Hôm nay,  

Vui Tết Mậu Tuất 2018

24/02/201800:00:00(Xem: 11044)
Tác giả: Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Bài số 5321-19-31166-vb7022418
 

Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là  tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader”  đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.

VVNM (1)

Các bà các cô hát Xuân Ca.

VVNM (2)

Từ trái, Kim Ngân, Kim Khánh, và Kim Dzung chúc thọ nhà văn Doãn Quốc Sĩ.

***

Năm nay người Việt ở nam Cali đón Tết Mậu Tuất 2018 trong những điều kiện thuận lợi của thiên nhiên đất trời. Không khí vừa se lạnh để người ta diện những cái áo lạnh đẹp. Trời trong sáng, mây xanh, nắng ấm, gió nhẹ. Đêm Giao Thừa lại vào tối thứ năm, khá thuận tiện cho mọi gia đình cúng ông bà, dự lễ đón Giao Thừa tại các chùa Việt Nam. Nếu phải đi làm thì chỉ làm thêm ngày thứ sáu là được nghỉ ăn Tết với gia đình, không vội vã, cập rập làm mất hứng như những năm ngày ba mươi Tết rơi vào thứ hai, thứ ba,hoặc thứ tư. Với Hội Chợ Tết Cộng Đồng ở Mile Square Park, thành phố Fountain Valley hay Hội Chợ Tết Sinh Viên Quận Cam tại thành phố Costa Mesa, thì còn thuận lợi hơn vì ba ngày Tết vừa vặn với cuối tuần, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Người ta vừa thong thả ăn Tết, vừa thoải mải đưa gia đình đi hội chợ, đi chùa, đi lễ nhà thờ đầu năm. Với những ai làm cho chính phủ liên bang, tiểu bang hay thành phố thì còn được nghỉ thêm ngày mồng bốn Tết nữa vào thứ hai, ngày Lễ Các Tổng Thống Mỹ. Đã thiệt! Chưa bao giờ các ông Tổng Thống Mỹ lại dễ thương đến thế! Xin cám ơn quý ông.

Kim Ngân, người điều hành Viện Việt Học tại Quận Cam, và tôi cùng hẹn nhau đến Việt Báo chúc Tết ngày đầu năm. Sáng mồng một Tết, sau tràng pháo dài và múa lân, đúng mười một giờ khách mời tề tựu đông đủ trong phòng sinh hoạt Việt Báo để mừng xuân mới. Năm nay không chỉ quý bà quý cô mặc áo dài mà nhiều quý ông, nhất là các ông còn trẻ cũng mặc áo dài nữa. Tinh thần hướng về cội nguồn của người Việt mạnh mẽ quá. Các anh trẻ thích mặc kiểu áo dài cách tân với quần tây hơi ôm, có nhiều hoa văn, dài chưa đến gối, cổ thấp thoải mái, cài khuy đằng trước. Kim Ngân ghé tai tôi: “Mấy áo dài này lạ quá!” – “Ờ! Hơi giống áo Trung Đông.” –“Nhưng giống Trung Đông còn hơn giống Tàu.” Nhắc đến Tàu chắc làm nhiều người dị ứng rồi.

Bỗng có tiếng mời tất cả quý bà quý cô mặc áo dài lên sân khấu để chụp hình. Dù cố làm lơ nhưng cuối cùng ba chúng tôi đành phải lên. Hàng người rồng rắn đang xếp hàng lấy đồ ăn bỗng rộng ra chỉ còn mấy ông mà thôi. Chụp ảnh xong mấy bà mấy cô được mời đứng lại để cùng hát bài “Xuân Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy. Hát hết bài rồi mà không được tan hàng. Anh nhạc sĩ đệm đàn organ mặt mày rạng rỡ, cười hý hửng cứ liên tục đánh điệp khúc “Xuân xuân ơi! xuân hỡi! xuân ơi!” hoặc “Xuân trong tôi….” Và các chị em cứ phải hát mãi, hát mãi. Hẳn là anh khoái chí lắm vì bẫy được phụ nữ chúng tôi vào cái mê hồn trận Xuân Ca này. Còn “nhạc trưởng” Bích Liên thì say sưa giơ cao hai tay lên xuống điều khiển giọng hát của mọi người. Ai cũng vừa tức cười vừa hát. Hát đến bao giờ mới được ra đây? Thời may nghệ sĩ Kiều Chinh nhìn về “nhạc trưởng” cứu nguy vừa ra dấu bằng tay vừa nói nhiều lần “ba lần nữa, ba lần nữa thôi”. Nhờ vậy mà nh5c xuân chuyển cung!

Việt Báo ăn Tết còn là lễ mừng sinh nhật thứ 95 của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ. Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, chủ bút Việt Báo, làm hai câu đối mừng thượng thọ cụ Doãn thật hay và nhà văn Nhã Ca đã đọc:
 

“Mang gươm giới định huệ, đi tận cùng trời cuối đất

Phá trận tham sân si, viết để Giữ Ngọc Gìn Vàng”
 

“Gìn Vàng Giữ Ngọc” là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, viết về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự ăn ở tử tế giữa người và người.

Hôm nay giọng Soprano cao vút của Bác sĩ ca sĩ Bích Liên quyện với tiếng đàn guitar xuất thần của Doãn Hưng thật tuyệt vời trong một ca khúc  Trần Dạ Từ, “Lòng Ta ở Với Người”. Nguyên thủy đây là bài thơ mà thi sĩ Trần Dạ Từ đã sáng tác chung với cụ Doãn khi hai người còn bị giam giữ trong tù cải tạo ở quê nhà.

Cụ Doãn đọc bài “Thề Non Nước” của Tản Đà đáp lễ lại. Giọng cụ sang sảng rất khỏe. Cụ đọc thơ lưu loát truyền cảm. Nếu đứng xa và chỉ lắng nghe thôi thì tưởng là một một tráng sĩ đang tự nhắc mình lời thệ nguyện với nước non sơn hà xã tắc. Lãng mạn hơn thì tưởng nhưanh thanh niên độ tuổi bốn mươi đang đọc thơ tình nhớ lời nguyện ước với người thương phương xa.

Không biết có ai để ý điều này không nhỉ. Hình như Trời phú cho cái giọng bắc kỳ và chỉ bắc kỳ thôi nhé, nam cũng như nữ, cái trẻ trung, trẻ mãi không già trong giọng nói. Tôi biết được điều này nhờ bao năm gọi điện thoại nói chuyện với bố mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy sắp vào tuổi chín mươi rồi nhưng chất giọng Hà Nội vẫn mềm mại, trong veo, nhẹ nhàng như người phụ nữ ngoài ba mươi đang thỏ thẻ, thủ thỉ những lời êm ái ngọt ngào bên tai mình.


Có phải vì lòng thương yêu bố tôi hay không mà mỗi lần gặp cụ Doãn tôi lại nhớ đến bố tôi và thấy hai cụ giống nhau quá. Cũng cao như nhau, mặt vuông, xương xương, đeo kính lão to to từa tựa nhau, ánh mắt hiền hòa bao dung, miệng cười đôn hậu, có khi đôn hậu đến ngây thơ, phong cách đi đứng và nói chuyện cũng giống nhau, Chỉ khác một điều là bố tôi không viết văn như cụ, kém cụ một tuổi, vừa khuất núi và cũng sắp đến giỗ đầu rồi.

Đức Phật dạy rằng “cha mẹ tại đường như Phật còn tại thế”. Là sau khi Phật nhập Niết Bàn, những ai phụng dưỡng cha mẹ già với tất cả tình yêu thương trân quý thì cũng như là một lòng cung kính thờ kỉnh Phật vậy. Đây là một hạnh phúc ngọt ngào hiếm quý mấy ai có được. Xin chúc mừng! Chúc mừng toàn thể Doãn Gia!

Tôi cũng định gọi điện thoại kể chuyện lễ mừng đại thọ 95 tuổi của cụ Doãn cho bác tôi ở D.C. nghe. Cụ và bác tôi vốn có tình thâm giao đồng nghiệp cùng dạy ở Sư Phạm Saigon lâu lắm rồi. Mấy ngày Tết vừa việc trong nhà, việc bên ngoài và việc bất ngờ làm tôi mệt đuối định sáng mồng bốn Tết mới gọi cho bác. Nào ngờ chưa kịp gọi thì nhận được tin bác tôi bị tai biến mạch máu não tối mồng hai Tết, và hôn mê sâu rồi. Các bác sĩ trong nhà cũng như các bác sĩ ở bệnh viện đều nói rằng bác tôi sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa. Lòng xót xa, ngậm ngùi! Thế là chẳng bao giờ bác cháu tôi còn dịp chuyện trò qua điện thoại hay gặp nhau nữa. Phải chi tôi gọi bác tôi sớm hơn! Đời vô thường là thế! Kiếp nhân sinh mong manh là thế! Ai rồi cũng phải ra đi. Trả lại hình hài này cho cát bụi là chuyện cố định. Nhưng trả lại khi nào và trả lại như thế nào lại bất định như một bí mật riêng của mỗi người mà chính họ cũng không biết.

Có vị thiền sư nhìn thấy đời người ngắn ngủi mà hình như người ta không hiểu, cứ nhẩn nha vui chơi trong nhà lửa nên đã than rằng:
 

“Nhật nguyệt dị mại

nhược thất vân lai

sanh giả bất tu

tử tương hề cụ.”
 

Xin tạm dịch là:
 

“ngày tháng qua đi

bao giờ trở lại

lúc trẻ chẳng tu

chết biết về đâu.”
 

Thật vậy, “nhân thân nan đắc”, thân người khó được lắm. Đức Phật dạy rằng có khi phải trải qua vô lượng kiếp sống khác nhau mới được sinh làm người. Thế nhưng khi có được thân người mấy ai biết được điều ấy. Với lòng ái dục vốn theo ta từ bao kiếp, với thân người và trí tuệ của con người, ta thả sức tung hoành đông tây ngang dọc để đem về cho ta và những người ta thương yêu những gì tốt đẹp nhất trên đời bất kể bao người phải chịu đựng thiệt thòi, đau khổ, mất mát…

Ta cũng không màng đến một điều rất bình thường là khi sinh ra ta chỉ có một thân người trần trụi bé nhỏ và khi từ giã cõi đời này ta chỉ là một thân hình rệu rã chẳng đem theo được gì dù ta có uy quyền hiển hách và giàu sang tột bực. Cái điều thông thường đó chính là sự bình đẳng giữa muôn người bất kể giai cấp, không gian và thời gian. Đến với nhân gian tay không và ra khỏi nhân gian cũng tay không. Có chăng chỉ còn công và tội (phước báo và nghiệp báo) theo ta mà thôi.

Có những người sau khi bị đột quỵ vài lần mới lo tập thể dục, đi bộ, ăn kiêng. Có người khi tuổi đã cao lắm mới đủ duyên tìm đến già lam tự viện. Người ta bảo “có còn hơn không”. Đúng vậy. Nhưng tốt hơn cả là hãy chăm sóc thân khi thân còn khỏe mạnh và chăm sóc tâm khi đầu óc còn minh mẫn sáng suốt. Việc gì cũng vậy, nếu làm đúng lúc sẽ luôn luôn đem đến kết quả tốt đẹp. Và sẽ không bao giờ phải nói “ước gì…; phải chi…; nếu mà…”

Ngày Tết ai cũng chúc nhau “vạn sự như ý”. Nhưng sáng sớm mồng một Tết trong buổi lễ Phật đầu năm ở thiền đường Tánh Không, cư sĩ Tuệ Huy Tô Đăng Khoa đổi ngược lại “ý như vạn sự”. Và tôi rất thích cái cách chúc nghe như ngược đời này. Tuy nhiên thử đổi lại một chút xem sao, “vạn sự ý như”. Ý bao giờ cũng dẫn cái tâm đi vạn nẻo xa rời cái thân này. Nhìn tất cả trôi qua với tâm Như thì ý không lôi tâm đi đâu được. Nên tâm không mong cầu, không sanh diệt, không phân biệt ta và người. Là “viễn ly điên đảo mộng tưởng”. Là “bình thường tâm thị đạo”. Như thếxuân về, xuân qua, mọi việc đổi thay tâm vẫn lặng lẽ. Chao ơi, khó quá, khó quá! Biết làm sao được! Nhưng bao người đã làm được. Thiền sử còn ghi rành rành kia. “Vạn sự ý như” là lời tự chúc, tự nhắc nhở mình không chỉ vào ngày xuân mới mà từng mỗi phút giây trong cuộc sống tất bật hằng ngày sau mấy ngày Tết phù du. Cứ như vậy sẽ có ngàythấy được mặt mũi thật của thế gian. Thế nên Thiền Sư Mãn Giác sau khi chứng đạo đã có bài thơ:
 

“Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.”
 

Tết vẫn còn dư hương. Thân chúc quý độc giả Việt Báo tân niên Mậu Tuất thân tâm thường lạc.

Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,268,537
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến