Hôm nay,  

Ông Dương Trần

22/02/201800:00:00(Xem: 11401)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5319-19-31164-vb5022118

 
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.  Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự  Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự  VVNM 2017.

VVNM (1)

Tiệm băng nhạc trong Phước Lộc Thọ.

VVNM (2)

Cây bưởi góc vườn.


***

 
Ông tên là Trần văn Dương, qua Mỹ người ta gọi ông là Dương Trần. Ông thích danh xưng của mình vì được nhắc trong bản nhạc nổi tiếng mùa Noel: “Dương Trần đã vang lên bài Thánh Ca. Mùa đông năm ấy Chúa sinh vì ta. Năm ấy không xa bây giờ, vào một mùa giáng sinh….”
 

Mới đó mà đã giữa tháng chạp rồi, người người chuẩn bị đón mừng Tết. Cây hoa anh đào trước nhà rụng hết lá, im lìm  như đang chìm vào giấc ngủ cuối đông. Ông Dương Trần  lấy cặp kính lão đeo vào mắt rồi nhìn sát cây,  mới thấy những nụ hoa nhỏ xíu đang nhú ra đầy cành. Ông ước chừng chỉ vài tuần nữa sẽ nở những cánh hoa đào trắng điểm nhụy hồng tuyệt đẹp. Cây anh đào này ông Dương Trần xin giống của người bạn gần nhà ông,  sau khu Phước Lộc Thọ.  Nó nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, nên ông quý lắm.

Ông Dương Trần  nghĩ tới những ngày Tết trên quê hương,  quan trọng và linh thiêng biết bao! Chả bù với bên này, mọi người vẫn phải đi làm, đi học như thường. Nhưng Tết Mậu Tuất năm nay rơi vào những ngày cuối tuần, người Việt Nam được nghỉ ở nhà, có nhiều thời gian dành cho gia đình, và người thân, đến chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Tiết trời giao mùa còn lành lạnh,  nhưng mùa xuân đã đến trong lòng những người Việt tha hương. Nhất là  khu Little Saigon, tràn đầy không khí Tết.  Hằng năm vẫn duy trì các khu Chợ Hoa Tết, trên đại lộ Bolsa/Trần Hưng Đạo,  chợ đêm Tết trước khu thương xá Phước Lộc Thọ. Trong các siêu thị bán đủ thứ bánh, mứt, trái cây…. Vào những ngày đầu tháng giêng (như năm Mậu Tuất 2018 này) đều có diễn hành Tết, Hội chợ Tết, tấp nập các đồng hương khắp nơi đổ về như trẩy hội.

Thằng David con trai út ông Dương Trần, năm nay ở tuổi  “tam thập nhi lập” cao ráo đẹp trai, mà vẫn độc thân vui tính. Buổi tối cuối tuần nó thường  hẹn với đám bạn cùng làm trong hãng máy bay Boeing, tập họp tại nhà ông,  rồi đi bộ ra chợ đêm trước Phước Lộc Thọ,  chừng năm phút là tới.  Chúng í ới kéo nhau  vừa đi vừa trò chuyện,  ngắm chợ hoa muôn màu,  tím, vàng, xanh, đỏ…. Tiện chân,  ghé vào mấy quầy hàng,  thưởng thức món ăn mang hương  vị quê hương Việt, đủ thứ: nào thịt nướng, mực tươi nướng ngon độc đáo, bắp nướng mỡ hành, hòa với mùi chuối chiên thơm phức, đặc biệt là các hàng bún, hủ tíu, cháo… và còn nhiều thức ăn  hấp dẫn không kể hết. Giải khát thì có xe nước mía nguyên chất ép thêm trái quýt ngọt lịm. Thực khách không chỉ là người Việt Nam, mà còn nhiều người gốc Châu Á khác, như bạn con ông Dương Trần có thằng Patricia người Philippines, Lee người Đại Hàn, Kelvin người bản địa… trở thành khách hàng thường xuyên. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc trong các sinh hoạt của người Việt.  Người ta đặt Lillte Saigon là “Trung tâm ẩm thực” sầm uất nhất miền Nam Cali, quả không sai.

Nhắc tới Phước Lộc Thọ,  làm ông Dương Trần chạnh nhớ lại một thời hoàng kim của các trung tâm băng đĩa nhạc Việt Nam tại hải ngoại.  Ông có người em vượt biên, tỵ nạn ở tiểu bang New Jersey miền Đông Bắc Hoa Kỳ,  vào đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước. Sau thời gian miệt mài đèn sách, đến khi ra trường  xin được việc,  lại không thích hợp với công việc mình đang làm.  Vợ chồng người em bàn nhau đổi qua kinh doanh. Chuyển về Nam California sản xuất băng đĩa nhạc, đóng góp vào nền văn hóa nghệ thuật, gìn giữ ngôn ngữ Việt Nam, như món ăn tinh thần cho đồng hương tại hải ngoại. Trung tâm băng nhạc người em khai trương  thành công ngay từ bước đầu,  để từ đó phát triển hàng chuỗi chi nhánh trên những tiểu bang có đông người Việt sinh sống.

Đầu năm 1994 ông Dương Trần đến Mỹ theo diện HO. Những ngày đầu bỡ ngỡ trên miền đất mới, ông  không phải điền đơn đi tìm việc như các bạn cùng cảnh ngộ. Ông được người em sắp xếp ngay cho việc coi dàn máy sang băng video và cassette trong kho. Trung tâm sản xuất có nhiều việc, nào cắt, sấy, bọc băng, dán nhãn, bỏ bìa, v.v… ông đều làm qua. Thời điểm đó để ra được thành phẩm phải mất rất nhiều công đoạn. Khi lượng phát hành tăng nhanh, chủ trung tâm phải tuyển thêm nhân viên hoài. Sau này có CD và DVD nhẹ nhàng, tiện lợi hơn.

Thời gian sau, cửa tiệm bán băng nhạc trong Phước Lộc Thọ mở rộng thêm, chú  em điều ông Dương Trần  ra tiệm phụ bán hàng và đóng hàng. Nhưng ông có khiếu về buôn bán, tính toán nhanh nhẹn, lại chịu khó và cẩn thận, chẳng bao lâu ông được giao phó việc quản lý trông coi tiệm. Từ ngày đó vợ chồng người em không phải bận tâm nhiều, chỉ lo việc sản xuất, và mở mang thêm nhiều chi nhánh các nơi. Ông bám trụ trong tiệm băng nhạc này hơn hai mươi năm. Không một ngày nghỉ bệnh, thỉnh thoảng hắt hơi sổ mũi, ông uống vài viên tylenol là khỏi. Ngay cả nghỉ phép thường niên ông cũng không màng. Ông gắn bó, tận tâm và ý thức trách nhiệm với công việc của mình, nên người em rất tin tưởng và quý mến ông.

Thuở ấy nếu ai hay đến Phước Lộc Thọ mua sắm, hẳn đều biết về tiệm băng nhạc này. Vừa bước vào cổng sau,  tiệm nằm ngay tầm nhìn phía tay phải, với ánh đèn màu tím panse chớp nháy bên chiếc TV  lớn đặt giữa tiệm,  hình ảnh và âm thanh xập xình theo tiếng nhạc thật vui nhộn.  Bấy giờ bên trong khu thương xá, có cả chục tiệm băng nhạc lớn, như Tao Đàn, Làng Văn, Hải  Âu, v.v… Vậy mà tiệm của ông, từ sáng vừa mở cửa đến chiều tối luôn tấp nập,  người ra kẻ vào.  Nhất là những ngày lễ, ngày Tết, doanh thu bằng ba ngày thường.  Đã thế,  chủ mướn  hai cô “cựu người mẫu chân dài”  lại khéo ăn nói đứng bán hàng,  các cô được khách hàng chiếu cố tận tình, nên gói hàng không kịp. Ông Dương Trần vừa đóng hàng gửi đi các tiểu bang xa, vừa phải kiểm soát liên tục để xếp băng đĩa lên kệ, vào những chỗ trống cho đủ hàng bán, mà cũng mệt phờ râu!

 Nhưng không bằng nỗi lo đóng tiền rent tiệm hàng tháng cho đúng hạn kỳ, nếu trễ sẽ bị phạt, ông Dương Trần không bao giờ để trễ. Hàng năm chủ mall lên tiền rent tiệm  theo thời giá, nhiều cửa hàng vì ế ẩm,  không kiếm đủ tiền đóng, cỡ mười ngàn đô một gian hàng lớn, mà vài tháng cộng với tiền lời thì “khẳm địa” chẳng mấy nỗi mà sập tiệm. Chủ mall họ không cần biết “Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Những ngày lễ lớn,  bắt điện trang trí rực rỡ, cửa trước, cổng sau, bên trong, bên ngoài. Để Asian Garden Mall đẹp đẽ sáng sủa, nổi bật hơn các khu thương mại khác. Nhưng hỡi ơi! Tiền điện khá nặng, chủ Mall chia đều cho các tiệm phải gánh chịu hết…. Tuy vậy nhờ vào những ngày lễ , ngày Tết, người Việt khắp nơi tìm về Little Saigon,  nơi có nhiều đồng hương quần tụ đón Tết truyền thống, rồi ghé vào Thương Xá Phước Lộc Thọ mua sắm, cũng giúp cho nhiều cơ sở kinh doanh tồn tại, đứng vững trong nhiều năm ….

Ngày nay khoa học kỹ thuật quá tân tiến, giúp con người kết nối qua Internet mọi nơi, mọi lúc, qua những mạng truyền thông giá trị và hữu ích. Internet là công trình lớn nhất của thế kỷ này, nó đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội văn minh, đã giúp biết bao nhiêu người trở nên giàu có mau chóng. Đồng thời chính Internet cũng là “thủ phạm” làm điêu đứng hàng loạt những ngành nghề có truyền thống cả thế kỷ, phút chốc chỉ còn là dĩ vãng! Mà hậu quả trực tiếp nhất là ngành sản xuất băng đĩa lao đao,  tuột dốc không phanh!.

Tiệm băng nhạc của ông Dương Trần cùng chung số phận. Chủ tiệm phải bớt người bán hàng chỉ còn mình ông độc diễn,  vừa bán hàng, đóng hàng, gửi hàng, nên tiệm vẫn còn chịu đựng qua cơn sóng gió. Ông phải lo tính toán chi li đầu nọ đắp đầu kia, cho đến lúc hạ màn tiệm không thiếu nợ ai một đồng nào.  Theo kinh Nghiệm trong nghề ông nói: “Chi phí cho một đĩa băng gốc rất tốn kém, nào tiền cát-xê cho ca sĩ, tiền hòa âm, tiền thuê mướn công nhân trong khâu sản xuất, tiền xin giấy phép …”  mà băng đĩa bán càng ngày càng giảm, trong khi băng sao chép lậu với gía rẻ mạt được tiêu thụ khắp nơi. Cho dù chủ trung tâm băng nhạc có mướn luật sư đại diện nhờ cảnh sát can thiệp, cũng không kết quả gì, chỉ tốn thêm tiền.

Những ngày tháng người ta chỉ nghe nhạc qua CD, nâng niu từng chiếc đĩa khi bỏ vào máy,  không còn nữa bây giờ  tất cả chỉ là kỷ niệm. Rồi nạn in lại và download tràn ngập.  Đa phần các website âm nhạc đều cho thính giả nghe miễn phí.


Sự ra đời của MP3 file nén nhạc, cho phép người sử dụng Internet có thể dễ dàng lưu trữ những bài hát mà mình ưa thích trong ổ cứng của máy tính. Sự xuất hiện chiếc Ipod của Apple, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng người hâm mộ, đã biến những chiếc CD trở thành đồ “lưu niệm” lạc hậu!  Netflix có thể coi trực tiếp phim trên Internet qua computer, qua TV hoặc Smart phone, gây tác động xấu tới sự ổn định của các cửa hàng cho thuê phim ảnh.  youTube trên Ipad, Iphone, thì tha hồ xem  từ phim bộ, đến  nhạc thời tiền chiến, nhạc vàng, hay nhạc thời đại này… cũng đầy đủ.

Ngày lễ Father’s Day năm rồi, các con ông  Dương Trần  mua biếu bố chiếc LG  4K TV, lớn 65 inches,  ông khỏi đeo kính mà màn hình nét và rõ không tả được. Từ chiếc TV này, dùng  remote –control ông có thể xem đủ mọi thứ từ phim tài liệu, ca nhạc,  các show hài qua youTube… rõ mồn một như đang ngồi trong rạp hát lớn mà không phải trả tiền. Ông  thích nhất là những buổi trình diễn Thánh Ca có hoạt cảnh,  của các xứ đạo từ Việt Nam đến hải ngoại. Ông thầm nghĩ:  “Hèn chi cái nghề sản xuất  băng nhạc phải cáo chung!”.

Ông Dương Trần  buồn và tiếc nuối công việc bán hàng ông đang yêu thích. Nhưng phải chấp nhận thực tế thôi!  Ông tự  an ủi tuổi già. Chứ thấm thía gì với nỗi đau nuối tiếc thời tuổi trẻ,  khi ông cùng các bạn trang lứa, những người trai sinh vào thời đất nước loạn ly “Xếp bút nghiên theo việc binh đao”.  Quên sao được những ngày tháng cùng các bạn đồng đội đã gian nan chiến đấu bên nhau, đã đổi bằng máu và nước mắt từ trong khói lửa chiến chinh, với tinh thần bất khuất quyết bảo vệ quê hương. Rồi vì nghịch cảnh, bản thân ông và các bạn đã không hoàn thành sứ mệnh, phải gác súng nửa chừng, chịu cảnh nghiệt oan trong ngục tù Cộng Sản. Một thời xót xa, khó mà quên!

Ngày đóng cửa tiệm, không kèn không trống. Ông âm thầm dọn hàng vào nhà kho trên đường Moran, để clean tiệm trả lại cho chủ Mall. Từ đó tiệm băng nhạc của ông trong Thương  Xá Phước Lộc Thọ không còn vết tích gì nữa: “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”! (HTQ)

Trong kho chứa hàng rộng rãi lạnh lẽo, ông Dương Trần lủi thủi một mình vừa bỏ hộp, vừa dán bìa, vừa vào bọc platic, cho hết những đĩa DVD và CD cũ còn lại để bỏ mối cho vài tiệm băng nhạc bạn, còn cố buôn bán cầm cự . Thỉnh thoảng ông cũng đóng hàng gửi cho khách ở tiểu bang khác đặt mua hàng qua điện thoại.

 Theo phong trào mua sắm trên online,  chủ tiệm cũng lập trang  website để  bán hàng trên mạng. Phải mất công chụp và chỉnh sửa hình ảnh, các sản phẩm mình muốn đưa lên,  phải duy trì làm sao để website hiệu quả. Để khách hàng có thể tìm thấy mình qua Google. Rồi cập nhật hình ảnh, kiểm tra đơn đặt hàng của người mua, vừa tốn kém và phức tạp mà chẳng lời bao nhiêu. Ban đầu ông cũng bán được lai rai, thời gian sau ế ẩm, ông đành bỏ cuộc luôn!

                                                                        *

Ông Dương Trần tỉa lại chậu hoa lan Úc, năm nay nở nhiều hoa, những chùm hoa vàng nhỏ li ti như cánh hoa mimosa Dalat khi xưa.  Mặt trời lên cao, chiếu những tia nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá trên dàn chanh dây,  đẹp lạ thường.

Từ ngày nghỉ hưu,  ông chăm sóc khu vườn sau nhà tươi tốt hẳn ra. Góc phải là cây bưởi,  năm nay ông tỉa bớt cành,  ít trái nhưng trái nào cũng to tròn như quả bóng rổ. Góc trái cây quýt đường,  trái sai rũ gần tới đất, những cây họ nhà cam mà lại trồng trên đất của Quận Cam nên tươi tốt quanh năm, lại cho trái vào mùa Tết, tiện cho việc cúng kiếng. Ông chỉ việc đưa tay lên hái lộc trời ban đi biếu người thân cũng như bạn bè xa gần, thấy mọi người vui là ông mừng.

Nhắc tới bạn bè, ông Dương Trần thường mặc cảm với những người bạn đến Mỹ cùng thời điểm với mình, có người đi làm hãng Mỹ,  người thì sinh sống  ở các tiểu bang đông người Mỹ, có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ. Bây giờ họ nói tiếng Anh như gió, còn ông từ ngày nghỉ hưu, vợ nhắc cắp sách đi học lại. Vì từ ngày qua Mỹ, ông đóng đô ở thành phố Westminster hai mươi mấy năm nay. Hồi mới đến từ trong xóm tới đầu ngõ, bước chân ra là đã nghe : “Ông ở Việt Nam mới qua phải không?”. Ông Dương Trần giật mình: “Sao ông biết”. Ông hàng xóm cười cười: “Hôm qua thấy ông lượm mấy cái ghế cũ ngoài đường về”. Ông chưng hửng!

Chúa Nhật đi lễ nhà thờ Giáo Xứ Blessed Sacrament, từ cha chủ tế, đến giáo dân, ngồi chật ních nhà thờ đều là người Việt Nam. Đọc kinh dâng lễ, ca đoàn cũng hát tiếng Việt.  Đến khi đi làm trong môi trường toàn người Việt.

Hồi còn ở Việt Nam, ông Dương Trần đọc và viết tiếng Anh trôi chảy, nhưng không  thực hành, gặp ông giáo sư người Việt Nam dạy đàm thoại thế nào, mà qua đây ông nói người Mỹ không hiểu. Vợ của ông đã ghi tên học ESL, ngay từ những ngày đầu. Nhưng mỗi lần khuyên ông đi học, thì ông phùng mang trợn mắt: “Làm từ sáng tới tối mịt mới về, thì giờ đâu mà đi học, bên Việt Nam tôi đã học nhiều rồi, chỉ cần ở Mỹ này một thời gian là tôi sẽ nói giỏi” Nhưng  ông bán hàng trong khu Thương Mại Phước Lộc Thọ, chẳng thấy ông Tây, ông Mỹ nào, toàn là dân đầu đen, thỉnh thoảng có vài người Mễ thì lại “No English”. Như vậy làm sao mà ông  practice English được.

Vợ ông phải từ tốn giải thích: “Ông ơi! Bây giờ ông không tìm cách mà học, thì càng ngày càng già, càng lú lẫn. Rồi có dịp ra phi trường hay đến nhà thương, làm sao mà nghe và nói với các nhân viên người Mỹ, đâu phải lúc nào cũng có người Việt Nam thông dịch cho ông”. Nghe có lý,  ông nhận ra rằng muốn nói tiếng Anh cho đúng giọng thì phải đến trường học lại. Ông bàn với vợ tìm lớp buổi sáng, sớm nhất, học xong về đi làm trễ một chút, chắc chủ cũng thông cảm.

 Ông lấy lớp đàm thoại từ  8:00 am đến 10:00 am  ở trường  Coastline College, học được ba, bốn năm, cũng đủ nói những từ cho công việc của ông như: - gửi hàng tại hãng UPS  hay ra bưu điện, hoặc đến ngân hàng deposit tiền hàng ngày. Sau vì công việc bận rộn quá ông phải nghỉ, hẹn với vợ khi nào retire sẽ đi học lại.

 Vậy mà quay qua quay lại, đã đến hạn khất hứa với vợ rồi. Thôi thì đi học cho vui cửa vui nhà, chứ ông thấy sống tại Little Saigon mang danh Thủ Đô của người tỵ nạn việt Nam, nhu cầu tiếng Anh cũng không cần thiết với những người già như ông.  Vì là nơi có đông người Việt nhất hải ngoại, đặc biệt  các thành phố Westminster, Santa Ana, Garden Grove… Tại đây có hơn mười kênh truyền hình, nói rặt tiếng Việt, hai mươi bốn giờ trong bảy ngày, từ tin tức đến bình luận, phim ảnh, ca nhạc, coi mệt nghỉ.

Báo chí thì có báo tháng như : Nguyệt San KBC, Hiệp Nhất… vợ ông mua dài hạn.  Tuần báo có báo Chí Linh,  Việt Mỹ…. Nhật báo thì có Việt Báo, Người Việt, Viễn Đông….. Tin tức cập nhật, in ấn đẹp đẽ,  rõ ràng,  đọc không xuể.

Ông Dương Trần nghiệm ra rằng, các cháu nội, ngoại của ông, chỉ sợ chúng quên tiếng Việt, chứ tiếng Mỹ thì vừa lọt lòng mẹ đã có trong đầu “Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi” cả hai thứ tiếng. Các cháu của ông may mắn được sống tại khu Little Saigon này,  chúng sẽ nói tiếng Việt giỏi, vì những sinh hoạt thiếu nhi trong nhà thờ, hoặc chùa chiền,  anh chị huynh trưởng trong các đoàn thể, cố ý nói tiếng Việt để các em luyện tập. Cộng đồng, cộng đoàn,  đua nhau mở các trung tâm Việt Ngữ, để các thầy,  cô thiện nguyện có dịp hết lòng dạy dỗ các con em. Chả thế mà ngày Tết Cổ Truyền,  các cháu ông mới bốn năm tuổi đã biết khoanh tay nói: “Con xin chúc ông bà vui vẻ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi” rồi đưa tay nhận bao lì xì với tiếng “cám ơn ông bà”  rõ ràng. Ông thấy vui trong lòng.

Nghe cháu chắt ông ê a đánh vần a, b, c  (chứ không a,bờ, cờ, theo kiểu Việt Cộng). Và nghêu ngao học thuộc bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa : “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha…” Ông bỗng xúc động đến trào nước mắt, nhìn đàn con cháu tại hải ngoại này, mặc nhiên chúng được học theo chương trình tiếng Việt, nhân bản và phóng khoáng của thời Việt Nam Cộng Hòa xa xưa.

 
Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
23/02/201818:57:29
Khách
Xin bổ túc thêm 1 chút để khỏi bị hiểu lầm: cả hai cách mà người VN gọi là đánh vần theo VNCH (a, bê, xê...) và VC (a, bờ, cờ...) đều thiếu sót nếu so tiếng Anh. Theo tiếng Anh thì kiểu VNCH gọi là đánh vần và kiểu VC gọi là phát âm (phonics). Tiếng Anh phân biệt rõ ràng: đánh vần là Ê (A), Bi (B), SI (C); phát âm là A (A), BỜ (B), CỜ (D).
23/02/201818:49:02
Khách
Chúng ta cần phân biệt giữa đánh vần (spelling) và phát âm (phonics). Các con của tôi khi đi hộc trường Mỹ được dạy đánh vần (spelling) là A (ê), B (bi), C(si), D (đi). Tuy nhiên, khi học phát âm (phonics), các em (nhất là mẫu giáo và lớp 1), phải đọc là a, bờ, cờ, đờ....

Nếu chúng tôi suy nghĩ một chút thì thấy là cách phát âm (phonics) a, bờ, cờ,đờ là cách học đọc dẽ dàng nhất cho nhữg người đang học đọc. Ví dụ: khi phát âm chữ ca, nếu phát ăm chữ C là cờ, thì khi ghép "cờ" và "a" thì sẽ ra chữ
"ca". Còn nếu phát âm chữ C là "si" thì khi ghép với chữ "a" và nói lẹ sẽ ra chữ "sa" chứ không phải là "ca".

Tôi không thích Việt cộng; tuy nhiên tôi nghĩ các phát âm bờ, cờ, đờ mà họ dùng dễ cho các em học tiếng Việt hơn. Nhiều khi vì lịch sử hay chính trị mà chúng ta cứ vơ đũa cả nắm. Những người làm giáo dục ở VN chưa chắc đã là VC. Thêm nữa, như đã nói ở trên, cách phát âm bờ, cờ đờ, ở Mỹ người ta cũng xài và tôi không nghĩ là Mỹ sao chép cách phát âm này của VC.

Xin xác nhận một lần nữa tôi không phải là VC nhưng trong vấn đè phát âm chữ cái, nếu bờ, cờ là cách phát âm đúng thì chúng ta không nên tẩy chay.
22/02/201812:56:49
Khách
Nói tới đánh vần bờ cờ mới nhớ: các trung tâm dạy tiếng Việt ở Sydney, Úc đều dạy đánh vần bờ, cờ như Việt +
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,659,720
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến