Hôm nay,  

Ba Tôi Và Karaoke

03/03/201800:00:00(Xem: 11010)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh

Bài số 5328-19-31173-vb7030318

 
 Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.  Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.  Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.

 
***
 

Hình như cả nhà tôi, từ bé đến lớn, mấy anh chị em đều thích hát hò, văn nghệ. Chắc là do ảnh hưởng bởi một ông bố "chịu chơi" và một bà má cũng rất yêu thích không khí vui vẻ, cởi mở. Gia đình tôi thường có những buổi tối cùng ngồi xem chung một cuốn DVD ca nhạc. Tuy mỗi người một ý nhưng ai cũng có được vài phút giây thưởng thức, chia xẻ chung trong không khí gia đình.

Tôi còn nhớ, ngày xưa ông anh lớn nhất nhà đã được ba má cho đi học đàn guitar classic. Ông anh có vẻ thích chí lắm. Anh rèn luyện mấy ngón tay cho mềm mại. Cố gắng làm thế nào để khi đàn những bản nhạc giao hưởng thì mấy ngón tay của anh phải trông như đang "gải" lên mấy sợi dây đàn một cách mềm mại thì mới chịu.

Ba cậu em trai khác của tôi tuy lớn lên sau năm 1975, ba không có ở nhà, má bận tảo tần lo cho hai bữa sớm tối. Thời đó, cơm không có đủ ăn, học sinh vừa đi học chữ vừa phải tham gia lao động nhưng không biết học lóm ở đâu mà mấy em trai tôi đều biết đàn. Hay dở không biết nhưng em nào cũng có thể ... từng ... tứng ... tưng ... vừa đàn vừa hát, trông rất ư là nghệ sĩ.

Bốn chị em gái thì đều có thể hát được. Có một cô hát khá hay, cô em út hát khá chuẩn. Trong khi đó tôi và cô em kế hát chỉ tàm tạm vì lớn lên thuở thập niên 60, 70. Trong nhà có nguyên một ban nhạc “sống” là các anh chị họ và con nuôi của ba tôi. Ban nhạc có những show trình diễn trên Đài Phát Thanh ĐN, thường đàn hát những nhạc phẩm thời chinh chiến nên hai chị em rất rành. Từ những bản bolero bình dân cho đến nhiều bài "nhạc quý tộc", hay nhạc Trịnh... đã có nghe qua là chúng tôi đều hát được. Hát không hay, có khi lạc giọng nhưng lại rất thích hát!

Sau này, sau năm 1985, khi phong trào karaoke được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Không biết các phòng hát karaoke cho mướn đầu máy và trả tiền giờ đã thu của anh chị em tôi biết bao nhiêu tiền. Những đồng bạc chắt chiu thời cơm cao gạo kém mà anh chị em tôi phải dành dụm thật lâu, chỉ để đánh đổi vài phút giây văn nghệ thoải mái.

Chúng tôi rời quê hương khi phong trào karaoke đang là cái mốt giải trí trong nước, mang theo niềm đam mê này đến nơi định cư mới. Những đồng tiền đầu tiên mấy chị em kiếm được khi chỗ ở vẫn chưa ổn định là sắm một giàn máy hát. Ban đầu mua thứ rẻ tiền, dần dần đứa nào có tiền thì thay đổi thứ có giá trị hơn. Cuối cùng, nhìn đi nhìn lại nguyên cả một giàn máy từ ampli đến mixer, laser dish, microphone... mỗi thứ một hiệu. Chúng tôi không quan tâm, vui là chính!

Dần dà, các em tôi lập gia đình và dọn ra riêng. Cô em hát hay nhất nhà tuy có ông chồng không biết hát, cũng sắm một giàn máy đầy đủ. Lâu lâu, chúng tôi được mời đến hát hò, ăn uống. Những dịp được gia đình bạn bè khác mời, mấy chị em tôi đều xúm lại hát với nhau, song ca, bè ... rất vui. Một đứa hát thì mấy đứa khác vỗ tay cổ võ.

Ở xa, bận rộn công việc làm ăn và phải chăm chút cho các con nên dần dần các em tôi cũng hiếm khi về thăm nom ba má. Tôi thu xếp dọn về ở chung. Tánh tôi xuề xòa, lại là con gái lớn trong nhà nên Ba má ở chung với tôi rất hợp tình hợp lý. Khi trái nắng trở trời, khi mưa thuận gió hòa hay mùa gió chướng, gió mùa đông bắc, gió Lào... tôi đều vui vẻ. Tôi hiểu đó là bệnh của người già. Có những tháng phải ký trả các hóa đơn nước, điện cao vời vợi tôi cũng không dám ý kiến gì. Chỉ sợ Ba má mặc cảm, người già mà tâm tư không thoải mái thì sinh ra ưu phiền, buồn tủi, dễ sinh bệnh. Điều đó mới làm cho tôi thấy khổ hơn những tốn kém khác về vật chất.

Tuy tuổi tác đã cao nhưng ba má tôi vẫn đặc biệt yêu thích ca nhạc. Hình như tất cả những DVD ca nhạc mới, tấu hài hay những chương trình thi tuyển lựa ca sĩ đều được ba má tôi thưởng thức và ủng hộ hết mình. Ông bà luôn khuyên con cháu nên mua băng, đĩa gốc để góp phần nuôi sống bộ môn nghệ thuật này nói riêng, hay nền văn hóa hải ngoại nói chung. Đôi khi tôi cảm thấy tự hào với những ý nghĩ tích cực của ba má và lòng vui vui khi thấy ba má mình rất cởi mở, yêu đời.

Một ngày đẹp trời, vợ chồng tôi có ý định lắp ráp một giàn máy hát karaoke tương đối hoàn chỉnh. Chúng tôi sẽ ra tiệm hát thử, chọn lựa và có thợ chuyên nghiệp đến lắp ráp. Ông xã tôi hy vọng sẽ đem niềm vui cho tôi và cho cả nhà. Từ đây, trong những dịp các em tôi họp mặt về thăm ba má, sau khi tiệc tùng, cúng giỗ, cả nhà sẽ cùng nhau thi thố tài năng ca hát, giải tỏa bớt những căng thẳng trong đời sống thường ngày và mang lại nụ cười, niềm vui cho ba má khi thấy con cháu đoàn viên.

Sau khi ngắm nghía một bộ máy hát gồm đầy đủ ampli, loa, microphone, đầu Karaoke 7 channels, thùng bass … và nghiên cứu giá cả xong, ông xã tôi rất hào hứng về nhà khoe với ba má. Vừa nói anh vừa chỉ cho ba tôi, chỗ này sẽ để cái ampli, chỗ kia gắn cái loa ...

Ba tôi phản ứng liền:

- Thôi đi, đừng có bày trò rà rườm ra y như quán cà phê. Tụi bay định mở quán bán cà phê hả?

- Dạ đâu có ba, phải có nhiều loa, âm thanh mới hay.

- Muốn hát hò thì có cả đống đây nè, đầu máy, loa, tùm lum đây, làm chi phải mua đồ mới.

Vừa nói ba tôi vừa chỉ cả rừng máy móc cũ kỹ từ gần 20 năm trước đang chất ở góc nhà. Thật ra khi dọn nhà chúng tôi đã nhiều lần muốn đem ra cho cơ sở từ thiện nhưng ba tôi tiếc của, cứ dành lại hoài. Do đó đám máy móc tuy chưa hư nhưng quá lỗi thời cứ nằm lại ở góc nhà.

- Kệ mà ba, giàn máy muốn hay phải đầy đủ, đồ này xưa quá rồi. Mình đâu phải dân hát hò chuyên nghiệp, phải mua máy xịn một chút hát mới hấp dẫn.

- Ủa, lâu lâu mới hát thì cần chi sắm đồ đắt tiền. Rinh về để chật nhà.

- Ăn thua gì đâu ba, vui thôi mà.

Má tôi nghe ì xèo thì lên tiếng:

- Kệ, để tụi nó sắm về cho mấy đứa nhỏ hát cho vui, ông!

Nói xong má quay qua nói với ông xã tôi:

- Kệ, ba con nói rứa chớ không sao đâu, hai đứa cứ đi sắm đi.

Ông xã tôi ngần ngừ, tìm cách giải thích cho má hiểu và nhờ má nói lại với ba. Một buổi sau, chúng tôi đi chợ về thì má tôi kêu lại nói nhỏ:

- Má nói với ba rồi, ba con OK rồi. Ổng nói thiệt ra hát hò có ồn ào thì ổng cũng nặng tai rồi, coi như ổng điếc rồi, có nghe được chi đâu, làm chi thì làm đi.

Chúng tôi gọi hẹn người thợ đến nhà để sắp xếp mọi chuyện.

Bảy giờ tối, cả nhà ăn cơm xong. Ba má đang ngồi trước TV xem tin tức. Cậu thanh niên trẻ đến chào hỏi và chỉ cho chúng tôi sẽ lắp mấy cái loa ở vị trí nào cho vừa đẹp vừa tạo nên âm thanh hay, cân đối. Ba tôi trợn mắt:

- Làm chi mà tới 5 cái loa, muốn sụp nhà hả?

- Dạ phải đủ bộ mới hay, bác ơi.

- Thôi đi, mấy ông thợ, đừng vẽ chuyện.

Chàng trai trẻ vẫn kiên nhẫn chỉ cho chúng tôi sẽ đi dây như thế nào cho đẹp. Ba tôi lớn giọng:

- Làm chi mà giăng dây điện qua bàn thờ?

- Dạ, đâu có giăng qua bàn thờ, bác.

- Mà làm chi phải bắc thêm hai cái loa phía kia?

- Dạ, ba cái loa trước, cọng với hai cái sau, âm thanh nghe mới gom lại, bác.

- Gom cái chi, tui nói cho mà nghe nè … trong kỹ thuật âm thanh, tiếng động nó có luật hút, loa mà bắc chấu đầu như rứa cho nó hú, bể nhà luôn hả...

Ông xã tôi nghe ông già vợ lớn tiếng thì nhìn chàng thanh niên hơi e ngại. Anh vỗ vai cậu trai trẻ và ra dấu, không sao ...


Ba tôi càng lúc càng lớn tiếng:

- Mấy người làm như tui già rồi, không biết gì hả. Tui nói rứa là biết tui có hiểu biết chi về âm thanh không rồi. Loa mà bắt tứ tung rứa, làm răng mà hát được. Bảo đảm không hát được đâu. Bày trò ra cho lắm!

- Dạ con làm được mà bác. Con cố gắng làm cho đẹp và hát hay, bác yên tâm đi.

Má tôi ngồi bên cạnh thúc thúc. Ba tôi mới im tiếng, không phàn nàn nữa mà quay lại xem TV tiếp. Không khí trong nhà bỗng dưng ngột ngạt, khó thở.

Người thợ trẻ ra về, hẹn ngày mang dụng cụ đến lắp ráp.

Ba tôi cứ khăng khăng:

- Để đó mà coi, cái nhà ni mà bắc loa kiểu nớ có nước giở mái nhà lên luôn. Con Út đâu, lo dọn đi chỗ khác mà ở cho yên thân đi. Tau với má mi nghe tin tức thường thôi mà tụi bay đã la ồn ào rồi. Bắt thêm loa nữa ai chịu cho nổi. Hay là tụi bay muốn đuổi hai ông bà già ni ra khỏi nhà cho khuất mắt?

Tôi vội vàng tiễn cậu thợ ra cửa với lời phân trần:

- Ông già … lớn tuổi rồi, hơi chướng, để cô giải quyết nghe.

- Dạ, không sao.

Ba má tôi sau chương trình TV thì thủ thỉ tiếp. Cuối cùng ba tôi nói một câu: Nhà của nó, nó muốn làm gì thì làm.

Tôi nghe mà lùng bùng cả hai tai, quá buồn, trong khi nhỏ em út nháy mắt:

- Anh chị bàn tán làm chi, cứ quyết định mua rồi kêu người ta lắp, hỏi ba làm chi cho rắc rối.

Ông xã tôi đã nóng người khi nghe ba tôi kịch liệt “bùi lan, bàn lui” nhưng anh cũng nhỏ nhẹ với con em:

- Thì ... mình cũng nên tôn trọng ba má, làm gì cũng phải hỏi ý kiến chớ em.

Tôi lên tiếng đỡ:

- Anh à, chắc ba già rồi nên hơi chướng. Để từ từ em hỏi lại.

- Ừ, ba mình ngày xưa cũng văn nghệ văn gừng lắm mà, sao tự nhiên ổng nổi chướng vậy ta? Từ hôm qua đến nay, nói tới là ổng phản đối kịch liệt, coi bộ không xong rồi.

Nhỏ em út còn quân sư:

- Ngày nào người ta đến lắp máy, em lấy xe giả bộ chở ba đi đâu đó cho rồi. Để ba ở nhà thế nào cũng … có chuyện!

Suốt đêm đó và nguyên ngày hôm sau, khi đi làm, tôi cảm thấy buồn hết sức. Tôi hơi ngỡ ngàng trước phản ứng của ba. Nhất là những câu nói nặng nề, có tính cách “chụp mũ” của ba. Tôi thầm nghĩ, mình là đứa con gái “cưng” của ba, từ trước đến giờ ít khi ba và mình bất đồng ý kiến, vậy mà lần này ông già đúng là không chìu mình chút nào … Không phải vì không làm được điều mình thích mà tôi buồn. Tôi biết ba tôi đã cao tuổi, tánh nết thay đổi hẳn. Ngày xưa, khi tôi còn bé, tôi đã biết ba là người ham thích văn nghệ. Ba không ngại tốn tiền khi chi tiêu vào những thú vui đàn ca hát xướng làm vui cửa vui nhà. Vậy mà bỗng dưng hôm nay ba đâm ra cáu kỉnh, khó khăn lạ kỳ … ba làm tôi thất vọng quá.

Tôi càng nghĩ, càng buồn. Nếu tôi không về ở chung với ba má thì dĩ nhiên tôi được tự do hơn. Như mấy đứa em khác của tôi. Muốn mua sắm, chưng dọn gì trong nhà cứ việc vô tư. Đâu có phải lùng bùng… khi nghe ba phán: Nhà của nó, nó muốn làm gì thì làm! Tôi đã sáu mươi tuồi đầu, đang sống trong một thế giới tự do nhất hoàn cầu, tôi không có được cái quyền hưởng thụ một niềm vui hay sao? Lòng tôi ấm ức. Tôi biết là mình không còn trẻ nữa, tôi đang dần bước vào cái tuổi quên chuyện nay mà nhớ chuyện xưa. Sống chung với ba má, nghĩa là tôi sống chung với hai người già hơn mình, lẩm cẩm hơn mình. Đó là hình ảnh của chính tôi ngày mai. Sự thay đổi về tâm tính, sức khỏe, suy nghĩ, lời nói, hành động … những cái chướng chướng, lảng lảng kỳ cục của ba tôi hôm nay … thì mai mốt đây, bước vào tuổi đó, tôi cũng y chang vậy. Tôi không thể nào mãi mãi sáng suốt tinh anh, không phải tôi mà tất cả mọi người, mọi vật trên thế gian này đều như thế, đó là quy luật. Tôi nhìn hình ảnh của ba má hôm nay mà nghĩ đến mình ngày mai. Đến đây, từ suy nghĩ này, tấm lòng tôi hình như … có phần cởi mở hơn. Tôi không buồn vì những câu nói hơi thiếu tế nhị của ba đã “phun” ra khi nổi nóng. Tôi bớt ưu tư, không phàn nàn về những chuyện ba má làm một cách vô ý, khi nhớ, khi quên, hay những sở thích hành động rất trẻ con… Tôi biết, mai này chính mình cũng vậy.

Mỗi ngày lái xe đi làm tôi đều mang nặng nỗi lo lắng, không biết ở nhà ba má có mở bếp gas quên tắt, đi ra đi vào quên đóng cửa … Chuyện má tôi nấu cháy các món ăn, cháy ấm nước … là chuyện bình thường như cơm bữa. Nếu có điện thoại của ba má gọi là lòng tôi hốt hoảng. Tuy ba má trông vui vẻ, khỏe khoắn vậy chứ … biết đâu được. Lòng tôi chùng xuống, tôi không hề thấy giận ba tôi. Thương ba và cảm thấy buồn quá!

 Tôi quyết định, nếu ba vẫn khăng khăng phản đối hay tỏ thái độ không vui, thì tôi đành bỏ cuộc. Ba má không vui, mình mua sắm làm gì cho tốn tiền. Người xưa nói “bỏ tiền mua vui”, mình bỏ tiền mà mua chuyện bực bội thì đúng là không nên.

Ngày hôm sau, đúng hẹn, người thợ sẽ mang đồ nghề và chở nguyên một xe cái giàn máy hát mà chúng tôi đã chọn. Từ chỗ làm, tôi hồi hộp gọi về cho ông xã:

- Anh ơi, tình hình …CUBA ra sao rồi?

- Mặt trận … vẫn yên tĩnh!

Có tiếng anh cười, sau đó:

- Cậuthợ tới, Má kéo …  ba vô phòng …rồi anh nghe má kêu réo: Ông ơi, vô đây bưng dùm tui cái ni, nặng quá nè! ... Hì … hì … chắc là cá đã cắn câu.

Buổi chiều, tôi đi làm về đến nhà thì giàn máy lắp sắp xong, đồ đạc giăng tứ phía, ba tôi đang lấy chổi quét quét, dọn dẹp. Ba hỏi người thợ:

- Chỗ này xong chưa con, để chú dọn bớt cho gọn? Còn mấy cái thùng … để đó mai chú dẹp cho. Nghĩ tay, ra ngoài hút điếu thuốc đi.

Tôi thở phào trước không khí rất đoàn kết đó. Tôi hỏi ông xã:

- Mệt không anh?

- Mệt gì đâu, thấy ba má vui vẻ là anh mừng rồi.

Ba tôi lên tiếng:

- Làm chi mà không vui, ba nói vậy chớ, hồi ba cở tụi bay tau còn … chơi trội hơn nữa. Hỏi má mi coi, bộ giàn máy Akai tau sắm hết mấy cây vàng, khi tau thích thì trời cản cũng không được nữa.

Má tôi tiếp lời:

- Ừ, bây giờ già rồi con ơi, nhiều khi lảng lảng, không thích ồn ào nên nghe nói sắm máy móc là không ưa. Tội nghiệp ổng! Hồi xưa, đâu có vậy, ổng cũng “chịu chơi” lắm chớ.

Trước khi người thợ ra về, ba tôi còn biếu cậu ta một trái bí đao, “cây nhà lá vườn” từ cái kho bí bầu trong… hồ tắm riêng của ba má trong phòng (Ba tôi thiết kế cái hồ tắm thành kho chứa bí bầu, bằng cách gác mấy cây gỗ lên mặt hồ, rồi sắp thành quả lao động của ba lên đó, thỉnh thoảng sau khi tắm, ba ngắm nghía, thưởng thức. Đây cũng là một “việc làm khó hiểu” của quí vị cao niên.

Tối đó, tôi mở máy ca vài bản nhạc mùi để thử máy. Tôi chọn mấy bài “ruột” của ba má “… Ngoài hiên, giọt mưa thu, thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu, ngừng trôi … nghe gió thoảng mơ hồ …”

Ba tôi nhắp nháy, nhìn lên màn hình hát theo, nụ cuời trên môi. Má tôi ngồi bên cạnh, nhìn ông cười cười, lắc đầu. Câu chuyện chiến tranh bùng nổ hôm qua dường như chưa từng xảy ra trong nhà tôi. Ông xã tôi thích chí cứ gật gù:

- Tội nghiệp ba, già rồi nên lúc nóng lúc lạnh. Hôm qua ổng “nồ” cậu thợ làm anh hết hồn.

Tôi nhìn anh:

- Mai mốt anh cũng chướng vậy chứ lo gì!

-Ừ, biết mà, ba má già trước mình già sau, vậy thôi.

Giàn máy đã lắp đặt xong, trong nhà vui vẻ từ ba má đến hai đứa cháu tí hon. Lòng tôi vẫn còn vương vấn những nỗi niềm không nói nên lời.

Ngoài kia, gió heo may đang về, những gốc cây già với cành lá xanh mướt đang dần dần chuyển màu. Lác đác, đã thấy màu vàng của thu sang. Sự thay đổi về thời tiết bốn mùa trong vũ trụ cũng như sự chuyển mình trong cơ thể con người. Tôi đang đón chờ mùa thu của đất trời và cũng là mùa thu của đời người.

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
07/03/201815:58:56
Khách
Người viết bài này có tâm tình rất sâu sắc, hiếu thảo và rất thật lòng. Bài viết nói đến những nổi buồn riêng với lời văn giản dị, đọc cũng buồn cười nhưng khá hay. Cám ơn Việt Báo đã chọn những bài viết từ những cây bút không chuyên nhưng nội dung và hình thức có giá trị. Xin cám ơn tác giả rất nhiều.
06/03/201812:37:23
Khách
Cảm ơn tác giả đã với câu chuyện kể về Ba mẹ mình; tôi nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Khi thế hệ con cháu sinh sống ở Mỹ sống chung mái nhà với ông bà, cha mẹ cao niên chắc chắn ai cũng có những nỗi buồn như nhau. Nói ra thì ngại bất hiếu, mà giữ kín trong lòng thì khó mà cảm thấy thoải mái, tự do. Thôi thì vui với những gì mình đang có để cuộc sống được an lạc.
03/03/201815:37:15
Khách
Chuyện hay, cách viết giản dị, ý tưởng và người sâu sắc quá.
Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến