó trở lại dòng suối nơi có những con cá bảy màu lấp lánh. Ngay bờ suối mọc ra một căn nhà, một người đàn ông với sợi lông dài trên cằm giống ông Bùi Kiệm ló mặt ra và nói nó không được chơi ở bờ suối. Tại sao, cháu vẫn thường chơi ở đây mà. Không tại sao gì hết. Tao không cho mày chơi ở đây. Người đàn ông nói và có tiếng một người đàn bà phía trong nói vọng ra phụ họa: “con nít ranh”. Nó òa khóc và chạy đi. Nhưng con suối này không phải là của chú. Nó nói vọng lại nhưng nó biết chắc không ai nghe nó nói gì. Nó ước gì nó có can đảm nhìn thẳng vào mắt ông ấy và nói cho ông ta biết con suối này là của ai, đất nước này là của ai.

Lúc thôi khóc, nó nhớ tới bà nội hay đọc Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô… Rồi nó nhớ tới cọng râu của Bùi Kiệm trong tuồng cải lương Lục Vân Tiên nó coi cọp, cọng râu nằm giữa cái nốt ruồi đen thui làm nó nhớ mãi.

Rồi nó phải chia tay Mina, chia tay với dòng suối và những con cá bảy màu. Ngày nó đi mưa vẫn rơi. Những chiếc lồng đèn mưa đập chan chát lên má nó rồi vỡ vụn.
 

Mười chín đôi mươi, một giọng ca
 

Năm mười chín đôi mươi tuổi nó mặc chiếc áo dài trắng. Nó đứng áp mình vào vách tường và nghe người ca sĩ hát như cánh vạc bay. Nó nhắm mắt, đứng im, nó muốn giữ lại người ca sĩ và giọng ca cho riêng nó. Nó chắc rằng nếu nó đứng im, không mở mắt, người ca sĩ đó và giọng ca đó sẽ thuộc về nó. Người ca sĩ cất giọng bắt qua một bài hát khác “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”*. Nó rùng mình, hình ảnh căn gác xép và Mina hiện lên mồn một.

Năm đó nó biết yêu, tình yêu đầu đời. Nó đã nuôi dưỡng tình yêu bằng những con lăng quăng như ngày xưa đã nuôi những chú cá. Rồi tình yêu cũng như những chú cá đã được cho ăn những con lăng quăng vô hình. Tình yêu đổi màu, rồi tình yêu chết đi. Nó buồn. Buồn vì đã mất đi một người yêu mà không hề buồn vì tình yêu đã chết.

Rồi người ca sĩ cất lên tiếng ca “Ai? Ai đó? Ai? Ai đó vừa kêu tôi. Ahaá, anh dế mèn!  Đúng là. Anh dế mèn năm xưa. Một thời, đêm mưa Một mùa giông tố. Có anh dế mèn phất phơ, lạc vào cát sô. Đùa vui với người tù***”... Nó chưa bao giờ tưởng tượng ra tầng tháp cổ nhưng sao nó lại rất gần gũi với nhà tù. Có phải nơi đó là nơi đã giam cầm ba, bạn hữu của ba và ông, người bạn của dế mèn?  Hay đó là nơi nó đã sống bao nhiêu năm qua? Một đất nước, một cát sô, có khác gì nhau?
 

Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú
 

Nàng ngồi trong phòng ngủ coi ca nhạc Vstar với chồng và đứa con út. Năm nay có Thương Linh thi. Cả nhà nàng bàn tán sôi nổi về những giọng ca. Đứa con út chợt lên tiếng hỏi làm sao hồi xưa ba má quen được nhau.

Chàng cất giọng trầm trầm: “hồi xưa ba và má đi chơi rồi gặp nhau trong một buổi đi thi đua thuyền”. “Vậy ba gặp má là yêu liền hả ba?”. Không hồi đó má con gầy gầy, nước da ngăm ngăm, ba chỉ coi bói cho má rồi xin địa chỉ để ba mang hình tặng má. Hôm đi tặng hình, ba tìm không ra nhà mà cũng không nhớ má tên gì, ba chỉ nhớ má nói ở nhà bà ngoại gọi má là Tiền. Lúc ba hỏi nhà cô Tiền, mọi người chỉ ngay ra nhà má. Ba tặng má tấm hình và một tấm thiệp, trên đó ba viết chúc em một mùa xuân vĩnh cửu”.

Sao má lại thương ba hả má?

Hồi đó ba hát hay lắm con. Ba đánh đàn hay rồi thổi sáo hay nữa. Ngày mới quen nhau ba dẫn má lên đồi ở trường sĩ quan Thủ Đức. Ba hát “ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú, chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về…”** lúc ba hát có nhiều máy bay chở xác người về.

Má có sợ không má?

Không con. Lúc đó má có ba, được ở bên ba nên không sợ.

Nàng nhắm mắt. Đã mấy chục năm rồi nàng không hề nghĩ tới những giây phút ngồi bên đồi cùng anh. Nàng đã quên đi những cái nắm tay, những nụ hôn. Đã bao lâu rồi nhỉ nàng và anh đã thôi hát cho nhau nghe, thôi hôn nhau, thôi cầm tay. Mấy chục năm rồi nàng bận làm cô bán hoa, làm con gà xù lông, bận làm bà điên. Nàng và anh thôi hát.

Hôm nay nàng trở lại với đồi Tăng Nhơn Phú và sống lại với tình yêu đầu tiên. Hôm nay lần đầu nàng nói với con gái về những kỷ niệm đẹp nhất của nàng. Hôm nay nàng được tin nàng bị ung thư túi mật. Và sau hai năm kể từ hôm nay, nàng chết.

 
Quân thù
 

Nàng đi, anh ở lại. Anh không nói gì nhiều chỉ lẳng lặng lo toan những việc còn dang dở.

Anh và con mang đàn ra đàn hát những bài hát hồi xưa anh đã dạy con. Nó cứ hát “rầu rầu rầu” rồi anh hát “your boat”. Đó là một bài dân ca Mỹ  anh dạy nó từ nhỏ. Row row row, your boat.  Cả anh và con đều rất nhớ nàng.

Con gái hỏi anh về những ngày anh đi lính, về đồng đội của anh. Tuy chưa bao giờ nó cho anh nói dứt câu nhưng anh vẫn kiên nhẫn kể lại.

Nó ngồi bên, vừa nghe anh nói vừa ngắm anh.

Nó ngắm mãi, ngắm mãi vẫn không hình dung ra được anh là quân thù của anh bộ đội.  Nhưng dù có nhắm mắt, nó vẫn tưởng tượng ra ánh mắt rực lửa của anh bộ đội, người mà nó từng quí mến vì nhờ anh nó đã được điểm tám trong bài luận văn năm xưa.

 
Vùng Vịnh Bolsa Chica

Ông là ai?
 

Vùng vịnh thật yên tĩnh. Thỉnh thoảng một con chim cất cánh bay lên hay một con cá búng mình làm mặt nước sáng lấp lánh.

Một cô bé đi qua chiếc ghế kê cạnh bờ đá và lên tiếng “no, no, no”. Cô bé nói gì vậy? Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế hỏi. Cha mẹ cô bé cười ồ lên và nói “oh, ông đang ngồi trên chiếc ghế của cô bé”. Người đàn ông vội ồ lên xin lỗi và đứng lên. Cô bé ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cha mẹ.

Trong lòng nước có thật nhiều cá, những chú cá đuối và cá biển bơi lội tung tăng trong làn nước trong vắt. Cô bé ngồi yên, cô không hề có ý định bắt những chú cá về nhà. Làm sao cô bé con lại có thể hiểu được những chú cá chỉ xinh đẹp khi chúng còn sống, cũng như tình yêu vậy.

Phía bên kia cầu là một người đàn ông đang dần tiến lại. Đầu ông cúi xuống. Lưng ông hơi gù. Ông là ai? Có phải ông là đồng đội của ba tôi hay ông là ánh mắt rực lửa?  Có phải ông đã xả rác ở nhà tôi, bắt trộm con gà, đá con chó Mina, đuổi tôi ra khỏi dòng suối và ra khỏi đất nước? Hay đó là ông, người chủ một tòa tháp cổ. Hay là ông, người làm bạn với dế mèn? Ông là ai?

Tôi, đứa nhỏ đã từng nói dối, một đứa đã gọi chính cha mình là quân thù. Tôi đã từng giết đi một tình yêu và những chú cá bảy màu. Tôi đã giam cầm tiếng hát của một người ca sĩ. Tôi đã từng mất đi một tuổi thơ. Tôi có khác gì ông đâu.

Chúng ta sẽ làm gì nhau?

Tha thứ hay tiếp tục dằn vặt?

Trời đổ mưa.

Ông đi về cuối chân cầu.

Ông ngẩng đầu nhìn lên, tôi nghiêng qua.

Hai ánh mắt chạm vào nhau. Trong mưa./.

Thụy Nhã

 
Ghi chú:
 

* Lời ca khúc Trịnh Công Sơn, Như Cánh Vạc Bay & Diễm Xưa, tiếng hát Khánh Ly

** Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú, ca khúc của Vũ Đức Sao Biển

*** Cảm Ơn Dế Mèn, ca khúc Trần Dạ Từ, tiếng hát Khánh Ly.

Ý kiến bạn đọc
21/03/201813:39:34
Khách
Bai viet tam duoc, nhung buc tranh cuon hut nguoi doc va tac gia qua de thuong, chuc mung , bai viet toi hay hon
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Nhạc sĩ Cung Tiến